Máy bay không người lái tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga gần cảng dầu Novorossiisk
Reuters
2–3 minutes
Các máy bay không người lái vừa tấn công hai nhà máy lọc dầu chỉ cách 65-80 km về phía đông của các cảng xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga hôm thứ Tư (31/5), gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy và không gây thiệt hại cho nhà máy kia, Reuters dẫn lời các quan chức Nga cho biết.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sâu bên trong nước Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây với các cuộc tấn công vào Moscow, các đường ống dẫn dầu và thậm chí cả Điện Kremlin trước một cuộc phản công của Ukraine.
Thống đốc Veniamin Kondratyev cho biết vào khoảng 01:00 GMT, một máy bay không người lái đã tấn công nhà máy lọc dầu Afipsky ở vùng Krasnodar của Nga, gây ra hỏa hoạn và sau đó đã được dập tắt.
Nhà máy lọc dầu Afipsky nằm cách cảng Novorossiisk ở Biển Đen 80km về phía đông, một trong những cửa ngõ xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất của Nga. Nhà máy này có thể xử lý khoảng 6 triệu tấn (44 triệu thùng) dầu mỗi năm.
Cảng Novorossiisk, cùng với nhà ga Caspian Pipeline Consortium (CPC), đưa khoảng 1,5% lượng dầu toàn cầu ra thị trường.
Năm ngoái, CPC đã xuất khẩu qua cảng South Ozereyevka 58,7 triệu tấn dầu, chủ yếu từ Kazakhstan, trong khi cảng Sheskharis tại Novorossiisk xử lý khoảng 30 triệu tấn dầu.
Một máy bay không người lái khác đã đâm vào nhà máy lọc dầu Ilsky, nằm cách Novorossiisk khoảng 64km về phía đông, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin, dẫn lời các quan chức địa phương.
Theo trang web của nhà máy lọc dầu này, năm đơn vị chế biến của nhà máy có tổng công suất là 3 triệu tấn mỗi năm.
Hiện chưa có thông tin về việc ai đã phóng máy bay không người lái nói trên, nhưng Nga đã cáo buộc Ukraine gia tăng các cuộc tấn công vào các mục tiêu bên trong nước này, bao gồm cả Moscow hôm 30/5.
Ukraine hầu như không bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga hoặc trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Nga thường xuyên bị máy bay không người lái tấn công sau khi bắt đầu điều mà Điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Chiến đấu cơ Trung Quốc lượn 'hung hãn' gần máy bay quân sự Mỹ
Một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một thao thác 'gây hấn không cần thiết' gần một máy bay quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong không phận quốc tế, Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba 30/05.
Bộ chỉ huy quân sự Mỹ chịu trách nhiệm tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói rằng máy bay J-16 của Trung Quốc đã thực hiện thao tác 'gây hấn' này tuần trước và buộc máy bay RC-135 của Mỹ phải bay qua vùng nhiễu động.
"Mỹ sẽ tiếp tục bay, điều tàu thuyền, và hoạt động - an toàn và có trách nhiệm - ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép," Mỹ nói trong một tuyên bố.
Một video cho thấy cảnh một máy bay chiến đấu tạt ngang trước mũi máy bay của Hoa Kỳ và buồng lái chiếc RC-135 của Mỹ rung chuyển trong vùng nhiễu động.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, không bình luận về việc này, nhưng nói rằng từ lâu, Mỹ đã thường xuyên điều máy bay và tàu do thám áp sát Trung Quốc, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia của quốc gia này.
"Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngưng cách hành động khiêu khích nguy hiểm như vậy, và ngưng đổ lỗi cho Trung Quốc," ông Lưu nói trong email phản hồi đề nghị bình luận về tuyên bố của Mỹ từ Reuters.
Ông Lưu nói thêm rằng Trung Quốc sẽ "tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và an ninh của mình, và sẽ làm việc với các quốc gia trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định trên Biển Đông"
Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, nơi một vài nước khác cũng có khẳng định chủ quyền.
Bắc Kinh thường xuyên nói rằng Mỹ đưa tàu và máy bay vào Biển Đông là hành động gây phương hại tới hòa bình.
Sự việc mới đây xảy ra trước khi Trung Quốc từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh về an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La, tại Singapore tuần này.
Một quan chức quốc phòng Mỹ, phát biểu giấu tên, nói rằng từ 2021 Trung Quốc đã từ chối hoặc không phản hồi hàng loạt đề nghị đối thoại của Lầu Năm Góc, trong đó nói rằng những cuộc tiếp xúc như vậy là rất quan trọng để tránh hiểu lầm hoặc những hậu quả không lường trước.
Cuộc chạm trán diễn ra sau điều Mỹ gọi là xu hướng hành vi ngày càng nguy hiểm gần đây của máy bay Trung Quốc.
Những vụ bay chặn đầu như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Vào tháng 12, một máy bay quân sự Trung Quốc đã áp sát trong khoảng cách ba mét với một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và buộc máy bay Mỹ phải lượn vòng để tránh xảy ra va chạm trong không phận quốc tế.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có xung đột trong nhiều vấn đề, từ Đài Loan tới hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, tới các hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chiến tranh Ukraina: Các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga tiếp diễn
Thanh Phương
Sau vụ tấn công bằng drone vào thủ đô Matxcơva, các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga tiếp diễn. Theo tờ Le Monde, trên mạng Telegram hôm nay, 31/05/2023, lãnh đạo vùng Belgorod giáp với biên giới Ukraina, ông Viatcheslav Gladkov, thông báo thành phố Chebekino của vùng này đã bị oanh kích trong đêm qua, khiến một phụ nữ bị thương, nhiều tòa nhà bị hư hại và xe hơi bốc cháy.
Đăng ngày:
3 phút
Hình ảnh do Bộ Quốc Phòng Nga công bố cho thấy thiệt hại sau vụ đột kích tại vùng Belgorod, Nga, ngày 23/05/2023.AP
Tại vùng Krasnodar của Nga, ở phía đông bán đảo Crimée, một nhà máy lọc dầu đã bị cháy, có thể là do bị tấn công bằng drone, theo thông báo của lãnh đạo vùng, Veniamin Kondratiev. Trong những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ tấn công bằng drone vào các nhà máy lọc dầu của Nga. Nhưng chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.
Về vụ tấn công bằng drone vào Matxcơva hôm qua, phía Ukraina khẳng định không có liên quan, nhưng điện Kremlin cáo buộc Kiev là thủ phạm. Theo hãng tin AFP, tổng thống Vladimir Putin cho rằng Ukraina muốn « làm nước Nga kinh sợ » và muốn « hù dọa các công dân Nga ». Nhưng ông tỏ vẻ hài lòng về hệ thống phòng không của Nga đã bắn chặn được các drone trong vụ tấn công. Bộ Ngoại Giao Nga thì các buộc các nước phương Tây chịu trách nhiệm về vụ tấn công « vô trách nhiệm » vào Matxcơva, vì họ yểm trợ chính quyền Kiev.
Sau vụ tấn công bằng drone vào Matxcơva, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tuyên bố là Hoa Kỳ « không ủng hộ các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga », mà chỉ cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev và tham gia huấn luyện quân đội Ukraina để họ đủ khả năng giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Trong khi đó, đêm qua, 30/05/2023, một vụ oanh kích vào một ngôi làng ở vùng Lugansk bị Nga chiếm đóng đã khiến ít nhất 5 người chết và 19 người bị thương, theo thông báo của nhà chức trách Nga. Họ tố cáo các nhóm vũ trang Ukraina đã tiến hành vụ oanh kích này « bằng giàn phóng rocket HIMARS do Mỹ cung cấp cho Kiev ».
Vùng Lugansk, mà Nga hiện chiếm đóng phần lớn, là một trong bốn vùng lãnh thổ Ukraina mà Matxcơva tuyên bố sát nhập vào nước Nga vào tháng 9 năm ngoái.
Theo nhật báo Le Monde, vụ Matxcơva bị tấn công bằng drone khiến chủ nhân tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine càng chỉ trích nặng nề các lãnh đạo quân sự của Nga. Thậm chí, trả lời phỏng vấn báo chí hôm 24/05, lãnh đạo Wagner đã gián tiếp đả kích tổng thống Vladimir Putin về mục đích của cuộc chiến tranh Ukraina. Theo ông Prigojine, cái gọi là “phi phát xít hóa” Ukraina chỉ là cái cớ, và việc “phi quân sự hóa” chính quyền Kiev đã thất bại hoàn toàn, bởi vì “ Ukraina nay có một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới”. Đối với ông tương lai của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraina rất “đen tối”.
(AFP) – Trí thông minh nhân tạo sẽ khiến loài người « tuyệt chủng » ? Một nhóm bao gồm các chuyên gia và chủ doanh nghiệp, trong đó có ông Sam Altman, người sáng tạo ra ChatGPT hôm nay, 30/05/2023 trong một tuyên bố chung đăng trên mạng cảnh báo những mối họa « tuyệt chủng » cho nhân loại do sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo. Trên trang mạng Center for AI Safety, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, các tác giả cho rằng cuộc đấu tranh chống những nguy cơ có liên quan đến AI sẽ phải là « một ưu tiên toàn cầu ngang bằng với những rủi ro khác trên cấp độ xã hôi, như dịch bệnh và chiến tranh hạt nhân. »
(AFP) – Đan Mạch tăng gấp ba ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm. Quyền bộ trưởng Quốc Phòng, Troels Lund Poulsen, trong thông cáo hôm nay, 30/05/2023, nêu rõ chính muốn « củng cố đáng kể năng lực quốc phòng và an ninh cho đất nước bằng cách dành khoảng 143 tỷ cua-ron (tức khoảng 19,2 tỷ euro) cho 10 năm sắp tới. » Nữ thủ tướng Đan Mạch, Mette Frederiksen, người mà hiện có nhiều đồn đoán có khả năng là tân tổng thư ký của NATO, hôm qua cũng tuyên bố một gói viện trợ mới cho Ukraina trị giá 2,4 tỷ euro cho hai năm 2023 và 2024.
(AFP) – Malaysia nghi ngờ một tầu Trung Quốc đánh cắp đồ trong xác tầu chiến Anh. Theo tuần duyên Malaysia hôm nay, 30/05/2023, nhiều quả đạn cối còn nguyên vẹn và các mảnh kim loại đã được tìm thấy trên tầu đăng kiểm tại Trung Quốc. Chiếc thuyền này bị bắt giữ vì neo đậu bất hợp pháp tại vùng biển của Malaysia cuối tuần qua. Hiện 32 thủy thủ, gồm 21 người Trung Quốc, 10 người Bangladesh và một người Malaysia đang bị thẩm vấn. Một quan chức nắm rõ vụ việc xin ẩn danh cho biết những mẫu vật tìm thấy rất có thể đến từ hai chiếc tầu chiến của Anh HMS Prince of Wales và HMS Repulse của Anh, bị hải quân Nhật Bản đánh đắm gần Biển Đông ngày 10/12/1941, ba ngày sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng tại Hawai.
(AFP) – Cá voi trắng bị tình nghi là gián điệp của Nga xuất hiện ngoài khơi Thụy Điển. Con cá voi trắng (beluga) có đeo một cái đai trên mình xuất hiện ở Na Uy vào năm 2019, và từng bị tình nghi là đã được Hải Quân Nga huấn luyện làm gián điệp, tái xuất. Theo tổ chức OneWhale chuyên theo dõi con cá này, ngày 29/05/2023, con beluga đặc biệt đó đã được nhìn thấy hôm 28/05 ở Hunnebostrand, ngoài khơi bờ biển phía tây nam của Thụy Điển. Lần đầu tiên được phát hiện ở vùng Finnmark xa xôi phía bắc của Na Uy, con cá heo này đã mất hơn ba năm để di chuyển xuống phía nam, dọc theo nửa trên bờ biển Na Uy, trước khi đột ngột tăng tốc trong những tháng gần đây để đi hết nửa sau và đến Thụy Điển.
(RFI) – Pháp khai trương nhà máy sản xuất bình ắc quy cho xe điện lớn nhất nước. Lễ khai trương được tổ chức tại nhà máy Douvrin hôm nay, 30/05/2023 với sự tham dự của ba bộ trưởng Pháp, trong đó có bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, hai bộ trưởng Đức và Ý và ba chủ hãng lớn Total, Stellatis và Mercedes. Dự án siêu nhà máy này được xây dựng trên một diện tích rộng bằng ba sân bóng đá, được tài trợ từ các quỹ công và tư nhân của châu Âu, với tổng trị giá hơn ba tỷ euro, trong đó có 1,2 tỷ là từ chính phủ Pháp và Đức, dự kiến mang lại hơn 1.000 việc làm cho người dân vùng phía bắc nước Pháp.
Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 300 triệu đô la viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong một gói dự kiến bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng thủ phi đạn Patriot của Ukraine, các quan chức quốc phòng cho VOA biết.
Các quan chức nói với VOA với điều kiện giấu tên trước khi gói cứu trợ dự kiến được công bố ngày 31/5, cho biết khoản viện trợ mới nhất cũng bao gồm rốc-két cho Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) và nhiều đạn dược xe tăng và khả năng chống thiết giáp trước một cuộc phản công dự kiến của Ukraine.
Các rốc-két máy bay không điều khiển Zuni và phi đạn không đối không dẫn đường bằng radar AIM-7 đang được cung cấp để hỗ trợ trên không, đồng thời các hệ thống phòng không Avenger và hệ thống phi đạn đất đối không Stinger cũng sẽ được đưa vào gói viện trợ này, theo các quan chức.
Sau khi được công bố, gói viện trợ sẽ đánh dấu lần thứ 39 tổng thống cho phép rút thiết bị quân sự khỏi kho của Bộ Quốc phòng cho Ukraine, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Gói viện trợ mới nhất được đưa ra trong lúc khoảng 200 binh sĩ Ukraine bắt đầu huấn luyện vũ khí kết hợp trên xe tăng M1A1 Abrams ở Đức, theo một tuyên bố từ Quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu.
Theo tuyên bố, 200 binh sĩ Ukraine khác đang được huấn luyện về vận hành và bảo dưỡng nhiên liệu xe tăng.
Người Ukraine sẽ được huấn luyện trên 31 xe tăng Abrams đã đến Đức vào đầu tháng này. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết một đội 31 xe tăng M1A1 Abrams khác đang được tân trang lại ở Hoa Kỳ và sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào mùa thu.
Theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, khóa huấn luyện tại Đức bắt đầu từ ngày 26/5, dự kiến kéo dài khoảng 10 tuần. Đặc biệt, xe tăng Abrams là một sự bổ sung được chờ đợi từ lâu cho cuộc chiến. Lớp vỏ dày và động cơ tua-bin 1.500 mã lực của xe tăng này khiến nó tiên tiến hơn nhiều so với xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá hơn 37 tỷ đô la cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, dù Ngũ Giác Đài còn đang giải quyết một lỗi kế toán khiến con số hỗ trợ Kyiv bị phóng đại. Các quan chức nói với VOA khi tính toán gói viện trợ của mình, Bộ Quốc phòng đã tính toán chi phí phát sinh để thay thế vũ khí được cung cấp cho Ukraine, trong khi lẽ ra Bộ Quốc phòng phải tính tổng chi phí của các hệ thống thực sự được gửi đi.
Theo các quan chức, lỗi này dự kiến sẽ chuyển thành khoảng 3 tỷ đô la sẵn có để viện trợ thêm cho Ukraine.
Moscow bắt đầu một cuộc tấn công mới ở Ukraine vào đầu năm nay nhưng đã bị đình trệ và Kyiv đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn dự kiến sẽ bắt đầu trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Một quan chức quân sự cấp cao, nói với VOA với điều kiện giấu tên để thảo luận về các vấn đề an ninh, cho biết cuộc phản công của Ukraine có thể sẽ không “kịch tính” như một số người mong đợi nhưng vẫn sẽ được thực hiện “có chủ ý và hiệu quả” bằng cách nhắm vào khả năng của Nga để kiểm soát hệ thống phòng thủ của nước này bên trong Ukraine.
NATO tìm cách thu hẹp bất đồng về việc kết nạp Ukraine
Reuters
~3 minutes
Tại một cuộc họp ở Oslo trong tuần này, các ngoại trưởng NATO dự kiến sẽ tìm cách thu hẹp sự chia rẽ về nỗ lực của Ukraine xin gia nhập khối, giữa bối cảnh các đồng minh bất đồng về lời kêu gọi cần phải trao cho Kyiv một lộ trình gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.
NATO chưa đồng ý với đề nghị của Ukraine là được gia nhập nhanh chóng vì các chính phủ phương Tây như Mỹ và Đức cảnh giác với các động thái mà họ lo ngại có thể đưa liên minh tiến gần hơn đến một cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, cả Kyiv và một số đồng minh thân cận nhất của họ ở Đông Âu đã thúc ép NATO ít nhất phải thực hiện các bước cụ thể để đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius, Litva, vào ngày 11-12/7.
Thủ tướng Litva, Ingrida Simonyte, nói: “Sẽ rất buồn nếu dù nhìn theo cách nào, bất kỳ ai cũng có thể coi kết quả của hội nghị thượng đỉnh Vilnius là một chiến thắng của Nga trong việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO vào một ngày nào đó”.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rõ rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh chừng nào cuộc chiến chống lại Nga vẫn tiếp diễn.
“Trở thành một thành viên giữa chiến tranh không nằm trong chương trình nghị sự”, ông nói. “Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc”.
NATO đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh năm 2008 ở Bucharest rằng Ukraine rốt cuộc cũng sẽ trở thành thành viên.
Tuy nhiên, kể từ đó, các nhà lãnh đạo đã dừng các bước như trao cho Kyiv một kế hoạch hành động về tư cách thành viên, trong đó vạch ra một thời gian biểu để đưa nước này đến gần hơn với NATO.
Bên lề cuộc họp ở Oslo vào hai ngày 31/5-1/6, các ngoại trưởng dự kiến cũng sẽ thảo luận về việc tìm kiếm một người đứng đầu mới của NATO vì ông Stoltenberg sẽ từ chức vào tháng 9.
Trong khi đó, chiến thắng bầu cử của Tổng thống Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại động lực mới cho những nỗ lực phá vỡ thế bế tắc về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối.
Tuy nhiên, Thụy Điển cho biết là khó có thể đạt được bất kỳ tiến triển nào ở Oslo vì Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ không có mặt ở đó, mặc dù các cuộc đàm phán giữa ông và ông Tobias Billstrom của Thụy Điển sẽ “sớm” diễn ra *******
Nga lên tiếng về tình hình ở Kosovo, NATO điều thêm quân
Văn Khoa
3–4 minutes
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay 30.5 nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) đã biến thành nguồn bạo lực và leo thang trong khu vực, theo Hãng tin TASS.
"Tình hình khủng hoảng ở các thị trấn Zvecan, Zubin Potok và Leposavic, vốn có thể được giải quyết thông qua một sự thỏa hiệp bình tĩnh, lại là một vấn đề khó giải quyết đối với "lực lượng gìn giữ hòa bình" của NATO ở Kosovo. Họ không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà còn trở thành một nguồn bạo lực không cần thiết và là một yếu tố leo thang", bà Zakharova nói trong một tuyên bố.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ý thông báo ít nhất 30 binh sĩ của NATO bị thương do đụng độ với người Serb ở Kosovo ngày 29.5. CNN dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ý cho biết 14 binh sĩ của Ý thuộc KFOR bị thương do người biểu tình ném bom xăng chứa đinh, pháo hoa và đá về phía họ. Các binh sĩ Hungary và Moldova cũng nằm trong số những thành viên KFOR bị thương.
Các binh sĩ thuộc KFOR canh gác tại một văn phòng thị trấn ở Zvecan, Kosovo ngày 30.5
Reuters
Sau cuộc đụng độ trên, NATO hôm nay thông báo đang gửi thêm lực lượng tới Kosovo, theo AFP. "Việc triển khai thêm lực lượng NATO tới Kosovo là một biện pháp thận trọng để đảm bảo rằng KFOR có khả năng cần thiết để duy trì an ninh theo nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giao cho chúng tôi", đô đốc Stuart B. Munsch, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng chung đồng minh ở Naples (Ý) cho hay.
"Tôi muốn khen ngợi KFOR vì đã có hành động nhanh chóng, kiềm chế và chuyên nghiệp để can thiệp nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn và cứu sống nhiều người. Bạo lực phải chấm dứt và tất cả các bên phải ngừng hành động phá hoại hòa bình ở tất cả các cộng đồng của Kosovo", ông Munsch nhấn mạnh.
Vụ đụng độ xảy ra trong lúc các binh sĩ thuộc KFOR lập hàng rào an ninh xung quanh ba tòa thị chính ở 3 thị trấn nói trên trong ngày 29.5. Động thái lập hàng rào nhằm ngăn chặn những người Serb phản đối các thị trưởng người Albania nhậm chức tại một số khu vực ở Kosovo có đa số là người Serb sau cuộc bầu cử mà họ đã tẩy chay, theo Reuters.
Khoảng 50.000 người Serb sống ở 4 đô thị phía bắc Kosovo, trong đó có Zvecan, Zubin Potok và Leposavic, đã tránh cuộc bỏ phiếu ngày 23.4 nhằm phản đối rằng yêu cầu của họ về quyền tự trị nhiều hơn đã không được đáp ứng.
Người Serb yêu cầu chính quyền Kosovo loại bỏ các thị trưởng gốc Albania khỏi các tòa thị chính và cho phép chính quyền địa phương do Serbia tài trợ trở lại nhiệm vụ của họ.
***********
Tin tức thế giới 31-5: Triều Tiên phóng vệ tinh do thám, nghi tên lửa nổ trên không
5–7 minutes
Triều Tiên công bố hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo Hwasongpho-18 vào tháng 4-2023 - Ảnh: AFP
Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự
Rạng sáng nay 31-5, quân đội Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã bắn "thiết bị phóng không gian" từ khu vực Tongchang-ri ở phía nam Triều Tiên về phía Hoàng Hải.
Vụ phóng diễn ra vào khoảng 6h29, giờ địa phương, khiến nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản bật báo động tại nhiều nơi.
Sau khi xác định vật thể mà Triều Tiên phóng không gây ảnh hưởng, Nhật Bản đã tắt cảnh báo trong khi thủ đô Seoul của Hàn Quốc nói rằng đã gửi nhầm thông báo di tản cho người dân thành phố.
Theo Hãng tin Yonhap, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp.
Quân đội Hàn Quốc cho biết "phương tiện phóng" của Triều Tiên biến mất khỏi radar trước khi đến điểm rơi dự kiến và nhiều khả năng đã phát nổ trong không trung.
Trước đó, Triều Tiên đã thông báo sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này trong thời gian từ ngày 31-5 đến 11-6, dự kiến các mảnh vụn sẽ rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng giải thích rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn buộc nước này phải tăng cường năng lực thu thập thông tin theo thời gian thực, nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho rằng vụ phóng của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm nước này sử dụng tên lửa đạn đạo.
* NATO đưa thêm 700 lính đến Kosovo. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo tổ chức này sẽ triển khai thêm quân tới Kosovo sau khi 30 lính gìn giữ hòa bình NATO và 52 người biểu tình bị thương trong các cuộc đụng độ tại đây.
"Chúng tôi đã quyết định triển khai thêm 700 binh sĩ từ lực lượng tác chiến dự bị tới phía tây Balkan và đặt thêm một tiểu đoàn lực lượng dự bị trong tình trạng báo động cao để có thể được triển khai nếu cần", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Stoltenberg.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu kêu gọi giảm căng thẳng ngay lập tức và cảnh báo sẽ có biện pháp phản ứng.
Cảnh sát chống bạo động lập hàng rào bên ngoài tòa thị chính ở thành phố Zvecan miền bắc Kosovo ngày 29-5 - Ảnh: AFP
Căng thẳng giữa người Albania và Serbia ở Kosovo gia tăng sau cuộc bầu cử thị trưởng vừa qua khi các nhóm người Serbia biểu tình phản đối các thị trưởng người Albania đắc cử ở miền bắc.
Ông Putin chỉ trích vụ tấn công Matxcơva
Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine thực hiện vụ lớn nhất từ trước đến nay bằng thiết bị bay không người lái (drone) nhắm vào thủ đô của Nga.
Nhà lãnh đạo Nga nói rằng việc tấn công vào các tòa nhà dân cư ở Matxcơva là hành động "khủng bố" và khiêu khích nước này. Ông cho biết sẽ tăng cường hệ thống phòng không quanh thủ đô.
Theo ông Putin, vụ tấn công Matxcơva nhằm đáp trả việc Nga không kích các trụ sở cơ quan tình báo quân đội Ukraine.
Tuy nhiên ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bác bỏ việc Kiev đứng sau vụ tấn công dù "rất hài lòng khi chứng kiến vụ việc và dự đoán các vụ tấn công (nhắm vào Nga) sẽ tăng".
Nhà Trắng của Mỹ nói rằng vẫn đang thu thập thông tin về vụ việc nhưng không ủng hộ việc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trước đó, Nga nói rằng 8 drone tấn công vào Matxcơva ngày 30-5 đã bị hạ hoặc vô hiệu hóa và chỉ gây hư hại nhỏ đối với một số tòa nhà dân cư. Nga cũng tăng cường tấn công thủ đô Kiev của Ukraine ngày thứ 3 liên tiếp.
Một tòa nhà dân cư ở thủ đô Matxcơva của Nga bị hư hại sau vụ tấn công bằng drone ngày 30-5 - Ảnh: AFP
* Nga truy nã các tướng lĩnh Ukraine. Hãng tin RIA của Nga ngày 30-5 đưa tin Bộ Nội vụ nước này đã đưa 2 tướng lĩnh hàng đầu của Ukraine, gồm Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhnyi và Đại tướng Oleksandr Syrskyi chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine, vào "danh sách truy nã".
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, bà Hanna Maliar, chỉ trích đây là một nỗ lực của Nga nhằm làm mất tinh thần các lực lượng của Kiev.
* Mỹ nói đã đến lúc NATO kết nạp Thụy Điển. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 30-5 cho biết không có lý do gì ngăn Thụy Điển ngay lập tức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Stockholm.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói rằng ông "hoàn toàn tin tưởng" Thụy Điển sẽ gia nhập liên minh quân sự này trước cuộc họp thượng đỉnh NATO vào ngày 11,12-7 tới.
Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập phải được toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh.
Phần Lan và Thuỵ Điển nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái nhưng chỉ mới có Phần Lan được kết nạp vào ngày 4-4 vừa qua.
Những con chim nằm chết
Tuần này, hàng trăm con chim đã nằm chết rải rác dọc theo bờ biển Changa tại tỉnh Coquimbo, miền bắc Chile, mà chưa rõ nguyên nhân. Chính quyền địa phương đang gửi mẫu đi xét nghiệm để xem sự việc có liên quan bệnh cúm gia cầm nào không. (Ảnh: REUTERS)
********
Chiến sự tối 30.5: Thủ đô của cả Nga và Ukraine đều bị tấn công
Lam Vũ
5–6 minutes
Nga cáo buộc Ukraine tấn công Moscow, Kyiv phủ nhận
Nga nói toàn bộ 8 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị bắn hạ trong cuộc tấn công nhằm vào Moscow hôm 30.5, nhưng Kyiv bác bỏ liên can.
Hãng tin RIA Novosti dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay quân đội Ukraine đã sử dụng 8 UAV cho cuộc tấn công diễn ra vào rạng sáng. Ba UAV đã bị lực lượng tác chiến điện tử của Nga chế áp, khiến chúng mất kiểm soát và đi chệch khỏi mục tiêu đã định. Năm UAV còn lại đã bị Nga bắn hạ ở khu vực Moscow bằng hệ thống súng và tên lửa Pantsir-S.
Cũng theo RIA, những chiếc UAV rơi xuống đã làm hư hại một số nhà dân dọc theo hai đường Leninsky và Profsoyuznaya ở phía tây nam thủ đô Nga. Một UAV khác đâm vào một tòa nhà trên đường Atlasova ở khu vực New Moscow. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết vụ tấn công làm 2 người bị thương.
Lực lượng thực thi pháp luật tại hiện trường khu vực bị tấn công bằng UAV ở Moscow hôm 30.5
REUTERS
Khu vực tây nam Moscow là nơi sinh sống của một số nhân vật hàng đầu trong giới tinh hoa Nga, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters. Nhà lãnh đạo đang làm việc tại Điện Kremlin khi vụ tấn công xảy ra và đã được thông báo về sự việc, theo người phát ngôn Dmitry Peskov.
Bộ Quốc phòng Nga mô tả đây là một vụ tấn công khủng bố mà chính quyền Ukraine đứng sau. Song ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bác bỏ sự liên can trực tiếp của Kyiv, dù nói rằng Ukraine muốn nhìn thấy cảnh tượng như vậy và dự đoán sẽ có thêm những vụ tấn công tương tự.
Kyiv đã phủ nhận việc tổ chức cuộc tấn công nhằm vào Điện Kremlin hồi đầu tháng 5. Tuy nhiên, báo The New York Times sau đó tiết lộ giới chức tình báo Mỹ tin rằng Ukraine có liên quan.
Kyiv lại bị tấn công
Trước đó trong ngày 30.5, Ukraine cho hay họ đã tiêu diệt hơn 20 UAV của Nga trong cuộc tấn công nhằm vào Kyiv trước bình minh. Đây là cuộc tấn công thứ ba trong vòng 24 giờ ở thủ đô Ukraine, khiến ít nhất một người thiệt mạng, theo Reuters.
"Cuộc tấn công rất lớn, đến từ nhiều hướng khác nhau, theo nhiều đợt", ông Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quân sự Kyiv, cho biết trên Telegram.
Đây là vụ tấn công có người chết thứ hai ở thủ đô Ukraine trong tháng 5 và là vụ tấn công thứ 17 kể từ đầu tháng. Thông tin sơ bộ cho thấy cuộc tấn công ngày 30.5 chỉ có các máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất, theo giới chức ở Kyiv.
Hiện chưa rõ Nga đã phóng bao nhiêu UAV và không có bình luận ngay lập tức từ Moscow về vụ tấn công.
Tổng thống Ukraine kêu gọi Hàn Quốc cung cấp hệ thống phòng thủ
Ukraine “rất hy vọng” rằng Hàn Quốc sẽ cung cấp các trang thiết bị như hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tấn công của Nga, theo Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Chosun Ilbo, ông Zelensky bày tỏ lòng biết ơn về cam kết của Hàn Quốc trong việc gửi phương tiện rà phá bom mìn và viện trợ nhân đạo cho Kyiv với tổng trị giá khoảng 230 triệu USD. Song ông cho biết Ukraine muốn có hệ thống phòng không và cảnh báo sớm của Hàn Quốc.
"Tôi biết có nhiều hạn chế liên quan đến hỗ trợ vũ khí, nhưng những nguyên tắc đó không nên áp dụng cho các hệ thống phòng thủ và thiết bị để bảo vệ tài sản của chúng tôi", tờ báo dẫn lời ông Zelensky trong tường thuật ngày 30.5.
"Hệ thống phòng không không phải là vũ khí mà hoàn toàn là trang thiết bị phòng thủ. Chúng ta phải có lá chắn bầu trời để tái thiết Ukraine và tôi vô cùng hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ hỗ trợ chúng tôi trong lĩnh vực này", nhà lãnh đạo cho hay.
Là đồng minh của Mỹ và là nhà xuất khẩu vũ khí lớn, Hàn Quốc cho đến nay vẫn bác bỏ khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, viện dẫn lý do là quan hệ kinh tế với Nga và ảnh hưởng của Moscow đối với CHDCND Triều Tiên, bất chấp áp lực từ Washington và châu Âu.
Song trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã báo hiệu khả năng thay đổi, nói rằng Seoul có thể khó tiếp tục chỉ hỗ trợ nhân đạo và tài chính nếu Ukraine phải đối mặt với một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường hoặc một "tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể tha thứ".
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.