Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 02 -05 -2022

Thứ Ba, 02 Tháng Năm 20236:48 SA(Xem: 1527)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 02 -05 -2022
Hoaluc 3
**********
rfi.fr

Ukraina gia nhập NATO, viễn cảnh còn xa vời

Thụy My

Hôm nay lễ Lao động 1 tháng Năm, tất cả các nhật báo đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra số đúp từ hôm trước. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraina nhân cuộc họp thượng đỉnh của NATO tháng Bảy tới? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimée và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ?

Lễ Lao động : Lần đầu tiên từ 14 năm các nghiệp đoàn Pháp cùng diễn hành

Le Monde chạy tựa « Chính quyền đứng trước sự phản kháng dai dẳng », tờ báo ghi nhận : lần đầu tiên kể từ 2009, các nghiệp đoàn - hồi sinh từ phong trào - cùng diễn hành chung.

Từ mười ngày qua, tổng thống và các bộ trưởng cố tránh những rắc rối. Hôm thứ Bảy 29/04, đã có 30.000 thẻ đỏ và còi được các nghiệp đoàn phân phát cho ủng hộ viên trận chung kết Cúp bóng đá Pháp trước khi ông Emmanuel Macron có mặt ở Stade de France ; và hôm nay có khoảng 300 cuộc biểu tình được tổ chức trên toàn quốc. Lực lượng cảnh sát cơ động bắt đầu mệt mỏi khi phải liên tục can thiệp, trước những lời kêu gọi xuống đường phản đối mỗi lần có một thành viên chính phủ tiếp xúc với dân, sau khi luật cải cách hưu trí được ban hành.

Hai quan điểm khác biệt về việc Ukraina gia nhập NATO

Liên quan đến Ukraina, Le Monde phân tích về « Những khác biệt của phương Tây trong vấn đề Ukraina gia nhập NATO ». Các nước thành viên cân nhắc về việc bảo đảm an ninh cho Ukraina trong cuộc họp thượng đỉnh ở Vilnius tháng Bảy tới.

Điều 23 trong thông cáo công bố sau thượng đỉnh NATO ở Bucarest tháng Tư năm 2008 vẫn ám ảnh các nước phương Tây. Sau nhiều cuộc thương thảo giữa các đồng minh, một cam kết về nguyên tắc được đưa ra nhưng không có lịch trình cụ thể : « NATO hoan nghênh khát vọng gia nhập của Ukraina và Gruzia (...). Hôm nay, chúng tôi quyết định rằng những nước này sẽ trở nên thành viên NATO ». Chỉ bốn tháng sau, quân Nga tiến vào Gruzia và quốc gia này bị mất 20 % lãnh thổ.

Mười lăm năm đã trôi qua. Cuộc xâm lăng Ukraina khiến Liên minh Bắc Đại Tây Dương tìm lại được ý nghĩa, nhưng trong lúc Kiev chuẩn bị tổ chức phản công, phương Tây đứng trước một chọn lựa chiến lược. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraina ? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimée và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ? Là ứng cử viên chính thức vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ tháng 6/2022, nhưng tham gia NATO đối với Ukraina hãy còn xa vời. Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ, nhưng Hoa Kỳ không muốn, Đức cũng vậy, còn Pháp để ngỏ. Emmanuel Macron tìm kiếm một công thức có thể kéo gần lại hai khuynh hướng.

Một công thức mới bảo đảm an ninh cho Kiev ?

Hôm 05/04 ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng trên nguyên tắc Mỹ ủng hộ để ngỏ NATO nhưng trước mắt Washington « tập trung cao độ » cho việc trao mọi phương tiện cho Ukraina tự vệ và « giành lại thêm nhiều vùng đất bị Nga chiếm ». Mục tiêu là « nâng Ukraina lên tiêu chuẩn NATO và khả năng tương tác với NATO ».

Một nhà ngoại giao châu Âu giải thích, Hoa Kỳ chống lại việc Ukraina gia nhập, chỉ muốn bảo đảm an ninh theo kiểu song phương. Mỹ cho rằng cuộc phản công không tái chiếm được nhiều đất, song song đó cần thương lượng, và muốn có được sự ổn định từ nay đến mùa hè 2024, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo nhà phân tích Christopher Chivvis, từng phụ trách châu Âu trong cơ quan tình báo Mỹ, Ukraina không phải là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Nếu Kiev gia nhập NATO, các đồng minh phải bảo vệ một đường biên giới rất dài trước Nga. Ông lo ngại rằng Volodymyr Zelensky chưa chuẩn bị cho đồng bào mình trước những lựa chọn đau lòng trong vài tháng tới. Có thể phương Tây cần phải tìm ra một công thức bảo đảm an ninh mà Kiev chấp nhận được, cho dù không mạnh mẽ như điều 5 của NATO - quy định tất cả sẽ hỗ trợ khi một thành viên bị « tấn công vũ trang ». Chivvis cho rằng nên xem xét ý tưởng một liên minh mới trải dài đến những nước như Úc, Nhật Bản, có thể giúp Ukraina tuy không cam kết cụ thể.

Khả năng một thỏa thuận song phương Hoa Kỳ-Ukraina

Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan từng đóng vai trò chính trong việc mở rộng NATO những năm 2000, nằm trong số các chuyên gia tích cực nhất với Kiev. Ông nhớ lại, hồi đó người ta cho rằng việc để Ba Lan gia nhập NATO là đầy nguy hiểm. Nhưng Ukraina đã tự chiến đấu mà không có các đội quân nước ngoài can thiệp, có nghĩa là lãnh thổ nước này có thể được NATO bảo vệ. Chuyên gia này dè dặt trước một liên minh thiện chí, vì Putin có thể lại thử thời vận : dù chuyện gì xảy ra ở Ukraina đi nữa, ông ta cũng không phải đối mặt với quân đội phương Tây.

Giáo sư Charles Kupchan nhận định không nên hy vọng một bước quyết định tiến tới tư cách thành viên tại thượng đỉnh Vilnius, vì Mỹ rất dè dặt. Ông chờ đợi hội nghị Vilnius tái khẳng định ủng hộ Kiev, và thảo luận một dạng hiệp ước an ninh hoặc liên minh tự nguyện trong NATO. Cũng có một công thức khác : một hiệp định song phương giữa Washington và Kiev, giống như với Israel. Tuy Hoa Kỳ không buộc phải đứng ra bảo vệ Israel, nhưng yểm trợ rất lớn về tình báo, hợp tác chế tạo vũ khí và bán thiết bị quân sự.

Một thỏa thuận song phương với nội dung không được công khai, gắn kết Ukraina với Mỹ, sau khi đã viện trợ quân sự đến 35 tỉ đô la trong vòng một năm ? Ông Max Bergmann thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt hy vọng vào EU thay vì NATO - với mong mỏi được nhanh chóng gia nhập, Zelensky có thể thuyết phục dân chúng chịu nhượng bộ Matxcơva. Nhưng hiện không có thủ tục gia nhập rút gọn nào, và phải quay lại với điểm xuất phát : Viễn cảnh nào cho Ukraina ?

Chiếm đất của Ukraina, Putin còn muốn trục xuất dân

Trong khi đó, « Putin đe dọa trục xuất người Ukraina ra khỏi những vùng bị Nga sáp nhập ». Ông chủ điện Kremlin ký sắc lệnh buộc cư dân tại đây phải nhập quốc tịch Nga. Những người sở hữu hộ chiếu Ukraina sẽ nhận được hộ chiếu Nga trước ngày 01/07/2024, ai từ chối sẽ bị coi là người ngoại quốc. Biện pháp này không chỉ áp dụng cho Crimée, bị chiếm từ năm 2014, mà cả Donetsk, Luhansk, Zaporijia, Kherson mới bị sáp nhập từ tháng 9/2022. Đây là bước leo thang thô bạo, vì cho đến nay người dân Crimée dù bị làm khó dễ, vẫn được giữ hộ chiếu Ukraina. Tuy nhiên những « người Nga » mới này chỉ là công dân hạng hai.

Một luật thông qua ngày 18/04 quy định những người Nga nhập tịch có thể bị tước quốc tịch nếu vi phạm luật hình sự, trong đó có việc « nói xấu quân đội Nga ». Cư dân « những vùng đất mới » cũng có thể bị trục xuất « nếu là mối đe dọa cho an ninh quốc gia » - có nghĩa là bày tỏ bất bình về nhiều vấn đề khác nhau. Được biết tháng 9/2022, nhà đấu tranh sinh thái và phản chiến Archak Makitchian đã bị hủy bỏ quốc tịch Nga, trở thành vô tổ quốc, với lý do tài liệu ông cung cấp 18 năm trước đó không đúng. Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật vi hiến, vì Hiến pháp Liên bang Nga nói rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật « bất kể cách thức có được quốc tịch Nga ».

Thụy Điển tập trận chung lớn nhất từ 25 năm

Về mặt quân sự, tại Thụy Điển, quốc gia đang chờ được bật đèn xanh để vào NATO, đang diễn ra một cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ 25 năm qua mang tên « Aurora 23 ». Có 26.000 binh sĩ của 14 nước tham gia từ ngày 17/04 đến 11/05.

Tình huống giả định là Thụy Điển bị tấn công, mạng lưới điện và viễn thông bị phá hoại. Dù đã động viên một phần, các trận đánh ngày càng dữ dội hơn ở miền nam. Mỹ gởi sang một tiểu đoàn thủy quân lục chiến với 700 quân, Phần Lan đổ bộ vào miền tây trong khi Pháp đưa chiến hạm Normandie đến cảng Göteborg. Từ cuối tuần, các quân nhân bắt đầu sát cánh chiến đấu, toàn bộ lực lượng Thụy Điển đều có mặt kể cả 9.000 người tình nguyện.

Được dự kiến vào năm 2020, cuộc tập trận bị dời lại vì đại dịch. Trong thời gian đó, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi : Nga xua quân vào Ukraina và hai tháng sau Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Tuy không phải là cuộc tập trận của NATO, nhưng qua đó Stockholm có thể cho thấy đã sẵn sàng.

Thương lượng với Ankara đang bế tắc, trong khi chờ đợi kết quả bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng Năm, bộ trưởng quốc phòng Pal Johnson tin tưởng Thụy Điển sẽ vào được NATO trước thượng đỉnh Vilnius. Ông nhấn mạnh nước mình không đến với hai bàn tay không : « Thụy Điển là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, chiến hạm, các hệ thống pháo, chiến xa. Và việc nước chúng tôi gia nhập sẽ tăng cường sườn phía bắc của NATO ».

Nga vẫn dùng mánh khóe để nhập linh kiện chế tạo vũ khí

Về phía phương Tây, Le Monde nói đến « Những lỗ hổng trong việc trừng phạt Nga ». Nhờ luồn lách thông qua nước thứ ba, Matxcơva vẫn có được các linh kiện điện tử dùng để sản xuất vũ khí. Mười hai nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong một tài liệu chuyển cho Ủy Ban Châu Âu hồi tháng Hai cho biết kỹ nghệ vũ khí và các ngành chiến lược của Nga tiếp tục được cung ứng ngày càng nhiều.

Matxcơva sử dụng những công ty bình phong của Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Gruzia, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Trung Quốc. Thương mại với EU trong năm 2022 đã lên đến mức kỷ lục, và xuất khẩu từ các nước này sang Nga cũng vậy. Bruxelles đã lập trang web EU Sanctions Whistleblower Tool để có thể tố cáo nặc danh, và đến nay đã có 75 thông tin được ghi nhận.

Những mặt hàng tiêu dùng như máy giặt, tủ lạnh, máy vắt sữa, điện thoại di động được các công ty Nga thuộc tập đoàn vũ khí Rostec tháo gỡ để lấy các bộ phận điện tử lắp vào hỏa tiễn, đạn pháo thông minh, radar, drone. Chuyên gia Vladyslav Vlasiuk ở Kiev cho biết, vừa phát hiện được một số thành phần từ thuốc lá điện tử trong drone tự hủy Lancet của Nga. Viên chức trẻ tuổi này là thành viên ủy ban Yermak-McFaul, một nhóm chuyên gia Ukraina, Mỹ và đối lập Nga phụ trách theo dõi việc tránh né cấm vận. Công việc đầu tiên là cố xác định xuất xứ linh kiện điện tử tìm thấy bên trong các thiết bị Nga bỏ lại trên thực địa, và thông báo cho nước sản xuất để điều tra.

Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, hai mắt xích quan trọng

Thổ Nhĩ Kỳ nhờ vị trí địa lý, nhất là trấn giữ lối vào Hắc Hải, đã hưởng lợi lớn nhờ cấm vận của phương Tây. Chẳng hạn Azu International, một công ty mới thành lập vào đầu cuộc xâm lăng, đã xuất sang Nga trên 20 triệu đô la linh kiện của Mỹ, chỉ thay bao bì rồi bán giá cao gấp hai, ba lần – Matxcơva không quan tâm giá cả. Việc tái xuất chấm dứt sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken : ngày 12/04, công ty này bị cho vào danh sách trừng phạt, tổng cộng 120 doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên vẫn có thể dùng mánh khóe thay mã vạch bằng loại gần giống.

Một mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng : Trung Quốc xuất sang Nga phụ tùng cho drone nhất là pin và camera, qua nền tảng bán hàng trên mạng AliExpress. Bên cạnh đó là thiết bị định vị, hình ảnh vệ tinh, linh kiện điện tử dù chất lượng xấu hơn của Đài Loan, Hàn Quốc. Về phía các thành viên EU, hiện mới có 12 nước coi việc vi phạm cấm vận là tội hình sự. EU đã bổ nhiệm một đặc phái viên để đi thuyết phục các quốc gia đang tiếp tay cho Nga, không nên giúp Putin kéo dài chiến tranh.


************
rfi.fr

Tại sao Ukraina cố tình thông báo hoàn tất các chuẩn bị phản công ?

Đức Tâm

Bí mật và bất ngờ là hai trong số nhiều yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một hoạt động quân sự. Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, Ukraina thường xuyên công khai khẳng định đang hoàn tất các chuẩn bị và chiến dịch phản công sẽ được tiến hành trong nay mai.

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Figaro, ngày 28/04/2023, chuyên gia Edouard Jolly, thuộc viện nghiên cứu chiến lược trường Quân sự (IRSEM), cho rằng, trong thời đại chiến tranh thông tin, đây là một cách để đánh lừa kẻ thù.

Ukraina đang phải tranh thủ thời gian. Các đợt thông tin như vậy tạo nhịp độ cho các hoạt động chuẩn bị, cho phép ban tham mưu tiếp tục quy tập các loại vũ khí, phương tiện cần thiết để lên kế hoạch cho một cuộc phản công thực sự. Cơ hội đối với Ukraina rất hiếm hoi, nếu lựa chọn chiến lược phản công trực tiếp, ồ ạt thì Ukraina không được phép thất bại.

Yếu tố bất ngờ

Có thể gây bất ngờ cho kẻ thù bằng hai cách : cách thứ nhất là giữ bí mật, im lặng, không cho kẻ thù biết ý định của mình. Cách thứ hai là liên tục thông tin, làm cho kẻ thù « quen » với mối đe dọa bị phản công và phải luôn luôn trong tình trạng báo động. Đây là cách mà Trung Quốc đang làm đối với Đài Loan, đối thủ khó có thể phân biệt báo động về một cuộc tấn công thật hay giả.

Thông tin tác chiến /thông tin chính trị

Từ tháng ba đến nay, chính quyền Kiev « phong tỏa » chặt chẽ mọi thông tin về diễn tiến các chiến dịch quân sự, và thường xuyên nói về việc chuẩn bị phản công.

Theo giới chuyên gia, cần phân biệt thông tin mang tính tác chiến và thông tin với mục đích chính trị. Tại Ukraina, hai bên đều chuẩn bị tinh thần là đối phương sẽ tấn công trong dịp xuân-hè. Chính vì vậy, mỗi bên đều giảm bớt việc loan tải các thông tin mang tính chiến thuật, qua đó, hạn chế nguy cơ thông tin bị tiết lộ, ý đồ của họ không bị phanh phui và vị trí đóng quân không bị lộ. Mặt khác, từ khi Nga xâm lược Ukraina, hai bên liên tục áp dụng chính sách thông tin mang tính chính trị.

Thông tin đối nội và đối ngoại

Đối với Ukraina, về mặt đối nội : Đó là làm cho người dân Ukraina biết được rằng quân đội tiếp tục chiến đấu, qua đó tạo hy vọng giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Đối với bên ngoài, Ukraina muốn cho phương Tây thấy là rõ ràng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công mang tính quyết định đối với kết cục cuộc chiến và việc chuyển giao vũ khí cho Kiev trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Cần chuẩn bị kỹ cho cuộc phản công

Cả hai bên đều mơ ước có thể tiến hành một cuộc phản công, nhưng gặp nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất và cả hai bên đều không muốn mạo hiểm gây thêm các tổn thất. Ukraina không thể có nguồn nhân lực vô tận, còn Nga khó có thể huy động thêm binh lính nếu chế độ không áp dụng các biện pháp cứng rắn.

Trong khi chờ đợi, Nga chỉ tiến quân một cách chậm rãi tại một số điểm trên chiến trường. Phía Ukraina áp dụng chiến lược tránh trực tiếp đối đầu để tập trung tấn công một số mục tiêu ở hậu phương của đối phương, như các cơ sở hậu cần, kho dầu, súng đạn…Đây là chiến lược của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh chiếm đóng, với mục đích ngăn cản đối phương chiến đấu.

Hiện nay, Nga đã củng cố chiến tuyến dài 800 cây số và nếu Ukraina tiến hành một cuộc tấn công trên quy mô lớn thì phải dàn trải quân trên một diện rộng.

Có một hệ quả khác của việc Ukraina chuẩn bị tấn công : một phần vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukaina có thể rơi vào tay quân Nga. Cho tới nay, quân đội Ukraina sử dụng chủ yếu các vũ khí có từ thời Liên Xô. Nếu có được một số vũ khí hạng nhẹ do phương Tây sản xuất, Nga sẽ đem dùng trong các cuộc xung đột vũ trang ở những nơi khác nhằm thao túng thông tin, ví dụ cáo buộc Ukraina chuyển giao vũ khí đến những nơi này.

Như vậy, Ukraina lại phải đối mặt với một thách thức bổ sung : Hạn chế để cho vũ khí rơi vào tay kẻ thù, càng ít càng tốt. Vì cho đến nay, đối với cả Nga và Ukraina, một phần ba số vũ khí bỏ lại trên chiến trường rơi vào tay kẻ thù.


***********
rfi.fr

Nga và Ukraina tiếp tục đối đầu tại Bakhmut

Chi Phương

Chiến tranh Ukraina bước sang ngày 433. Giành được chiến thắng ở chiến tuyến Bakhmut, vùng Donbass mang tính biểu tượng đối với cả Nga và Ukraina. Trong khi Nga tuyên bố đã chiếm được 80 % khu vực công nghiệp này, một tướng Ukraina ngày hôm qua, 01/05/2023, cho biết, dù tình hình phức tạp nhưng các đơn vị của Ukraina đã thực hiện những cuộc phản công nhỏ, khiến một số lính Nga phải rút khỏi vị trí. 

Trên Telegram, lãnh đạo của lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraina, đại tá Oleksandre Syrsky cho biết Nga liên tục cử đơn vị mới đến chiến đấu tại Bakhmut và dù bị tiêu hao nặng nhưng sẽ không thể kiểm soát được thành phố này.

Theo Reuters, mặc dù Nga đã kiểm soát được nhiều khu vực nhưng Ukraina vẫn có thể tiếp tục chi viện vũ khí, thuốc men và thức uống cho binh lính của mình ở khu vực này.  

Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio et Boris Vichith có mặt tại đây, đã gặp gỡ trao đổi với một lính Ukraina bị thương, về tình hình tại chiến tuyến Bakhmut :  

« Trong khu vườn của bệnh viện nơi mà tiếng còi cảnh báo phòng không vang lên, Anton đang dần hồi phục sau vụ tấn công làm tan rã đơn vị của anh. Đơn vị gồm 16 người lính, chỉ hai trong số đó là không hề hấn gì, một người đã bỏ mạng, còn lại tất cả đều bị thương. Anton bị chấn thương ở đầu và phải làm lại răng. Anh thuật lại rằng lúc đó, có rất nhiều lính Nga ở phía đối diện : «  Họ tấn công chúng tôi bằng đại pháo, xe tăng, để buộc chúng tôi phải ở lại trong chiến hào, sau đó quân Nga cử lính đến. Họ đi thẳng đến chỗ chúng tôi mà không phải bò, cứ thế tiến về phía trước. Chúng tôi đã nã súng vào họ, khoảng 30 người đã bị bắn chết. Quân Nga thậm chí không mang những người lính này ra khỏi chiến trường. Sau đó, Nga tiếp tục tiến quân cùng đại pháo.

Chúng tôi ẩn nấp trong các chiến hào, nhưng một giờ sau đó, một nhóm khoảng 50-60 lính Nga đã tiếp tục tấn công. Đó là cuộc chiến không có hồi kết. Chúng tôi đã có cảm tưởng như họ đã được nhân bản (với số lượng lớn binh lính ». 

Không có phương tiện liên lạc, binh lính đã phải đợi hơn hai ngày, ẩn nấp sâu trong chiến hào, không có nước hay thức ăn, trước khi đội cứu hộ đến. 

Anton cho biết : « Ở đó thật khủng khiếp. Có nhiều người đã từ chối quay trở lại. Họ viết cho cấp trên thông báo họ sẽ không trở lại chiến tuyến đó nhưng họ đồng ý được triển khai tới bất cứ nơi nào khác, nhưng không phải ở Bakhmut. Tôi chỉ ở đó trong 6 ngày, nhưng tôi đã chứng kiến những gì xảy ra, xin cám ơn, như vậy là đã đủ rồi ». 

Anton sau đó thừa nhận không loại trừ khả năng quay trở lại Bakhmut khi bình phục. Trong lúc chờ đợi, thì người lính lực lưỡng phải trở về phòng bệnh để truyền dịch, giúp tạm ngừng cơn đau nửa đầu trong vài giờ. » 


***********
rfi.fr

Biden bảo đảm với Marcos Jr. sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Mỹ với Philippines

Thanh Phương

PHILIPPINES - HÒA KỲ - NGOẠI GIAO

Đăng ngày:

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) đón tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) đón tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023. AP - Brendan Smialowski

Khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng hôm qua, 01/05/2023, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố bảo đảm sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Washington với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. 

Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. và phu nhân đã được đón tiếp long trọng hơn một chút so với phần lớn các vị nguyên thủ quốc gia mà tổng thống Hoa Kỳ tiếp ở Nhà Trắng. 

Trước khi hội đàm song phương, hai vị tổng thống đã phát biểu vài câu trước báo chí. Ông Joe Biden nhấn mạnh đến “cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Philippines, kể cả tại khu vực Biển Đông”, đồng thời ông hứa sẽ “hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Philippines”. Hoa Kỳ đặc biệt dự trù chuyển các phi cơ quân sự đến Philippines và giúp Manila tăng cường đội máy bay chiến đấu. 

Về phần tổng thống Marcos Jr., ông cho rằng Philippines ở trong một khu vực mà nay trở nên “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Hoa Kỳ. 

Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai tổng thống Mỹ và Philippines đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ mới nhất xảy ra hôm 23/04 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và của Philippines suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. 

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Ferdinand Marcos Jr. thi hành một chính sách ngoại giao theo hướng giữ quan hệ cân bằng giữa Philippines với hai cường quốc Mỹ Trung. Trước khi đi thăm Hoa Kỳ, tháng 1 năm nay, ông đã đến Bắc Kinh với lời hứa Philippines sẽ là “bạn với mọi người, không là kẻ thù của bất cứ ai”. 

Nhưng Washington hy vọng là với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Manila sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Quân đội của Hoa Kỳ và Philippines vừa kết thúc đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Biển Đông. Manila cũng vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có những căn cứ nằm không xa Đài Loan. 

Theo AFP, hôm qua, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Hoa Kỳ bảo đảm việc sử dụng các căn cứ nói trên “sẽ có sự phối hợp và hợp tác hoàn toàn với chính quyền Philippines”.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

QUỐC TẾ - TIN VẮN

Đăng ngày:

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) - Công ty nhà nước Trung Quốc đầu tư 2 tỷ đôla vào Sri Lanka. Hôm nay, 01/05/2023, China Merchants Group (CMG), một tập đoàn nhà nước Trung Quốc thông báo dự định đầu tư 2 tỷ đôla để xây một trung tâm hậu cần lớn tại Cảng Colombo, cảng nước sâu duy nhất giữa Dubai và Singapore. CMG cho biết dự án mà họ mô tả là trung tâm hậu cần lớn nhất vùng Nam Á, sẽ được hoàn tất vào năm 2025.

(AFP) - Pena đắc cử tổng thống Paraguay, Đài Loan chúc mừng. Kinh tế gia Santiago Pena, ứng cử viên của Đảng Colorado, đảng theo xu hướng bảo thủ cầm quyền từ hơn 7 thập niên qua ở Paraguay, đã đắc cử tổng thống hôm qua, 30/04/2023, với đa số áp đảo. Đài Loan đã chúc mừng tổng thống tân cử của Paraguay, một trong 13 quốc gia còn giữ bang giao với Đài Bắc. 

(AFP) - Washington hứa hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan. Trong các cuộc nói chuyện riêng với các lãnh đạo hai nước Armenia và Azerbaijan ngày 30/04/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết là Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho tiến trình hòa bình giữa hai bên. Ông đồng thời kêu gọi khai thông tuyến đường quan trọng nối liền vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny Karabakh với Armenia, hiện đang bị Azerbaijan ngăn chặn.

(AFP) - Uzbekistan: Đại đa số cử tri tán đồng bản Hiến Pháp sửa đổi. Theo kết quả sơ bộ được Ủy Ban Bầu Cử Uzbekistan công bố sáng 01/05/2023, cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/04 về bản Hiến Pháp sửa đổi, với đề nghị chính là chuyển từ nhiệm kỳ 5 năm sang nhiệm kỳ 7 năm và cho phép hai nhiệm kỳ tổng thống, đã được hơn 90% người đi bầu tán đồng. Như vậy, đương kim tổng thống nước này, ông Chavkat Mirzioev, trên lý thuyết, sẽ có thể tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2040. Kết quả áp đảo nói trên không có gì đáng ngạc nhiên vì Uzbekistan vẫn bị nhiều tổ chức phi chính phủ coi là một quốc gia độc tài, mặc dù đã có những cải cách gần đây.

 (AFP) : JPMorgan Chase mua lại First Republic Bank. Hôm nay, 01/05/2023, chính phủ Mỹ đã giành quyền kiểm soát First Republic Bank và sau đó bán lại phần lớn ngân hàng này cho ngân hàng JPMorgan Chase. First Republic Bank đã chịu áp lực rất mạnh kể từ sau vụ phá sản vào tháng 3 của hai ngân hàng có cấu trúc tương tự, là Silicon Valley Bank và Signature.

(AFP) - Cờ vua: Một nam kỳ thủ Trung Quốc lần đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới. Vận động viên Trung Quốc Đinh Lập Nhân (Ding Liren), 31 tuổi, ngày 30/04/2023 đã giành chiến thắng trong trận chung kết Giải Vô Địch CVua Thế Giới tổ chức ở Astana, Kazakhstan. Bại tướng của Đinh Lập Nhân là kỳ thủ Nga Ian Nepomniachtchi đã bị thua ở ván thứ tư, cũng là ván cuối cùng trong loạt tie-break cờ nhanh. Đinh Lập Nhân như vậy đã trở thành nam vô địch cờ vua thế giới đầu tiên của Trung Quốc. Anh kế vị nhà vô địch Magnus Carlsen, người Na Uy, đã quyết định không bảo vệ danh hiệu của mình sau 10 năm thống trị.

(RFI) - Tổng thống Irak thăm Iran để thắt chặt quan hệ Tổng thống IraK Abdel Latif Rashid đã có chuyến thăm chính thức tới Iran vào thứ Bảy 30/04/2023 để tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, hai nước quyết định tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh. Irak là đối tác kinh tế thứ hai của Iran sau Trung Quốc, Teheran cung cấp cho Irak khí đốt và điện, cũng như các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Iran cũng hỗ trợ các nhóm Shia chống lại sự hiện diện của Mỹ ở Irak và Syria.


**********
voatiengviet.com

Tổng thống Biden: Cam kết của Mỹ bảo vệ Philippines là ‘sắt đá’

Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc hôm 1/5 rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ đồng minh là “sắt đá” kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc.

Ông Marcos, trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines sau 10 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có “tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.”

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết lãnh đạo Mỹ-Philippines sẽ nhất trí các hướng dẫn mới về hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn, cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Hoa Kỳ-Philippines trong năm qua.

“Hoa Kỳ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả Biển Đông,” ông Biden nói với ông Marcos tại Phòng Bầu dục, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 kêu gọi Hoa Kỳ hành động trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang vào quân đội Philippines.

Quan chức Mỹ cho biết các hướng dẫn mới tập trung vào sự phối hợp quân sự trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, trong khi chính quyền Mỹ cũng sẽ chuyển giao ba máy bay C-130 và tìm cách gửi thêm tàu tuần tra tới Philippines.

“Việc Philippines tìm đến đối tác hiệp ước duy nhất trên thế giới để củng cố và xác định lại mối quan hệ mà chúng ta có và vai trò của chúng ta trước những căng thẳng gia tăng mà chúng ta thấy xung quanh Biển Đông, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tự nhiên,” ông Marcos nói.

Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos, các mối quan hệ với Hoa Kỳ trở nên xấu đi vì ông đưa Philippines quay lưng lại với quốc gia cai trị thuộc địa cũ và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines lần này là trọng tâm chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài bốn ngày của ông Marcos bắt đầu từ ngày 30/4.

Ông Biden đã đầu tư vào việc ve vãn ông Marcos, người vẫn đang phải đối mặt với phán quyết của tòa án Hoa Kỳ liên quan đến 2 tỷ đô la tài sản bị cướp đoạt dưới sự cai trị của cha mình.

Washington đã giúp thân phụ của ông Marcos lưu vong ở Hawaii trong cuộc nổi dậy “quyền lực nhân dân” năm 1986 và với tư cách là nguyên thủ quốc gia, con trai ông được miễn trừ khỏi sự truy tố của Hoa Kỳ.

Ông Biden lưu ý với ông Marcos rằng “đã lâu rồi bạn mới đến đây”, trước khi nói thêm rằng ông Marcos Jr. đã đi cùng cha mình đến Hoa Kỳ khi ông gặp cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Ông Marcos trở thành tổng thống vào năm ngoái và đã tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, những nước đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Washington coi Philippines là chìa khóa cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình. Manila gần đây đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao, nhưng hai bên chưa cho biết lực lượng nào của Hoa Kỳ sẽ đóng quân tại những căn cứ đó.

Các chuyên gia cho rằng Washington coi Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai rốc-két, phi đạn và hệ thống pháo nhằm chống lại một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Marcos nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một “sân khấu” cho hành động quân sự.

Trước khi khởi hành đến Washington vào ngày 30/4, ông Marcos cho biết ông sẽ tái khẳng định cam kết của Manila “trong việc thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng ta như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Lập trường cứng rắn hơn

Khi nhiều người Philippines phẫn nộ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc quấy rối các tàu và ngư dân Philippines ở các vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, sự ủng hộ của người dân về việc có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh đã tăng lên.

Sự cảnh giác về Trung Quốc chỉ mới gia tăng trong thời gian gần đây.

Phát biểu hồi tháng trước của đại sứ Bắc Kinh tại Manila rằng Philippines chớ nên ủng hộ nền độc lập của Đài Loan “nếu quan tâm đến 150.000 công nhân nước ngoài” gốc Philippines sống ở đó bị xem là “lời đe dọa ngấm ngầm”, một quan chức Mỹ cho biết.

Ông Biden coi việc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.

Trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi một lá thư lưỡng đảng tới ông Biden kêu gọi ông nêu ra điều mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng” nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Philippines.

Trong một tuyên bố, họ nói rằng có những vi phạm được ghi nhận đầy đủ dưới thời ông Duterte nhưng các báo cáo gần đây cho thấy “sự miễn trừ đang diễn ra”. Họ trích dẫn các báo cáo từ Liên minh Nhân quyền Karapatan về 17 vụ giết người phi pháp, 165 vụ bắt giữ bất hợp pháp từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái và tổng cộng 825 tù nhân chính trị.

Các căn cứ mới của Philippines mà Hoa Kỳ đã tiếp cận vào tháng trước bao gồm ba căn cứ đối diện với Đài Loan và một căn cứ gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc nói đây là “đổ thêm dầu vào lửa.”

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói: “Một số bước mà Trung Quốc đã thực hiện đã khiến (Marcos) lo ngại, thậm chí có thể khiến ông ấy ngạc nhiên”. “Ông ấy có mong muốn mạnh mẽ được hợp tác chặt chẽ với cả hai nước nhưng thấy mình đang ở trong một tình huống mà các bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện rất đáng lo ngại.”

Một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi đang kề vai sát cánh ở Biển Đông, nơi mà sự liên kết của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế”.

Ông Biden cũng sẽ thực hiện các bước hợp tác kinh tế, bao gồm cử phái đoàn thương mại và đầu tư tới Manila, hỗ trợ triển khai công nghệ viễn thông 5G, phát động tài trợ công-tư cho các khoáng sản quan trọng và phát triển lưới điện “thông minh”, thảo luận song phương mới về các vấn đề lao động và hỗ trợ an ninh sân bay, an toàn hàng hải và ngành y tế của Philippines.

Chuyến thăm của ông Marcos là một phần trong chính sách ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được đẩy mạnh của Hoa Kỳ.

Ông Biden đã tiếp đón tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước và sẽ tới Nhật Bản trong tháng này để tham dự cuộc họp của Nhóm 7 nước và tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Quad với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cả hai cuộc họp dự kiến sẽ tập trung nhiều vào Trung Quốc.


***********
voatiengviet.com

Mỹ: 20.000 người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái

AP

Tòa Bạch Ốc ngày 1/5 loan báo họ ước tính rằng kể từ tháng 12 năm ngoái, Nga đã gánh chịu 100.000 thương vong, trong đó có hơn 20.000 người thiệt mạng giữa lúc Ukraine đẩy lùi một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Nga ở miền đông Ukraine.

Trong cuộc chiến tiêu hao này, những trận chiến khốc liệt nhất nổ ra ở khu vực phía đông Donetsk, nơi Nga đang cố gắng bao vây thành phố Bakhmut trước sự phòng thủ kiên cường của Ukraine.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết ước tính của Hoa Kỳ dựa trên thông tin tình báo mới được giải mật của Mỹ. Ông không nêu chi tiết làm thế nào cộng đồng tình báo có được con số đó.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói hồi tháng 11 rằng Nga có hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương trong 8 tháng đầu tiên của cuộc chiến. Các số liệu mới cho thấy tổn thất của Nga đã tăng nhanh đáng kể trong những tháng gần đây.

Quân đội từ nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga và các lực lượng khác đang chiến đấu chống lại quân đội Ukraine từng nhà một để cố gắng giành quyền kiểm soát “con đường sự sống” - con đường cuối cùng còn lại ở phía tây vẫn nằm trong tay Ukraine, khiến nó trở nên quan trọng để tiếp tế và chuyển thêm quân mới. Cả hai bên đã khoe những thắng lợi trong những ngày gần đây.

Ông Kirby nói gần một nửa số người thiệt mạng kể từ tháng 12 năm ngoái thuộc lực lượng Wagner, nhiều người trong số họ là những tù nhân được thả để tham gia cuộc chiến của Nga. Ông cho biết lực lượng Wagner “bị ném vào chiến đấu và không có đủ khả năng chiến đấu hoặc không được huấn luyện chiến đấu, khả năng lãnh đạo chiến đấu hoặc bất kỳ ý thức chỉ huy và kiểm soát có tổ chức nào”.

Tòa Bạch Ốc nhiều lần tìm cách nêu bật cái giá phải trả — cả về người lẫn về vũ khí — đối với Nga tại Bakhmut, mà họ cho rằng có tầm quan trọng chiến lược hạn chế đối với quỹ đạo tổng thể của cuộc chiến. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng việc giành quyền kiểm soát Bakhmut có thể hữu ích cho những nỗ lực của Nga nhằm tiến tới các thành phố lớn hơn Kramatorsk và Sloviansk ở vùng Donetsk.

Ông Kirby cho biết con số thương vong của Nga đối với “thị trấn nhỏ Bakhmut” này phù hợp với một số giai đoạn giao tranh khốc liệt nhất trong Thế chiến II, bao gồm Trận chiến Bulge, chiến dịch tấn công lớn cuối cùng của quân Đức ở Mặt trận phía Tây, và Chiến dịch Guadalcanal, cuộc tấn công lớn đầu tiên của quân Đồng minh chống lại Nhật Bản.

Ông Kirby nói: “Số người thiệt mạng trong chiến dịch cao gấp ba lần mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong chiến dịch Guadalcanal trong Thế chiến Thứ hai trong vòng 5 tháng.”

Tướng Oleksandr Syrskyi, người đứng đầu lực lượng bộ binh Ukraine, cho biết Nga tiếp tục tiến hành “nỗ lực tối đa” để chiếm Bakhmut nhưng cho đến nay vẫn thất bại.

Ông nói: “Ở một số nơi trong thành phố, địch đã bị các đơn vị của chúng tôi phản công và bỏ lại một số vị trí.”

Ông Kirby từ chối cho biết có bao nhiêu binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc giao tranh. Ông Milley cho biết vào tháng 11 năm ngoái rằng thương vong của Ukraine có lẽ cũng vào khoảng 100.000 người.


***********

Tin tức thế giới 2-5: Đến Mỹ không cần giấy tiêm vắc xin COVID-19; Nga thiệt hại lớn ở Bakhmut


Tin tức thế giới 2-5: Đến Mỹ không cần giấy tiêm vắc xin COVID-19; Nga thiệt hại lớn ở Bakhmut - Ảnh 1.

Viên cảnh sát chống bạo động tại Paris, Pháp có phần tơi tả khi làm việc trong Ngày Quốc tế lao động, ngày xảy ra biểu tình phản đối luật cải cách lương hưu và ủng hộ công bằng xã hội ở nhiều nơi tại Pháp - Ảnh: REUTERS

Biểu tình Ngày Quốc tế lao động ở Pháp: hơn 100 cảnh sát bị thương

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết ít nhất 108 cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ trên khắp nước Pháp với những người biểu tình tức giận với luật cải cách hưu trí. Ông Gérald Darmanin cho biết số lượng lớn cảnh sát bị thương như vậy là cực kỳ hiếm.

Ông cũng nói thêm, 291 người biểu tình đã bị bắt vì gây hỗn loạn. Theo Đài BBC, hàng trăm ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình Ngày Quốc tế lao động 1-5 phản đối các cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Hầu hết là các nhóm biểu tình ôn hòa nhưng cực đoan đã ném bom xăng và pháo hoa vào lực lượng an ninh.

Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng.

Ngày đầu tháng 5 ở Pháp

Người dân tham gia cuộc tuần hành truyền thống Ngày Quốc tế Lao động, phản đối luật cải cách lương hưu và ủng hộ công bằng xã hội, tại Nantes, Pháp ngày 1-5 - Ảnh: REUTERS

Người dân tham gia cuộc tuần hành truyền thống Ngày Quốc tế lao động, phản đối luật cải cách lương hưu và ủng hộ công bằng xã hội, tại Nantes, Pháp ngày 1-5 - Ảnh: REUTERS

Tình báo Mỹ ước tính Nga mất 20.000 quân ở Bakhmut

Ngày 1-5, Nhà Trắng công bố một ước tính tình báo cho rằng quân đội Nga mất khoảng 20.000 quân nhân và có thêm 80.000 quân nhân bị thương trong 5 tháng qua trong cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine ở khu vực Bakhmut.

Người phát ngôn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng con số do tình báo Mỹ cung cấp. 

Một nửa trong số những người chết thuộc nhóm đánh thuê Wagner. Ông cho rằng cuộc tấn công Bakhmut của Nga đã bị đình trệ và thất bại.

Mỹ có nguy cơ thiếu tiền mặt từ ngày 1-6

Ngày 1-5, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ liên bang có thể thiếu tiền mặt để thanh toán các hóa đơn ngay sau ngày 1-6 nếu không tăng trần nợ công.

Trong thư gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cơ quan này sẽ khó có thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ "vào đầu tháng 6, khả năng sớm nhất là vào ngày 1-6" nếu không có hành động của Quốc hội.

Bà viết: "Các khoản thu và chi của liên bang đã thay đổi. Ngày thực tế Bộ Tài chính sử dụng hết các biện pháp đặc biệt, có thể muộn hơn vài tuần so với những ước tính này".

Bà thúc giục Quốc hội hành động nhanh để tăng giới hạn trần nợ công. Mỹ chạm mức giới hạn vay 31.400 tỉ USD vào ngày 19-1.

Từ đó, bộ trưởng tài chính đã thanh toán các khoản nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt.

Ông Biden triệu tập cuộc họp về trần nợ công

Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cho 4 lãnh đạo Quốc hội và mời họ dự cuộc họp ngày 9-5 về vấn đề nâng trần nợ công.

Vấn đề tăng trần nợ công đang là cuộc đấu tranh gay gắt giữa khối Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội. 

Đảng Cộng hòa đồng ý nâng trần nợ với điều kiện phải cắt giảm chi tiêu của các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế quốc gia.

Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua dự luật nâng trần nợ, trong đó cắt giảm sâu ngân sách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Hàng trăm tháp kiểm soát không lưu bị đóng cửa để cắt giảm ngân sách. 

Dự luật cũng sẽ cắt giảm ưu đãi thuế với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác.

Mỹ - Philippines nói về Biển Đông, eo biển Đài Loan

Trong tuyên bố chung ngày 1-5 sau khi gặp nhau tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".

Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ "cam kết vững chắc của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ khẳng định với người đồng cấp rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh, kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc, là "vững chắc như sắt thép".

Ông Marcos là lãnh đạo Philippines đầu tiên đến thăm Nhà Trắng sau 10 năm. Chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có "tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay".

Mỹ bỏ yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 với người nước ngoài từ ngày 11-5

Tin tức thế giới 2-5: Đến Mỹ không cần giấy tiêm vắc xin COVID-19; Nga thiệt hại lớn ở Bakhmut - Ảnh 6.

Mỹ bỏ yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 với người nước ngoài đến Mỹ từ 11-5 - Ảnh: REUTERS

Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 1-5, Mỹ sẽ ngừng các yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 với nhân viên, nhà thầu liên bang và du khách quốc tế từ ngày 11-5, khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do vi rút SAR-CoV-2 gây ra kết thúc.

Tháng 6-2022, Mỹ bỏ yêu cầu khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng giữ nguyên yêu cầu tiêm vắc xin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) với hầu hết du khách nước ngoài.

Vua Charles III dùng lễ phục đăng quang cũ vì bảo vệ môi trường

Vua Charles III, người đã dành cả đời để vận động cho sự bền vững và chống lại nền kinh tế đồ dùng một lần, sẽ mặc trang phục mà các hoàng đế trước, trong đó có mẹ và ông, từng mặc, trong lễ đăng quang vào tuần tới.

Lễ đăng quang của Vua Charles III, 74 tuổi, sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster, London vào ngày 6-5.

Nhiều vật phẩm trong sự kiện tôn giáo và lịch sử này như vương miện và quyền trượng, có niên đại hàng thế kỷ, nhưng Vua Charles cũng sẽ sử dụng lại một số trang phục đã xuất hiện tại lễ đăng quang từ năm 1821 "vì lợi ích về bền vững và hiệu quả", Điện Buckingham thông báo ngày 1-5. 

Trong số lễ phục xuất hiện trở lại sẽ có đôi găng tay đăng quang được làm cho ông nội của ông, Vua George VI.


************

Chiến sự ngày 432: Nam Phi thuyết phục ông Putin không dự trực tiếp hội nghị BRICS

Thụy Miên

Chiến sự ngày 432: Nam Phi thuyết phục ông Putin không dự trực tiếp hội nghị BRICS - Ảnh 1.

Linh Nga ở trung tâm Bakhmut

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Tình hình phức tạp ở Bakhmut

Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lực lượng bộ binh Ukraine, cho biết các đợt phản công của quân đội nước này đã đánh bật một số đơn vị Nga khỏi vị trí đóng quân ở thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, trên Telegram, vị tướng cũng thừa nhận tình hình tiếp tục khó khăn cho Ukraine tại đây.

Sau chuyến thị sát tiền tuyến hôm 30.4, tướng Syrskyi nói rằng Nga liên tục đưa các đơn vị mới, bao gồm lính dù và lính đánh thuê của Wagner, đến Bakhmut. Thế nhưng, đến nay Nga vẫn chưa thể kiểm soát thành phố.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 431 có diễn biến gì nóng?

Ngày 1.5, ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập công ty Wagner và đang dẫn đầu mũi nhọn tấn công của lính đánh thuê ở Bakhmut, cho hay các tay súng của ông cần khoảng 300 tấn đạn pháo/ngày để duy trì nhịp tấn công.

"300 tấn đạn pháo/ngày là khoảng 10 thùng chở hàng, không quá nhiều", nhưng phía Wagner chỉ nhận được 1/3 số đó, ông Prigozhin nói.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội đã tấn công mọi mục tiêu như kế hoạch trong đợt phóng tên lửa vào rạng sáng 1.5. "Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga triển khai đợt phóng tên lửa tổ hợp, sử dụng những dòng vũ khí chính xác tầm xa, trên không và trên biển, nhằm vào các khu phức hợp công nghiệp quân sự của Ukraine", theo TASS.

Bên cạnh đó, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Nga bắn trúng kho đạn ở nhà ga xe lửa thuộc Pavlograd (tỉnh Dnipropetrovsk, Ukraine).

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo tiêu diệt 330 lính Ukraine ở hướng Donetsk trong vòng 24 giờ, chưa rõ số thương vong có bao gồm Bakhmut hay không.

Còn tại khu vực của Nga giáp biên giới Ukraine, một đoàn tàu chở hàng đã bị lật khi thiết bị nổ tự tạo nổ tung trên đường ray xe lửa thuộc tỉnh Bryansk. Đầu tàu bị bốc cháy. May mắn không xảy ra thương vong.

Chiến sự ngày 432: Nam Phi thuyết phục ông Putin không dự trực tiếp hội nghị BRICS - Ảnh 2.

Tổng thống Putin (trái) và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị BRICS ở Sochi ngày 24.10.2019

AFP/GETTY

Nam Phi khuyên Tổng thống Putin

Giới chức Nam Phi đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt nhà lãnh đạo Nga, tờ Sunday Times (Nam Phi) đưa tin.

Thay vào đó, các quan chức chủ nhà đề nghị chủ nhân Điện Kremlin tham dự trực tuyến.

Tờ Sunday Times dẫn các nguồn thạo tin thuộc chính phủ Nam Phi tiết lộ ủy ban đặc biệt do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thiết lập đã rút ra kết luận rằng, trong trường hợp ông Putin đặt chân lên lãnh thổ nước này, họ bị buộc phải thi hành lệnh bắt theo trát của ICC.

Ngày 17.3, ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin và một quan chức Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt được Moscow phát động tại Ukraine.

Nam Phi, trên cương vị là một trong 123 nước ký kết Quy chế Rome về ICC, có nhiệm vụ phải thi hành những lệnh bắt giữ theo yêu cầu của ICC.

Các hội nghị BRICS được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi về các khía cạnh thương mại, chính trị, văn hóa.

Chiến sự ngày 432: Nam Phi thuyết phục ông Putin không dự trực tiếp hội nghị BRICS - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis trong cuộc họp báo trên máy bay hôm 30.4

AFP

Hy vọng từ Vatican

Trên chuyến bay từ Hungary về Rome, Giáo hoàng Francis của giáo hội Công giáo tiết lộ Tòa Thánh đang tham gia sứ mệnh hòa đàm với mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

"Hiện sứ mệnh đang được triển khai nhưng chưa công bố. Một khi được công khai, ta sẽ cung cấp thông tin", Reuters dẫn lời Đức Thánh Cha trong cuộc họp báo trên máy bay.

"Ta cho rằng hòa bình chỉ luôn đạt được thông qua các kênh mở. Con người không thể đạt được hòa bình bằng sự khép kín", Giáo hoàng cho biết.

Người đứng đầu Vatican cho hay đã trao đổi tình hình Ukraine với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng giám mục Hilarion, đại diện của Giáo hội Chính thống giáo Nga ở Budapest.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn