Việc bắt hay không bắt ông Putin làm lu mờ hội nghị ngoại trưởng BRICS ở Nam Phi
Reuters
~3 minutes
Hội nghị ngoại trưởng của các nước BRICS ở Nam Phi hôm thứ Năm 1/6 bị lu mờ bởi những câu hỏi về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bị bắt giữ hay không nếu ông tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối gồm 5 quốc gia vào tháng 8.
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cho hay nước của bà đang cân nhắc các lựa chọn pháp lý nếu ông Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg theo kế hoạch. Ông Putin là đối tượng của một lệnh bắt giữ tội phạm chiến tranh do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.
Là thành viên của ICC, về mặt lý thuyết, Nam Phi buộc phải bắt giữ ông Putin nếu ông ấy tham dự, và bà Pandor đã bị nhiều phóng viên hỏi dồn về vấn đề này khi bà đến dự vòng hội đàm đầu tiên với các đại diện của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Bà nói với các phóng viên: “Chính phủ của chúng tôi hiện đang xem xét các lựa chọn pháp lý liên quan đến vấn đề này”.
"Câu trả lời là tổng thống (Cyril Ramaphosa) sẽ xác định lập trường cuối cùng của Nam Phi. Thực tế là lời mời đã được gửi đến tất cả các nguyên thủ quốc gia (của BRICS)", bà Pandor nói.
Ông Putin chưa xác nhận về kế hoạch của mình, Điện Kremlin chỉ nói rằng Nga sẽ tham gia ở "cấp phù hợp".
Hồi tháng 3, ICC cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất trẻ em khỏi lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở Ukraine. Moscow phủ nhận các cáo buộc. Nam Phi gửi lời mời đến ông Putin vào tháng 1.
Các bộ trưởng ngoại giao Brazil, Nga, Ấn Độ tham dự hội nghị hôm 1/6 tại Cape Town, trong khi Trung Quốc cử đại diện là một thứ trưởng. Chương trình nghị sự chính thức chưa được công bố.
Các nhà phân tích cho rằng khối này đang tìm cách đưa khối trở thành đối trọng với phương Tây sau sự kiện Nga xâm lược Ukraine. Họ nói rằng việc mở rộng khối có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Từng được coi là một hiệp hội lỏng lẻo, chủ yếu mang tính biểu tượng của một số nền kinh tế mới nổi, BRICS trong những năm gần đây đã định hình cụ thể hơn, ban đầu do Bắc Kinh làm động lực và kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022, là sự thúc đẩy thêm từ Moscow.
Các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ sẵn sàng kết nạp các thành viên mới, bao gồm cả các nước sản xuất dầu mỏ.
Các quan chức cho biết Venezuela, Argentina, Iran, Algeria, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất nằm trong danh sách những nước đã chính thức đăng ký tham gia hoặc bày tỏ sự quan tâm.
Bị phớt lờ yêu cầu, Việt Nam nói đang ‘theo dõi sát’ tàu khảo sát của Trung Quốc
VOA Tiếng Việt
~3 minutes
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 1/6 nói Việt Nam đang theo dõi sát mọi diễn biến liên quan đến con tàu của Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến liên quan và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và pháp luật Việt Nam”, báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói với báo chí vào chiều 1/6.
Thông tin mới được Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra sau khi tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu của Hà Nội vào tuần trước là hãy rời khỏi vùng đặc quyền của Việt Nam.
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 và một số tàu hải cảnh hộ tống, tàu cá của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, gần các lô dầu khí mà Việt Nam đang để cho Nga khai thác ở Biển Đông.
Đây được xem là một động thái “xâm phạm” nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019, theo chuyên gia Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
Reuters dẫn lời ông Powell nói rằng hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước cho biết Bộ này và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần” với phía Trung Quốc và triển khai những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam, theo lời của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói với báo chí hôm 25/5.
Trong những tuần qua, tàu khảo sát và đôi khi có tới hàng chục tàu hộ tống của Trung Quốc đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam vận hành, theo dữ liệu theo dõi tàu biển được Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, chia sẻ với Reuters.
Các tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc cũng đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô này.
Tại cuộc họp báo ngày 1/6, ông Nguyễn Đức Thắng nhắc lại lập trường của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/5 là yêu cầu tàu thăm dò Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nga nói họ đẩy lùi cuộc xâm nhập ở biên giới; Kyiv bị tấn công, 3 người chết
Reuters
2–3 minutes
Nga cho biết hôm thứ Năm 1/6 rằng họ đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới từ phía Ukraine trong khi các cuộc không kích không ngừng của Nga đánh vào Kyiv đã giết chết thêm 3 người, trong đó có một bé gái 9 tuổi và mẹ của cháu vì hai mẹ con không được mở cửa để vào hầm trú ẩn tránh không kích.
Cả hai bên đều đang cố gắng làm suy sụp tinh thần và làm suy yếu năng lực quân sự của nhau trước một cuộc phản công mà Ukraine đã hứa hẹn từ lâu chống lại cuộc xâm lược kéo dài 15 tháng của Nga.
Cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy các thành phố của Ukraine và mang lại ngày càng nhiều các cuộc tấn công trên đất Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay quân đội nước này đã ngăn chặn 3 nỗ lực xâm nhập gần thị trấn Shebekino ở miền tây, giết chết 30 chiến binh Ukraine và phá hủy 4 xe bọc thép.
Trước đó, Quân đoàn tình nguyện Nga (RVC), một nhóm bán quân sự cực hữu gồm những người thuộc các sắc tộc Nga ủng hộ Ukraine, cho biết họ đang chiến đấu bên trong nước Nga. Kyiv phủ nhận việc họ có liên quan trực tiếp.
Thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov, nói rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã nhiều lần nã đạn vào Shebekino bằng pháo phản lực đa nòng Grad 122mm do Liên Xô thiết kế, gây cháy một ký túc xá và làm hư hại một tòa nhà hành chính. Ông cho biết ít nhất 9 dân thường bị thương.
Ở Kyiv, Ukraine cho hay họ đã bắn hạ 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Iskander trong cuộc tấn công thứ 18 của Nga vào thủ đô kể từ đầu tháng 5. Nhưng một bé gái 9 tuổi, mẹ của cháu và một phụ nữ khác đã chết khi các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống gần một nơi trú ẩn không kích mà họ đang cố gắng đi vào.
Tại một hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Moldova, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thúc giục về việc kết nạp Ukraine làm thành viên của liên minh quân sự NATO và nhắc lại lời kêu gọi hãy cung cấp các máy bay chiến đấu phương Tây để hỗ trợ quân đội của ông.
Ông Zelenskyy cho biết Kyiv vẫn chưa ấn định ngày cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình được đề xuất vào tháng 7, bởi vì họ đang cố gắng đưa càng nhiều quốc gia vào bàn đàm phán càng tốt.
Ukraine nói rằng chỉ khi nào Nga rút quân hoàn toàn mới kết thúc được chiến tranh.
Mỹ và Đài Loan ký thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ thương mại mới
2–3 minutes
Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ đối thoại thương mại mới hôm thứ Năm, tăng cường quan hệ giữa hai nước vào thời điểm căng thẳng tăng cao với Trung Quốc liên quan đến hòn đảo theo thể chế dân chủ này, theo Reuters.
Đài Loan và Mỹ bắt đầu cuộc đối thoại trong khuôn khổ có tên Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 (U.S.-Taiwan Initiative on 21st Century Trade) diễn ra tháng Tám năm ngoái, sau khi Washington đưa Đài Loan ra khỏi các sáng kiến thương mại xuyên châu Á có tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework) lớn hơn của mình.
Văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan cho hay thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ này sẽ được ký kết tại Washington vào sáng thứ Năm 01/06, theo giờ Hoa Kỳ, nhưng không đưa thêm chi tiết.
Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi sẽ tham dự sự kiện này, nhưng không nêu thêm chi tiết.
Tháng trước, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong phần đầu tiên của sáng kiến thương mại, bao gồm các thủ tục về hải quan và biên giới, cách thức quản lý, và doanh nghiệp nhỏ.
Sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký kết, các cuộc đàm phán khác sẽ tiếp tục về các lĩnh vực thương mại phức tạp hơn bao gồm nông nghiệp, thương mại số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp do nhà nước quản lý, và cách thức thực hành và chính sách phi thị trường, USTR trước đó cho hay.
Thỏa thuận không kỳ vọng sẽ thay thế thuế hàng hóa, nhưng những người ủng hộ nói rằng sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan, mở cửa Đài Loan cho nhiều cơ hội xuất khẩu hơn từ Mỹ, và giúp Đài Loan tăng cường khả năng chống lại các áp lực kinh tế từ Trung Quốc.
Bắc Kinh phản đối cuộc đối thoại, giống như nước này từng làm với mọi hình thức quan hệ ngoại giao cấp cao giữa Đài Loan với Mỹ. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ.
Đài Loan cật lực phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - khiến Bắc Kinh tìm mọi cách gây áp lực lên Đài Bắc thông qua các hoạt động quân sự bao gồm tập trận chiến tranh quanh hòn đảo.
Đức đóng cửa 4 lãnh sự quán Nga, Matxcơva dọa đáp trả
Trọng Thành
~2 minutes
Đức quyết định đóng cửa 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga để trả đũa các trừng phạt của Matxcơva nhắm vào đại diện ngoại giao Đức tại Nga.
Đăng ngày:
1 phút
Theo AFP, trả lời họp báo hôm qua, 31/05/2023, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức cho biết: ‘‘Để bảo đảm sự cân bằng về nhân viên ngoại giao cũng như các cơ sở ngoại giao, chúng tôi quyết định rút giấy phép của 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga tại Đức. Thông báo đã được chuyển đến bộ Ngoại Giao Nga hôm nay’’. Như vậy, hiện tại chỉ còn lãnh sự quán thứ 5 và đại sứ quán Nga tại Đức tiếp tục hoạt động.
Bộ Ngoại Giao Nga ngay lập tức tố cáo một ‘‘hành động khiêu khích thiếu suy nghĩ’’, ‘‘gây tổn hạn nhiều hơn nữa cho quan hệ Nga - Đức’’, và dọa sẽ có các biện pháp đáp trả.
Biện pháp trả đũa nói trên của Berlin được đưa ra sau khi Nga thông báo kể từ tháng 6 sẽ giảm mạnh số lượng nhân viên ngoại giao Đức và số người Đức làm việc trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục tại Nga, trong đó có Viện Goethe cùng nhiều trường học. Tổng cộng, hàng trăm người là đối tượng của quyết định này.
Hồi tháng 11/2022, Berlin đã đóng cửa 3 lãnh sự quán Đức ở Nga, tại Kaliningrad, Ekaterinbourg và Novossibirsk.
Hàn Quốc sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đánh chặn vào năm 2025
Trần Công
2–3 minutes
Để tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc dự định sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đánh chặn vào năm 2025.
Đăng ngày:
2 phút
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
« Theo hãng tin Yonhap hôm nay, tên lửa địa đối không tầm xa (L-SAM) chuyên dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo, đã tiếp tục được thử nghiệm thành công trong lần thử thứ 4 hôm 30/05. Đây là dòng tên lửa đánh chặn được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa, có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang bay ở độ cao 50 - 60 km, độ cao tương đương với khả năng đánh chặn của hệ thống THAAD của Mỹ. Thành công này đánh dấu việc Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới phát triển loại vũ khí này, sau Mỹ và Israel.
Trước đó, Hàn Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn này 3 lần và đã có 2 lần thành công. Sau lần thành công thứ 3 này, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc dự kiến sẽ kết thúc việc đánh giá thử nghiệm vào cuối năm nay (2023) và việc sản xuất hàng loạt tên lửa sẽ bắt đầu vào năm 2025.
Quân đội Hàn Quốc đang xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), một hệ thống phòng thủ đa tầng, ở nhiều độ cao khác nhau. Dòng tên lửa L-SAM này thuộc hệ thống phòng thủ tầm cao. Các tên lửa vượt qua được hệ thống phòng thủ tầm cao sẽ tiếp tục bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tầm trung ở độ cao 40km.
Bộ trưởng Quốc Phòng Lee Jong Seop cho biết L-SAM sẽ trở thành lực lượng cốt lõi của hệ thống phòng thủ đa tầng, ở cấp độ tương đương với THAAD của Mỹ và sẽ sớm được trang bị cho quân đội Hàn Quốc.
Với việc Bắc Triều Tiên liên tục khiêu khích và tình hình thế giới đang căng thẳng, việc sản xuất hàng loạt các dòng tên lửa đánh chặn nội địa sẽ giúp Hàn Quốc chủ động trong phòng thủ đa tầng và bảo vệ lãnh thổ trong tương lai ».
Chiến tranh Ukraina : Thủ đô Kiev tiếp tục bị Nga oanh kích
Trọng Thành
~2 minutes
Ba người chết và nhiều người bị thương trong một trận oanh kích mới nhắm vào Kiev, thủ đô Ukraina, đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, 01/06/2023.
Đăng ngày:
1 phút
Theo không quân Ukraina, lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Iskander, được phóng đi từ vùng Briansk (Nga). Theo Reuters, đây là cuộc tấn công thứ 18 nhắm vào Kiev trong vòng một tháng.
Chính quyền Ukraina cho biết 3 người thiệt mạng gồm một bé gái 11 tuổi, người mẹ của em và một phụ nữ khác. Theo đô trưởng Vitali Klitschko, một số vụ hỏa hoạn bùng lên tại các khu vực xung quanh những địa điểm bị tấn công do ‘‘các mảnh vỡ’. Đặc biệt có một cơ sở y tế bị oanh kích.
Cho đến nay, điện Kremlin thường xuyên khẳng định không chủ ý tấn công vào thường dân. Từ đầu tháng 5, Nga gia tăng tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraina, trong bối cảnh Kiev đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn.
Về phía Nga, chính quyền tỉnh biên giới Belgorod, giáp với Ukraina, khẳng định nhiều địa điểm trong tỉnh ‘‘bị oanh kích liên tục’’ sáng hôm nay, khiến 8 người bị thương. Hôm qua 31/05, chính quyền địa phương cho biết đã bắt đầu sơ tán hàng trăm trẻ nhỏ tại một số khu vực biên giới.
(Reuters) – Trung Quốc điều tầu chiến tham gia tập trận do Indonesia tổ chức. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 31/05/2023 cho biết hai tầu khu trục Trạm Giang (Zhanjiang) và Hứa Xương (Xuchang) sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK), do Indonesia tổ chức từ ngày 04-08/06/2023. Tham gia chiến dịch 2023 này, còn có các nước như Bắc Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra vài ngày sau một cuộc tập trận đầu tiên giữa Mỹ, Nhật và Philippines, dự kiến được bắt đầu vào ngày mai, 01/06/2023.
(AFP) – Một quan chức cao cấp Trung Quốc đến Miến Điện. Truyền thông Miến Điện hôm nay, 31/05/2023, loan báo, ông Yang Yang, một lãnh đạo cao cấp ngành tình báo Trung Quốc đã đến gặp Soe Win, nhân vật số hai của tập đoàn quân sự để thảo luận về chương trình « hợp tác giữa hai quân đội ». Đây là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa một tướng cấp cao Trung Quốc với một nhà lãnh đạo Miến Điện kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021. Thiếu tướng Yang hiện là quyền tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo thuộc Bộ Tham Mưu liên quân của Quân ủy Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc.
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc : Vắng bóng phụ nữ trong ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Trong một báo cáo công bố hôm qua, 30/05/2023, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ, đánh giá tuy tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng ở Trung Quốc đã tăng lên, nhưng phụ nữ chỉ chiếm có hơn 26% số đại biểu quốc hội là đáng lo ngại. Báo cáo nhận thấy, không có một người phụ nữ nào trong số 24 Ủy viên bộ chính trị kể từ tháng 10/2022. Báo cáo kêu gọi Bắc Kinh nên áp dụng hạn ngạch theo luật định và hệ thống bình đẳng giới để sớm có được một đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính phủ.
(AFP) – Một phóng viên bị bắn chết tại Philippines. Cảnh sát Philippines hôm nay, 31/05/2023, cho biết phóng viên đài phát thanh Cresenciano Bunduquin, 50 tuổi đã bị nhiều người vũ trang bắn chết ngay trước cửa nhà. Một trong số kẻ sát nhân đã bị con trai nạn nhân đánh gục khi đâm phải xe ô tô của người này trong lúc chạy trốn. Ông Bunduquin là nhà báo thứ ba bị sát hại tại Philippines kể từ khi Ferdinand Marcos Jr lên cầm quyền vào tháng 6/2022.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt 7 người Moldova và Nga vì liên quan đến các hoạt động gây bất ổn ở Moldova. Trong một thông cáo, hôm 30/05/2023 lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borelle cho biết 7 người bị trừng phạt là những chính khách hoặc nhà kinh doanh mang. Một số được cho là có dính líu đến các vụ lừa đảo ngân hàng quy mô lớn, một số khác thì có liên quan đến những hoạt động của Nga nhằm gây bất ổn tại Moldova, đe dọa đến an ninh khu vực. Những người này bị cấm đi lại trong khối 27 nước, tài sản của họ ở trong khối bị đóng băng. Với khoảng 3 triệu dân sinh sống, Moldova là một trong những nước chịu tác động lớn nhất từ chiến tranh tại Ukraina.
(AFP) – Việt Nam tắt đèn đường ở thủ đô để tiết kiệm điện. Theo báo chí trong nước, từ ngày 17/05, Hà Nội điều chỉnh thời gian chiếu sáng nơi công cộng, bật đèn muộn hơn và tắt đèn sớm hơn. Đèn chiếu sáng của các công viên của thủ đô bị tắt kể từ 23 giờ. Biện pháp này có thể được duy trì đến cuối tháng Tám. Từ đầu tháng Năm, Việt Nam đã phải trải qua đợt nắng nóng, nhiệt độ lên đến 44,1°C. Chính quyền cũng hi vọng giảm tiêu thụ điện, nhất là từ máy điều hòa nhiệt độ và quạt để tiết kiệm điện, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất điện gặp khó khăn. Nước tại các đập thủy điện đã giảm 30 đến 40 % vì tình trạng khô hạn.
Prigozhin yêu cầu điều tra ‘tội ác’ của các quan chức quốc phòng Nga
Reuters
~3 minutes
Chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, ông Yevgeny Prigozhin, ngày 31/5 loan báo đã yêu cầu các công tố viên điều tra xem liệu các quan chức quốc phòng cấp cao của Nga có phạm bất kỳ “tội ác” nào trước hoặc trong cuộc chiến ở Ukraine hay không.
Yêu cầu này là thách thức công khai trắng trợn nhất của ông Prigozhin cho đến nay đối với các quan chức quân sự hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.
Nhân vật 61 tuổi này từng là chủ nhà hàng trước khi trở thành lính đánh thuê. Ông ta nhiều tháng qua đã xúc phạm cả ông Shoigu lẫn ông Gerasimov, những người đang lãnh đạo nỗ lực chiến tranh của Nga, với cáo buộc phản bội. Cả hai ông Shoigu lẫn ông Gerasimov đều không hồi đáp công khai những chỉ trích của ông Prigozhin.
“Hôm nay tôi đã gửi thư tới Ủy ban Điều tra và Văn phòng Công tố Liên bang Nga với yêu cầu kiểm tra thực tế việc thực hiện tội phạm trong quá trình chuẩn bị và trong quá trình tiến hành SMO (Chiến dịch quân sự đặc biệt) bởi một loạt các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng,” ông Prigozhin nói.
“Những bức thư này sẽ không được công bố do thực tế là các cơ quan điều tra sẽ giải quyết việc này.”
Bộ quốc phòng Nga từ chối bình luận ngay.
‘Đồ tểcủa ông Putin’
Prigozhin, người sáng lập nhóm lính đánh thuê Wagner, là thành viên nổi bật nhất trong giới chung quanh ông Putin, có tiếng tăm rộng rãi trong cuộc chiến kéo dài 15 tháng ở Ukraine.
Ông tuần trước châm biếm rằng biệt danh của ông nên là “đồ tể của Putin” chứ không phải là “đầu bếp của Putin”.
Ông nói lòng trung thành với ông Putin là một phần trong lập trường chính trị của ông, mà ông đã tóm tắt như sau: “Tôi yêu tổ quốc của mình, tôi phục vụ ông Putin, ông Shoigu nên bị phán xét và chúng tôi sẽ chiến đấu.”
Trong các tuyên bố tuần này, ông nói ông tiếp tục thông báo cho giới lãnh đạo cao nhất của đất nước về các vấn đề và chỉ trích các quan chức cấp cao của Điện Kremlin vì đã ngăn chặn truyền thông đưa tin về ông và quân đội riêng của ông.
Quân đội riêng của ông Prigozhin đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng chính quy của Nga ở Ukraine và dẫn đầu cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng vào thành phố Bakhmut phía đông vốn đã thất thủ hồi đầu tháng này.
*********
AIEA : Nga và Ukraina đồng ý các nguyên tắc bảo vệ trung tâm hạt nhân Zaporijia
Minh Anh
Ngày 30/05/2023, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, ông Rafael Grossi, đã trình bày « 5 nguyên tắc » để bảo vệ nhà máy hạt nhân Zaporijia, Ukraina, sau nhiều tháng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm ngăn chặn bằng mọi giá một thảm họa hạt nhân.
Đăng ngày:
2 phút
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten tường thuật :
« Tại nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu bị rơi vào tay quân Nga, những đường dây cao thế thường xuyên bị bắn phá, các tòa nhà thì bị đặt các vũ khí, nhưng Hội Đồng Bảo An lại không thể thông qua một nghị quyết nào để lên án, bởi vì Nga chắc chắn sẽ cản trở ngay lập tức bằng cách phủ quyết.
Thế nên, sau nhiều tháng thương lượng mà không đạt được một kết quả gì, sau khi thất bại trong việc thiết lập một vùng an toàn xung quanh nhà máy, lãnh đạo AIEA ông Rafael Grossi giờ đây tập trung vào 5 nguyên tắc mà Ukraina và Nga đều không bác bỏ. Theo ông Grossi, đó đã là một tiến bộ.
Ông nói : "Hiện tại, chúng tôi đã có một bước tiến theo đúng hướng. Dĩ nhiên, lịch sử đã cho thấy là trong thời chiến, những thỏa thuận đạt được không bao giờ được tuân thủ nghiêm túc. Nhưng AIEA có sức mạnh của ngòi bút : Đó là cộng đồng quốc tế sẽ biết ngay lập tức chuyện gì đang diễn ra. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để răn đe."
Do vậy, ngay từ lúc này, Kiev và Matxcơva phải ngưng mọi cuộc tấn công từ nhà máy hay hướng vào nhà máy, không được tàng trữ vũ khí hạng nặng hay đạn dược, và phải bảo đảm cung ứng điện liên tục cho các tòa nhà. Những nguyên tắc thể hiện thuần túy "ý thức chung", đã được ghi rõ trong luật quốc tế, nhưng cũng là phương cách duy nhất cho đến lúc này để có được một thỏa hiệp sơ bộ. »
********
Tin tức thế giới 1-6: Mỹ cho Ukraine thêm tên lửa Patriot, Stinger
* Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Ngày 31-5, Nhà Trắng đã công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không, đạn dược và các thiết bị phòng thủ khác trị giá lên tới 300 triệu USD.
Theo Hãng tin Reuters, Lầu Năm Góc cho biết gói hỗ trợ an ninh này bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, hệ thống phòng không Stinger, đạn xe tăng và một danh sách các thiết bị khác.
* Em gái ông Kim Jong Un thề sẽ có nhiều vụ phóng vệ tinh do thám
Ngày 31-5, bà Kim Yo Jong - em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - cho biết vệ tinh do thám quân sự của nước này sẽ sớm đi vào quỹ đạo.
Theo Đài KCNA, bà Kim cũng tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực giám sát quân sự. Bà Kim đưa ra nhận xét mới nhất sau khi vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng hôm 30-5 thất bại.
* Mỹ không biết ai đứng sau vụ tấn công Matxcơva
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết chính quyền Mỹ không biết ai chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Matxcơva trong tuần này.
Theo ông Kirby, Washington không có "thông tin cụ thể" về bên chịu trách nhiệm, đồng thời thông báo Mỹ không có kế hoạch điều tra.
* Ông Mike Pence sắp khởi động chiến dịch tranh cử năm 2024
Theo hai nguồn tin của Reuters, cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence thuộc Đảng Cộng hòa sẽ công bố tham gia tranh cử tổng thống năm 2024 vào ngày 7-6.
Ông Pence khiến cựu tổng thống Donald Trump phẫn nộ vì từ chối ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 của ông.
Các nguồn tin cho biết Pence sẽ khởi động chiến dịch của mình bằng một đoạn video và một bài phát biểu tại bang được đề cử sớm là Iowa.
* Na Uy: Nga không có tiếng nói về tư cách thành viên NATO của Kiev
Ngày 31-5, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không cho phép Nga quyết định khi nào Ukraine có thể gia nhập liên minh này.
NATO vẫn chưa chấp thuận yêu cầu gia nhập nhanh chóng của Ukraine vì các chính phủ phương Tây như Mỹ và Đức cảnh giác với bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh đến gần hơn với chiến tranh với Nga.
* Tổng thống Macron nói Pháp nên nghe Đông Âu về Nga
Ngày 31-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận rằng Pháp nên chú ý hơn đến các quốc gia Đông Âu, phía vốn đã cảnh báo về một nước Nga hiếu chiến trước trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh, ông Macron cho rằng không nên có sự phân chia giữa "châu Âu cũ" và "châu Âu mới". Ông cũng đề cập đến sự khác biệt lâu dài giữa các thành viên Đông và Tây Âu về các vấn đề như Nga.
* Tổng thống Brazil điện đàm với Giáo hoàng Francis về Ukraine
Ngày 31-5, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã có cuộc điện đàm với Giáo hoàng Francis để thảo luận về các chủ đề như chiến tranh ở Ukraine và bảo vệ môi trường.
Theo Chính phủ Brazil, ông Lula cảm ơn Giáo hoàng vì những nỗ lực hòa bình của ông nhưng than thở về việc xung đột giữa Ukraine và Nga leo thang.
Đấu trường La Mã trở lại hậu dịch
**********
Bí quyết giúp vũ khí Hàn Quốc vươn ra thế giới
Vi Trân
6–8 minutes
Ngành công nghiệp quốc phòng tại Hàn Quốc đang phát triển nhanh, một phần nhờ nhu cầu tăng cường năng lực quân sự trước tình hình an ninh trong khu vực, cũng như từ các nước châu Âu.
Doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc trong năm 2022 đạt hơn 17 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 7,25 tỉ USD trong năm 2021, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng nước này cho biết. Hàn Quốc hướng đến việc trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới
Nguồn thu của Hàn Quốc tăng lên trong lúc các nước phương Tây đang tìm kiếm nguồn vũ khí để đảm bảo an ninh sau khi viện trợ cho Ukraine và căng thẳng gia tăng tại các điểm nóng khác như Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Hợp đồng nền móng
Năm ngoái, Hàn Quốc ký hợp đồng bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử nước này. Hợp đồng ký với Ba Lan trị giá 13,7 tỉ USD, gồm hàng trăm giàn phóng rốc két Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50.
Theo hợp đồng, các thực thể liên doanh của các công ty Hàn Quốc và Ba Lan sẽ được thành lập để chế tạo vũ khí, bảo dưỡng máy bay và thiết lập khuôn khổ để cung cấp vũ khí cho các nước châu Âu khác trong tương lai, Giám đốc văn phòng các dự án xuất khẩu Lukasz Komorek của Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ) cho biết. Một phần vũ khí Hàn Quốc sẽ được sản xuất tại Ba Lan theo thỏa thuận cấp phép. Dự kiến 500 trong tổng số 820 xe tăng và 300 trong 672 khẩu lựu pháo sẽ được chế tạo tại các nhà máy ở Ba Lan từ năm 2026.
Các quan chức chính quyền và các công ty quốc phòng của Hàn Quốc và Ba Lan cho rằng hợp đồng đặt nền móng để họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu, kể cả khi xung đột tại Ukraine chấm dứt. Theo đó, Hàn Quốc sẽ cung cấp vũ khí chất lượng cao nhanh hơn các nhà cung cấp khác và Ba Lan vừa cung cấp năng lực sản xuất, vừa là kênh bán hàng vào thị trường châu Âu.
Lãnh đạo các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc cho biết khả năng giao hàng nhanh là lợi thế của nước này so với các nhà cung cấp vũ khí khác. "Họ lắp ráp các bộ phận với nhau trong vài tuần hay vài tháng còn chúng tôi mất vài năm", Reuters dẫn lời một vị quản lý ngành quốc phòng châu Âu nói.
Các quan chức Hàn Quốc cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa quân đội và ngành công nghiệp vũ khí cho phép họ sắp xếp lại các đơn hàng trong nước để ưu tiên việc xuất khẩu.
Các quan chức Ba Lan nói yếu tố chính để họ cân nhắc ký hợp đồng là do Hàn Quốc đề nghị cung cấp vũ khí nhanh hơn hầu hết các bên khác. Hồi tháng 12.2022, 10 chiếc xe tăng K2 và 24 khẩu pháo K9 đầu tiên đã đến Ba Lan, chỉ vài tháng sau khi hợp đồng được ký và ít nhất 5 xe tăng cùng 12 khẩu pháo nữa đã được giao sau đó.
Trái lại, Đức tuy là nhà sản xuất vũ khí lớn của châu Âu nhưng chưa giao cho Hungary chiếc xe tăng Leopard nào dù Budapest đặt mua từ năm 2018, theo nhà phân tích Oskar Pietrewicz của Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan. "Mối quan tâm của các nước đối với lời mời chào từ Hàn Quốc chỉ có thể tăng lên nhờ năng lực sản xuất hạn chế của ngành quốc phòng Đức, vốn là nhà cung cấp vũ khí lớn trong khu vực", ông Pietrewicz nói.
Tại nhà máy sản xuất pháo K9 của hãng Hanwha Aerospace tại miền nam Hàn Quốc, các robot xử lý khoảng 70% việc hàn và đóng vai trò chủ chốt để gia tăng năng suất. Giám đốc sản xuất Cha Yong-su của công ty cho biết các robot đang hoạt động trung bình 8 giờ mỗi ngày nhưng có thể làm việc không nghỉ nếu cần. "Về cơ bản, chúng tôi có thể đáp ứng bất kể số lượng đơn đặt hàng nào các bạn muốn", ông Cha nói.
Không cung cấp vũ khí cho Ukraine, Hàn Quốc vẫn thu lợi lớn nhờ xung đột
Ông Oh Kyea-hwan, một quản lý khác tại Hanwha Aerospace, nói công ty có các thỏa thuận chia sẻ công nghệ với Ấn Độ, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nên không lo về năng suất. "Nhờ đó, tôi không cho là phải quá lo lắng về năng suất", ông nói.
Tính tương thích cao
Một lợi thế khác của Hàn Quốc là vũ khí của họ có tính tương thích cao với các vũ khí của Mỹ và châu Âu.
Lựu pháo tự hành K9 sử dụng đạn 155 mm theo chuẩn của NATO, có hệ thống kiểm soát hỏa lực được vi tính hóa, được thiết kế để dễ dàng tích hợp vào các mạng lưới chỉ huy và kiểm soát, đồng thời có năng lực có thể so sánh với những loại pháo đắt tiền hơn của phương Tây. Ấn Độ và Úc đang sử dụng loại pháo này.
"Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và các nước khác từng chỉ nghĩ đến việc mua sắm quốc phòng tại châu Âu, nhưng giờ họ biết rõ rằng có thể mua sản phẩm với giá thấp và được giao nhanh chóng từ các công ty Hàn Quốc", ông Oh nói.
Hiện tại, Hàn Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các nước thành viên của liên minh này, chiếm 4,9% lượng mua sắm của họ, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển). Tuy nhiên, con số này còn thấp hơn rất nhiều so với Mỹ (65%) và Pháp (8,6%).
Hanwha Aerospace chiếm 55% thị phần lựu pháo toàn cầu và được ước tính tăng lên 68% nhờ hợp đồng với Ba Lan, theo nghiên cứu của công ty NH Research & Securities.
Trong khi đó, thị trường châu Á chiếm 63% lượng xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc từ 2018-2022, theo SIPRI. Các đơn hàng được ký kết giữa lúc khu vực đang tăng cường trang bị do những lo ngại an ninh và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài với CHDCND Triều Tiên cũng duy trì các dây chuyền sản xuất của Hàn Quốc và vũ khí của họ liên tục được phát triển, thử nghiệm và nâng cấp dưới áp lực cao, Phó chủ tịch Cho Woo-rae phụ trách kinh doanh và chiến lược toàn cầu của hãng quốc phòng Korea Aerospace Industries cho biết.
Hiện nay, Hàn Quốc đang phát triển chiến đấu cơ KFX với Indonesia và các lãnh đạo Ba Lan cũng đã thể hiện sự quan tâm. Malaysia năm nay mua số chiến đấu cơ FA-50 trị giá gần 1 tỉ USD và Hàn Quốc cũng đang tìm cách giành hợp đồng 12 tỉ USD để bán xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới cho Úc. "Các nước châu Á coi chúng tôi là đối tác rất hấp dẫn cho các thỏa thuận quốc phòng, khi chúng tôi đều tìm cách đề phòng những căng thẳng đang gia tăng", một nhà ngoại giao tại Seoul nói.
********
Chiến sự tối 31.5: Biên giới Ukraine lại dậy sóng, cháy 2 nhà máy lọc dầu Nga
Khánh Như
5–7 minutes
Ngày 31.5, các lực lượng Nga tuyên bố đã phá hủy 1 khẩu lựu pháo và 1 đội súng cối của Ukraine ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine. Theo phía Nga, cuộc tấn công đã khiến 6 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 3 quân nhân khác bị thương ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau, theo hãng thông tấn TASS.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 461 có diễn biến gì nóng?
Trong khi đó, đài CNN dẫn lời ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo phe ly khai thân Nga ở tỉnh Luhansk cho biết trên Telegram rằng các lực lượng Ukraine đã pháo kích khiến 5 dân thường ở tỉnh này thiệt mạng. Theo ông, các cuộc tấn công của Kyiv cũng khiến 19 người khác bị thương, 2 trong số đó đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng cực kỳ nguy kịch.
Ukraine phóng 260 quả rốc két vào lãnh thổ Nga?
Chiều 31.5, Moscow cáo buộc Ukraine tiếp tục tấn công lãnh thổ Nga, với 260 quả rốc két được phóng vào tỉnh Belgorod chỉ trong một ngày.
TASS dẫn lời ông Vyacheslav Gladkov, Tỉnh trưởng Belgorod, cho biết trong vòng 24 giờ, các lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng gần 220 quả rốc két vào quận Shebekino thuộc tỉnh này. Ông Gladkov cho biết các vụ tấn công đã khiến tổng cộng 3 người bị thương.
"Hai người đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện ở Belgorod. Người đàn ông bị mảnh đạn ở cổ và lưng, tình trạng nghiêm trọng, người phụ nữ bị mảnh đạn văng vào cánh tay và cẳng tay. Các bác sĩ đang tiến hành tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết", ông Gladkov viết trên Telegram.
Thống kê thiệt hại, ông Gladkov cho biết vụ pháo kích vào Shebekino đã làm hư hại 29 tòa nhà cao tầng, nhiều cửa sổ bị vỡ, mặt tiền bị hư hại.
Theo ông, quận Belgorod đã bị pháo kích 9 lần, trong khi số đợt tấn công nhắm vào quận Volokonovsky là 12 và quận Grayvoronsky bị nã rốc két 30 lần. Tổng cộng, tỉnh Belgorod đã bị pháo binh Ukraine pháo kích hơn 260 lần trong ngày, ông Gladkov viết.
UAV liên tiếp rơi trúng nhà máy lọc dầu Nga
Ngày 31.5, ông Veniamin Kondratyev, Tỉnh trưởng Krasnodar (miền nam Nga) cho biết một máy bay không người lái (UAV) đã rơi tại một nhà máy lọc dầu ở tỉnh này. Vụ việc đã khiến một bể chứa dầu bẩn bên trong nhà máy bất ngờ bốc cháy, theo TASS.
Tổng thống Putin phản ứng vụ UAV tấn công Moscow 'lớn nhất'
"Một đám cháy bùng phát trong nhà máy lọc dầu Afipsky. Một cơ sở chưng cất dầu mazut đã bốc cháy. Nguyên nhân tạm thời được cho là do một cuộc tấn công bằng bằng UAV", ông Kondratyev viết trên Telegram. Sau đó, ông Kondratyev thông báo rằng đám cháy đã được dập tắt và không có thương vong.
Tuy nhiên, ngay sau khi đám cháy tại nhà máy Afipsky được xử lý, giới chức miền nam nước Nga tiếp tục cho biết một UAV khác đã rơi tại nhà máy lọc dầu Ilsky gần đó và gây hỏa hoạn. Theo thông báo từ chính quyền địa phương, đợt hỏa hoạn cũng được dập tắt và không gây thương vong. Theo hãng thông tấn RIA Novosti, 2 nhà máy nói trên nằm cách nhau khoảng 20 km.
Hiện chưa có thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau 2 vụ việc. Kyiv không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga.
Anh nói Nga đang chuyển sang thế phòng thủ
Trong bản cập nhật tình báo ngày 31.5, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng kể từ đầu tháng 5, Nga ngày càng nhường lại thế chủ động trên chiến trường để tập trung đối phó các hoạt động của Ukraine, thay vì tích cực hướng tới mục tiêu quân sự mà Moscow đặt ra.
Tổng thống Biden: Ukraine vẫn có thể có tên lửa tầm xa ATACMS
Theo báo cáo, Nga đã đạt được rất ít thành công trong mục tiêu vô hiệu hóa hệ thống phòng không đã được cải thiện của Ukraine và tiêu diệt các lực lượng phản công của Kyiv. Trên thực địa, Nga đã triển khai trở lại các lực lượng an ninh để phản ứng lại các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ mình. Tình báo Anh cũng dự đoán việc Moscow tăng chi tiêu quân sự đang gây áp lực tài chính lên chính phủ Nga.
Ông Putin có thể đến Nam Phi dự hội nghị BRICS?
CNN ngày 31.5 đưa tin Nam Phi đã ban hành quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8. Điều này đồng nghĩa Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tới nước này bất chấp lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
"Đây là sự trao quyền miễn trừ tiêu chuẩn mà chúng tôi thực hiện cho tất cả các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh quốc tế được tổ chức ở Nam Phi, bất kể mức độ tham gia", theo thông báo được Bộ Ngoại giao Nam Phi đưa ra vào đầu tuần này.
Ngày 30.5, đảng Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập chính của Nam Phi, cho biết họ đã đệ đơn lên tòa án để yêu cầu chính phủ giam giữ ông Putin và giao nộp ông cho ICC, nếu ông đến thăm đất nước này.
Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc đã "trục xuất và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Đức đóng cửa lãnh sự quán Nga trong động thái ăn miếng trả miếng
Reuters
~2 minutes
Hôm 31/5, chính phủ Đức cho biết họ sẽ đóng cửa 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga tại nước này bằng cách thu hồi giấy phép của họ, một động thái ăn miếng trả miếng sau quyết định của Moscow giới hạn số lượng nhà ngoại giao Đức hiện diện ở Nga ở mức 350 người, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết chính phủ Nga sẽ vẫn được phép vận hành đại sứ quán của mình ở Berlin và một tổng lãnh sự quán, nhưng Đức dự kiến các cơ quan còn lại sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay.
Đồng thời, Đức sẽ đóng cửa các lãnh sự quán của mình ở Kaliningrad, Yekaterinburg và Novosibirsk, chỉ để Đại sứ quán Đức ở Moscow và lãnh sự quán ở St Petersburg hoạt động.
Động thái của Berlin cho thấy mối quan hệ song phương đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng sụp đổ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Moscow làm leo thang căng thẳng bằng cách áp đặt giới hạn số lượng quan chức được phép làm việc tại Nga.
“Quyết định phi lý này đang buộc chính phủ liên bang phải cắt giảm đáng kể trong tất cả các lĩnh vực hiện diện của họ ở Nga”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết hôm 31/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết một tuyên bố sẽ được đưa ra về việc đóng cửa các lãnh sự quán, theo các hãng thông tấn Nga.
Quan hệ giữa Nga và Đức, quốc gia từng là khách hàng mua dầu khí lớn nhất của Nga, đã rạn nứt kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Đức đang lên kế hoạch giảm nhiều nhân viên làm việc tại các cơ quan đại diện của họ ở Nga sau khi Moscow áp đặt giới hạn về số lượng được phép làm việc tại nước này, bao gồm cả giáo viên và nhân viên tại Viện Goethe.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.