Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 13 -04 -2023: Nóng : Mỹ bắt nghi can tiết lộ tài liệu mật

Thứ Năm, 13 Tháng Tư 20232:23 CH(Xem: 5905)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 13 -04 -2023: Nóng : Mỹ bắt nghi can tiết lộ tài liệu mật
HoaLuc 5
************

Nóng : Mỹ bắt nghi can tiết lộ tài liệu mật


Jack%20Teixeira%201 

(AFP 13/04/2023) Một thanh niên đã bị bắt hôm nay, thứ Năm 13/04 tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ, gây ra rủi ro « rất nghiêm trọng » cho an ninh quốc gia - theo Lầu Năm Góc.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland trong một cuộc họp báo ngắn cho biết nghi phạm Jack Teixeira, một nhân viên của Vệ binh Phòng không Quốc gia, « đã bị bắt gọn » và sẽ sớm ra hầu tòa ở bang Massachusetts.

Vụ bắt giữ, được truyền thông Mỹ công bố trước khi được chính quyền xác nhận, diễn ra ở Dighton, một thị trấn nhỏ phía nam Boston. Truyền hình Mỹ phát liên tục cảnh quay từ trên không cho thấy lực lượng an ninh bắt giữ một người đàn ông mặc áo thun xám và quần short đỏ, đôi tay đặt lên đầu, lùi dần về phía những người lính trước khi bị bắt, sau đó được áp giải lên một chiếc xe có vẻ là dân sự.

Trước đó tổng thống Mỹ Joe Biden đang thăm Ireland cho biết cuộc điều tra sắp đạt kết quả. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mở điều tra hình sự sau khi các tài liệu mật bị rò rỉ trên mạng.

Jack%20Teixeira%202

Hôm thứ Tư 12/04, Washington Post đưa tin rằng vụ này xuất phát từ một thanh niên làm việc trong một căn cứ quân sự, đã chia sẻ thông tin của mình trong một nhóm kín trên mạng xã hội Discord. Nhóm này có khoảng 20 người, thành lập vào năm 2020, có chung sở thích súng ống, thiết bị quân sự và tôn giáo.

Từ nhiều tháng qua, nghi phạm mang nick « OG » đã công bố các tài liệu lấy từ nơi làm việc. « OG » đã yêu cầu các thành viên trong nhóm không đưa lại, khẳng định không có ý định trở thành người tố giác. Anh ta chỉ trích Nhà nước « lạm dụng quyền lực », cảnh sát và cộng đồng tình báo.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Hoa Kỳ đang xem xét « tác động » của vụ rò rỉ « đối với an ninh quốc gia ». Lầu Năm Góc cũng đã quyết định siết lại quyền truy cập vào loại thông tin nhạy cảm này. Bà nói thêm, chính phủ Hoa Kỳ mong muốn các mạng xã hội « tránh tạo điều kiện » cho việc phát tán các tài liệu mật, tỏ ra « có trách nhiệm đối với người sử dụng và với đất nước ».

Nhiều tài liệu trong số này không còn có thể đọc được trên các trang mạng ban đầu, và chính quyền Mỹ đang làm việc để xóa tất cả thông tin.


*************
rfi.fr

Rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Nga nêu khả năng Washington tung tin giả

Trọng Thành

HOA KỲ - NGA - TÀI LIỆU MẬT

Đăng ngày:

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov dự một cuộc họp của Quốc Hội Liên Bang Nga tại Matxcơva, Nga, ngày 12/04/2023.
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov dự một cuộc họp của Quốc Hội Liên Bang Nga tại Matxcơva, Nga, ngày 12/04/2023. AP

Hôm qua, 13/04/2023, lần đầu tiên chính quyền Nga lên tiếng về vụ rò rỉ các tin quân sự mật liên quan đến chiến tranh Ukraina. Matxcơva nêu khả năng một chiến dịch tung tin giả từ phía Washington.

AFP dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergueï Riabkov, được đăng tải trên báo chí Nga, khẳng định Nga chưa có quan điểm chính thức về vấn đề này, nhưng theo ông, đây có thể là một vụ tung tin giả. 

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga giải thích: ‘‘Do Hoa Kỳ là một bên trong cuộc xung đột (tại Ukraina), và trên thực tế Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh lưỡng hợp chống lại chúng ta, những thủ đoạn như vậy có thể được sử dụng để đánh lừa đối phương, cụ thể là Liên Bang Nga’’. Về phần phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông có  phản ứng dè dặt hơn, cho biết hiện giờ Matxcơva ‘‘chưa xác định được tính xác thực của các tài liệu này’’.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW ở Washington, trong bản tin ngày 07/04, đã ghi nhận thái độ lo ngại trong giới blogger Nga chuyên về quân sự, có lập trường cổ vũ chiến tranh chống Ukraina. Một số blogger nổi tiếng trong giới này khẳng định các tài liệu ‘‘rò rỉ’’ là giả mạo, được đưa ra với mục tiêu đánh lừa quân đội Nga, trước cuộc phản công lớn dự kiến của Ukraina. 

Paris bác thông tin về quân Pháp tham chiến tại Ukraina

Cũng liên quan đến vụ tin quân sự mật của Mỹ rò rỉ, hôm qua bộ Quân Lực Pháp khẳng định với AFP là không có việc các lực lượng đặc nhiệm Pháp hoạt động tại Ukraina. Bộ Quân Lực Pháp nhấn mạnh : ‘‘Các tài liệu được dẫn không xuất xứ từ Quân đội Pháp, và cần phải xem xét cẩn trọng’’, ‘‘chúng tôi không phát biểu về các tài liệu không rõ ràng về nguồn gốc và không đủ độ xác thực’’. 

Tối thứ Ba, 11/04, trên Twitter, một người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Anh cũng có phản ứng tương tự như Pháp. Theo đại diện bộ Quốc Phòng Anh, ‘‘các thông tin được coi là tin mật bị rò rỉ có mức độ không chính xác rất cao’’. Bộ Quốc Phòng Anh cũng nói đến nguy cơ tiếp tay cho nạn lan truyền tin giả, tin bóp méo. Trước đó, một số phương tiện truyền thông Anh, như BBC và The Guardian, dẫn một tài liệu, ghi ngày 23/03, nêu khả năng khoảng 50 lính đặc nhiệm Anh được triển khai tại Ukraina cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác, trong đó có binh sĩ Pháp. Hôm 10/04, chính một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ, Chris Meagher, cũng cùng lúc nhấn mạnh đến hai nguy cơ của vụ ‘‘rò rỉ tin mật’’, thứ nhất là "ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc gia", và thứ hai là ‘‘tiếp tay cho nạn tin giả’’.


*************
rfi.fr

Macron công du Trung Quốc: Thất bại ngoại giao

Thụy My

Các báo Pháp hôm nay 12/04/2023 chỉ trích tổng thống Pháp vì những phát biểu được hiểu là thiên về Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, lại được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc tập trận đe dọa Đài Bắc. Libération và Les Echos cho rằng đó là một chuyến đi thất bại - ngoại trừ kỷ niệm êm đềm về bàn tay thân ái mà nước Pháp giàu mạnh đã chìa ra cho một Trung Quốc cô độc, suýt chết chìm cách đây hơn sáu thập niên.

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dành cho những vấn đề khác nhau. Le Figaro đưa tin vui « Châu Âu thoát khỏi suy thoái », Les Echos chạy tựa « Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về lạm phát kéo dài ». Le Monde quan tâm đến việc « Tìm một lối ra cho khủng hoảng về hưu trí ». Libération nhấn mạnh vấn đề môi trường « Côn trùng : Nếu chúng biến mất, chúng ta cũng không còn ». La Croix tỏ ra lo lắng trước hiện tượng « Trên mạng xã hội ai cũng đẹp », bộ lọc giúp làm đẹp của TikTok ảnh hưởng đến tâm lý thanh thiếu niên. Ở các trang trong, dư âm chuyến đi Trung Quốc của tổng thống Pháp, vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc và tình hình Ukraina tiếp tục được bàn luận.

Macron công du Trung Quốc

Về chuyến đi Trung Quốc của ông Emmanuel Macron, Libération cho rằng đó là « ngoại giao thất bại ». Khi vụng về bảo vệ chiến lược tự chủ quốc phòng châu Âu, tổng thống Pháp gây ra một tình hình rắc rối. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ba cơ quan truyền thông trên chuyến bay trở về Pháp, Emmanuel Macron tạo cảm giác như ông thông cảm với yêu sách của Bắc Kinh về Đài Loan, và giữ khoảng cách với Hoa Kỳ - được cho là leo thang tại Biển Đông.

Đó là cách hiểu của phe cứng rắn trong đảng Cộng Hòa Mỹ, và đảng Dân chủ-Thiên Chúa giáo (CDU) ở Đức. Dân biểu Đức Norbert Röttgen (CDU) đả kích : « Macron đã thành công trong việc biến chuyến thăm Trung Quốc thành chiến dịch truyền thông cho họ Tập và thảm họa ngoại giao cho châu Âu. Với quan niệm về chủ quyền như vậy, tự coi là đối nghịch với Hoa Kỳ thay vì đối tác, ông ta càng bị cô lập hơn ở châu Âu ».

Một nhà ngoại giao Pháp cho rằng thực ra chỉ là việc tái khẳng định tính đặc thù của châu Âu trong một thế giới đang trở nên bất định, và sự cần thiết bảo vệ lợi ích của mình, như tất cả các cường quốc. Hôm qua, trong bài diễn văn 30 phút ở Hà Lan, Macron nhấn mạnh đến tự chủ kinh tế của châu Âu, nhưng không nhắc tới những ý về Đài Loan gây tranh cãi. Một số người lấy làm tiếc vì lẽ ra Emmanuel Macron cần phải nhắc lại trước Bắc Kinh chính sách của châu Âu : bác bỏ mọi việc dùng vũ lực để cưỡng chiếm và quân sự hóa Biển Đông, cũng như ủng hộ nền dân chủ Đài Loan.

Vấn đề là tuyên bố được đưa ra vào lúc Trung Quốc tập trận đe dọa Đài Loan. Bên cạnh đó Macron cũng tỏ ra « amateur », đúng ra phải trả lời riêng báo chí trong nước và ngoại quốc. Và do tiếng Anh được sử dụng nhiều hơn, nên phiên bản trên Politico được phổ biến rộng rãi, gây bất bình. Ông Frédéric Mérand, trưởng khoa chính trị đại học Montréal, cho rằng cuộc trao đổi này lẽ ra nên trong khuôn khổ một cuộc hội thảo ở Sciences-Po chẳng hạn, chứ không phải trên báo chí.

Đài Loan, cuộc khủng hoảng không phải của châu Âu?

Như để phản bác ông Macron, xã luận của Le Monde nhấn mạnh « Đài Loan, một vấn đề cho châu Âu ». Chết cho Đài Loan chăng ? May mắn là chưa phải đặt ra câu hỏi này, nhưng sự thiếu vắng đối thoại Mỹ-Trung và căng thẳng về Đài Loan, khiến châu Âu cần phải cân nhắc về một quan điểm chung sớm hơn như đã nghĩ. Cũng như Libération, Le Monde cho rằng Pháp xưa nay vẫn chủ trương « là đồng minh nhưng không phải luôn có cùng quan điểm », tuy nhiên có hai vấn đề là thời điểm và cách trình bày.

Về thời điểm, phái đoàn Pháp vừa rời Hoa lục, quân đội Trung Quốc đã tiến hành ngay cuộc tập trận bao vây Đài Loan. Cách ông Macron diễn đạt suy nghĩ của mình dẫn đến những cách hiểu tiêu cực. Chẳng hạn khi đề cập đến một trong những quan ngại của châu Âu là sự thống nhất, Macron nói : « Trung Quốc cũng quan tâm đến thống nhất, và theo quan điểm của họ, Đài Loan là một bộ phận ». Như vậy chẳng khác nào Emmanuel Macron cào bằng quan hệ giữa 27 nước thành viên tự nguyện tham gia EU, với quan hệ giữa một đại cường toàn trị với một đảo quốc 24 triệu dân gắn bó cùng giá trị dân chủ.

Tổng thống Pháp gợi ra nguy cơ châu Âu « bị kẹt trong một cuộc khủng hoảng không phải của mình ». Trong khi đó nước Pháp muốn trở thành một cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, sự ổn định ở eo biển Đài Loan là lợi ích của tất cả. Ông cũng chưa nêu ra vấn đề căn bản mà châu Âu đang tránh né : Làm thế nào tránh cho nguyên trạng ở Đài Loan không bị phá vỡ? Phản ứng chung như thế nào trước viễn cảnh Trung Quốc xâm lăng hòn đảo ? Macron cho rằng đến một lúc nào đó sẽ phải bàn bạc. Nhưng theo Le Monde, trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina, cần phải có thái độ rõ ràng.

Trung Quốc sắp chết đuối thập niên 60 đã trở thành con rồng hung dữ

Giáo sư Christian Saint-Etienne nhận xét trên Les Echos « Đứng trước con rồng Trung Quốc, nước Pháp không ngừng đi xuống ». Hồi năm 1964, khi Charles de Gaulle đi tiên phong trong việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh đang rất yếu kém vì đấu tranh ý thức hệ và quân sự với Liên Xô (1962-1969), còn Pháp đang tăng tiến về kinh tế, kỹ nghệ. Thập niên 80, Pháp bán máy dò siêu âm cho hải quân Trung Quốc, tiến hành chương trình nguyên tử dân dụng giúp nước này độc lập về điện năng. Vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 làm hình ảnh Trung Quốc đen tối hẳn đi trước cộng đồng quốc tế…

Rồi tất cả đã đảo ngược với việc Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1991, nhưng Mỹ không đòi hỏi đổi lại Bắc Kinh phải mở cửa kinh tế thực sự. Con mèo Trung Hoa tóm được tất cả những con chuột, và thời kỳ hậu kỹ nghệ đã tước mất móng vuốt của mèo Pháp. Emmanuel Macron quên rằng các đại cường chỉ biết có sức mạnh. GDP của Pháp năm 1964 cao gấp 6 lần Trung Quốc, còn năm 2023 kém gấp 6 lần.

Sai lầm của Macron là đến Bắc Kinh với ý định buộc Trung Quốc gây áp lực lên Nga về chiến tranh ở Ukraina. Thế nhưng Tập Cận Bình hoàn toàn có lợi trong cuộc chiến này – Nga bị yếu đi, rơi vào miệng con rồng như một trái cây chín rục. Ông Macron còn mời Ursula von der Leyen đi cùng, tuy bà luôn cứng rắn với Bắc Kinh. Tổng thống Pháp cũng quên mất lợi ích ở Thái Bình Dương, và không nhấn mạnh đến thâm hụt thương mại khổng lồ 54 tỉ euro. Một chuyến đi thất bại, ngoại trừ kỷ niệm êm đềm về bàn tay thân ái mà nước Pháp đã chìa ra cho một Trung Quốc cô độc, suýt chết chìm cách đây hơn sáu thập niên.

Ukraina: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"

Phóng sự của Le Monde viết về « Những người phụ nữ Ukraina trên tiền tuyến ». Hiện đang có hơn 40.000 phụ nữ Ukraina đang phục vụ trong quân ngũ, trong đó khoảng 5.000 nữ chiến binh ở vị trí tác chiến.

Thứ trưởng quốc phòng Ukraina, bà Hanna Maliar cho biết ngoài ra còn có 19.000 nữ nhân viên dân sự tại các đơn vị cung ứng cho quân đội. Theo bà, « phụ nữ vẫn có thể hăng say theo đuổi binh nghiệp không khác gì nam giới ». Cô Andriana Arekhta, thuộc một đơn vị tác chiến, bị thương ở Kherson, là một cựu chiến binh từ thời Donbass bị xâm lấn năm 2014. Lúc đó quân đội chính quy không cho phụ nữ chiến đấu, nên sau khi tham gia cuộc cách mạng Maidan, cô gia nhập tiểu đoàn quân tình nguyện Aidar.

Những nữ chiến binh chiến đấu cũng giỏi như các đồng đội nam, và sau nhiều cuộc vận động, đến năm 2018 Ukraina thông qua luật cho phép phụ nữ tác chiến. Từ khi quân Nga tràn sang ngày 24/02/2022, giới nữ tham gia quân đội và lực lượng phòng vệ đông đảo hơn. Kiev đang chuẩn bị loại quân phục và áo giáp phù hợp với nữ giới, cùng với dịch vụ y tế thích ứng. Tuy nhiên vẫn có những chỉ huy từ chối bố trí nữ chiến binh vào các vị trí trên tuyến đầu.

Phương Tây vẫn ủng hộ Kiev sau một năm kháng chiến

Cũng về Ukraina, Le Figaro nhận thấy « Phương Tây vẫn không lùi bước ». Quân Ukraina vẫn giữ được Bakhmut, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, và làm thất bại nhiều cuộc tấn công của quân Nga. Dù bị sa lầy trên chiến trường - 250.000 lính và 80 % xe thiết giáp bị loại khỏi vòng chiến - Kremlin vẫn không từ bỏ mục tiêu. Chuyên gia Michel Goya cho biết : « Tại Donbass, mặt trận của Nga vững chắc hơn so với hồi tháng Chín. Vùng Donetsk trở nên kiên cố nhất thế giới, chỉ đứng sau vùng phi quân sự Triều Tiên ». Theo ông, « một trận tấn công không đủ mà phải nhiều trận ». Crimée bị Nga biến thành pháo đài nên khó thể chinh phục.

Trên thực địa, vũ khí phương Tây giao chậm hơn dự kiến do kỹ nghệ quốc phòng sản xuất không kịp, dự trữ thấp sau nhiều thập niên giải trừ quân bị, và còn do một số nước vẫn chần chừ. Tuy nhiên một trong những bất ngờ của cuộc chiến tranh này là dư luận phương Tây vẫn ủng hộ Ukraina. Theo nghiên cứu mới đây của ECFR tại 9 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU), có 61 % người dân đồng tình với việc Kiev tái chiếm toàn bộ lãnh thổ, dù chiến tranh có phải kéo dài hơn.

Đa số nước châu Âu tin rằng bây giờ không còn là lúc để đàm phán và ngưng bắn, mà là vấn đề tương quan lực lượng trên chiến trường. Và châu Âu cũng đã học được cách bình thản hơn trước những đe dọa về vũ khí nguyên tử của Kremlin, cho rằng nguy cơ này rất thấp. Nhờ quyết tâm của Ba Lan và các nước Baltic, châu Âu dần dà trở thành nhân tố có sức nặng bên cạnh NATO và Mỹ. Kết quả phản công của Kiev sẽ mang lại những hệ quả quan trọng trong thời gian tới. Ông Goya giải thích : « Nếu thành công, sẽ còn phải đánh tiếp để đi đến cùng ; còn nếu thất bại, các mặt trận rạn vỡ, lực lượng đôi bên đều kiệt sức, chiến tranh sẽ kéo dài và có thể phải thay đổi mục tiêu chiến lược ».

Lộ tài liệu mật: Mỹ mất nguồn tin, Ukraina phải đổi kế hoạch tác chiến?

Trong khi đó Les Echos lo ngại « Vụ tiết lộ tin tình báo Mỹ có thể gây tác hại cho Ukraina ». Hơn 100 tài liệu mật bị phổ biến trên các mạng xã hội mô tả cụ thể những trang bị của Ukraina và chỉ ra những điểm yếu của phòng không, vào lúc Kiev đang chuẩn bị phản công. Kể từ vụ Snowden cách đây 10 năm, Hoa Kỳ chưa bao giờ bị lộ tài liệu mật nhiều như vậy. Chính quyền hết sức lo ngại, vì những thông tin này vừa mang tính thời sự (tháng Hai và tháng Ba), vừa ở cấp rất cao, cho thấy Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến.

Cho dù các cơ quan chức năng vẫn còn đang thẩm định tính xác thực, nhưng các nhân viên được báo chí tiếng Anh hỏi riêng đều cho rằng đó là những tài liệu mật nhạy cảm được bộ tổng tham mưu soạn cho các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đề nghị các phóng viên không đưa lại những thông tin « không dành cho công chúng ». Nhiều văn bản do mạng xã hội đăng lại đã được sửa đổi theo hướng có lợi cho Nga.

Tình trạng của lực lượng Ukraina được cho biết rất chi tiết nên quân Nga có thể lợi dụng. Libération dẫn báo Mỹ cho hay, Ukraina đang thành lập 12 lữ đoàn, trong đó có 9 được Washington huấn luyện và trang bị. Một số tài liệu mô tả cả thực lực của các đơn vị Ukraina trên thực địa, với tổng kết cụ thể về vũ khí, đạn dược của họ. Lữ đoàn số 10 còn được cho là mũi nhọn của cuộc phản công sắp tới. Kiev sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch của mình.

Kể từ đầu tháng Năm, phòng không Ukraina hầu như không còn hỏa tiễn tầm trung để đối phó với các cuộc oanh kích. Có thể hiểu được vì sao tổng thống Volodymyr Zelensky không ngừng kêu gọi các đồng minh trợ giúp. Một thông tin gây bối rối nữa là 97 thành viên đặc nhiệm NATO có mặt ở Ukraina. Những tài liệu trên đây cho thấy tình báo Mỹ đã thâm nhập sâu vào mọi cấp ở Nga, như vậy Matxcơva sẽ truy lùng các điệp viên trong những tuần, những tháng tới.


************
rfi.fr

Washington Post: Thủ phạm vụ rò rỉ tài liệu mật làm việc trong một căn cứ quân sự Mỹ

Thanh Hà

HOA KỲ - TÀI LIỆU MẬT

Đăng ngày:

Ảnh minh họa: Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, chụp từ trên không ngày 03/03/2022.
Ảnh minh họa: Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, chụp từ trên không ngày 03/03/2022. REUTERS - JOSHUA ROBERTS

Ai đứng đằng sau các vụ rò rỉ tin mật về chiến tranh Ukraina ? Các nhà điều tra Mỹ hiện chưa có câu trả lời, nhưng theo tiết lộ của nhật báo Washington Post hôm 12/04/2023, thủ phạm là « một thanh niên độ 20 tuổi, làm việc tại một căn cứ quân sự Mỹ, thích vũ khí và các trò chơi điện tử ». Đọc được các tin mật nói trên, thanh niên này đã phổ biến qua mạng Discord với một nhóm bạn bè, cũng là những người còn rất trẻ.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm:

« Nếu như đây là một bộ phim truyện hay phim dài nhiều tập, có thể nói các nhà viết kịch bản quá giàu trí tưởng tượng. Nhưng đây là một bài viết của một tờ báo rất có uy tín.

Theo tiết lộ của Washington Post, nhóm này khoảng chừng hơn 20 người, đa số là vị thành niên, thích vũ khí, thành viên của một nhóm những người thích chơi game trên mạng Discord, được thành lập trong thời gian Mỹ bị đại dịch Covid.

Trong số này, lớn tuổi nhất là một thanh niên mà tờ báo gọi là OG. Một nhân chứng trong nhóm tiết lộ OG làm việc trong một căn cứ quân sự, nhưng không nói rõ là ở đâu và tại đây OG đã bắt đầu phổ biến những thông tin, tài liệu anh ta đọc được. Ban đầu, những văn bản đó được soạn thảo, sau đó được chụp lại.

Có hàng trăm tài liệu như vậy. Washington Post đã đọc được ít nhất 300 tài liệu về những chủ đề khác nhau. Theo nhân chứng này, OG không phải là người của Nga hoặc thân Nga. OG thích thiên nhiên, tin vào Chúa, mê vũ khí và xe hơi. Tóm lại OG là một người Mỹ gần như bình thường, có điều thanh niên này đang đặt chính quyền vào thế khó xử.

Đầu tuần, phát ngôn viên Nhà Trắng thẳng thắng tuyên bố không biết gì về vụ rò rỉ nói trên. Nhưng vụ này đang đặt ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng về mặt ngoại giao, an ninh, về tính bảo mật và khả năng của ngành tình báo Hoa Kỳ.  Báo Washington Post đã tiếp cận được nhóm trẻ gây ra vụ rò rỉ, trước cả các cơ quan chính phủ, mà rõ ràng là không còn làm chủ được tình hình trong vụ này »
***********
rfi.fr

Quốc tế lên án hành động chặt đầu lính Ukraina

Phan Minh

Nabila Massrali, một phát ngôn viên của lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu ( EU ), hôm qua, 12/04/2023, tuyên bố Liên Âu sẽ yêu cầu trừng trị  « tất cả các thủ phạm và đồng phạm của những tội ác chiến tranh » ở Ukraina, sau khi một đoạn video được phổ biến cho thấy một người dường như là lính Nga dùng dao cắt đầu một người lính Ukraina.

Theo AFP, bà Massrali cho biết thêm Liên Âu « không có thông tin về tính xác thực của video nói trên », nhưng nếu đó là sự thật, đây sẽ là một minh chứng mới về bản chất vô nhân đạo của quân đội Nga.

Hôm qua, bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã lên án « hành động man rợ này » và tuyên bố rằng thủ phạm của những tội ác ở Ukraina sẽ phải trả giá. Về phía Ukraina, ngoại trưởng Dmytro Kuleva kêu gọi Tòa án Hình Sự Quốc tế nhanh chóng tiến hành điều tra. 

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể : 

Nga tỏ ra không thua kém tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, họ hành xử như một nhà nước khủng bố. Đây là những ý chính trong phản ứng của Kiev sau khi đoạn video ghê rợn này được công bố, cho thấy một người lính Nga cứa cổ và cắt đầu một người lính Ukraina còn sống, mặc cho người lính này đau đớn gào thét thảm thiết.

Phát biểu hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky gọi các thủ phạm của hành động này là « những quái vật », trong khi ngoại trưởng Dmytro Kuleba kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra.

Các phương tiện truyền thông Ukraina tỏ ra ngạc nhiên trước những phản ứng rụt rè của cộng đồng quốc tế, nếu so sánh với các vụ chặt đầu trước kia của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.

Về phía Ukraina, các nhà quan sát nhắc lại rằng đây không phải là vụ chặt đầu đầu tiên được ghi nhận, trong khi các vụ hành quyết tập thể hoặc sát hại hàng loạt các tù nhân, chẳng hạn như ở Olenivka tại Donbass vào năm 2022, đã tăng lên gấp bội kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Cơ quan tình báo Ukraina thông báo đang điều tra để tìm ra thủ phạm của tội ác này bằng mọi giá. Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết : « Chúng tôi sẽ tìm ra chúng, dù chúng ở bất cứ đâu. »


*********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) – Việt Nam : Nhà báo độc lập, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù. Tòa sơ thẩm Hà Nội, hôm nay 12/04/2023, xét xử kín ông Nguyễn Lân Thắng, 47 tuổi, với tội danh « Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ». Bị bắt từ tháng 7/2022, ông Thắng bị tuyên án 6 năm tù và 2 năm quản chế sau khi ra tù. Ông Thắng đã viết hơn 130 bài báo trên trang mạng cá nhân, với nội dung chính là bảo vệ nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, ủng hộ người dân trong các hoạt động khiếu kiện đất đai. Theo HRW, ông Thắng cũng tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, quay phim lực lượng an ninh sử dụng vũ lực thái quá trong các vụ trưng thu đất.

(Le Figaro) – Nhà đối lập Nga Nalvany mắc bệnh lạ: mất 8 kg trong vòng hai tuần. Ông Alexy Navalny, 46 tuổi, đối thủ chính của tổng thống Putin, bị cầm tù từ 2 năm nay. Hôm qua, luật sư Vadim Kobzev, của nhà đối lập, cho biết : ông Navalny mắc căn bệnh lạ, nhưng không được ai chăm sóc. Theo y bạ của nhà đối lập, chỉ trong vòng khoảng 15 ngày, ông đã mất 8 kg. Luật sư cũng cho biết, thuốc uống do thân mẫu nhà đối lập gửi vào cũng bị gửi trả.

(Reuters) – Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan : Phát biểu của tổng thống Pháp « gây hoang mang ». Phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đường công du Trung Quốc về Pháp, liên quan đến nguy cơ chiến tranh Trung Quốc chống Đài Loan, tiếp tục gây phản ứng bất bình. « Chẳng lẽ các lý tưởng Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái đã không còn giá trị ? » – đó là câu hỏi mà lãnh đạo Quốc Hội Đài Loan Du Tích Khôn (You Si-kun) đặt ra hôm qua, 11/04, trên mạng Facebook. Theo chủ tịch Quốc Hội Đài Loan, hành động của lãnh đạo Pháp, đứng đầu một nền dân chủ hàng đầu thế giới « gây hoang mang »

(Yonhap) – Hàn Quốc gọi, Bắc Triều Tiên không trả lời : Ngày thứ 6 liên tiếp. Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay, 12/04, thông báo Bình Nhưỡng không hồi đáp các cuộc điện thoại hai lần một ngày, thông qua Văn phòng liên lạc Liên Triều. Các đường dây điện thoại quân sự Seohae và Donghae cũng không có tín hiệu trả lời. Hôm qua, bộ Thống Nhất Hàn Quốc ra một tuyên bố hiếm hoi, cho biết « rất tiếc » về « ứng xử đơn phương vô trách nhiệm » của Bắc Triều Tiên. Việc đường dây điện thoại bị gián đoạn từ phía Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai miền gia tăng. Lần gián đoạn trước vào tháng 8/2022 kéo dài hai tháng.

(Yonhap) – Seoul cho Washington vay đạn ? Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm nay, 12/04/2023, không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin từ nhật báo Dong A Ilbo cho rằng chính phủ Hàn Quốc và một hãng quốc phòng trong nước đã ký kết một hợp đồng với chính quyền Biden, cho Mỹ vay khoảng 500 ngàn pháo 155 ly. Tháng 11/2022, Wall Street Journal còn loan báo Seoul ký một thỏa thuận bán 100 ngàn đạn cối cho Mỹ. Một quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ ẩn danh chỉ khẳng định hai chính phủ Mỹ - Hàn « đang trong quá trình tham vấn tìm cách hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền tự do của Ukraina, nhưng không thể xác nhận bất kỳ chi tiết nào. »  

(AFP) – Ukraina mong muốn một « mối quan hệ mạnh mẽ và chặt chẽ hơn » với Ấn Độ. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ hôm nay, 12/04/2023 cho biết đây là nguyện vọng của Kiev sau chuyến thăm New Delhi của thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina. Bà Emine Dzhaparova đã có cuộc thảo luận với các quan chức ngoại giao Ấn Độ, bàn về các vấn đề thế giới, những lợi ích hỗ tương, kinh tế, quốc phòng và trợ giúp nhân đạo. Trong cuộc hội đàm, bà Dzhaparova còn đề nghị New Delhi hỗ trợ thuốc men và thiết bị y tế cho Ukraina, hiện đang có chiến tranh với Nga, một đồng minh của Ấn Độ. Ngoài ra, bà còn trao một bức thư của tổng thống Ukraina gởi đến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.  

(AFP) – Nga phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến. Cuộc thử nghiệm ICBM được cho là thành công, tiến hành hôm qua, 11/04/2023, tại bãi thử Kapustin Yar, theo như tuyên bố từ bộ Quốc Phòng Nga. Thông cáo của bộ Quốc phòng Nga còn cho biết « tên lửa thử nghiệm đã đánh trúng mục tiêu giả định tại bãi huấn luyện Sary Shagan (Cộng hòa Kazakhstan) », nhưng không nêu rõ loại ICBM được sử dụng. Đợt bắn thử này diễn ra vài tuần sau khi Nga thông báo đình chỉ tham gia Hiệp ước giải trừ hạt nhân với Hoa Kỳ. 

(Politico) – Iran bí mật đàm phán với Nga và Trung Quốc mua nhiên liệu cho tên lửa. Teheran dường như đang tiến hành đàm phán với các quan chức chính phủ và các tổ chức do Nhà nước Nga và Trung Quốc kiểm soát để mua một lượng lớn ammonium perchlorate, hay còn gọi là chất AP. Đây là thành phần chính trong chất đẩy rắn để cung cấp năng lượng cho tên lửa và loại nhiên liệu này cũng nằm trong danh sách cấm bán cho Iran. Với cuộc đàm phán này, giới phương Tây lo ngại Teheran có thể giúp Matxcơva bổ sung kho tên lửa đang bị cạn kiệt. 

(AFP) – Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan lại nổ ra. Chính quyền hai nước hôm qua, 11/04/2023, cho biết cuộc đọ súng ở biên giới làm 7 quân nhân thiệt mạng, trong đó có ba lính của Azerbaijan. Phía Armenia nói đến 4 quân nhân tử trận và 6 người khác bị thương. Baku cáo buộc Erevan có hành động khiêu khích dẫn đến xung đột.

(Reuters) – Úc kêu gọi các nhà xuất khẩu đa dạng hóa thị trường. Hôm nay, 12/04/2023, ngoại trưởng Úc bà Penny Wong, khi trả lời phỏng vấn Sky News cho rằng, « đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một phần quan trọng trong khả năng phục hồi kinh tế đất nước », đồng thời cho phép giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Phát biểu này được đưa ra vào lúc, Bắc Kinh và Canberra, hôm qua, đã đạt được một đồng thuận chấm dứt tranh chấp về lúa mạch, với việc Úc đình chỉ vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới, còn Trung Quốc thúc đẩy xem xét thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Úc. 

(France Info) – Năng lượng gió và mặt trời tăng kỷ lục, chiếm 12% điện toàn cầu, nhưng vẫn còn thua xa than đá. Nhóm tư vấn năng lượng Ember, công bố hôm nay, 12/04, đưa ra thông tin trên. Năm 2015, hai loại năng lượng tái tạo trên mới chỉ chiếm 5% điện toàn cầu. Theo các tác giả, chiến tranh Ukraina, việc đóng các đường ống khí Nga, và giá năng lượng tăng vọt khiến chính quyền nhiều nước phải xem xét chuyển sang giảm mạnh việc dùng năng lượng hóa thạch. Số liệu của Ember dựa trên ngành điện của 78 quốc gia, chiếm 93% nhu cầu điện toàn cầu. Liên Âu đi đầu với 24% điện từ năng lượng tái tạo. Điện mặt trời tăng 24% so với năm trước. 


**********
voatiengviet.com

Ngoại trưởng Mỹ sẽ động thổ tòa đại sứ mới, nêu vấn đề nhân quyền khi thăm Hà Nội

VOA Tiếng Việt

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ động thổ công trình xây dựng tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội khi đến thăm thủ đô Việt Nam cuối tuần này và sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Daniel Kritenbrink cho biết.

Ngoại trưởng Blinken đang tháp tùng Tổng thống Joe Biden tới Anh và Ireland trước khi tiếp tục với chuyến công du của riêng mình tới Việt Nam và Nhật Bản, từ ngày 14 đến 18, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thông báo về chuyến thăm của ông Blinken, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/4 cho biết ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Hà Nội từ ngày 14 đến 16, theo lời mời của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn.

“Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao ở Việt Nam để tiếp tục tạo đà sau cuộc điện đàm của Tổng thống (Joe) Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng trước”, ông Kritenbrink, hiện đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Mỹ tại Hà Nội hồi tháng 4/2021, nói hôm 10/4 khi thông báo với phóng viên về chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Blinken.

Ông Kritenbrink, người tiếp quản chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam sau ông Ted Osius và có người kế nhiệm là ông Marc Knapper, còn cho biết rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ tham gia động thổ khu phức hợp trụ sở mới của sứ quán ở Hà Nội.

“Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng chưa đầy 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ và có đại sứ quán đầu tiên của chúng tôi ở Hà Nội năm 1995, chúng tôi giờ đây đang bắt tay vào xây dựng một biểu tượng mới tuyệt đẹp về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác và tình hữu nghị lâu dài của chúng tôi với Việt Nam”, ông Kritenbrink nói.

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam còn cho biết Mỹ và các đối tác Việt Nam hôm 10/4 đã ký thỏa thuận về các điều kiện xây dựng tòa đại sứ mới để “biến dự án được mong đợi từ lâu thành hiện thực”.

Chính phủ Mỹ và Việt Nam hồi tháng 8/2021 đã ký thỏa thuận về địa điểm xây dựng đại sứ quán mới khi Phó Tổng thống Kamala Harris tới thăm Hà Nội và chứng kiến lễ ký kết. Theo đại sứ quán Mỹ, ngân sách dành cho dự án của phía Mỹ là khoảng 1,2 tỷ USD và khu đất được thuê 99 năm, nơi cơ quan ngoại giao mới của Hoa Kỳ sẽ được xây dựng, có diện tích 3,2ha.

Hiện tại đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trên thế giới là ở Baghdad của Iraq, trên diện tích 104ha với khoản đầu tư 750 triệu USD vào năm 2012. Vào năm 2021, Mỹ cũng đã động thổ xây dựng tòa nhà phụ của đại sứ quán ở Bangkok, Thái Lan, với khoản đầu tư 625 triệu USD ngay sau khi công bố thỏa thuận xây đại sứ quán mới ở Hà Nội, cho thấy cam kết ngày càng tăng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của ông Blinken sẽ diễn trong khi Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực nơi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng sức mạnh.

Mặc dù không tiết lộ ông Blinken sẽ gặp gỡ những lãnh đạo nào của Việt Nam cuối tuần này, nhưng ông Kritenbrink cho biết ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á do Đảng Cộng sản cầm quyền, mà chính phủ Mỹ cùng các tổ chức quốc tế nhiều lần chỉ trích về hồ sơ nhân quyền chưa được tốt đẹp.

“Có một số vấn đề liên quan đến nhân quyền mà tôi tin rằng Ngoại trưởng (Blinken) sẽ nêu ra”, ông Kritenbrink nói. “Đánh giá công bằng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ta thấy đó là bức tranh có các mảng sáng tối lẫn lộn, bao gồm một số tiến bộ quan trọng. Nhưng tôi nghĩ, cũng có một số quan ngại đánh kể về mặt tự do ngôn luận, đặc biệt là trên mạng, và một số vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo”.

Chính quyền Việt Nam hôm 12/4 kết án nhà hoạt động và blogger Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” mà các tổ chức nhân quyền lên án.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, do Ngoại trưởng Blinken công bố hôm 20/3, nêu lên các vi phạm về nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á cũng bị Mỹ đưa vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” vì “vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”. Việt Nam, tuy nhiên, đã phản bác các báo cáo của Mỹ, cho rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và người dân có tự do tôn giáo ở trong nước.

Trả lời câu hỏi của Nike Ching, phóng viên VOA chuyên trách Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington, về việc liệu trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh sẽ được nêu khi ông Blinken đến thăm Việt Nam hay không, ông Kritenbrink đưa ra nhận xét rằng “đã có một xu hướng đáng lo ngại là quấy rối, bắt bớ và các bản án khắc nghiệt nhắm vào các công dân, nhà báo và nhà hoạt động ở Việt Nam chỉ vì họ thực thi quyền bày tổ quan điểm và ý kiến của mình”.

Từ kinh nghiệm của mình khi là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết ông luôn nhấn mạnh rằng lợi ích của Hoa Kỳ là hỗ trợ sự phát triển cho “một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, nhưng tất nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam và tất cả các nước sẽ vững mạnh hơn, thịnh vượng hơn và an ninh hơn khi Việt Nam cũng đảm bảo các quyền cơ bản của công dân”.

Theo Báo Chính phủ, ông Blinken dự kiến sẽ trao đổi về tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và tự cường.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 100 tỷ USD hàng năm, theo ông Kritenbrink cho biết.

“Việt Nam hiện là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Kritenbrink nói, khi được phóng viên hỏi về việc liệu Việt Nam có được xem là sự thay thế hoàn toàn hoặc một phần cho sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc để sản xuất hàng hóa hay không.

Ông Kritenbrink cho biết Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Mỹ và hầu hết các công ty lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam.

“Tôi tin tưởng rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác của chúng tôi hơn nữa trong chuyến thăm quan trọng sắp tới của ông (đến Hà Nội),” ông Kritenbrink nói, và cho biết lý do hàng đầu cho chuyến thăm của ông Blinken là để đưa quan hệ đối tác Mỹ-Việt lên một tầm cao mới.


***********

Tin tức thế giới 13-4: Pháp nói không phải 'chư hầu' của Mỹ, ông Trump kiện luật sư cũ


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo châu Âu không để bị cuốn vào căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan - Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo châu Âu không để bị cuốn vào căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan - Ảnh: AFP

Pháp nói không phải "chư hầu" của Mỹ 

Ngày 12-4, sau cuộc phỏng vấn về chủ đề nóng Đài Loan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng việc làm đồng minh của Mỹ không có nghĩa là trở thành "chư hầu".

"Là một đồng minh không có nghĩa là một chư hầu... không có nghĩa là chúng tôi không có quyền có suy nghĩ riêng", Hãng tin AFP dẫn lời ông Macron nói trong một cuộc họp báo ở Amsterdam, Hà Lan. Ông Macron nói rằng "Pháp ủng hộ nguyên trạng đối với Đài Loan", tìm kiếm một "giải pháp hòa bình cho tình hình" và khẳng định lập trường của Pháp cũng như châu Âu về vấn đề Đài Loan không thay đổi.

Trước đó, khi trả lời báo PoliticoLes Echos, nhà lãnh đạo Pháp đã cảnh báo không nên "theo đuôi" Mỹ hay Bắc Kinh để bị cuốn vào leo thang căng thẳng. Phát biểu này cộng với việc ông Macron không nhắc đến Đài Loan trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước đã gây tranh cãi và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổng thống Pháp nịnh bợ Bắc Kinh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng Paris là một đồng minh "đáng tin cậy" của Washington nhưng cũng cần hợp tác với Trung Quốc. Ông Le Maire cho rằng châu Âu cần làm ăn với Trung Quốc và sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, tái cấu trúc nợ, Ukraine. Khi được hỏi về Đài Loan, quan chức Pháp nói điều quan trọng là kêu gọi Trung Quốc "giảm leo thang".

*Nga nói sẽ tiếp tục sử dụng Trạm Không gian quốc tế (ISS) đến năm 2028. Ông Yuri Borisov, lãnh đạo cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, nói rằng nước này đã quyết định kéo dài sứ mệnh tại ISS đến năm 2028 sau khi trước đó tuyên bố sẽ rút khỏi trạm không gian này sau năm 2024.

*Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo. Quân đội Hàn Quốc cho hay Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông nước này sáng ngày 13-4. Bình Nhưỡng tăng cường các hoạt động quân sự trong những tuần gần đây nhằm phản ứng việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung. 

*Lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12-4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này hầu như không tăng trong tháng 3-2023 do giá xăng dầu giảm. Cụ thể,  CPI của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng Ba, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 5% vào tháng Ba, giảm so với mức tăng 6% của tháng Hai và là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 5-2021.

Tuy nhiên mức này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong khi giá cả tiếp tục tăng cao khiến áp lực lạm phát vẫn âm ỉ và có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trở lại vào tháng tới. "Mặc dù lạm phát vẫn còn rất cao nhưng tiến bộ này có nghĩa là có nhiều không gian thở hơn cho những người Mỹ làm việc chăm chỉ", chính quyền ông Biden nói. 

Ông Michael Cohen (trái) sẽ là nhân chứng quan trọng trong vụ truy tố cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Ông Michael Cohen (trái) sẽ là nhân chứng quan trọng trong vụ truy tố cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Ông Trump kiện cựu luật sư, đòi bồi thường 500 triệu USD

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kiện người cũ Michael Cohen không giữ bí mật trao đổi giữ luật sư và thân chủ và lan truyền thông tin giả về ông. 

Ông Cohen, người đã bị tuyên án 3 năm tù vì nhiều tội danh, thừa nhận đã thay mặt ông Trump trả tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Cựu luật sư của ông Trump sẽ là nhân chứng quan trọng trong vụ truy tố cựu Tổng thống Mỹ. Trước đó, ông Trump đã bác bỏ toàn bộ 34 cáo buộc nhắm vào ông.

Quân đội Myanmar xác nhận thực hiện vụ tấn công vào sự kiện của phe đối lập ở phía tây bắc nước này trong tuần. Theo quân đội, nhiều dân thường thiệt mạng là vì giúp "những kẻ khủng bố". Theo truyền thông địa phương, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra chính biến ở Myanmar vào đầu năm 2021.

Mỹ thúc đẩy Ngân hàng Thế giới cải cách. Ngày 12-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thêm cải cách trong năm nay để có thể hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Bà Yellen cho biết sứ mệnh hiện nay của WB nhằm nỗ lực chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực, thúc đẩy thịnh vượng chung và xây dựng khả năng phục hồi, nhưng cần có nhiều cải tổ và "hành động táo bạo" hơn. 

Tro bụi núi lửa

Mọi vật bị phủ lấp dưới lớp tro bụi dày của núi lửa Shiveluch trên bán đảo Kamchatka của Nga. Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nga, tạo ra đám mây tro bụi bao trùm khắp một khu vực khoảng 108.000km2. (Reuters)

Mọi vật bị phủ lấp dưới lớp tro bụi dày của núi lửa Shiveluch trên bán đảo Kamchatka của Nga. Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nga, tạo ra đám mây tro bụi bao trùm khắp một khu vực khoảng 108.000km2. (Reuters)

***********

Tài liệu rò rỉ của Mỹ: Serbia âm thầm cung cấp vũ khí cho Ukraine, Hàn Quốc cho mượn đạn pháo

Serbia là nước duy nhất tại châu Âu không trừng phạt Nga vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên có thông tin nói Serbia đã chuyển vũ khí cho Ukraine.

Tài liệu rò rỉ của Mỹ: Serbia âm thầm cung cấp vũ khí cho Ukraine, Hàn Quốc cho mượn - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine tại khu vực gần thị trấn Bakhmut - Ảnh: REUTERS

Đây là nội dung tiếp theo trong vụ rò rỉ tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các thông tin này chưa được xác minh, nhưng đang là đề tài nóng khiến Mỹ và nhiều nước lo lắng.

Serbia gửi vũ khí cho Ukraine?

Trong phần nội dung do Reuters tiếp cận và công bố hôm 12-4, Lầu Năm Góc được cho đã có một bản tóm tắt phản ứng của các chính phủ châu Âu đối với nhu cầu quân sự của Ukraine.

Tài liệu này có tựa đề "Châu Âu | Phản ứng trước cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra", đánh giá phản ứng và lập trường của 38 chính phủ châu Âu đối với yêu cầu viện trợ vũ khí của Ukraine.

Dữ liệu cho thấy Serbia từ chối cung cấp huấn luyện cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên nước này cam kết gửi vũ khí tấn công hoặc đã gửi vũ khí tấn công cho Ukraine. Thông tin cũng nói Serbia có ý chí chính trị và năng lực quân sự để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.

Tới nay cả Văn phòng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Đại sứ quán Ukraine đều chưa có phản hồi về thông tin trên. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chưa phản hồi Reuters về Serbia, trong khi trước đó cũng từ chối bình luận về bất kỳ tài liệu rò rỉ nào.

Chính phủ của ông Vucic tuyên bố trung lập về cuộc chiến Ukraine. Đây cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu không trừng phạt Nga.

Janusz Bugajski, chuyên gia về Đông Âu tại Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại Quỹ James Town, nhận định: "Nếu tài liệu này là chính xác, nó cho thấy phản ứng hai mặt của ông Vucic với Nga, hoặc ông ấy đang chịu áp lực lớn từ Washington trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine".

Hàn Quốc cho Mỹ "mượn" đạn dược, từ chối cung cấp trực tiếp vũ khí cho Ukraine?Việc chấp nhận gửi vũ khí sát thương cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là vấn đề nhạy cảm với nhiều nước. Loạt tài liệu rò rỉ chưa được xác minh này chứa những thông tin phản ánh câu chuyện phức tạp phía sau vấn đề trên.

Hôm 12-4, tờ DongA Ilbo của Hàn Quốc trích các nguồn tin chính phủ nói Hàn Quốc đã quyết định cho Mỹ "mượn" 500.000 vòng đạn pháo 155mm.

Số đạn dược này được hiểu nhằm giúp Washington linh hoạt hơn trong việc cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên việc Hàn Quốc cho mượn thay vì bán cũng giúp Seoul giảm thiểu khả năng số đạn dược của họ bị sử dụng cho cuộc xung đột Ukraine, theo DongA Ilbo. Số đạn này được dùng để lấp đầy khoảng trống trong kho chứa đạn của Mỹ.

Tờ báo Hàn Quốc nói năm ngoái Mỹ đã mua 100.000 vòng đạn, nhưng tới tháng 2 năm nay muốn mua tiếp số lượng tương tự. Chính phủ Hàn Quốc đã tìm phương án khác để cung cấp món này.

"Chúng tôi quyết định tăng đáng kể số lượng đạn pháo nhưng sử dụng phương pháp thuê mượn, sau khi tìm ra cách đáp ứng yêu cầu của đồng minh thân cận này thật thiện chí, mà đồng thời vẫn tuân thủ nguyên tắc của chính phủ về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine", một nguồn ẩn danh nói với DongA Ilbo.

Hôm 12-4, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết ông không thể xác minh thông tin của bài báo trên. Tuy nhiên, ông Park nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Hàn Quốc về không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vẫn không hề thay đổi.

Các thông tin mới nhất về Serbia và Hàn Quốc sẽ khiến Mỹ gặp thêm bàn tán trước nghi án gây áp lực lên đồng minh và đối tác trong câu chuyện Ukraine
*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn