Đài Loan lo lắng về tình hình ‘vượt khỏi tầm tay’ với các cuộc tập trận của TQ
Reuters
~3 minutes
Tần suất dày đặc của các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan gần đây đã làm tăng nguy cơ xảy ra các sự kiện “vượt quá tầm kiểm soát” và châm ngòi một cuộc đụng độ vô tình, bộ trưởng quốc phòng của hòn đảo này nói ngày thứ Bảy.
Đài Loan cho biết hai tuần qua đã chứng kiến hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, máy bay ném bom và các loại máy bay khác cũng như tàu chiến và hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc hoạt động gần đó.
Trung Quốc, vốn coi Đài Loan được cai trị dân chủ là lãnh thổ của mình, trong những năm gần đây đã thực hiện nhiều cuộc tập trận như vậy quanh hòn đảo này nhằm tìm cách khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình và gây áp lực lên Đài Bắc.
Khi được các phóng viên hỏi bên lề viện lập pháp liệu có nguy cơ một sự cố vô tình sẽ gây ra xung đột rộng hơn do tần suất các hoạt động của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói: “Đây là điều chúng tôi rất lo lắng”.
Ông nói thêm các tàu chiến từ bộ chỉ huy quân khu phía nam và phía đông của Trung Quốc đã hoạt động cùng nhau ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan.
“Rủi ro từ các hoạt động liên quan đến máy bay, tàu thủy và vũ khí sẽ gia tăng và cả hai bên phải chú ý,” ông Khâu nói.
Trung Quốc chưa bình luận về cuộc tập trận quanh Đài Loan và bộ quốc phòng nước này cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Trung Quốc cho biết khi tàu Sơn Đông ra khơi, và Đài Loan loan tin lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 9, nó hoạt động với tư cách là "lực lượng đối lập" trong cuộc tập trận. Người phát ngôn của bộ Tôn Lập Phương nói thêm rằng lực lượng Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc là "lực lượng tấn công," mô phỏng một tình huống tác chiến.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc thường thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn từ tháng 7 đến tháng 9.
Hôm thứ Bảy, bộ cho biết Trung Quốc đã hủy bỏ phần lớn các cuộc tập trận, báo cáo rằng trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó, họ chỉ phát hiện hai máy bay Trung Quốc hoạt động trong vùng phòng không của nước này.
Đài Loan thường xuyên nói rằng họ sẽ giữ bình tĩnh và không làm tình hình leo thang, nhưng sẽ không cho phép "các hành động khiêu khích liên tục" từ Trung Quốc. Lực lượng của nước này cho đến nay vẫn chưa xâm phạm lãnh hải hoặc không phận của Đài Loan.
Ukraina tuyên bố “oanh kích thành công” vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga
Thanh Phương
Hôm qua, 22/09/2023, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một cuộc “oanh kích thành công” bằng tên lửa vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga ở thành phố Sebastopol, vùng Crimée, đồng thời khẳng định "các chỉ huy các cấp" của hải quân Nga đã bị hạ sát hoặc bị thương trong cuộc tấn công này.
Từ thủ đô Kiev, thông tín viên Pierre Alonso tường trình:
"Sau khi đã phá hủy một tàu ngầm đang neo đậu ở bến cảng, rồi phá hủy một trung tâm chỉ huy, lực lượng Ukraina hôm qua đã đánh trúng tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sebastopol.
Cách đây vài tuần, các cuộc tấn công vào vùng Crimée còn hiếm hoi nhưng nay diễn ra gần như mỗi ngày và Kiev không còn ngần ngại lên tiếng nhận trách nhiệm. Hôm qua, quân đội Ukraina đã khen ngợi “một cuộc oanh kích thành công”. Tư lệnh không quân Ukraina nhắc lại: “ Chúng tôi đã hứa là sẽ còn những cuộc tấn công khác”.
Các vụ oanh kích vào sâu trong lãnh thổ Nga là nhằm gây tác động tâm lý, để cho thấy Crimée sẽ là mục tiêu tái chiếm của Ukraina. Các vụ oanh kích này giáng những đòn nặng vào hải quân Nga hiện đang phong tỏa hàng hải khiến Kiev không thể xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài ra, khi oanh kích như vậy, Ukraina làm suy yếu khả năng tấn công của quân đội Nga, vốn vẫn bắn các tên lửa vào toàn bộ lãnh thổ Ukraina từ vùng Hắc Hải.
Đòn đánh ngoạn mục hôm qua khiến chính quyền Ukraina vui mừng. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia của Ukraina đề nghị hạm đội Nga chọn tương lai cho mình: hoặc bị đánh chìm, hoặc bị vô hiệu hóa bằng vũ lực. Đồng thời họ dọa sẽ cắt hạm đội thành từng mảnh".
Cũng hôm qua, một cố vấn của lãnh đạo do Nga bổ nhiệm của vùng Crimée cho biết vùng này đã bị một cuộc tấn công tin học “chưa từng có” nhắm vào các công ty dịch vụ kết nối Internet, khiến mạng bị gián đoạn. Nhưng viên cố vấn này không nói rõ là cuộc tấn công tin học đó có liên quan trực tiếp với các vụ oanh kích vào vùng Crimée hay không.
Theo hãng tin AFP, hôm nay, lãnh đạo thành phố Sebastopol cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công mới bằng tên lửa vào thành phố này.
Truyền thông Mỹ: Washington cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Kyiv
3–4 minutes
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã yêu cầu được cung cấp ATACMS để giúp tấn công và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Nga
Tác giả, Jaroslav Lukiv
Vai trò, BBC News
Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa tiên tiến để hỗ trợ cho cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv, truyền thông Mỹ đưa tin.
Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết Ukraine sẽ nhận được một số Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km.
Loại vũ khí này sẽ cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến.
Ít nhất một tên lửa của Ukraine đã bắn trúng trụ sở hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea hôm 22/9.
Một nguồn tin trong quân đội Ukraine nói với BBC rằng cuộc tấn công vào cảng Sevastopol được thực hiện bởi tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp, nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ khí Phương Tây đối với Kyiv.
Những tên lửa này có tầm bắn chỉ hơn 240 km.
NBC News và The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Biden đã nói với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kyiv sẽ nhận được "một số lượng nhỏ" tên lửa ATACMS. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Nhà Trắng hôm 21/9.
WSJ cho biết thêm rằng các tên lửa sẽ được gửi đi trong những tuần tới.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời một số nhân vật quen mặt với các cuộc thảo luận nói rằng Ukraine sẽ trang bị ATACMS bằng bom chùm thay vì một đầu đạn đơn lẻ.
Cả Mỹ và Ukraine đều chưa chính thức xác nhận thông tin trên truyền thông Mỹ.
Sau cuộc đàm phán giữa ông Biden và ông Zelensky, Washington đã công bố một khoản viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD - bao gồm pháo binh và đạn dược - cho Ukraine. Xe tăng Abrams của Mỹ sẽ được chuyển đến Kyiv vào tuần tới.
Tuy nhiên, cả hai tổng thống đều lảng tránh vấn đề ATACMS.
“Tôi tin rằng hầu hết những gì chúng tôi đã thảo luận với Tổng thống Biden ngày hôm qua… chúng tôi sẽ có thể đạt được thỏa thuận,” ông Zelensky nói hôm 22/9 trong chuyến thăm Canada.
"Đúng, [đây là] vấn đề thời gian. Không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào Ukraine," ông Zelensky nói thêm.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã đề nghị được cung cấp tên lửa ATACMS nhằm tăng cường cho cuộc phản công gay gắt và đẫm máu ở phía nam.
Ukraine cho biết các tuyến tiếp tế quan trọng của Nga, các vị trí chỉ huy và các trung tâm hậu cần khác nằm sâu phía sau chiến tuyến khi đó sẽ nằm trong khoảng cách tấn công của loại tên lửa này, buộc Moscow phải di chuyển chúng ra xa hơn và do đó khiến việc tiếp tế quân đội và vũ khí trở nên khó khăn hơn.
Họ cũng cho biết các vị trí của Nga ở các khu vực bị chiếm đóng ở phía nam Ukraine - bao gồm cả Crimea - sẽ đặc biệt dễ bị tổn hại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 và chính quyền Biden ban đầu do dự trong việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí hiện đại.
Nhưng lập trường của nước này kể từ đó đã thay đổi đáng kể, với việc Kyiv có được hệ thống tên lửa tầm xa Himars có độ chính xác cao và tên lửa phòng không Patriot.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn do dự về việc chuyển giao ATACMS, trong bối cảnh lo ngại rằng những tên lửa như vậy có thể khiến một cuộc đụng độ trực tiếp có vũ khí hạt nhân với Nga đến gần hơn.
Sau 19 tháng chiến tranh Ukraina, quân đội Nga đã xác định được ít nhất 4 nhược điểm của mình trên chiến trường và một số bất cập trong học thuyết quân sự. Cái may đối với Nga là quân đội nước này dù vậy có khả năng « thích ứng khá nhanh ». Trên đây là một số điểm chính trong nghiên cứu được chuyên gia về chiến lược của Nga Dimitri Minic, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho công bố ngày 22/09/2023.
Đăng ngày:
7 phút
Tướng Sergei Surovikin (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu (G) trong chuyến thăm bộ tham mưu liên quân ngày 17/12/2022 tại một địa điểm không được xác định. AP - Gavriil Grigorov
Trong bài viết mang tựa đề « Que pense l’armée russe de sa guerre en Ukraine ? Critiques, recommandations, adaptations - Quân đội Nga nghĩ gì về cuộc chiến của họ ở Ukraina ? Những phê bình, khuyến nghị, thích ứng », tác giả đã căn cứ vào những thông tin trực tiếp của bên quân đội Nga, đặc biệt là từ tạp chí khoa học quân sự Voennaâ Mysl – Tư tưởng quân sự của Nga.
Khả năng răn đe bất cập và thiếu chuẩn bị
Chiến dịch quân sự đặc biệt mà tổng thống Vladimir Putin khởi động đã bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên tại Matxcơva ở thượng tầng guồng máy quân sự, mọi người có chung một quan điểm : « Chiến dịch này là một hậu quả từ sự chống đối triệt để của phương Tây nhắm vào nước Nga ». Trong phần mở đầu Dimitri Minic nhắc lại « Từ tháng 2/2022, quân đội Nga đã bình luận và rút ra nhiều bài học từ chiến tranh Ukraina ». Vậy những bài học đó là gì ?
Bài học đầu tiên theo tác giả bài nghiên cứu là sự « thiếu chuẩn bị từ ở « thượng nguồn ». Quyết định đã được đưa ra mà không tuân thủ một nguyên tắc từng được ghi rõ trong học thuyết quân sự của Nga từ 2014. Nguyên tắc đó là « Huy động và triển khai quân đến những vùng biên giới bị đe dọa không thôi chưa đủ », mà còn phải « áp dụng luôn cả những biện pháp phi quân sự một cách hiệu quả ».
Các biện pháp « phi quân sự » đó gồm nhiều lĩnh vực : « tâm lý, kinh tế, một sự cân bằng nào đó về mặt chính trị và ngoại giao ». Quân đội Nga cũng đã có những thiếu sót trong việc thu thập thông tin tình báo hay « thiếu hiểu biết và kém cỏi trong khả năng cập nhật tình hình (…) xác định những đối tượng và hoạt động nguy hiểm » đối với các quân nhân Nga. Tất cả những sơ xuất ban đầu đó đã dẫn tới những tác động tai hại như là « lãng phí các nguồn lực cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa » nhắm vào quân nhân Nga.
Một ông khổng lồ « cứng nhắc »
Bài học thứ nhì là quân Nga đã thấy rõ những nhược điểm của mình. Dimitri Minic nêu lên bốn điểm khiến giới tướng lĩnh Nga lo lắng : 1- « lãng phí », 2- khả năng nghèo nàn về người và của cần thiết cho cỗ máy chiến tranh, 3- « khó khăn trong việc huy động các nguồn lực », và 4- « một phần lớn quân Nga không được đào tạo để sử dụng những trang thiết bị đời mới » hay số này quá ít và đã chóng bị việt vị ngay từ những tuần lễ đầu cuộc chiến.
Ngoài ra trrên trận địa, phía Nga vấp phải hai khó khăn khác đó là là sự kém cỏi về các phương tiện tình báo hay chỉ đơn giản như việc có được bản đồ « chính xác » và « được cập nhật » để tiến hành các đợt tấn công. Điểm yếu thứ hai liên quan đến « đội hình » của Nga : ra trận, chỉ huy Nga chủ trương lấy số đông áp đảo đối phương. Các đoàn quân hùng hậu của Nga tiến vào lãnh thổ Ukraina đã chóng nhận thấy rằng họ là một ông khổng lồ di chuyển chậm chạp và dễ trở thành những con mồi cho đối phương. Tác giả bài nghiên cứu nhắc lại tại Irpine, gần thủ đô Kiev, hàng chục xe vận tải của của đoàn quân Nga đã bị dễ dàng bị tên lửa, đạn pháo của Ukraina tiêu hủy. Cũng ông « khổng lồ » di chuyển chậm chạp đó đã khiến chiến dịch chiếm đóng Kiev thất bại ngay những ngày đầu tháng 3/2022.
Khả năng « nhanh chóng thích ứng với tình huống »
Dimitri Minic ghi nhận, bên cạnh rất nhiều những « lỗ hổng » từ ở khâu chuẩn bị, đến tổ chức, chiến thuật … Nga có một điểm mạnh đó là « khả năng thích ứng với tình huống khá nhanh ».
Chỉ sau vài tuần đối mặt với thực tế trên trận địa, cũng ngay từ tháng 3/2022, giới chỉ huy đã « xé lẻ » những đoàn quân hùng hậu đó thành những binh đoàn nhỏ hơn, uyển chuyển hơn, dễ di động hơn. Tính toán đó đã « khá thành công ở Kherson ». Phía Nga cũng đã không còn xem thường khả năng chiến đấu hay dám khinh thường những « phương tiện nghèo nàn » của đối phương. Thí dụ thứ nhì cho thấy khả năng « thích ứng » của bên quân đội Nga rất lợi hại liên quan đến các đơn vị pháo binh. Bộ phận này « chóng nhận ra rằng, một trong những vấn đề lớn của họ » là bắn không chính xác và do vậy họ đã nhanh chóng chuyển sang « sản xuất vũ khí với độ bắn chính xác cao ».
Về công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại, Nga đã sớm nhận thấy không đủ sức đối chọi với vũ khí đời mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraina. Nga không có khả năng bắn chận tên lửa Himars của Mỹ trang bị cho Ukraina nên đã khôn ngoan « lùi căn cứ hậu cần về phía sau, ngoài tầm bắn » của Himars. Chuyên gia Dimitri Minic ghi nhận, trong vài tháng, « đạn pháo và độ bắn chính xác để có hiệu quả cao nhất đã trở thành một vấn đề trung tâm » của quân đội Nga.
Liên quan đến drone, theo chuyên gia của viện IFRI : drone của Ukraina « là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại của các đoàn quân hùng hậu Nga tiến vào Kiev một tuần lễ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ». Drone của Ukraina đã « giữ chân » xe tăng, thiết giáp và quân Nga trước khi trở thành vũ khí tấn công vào các trung tâm hậu cần của đối phương ».
Dimitri Minic không phủ nhận tính lợi hại của các loại drone Nga như Bezencev, Polakov hay Tumako… nhưng « họ có quá ít để thi hành nhiệm vụ » . Song Matxcơva đã khắc phục nhược điểm này. Từ tháng 1/2023 đội ngũ drone của Nga có thêm loại Orlan-30.
Ba nỗi lo
Trong phần kết luận nhà nghiên cứu Dimitri Minic nhận xét : quân đội Nga có cái nhìn « phê phán » về chiến tranh do chính họ đang tiến hành và nhiều người « bi quan » về những bước sắp tới trong cuộc chiến tại Ukraina.
Tác giả ngạc nhiên khi thấy bên quân đội Nga tương đối dễ dàng nhìn nhận những « yếu kém và giới hạn » của mình so với lực lượng của Ukraina.
Một điều bất ngờ khác được ông Minic ghi nhận, « trong hàng ngũ quân đội, có một không gian tự do tương đối », để nói lên sự thật về những điểm bất cập trong chiến lược phòng thủ, trong học thuyết quân sự hay về tiềm lực thực sự của Nga. Chính nhờ có một chút tự do đó cho nên tiếng nói của một số viên tướng Nga đã xuyên thủng một bức màn vô hình, vươn đến chính giới ở Matxcơva.
Dù vậy ở thượng tầng cỗ máy chiến tranh Nga, hiện đang có một số lo ngại : trước hết là toàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kế tới là khả năng có hạn của guồng máy công nghiệp quân sự của Nga. Khúc mắc thứ ba là hiện tượng « chảy máu chất xám ». Theo tác giả bài nghiên cứu trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Dimitri Minic, qua các phát biểu chính thức, giới tướng lĩnh Nga ít khi dám lạc quan về hồi kết tốt đẹp cho nước Nga trong cuộc chiến hiện nay.
Pháp : Giáo hoàng đến Marseille để bế mạc “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”
Trọng Nghĩa
Theo chương trình dự kiến, đức giáo hoàng Phanxicô đến Marseille vào chiều nay, 22/09/2023 để bế mạc sự kiện “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải” được tổ chức tại thành phố này ở miền Nam nước Pháp. Trong bối cảnh có nhiều sự kiện lớn diễn ra ở Pháp và Marseille, an ninh đã được tăng cường tối đa tại Marseille để bảo vệ chuyến thăm được rất nhiều người mong đợi.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của giáo hoàng Phanxicô đến Marseille. Ngài sẽ được đích thân thủ tướng Elisabeth Borne tiếp đón trước khi đến nhà thờ Notre-Dame-de-la Garde nổi tiếng của Marseille, tham gia buổi cầu nguyện cùng với hàng trăm quan khách, hầu hết là đại diên các tôn giáo. Sau đó, đức giáo hoàng sẽ đến bày tỏ lòng kính trọng trước tấm bia tưởng niệm các thủy thủ và người di cư đã chết trên biển, trước khi có bài phát biểu tưởng nhớ những người đã chết ở Địa Trung Hải.
Sau ngày đầu tiên dành cho vấn đề di cư, ngày mai là lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo sẽ gặp gỡ giáo dân trên chiếc Papamobile, sau đó cử hành một thánh lễ khổng lồ tại sân vận động Velodrome ở Marseille, dự kiến sẽ có gần 60.000 người tham dự.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Marseille, bầu không khí háo hức chờ đón đức giáo hoàng càng lúc càng tăng, với khoảng 100.000 tín đồ từ khắp nơi đổ về thành phố trong hai ngày hôm nay và ngày mai.
Trong bối cảnh Cúp Bóng Bầu Dục Thế Giới đang diễn ra tại Pháp, cùng với chuyến thăm gần như là đồng thời của nhà vua Anh Charles III, an ninh đã được tăng cường đáng kể nhằm đề phòng khủng bố hay sự cố.
Trong hai ngày giáo hoàng ở Marseille, có đến 5.000 cảnh sát và hiến binh được huy động, chưa kể đến một nghìn nhân viên an ninh tư nhân. Thêm vào đó là việc lực lượng không quân kiểm tra thường xuyên các máy bay trong suốt chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
TT Ukraina được chính quyền Mỹ cam kết giúp đỡ, nhưng gặp “khó khăn” tại Hạ Viện
Trọng Nghĩa
Sau chặng dừng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ghé thủ đô Washington hôm 21/09/2023 trong khuôn khổ một chuyến thăm thứ hai kể từ khi Ukraina bị Nga xâm lược. Tuy nhiên, trái với lần công du thứ nhất vào tháng 12 năm 2022, khi ông được nhiệt liệt hoan nghênh, lần này, nguyên thủ Ukraina đã phải ra sức thuyết phục đồng minh tiếp tục giúp đỡ, đặc biệt là vận động Hạ Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Đăng ngày:
4 phút
Tổng thống Ukraina, V. Zelensky (giữa) tại trụ sở Quốc Hội Mỹ, điện Capitol- thủ đô Washington. Ảnh ngày 21/09/2023.AP - Mark Schiefelbein
Tổng thống Ukraina vẫn được đồng nhiệm Mỹ đón tiếp một cách trọng thể tại Nhà Trắng, với thảm đỏ, cờ xí và đội quân danh dự. Tổng thống Joe Biden nhân dịp này đã tái khẳng định với ông Zelensky quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ Ukraina đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Trước khi đến Nhà Trắng, tổng thống Ukraina cũng đã tiếp xúc với giới lãnh đạo quân sự Mỹ tại Lầu Năm Góc, và nhất là ghé điện Capitol, nơi đặt trụ sở của Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ. Trái với bầu không khí cách nay gần một năm, lần này ông Zelensky được tiếp đón kém nồng nhiệt hơn, đặc biệt là từ phía một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa chủ trương đình chỉ ngay lập tức các khoản viện trợ cho Ukraina.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng Hòa đã từ chối yêu cầu của tổng thống Zelenky muốn được phát biểu trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, cũng không tháp tùng theo tổng thống Zelensky lúc đến điện Capitol. Ngày 19/09 vừa qua, ông McCarthy còn tuyên bố rằng sẽ yêu cầu vị khách mời “giải trình về các món tiền mà Mỹ đã chi ra” cho Ukraina.
Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình:
“Vào tháng 12 năm ngoái, Volodymyr Zelensky đã được chào đón như một anh hùng tại Washington. Lập trường ủng hộ của Mỹ đối với Ukraina sau cuộc xâm lược của Nga là điều không thể chối cãi. Đối với tổng thống Joe Biden, lập trường nói trên không thay đổi và ông đã nhắc lại điều đó khi tiếp đồng nhiệm Ukraina tại Nhà Trắng :
“575 ngày sau, chúng tôi vẫn sát cánh cùng Ukraina và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng ngài, thưa tổng thống. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất tự hào khi được đồng hành cùng ngài. Thưa tổng thống, chúng tôi ủng hộ ngài và chúng tôi tiếp tục ủng hộ ngài.”
Nhân cơ hội này, tổng thống Joe Biden đã loan báo một đợt viện trợ quân sự mới trị giá hơn 300 triệu đô la bao gồm phương tiện phòng không và đạn dược. Những chiếc xe tăng Abrams đầu tiên sẽ đến Ukraina trong những ngày tới nhưng vẫn chưa có tên lửa tầm xa mà ông Zelensky mong muốn.
Điều đó tuy nhiên không ngăn cản tổng thống Ukraina bày tỏ lòng biết ơn của mình. Ông nói nguyên văn như sau: “Tôi cảm ơn Hoa Kỳ và ngài tổng thống về đợt viện trợ mới để bảo vệ Ukraina, một gói viện trợ rất quan trọng. Xin cảm ơn rất nhiều và gói viện trợ này có đầy đủ những gì binh lính của chúng tôi hiện đang cần”
Trước khi đến Nhà Trắng, Volodymyr Zelensky đã trải qua nhiều tiếng đồng hồ tại Quốc Hội Mỹ. Lần này không còn sự chào đón huy hoàng, không có bài phát biểu trang trọng trước các nghị sĩ. Đây là quyết định của chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy dưới sức ép của cánh hữu trong đảng Cộng Hòa muốn đặt lại vấn đề viện trợ cho Ukraina.
Trước thái độ này, ông Zelensky lập luận: “Nếu không được giúp đỡ, chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến”.
Zelensky bất ngờ thăm Canada
Sau chuyến thăm Washington, tổng thống Ukraina đã đến Ottawa, thủ đô Canada vào tối qua, và ông đã được thủ tướng Justin Trudeau chào đón. Trong một thông cáo báo chí, thủ tướng Canada hứa rằng Canada, quốc gia có cộng đồng người Ukraina hải ngoại lớn thứ hai trên thế giới, sẽ hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga “chừng nào còn cần thiết”.
***********
Biển Đông: Philippines có thể kiện Trung Quốc “phá hủy” san hô
Trọng Nghĩa
Philippines ngày 21/09/2023 cho biết đang xem xét các phương án pháp lý kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế về việc phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Manila, xem đấy là một thủ đoạn nhằm “tạo ra kịch tính chính trị”.
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Philippines tối qua xác nhận việc đang chờ đánh giá từ nhiều cơ quan khác nhau về mức độ thiệt hại môi trường ở rạn san hô Iroquois thuộc quần đảo Trường Sa và sẽ được Tổng Công Tố Philippines Menardo Guevarra hướng dẫn.
Phát biểu vào hôm nay, ông Guevarra cho biết là Philippines đang nghiên cứu khả năng nộp đơn kiện thứ hai lên Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan). Tại cơ chế này, Philippines đã thắng được một vụ kiện Trung Quốc khởi động vào năm 2013, phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.
Trả lời hãng Reuters, tổng công tố Philippines nói rõ là khả năng khởi kiện Trung Quốc lần này không chỉ xuất phát từ các hành vi phá hủy các rạn san hô mà còn từ các sự cố khác và tình hình chung ở Biển Đông. Ông đồng thời cho biết thêm rằng một báo cáo và khuyến nghị sẽ được gửi lên tổng thống Ferdinand Marcos Jr và bộ Ngoại Giao.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố “sẵn sàng đóng góp cho nỗ lực này” và cho rằng “các quốc gia đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của Philippines cũng có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn môi trường biển của chúng tôi”.
Rạn san hô Iroquois nằm gần Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines hy vọng một ngày nào đó sẽ có thẻ khai thác trữ lượng khí đốt, một kế hoạch đang gặp trở ngại vì các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có khu vực này.
Trung Quốc, nước đã từ chối công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực theo đó các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý, dĩ nhiên đã bác bỏ những cáo buộc về việc họ đã phá hủy các rạn san hô.
Tối hôm qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh “kêu gọi các bên liên quan tại Philippines ngừng “bịa ra một vở kịch chính trị”.
Theo Reuters, hồi đầu tuần, Tuần Duyên và Quân Đội Philippines đã báo cáo về những “thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường biển và san hô” tại rạn san hô Iroquois, nơi đã có 33 tàu Trung Quốc neo đậu trong tháng 8 và tháng 9.
Theo bản báo cáo, các chiếc tàu Trung Quốc là tàu đánh cá, nhưng thực ra là tàu của lực lượng dân quân biển, đã nạo vét san hô, mang về làm đá vôi, vật liệu xây dựng, các loại thuốc truyền thống và thậm chí cả đồ lưu niệm và trang sức.
TT Biden nói với TT Zelenskyy: Mỹ sẽ gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine
Reuters
~2 minutes
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng Washington sẽ cung cấp cho Kyiv tên lửa tầm xa ATACMS, NBC News đưa tin hôm thứ Sáu (22/9), dẫn lời ba quan chức Mỹ và một quan chức quốc hội.
Kiev đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Biden cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) để giúp tấn công và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế, căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt trên lãnh thổ Nga chiếm đóng.
Nhưng Nhà Trắng không tiết lộ bất kỳ quyết định nào về ATACMS khi ông Zelenskyy đến thăm Washington hôm thứ Năm để họp với ông Biden, ngay cả khi họ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Kiev.
Lầu Năm Góc không trả lời ngay yêu cầu bình luận từ Reuters.
Reuters trước đó đưa tin chính quyền Biden đang xem xét cung cấp ATACMS, loại tên lửa có thể bay tới 190 dặm (306 km), cho Ukraine.
Trang web của Quân đội Hoa Kỳ cho biết ATACMS được thiết kế để “tấn công sâu vào lực lượng thứ cấp của kẻ thù” và có thể được sử dụng để tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, hệ thống phòng không và các cơ sở hậu cần ở phía sau chiến tuyến.
Ông Biden hôm thứ Năm đảm bảo với ông Zelenskyy rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ cho cuộc chiến của Ukraine chống quân xâm lược Nga sẽ được duy trì, bất chấp sự phản đối của một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa trong việc gửi thêm hàng tỷ đô la viện trợ.
Ông Zelenskyy hôm thứ Năm đã cảm ơn ông Biden về gói vũ khí mới nhất, bao gồm cả hệ thống phòng không, nói rằng “có được chính xác những gì binh sĩ của chúng tôi đang cần bây giờ”.
Mỹ tin Ba Lan vẫn là đồng minh thân cận của Ukraine dù Warsaw nói ngừng cấp vũ khí cho Kyiv
VOA News
4–5 minutes
Washington hôm 21/9 khẳng định Ba Lan vẫn là đồng minh thân cận của Ukraine, sau khi Warsaw tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Kyiv nữa trong bối cảnh tranh cãi đôi bên leo thang về thực phẩm nhập khẩu.
Tại cuộc họp báo hôm 21/9, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói:
“Khi tôi đọc các tin hàng đầu sáng nay, tất nhiên tôi rất lo lắng và có thắc mắc. Nhưng sau đó tôi đã thấy phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan đứng ra làm rõ rằng trên thực tế việc Ba Lan cung cấp thiết bị, bao gồm cả những thứ như pháo Howitzer do Ba Lan sản xuất, vẫn đang tiếp tục và Ba Lan tiếp tục đứng sau Ukraine”, ông Sullivan nói.
Chuyển giao vũ khí
Khi được hỏi hôm 20/9 về sự hỗ trợ của đất nước ông dành cho Kyiv, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng sẽ không có vũ khí mới nào được gửi đến Ukraine.
Ông nói với tờ Polsat News của Ba Lan: “Chúng tôi không còn chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang tự trang bị cho mình những loại vũ khí hiện đại nhất”.
Warsaw sau đó làm rõ rằng họ đang tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược theo thỏa thuận giao hàng trước đó.
Ba Lan cho đến nay vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022. Ba Lan đã tiếp nhận khoảng 1,6 triệu người tị nạn và cung cấp cho Kyiv sự hỗ trợ quân sự đáng kể, bao gồm cả xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và xe tăng T-72 thời Liên Xô, cùng với máy bay chiến đấu MiG-29.
“Ba Lan là một trong những ủng hộ viên lớn nhất của Ukraine xét về mặt tạo ra sự hậu thuẫn để cung cấp các nền tảng vũ khí rủi ro hơn - thúc đẩy người Đức và nói rằng họ sẽ cung cấp xe tăng để thúc đẩy Đức và Anh, và cũng là cách tương tự đối với máy bay chiến đấu”, ông Patrick Bury, nhà phân tích an ninh tại Đại học Bath của Anh, cho biết.
Leo thang
Ông Marcin Zaborowski, giám đốc chính sách của Chương trình An ninh Tương lai tại GLOBSEC, một nhóm nghiên cứu ở Bratislava, cho biết thời điểm và giọng điệu trong lời nói của ông Morawiecki khiến nhiều đồng minh của Ba Lan ngạc nhiên.
“Tôi thấy mức độ leo thang cao. Theo tôi, tuyên bố về việc ngừng cung cấp vũ khí mới cho Ukraine là hoàn toàn không cần thiết và nó gây tiếng vang rất tiêu cực trên thế giới”, ông Zaborowski nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc bầu cử Ba Lan dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 đang làm căng thẳng thêm trầm trọng.
“Điều mà một công dân Ukraine bình thường sẽ nghe thấy là người Ba Lan ngừng giúp đỡ. Tất nhiên, người ta hy vọng rằng ngôn từ này sẽ bị đảo ngược sau cuộc bầu cử, nhưng một số niềm tin chung, được xây dựng trong những tháng gần đây, sẽ bị hoen ố nghiêm trọng.”
Nhập khẩu ngũ cốc
Tranh chấp bắt đầu sau khi Ba Lan, Hungary và Slovakia áp đặt lệnh cấm đơn phương đối với việc nhập khẩu một số thực phẩm của Ukraine vào tuần trước, sau khi các hạn chế tạm thời của Liên hiệp châu Âu hết hạn.
Các quốc gia châu Âu giáp ranh với Ukraine đã cung cấp một tuyến đường thay thế quan trọng cho thị trường toàn cầu của Ukraine trong lúc cuộc xâm lược của Nga đã cắt đứt nhiều tuyến đường qua Biển Đen. Tuy nhiên, một số quốc gia láng giềng khẳng định hàng nhập khẩu của Ukraine không được vận chuyển qua châu Âu mà thay vào đó được bán trên thị trường địa phương và làm hạ giá nông sản của họ.
Ukraine ngay lập tức nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với các đại biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc hôm 19/9 rằng “thật đáng báo động khi thấy một số người ở châu Âu… đang giúp dàn dựng sân khấu cho một diễn viên Moscow”.
Đại sứ được triệu tập
Ba Lan đã triệu tập đại sứ Ukraine sau bình luận của ông Zelenskyy. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ví Ukraine như một người đang chết đuối.
Ông Duda nói với các phóng viên hôm 19/9: “Tất nhiên, chúng tôi phải hành động theo cách để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn hại bởi người đang chết đuối, bởi vì một khi người đang chết đuối làm tổn thương chúng tôi, họ sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào từ chúng tôi”.
Cả hai bên dường như đang cố gắng giảm leo thang tranh chấp vào ngày 21/9. Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine cho biết ông đã đồng ý với người đồng cấp Ba Lan để tìm ra giải pháp cho tranh chấp thương mại. Kyiv cũng đồng ý cấp phép xuất khẩu ngũ cốc sang Slovakia.
Ông Bury cho rằng Nga đang chứng kiến chia rẽ trong sự thống nhất của phương Tây.
Tổng thống Ukraine tiếp tục chuyến vận động tới Canada sau những thách thức tại Mỹ
Reuters
~3 minutes
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày 22/9 bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Canada.
Theo một quan chức chính phủ, Canada là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Kyiv trong cuộc chiến với Nga và chuẩn bị tuyên bố trong chuyến thăm rằng họ sẽ gửi thêm vũ khí tới Ukraine.
Trong bài phát biểu công khai trước cuộc họp song phương tại văn phòng thủ tướng, Thủ tướng Canada nói với ông Zelenskyy rằng chuyến thăm là “cơ hội để người Canada bày tỏ trực tiếp với ông Volodymyr và với người dân Ukraine rằng chúng tôi ủng hộ Ukraine mạnh mẽ và dứt khoát như thế nào.”
Đổi lại, ông Zelenskyy cho biết ông có “rất nhiều lời nói nồng nhiệt và lời cảm ơn” từ Ukraine về viện trợ quân sự và nhân đạo mà Canada đã cung cấp.
Nhà lãnh đạo Ukraine trước đó cho biết ông sẽ nói chuyện với Thủ tướng Trudeau về hợp tác quốc phòng và sẽ ký các hiệp ước nhằm tăng cường quan hệ kinh tế.
Hàng chục cảnh sát bổ sung đã được tăng cường làm nhiệm vụ vào ngày 22/9 ở trung tâm Ottawa và các con đường dẫn đến Quốc hội đã bị phong tỏa.
Có 1,4 triệu người gốc Ukraine ở Canada, nhiều thứ ba sau Ukraine và Nga.
Ông Ihor Michalchyshyn, giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang Quốc hội Canada gốc Ukraine, cho biết Canada có ảnh hưởng lớn nhờ là thành viên của cả Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu và NATO, đồng thời lưu ý rằng tất cả các đảng chính trị Canada đều ủng hộ Ukraine.
Ông Michalchyshyn nói trong một cuộc phỏng vấn: “Vì vậy, tôi nghĩ việc tổng thống mong đợi và yêu cầu nhiều hơn từ các đối tác Canada là điều phù hợp”. “Nếu những người bạn của Ukraine muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến thì cách duy nhất có thể xảy ra là có thêm sự hỗ trợ quân sự mới và nhiều hơn nữa.”
Trước khi tới Canada, tại Washington, ông Zelenskyy hôm 21/9 đã kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ trong bối cảnh một số đảng viên Cộng hòa nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có nên phê duyệt một đợt viện trợ mới hay không.
Mặc dù không có sự chia rẽ như vậy ở Canada, nhưng nước này không có nguồn tài chính dồi dào hoặc dự trữ quân sự như Hoa Kỳ, Đức và những nước ủng hộ lớn khác.
Kể từ đầu năm 2022, Canada đã cam kết viện trợ hơn 5,9 tỷ đô la cho Ukraine, bao gồm hơn 1,35 tỷ đô la hỗ trợ quân sự.
Quan chức chính phủ Canada cho biết thỏa thuận vũ khí mà ông Trudeau có thể công bố vào ngày 22/9 sẽ lớn hơn 24,5 triệu đô la mà Ottawa đã công bố hôm 17/8 để giúp Kyiv mua hệ thống phòng thủ phi đạn.
Mỹ-Trung lập các nhóm công tác kinh tế-tài chính để hạ căng thẳng
AP
4–5 minutes
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 22/9 lập hai nhóm công tác kinh tế trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, các nhóm công tác này sẽ được chia thành các phân ban kinh tế và tài chính.
Bà Yellen cho biết các nhóm làm việc sẽ “thiết lập một kênh liên lạc bền vững giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Vẫn theo lời bà, các nhóm này sẽ “đóng vai trò là diễn đàn quan trọng để truyền đạt lợi ích và mối quan tâm của Mỹ, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế lành mạnh giữa hai nước chúng ta với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”.
Thông báo này được đưa ra sau một loạt chuyến thăm của các quan chức chính quyền cấp cao tới Trung Quốc trong năm nay, tạo tiền đề cho cuộc gặp có thể xảy ra giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào tháng 11 tại hội nghị kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và sự cạnh tranh kinh tế giữa hai quốc gia đã gia tăng trong những năm gần đây. Bộ Ngân khố Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng hai bộ trưởng tài chính đã đồng ý gặp nhau với “nhịp độ thường xuyên”.
Bà Yellen, cùng với các quan chức khác của chính quyền Biden, đã tới Trung Quốc trong năm nay sau khi Tổng thống Biden chỉ đạo các quan chức cấp cao chủ chốt “duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng” sau khi ông gặp ông Tập ở Bali vào năm ngoái.
Sự ra mắt của các nhóm công tác này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp phó chủ tịch Trung Quốc hôm 18/9 bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Các nhóm làm việc giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là một sáng kiến mới.
Dân biểu Dân chủ Rick Larsen, tiểu bang Washington, và Dân biểu Cộng Hoà Darin LaHood, tiểu bang Illinois, đã thành lập một nhóm làm việc vào năm 2005 giữa các nhà lập pháp ở hai quốc gia. Và mới đây vào tháng 8, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết bà và Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã hứa thành lập một nhóm làm việc gồm các quan chức và đại diện khu vực tư nhân để “tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại và đầu tư”.
Các lĩnh vực bất đồng giữa hai quốc gia bao gồm thuế quan, công nghệ và tuyên bố của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị cũng như phần lớn Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm vào đầu năm nay khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được phát hiện di chuyển trên không phận nhạy cảm của Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển Carolina sau khi nó đi ngang qua các địa điểm quân sự nhạy cảm trên khắp Bắc Mỹ. Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu bay qua nước Mỹ là một tai nạn liên quan đến máy bay dân sự và đe dọa trả đũa.
Vào tháng 4, bà Yellen đã chỉ trích hoạt động thương mại và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng, đồng thời đưa ra giọng điệu hòa giải về việc có “một tương lai trong đó cả hai nước cùng chia sẻ và thúc đẩy tiến bộ kinh tế toàn cầu”.
Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng khi quốc gia Cộng sản này tăng cường quan hệ với Nga bất chấp việc nước này tiếp tục xâm lược Ukraine.
Các quan chức Bộ Thương mại cho biết vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã chuyển sang chặn xuất khẩu chip máy tính tiên tiến sang Trung Quốc, một hành động nhằm dập tắt khả năng của Trung Quốc trong việc tạo ra các hệ thống quân sự tiên tiến bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.