BAE Systems của Anh nhận hợp đồng 4,82 tỷ USD đóng tàu ngầm hạt nhân cho dự án Aukus.
~3 minutes
Nguồn hình ảnh, BAE Systems
Chụp lại hình ảnh,
Hình vẽ mô phỏng tàu SSN-Aukus trong tương lai
Tập đoàn quốc phòng Anh BAE Systems vừa nhận được hợp đồng trị giá 3,95 tỷ bảng (4,82 tỷ USD) để đóng tàu ngầm nguyên tử cho Úc trong dự án Aukus.
Tháng 3 vừa qua, Hoa Kỳ, Anh và Úc công bố thêm chi tiết của hiệp ước Aukus, ký năm 2021, nhằm cung cấp tàu ngầm tấn công, chạy bằng động cơ hạt nhân cho Úc vào cuối thập niên 2030.
Theo thông báo của BAE Systems hôm Chủ Nhật vừa qua, họ sẽ thiết kết tàu ngầm thế hệ mới từ nay tới 2028, dùng động cơ nguyên tử của công ty Anh Rolls-Royce.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc thế hệ SSN-Aukus sẽ được đóng vào cuối thập niên này, và đưa vào sử dụng ở Úc vào khoảng cuối thập niên sau.
Tàu SSN-Aukus do Anh thiết kế và đóng tại xưởng ở Barrow-in-Furness, Cumbria, sẽ được dùng trong cả Hải quân Úc và Anh.
Mẫu thiết kế mới của Anh sẽ được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để đóng tàu ngầm hạt nhân trong tương lai.
Lợi cho cả Úc và Anh
Nhờ hợp đồng này, Rolls-Royce cũng nói sẽ tăng thêm đầu tư vào cơ sở của họ ở Raynesway, Derby để làm động cơ hạt nhân cho tàu Aukus.
Hợp đồng mới nhất này còn giúp Anh cải thiện, nâng cấp xưởng đóng tàu ở Cumbria, và tạo việc làm cho hơn 10 nghìn người tại chỗ, cùng khoảng 5 nghìn nữa trong các chuỗi cung ứng phụ trợ.
Hiện BAE hiện đang thuê 39.600 nhân viên ở Anh và 93 nghìn trên thế giới.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối hiệp ước Aukus, thỏa thuận lần đầu tiên cung cấp cho Úc tàu ngầm nguyên tử thuộc loại săn ngầm, 'tìm và diệt’ tàu mặt nước trong các trận chiến ngoài khơi.
Dù liên tục phê phán Hoa Kỳ cùng các đồng minh Phương Tây can thiệp vào các vùng biển gần Trung Quốc, về phía mình Bắc Kinh vẫn tăng cường sức mạnh hải quân.
Các báo quốc phòng cho hay năm nay, Hải quân Quân Giải phóng đã hạ thủy và đang chạy thử hàng không mẫu hạm Phúc Kiến, thuộc thế hệ 002, có bệ phóng chiến đấu cơ dùng cơ chế điện từ (electromagnetic catapult).
Đây là một bước tiến quan trọng trong công nghệ quân sự của Trung Quốc, so với hai sân bay/bệ phóng phi cơ dùng dây kéo hơi nước trên các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông.
Luân Đôn đầu tư 4 tỷ bảng Anh cho chương trình tàu ngầm AUKUS
Phan Minh
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Grant Shapps, hôm qua 01/10/2023, cho biết, Luân Đôn đã ký với công ty quân sự BAE Systems (BAES.L) một hợp đồng trị giá 4 tỷ bảng Anh (4,9 tỷ đô la) trong khuôn khổ thỏa thuận của liên minh AUKUS với Úc và Hoa Kỳ để chế tạo tàu ngầm tấn công.
Đăng ngày:
1 phút
Tổng thống Mỹ Joe Biden (G), thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) và thủ tướng Anh Rishi Sunak (P) tại căn cứ hải quân ở San Diego, California,Mỹ, ngày 13/03/2023.AP - Stefan Rousseau
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Grant Shapps, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, “khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ bảng này vào chương trình tàu ngầm AUKUS sẽ giúp sản xuất một loại tàu ngầm có khả năng ‘tìm và diệt’ mà Anh Quốc đang cần.”
BAE Systems cho biết việc sản xuất tàu ngầm sẽ bắt đầu được tiến hành vào cuối thập kỷ này và chiếc tàu SSN-AUKUS đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào cuối những năm 2030. Ngoài ra, hợp đồng này cũng tài trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của BAE Systems ở Barrow-in-Furness, miền tây bắc nước Anh, tạo ra thêm 5.000 việc làm.
Giám đốc điều hành BAE Systems, Charles Woodburn cho biết : “Khoản tài trợ này củng cố sự hỗ trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp tàu ngầm của Anh Quốc và cho phép chúng tôi hoàn thiện thiết kế, cũng như đầu tư vào các kỹ năng và cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ lâu dài an ninh quốc gia của Anh”.
Vào tháng 03/2023, Hoa Kỳ, Úc và Anh đã tiết lộ chi tiết kế hoạch của AUKUS cung cấp cho Canberra các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 2030 để chống lại tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Philippines và đồng minh tập trận hải quân giữa lúc căng thẳng ở châu Á-Thái Bình Dương
Reuters
~2 minutes
Hôm 2/10, các lực lượng từ Philippines, Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài hai tuần ở vùng biển Philippines như một màn “biểu dương lực lượng”, trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng, theo Reuters.
Với hơn 1.800 người tham gia, cuộc tập trận diễn ra tiếp theo động thái tuần trước của Bắc Kinh nhằm ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực biển có tranh chấp nhất ở châu Á, bãi cạn Scarborough, do Trung Quốc nắm giữ ở Biển Đông.
Hải quân Philippines cho biết cuộc tập trận “Sama Sama” năm nay được tổ chức ở phía nam đảo Luzon, bao gồm các cuộc tập trận hải quân trong các lĩnh vực như tác chiến chống tàu ngầm, phòng không và tìm kiếm cứu nạn.
Chuẩn Đô đốc Toribio Adaci, tư lệnh hải quân Philippines, phát biểu tại sự kiện khai mạc: “Với màn biểu dương lực lượng và sự tham gia tích cực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, ‘Sama Sama’ vượt xa các cuộc tập trận quân sự đơn thuần”.
“Đây là biểu tượng cho mối quan hệ đối tác lâu dài và cam kết chung của chúng ta đối với an ninh và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Trong bài phát biểu của mình, Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết: “Điều quan trọng là tất cả các quốc gia đều có quyền ra khơi và hoạt động ở Biển Tây Philippines, không… bị cưỡng ép, không bị dọa nạt”.
Biển Tây Philippine ở Biển Đông là khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Năm tàu, hai chiếc từ Hoa Kỳ và một chiếc từ Anh, Canada và Nhật Bản, đã tham gia cuộc tập trận do Philippines chủ trì kéo dài đến ngày 13/10.
Hải quân Australia, Pháp, Indonesia và New Zealand cũng tham gia bằng cách cử quan sát viên và chuyên gia tới.
(Yonhap) - Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ được công nhận là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc đã khẳng định như trên ngày 01/10/2023, đồng thời cảnh cáo rằng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ chỉ dẫn đến nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Seoul đã đưa ra nhận định này nhằm đáp lại tuyên bố của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui ngày hôm trước, cho rằng việc Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là hành vi thực thi chủ quyền hợp pháp.
(Reuters) - Một đường ống dẫn dầu ở miền Tây Ukraina bị vỡ gây ra hỏa hoạn lớn. Sự cố xảy ra ngày 30/09/2023 còn khiến cho 9 người bị thương, trong đó có 4 trẻ em. Theo thống đốc vùng Ivano-Frankivsk, đám cháy đã được khống chế và dầu đã ngừng thoát ra. Tuy nhiên, 4 người bị thương vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng.
(RFI) – Liên Hiệp Châu Âu: Luật đánh thuế carbon đối với hàng nhập khẩu bắt đầu được áp dụng. Kể từ hôm nay, 01/10/2023, với luật đánh thuế carbon, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu áp dụng giai đoạn thử nghiệm việc áp thuế phát thải carbon trên hàng nhập vào lãnh thổ Liên Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Bước đi hôm nay chỉ là giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, vì chỉ từ năm 2026, các công ty mới phải thực hiện. Do đó, từ ngày 1 tháng 10 năm 2023, các công ty chỉ phải khai báo nhập khẩu nguyên liệu thô gây ô nhiễm nhất. Sáu lĩnh vực được quan tâm: sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, hydro và điện.
(Kyodo News) - Ngoại trưởng Nhật Bản công du 4 nước Đông Nam Á từ ngày 08/10/2023. Chính phủ Nhật hôm 30/09/2023 thông báo ngoại trưởng Yoko Kamikawa sẽ thăm Brunei, Việt Nam, Lào và Thái Lan để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với khối ASEAN vào cuối năm nay. Bộ trưởng Kamikawa dự kiến sẽ xác nhận với các đồng nhiệm về tầm quan trọng của việc bảo đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đưa Ấn Độ - Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở. Lãnh đạo Nhật Bản và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á dự kiến họp từ ngay 16 đến 18/12/2023 tại Tokyo để kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác. Hồi đầu tháng 09, Nhật Bản và 10 thành viên khối ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và các lĩnh vực khác.
(AFP) - Thổ Nhĩ Kỳ : Tấn công tự sát tại trung tâm Ankara, vài giờ trước kỳ họp Quốc Hội mới, dự kiến thông qua việc Thụy Điển gia nhập NATO. Vụ tấn công tự sát xảy ra trước cổng Tổng Cục An Ninh, thuộc bộ Nội Vụ, tại một khu vực tập trung nhiều tòa nhà của các bộ. Theo bộ trưởng Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ, một trong hai « kẻ khủng bố » hôm 01/10/2023 đã kích hoạt thuốc nổ và bỏ mạng, người còn lại đã bị bắt. Hai cảnh sát đã bị thương. Viện công tố Ankara thông báo mở điều tra. Các cơ quan truyền thông, đặc biệt là đài truyền hình, nhận được yêu cầu ngưng phát hình ảnh ở nơi xảy ra vụ tấn công tự sát.
(Yonhap) - Bình Nhưỡng: Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Nga đóng vai trò là “pháo đài hùng mạnh” để gìn giữ hòa bình và ngăn chặn các mối đe dọa quân sự của các đế quốc. Trên đây là phát biểu hôm nay 01/10/2023 của thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Im Chon Il, được hãng tin Nhà nước KCNA đăng tải. Im Chon Il nhận định « sự thù địch bất công và thái quá của Hoa Kỳ đối với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Bắc Triều Tiên và Nga, cũng như nỗ lực can thiệp vào quan hệ của hai nước đã vượt quá lằn ranh đỏ ». Thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên chỉ trích việc Washington tạo cho thế giới một ấn tượng sai rằng sự hợp tác giữa Bắc Triều Tiên và Nga đặt ra « mối đe dọa » đối với « hòa bình và an ninh toàn cầu ».
(AFP) - Kế hoạch quản lý hóa chất trên thế giới được thông qua ngày 30/09/2023 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị lần thứ 5 về quản lý hóa chất diễn ra tại Bonn, Đức, trong tuần qua, với sự hiện diện của đại diện các chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, để đạt « một khung quốc tế mới về hóa chất » với 28 mục tiêu về quản lý vòng đời của các hóa chất, từ sản xuất đến xử lý rác thải. Liên Hiệp Quốc kêu gọi phòng chống thương mại trái phép và buôn lậu hóa chất và rác thải từ hóa chất, và kêu gọi từ nay đến năm 2035 ngưng sử dụng trong nông nghiệp các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ nguy hiểm.
(Reuters) - Thụy Sĩ: Hàng chục ngàn người biểu tình đòi hành động vì khí hậu ở thủ đô Bern. Đã có hơn 60.000 người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ ngày Thứ Bảy 30/09/2023 yêu cầu có chính sách cứng rắn hơn để chống lại biến đổi khí hậu. Những cuộc biểu tình lớn rất hiếm xảy ra ở Thụy Sĩ, do đó cuộc xuống đường tại Bern cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của công chúng đối với tốc độ hoạch định chính sách nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu mặc dù có nhiều bằng chứng về tác hại của nó.
***********
EU đang chuẩn bị các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine
Reuters
~2 minutes
Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết trong chuyến thăm Kyiv hôm 1/10 rằng Ukraine cần thêm viện trợ quân sự và ông hứa EU sẽ tiếp tục hỗ trợ.
“Ukraine cần [tăng cường] khả năng hơn và cần chúng nhanh hơn”, ông nói trong một tuyên bố đăng trên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter.
Ông cho biết ông đã thảo luận về "sự hỗ trợ quân sự tiếp diễn của EU" trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.
Ông Borrell nói thêm: “Chúng tôi đang chuẩn bị các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine”.
Ông Umerov, người được Tổng thống Volodymyr Zelenskyy bổ nhiệm và đã được quốc hội phê chuẩn vào ngày 6 tháng 9, đã cảm ơn ông Borrell trong một tuyên bố trên X vì đã “tiếp tục hỗ trợ” và cho biết cuộc gặp là “điểm khởi đầu cho sự hợp tác tuyệt vời”.
Ông cho biết rằng các cuộc thảo luận của họ về viện trợ quân sự của EU cho Ukraine bao gồm "đạn pháo, phòng không, EW và các chương trình hỗ trợ dài hạn, đào tạo và nội địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng" ở Ukraine. EW là viết tắt của chiến tranh điện tử.
Tuần này, Cơ quan Quốc phòng Châu Âu cho biết khi trả lời câu hỏi của Reuters rằng bảy nước EU đã đặt mua đạn dược theo kế hoạch mua sắm để chuyển đạn pháo cần thiết khẩn cấp cho Ukraine và bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt của phương Tây ********
Lần đầu tiên từ hơn 3 thập kỷ qua Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn đến Thượng Karabakh
Thùy Dương
Sáng hôm 01/10/2023, lần đầu tiên từ hơn 30 năm trở lại đây, phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến vùng Thượng Karabakh, nay do chính quyền Azerbaijan kiểm soát, trong khi tính đến hôm qua có đến hơn 100.000 cư dân Thượng Karabakh gốc Armenia trong tổng số 120.000 người, đã di tản sang Armenia vì sợ Baku « thanh lọc sắc tộc ».
Đăng ngày:
2 phút
Người tị nạn Armenia chờ đợi tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Goris, vùng Thượng Karabakh, để đi sơ tán, ngày 29/09/2023.AFP - ALAIN JOCARD
Theo AFP, một phát ngôn viên của phủ tổng thống Azerbaijan cho biết phái đoàn của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ đánh giá các nhu cầu trợ cấp nhân đạo tại chỗ.
Nhìn sang Armenia, cuối chiều hôm qua 30/09/2023, phe đối lập, vốn quy trách nhiệm cho thủ tướng Nikol Pachinian về việc để mất vùng Thượng Karabakh vào tay Azerbaijan, đã tập hợp được 3.000 người trước phủ thủ tướng ở Erevan, đòi ông Pachinian từ chức.
Từ Erevan, đặc phái viên Daniel Vallot gửi về bài phóng sự :
« Đối với những người ủng hộ phe đối lập, thủ tướng Nikol Pachinian phải chịu trách nhiệm về thất bại quân sự năm 2020 và việc để mất vùng Thượng Karabakh. Người đàn ông này là cư dân Erevan, ông tin rằng chính những quyết định của thủ tướng Nikol Pachinian, với danh nghĩa chống tham nhũng, đã làm suy yếu quân đội Armenia.
Ông nói : « Những vị tướng có uy tín nhất hoặc đã bị bắt hoặc bị cách chức ngay khi ông ấy (Nikol Pachinian) lên nắm quyền. Ông ấy đã phản bội quân đội. Không biết quý vị có để ý không, nhưng kể từ khi ông ấy lên nắm quyền điều hành đất nước, Armenia chỉ toàn gặp thất bại ».
Phe đối lập muốn thủ tướng Nikol Pachinian từ chức. Đây là quan điểm được các nhân vật phe đối lập thay nhau phát biểu. Nhưng trong đám đông, một số người đề xuất một giải pháp cực đoan hơn. Họ nói cần phải sử dụng mọi biện pháp, để loại bỏ thủ tướng. Một người nói : « Đúng, phải loại trừ ông ấy, thậm chí dùng vũ lực nếu cần. Chúng tôi không có giải pháp nào khác, phải loại bỏ ông ấy bởi vì chúng tôi không biết ông ấy có thể làm những gì ở hậu trường ».
Tuy nhiên, thủ tướng Nikol Pachinian vẫn có được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri, và phe đối lập còn xa mới có thể tính đến việc huy động được đông đảo những người ủng hộ ông.
Nhưng dẫu sao đi chăng nữa thì Armenia cũng đang bị choáng váng vì thất bại và mất đi vùng Thượng Karabakh. Đối với người dân, ưu tiên hiện nay là giúp đỡ những người tị nạn và đón tiếp họ trong những điều kiện tốt nhất có thể ».
Maldives : Ứng viên thân Trung Quốc, Mohamed Muizzu, đắc cử tổng thống
Thùy Dương
Ứng viên thân Trung Quốc, Mohamed Muizzu, đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống ở Maldives hôm thứ Bảy 30/09/2023, đánh bại vị tổng thống mãn nhiệm, Mohamed Solih, người đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ, đồng minh truyền thống của Maldives.
Đăng ngày:
2 phút
Ông Mohamed Muizzu, đắc cử tổng thống Maldives, ngày 30/09/2023, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Malé.AFP - MOHAMED AFRAH
AFP hôm nay 01/010/2023 trích dẫn kết quả của Ủy ban bầu cử Maldives, theo đó, ông Mohamed Muizzu, 45 tuổi, đô trưởng Malé, đã giành được 54,06% số phiếu bầu. Tổng thống mãn nhiệm, Mohamed Solih, 61 tuổi, đã ngay lập tức thừa nhận thất bại bằng cách gửi tin nhắn Twitter « chúc mừng » ông Mohamed Muizzu.
Chiến thắng của ông Mohamed Miuzzu được dự báo có thể thúc đẩy Maldives, với vị trí chiến lược quan trọng, xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Là điểm đến du lịch xa hoa, quần đảo Maldives ở Ấn Độ Dương cũng nằm trên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, tại khu vực mà Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng.
Đảng PPM của tổng thống tân cử, Mohamed Muizzu, đã đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh từ thời tổng thống Abdulla Yameen (nhiệm kỳ 2013-2018). Khi đó, ông Muizzu đã phụ trách một dự án xây cầu do Trung Quốc tài trợ, với chi phí 200 triệu đô la, nối thủ đô Maldives với sân bay chính của quần đảo này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, đảng của ông Muizzu thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình đòi giảm tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại đất nước Hồi giáo Maldives. Ông Muizzu công khai thông báo các dự án sẽ được triển khai ngả sang quỹ đạo của Bắc Kinh như thời chính phủ Yameen. Hồi năm ngoái, trong cuộc họp với các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Muizzu nói : « Chúng tôi rất nóng lòng trở lại lãnh đạo chính phủ vào năm 2023 (…) để viết nên một chương về quan hệ vững chắc giữa hai nươc chúng ta ».
Cựu Ngoại trưởng Ahmed Shaheed từng nhắc nhở là « tân tổng thống sẽ phải tìm được sự cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc », bởi không thể tồn tại mà không có Ấn Độ.
***********
Slovakia: Đảng thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội
Trọng Nghĩa
Theo kết quả kiểm phiếu gần như là đầy đủ, đảng dân túy Slovakia Smer-SD, phản đối viện trợ cho Ukraina, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào hôm qua 30/09/2023 ở Slovakia. Lãnh đạo đảng này cựu thủ tướng Robert Fico có nhiều triển vọng trở lại nắm quyền.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico (thứ hai từ trái qua) mừng chiến thắng của đảng Smer-SD trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 01/10/2023, tại Bratislava.AFP - TOMAS BENEDIKOVIC
Theo hãng tin Anh Reuters, kết quả của 99,98% phiếu đã kiểm cho thấy là đảng Smer-SD của ông Robert Fico đã giành được 22,94% phiếu bầu, dẫn trước đảng Tiến Bộ Slovakia thuộc cánh trung, chỉ được 17,96% cử tri ủng hộ. Về thứ ba là đảng trung tả Hlas, được 14,70% số phiếu.
Cựu thủ tướng cánh tả Robert Fico, người được tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ, nhờ đó đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp này. Nhưng không có đa số tuyệt đối, ông sẽ phải tìm đồng minh để thành công trong việc thành lập chính phủ.
Cuộc bỏ phiếu ở đất nước 5,4 triệu dân này, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, được coi là mang tính quyết định, để biết liệu Slovakia có thể tiếp tục con đường thân phương Tây hay hướng nhiều hơn về phía Nga.
Vào lúc Slovakia cho đến nay là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraina thì đảng Smer-SD theo chủ nghĩa dân túy, có thiện cảm nhiều hơn với nước Nga của Vladimir Putin và không giấu giếm ý định hủy bỏ các khoản viện trợ cho nước láng giềng đã bị Nga xâm lược từ tháng 2 năm 2022.
Theo thông tín viên RFI Alexis Rosenzweig, phụ trách khu vực, thì ông Robert Fico, người có nhiều triển vọng nhất để trở lại nắm quyền tại Slovakia, bị coi là một “Viktor Orban thứ hai”, thân thiện với Matxcơva và phản đối mọi viện trợ cho Kiev. Từ Praha, Thông tín viên RFI tường trình:
“Vào sáng hôm nay, Chủ Nhật, đài truyền hình Slovakia rốt cuộc đã công bố kết quả chúng cuộc của cuộc bầu cử. Bất chấp nhiều vụ tham nhũng khác nhau và tiếng tăm không mất tôt, ông Robert Fico vẫn là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.
Đây là một sự trở lại nắm quyền rất rõ nét đối với người đã lãnh đạo chính phủ Slovakia trong mười năm và đã khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đình chỉ mọi viện trợ quân sự cho láng giêng Ukraina, một nước bị ông tố cáo là đã kích động chiến tranh vào năm 2014 và không muốn thấy gia nhập NATO.
Để thành lập một liên minh chính phủ, ông Robert Fico và đảng Smer-SD có thể đặc biệt tin tưởng vào đảng cực hữu, đảng từng liên minh với ông trong quá khứ, điều đã khiến ông tạm thời bị loại ra khỏi Đảng Xã Hội Châu Âu.
Đối với nhiều nhà phân tích, ông Fico là một “Viktor Orban thứ hai”. Giống như thủ tướng Hungary, ông có lập trường còn hơn là thân thiện với Matxcơva.”
Thủ tướng Sunak: Hiện chưa có kế hoạch đưa binh sĩ Anh tới Ukraine
Reuters
2–3 minutes
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 1/10 nói rằng hiện chưa có kế hoạch triển khai ngay các giảng viên quân sự tới Ukraine, trái ngược với các bình luận được đưa tin của Bộ trưởng Quốc phòng rằng ông muốn bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine ở nước này.
Cho đến nay, Anh và các đồng minh vẫn tránh hiện diện quân sự chính thức ở Ukraine để giảm nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps, người được bổ nhiệm vào tháng trước, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Sunday Telegraph rằng ông muốn triển khai các huấn luyện viên quân sự tới Ukraine, bên cạnh việc huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine ở Anh hoặc các nước phương Tây khác.
Vài giờ sau khi cuộc phỏng vấn đó được đăng tải, ông Sunak cho biết hiện chưa có kế hoạch đưa quân đội Anh tới Ukraine ngay lập tức.
Ông Sunak nói với các phóng viên khi bắt đầu hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Manchester: “Điều mà Bộ trưởng Quốc phòng nói là có thể một ngày nào đó trong tương lai chúng tôi sẽ thực hiện một số hoạt động huấn luyện đó ở Ukraine”.
"Nhưng đó là vấn đề lâu dài, không phải ngay bây giờ. Sẽ không có binh sĩ Anh nào được cử đi chiến đấu trong cuộc xung đột hiện tại”, ông Sunak nói.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 1/10 nói rằng bất kỳ binh sĩ Anh nào huấn luyện quân đội Ukraine ở Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga.
Anh đã cung cấp các khóa huấn luyện quân sự kéo dài 5 tuần cho khoảng 20.000 người Ukraine trong năm qua và dự định sẽ đào tạo một số lượng tương tự trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Telegraph, ông Shapps cho biết có khả năng cung cấp các giảng viên quân sự ở Ukraine sau cuộc thảo luận hôm 29/9 với các chỉ huy quân đội Anh.
Ông Shapps nói thêm rằng ông hy vọng các công ty quốc phòng của Anh như BAE Systems sẽ tiến hành kế hoạch thành lập các nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine.
*************
Chiến sự tối 1.10: UAV tấn công nhiều vùng tại Nga, Ukraine; Moscow cảnh báo London, Berlin
Vi Trân
5–7 minutes
Nga, Ukraine đều bị tấn công
Nga phóng tên lửa từ Belgorod (Nga) sang Kharkiv (Ukraine) rạng sáng 1.10
AFP
Các quan chức Nga nói rằng nước này đã hứng chịu cuộc tấn công của nhiều UAV và bị pháo kích trong ngày 1.10, khiến 3 người bị thương và một sân bay phải chuyển hướng các chuyến bay.
Tỉnh trưởng Vasily Anokhin của vùng Smolensk ở miền tây Nga cho biết 5 UAV cánh cố định đã bị ngăn chặn bởi các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Bộ Quốc phòng. Vụ việc không làm ai bị thương, theo TASS.
Tại vùng Krasnodar ở miền nam, lực lượng phòng không cũng phá hủy một UAV tấn công vào sáng 1.10. Sân bay Sochi ở miền nam cũng phải tạm thời hạn chế các chuyến bay và 6 chuyến bị chuyển hướng sang nơi khác vào sáng 1.10.
Tại vùng Belgorod giáp Ukraine, 3 người bị thương ở ngôi chợ tại Shebekino do trúng pháo kích. Một người phụ nữ bị mảnh kim loại văng vào cổ trong khi 2 người đàn ông bị thương ở chân. Đạn pháo của Ukraine cũng làm hư hại 2 ngôi nhà và 2 tòa nhà hành chính nhưng không gây thương vong.
Quân nhân Ukraine lắp tên lửa vào trực thăng Mi-8 tại miền đông hôm 29.9
REUTERS
Ukraine chưa bình luận về những thông tin này.
Không quân Ukraine cùng ngày thông báo các hệ thống phòng không đã bắn hạ 16 trong số khoảng 30 UAV Nga phóng đến trong đêm. Các vụ tấn công xảy ra tại miền nam, đông nam và miền bắc.
Tỉnh Cherkasy ở miền trung cũng bị tấn công, phá hủy một cơ sở hạ tầng công nghiệp tại thành phố Uman. Tỉnh trưởng Ihor Taburets cho hay vụ tấn công gây cháy các nhà kho nơi ngũ cốc được cất trữ và làm một người bị thương. Các cơ sở dân sự và nhà kho tại tỉnh Mykolaiv ở miền nam và Dnipropetrovsk ở miền đông cũng bị thiệt hại.
Phía Nga không lập tức bình luận.
Hiện trường vụ tấn công tại Uman
REUTERS
Lính cứu hỏa dập đám cháy tại nhà kho ở Uman ngày 1.10
REUTERS
Nga cảnh báo ý định của Anh, Đức tại Ukraine
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps gợi ý rằng London đang cân nhắc điều tàu chiến đến biển Đen để thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine, đồng thời cân nhắc kế hoạch triển khai lực lượng quân sự tại Ukraine để huấn luyện cho binh sĩ nước này.
Đáp lại, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 1.10 cảnh báo binh sĩ Anh hiện diện tại Ukraine cho mục đích huấn luyện sẽ là mục tiêu hợp thức cho lực lượng Nga. "Họ sẽ bị hủy diệt không thương xót, không phải trên danh nghĩa lính đánh thuê, mà là chuyên gia người Anh của NATO", ông Medvedev viết trên Telegram, theo Reuters.
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Nga còn đe dọa tấn công các nhà máy của Đức nếu nước này cung cấp tên lửa để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann đã lên tiếng ủng hộ việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất cho Ukraine. Bà nói rằng tên lửa có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu quân sự tại bán đảo Crimea và lãnh thổ Nga.
"Họ nói rằng điều này phù hợp với luật quốc tế. Trong trường hợp đó, tấn công vào các nhà máy Đức, nơi những tên lửa này được chế tạo, cũng sẽ là điều hoàn toàn tuân thủ luật quốc tế. Những kẻ khờ khạo này đang tích cực đẩy chúng ta đến Thế chiến 3", ông Medvedev nói.
Thêm 5 tàu sắp cập cảng Ukraine
Tàu chở hàng rời khỏi cảng Chornomorsk của Ukraine ngày 1.10
REUTERS
Reuters ngày 1.10 dẫn dữ liệu của website hàng hải MarineTraffic cho biết 5 tàu chở hàng đang trên đường đến các cảng của Ukraine tại biển Đen trong hành lang xuất khẩu nông sản mới.
Trong ngày 1.10, 3 tàu hàng đã rời khỏi các cảng sau khi chất hàng. Theo thông tin trước đó của Phó thủ tướng Oleksandr Kubrakov, 3 tàu hàng đang đến cảng của Ukraine để xuất khẩu thực phẩm và thép. Các tàu này được cho là chở 127.000 tấn khối nông sản và quặng sắt đến Trung Quốc, Ai Cập và Tây Ban Nha.
Ở chiều ngược lại, 5 tàu khác đang tiến đến các cảng được xác định là Olga, Ida, Forza Doria, New Legacy và Danny Boy. Phó thủ tướng Kubrakov nói các tàu này sẽ chở 120.000 tấn ngũ cốc đến châu Phi và châu Âu.
Diễn biến chính trị bất lợi cho nguồn viện trợ của Ukraine
Ngày 30.9, quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhưng không bao gồm khoản viện trợ dành cho Ukraine. Nội dung này đã bị tách khỏi dự luật do sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Theo CNN, giới lãnh đạo đảng Dân chủ đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Ukraine và kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy giữ cam kết, sớm đệ trình dự luật riêng về viện trợ cho Kyiv.
Trong khi đó tại Slovakia, đảng SMER của cựu Thủ tướng Robert Fico, người có quan điểm thân Nga và phản đối Ukraine, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30.9.
Diễn biến này đặt ra nguy cơ đối với sự ủng hộ của Slovakia dành cho Ukraine bởi ông Fico đã cam kết sẽ chấm dứt ngay sự hỗ trợ quân sự của Slovakia cho Ukraine và hứa sẽ cản trở tham vọng gia nhập NATO của Kyiv.
Nga bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine
Reuters
~2 minutes
Nga hôm 1/10 cho biết rằng lực lượng phòng không đã bắn hạ 6 máy bay không người lái của Ukraine trên các khu vực của Nga và 2 tên lửa của Ukraine tại Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực Krasnodar nằm ở miền Nam vào khoảng 05:00 giờ sáng (giờ GMT).
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vào khoảng 06:00 GMT, Nga đã bắn hạ ba máy bay không người lái trên khu vực Smolensk ở miền Tây và vào lúc 07:00 GMT đã bắn hạ thêm hai chiếc nữa trong khu vực.
Bộ này cho biết: “Nỗ lực của chính quyền Kyiv nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng hai tên lửa chiến thuật Grom-2 đã bị ngăn chặn”.
Họ cho biết tên lửa đã bị bắn hạ trên khu vực Dzhankoi.
Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea được Nga hậu thuẫn, vùng đất đã được Nga sáp nhập vào năm 2014, cho biết không có thương vong.
Trong khi đó, các hệ thống phòng không của Ukraine đã bắn hạ 16 trong số khoảng 30 máy bay không người lái mà Nga triển khai trên lãnh thổ Ukraine vào ban đêm, Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hôm 1/10.
Lực lượng này cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng máy bay không người lái đã được triển khai từ các hướng nam, đông nam và bắc.
Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công đại sứ quán Cuba
Reuters
2–3 minutes
Triều Tiên hôm 1/10 cáo buộc Hoa Kỳ đã để cho một hành động "khủng bố" nhắm vào Cuba diễn ra trên đất Mỹ, đồng thời nói rằng cuộc tấn công gần đây nhắm vào đại sứ quán Cuba ở Washington là kết quả của ý định "chống Cuba đáng khinh bỉ" của Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Mỹ đã phớt lờ việc đảm bảo an toàn cho phái đoàn Cuba và chỉ muốn đưa các quốc gia mà họ không ưa, chẳng hạn như Cuba, vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.
Cùng với Cuba, Triều Tiên, Syria và Iran nằm trong danh sách này của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một kẻ tấn công đã ném 2 bom xăng vào đại sứ quán Cuba vào ngày 24 tháng 9. Không có ai bị thương và không có thiệt hại đáng kể.
Người phát ngôn Triều Tiên nói rằng vụ việc này là "một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng", đồng thời nói thêm rằng nó giống như vụ việc năm 2020 tại cùng đại sứ quán, khi có người dùng súng trường bắn vào tòa nhà.
Người phát ngôn không tên nói trong tuyên bố được hãng thông tấn chính thức KCNA đăng tải: “Điều này chứng tỏ rằng những sự cố nói trên được thực hiện rõ ràng với sự đồng lõa ngầm của chính quyền Hoa Kỳ”.
Chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ và truy tố một người đàn ông ngay sau vụ xả súng năm 2020.
Ông nói rằng Hoa Kỳ nên “thừa nhận trách nhiệm về không chỉ vụ việc gần đây mà còn về tất cả các vụ khủng bố trong quá khứ và điều tra sự thật của chúng để thể hiện sự chân thành của mình”, thay vì tập trung vào việc chỉ đích danh các quốc gia là nhà nước tài trợ cho khủng bố.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan từng nói rằng Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ vụ tấn công và các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ sẽ điều tra. Cơ quan Mật vụ cho biết không có ai bị giam giữ khi cuộc điều tra tiếp tục.
Đại sứ quán mở cửa trở lại vào năm 2015 khi Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao. Havana cho rằng việc Washington đưa Cuba vào danh sách khủng bố và duy trì lệnh cấm vận kinh tế thời Chiến tranh Lạnh là điều vô lý.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.