Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 28 -3-2023:

Thứ Ba, 28 Tháng Ba 202310:00 SA(Xem: 9418)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 28 -3-2023:


Hoaluc 3**********
voatiengviet.com

Nga nói họ vẫn tiến quân ở Bakhmut, Anh nói Moscow mất nhiều xe tăng ở Avdiivka gần đó

Reuters

Các lực lượng Nga vẫn đang tiến lên từng chút một tại thành phố Bakhmut tan hoang ở miền đông Ukraine, một quan chức do Moscow dựng lên cho biết hôm thứ Ba 28/3, trong khi đó, tình báo Anh cho hay rằng một sư đoàn xe tăng Nga đã chịu tổn thất nặng nề ở thị trấn Avdiivka gần đó.

Denis Pushilin, lãnh đạo do Nga bổ nhiệm của khu vực Donetsk nằm dưới sự kiểm soát của Moscow, nói rằng hầu hết các lực lượng Ukraine đã buộc phải rút lui khỏi nhà máy luyện kim AZOM ở phía tây sông Bakhmutka trong thành phố.

Tuyên bố của ông này trái ngược với lời khẳng định của Ukraine và phương Tây rằng tình hình ở Bakhmut đang ổn định và cuộc tấn công mùa đông của Nga đang chững lại.

Các chỉ huy quân đội Ukraine cho biết cuộc phản công của phía họ - được hỗ trợ bằng khí tài phương Tây mới chuyển giao, bao gồm cả xe tăng Leopard 2 của Đức - không còn xa nữa, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ Bakhmut trong lúc giao thời.

Lực lượng Nga cũng đã pháo kích Avdiivka, 90 km về phía nam của Bakhmut. Trong bản tin cập nhật hàng ngày về cuộc chiến ở Ukraine hôm 28/3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Nga chỉ đạt được "tiến bộ nhỏ" trong nỗ lực bao vây Avdiivka trong những ngày gần đây và đã mất nhiều xe bọc thép và xe tăng.

Nga đã phóng tổng cộng 15 máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất trong đêm vào Ukraine, quân đội Ukraine cho biết vào sáng sớm 28/3, và nói thêm rằng lực lượng của họ đã tiêu diệt 14 chiếc trong số đó.

Ngoài ra, các lực lượng Ukraine báo cáo đã đẩy lùi 62 cuộc tấn công của Nga dọc theo mặt trận phía đông trong 24 giờ qua.

Về phía Nga, họ cho hay hôm 28/3 rằng lần đầu tiên họ đã bắn hạ được một quả bom lượn thông minh có điều hướng phóng từ mặt đất (GLSDB) do Mỹ cung cấp và do lực lượng Ukraine phóng đi.

Reuters không thể kiểm chứng các tin tức chiến trường.

Hôm 25/3, Tổng thống Nga Putin loan báo ông đã đạt được thỏa thuận đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus. Ukraine và các đồng minh phương Tây đã lên án kế hoạch này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói hôm 28/3 rằng Belarus sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thêm nữa của châu Âu vì kế hoạch nêu trên.

(Reuters)


**********
rfi.fr

Ba Lan muốn trở thành một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu trong Liên Âu

Minh Anh

BA LAN - QUÂN SỰ

Đăng ngày:

Cuộc họp báo của ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton (P) và thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (T) tại một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Nowa Deba, Ba Lan, ngày 27/3/2023.
Cuộc họp báo của ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton (P) và thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (T) tại một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Nowa Deba, Ba Lan, ngày 27/3/2023. © Patryk Ogorzalek/Agencja Wyborcza.pl via Reuters

Rất tích cực trong việc gởi trang thiết bị quân sự cho Ukraina, Ba Lan giờ đây muốn tăng tốc sản xuất vũ khí để trở thành một trong số cường quốc quân sự hàng đầu tại châu Âu. Thủ tướng Ba Lan đã khẳng định tham vọng này trong cuộc gặp ủy viên châu Âu Thierry Breton, phụ trách thị trường nội địa, nhân chuyến thăm một xưởng sản xuất vũ khí của Ba Lan hôm qua, 27/3/2023.  

Thông tín viên đài RFI, Martin Chabal, từ Vacxava tường thuật : 

« Chính tại một trong số các nhà kho của xưởng sản xuất mà Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan và Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa đã bắt tay nhau. Cùng nhau, họ muốn thúc đẩy ngành sản xuất vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu. 

Thủ tướng Ba Lan phát biểu : Chúng tôi biết rất rõ là không có đủ loại đạn dược này trên khắp châu Âu, và có thể thậm chí là toàn khối NATO. Chính vì thế mục tiêu số một là phải tái bổ sung số đạn này.

Và cả hai bên đều muốn sản xuất phải nhanh hơn nữa. Ông Thierry Breton đã khởi động chuyến đi thăm các nhà máy sản xuất đạn dược của châu Âu và muốn tìm kiếm các giải pháp cho từng nhà máy. Hôm qua, kết thúc một chuyến thăm kín, ông đã có vài hướng. 

Ông nói : Hiện đã áp dụng chế độ 3 ca luân phiên 5 ngày trong tuần. Có thể chuyển sang chế độ ba ca luân phiên trong 6 hoặc 7 ngày, đối với những người lao động chấp nhận nhịp độ này. Bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động trong một nền kinh tế chiến tranh.

Đối với Ba Lan, đây còn một cách để hâm nóng quan hệ với Bruxelles. Trong mọi trường hợp, đó là điều mà thủ tướng Mateusz Morawiecki nhận thấy qua chuyến công du của ông Thierry Breton.  

Ông Morawiecki phát biểu tiếp : Điều mà chúng tôi đã trông đợi từ lâu : Đó là những nỗ lực của Ba Lan trên phương diện vũ khí và Bruxelles đánh giá rất cao việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina. 

Nếu như Ba Lan muốn có một quân đội lớn nhất châu Âu, nước này cũng hy vọng trở thành một trong số các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu lục. » 


**********
rfi.fr

Ukraina đã nhận được những chiến xa hạng nặng đầu tiên của phương Tây

Thùy Dương

CHIẾN TRANH NGA - UKRAINA

Đăng ngày:

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh  Ben Wallace (thứ hai phải) cùng các binh sĩ Ukraina đang học điều khiển xe tăng Challenger 2, tại Dorset, Anh Quốc, ngày 22/02/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace (thứ hai phải) cùng các binh sĩ Ukraina đang học điều khiển xe tăng Challenger 2, tại Dorset, Anh Quốc, ngày 22/02/2023. AP - Ben Birchall

Ukraina hôm 27/03/2023 thông báo đã nhận được những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng đầu tiên của Anh và Đức. 

Trên Facebook, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksiï Reznikov, thông báo những xe tăng « Chalenger của Anh, Stryker và Cougar của Mỹ, Marders của Đức » đã được trang bị bổ sung cho các đơn vị Ukraina. Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina cũng đăng tải một bức ảnh chụp các chiến xa nhưng không nêu rõ ngày các xe tăng này được chuyển đến Ukraina. 

Về phía Berlin, sau khi thủ tướng Olaf Scholz hôm qua thông báo chiến đấu cơ tối tân Leopard 2 của Đức đã được giao cho Kiev, bộ Quốc Phòng Đức nêu con số 18 chiến xa Leopard 2. 

Liên quan tới Pháp, trong bài phỏng vấn được Le Figaro hôm nay 28/03 đăng tải, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu thông báo kể từ cuối tháng 03 này, Pháp tăng gấp đôi số đạn pháo 155 ly giao hàng tháng cho Ukraina lên thành 2.000/tháng. 

Về tình hình chiến sự, hôm nay chính quyền quân sự thành phố Kiev cho biết thủ đô Ukraina hôm qua lại hứng chịu một đợt oanh kích của Nga, nhưng không có thiệt hại nhân mạng. 

Trong khi đó, theo tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraina, đêm qua Nga đã phóng tổng cộng 15 drone chiến đấu vào Ukraina và không quân Ukraina đã tiêu diệt được 14 drone. 

Cũng trong ngày hôm qua, Nga đã phóng nhiều tên lửa vào thành phố Sloviansk, miền đông Ukraina, khiến 2 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương, nhiều tòa nhà bị phá hủy.  


*******
rfi.fr

Hoa Kỳ: Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II khai mạc với hơn 120 lãnh đạo thế giới tham dự

Trọng Nghĩa

DÂN CHỦ - QUỐC TẾ

Đăng ngày:

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên khai mạc Thượng đỉnh Dân chủ trực tuyến lần thứ nhất, Nhà Trắng, ngày 09/12/2021.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên khai mạc Thượng đỉnh Dân chủ trực tuyến lần thứ nhất, Nhà Trắng, ngày 09/12/2021. AP - Susan Walsh

Sau ấn bản đầu tiên năm 2021, kể từ hôm nay, 28/03/2023, Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại mở ra, với hơn 120 lãnh đạo trên thế giới được mời tham dự. Tương tự như lần trước, Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần này diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tuyến và dự trù kéo dài trong ba ngày.

Theo hãng tin Pháp AFP, điểm nổi bật đầu tiên của Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II này là hội nghị được đặt dưới quyền đồng chủ tọa của tổng thống Mỹ cùng với lãnh đạo của Zambia, đại diện châu Phi, Costa Rica đại diện châu Mỹ, Hàn Quốc, đại diện châu Á và Hà Lan, đại diện châu Âu. Số nước được mời cũng tăng lên thành 121, đặc biệt có 5 quốc gia châu Phi lần trước không có mặt, nhưng lần này tham gia (Tanzania, Côte d'Ivoire, Gambia, Mauritania và Mozambique).

Theo AFP, hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trên khắp thế giới cùng với các mối đe dọa đối với nền dân chủ, kể cả tại Mỹ với cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Theo bản báo cáo mới nhất của Freedom House, một nhóm nghiên cứu về dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn, năm 2022 đã chứng kiến sự thụt lùi của dân chủ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thể chế bị cho là độc đoán tiếp tục không được mời. Ngoài Nga và Trung Quốc, các nước như Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được mời tham gia Hội Nghị, tương tự như Hungary ở châu Âu, hay Singapore ở châu Á.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không cho biết chi tiết về các tiêu chí chọn lựa khách mời cho hội nghị. Một phát ngôn viên bộ này chỉ khẳng định rằng Washington “không tìm cách xác định quốc gia nào là dân chủ hay không dân chủ”.

Cuộc chiến tranh Ukraina cũng sẽ được đề cập tại Hội Nghị lần này, với tổng thống Ukraina được mời phát biểu tại phiên khai mạc
**********

Tin tức thế giới 28-3:  Nhiều xe tăng đã đến Ukraine


Tin tức thế giới 28-3: Honduras đuổi Đài Loan đi nhanh; Nhiều xe tăng đã đến Ukraine - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) bắt tay sau khi ký văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26-3 - Ảnh: REUTERS

Honduras muốn Đài Loan nhanh chóng rời đi để Trung Quốc đến

Ngày 27-3, Thứ trưởng Ngoại giao Honduras Antonio Garcia đưa ra yêu cầu trên truyền hình địa phương về việc Đài Loan phải hoàn tất việc đóng cửa văn phòng ngoại giao ở Honduras trong vòng 30 ngày.

Trong phát biểu của mình, ông Garcia cho biết 30 ngày "là quá đủ thời gian để thu dọn đồ đạc và rời đi". Ông nói thêm rằng các quan chức hướng tới một cuộc rời đi "có trật tự, thân thiện".

Honduras và Đài Loan xác nhận kết thúc quan hệ ngoại giao sau 80 năm. Quốc gia Trung Mỹ này chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày 26-3 vừa qua.

Ông Garcia cho biết cần tổ chức một phái đoàn đến Trung Quốc để tìm hiểu nhiều dự án Trung Quốc đầu tư, có thể trị giá đến 10 tỉ USD để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Các sinh viên đang nhận học bổng do Đài Loan cung cấp sẽ được chuyển sang học ở Trung Quốc.

* Israel hoãn kế hoạch cải cách tư pháp vì biểu tình. Ngày 27-3, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo chính phủ của ông sẽ hoãn việc cải cách tư pháp sau nhiều ngày đứng trước áp lực biểu tình phản đối của người dân.

Theo Đài BBC, ông cho biết quyết định nhằm ngăn chặn "sự rạn nứt trong nhân dân".

Sau quyết định, không khí bình yên tạm thời đã trở lại ở Israel sau nhiều ngày đất nước sục sôi vì vì biểu tình.

Đảng Quyền lực Do Thái thuộc liên minh cầm quyền Israel thông báo ông Netanyahu đồng ý hoãn quá trình thảo luận kế hoạch cải cách tư pháp sang phiên họp Quốc hội tháng sau, nhằm "thông qua dự luật bằng biện pháp đối thoại".

Chính phủ của ông Netanyahu muốn thúc đẩy dự luật cải cách sâu rộng hệ thống tòa án nước này, trong đó thay đổi cách bổ nhiệm thẩm phán. 

Người dân lo ngại về độc lập tư pháp của Israel nếu dự luật được thông qua. Hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường trong đêm 26-3 và ngày 27-3, tuyên bố "tuần lễ tê liệt toàn quốc".

Tin tức thế giới 28-3: Honduras đuổi Đài Loan đi nhanh; Nhiều xe tăng đã đến Ukraine - Ảnh 3.

Người biểu tình hô bên ngoài Quốc hội Israel ở Jerusalem. Các cuộc biểu tình đang diễn ra trên cả nước và người lao động kêu gọi tổng đình công phản đối dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi của chính phủ ngày 27-3 - Ảnh: AFP

Xe tăng của Đức, Anh, Bồ Đào Nha đến Ukraine

Ngày 27-3, quan chức các bên cho biết Đức và Anh đã giao các xe tăng chiến đấu hạng nặng mà các nước này cam kết cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Berlin đã chuyển giao 18 xe tăng chiến đấu Leopard 2 "rất hiện đại" cho Kiev. Ngoài ra, Đức còn gửi 40 xe chiến đấu bộ binh Marder.

Phía Anh bàn giao xe tăng Challenger cho Ukraine nhưng không nói rõ số lượng. Cùng ngày, 3 xe tăng chiến đấu do Bồ Đào Nha tặng cũng đến Ukraine.

Những xe tăng này đến đúng lúc cho cuộc tấn công mùa xuân dự kiến của các lực lượng Ukraine, theo AFP.

Ở miền đông Ukraine, Nga vẫn bắn tên lửa vào các mục tiêu do Ukraine kiểm soát.

Tại Avdiivka, một thị trấn tiền tuyến bị tàn phá ở khu vực Donetsk, một quan chức Ukraine cho biết rằng các viên chức thành phố đang rút đi khi các lực lượng Nga tuyên bố giành được những thắng lợi mới gần đó.

Các lực lượng Nga đã tổ chức tấn công ở toàn bộ khu vực phía đông Donetsk trong nhiều tháng, với trọng tâm giao tranh tập trung ở Bakhmut, phía bắc thành phố Avdiivka.

Tin tức thế giới 28-3: Honduras đuổi Đài Loan đi nhanh; Nhiều xe tăng đã đến Ukraine - Ảnh 5.

Quân nhân Ukraine huấn luyện với xe tăng Leopard 2 A4 ở Swietoszow, Ba Lan ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS

* Xả súng tại trường học ở Tennessee: 6 người chết. Theo Hãng tin Reuters, ngày 27-3, cảnh sát cho biết có 3 trẻ em và 3 người lớn thiệt mạng trong một vụ nổ súng vào lúc 10h13 sáng tại một trường tư nhỏ ở Nashville, bang Tennessee.

Đài truyền hình News Channel 5 Nashville cho biết ba người lớn bị thiệt mạng là nhân viên của trường.

Ông Don Aaron - phát ngôn viên Sở Cảnh sát Metro Nashville, cho biết một phụ nữ, được xác nhận tên là Audrey Hale, đã mang theo hai súng trường loại tấn công, một súng ngắn, đột nhập vào trường học bằng lối vào bên hông.

Nghi phạm 28 tuổi bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đối đầu sau đó. Cảnh sát cho biết Hale đã bắn vào một trong số các cánh cửa của trường để mở lối vào bên trong. Người này có bản đồ và bản vẽ về trường.

Các khẩu súng đều được mua ở địa phương và 2/3 cây súng do nghi phạm sở hữu bất hợp pháp.

Trường The Covenant School, thuộc giáo hội Tin Lành, tiếp nhận khoảng 200 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 6. Sau khi vụ nổ súng xảy ra, các học sinh được hướng dẫn nắm tay nhau sơ tán khỏi trường học trong sự bảo vệ của cảnh sát.

Tin tức thế giới 28-3: Honduras đuổi Đài Loan đi nhanh; Nhiều xe tăng đã đến Ukraine - Ảnh 6.

Học sinh nắm tay nhau rời xe buýt đến địa điểm gặp cha mẹ sau vụ xả súng tại trường học ở Nashville, Tennessee, ngày 27-3 - Ảnh: REUTERS

* Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác nghị quyết do Nga đề xuất. Ngày 27-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác một nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga đến Đức vào năm ngoái.

Các nước phương Tây cho rằng vụ nổ dưới biển Baltic vào tháng 9 năm ngoái liên quan đến Nga. Ngược lại, Điện Kremlin cáo buộc phương Tây phá hoại đường ống này.

Nghị quyết nhận được ba phiếu thuận của Trung Quốc, Brazil và Nga và 12 phiếu trắng.

Ngày 27-3, Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời ông Dmitry Birichevsky - vụ trưởng Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Nga có thể yêu cầu bồi thường liên quan đến những thiệt hại do các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái.


*************

Chiến sự Ukraine đến tối 27.3: Giao tranh ở Bakhmut trong giai đoạn khốc liệt nhất

Đông A

Chiến sự Ukraine đến tối 27.3: Giao tranh ở Bakhmut trong giai đoạn khốc liệt nhất - Ảnh 1.

Xe tăng T-72 của Ukraine bắn vào các vị trí của Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, vùng Donetsk ngày 26.3

AFP

"Ukraine cần bảo vệ Bakhmut"

Theo Reuters, Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 27.3 cho biết quân đội nước này đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga vào thị trấn Bakhmut ở vùng Donetsk và việc bảo vệ thị trấn này là một "cần thiết với quân đội Ukraine".

Quân đội Ukraine cho biết đại tướng Oleksandr Syrsky đã thăm tiền tuyến phía đông đất nước để giải quyết "các vấn đề khó khăn ngăn cản việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu" và đưa ra "các quyết định hành quân nhằm tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc ngăn chặn và gây thiệt hại cho đối phương".

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 396 có gì nóng?

Ukraine không đưa ra thông tin chi tiết và không cho biết chuyến thăm diễn ra khi nào. Tuy nhiên, các phát biểu của ông Syrsky cho thấy Ukraine có ý định tiếp tục chiến đấu ở Bakhmut bất chấp thiệt hại nặng nề ở đó.

"Giai đoạn khốc liệt nhất của trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut vẫn tiếp tục. Tình hình liên tục khó khăn. Đối phương chịu tổn thất đáng kể về nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự nhưng vẫn tiếp tục tiến hành các hành động tấn công", ông Syrsky nói.

Tướng Syrsky cũng ca ngợi khả năng phục hồi của các lực lượng Ukraine trong "điều kiện cực kỳ khó khăn". "Việc bảo vệ Bakhmut là do nhu cầu quân sự. Chúng tôi đang tính toán tất cả các phương án khả thi cho diễn biến của các sự kiện và sẽ phản ứng thích đáng với tình hình hiện tại", chỉ huy này nói thêm.

Nga chưa phản ứng với các tuyên bố trên.

NATO chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Putin về triển khai hạt nhân

Lithuania kêu gọi trừng phạt Nga vì kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân

Reuters đưa tin Lithuania ngày 26.3 cho biết nước này sẽ kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow và Minsk để đáp trả kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Lithuania được đưa ra vài giờ sau khi NATO chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin về cái mà họ gọi là lời lẽ "nguy hiểm và vô trách nhiệm" về hạt nhân.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết nước này sẽ yêu cầu đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga và Belarus vào gói các biện pháp trừng phạt đang được thảo luận tại Brussels (Bỉ).

"Cùng với các đối tác châu Âu - Đại Tây Dương, Lithuania sẽ quyết định cách phản ứng trước các kế hoạch quân sự của Nga và Belarus", Bộ Ngoại giao Lithuania tuyên bố.

"Belarus ủng hộ và giúp đỡ hành động của Nga, đồng thời ngày càng tham gia vào các kế hoạch quân sự của Nga, là một yếu tố rủi ro thêm đối với khu vực Baltic", tuyên bố cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine có thể tính đến giải pháp ngoại giao để kết thúc xung đột

Nga nói NATO là một bên trong xung đột Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo chính phủ Nga Rossiyskaya Gazeta xuất bản ngày 27.3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói rằng các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.

"Trên thực tế, các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột. Họ biến Ukraine thành một doanh trại quân sự lớn. Họ gửi vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho họ", tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn lời ông Patrushev cho biết. NATO và Ukraine vẫn chưa lên tiếng trước cáo buộc này.

Nga có thể đòi bồi thường cho vụ nổ đường ống Nord Stream

Điện Kremlin ngày 27.2 tuyên bố Nga sẽ xác định quốc gia hoặc các quốc gia đứng sau vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và sẽ làm mọi cách để ngăn chặn cái mà họ gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm "che đậy" những gì đã xảy ra.

Tổng thống Putin nêu tên thế lực đứng sau vụ nổ đường ống Nord Stream

Các đường ống dẫn khí đốt đi từ Nga đến Đức dưới biển Baltic đã xảy ra những vụ nổ không rõ nguyên nhân vào tháng 9 năm ngoái. Moscow đã gọi đây là một hành động khủng bố quốc tế.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với The Guardian đăng ngày 27.3, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết: "Chúng tôi không loại trừ khả năng sau này sẽ nêu vấn đề bồi thường thiệt hại do vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream".

Ông Birichevsky không cho biết Nga sẽ yêu cầu ai bồi thường thiệt hại về các sự cố tại đường ống. Nhà ngoại giao này cũng nói tương lai của dự án Nord Stream vẫn chưa được quyết định.

"Hiện tại, rất khó để nói về tương lai của hệ thống đường ống Nord Stream. Nhìn chung, theo các chuyên gia, các đường ống bị hư hỏng có thể được sửa chữa", ông Birichevsky nói.

Điện Kremlin đã tuyên bố rằng tất cả các cổ đông đều có quyền quyết định liệu các đường ống Nord Stream có nên tiếp tục được vận hành hay không.

Tướng Ukraine: Giữ Bakhmut là ‘cần thiết về mặt quân sự’

Reuters dẫn lời các nguồn thạo tin tuần trước cho biết rằng các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã được niêm phong và ngưng hoạt động vì không có kế hoạch ngay lập tức sửa chữa hoặc kích hoạt chúng
*********

Israel hoãn thảo luận cải cách tư pháp

Thủ tướng Netanyahu đồng ý lùi thời điểm thảo luận kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi, sau khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố.

Đảng Quyền lực Do Thái thuộc liên minh cầm quyền Israel hôm nay thông báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đồng ý hoãn quá trình thảo luận kế hoạch cải cách tư pháp sang phiên họp quốc hội tháng sau, nhằm "thông qua dự luật bằng biện pháp đối thoại".

Chính phủ của ông Netanyahu đang thúc đẩy dự luật cải cách sâu rộng với hệ thống tòa án nước này, trong đó điểm mấu chốt là thay đổi cách thức bổ nhiệm thẩm phán. Nếu được thông qua, chính phủ Israel sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong chọn lựa thẩm phán và giới hạn quyền lực của Tòa án Tối cao.

Thủ tướng Netanyahu trong phiên họp nội các hôm 19/3. Ảnh: AFP

Thủ tướng Netanyahu trong phiên họp nội các hôm 19/3. Ảnh: AFP

Nhiều người đã biểu tình phản đối dự luật từ hồi tháng 1. Căng thẳng càng leo thang khi Thủ tướng Netanyahu ngày 26/3 sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, sau khi ông Gallant kêu gọi tạm dừng dự luật cải cách tư pháp cho đến hết ngày Quốc khánh vào tháng 4.

Hàng trăm nghìn người đã đổ ra đường trong đêm 26/3, tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội, tư dinh của các lãnh đạo, tuyên bố "tuần lễ tê liệt toàn quốc". Các doanh nghiệp, trung tâm mua sắm, chính quyền địa phương bắt đầu thông báo sẽ ngừng hoạt động.

Thủ tướng Netanyahu cho biết dự luật cải cách tư pháp của ông nhằm cân bằng quyền lực giữa các nhánh trong chính quyền, trong khi người dân Israel và các quốc gia đồng minh phương Tây lo ngại về độc lập tư pháp của nước này. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy phần lớn người dân Israel muốn chính phủ hủy bỏ dự luật hoặc có những điều chỉnh để tất cả các bên hài lòng.

Tổng thống Israel Isaac Herzog hôm nay thúc giục Thủ tướng Netanyahu ngừng lập tức nỗ lực cải cách tư pháp "vì sự đoàn kết của người dân Israel".

Tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi hôm nay kêu gọi các quân nhân tiếp tục làm nhiệm vụ và hành động có trách nhiệm, trong bối cảnh xã hội chia rẽ vì kế hoạch cải cách. "Giờ phút này khác hẳn với những gì Israel từng trải qua. Chúng ta chưa bao giờ thấy những mối đe dọa bên ngoài tập hợp lại cùng lúc với cơn bão đang hình thành trong lòng quốc gia", ông nói.

Vũ Anh (Theo Reuters)


***********

Video Ukraine tấn công chiến binh Wagner tại Bakhmut, nổ lớn ở Kiev


Theo trang tin Pravda, video được đăng tải trên tài khoản Facebook của Lực lượng biên phòng Ukraine cùng với chú thích: "Trinh sát trên không của lực lượng biên phòng phát hiện một nhóm chiến binh ở Bakhmut. Sau khi xác định được quân địch đang tập trung tại khu vực có một số nhà để xe, lực lượng biên phòng đã mở một cuộc tấn công bằng súng cối, khiến nhóm quân địch phải phân tán". Ukraine cho biết, ít nhất 15 chiến binh Wagner thiệt mạng trong vụ tấn công. 

Video trên được công bố trong bối cảnh các quan chức Ukraine đang đề cập tới những tiến bộ đạt được tại khu vực. 

nh243m-wagner-1-87

Nhiều vụ nổ lớn ở Kiev

Hãng tin CNN dẫn tin từ Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko cho biết: "Nhiều vụ nổ đã xảy ra ở Kiev vào tối qua (27/3), ban đầu là ở khu dân cư Obolon và Sviatoshynskyi. Tất cả các dịch vụ đã được điều động tới hiện trường. Thông tin chi tiết sẽ có sau". 

Theo ông Vitaliy Klitschko, tại khu dân cư Sviatoshynskyi, lực lượng cứu hỏa và cứu hộ đang ứng phó với một vụ cháy tòa nhà. Các thông tin ban đầu cho biết, không có thương vong. 

Chính quyền quân sự khu vực Kiev cho biết, còi báo động không kích đã được bật trước khi các vụ nổ xảy ra. Bản tin đăng trên Telegram của cơ quan này viết: "Mối nguy hiểm ở khu vực sát thủ đô vẫn còn. Lực lượng phòng không đang trong tình trạng báo động". 

Ukraine nhận được xe tăng của Anh, Đức

xe-tang-leopard-90
Ảnh: CNN

Theo báo Der Spiegel và CNN, quân đội Ukraine đã nhận được 18 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 từ Đức cũng như xe tăng chiến đấu chủ lực Challengers từ Anh cùng nhiều xe bọc thép khác do phương Tây tài trợ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 27/3 cho biết, nước này đã nhận được những xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên từ Anh, xe chiến đấu bộ binh Strykers và xe bộ binh cơ động thuộc dòng xe bảo vệ chống phục kích Cougars từ Mỹ và xe chiến đấu bộ binh Marders từ Đức. 

Quan chức này cảm ơn các nước đồng minh đã tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và khẳng định "thiết bị mới sẽ đồng hành tốt với những người anh em của nó trên chiến trường". 

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết, Berlin đã giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Theo RT, các xe tăng Leopard rời Đức vào tuần trước và được giao cho Ukraine tại một địa điểm bí mật dọc biên giới nước này. Dù địa điểm giao xe tăng không được nêu rõ song hầu hết vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine được chuyển qua Ba Lan
**********
voatiengviet.com

Putin nói Nga-Trung không lập liên minh quân sự

Reuters

Nga và Trung Quốc không thành lập một liên minh quân sự và sự hợp tác giữa lực lượng vũ trang đôi bên là “minh bạch,” Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hôm 26/3, vài ngày sau khi đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.

Hai ông Putin và Tập đã tuyên bố tình hữu nghị và cam kết các mối quan hệ chặt chẽ hơn, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự, trong hội nghị thượng đỉnh ngày 20-21/3, trong khi Nga đang tìm cách giành được thắng lợi trên chiến trường trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

“Chúng tôi không thành lập bất kỳ liên minh quân sự nào với Trung Quốc”, ông Putin nói trên truyền hình nhà nước. “Vâng, chúng tôi có hợp tác trong lĩnh vực tương tác kỹ thuật quân sự. Chúng tôi không che giấu điều này.”

“Mọi thứ đều minh bạch, không có gì là bí mật.”

Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vào đầu năm 2022, chỉ vài tuần trước khi ông Putin đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine. Bắc Kinh đã kiềm chế không chỉ trích quyết định của ông Putin và đã đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Phương Tây bác bỏ các đề nghị của Bắc Kinh, coi đó là một mánh khóe để câu giờ cho ông Putin gầy dựng lại lực lượng ở Ukraine.

Gần đây, Washington nói rằng họ lo ngại Bắc Kinh có thể trang bị vũ khí cho Nga, điều mà Trung Quốc phủ nhận.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin bác bỏ những ý kiến cho rằng việc Moscow tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như năng lượng và tài chính đồng nghĩa với việc Nga đang trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cho rằng đấy là quan điểm của “những kẻ ghen tị”.

Ông nói: “Trong nhiều thập niên, nhiều người đã mong muốn biến Trung Quốc chống lại Liên Xô và Nga, và ngược lại. “Chúng tôi hiểu thế giới chúng tôi đang sống. Chúng tôi thực sự coi trọng các mối quan hệ hỗ tương của chúng tôi và mức độ đã đạt được trong những năm gần đây.”

‘NATO toàn cầu’

Ông Putin cũng cáo buộc Hoa Kỳ và NATO đang tìm cách xây dựng một “trục” toàn cầu mới mà ông cho là có một số điểm tương đồng với liên minh trong Thế chiến Thứ hai giữa Đức Quốc xã, phát xít Ý và đế quốc Nhật Bản.

Ông Putin nêu tên Úc, New Zealand và Hàn Quốc là những nước đang sắp hàng để gia nhập “NATO toàn cầu” và đề cập đến một thỏa thuận quốc phòng được Anh và Nhật Bản ký hồi đầu năm nay.

“Đó là lý do tại sao các nhà phân tích phương Tây... đang nói về việc phương Tây bắt đầu xây dựng một trục mới tương tự như trục được tạo ra vào những năm 1930 bởi chế độ phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản,” ông nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm nay, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên minh Đại Tây Dương hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cũng nói về căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Ông Putin đã mô tả các hành động của Nga ở Ukraine như một sự đẩy lùi phòng thủ chống lại một phương Tây thù địch hiếu chiến, tương đồng với cuộc chiến của Moscow chống lại lực lượng Đức Quốc xã xâm lược trong Thế chiến Thứ hai.

Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ những ý kiến như vậy là vô lý, nói rằng Moscow đang tìm cách chiếm lãnh thổ và làm tê liệt khả năng hoạt động của Ukraine như một quốc gia độc lập.

Ukraine nói rằng không thể có đàm phán hòa bình cho đến khi tất cả các lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ của họ. Nga nói Ukraine phải chấp nhận mất những dải lãnh thổ mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập.

Bình luận của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi ông tuyên bố rằng Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, như một lời cảnh báo rõ ràng tới NATO về sự hỗ trợ quân sự của tổ chức này đối với Ukraine.


***********
voatiengviet.com

Lãnh đạo chính quyền quân sự kêu gọi nước ngoài ủng hộ Myanmar quay lại dân chủ

Reuters

Nhà cầm quyền quân sự Myanmar ngày 27/3 kêu gọi các nước chỉ trích hãy ủng hộ kế hoạch trở lại dân chủ của chính quyền quân sự Myanmar thay vì đứng về phía phong trào kháng chiến mà ông gọi là “những kẻ khủng bố” đang âm mưu phá hủy đất nước.

Phát biểu tại cuộc duyệt binh thường niên nhân ngày lực lượng vũ trang, ông Min Aung Hlaing nói sự lên án của quốc tế đối với chế độ quân sự của ông là dựa trên những tường thuật sai sự thật của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG). Cuộc đảo chính của phe quân sự vào tháng 2 năm 2021 đã khiến Myanmar rơi vào hỗn loạn.

Chính quyền quân sự sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 8 năm nay vốn đã bị nhiều người coi là giả tạo. Cuộc bầu cử này có khả năng bị chi phối bởi một đảng ủy nhiệm của quân đội vốn đã thất bại trong hai cuộc bầu cử vừa qua.

“Quân đội và chính phủ cần hành động chống lại các nhóm khủng bố đang cố gắng tàn phá đất nước và giết hại người dân”, ông Min Aung Hlaing nói.

“Tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với tất cả những nỗ lực của chính phủ hiện tại một cách thận trọng để đi đúng hướng đến dân chủ.”

Cuộc đảo chính của ông Min Aung Hlaing đã đột ngột chấm dứt một thập kỷ dân chủ và sự phát triển kinh tế chưa từng có ở Myanmar, nơi đã nằm dưới sự cai trị của quân đội suốt 50 năm trong 6 thập niên qua.

Nhiều đảng chính trị đã bị giải tán hoặc từ chối tham gia cuộc bầu cử, trong đó có một số đứng về phía NUG, phe đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế và hậu thuẫn cho các dân quân đứng sau các cuộc tấn công du kích nhắm vào lực lượng an ninh.

Các tổ chức nhân quyền cáo buộc quân đội đã thực hiện các hành động tàn bạo trong các chiến dịch chống lại các chiến binh kháng chiến, bao gồm cả các cuộc tấn công vào dân thường. Liên hiệp quốc cho biết ít nhất 1,2 triệu người đã bị thất tán.

Chính quyền quân sự nói rằng họ đang nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố, không phải dân thường.

Ông Min Aung Hlaing, trong bài diễn văn, nói chủ quyền của Myanmar phải được tôn trọng và nhấn mạnh rằng “các hành động pháp lý sẽ được thực hiện một cách dứt khoát” chống lại những kẻ khủng bố, thiết quân luật sẽ được áp dụng ở những khu vực quan trọng cần được kiểm soát.


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 13 Tháng Tư 20186:53 CH
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Mỹ, Pháp và Anh đã cùng nhau khởi động cuộc tấn công quân sự ở Syria để trừng phạt Tổng thống Bashar Assad vì bị cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học chống lại thường dân và ngăn ông ta không tái phạm.
Thứ Ba, 10 Tháng Tư 201811:29 CH
Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và bà May “đã đồng ý không cho phép vũ khí hóa học được tiếp tục sử dụng”.