Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 26 -04 -2022

Thứ Tư, 26 Tháng Tư 202311:52 SA(Xem: 1482)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 26 -04 -2022

Hoaluc 4
************

Tổng thống Ukraine điện đàm ‘lâu và có ý nghĩa' với chủ tịch Trung Quốc

April 26, 2023

KIEV, Ukraine (NV) – Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, loan báo ông có cuộc điện đàm “lâu và có ý nghĩa” với ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, hôm Thứ Tư, 26 Tháng Tư, theo BBC.

Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo này liên lạc với nhau kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

TS-tong-thong-ukraine
Ông Volodymyr Zelensky (trái) và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc. (Hình minh họa: Facebook Volodymyr Zelensky & Noel Celis – Pool/Getty Images)

Trên Twitter, Tổng Thống Zelensky cho hay ông tin rằng cuộc điện đàm, cùng với việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine ở Trung Quốc, sẽ “tạo động lực mạnh mẽ cho mối quan hệ song phương của chúng tôi phát triển.”

Trung Quốc xác nhận cuộc điện đàm, cho biết thêm rằng nước này “luôn luôn đứng về phía hòa bình.”

Không như Tây phương, Trung Quốc cố gắng tỏ ra trung lập đối với cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ che giấu mối quan hệ thân thiết với Moscow, hay lên án cuộc xâm lược. Tháng trước, ông Tập còn đi thăm Nga hai ngày.

Trong chuyến công du tới Nga, ông Tập gọi ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, là “bạn yêu quý,” đề nghị kế hoạch hòa bình mơ hồ 12 điểm và khẳng định Trung Quốc đứng về phía chân lý của lịch sử, nhưng không cam kết cung cấp vũ khí cho Nga.

Vài ngày sau khi ông Tập thăm Nga, tổng thống Ukraine mời ông Tập tới Kiev hội đàm, lưu ý rằng họ từng liên lạc với nhau trước khi cuộc chiến nổ ra nhưng không nói chuyện gì với nhau kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hồi Tháng Hai, 2022.

Trong thông báo về cuộc điện đàm hôm Thứ Tư, Trung Quốc trích lời ông Tập cho hay, “với tư cách là nước lớn có trách nhiệm,” Trung Quốc sẽ “không đứng bên này nhìn lửa cháy, mà cũng không đổ thêm dầu vô lửa, huống hồ gì lợi dụng cuộc khủng hoảng để làm lợi.”

Thông báo đó có vẻ nhằm “chửi xéo” Mỹ, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc. Tới nay, Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như khó có thể giúp kết thúc cuộc chiến, không chỉ vì Nga chưa chứng tỏ sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ mà họ chiếm đóng của Ukraine, và đây là yêu cầu chính của Kiev.

Giới phân tích cũng hoài nghi vai trò trung gian của Trung Quốc, nêu lý do rằng không những ông Tập thân thiết với ông Putin, mà thương mại giữa Trung Quốc với Nga đang tăng mạnh, và Bắc Kinh thậm chí chưa chịu dùng từ “xâm lược.”

Nhưng thời gian qua, tổng thống Ukraine liên tục tìm cách liên lạc với ông Tập như để thừa nhận tài sản dồi dào và sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc có thể làm thay đổi kết quả cuộc chiến.

Hôm Thứ Tư, ông Zelensky bổ nhiệm ông Pavlo Ryabikin, cựu bộ trưởng Ukraine, làm đại sứ ở Trung Quốc.

Cùng ngày, tại Mỹ, Tòa Bạch Ốc hoan nghênh tin hai nhà lãnh đạo Ukraine và Trung Quốc điện đàm với nhau lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược của Nga, theo CNN.

Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc tỏ ra thận trọng về việc cuộc điện đàm có thể dẫn tới “tiến bộ hoặc kế hoạch hòa bình nào có ý nghĩa” hay không. (Th.Long) [kn]


**********
voatiengviet.com

Điện Kremlin cảnh báo sẽ tịch thu thêm tài sản của phương Tây ở Nga

Reuters

Điện Kremlin hôm 26/4 cảnh báo họ có thể tịch thu thêm tài sản của phương Tây để trả đũa các động thái của các nước này nhằm vào các công ty Nga, sau khi nắm quyền kiểm soát tạm thời các tài sản thuộc về các công ty Fortum của Phần Lan và Uniper của Đức.

Tổng thống Vladimir Putin vào tối 25/4 đã ký sắc lệnh thiết lập quyền kiểm soát tạm thời các tài sản ở Nga của hai công ty năng lượng châu Âu thuộc sở hữu nhà nước. Tập đoàn năng lượng Fortum cho biết họ đang ‘điều tra’ và Uniper, công ty con trước đây của Fortum, cho biết họ đang ‘xem xét’ động thái này.

Sắc lệnh cho thấy Moscow đã có hành động nhằm vào chi nhánh của Uniper ởNga và tài sản của Fortum. Nga nói rõ rằng động thái này có thể được đảo ngược.

Moscow đã phản ứng giận dữ trước tin Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) đang xem xét cấm gần như hoàn toàn xuất khẩu sang Nga, trong khi nhiều nước kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều để hạn chế khả năng chiến đấu của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine. Đức đã quốc hữu hóa chi nhánh của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hồi năm ngoái.

“Sắc lệnh được thông qua là phản ứng trước các hành động gây hấn của các quốc gia không thân thiện”, phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói. “Sáng kiến này rập khuôn cách hành xử của các chính phủ phương Tây đối với tài sản của các công ty Nga”.

Sắc lệnh của ông Putin ‘không đề cập đến vấn đề sở hữu và không tước đoạt tài sản của chủ sở hữu. Bởi vì việc quản lý bên ngoài này chỉ là tạm thời và chỉ có nghĩa là chủ sở hữu ban đầu không còn quyền đưa ra quyết định về quản lý”, ông Peskov nói tiếp.

“Mục đích chính của sắc lệnh là lập quỹ bồi thường để có thể dùng cho biện pháp trả đũa trước với việc chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của Nga ở nước ngoài”.

Uniper sở hữu 83,73% Unipro, hãng vận hành 5 nhà máy điện với tổng công suất hơn 11 gigawatt ở Nga và thuê khoảng 4.300 nhân viên.

Fortum thuộc sở hữu chủ yếu của Phần Lan, nước đã gia nhập liên minh quân sự NATO hồi đầu tháng. Moscow cho rằng Phần Lan đã phạm sai lầm nguy hiểm.

“Hiện theo Fortum hiểu, nghị định mới không ảnh hưởng đến quyền sở hữu (quyền sở hữu đã đăng ký) của các tài sản và công ty ở Nga”, công ty này cho biết trong một tuyên bố.

“Tuy nhiên, vẫn chưa rõ điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Fortum tại Nga hay quá trình thoái vốn đang diễn ra, chẳng hạn như vậy”, tuyên bố của công ty nói thêm.

Sắc lệnh của ông Putin cho biết Nga cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đáp trả các hành động nhất định từ Mỹ và các nước khác mà họ cho là ‘không thân thiện và trái luật pháp quốc tế’.


**********
rfi.fr

Lãnh đạo ngoại giao EU kêu gọi khẩn trương cung cấp đạn dược cho Ukraina

Trọng Thành

CHÂU ÂU - UKRAINA - VIỆN TRỢ VŨ KHÍ

Đăng ngày:

Binh sĩ Ukraina chuẩn bị đạn dược tại một vị trí trên mặt trận Bakhmut, ngày 12/04/2023.
Binh sĩ Ukraina chuẩn bị đạn dược tại một vị trí trên mặt trận Bakhmut, ngày 12/04/2023. REUTERS - STRINGER

Sau cuộc họp các ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua, 24/04/2023, tại Luxembourg, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu đã hối thúc các quốc gia châu Âu nhanh chóng cung cấp nhiều đạn dược hơn cho quân đội Ukraina.

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell khẳng định: ‘‘Chúng ta biết rằng nhu cầu về đạn dược và tên lửa của Ukraina là khẩn cấp, Ukraina cần đến các phương tiện này để bảo vệ lãnh thổ’’. Ông Borrell cho biết cụ thể: ‘‘Đã có hơn 1.000 tên lửa được cung cấp, và số lượng đạn dược đã được cung cấp đang gia tăng, nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa viện trợ đạn dược trong những ngày tới’’.

Về hồ sơ này, hội nghị các ngoại trưởng Liên Âu hôm qua chưa đạt được kết quả. Theo Reuters, hiện tại Liên Âu vẫn đang trong quá trình đúc kết một thỏa thuận triển khai ‘‘khoản mua chung đạn dược’’ cho Ukraina với ngân sách một tỷ euro, theo quyết định đưa ra hôm 20/03. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu nhấn mạnh là ‘‘cho dù có một số bất đồng, nhưng công việc vẫn đang tiếp tục. Chúng ta không thể chờ đợi một văn bản có giá trị pháp lý hoàn tất rồi mới bắt tay vào việc’’. Bất đồng mà lãnh đạo ngoại giao Liên Âu nêu trên là giữa quan điểm chấp nhận nguồn đạn dược từ các cơ sở sản xuất vũ khí ở nước ngoài, và quan điểm ngược lại, tiêu biểu là của Pháp, đòi hỏi sản xuất phải được tiến hành tại châu Âu.

Kết quả cuộc phản công dự kiến sắp tới của quân đội Ukraina phụ thuộc nhiều vào số lượng đạn được. Giới chuyên gia quân sự thường đưa ra con số từ 5.000 đến 7.000 trái đạn pháo 155 ly được sử dụng một ngày, tương đương với khoảng 2 triệu đạn pháo/một năm. Trước mắt để hỗ trợ Ukraina, các đồng minh châu Âu có thể huy động số đạn dữ trữ, nhưng về lâu dài, phải tăng gấp bội quy mô công nghiệp vũ khí.

Hôm 23/04, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cho biết, trong những ngày tới, sẽ đề xuất một dự luật cho phép các doanh nghiệp trang bị để tăng tốc sản xuất đạn dược.  Theo ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu, nếu nỗ lực, công nghiệp châu Âu có thể nâng khả năng sản xuất lên ‘‘1 triệu đạn pháo trong 12 tháng tới’’.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

QUỐC TẾ - TIN VẮN

Đăng ngày:

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(SCMP) - Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí « đẩy nhanh » tiến độ hướng tới một giải pháp về tranh chấp giữa biên giới. Hai nước đã kết thúc cuộc họp cấp Tư lệnh Quân đoàn lần thứ 18 vào ngày 23/04/2023 ở Chushul-Moldo, bên phía Trung Quốc. Hai bên cho biết đã có trao đổi « thẳng thắn và cởi mở » về phía tây của Đường Ranh giới thực tế (LAC) và thống nhất duy trì trao đổi về chủ đề này. Cuộc họp diễn ra vài ngày trước khi bộ trưởng Quốc PhòngTrung Quốc công du New Delhi trong hai ngày 27-28/04/2023 và tham gia hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông Lý Thượng Phúc là bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đầu tiên đến Ấn Độ kể từ cuộc giao tranh chết chóc ở thung lũng Galwan.

(AFP) - Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện đối thoại với đối lập và chấm dứt bạo lực. Lời kêu gọi được ông Ban Ki Moon đưa ra hôm 25/04/2023 sau khi từ Miến Điện trở về. Theo cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, « chính phủ đoàn kết dân tộc » (NUG), tổ chức của các cựu dân biểu thuộc đảng của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, hiện có nhiều người phải sống lưu vong, cũng phải tham gia vào « giải pháp bền vững » cho quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, lực lượng này bị tập đoàn quân sự Miến Điện coi là « khủng bố » và không có ý định đối thoại với NUG. Ông Ban Ki Moon tham gia nhóm « The Elders » gồm nhiều nhân vật quốc tế vận động cho việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.

(AFP) – EU giúp Moldova đối phó với âm mưu gây bất ổn của Nga. Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu 27 nước quyết định cử một phái đoàn dân sự tới MoldovaPhái đoàn sẽ bao gồm khoảng 40 chuyên gia từ các nước Liên Âu (EU). Phái đoàn sẽ được triển khai tại Moldova từ tháng 5, trong thời gian hai năm. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tuyên bố : Moldova là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hậu quả từ cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraina. Phái bộ nói trên là một ‘‘dấu hiệu chính trị quan trọng khác’’ cho thấy sự hỗ trợ của EU (với Moldova) trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay’’.

(Reuters) - Nga đưa xe tăng chiến đấu T-14 Armata mới vào chiến trường Ukraina. Theo hãng tin nhà nước Nga RIA hôm qua, 24/04, T-14 đã được đưa đến nơi, ‘‘nhưng chưa trực tiếp tham gia các hoạt động tấn công’’. Theo RIA, các kíp lái đã được huấn luyện tại Ukraina. T-14 Armata, với tháp pháo điều khiển từ xa, tốc độ di chuyển 80 km/giờ, được coi là loại xe tăng hiện đại nhất của Nga. Năm 2015, từng có thông tin Nga có kế hoạch sản xuất hơn 2.300 chiếc. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch bị trì hoãn, giảm quy mô. Cuối năm 2021, hãng tin Nga Interfax cho biết, tập đoàn nhà nước Nga Rostec bắt đầu sản xuất khoảng 40 xe tăng, giao hàng sau 2023. Theo tình báo Anh, việc đưa T-14 vào chiến trường Ukraina là một quyết định ‘‘rủi ro cao’’, và chủ yếu vì mục tiêu tuyên truyền.

(AFP) - Pháp tổ chức tập trận với 19 nước ở Nouvelle Calédonie. Cuộc tập trận trên bộ và trên biển mang tên Croix du Sud (tạm dịch : Thập tự phương Nam), ở phía bắc quần đảo, kéo dài đến ngày 06/05/2023 huy động  3.000 quân nhân đến từ 19 nước, trong đó có Mỹ, Úc và New Zealand. Mục đích chính là mô phỏng can thiệp, hỗ trợ nhân đạo sau một trận thiên tai quy mô lớn nhằm « duy trì các năng lực phối hợp và can thiệp chung của các đối tác ở trong vùng ». Tại lễ tiếp đón ngày 24/04/2023, tướng Pháp Valéry Putz, chỉ huy Các lực lượng vũ trang ở Nouvelle Calédonie (FANC), cho biết « chưa bao giờ lại tiếp nhiều nước tham gia như vậy ». Đợt tập trận gần đây nhất cách đây 5 năm có 11 nước tham gia với khoảng 2.100 người.

(AFP) - Mỹ nối lại các chuyến bay trục xuất người Cuba về nước. Chuyến bay đầu tiên đến Cuba kể từ năm năm 2020 diễn ra ngày 24/4/2023 trở 123 công dân Cuba nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng dịch tễ Covid-19, chính quyền La Habana chấp nhận đón các chuyến bay theo diện này. Trong số 123 người bị đưa về Cuba, có 40 người bị bắt ngoài khơi và 83 người bị bắt ở biên giới trên bộ giữa Mỹ và Mêhicô.

 (AFP) - Hơn 300 nhà báo từng làm phóng viên tại Nga đã ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu Nga thả nhà báo Mỹ Evan Gershkovich. Cơ quan an ninh Nga (FSB) đã bắt giữ Evan Gershkovich, 31 tuổi, phóng viên của nhật báo uy tín của Mỹ Wall Street Journal, vào cuối tháng 3 vì tội ‘‘gián điệp’’ khi anh đang tác nghiệp ở Yekaterinburg, thuộc vùng Urals. 301 người ký tên vào thỉnh nguyện thư hôm qua cho biết : ‘‘Chúng tôi chắc chắn rằng mục tiêu và ý định duy nhất trong công việc của anh ấy là thông báo cho độc giả về thực tế hiện tại ở Nga’’. 


**********
rfi.fr

Ngoại trưởng Anh kêu gọi « không cô lập » Trung Quốc

Trọng Thành

Anh cần hợp tác với Trung Quốc hơn là cô lập Bắc Kinh trong một cuộc « Chiến tranh Lạnh mới ». Trên đây là phát biểu của ngoại trưởng Anh James Cleverly tối qua, 24/04/2023, tại trụ sở tòa thị chính Luân Đôn. Theo một số nhà quan sát, chính sách mới này của Luân Đôn có thể gây nhiều phản đối mạnh mẽ trong hàng ngũ đảng bảo thủ cầm quyền tại Anh, vốn có thái độ đối địch với Trung Quốc. 

Theo báo Mỹ Politico, đây là thông điệp gửi tới những thành phần có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong nội bộ đảng bảo thủ. Ngoại trưởng James Clevery cảnh báo việc mở ra một kỷ nguyên đối đầu với Bắc Kinh có thể gây tổn hại cho lợi ích kinh tế của chính Vương quốc Anh và hạn chế khả năng của phương Tây trong việc giải quyết các thách thức chung, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu và chống phổ biến hạt nhân.

Ông Clevery cảnh báo : « Bất cứ vấn đề lớn nào – từ biến đổi khí hậu đến ngăn ngừa dịch bệnh, cũng như ổn định kinh tế và chống phổ biến vũ khí hạt nhân – không thể nào giải quyết được nếu không có Trung Quốc ».

Theo báo Pháp Les Echos, chính sách đối ngoại của bộ Ngoại Giao Anh hiện nay « tập trung chủ yếu » vào Trung Quốc.

« Học thuyết ngoại giao » mới của chính phủ Anh ngay lập tức đã bị một cựu lãnh đạo đảng bảo thủ, ông Iain Duncan Smith, lên án. Trên Daily Express, chính trị gia này chỉ trích « sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc đã quá phổ biến trong giới đại học Anh, trong chính quyền ».

Trung Quốc giải thích chủ trương hợp tác « không giới hạn » với Nga tương tự như với Liên Âu

Trong một bài trả lời báo Paper (báo của chính quyền Trung Quốc), đăng tải hôm qua, 24/04, ông Phó Thông (Fu Tong), đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Âu, cho rằng châu Âu cần « hiểu đúng » lập trường của Bắc Kinh về hợp tác « không giới hạn » giữa Nga và Trung Quốc và Bắc Kinh sẵn sàng có các hợp tác tương tự với Liên Âu.

Theo Reuters, báo Paper không cho biết bài phỏng vấn được thực hiện lúc nào. Châu Âu có thái độ ngờ vực Trung Quốc. Hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borell, cho biết Liên Âu « khó lòng » có được quan hệ tin cậy với Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh không tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Ukraina, dựa trên nguyên tắc Nga phải rút quân khỏi các vùng chiếm đóng.


***********
voatiengviet.com

Nhận thức của công chúng toàn cầu về vai trò lãnh đạo của Nga bị xói mòn nghiêm trọng

VOA News

Sau cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine năm ngoái, thái độ toàn cầu đối với sự lãnh đạo của Nga đã thay đổi đáng kể, với phần lớn dân số ở hàng chục quốc gia bày tỏ sự không tán thành đối với Điện Kremlin.

Dữ liệu được tổng hợp từ các cuộc khảo sát hàng nghìn người ở 137 quốc gia và khu vực cho thấy tỷ lệ ủng hộ Điện Kremlin giảm rõ rệt, theo một phúc trình do tổ chức Gallup công bố ngày 25/4. Trên toàn cầu, 57% số người được hỏi cho biết họ không tán thành sự lãnh đạo của Nga vào năm 2022, tăng từ mức 38% của năm trước.

Chỉ 21% số người được hỏi nói rằng họ tán thành sự lãnh đạo của Nga, giảm từ 33% vào năm 2021. Cả hai con số tán thành và không tán thành đều là mức cực đoan nhất mà Gallup đo lường được kể từ khi bắt đầu đặt câu hỏi như một phần của cuộc khảo sát hàng năm theo dõi thái độ đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu vào năm 2007.

“Thật không thể tin được,” ông Zacc Ritter, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Gallup và là tác giả chính của phúc trình, nói với VOA. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã từng chứng kiến sự thay đổi như thế này trước đây trong dữ liệu của Gallup đối với bất kỳ quốc gia nào.”

Sự thay đổi tiêu cực ở khắp mọi nơi

Mặc dù ấn tượng của mọi người về sự lãnh đạo của Nga khác nhau giữa các quốc gia riêng lẻ trong cuộc khảo sát, nhưng kết quả bao trùm là ấn tượng của công chúng về sự lãnh đạo của nước này ngày càng xấu đi trên toàn diện.

Sự thay đổi này nổi bật nhất ở Châu Mỹ Latinh và Caribe, nơi tỷ lệ tán thành trung bình giảm 21 điểm phần trăm, xuống còn 16%, trong khi tỷ lệ không tán thành trung bình tăng 30 điểm, lên 61%.

Ngay cả ở các khu vực của Châu Phi và Châu Á nơi ảnh hưởng của Nga vẫn còn mạnh mẽ, sự thay đổi là tiêu cực. Ở Bắc Phi và Trung Đông, tỷ lệ không tán thành tăng 12 điểm, lên 55%. Ở tiểu vùng Sahara châu Phi, nơi Nga duy trì các hoạt động gây ảnh hưởng tích cực, tỷ lệ không tán thành vẫn tăng vọt từ 21% lên 32%, thậm chí còn tồi tệ hơn ở những quốc gia mà các nhà lãnh đạo đã từ chối lên án chiến tranh.

Tuy nhiên, tiểu vùng Sahara châu Phi là khu vực duy nhất được thăm dò bởi Gallup trong đó tỷ lệ tán thành trung bình đối với lãnh đạo Nga (35%) vẫn cao hơn tỷ lệ không tán thành trung bình.

Sự khác biệt cấp nhà nước

Dữ liệu do Gallup thu thập cho thấy sự khác biệt đáng kể trong khu vực về thái độ đối với sự lãnh đạo của Nga, với sự không tán thành tập trung nhiều nhất ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cảm xúc đối với Nga có nhiều mâu thuẫn hơn ở Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.

Không ngạc nhiên khi Ukraine có tỷ lệ không đồng ý cao nhất, ở mức 96%, theo sát là Ba Lan, ở mức 95%. Hoa Kỳ, Canada và 10 quốc gia châu Âu khác xếp hạng không chấp thuận từ 90% trở lên.

Tại Đài Loan, hòn đảo tự trị bị Trung Quốc tuyên bố là sở hữu và thường xuyên bị đe dọa xâm lược, sự chuyển hướng chống lại Nga là rất lớn. Vào năm 2021, chỉ 26% người Đài Loan được khảo sát bày tỏ không đồng tình với sự lãnh đạo của Nga. Đến năm 2022, con số đó đã tăng lên 72%.

Một ngoại lệ khác là Kazakhstan, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở biên giới phía đông của Nga. Thường là một đồng minh đáng tin cậy của Moscow, Kazakhstan đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong thái độ từ năm 2021 đến năm 2022. Sự tán thành dành cho sự lãnh đạo của Nga đã giảm từ 55% xuống 29% và tỷ lệ không tán thành tăng lên 50% từ mức chỉ 20%.

Chút ngạc nhiên

Steven Pifer, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từng là đại sứ tại Ukraine, nói với VOA rằng không có gì bí mật rằng Nga đã làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế quốc tế của mình, đặc biệt là ở châu Âu.

Ông Pifer, người hiện là thành viên của Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Đại học Stanford, cho biết: “Chắc chắn khi bạn nhìn vào cách người châu Âu nhìn Nga hiện nay, tôi nghĩ đó là một hình ảnh tiêu cực hơn nhiều so với trước khi cuộc chiến này bắt đầu.” “Các hành động của Nga rất mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi nghĩ là nền tảng cho an ninh châu Âu… đến nỗi giờ đây, khi họ nói về an ninh ở châu Âu, đó không phải là vấn đề an ninh liên quan đến Nga. Đó là về an ninh chống lại Nga.”

Ông nói, trên phạm vi toàn cầu rộng lớn hơn, hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới sẽ khó giao tiếp một cách có ý nghĩa với các quan chức cấp cao của Nga và khó tin tưởng họ trong những trường hợp có thể giao tiếp.

“Bắt đầu từ phía trên. Ông Vladimir Putin bị truy tố tội ác chiến tranh. Thật khó để thấy bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào có thể ngồi xuống với ông ấy vào thời điểm này. Sẽ mất uy tín để làm điều đó,” ông Pifer nói.

Ông cho biết việc các nhà ngoại giao cấp cao của Nga sẵn sàng lặp đi lặp lại những lời dối trá và xuyên tạc rõ ràng về cuộc chiến do Điện Kremlin đưa ra sẽ khiến việc tái giao thiệp trở nên khó khăn hơn.

Ông Pifer nói: “Các nhà ngoại giao Nga mà tôi từng có chút kính trọng giờ chỉ ở ngoài đó, về cơ bản họ nói những điều kỳ lạ nhất.” “Điều đó sẽ quật lại họ. Những người này đã đánh mất rất nhiều uy tín và sẽ rất khó để biết làm thế nào họ lấy lại được.”

Phát hiện tương tự

Mặc dù quy mô mẫu khảo sát làm cho cuộc khảo sát của Gallup trở nên nổi bật, nhưng những phát hiện của viện lặp lại kết quả của một số công ty nghiên cứu lớn khác đã khám phá sự suy giảm vị thế toàn cầu của Nga, bao gồm Trung tâm nghiên cứu Pew và Ipsos.

Tháng trước, Brand Finance, công ty tư vấn có trụ sở tại Vương quốc Anh đưa ra chỉ số Quyền lực mềm toàn cầu hàng năm, đã báo cáo rằng trong năm trước, Nga là quốc gia duy nhất chứng kiến quyền lực mềm của mình suy giảm so với năm trước.

Quyền lực mềm, đề cập đến khả năng của một quốc gia ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia khác mà không cần dùng đến vũ lực, bắt nguồn từ nhiều thứ, bao gồm các mối quan hệ kinh tế và ảnh hưởng văn hóa.

“Trong khi các quốc gia chuyển sang sử dụng quyền lực mềm để khôi phục thương mại và du lịch sau cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng, thì trật tự thế giới đã bị phá vỡ bởi quyền lực cứng của cuộc xâm lược Ukraine của Nga,” David Haigh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Brand Finance, cho biết trong một tuyên bố. “Một sự kiện khó có thể tin được nếu không phải vì cường độ của những hình ảnh mà chúng ta đã thấy trong nhiều tháng và những hậu quả mà cuộc xung đột đang gây ra đối với chính trị cũng như nền kinh tế.”


***********
voatiengviet.com

Ukraine mở các cuộc đột kích trên sông Dnipro, có thể sắp phản công

Reuters

Các lực lượng Ukraine đóng ở phía tây sông Dnipro thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào bờ phía đông gần thành phố Kherson để cố gắng đánh bật quân đội Nga, một quan chức khu vực cho biết ngày 25/4.

Các lực lượng Nga đã chiếm giữ phía đông sông Dnipro gần Kherson kể từ khi rút lui khỏi thành phố phía nam vào tháng 11 sau nhiều tháng chiếm đóng, nhưng Ukraine dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công vào mùa xuân để cố gắng chiếm lại nhiều lãnh thổ hơn.

Ông Yuriy Sobolevskiy, phụ tá cho người đứng đầu chính quyền khu vực Kherson, nói các cuộc đột kích nhằm làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội Nga, những người đã pháo kích vào thành phố Kherson kể từ khi buộc phải rút lui.

“Quân đội của chúng tôi rất thường xuyên tới tả ngạn (phía đông), tiến hành các cuộc đột kích. Các lực lượng vũ trang Ukraine đang làm việc và hoạt động rất hiệu quả”, ông Sobolevskiy nói với truyền hình Ukraine.

“Kết quả sẽ đến như họ đã làm ở hữu ngạn của vùng Kherson khi, nhờ một chiến dịch phức tạp và lâu dài, họ có thể giải phóng các lãnh thổ của chúng tôi với tổn thất tối thiểu cho quân đội của chúng tôi. Điều tương tự hiện đang xảy ra ở tả ngạn.”

Nga đã chiếm giữ vùng Kherson ngay sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine 14 tháng trước, và kể từ đó tiếp tục nắm giữ toàn bộ lãnh thổ của khu vực phía đông sông Dnipro.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine có thể sẽ sớm phát động một cuộc phản công và một trong những mục tiêu chính có thể là phá vỡ hành lang đất liền phía nam giữa Nga và khu vực Crimea do Nga sáp nhập. Chiếm lại toàn bộ khu vực Kherson sẽ là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ tuần trước cho biết rằng các blogger quân sự Nga đã đăng đủ cảnh quay định vị địa lý để xác nhận rằng quân đội Ukraine đã thiết lập một chỗ đứng trên bờ phía đông sông Dnipro.

Ông Sobolevskiy không cung cấp thêm chi tiết, nói rằng một chiến dịch quân sự đòi hỏi “sự im lặng về thông tin”.


***********

Thống đốc Virginia tới Đài Loan gặp bà Thái Anh Văn


Ngày 24-4, thống đốc bang Virginia của Mỹ, ông Glenn Youngkin, đã gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại thành phố Đài Bắc để thảo luận về các cơ hội đầu tư.

Thống đốc Virginia tới Đài Loan gặp bà Thái Anh Văn - Ảnh 1.

Thống đốc bang Virginia (Mỹ) Glenn Youngkin nhận quà từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc gặp ở Đài Bắc hôm 24-4 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, ông Glenn Youngkin, cũng là ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Mỹ, đang dẫn một đoàn thương mại quốc tế tới châu Á.

Cuộc gặp trên diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang xấu đi với nhiều bất đồng xoay quanh vấn đề Đài Loan.

Thống đốc Youngkin chia sẻ ông vui mừng được gặp bà Thái vào hôm 24-4, ngày đầu tiên trong lịch trình của phái đoàn thương mại quốc tế. Ngoài Đài Loan, các điểm dừng chân khác của phái đoàn này là Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc).

Ông đánh giá Đài Loan là "hình mẫu thịnh vượng" cho các nền kinh tế trên toàn cầu. Thống đốc Virginia cũng thông báo thành lập văn phòng phát triển kinh tế Đài Loan - Virginia.

Ông Youngkin được coi là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024. Hiện ông chưa chính thức tuyên bố tranh cử.

Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng bà vui mừng khi được đón tiếp những người bạn từ Mỹ, đồng thời nói thêm Đài Loan luôn có mối quan hệ chặt chẽ với bang Virginia.

"Việc thống đốc Youngkin chọn Đài Loan là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên làm thống đốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng" - bà Thái nói.

Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên trong những tháng gần đây. Đầu tháng 4, Trung Quốc nổi giận khi bà Thái quá cảnh tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Trung Quốc lúc đó đã tập trận ba ngày xung quanh Đài Loan, mô phỏng các cuộc tấn công có mục tiêu và phong tỏa hòn đảo này
************

Nhật Bản mất liên lạc với tàu đổ bộ mặt trăng thương mại

Đông A

Nhật Bản mất liên lạc với tàu đổ bộ mặt trăng thương mại - Ảnh 1.

Mô hình tàu đổ bộ trong chương trình thám hiểm mặt trăng HAKUTO-R của Ispace tại một địa điểm theo dõi quá trình hạ cánh ở Tokyo, Nhật Bản ngày 26.4

REUTERS

Theo CNN, tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R do công ty Nhật Bản Ispace chế tạo đã mất liên lạc khi đang cố gắng hạ cánh xuống mặt trăng ngày 26.4. Công ty đã tuyên bố mất Hakuto-R.

"Chúng tôi chưa thể xác nhận hạ cánh thành công. Chúng tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi không thể hoàn thành việc hạ cánh trên bề mặt mặt trăng. Các kỹ sư của chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu tình hình", Giám đốc điều hành Takeshi Hakamada của Ispace thông báo 20 phút sau thời gian hạ cánh theo kế hoạch.

Hakuto-R dự kiến hạ cánh xuống mặt trăng vào 1 giờ 40 phút ngày 26.4 (giờ Nhật Bản). Tuy nhiên, nhóm điều khiển ở trái đất đã mất liên lạc với tàu và vẫn đang cố gắng khắc phục vấn đề.

Hakuto-R do Ispace chế tạo đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa của SpaceX ở Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào ngày 11.12.2022. Hakuto-R sau đó đã thực hiện hành trình kéo dài 3 tháng để đi vào quỹ đạo mặt trăng, nằm cách trái đất 383.000 km. Nếu thành công, Hakuto-R sẽ đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới một tàu vũ trụ thương mại hạ cánh trên mặt trăng.

Hakuto-R mang theo xe tự hành mặt trăng Rashid do Trung tâm vũ trụ Mohammed bin Rashid ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chế tạo.

Giám đốc Hakamada nói thêm rằng đội ngũ của công ty đã thu thập dữ liệu từ tàu vũ trụ cho đến khi cố gắng hạ cánh. Đây là một "thành tích tuyệt vời" sẽ giúp cung cấp thông tin cho các nhiệm vụ của Ispace trong tương lai.

Trong lịch sử, chỉ có 3 nước từng hạ cánh có kiểm soát lên mặt trăng Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đưa con người lên mặt trăng.

Khác với các sứ mệnh mặt trăng trước đó, Ispace không đưa tàu lên mặt trăng dưới danh nghĩa một quốc gia mà mong muốn biến đây thành hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận.

Công ty đã thường xuyên cập nhật về sứ mệnh mặt trăng trên tài khoản Twitter của mình và chuẩn bị cho những rủi ro. "Nhận thấy khả năng xảy ra sự bất thường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kết quả sẽ được cân nhắc và đánh giá theo các tiêu chí và đưa vào các nhiệm vụ trong tương lai đã được phát triển từ nay đến năm 2025," công ty cho biết trong một bài đăng ngày 11.12.2022.

Nếu sứ mệnh thành công, xe tự hành Rashid nặng 10 kg sẽ rời tàu đổ bộ mặt trăng và dành "phần lớn thời gian khám phá miệng hố Atlas ở phía đông bắc của mặt trăng," theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), bên đã giúp thiết kế các bánh xe của Rashid.

Công ty Nhật Bản Ispace là một trong số các bên tham gia cuộc thi Google Lunar XPrize. Cuộc thi đưa ra phần thưởng trị giá 20 triệu USD cho công ty có thể đưa xe tự hành lên mặt trăng, di chuyển vài ngàn mét và truyền dữ liệu về Trái đất.

Cuộc thi do Google tài trợ đã bị hủy bỏ vào năm 2018. Tuy nhiên, Ispace vẫn chọn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này.


************

Ukraine 'giương đông, kích tây'?

Khánh Như

Trong khi giới phân tích quân sự cho rằng Ukraine sẽ phản công trong vài tuần tới, có thể là vào giữa tháng 5 nếu thời tiết thuận lợi, hoặc chậm hơn là đầu tháng 6, các lực lượng của Kyiv được cho là đang cùng lúc thực hiện nhiều chiến lược để đánh lừa quân Nga.

Chiến lược giữ im lặng của Ukraine

Theo đài CNN, Kyiv dường như ngày càng kín tiếng hơn về hoạt động quân sự. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuần trước nhấn mạnh rằng thông tin về các cuộc phản công sẽ không được công bố. Hiện các phóng viên cũng bị hạn chế tiếp cận các tiền tuyến chính.

Bộ Tư lệnh miền Nam Ukraine cũng kêu gọi “kiên nhẫn” trước thông tin về đợt phản công. “Các điều kiện của hoạt động quân sự đòi hỏi thông tin phải được giữ kín cho đến khi nó đủ an toàn cho quân đội”, người phát ngôn Natalia Humeniuk nói.

Ukraine 'giương đông, kích tây'? - Ảnh 1.

Giới phân tích quân sự dự đoán Ukraine phản công sớm nhất là vào giữa tháng 5

AFP

Các tính toán nói trên được cho là hợp lý trong thời chiến. Tuy nhiên, theo CNN, việc các lực lượng của Kyiv im lặng ở toàn bộ tỉnh Zaporizhzhia trong suốt 10 ngày qua là một điều đáng ngờ. 

CNN dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu bất thường bởi Zaporizhzhia được dự đoán là mặt trận phản công của Ukraine. Chỉ khi giành lại được tỉnh này, Kyiv mới có thể chia cắt bán đảo Crimea (Moscow tuyên bố sáp nhập từ Ukraine năm 2014) với đất liền Nga.

Xét về ý nghĩa chiến lược lớn hơn, việc giành lại Zaporizhzhia, vốn nằm ở trung tâm "hành lang trên bộ" nối từ lãnh thổ Nga, đi qua 4 vùng ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập nhưng bị Kyiv lên án (Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson) để đến bán đảo Crimea, sẽ tạo điều kiện cho Kyiv giành lại những lãnh thổ Moscow đang kiểm soát.

Theo trang Politico, Nga cũng hiểu được ý nghĩa chiến lược của Zaporizhzhia. Các hình ảnh vệ tinh và thông tin từ các chỉ huy Ukraine cho thấy Nga đã củng cố các lực lượng và xây dựng hệ thống phòng thủ ở tỉnh này trong những tuần gần đây. Ngoài ra, Moscow cũng đẩy mạnh hoạt động phòng thủ ở khu vực phía bắc Crimea trong nhiều tháng qua.

Giương đông, kích tây?

Theo Politico, các động thái mới cho thấy Ukraine có thể đang tiến hành một chiến dịch song song nhằm đánh lạc hướng quân Nga.

Những ngày gần đây, Ukraine tập trung vào chiến trường Donbass phía đông (gồm Donetsk và Luhansk). Trong đó, giao tranh ác liệt nhất diễn ra ở TP.Bakhmut (Donetsk) bất chấp việc phương Tây kêu gọi Kyiv nên rút khỏi một thành phố vốn đã tan hoang sau nhiều tháng hứng chịu pháo kích từ cả hai bên, nhằm bảo vệ quân số cho Ukraine.

Ukraine 'giương đông, kích tây'? - Ảnh 2.

Một binh sĩ Ukraine đứng trước một cây cầu bị phá hủy ở gần làng Rus'ka Lozova, phía bắc tỉnh Kharkiv

AFP

Tuy nhiên, theo Politico, đây có thể là chiêu thức "giương đông, kích tây" của Ukraine nhằm giữ chân và tiêu hao lực lượng Nga càng nhiều càng tốt. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lập luận rằng điều cần thiết lúc này là “gây thiệt hại tối đa có thể cho Nga” nhằm tạo điều kiện cho cuộc phản công sắp tới, vào bất cứ khi nào có thể.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng gây nhiễu thông tin về "một cuộc phản công lớn duy nhất" của Ukraine. Trước đó đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Ukraine sẽ dồn toàn lực vào một cuộc phản công Nga.

Trên Telegram, bà nói rằng "một cuộc phản công là không đúng". Theo bà, đây là "một tổ hợp lớn các hành động và biện pháp được lực lượng vũ trang thực hiện".

Bà nói thêm rằng lực lượng vũ trang "không chỉ chuẩn bị một thứ, chỉ một thời điểm cụ thể hoặc chỉ theo một hướng cụ thể", thay vào đó là toàn bộ tổ hợp các biện pháp phòng thủ và phản công mỗi ngày.

Politico dẫn nhận định của giới phân tích quân sự đồng ý rằng rất có thể Ukraine sẽ tung ra một đòn tấn công lớn và một đòn nhử, vì nước này không có đủ xe tăng và thiết giáp để phản công theo nhiều hướng.

Thời điểm then chốt của Ukraine

Ukraine cần phải đạt được nhiều thành công trong khoảng thời gian này. Nếu không, mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ sẽ ngày càng xa tầm với. Theo CNN, Ukraine phải phản công thành công, hoặc ít nhất đạt một số thành tựu để làm các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hài lòng.

Kể từ những ngày đầu xung đột, NATO đã đoàn kết hỗ trợ Ukraine, bất chấp sự phản đối từ người dân trong nước và nguy cơ đẩy nền kinh tế các nước này đến bờ vực khủng hoảng sau hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga.

Nếu như Ukraine không chứng minh được hiệu quả chiến đấu, mức hỗ trợ của phương Tây trong thời gian tới sẽ giảm và ảnh hưởng đến bất kỳ kế hoạch quân sự tiềm năng nào trong tương lai.


**********
rfi.fr

Khi Thụy Sĩ cùng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất lách lệnh trừng phạt Nga

Anh Vũ

Những cách thức chính được các nhà buôn nguyên liệu cơ bản hay dầu lửa và Matxcơva sử dụng để tận dụng các kẽ hở trong các lệnh trừng phạt Nga gần đây đã được truyền thông nói đến nhiều. Trong đó đặc biệt có sự can dự của Thụy Sĩ và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Mới chỉ xuất hiện từ năm 2020, Paramount DMCC đã là nhà buôn dầu lửa Nga bán lại cho châu Á lớn hàng thứ tư từ sau khi có lệnh trừng phạt năng lượng Nga hồi tháng 12/2022 , theo thông tin của nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức phi chính phủ trong đó có Global Witness. Khác với ba công ty kia, Paramount DMCC đóng trụ sở tại Dubai  không phải là công ty của Nga. Tên gọi của nó gần với tên một nhà « buôn » dầu khác là Paramount SA, trụ sở tại Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ còn là nơi có Open Mineral AG, một công ty chuyên mua bán vàng, nhưng không phải vàng của Nga vì như vậy là làm trái lệnh trừng phạt của châu Âu thông qua hồi tháng 08/2022 về buôn bán kim loại quý. Tuy nhiên, vàng của Nga lại được thu mua bởi Open Mineral Ltd, một chi nhánh có 100% vốn thuộc công ty mẹ của Thụy Sĩ nhưng đóng tại Abu Dhabi, theo như phát giác của nhật báo Financial Times.

"Luân Đôn mới cho giới nhà giàu Nga"

Có một điểm chung  trong các vụ việc trên : trục Thụy Sĩ – Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) dường như đang là một trong những lựa chọn của những người tìm cách lách lệnh trừng phạt Nga.  

Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ đã không nhầm. Từ đầu tháng Ba năm nay, Thụy Sĩ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã nhận được những lời trách cứ từ các cường quốc phương Tây, những nước đang nỗ lực để các lệnh cấm Nga có hiệu quả hơn.

Người ta vẫn nói đến các trường hợp cố tình phớt lờ trừng phạt là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng Thụy Sĩ và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất lại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong  lĩnh vực lách trừng phạt. « Đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh ương quốc đang trở thành một nhân tố sống còn đối với Matxcơva trong nỗ lực tránh lệnh trừng phạt », Maria Shagina, chuyên gia về trừng phạt quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn nhận định.

Chuyên gia kinh tế về những nước vùng Vịnh tại Open University Vương Quốc Anh, Emilie Rutledge khẳng định, từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, « Dubai đã trở thành một Luân Đôn mới cho dân nhà giàu Nga, những người có liên hệ với Vladimir Putin ». Trước tháng 2/2022, Luân Đôn vẫn nổi tiếng là nơi giới nhà giàu Nga đầu tư vào các bất động sản xa xỉ.

Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina, hàng nghìn người giàu có Nga đã đóng đô tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Họ tìm đến nơi đấy không chỉ vì thích ánh nắng mặt trời và những khu nhà ở sang trọng hướng mặt ra biển.

Sébastien Boussois, chuyên gia về quan hệ Châu Âu và các nước Trung Đông tại Đại học Tự do Bruxelles khẳng định trong vòng hơn một năm qua, người Nga ở Dubai hau Abu Dhabi đã « thành lập lại khoảng 300 công ty để tiếp tục công việc làm ăn của họ », tại vùng đất bình yên mới.

Matxcơva hoàn toàn ủng hộ tạo điều kiện cho mối quan hệ mật thiết này với các Tiểu Vương Quốc Ả Rập.  Emilie Rutledge cho biết : «  Đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, của các nhà tài phiệt hay đơn giản là các công dân nga trong vùng này đã tăng lên đáng kể ». Tổng thống Vladimir Putin thậm chí đã chứng tỏ ông rất quan tâm đến mối quan hệ này. Trong chuyến thăm Saint- Petersbourg hồi tháng 10/2022, của tổng thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hoàng thân Mohammed ben Zayed al-Nahyane, ông Putin đã có động thái ngoại giao là ngồi bên cạnh chứ không đối diện trước bàn như ông vẫn thường làm khi tiếp hầu hết các khách đến Nga từ đầu cuộc chiến tranh hiện nay.

Và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tỏ ra nhạy cảm. Emilie Rutledge nhấn mạnh quốc gia này đã chính thức trung lập về cuộc xung đột tại Ukrana và " cũng không nên quên rằng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cung cấp hơn 100 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho Ukraine". Nhưng UAE từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraina. Một thái độ lập trường không gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia trong khu vực. Andreas Krieg, một chuyên gia về Trung Đông tại King's College cho biết: "UAE đã sử dụng các thế mạnh hải cảng, tài chính và hậu cần một cách rất chiến lược trong nhiều năm để tạo thuận lợi buôn bán giữa các tác nhân Nhà nước với phi Nhà nước cho dù họ có bị trừng phạt hay không".

Tái xuất sang Nga

Với những chế độ bị cộng đồng quốc tế cô lập kinh tế, vũ khí lôi kéo của chính quyền UAE là sự thuận tiện cho tái xuất hàng hóa qua cảng Jebel Ali tại Dubai. Đây là nguồn lợi lớn cho Matxcova. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xuất khẩu thiết bị điện tử sang Nga nhiều gấp 10 lần so với một năm trước, Financial Times ghi nhận. Các sản phẩm, ban đầu có thể đến từ các công ty ở các quốc gia đã cấm buôn bán với Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra. James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các lệnh trừng phạt quốc tế của Hoa Kỳ, trong chuyến đi đến Dubai hồi tháng Ba vừa qua đã cho biết: "Yêu cầu chính của chúng tôi là việc tái xuất khẩu này (sang Nga) phải dừng lại".

UAE bị tố cáo nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động buôn bán nguyên vật liệu cơ bản và dầu lửa Nga. Và ở trong việc này có Thụy Sĩ nhảy vào cuộc chơi.

Trong lịch sử, các nhà kinh doanh nguyên liệu cơ bản hoặc dầu mỏ chính – chẳng hạn như Glencore hoặc Vitol – đã đăng ký trụ sở trên đất Thụy Sĩ. Vì vậy, khi Thụy Sĩ quyết định theo Châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và nguyên liệu thô của Nga, như vàng, "đã gây một làn gió hoảng loạn ở Genève", tổ chức phi chính phủ Global Witness viết trong báo cáo về tình trạng lách lệnh trừng phạt đối với Nga.

Các chi nhánh « độc lập »

Nhưng một số nhà buôn dầu này đã nhanh chóng xác định được một kẽ hở: Lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ. Tại sao không sử dụng các công ty con được mở ở một quốc gia không tham gia trừng phạt quốc tế… như ở Dubai hay Abu Dhabi?

Đó là lý do để các công ty con của công ty mẹ Thụy Sĩ như Paramount DMCC hoặc Open Mineral Ltd sự xuất hiện tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.  Đây là sự khác biệt lớn giữa các biện pháp trừng phạt theo cách Thụy Sĩ với trừng phạt được Bruxelles thông qua.

Nghĩa vụ duy nhất được quy định trong luật Thụy Sĩ là công ty con phải độc lập 100% với công ty mẹ. Maria Shagina, người đã làm việc lâu năm ở Geneva, lưu ý: “Toàn bộ vấn đề xuất phát từ việc chính quyền Thụy Sĩ từ chối định nghĩa chính xác khái niệm công ty con độc lập và sự mơ hồ này có thể bị lợi dụng”.

Chính quyền Thụy Sĩ vẫn giữ quan điểm cho rằng  các biện pháp được Thụy Sĩ thông qua hoàn toàn phù hợp với các quyết định có hiệu lực ở Châu Âu, cho dù chúng không được diễn giải theo cùng một cách. Tuy nhiên đó là những sắc thái diễn giải dường như đã giúp cho Paramount  DMCC bán dầu Nga cao hơn mức giá trần là 60 đô la một thùng, theo trừng phạt của Liên Âu, trong khi Paramout SA, đặt tại Thụy Sĩ không thể làm điều này. Còn nhà buôn vàng Open Mineral Ltd thì lại có thể mua vàng Nga với hàng chục triệu đô la trong khi Open Mineral AG không được phép.

Những kẽ hở trên cho thấy hạn chế của cơ chế trừng phạt được triển khai từ một năm nay nhằm cố gắng bóp nghẹt Nga về mặt kinh tế.  Chuyên gia về các trừng phạt kinh tế của Đại học Harvard và Đại học Nottingham, ông Tyler Kustra nhận định : «  Người ta đáng ra phải hành động nhanh ngay từ đầu. Bây giờ chỉ có cách buộc các nước tuân thủ các quy định tốt hơn. »

Còn lại là để xem liệu Washington có thể gây áp lực đủ với những nước đó để họ sết chặt thêm các quy định riêng. Trong trường hợp của Thụy Sĩ, giới tài chính sợ rằng nếu làm gắt quá, các khách hàng giàu có của những nước khác,  như Trung Quốc chẳng hạn, sẽ bỏ chạy.

Còn đối với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, «  đe dọa sự tồn vong duy nhất đối với họ là từ Iran. Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ hay Israel sẽ không ngần ngại bảo Vệ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dù có bao nhiêu nhà tài phiệt Nga ở đó », theo chuyên gia Maria Shagina. Tóm lại, không dễ gì tìm đượ


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn