Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 11 -3-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Bảy, 11 Tháng Ba 20233:52 SA(Xem: 2167)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 11 -3-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
Putox_BiDa_Kick
**************
rfi.fr

Mỹ phản ứng chừng mực về thông tin Iran-Ả Rập Xê Út tái lập quan hệ ngoại giao

Thu Hằng

Sau khi Iran và Ả Rập Xê Út thông báo « nối lại quan hệ ngoại giao », Pháp và Mỹ đã lên tiếng « hoan nghênh ». Paris tiếp tục kêu gọi chính quyền Teheran « từ bỏ mọi hành động gây bất ổn » trong khu vực. Hoa Kỳ cũng tỏ thái độ thận trọng, « chờ xem Iran có thực hiện những cam kết không », theo phát biểu ngày 10/03/2023 của một người phát ngôn của Nhà Trắng.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tường trình :

« Chính quyền tổng thống Joe Biden như chỉ làm dịch vụ tối thiểu sau khi Iran - Ả Rập Xê Út thông báo nối lại quan hệ ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Mỹ không màng phản ứng, kể cả ra một thông cáo nhỏ. Phản ứng trực tiếp duy nhất là từ nhà điều phối truyền thông về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông John Kirby giải thích rằng Hoa Kỳ ủng hộ mọi nỗ lực để làm giảm căng thẳng ở Trung Đông và đặc biệt là để chấm dứt chiến tranh ở Yemen.

Ông khẳng định rằng ngay cả khi Hoa Kỳ không can dự vào quá trình đàm phán, Washington vẫn được Ả Rập Xê Út thông báo về mỗi chặng của tiến trình. Ông John Kirby tỏ ra thận trọng về việc Iran sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nước này khi nhấn mạnh rằng theo kinh nghiệm của Mỹ, nước Cộng Hòa Hồi Giáo không phải lúc nào cũng tôn trọng lời nói của họ.

Ngược lại, thỏa thuận được đúc kết dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nước bị Washington coi là đối thủ triệt để, lại làm hỏng ý định Mỹ rút khỏi khu vực mà Bắc Kinh sẽ tận dụng để mở rộng ảnh hưởng. Khi được hỏi về thỏa thuận Iran - Ả Rập Xê Út, tổng thống Mỹ Joe Biden không bình luận trực tiếp. Ông ưu tiên giải thích rằng mọi điều có thể làm giảm căng thẳng giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập đều là việc tốt. Nhà nước Do Thái muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Riyad. Còn Ả Rập Xê Út đã cho thấy rõ là chọn làm lành với Iran trước, trong khi Teheran là đối thủ kiên định của Israel và Hoa Kỳ ».

Truyền thông Israel, được thông tín viên RFI tại Jerusalem, đánh giá thông báo tái lập quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út là « cú tát », thậm chí là « tin xấu » cho Mỹ và Israel. Ngược lại, các quốc gia vùng Vịnh (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Jordani, Liban, Oman) hoan nghênh thỏa thuận trên. Đối với Irak, hai đối thủ Iran và Ả Rập Xê Út bước sang « trang mới » trong lịch sử quan hệ ngoại giao. Đây cũng là hai lực lượng ủng hộ các phe phái đối lập trong các cuộc xung đột ở trong vùng, đặc biệt là ở Yemen.


***********
rfi.fr

Tại Bắc Kinh, Ả Rập Xê Út–Iran thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao

Thanh Hà

TRUNG QUỐC - Ả RẬP XÊ ÚT - IRAN

Đăng ngày:

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (G), thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (P) và Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Xê Út Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/03/2023.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (G), thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (P) và Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Xê Út Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/03/2023. via REUTERS - CHINA DAILY

Là hai nước thù nghịch ở Trung Đông, Iran và Ả Rập Xê Út chiều ngày 10/03/2023 thông báo nối lại quan hệ giao vốn bị gián đoạn từ 2016. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc đàm phán bí mật 4 ngày giữa Teheran với Riyad tại Bắc Kinh.

Đối với Bắc Kinh, đây là một thắng lợi lớn của Trung Quốc về ngoại giao, cho dù tiến trình hòa giải hai quốc gia Hồi Giáo, một theo hệ phái Chia và một theo hệ phái Suni là Iran và Ả Rập Xê Út đã được khởi động từ 2021 tại Irak.

Trong thông cáo chung, Teheran và Riyad cho biết đôi bên đồng ý cho mở lại đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao trong thời hạn tối đa là 2 tháng nữa. Ngoại trưởng Iran và Ả Rập Xê Út sẽ gặp lại nhau trong những ngày tới để cụ thể hóa các bước tiếp theo. Iran và Ả Rập Xê Út nhiệt liệt cảm ơn Trung Quốc đóng vai trò hòa giải, nhưng không quên rằng tiến trình này đã được khởi động dưới sự bảo trợ của Irak và Oman từ 2021 và 2022.

Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo hệ phái Chia trong lúc vương quốc Ả Rập Xê Út theo hệ phái Suni. Hai quốc gia này yểm trợ các lực lượng thù ngịch trong nhiều cuộc xung đột tại khu vực, điển hình là cuộc nội chiến tại Yemen. Teheran có ảnh hưởng lớn tại Irak và Liban, ủng hộ cả về mặt quân sự lẫn chính trị chế độ của tổng thống Bachar Al Assad tại Syria.

Theo một số nhà quan sát, thỏa thuận Teheran vừa đạt được với Riyad tại thủ đô Trung Quốc cho phép Iran « củng cố vị thế tại Syria và Yemen ». Đây là hai nơi Iran và Ả Rập Xê Út đang đối đầu. Ngoài ra, bình thường hóa quan hệ với Riyad nhờ trung gian của Bắc Kinh cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran vào lúc mà Mỹ duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu chế độ cầm quyền tại Teheran. Iran và Trung Quốc vừa ký một loạt các thỏa thuận hợp tác chiến lược cho giai đoạn 25 năm sắp tới, trong đó bao gồm từ hợp tác năng lượng đến an ninh, cơ sở hạ tầng hay viễn thông…

Thắng lợi ngoại giao vẻ vang của Bắc Kinh

Tuy nhiên việc hai nước Hồi Giáo thù nghịch ở Trung Đông là Iran và Ả Rập Xê Út thông báo nối lại bang giao là một thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Trung Quốc như giải thích của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh :

« Tuyên bố ba bên được đưa ra sau 4 ngày Bắc Kinh và hai quốc gia thù nghịch trong khu vực Trung Đông, là Iran và Ả Rập Xê Út bí mật đàm phán.

Hình ảnh được phổ biến trên các mạng xã hội cho thấy ba cái bàn lớn, xếp hình tam giác, quốc kỳ của Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Iran trên nền những bức tranh đông phương như thường được trang trí tại các sảnh đường của các tòa nhà chính thức của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Đứng giữa các đại diện cao cấp về an ninh của Teheran và Riyad, chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Vương Nghị hoan nghênh thắng lợi của ‘đối thoại và hòa bình’. Ông nói thêm, Trung Quốc đã hoàn hành nhiệm vụ của một nhà hòa giải ‘thành thật’ và ‘đáng tin cậy’ với hai đối tác là Ả Rập Xê Út và Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Thành thật đóng vai trò một trung gian hòa giải đáng tin cây, Trung Quốc đã hoàn thanh nhiệm vụ. Riyad nhiệt tình cảm ơn chủ tịch Trung Quốc ‘hỗ trợ cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước láng giềng Ả Rập Xê Út và Cộng Hòa Hồi Giáo Iran’.

Còn lãnh đạo về an ninh của Iran nhắc lại rằng chuyến viếng tham Bắc Kinh gần đây của tổng thống Ebrahim Raissi và các cuộc trao đổi với Tập Cận Bình là nền tảng cho cuộc đam phán vừa qua giữa hai phái đoàn Iran và Ả Rập Xê Út.

Đối với Bắc Kinh, việc đứng ra làm trung gian hòa giải thể hiện thành công của chính sách Sáng Kiến An Ninh Toàn Cầu mà Trung Quốc đã công bố cách nay hai tuần »
*************
rfi.fr

Ukraina chủ trương biến Bakhmut thành bẫy tiêu hao quân Nga

Thu Hằng

Ukraina quyết định tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut vì cuộc chiến ở thành phố này đang kìm hãm và làm suy yếu các đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga. Phát biểu ngày 10/03/2023 của một trợ lý của tổng thống Volodymyr Zelensky là dấu hiệu mới nhất cho thấy Kiev quyết bảo vệ thành phố miền đông trước khi dự kiến mở cuộc phản công mùa xuân.

Trả lời phỏng vấn báo Ý La Stampa, ông Mykhailo Podolyak, trợ lý của tổng thống Ukraina, đánh giá : « Nga đã thay đổi chiến lược. Họ tập trung một lượng lớn quân nhân chuyên nghiệp, phần còn lại của quân đội chính quy, cũng như lính đánh thuê tư nhân » ở Bakhmut. Do đó, quân đội Ukraina « có hai mục tiêu : làm giảm quân số của Nga càng nhiều càng tốt, cầm chân quân Nga trong những trận đánh quan trọng, mệt mỏi để làm rối loạn cuộc tấn công của Nga ; tập trung nguồn lực của Ukraina vào nơi khác chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân ».

Dù không nêu thiệt hại về người và vũ khí phía Ukraina trên chiến trường Bakhmut, nhưng trợ lý của tổng thống Zelensky khẳng định mặt trận Bakhmut « hoàn toàn hiệu quả » và tạo lợi thế cho Kiev. Tuy nhiên, theo tình báo Anh, được Reuters trích dẫn, Wagner có lẽ đã chiếm được phía đông thành phố, bao vây phía bắc và nam bên kia sông Bakhmutka hiện trở thành chiến tuyến. Quân Ukraina cố thủ ở phía tây thành phố và đã phá mọi cây cầu bắc qua sông.

Như vậy, thông tin này xác nhận khẳng định trước đó của ông chủ tập đoàn bán quân sự Yevgeny Prigozhin. Nga biến Bakhmut thành mục tiêu chính cuộc tấn công mùa đông và huy động vài trăm nghìn quân dự bị và lính đánh thuê để cố giành được một thắng lợi có ý nghĩa biểu tượng lớn cho suốt hơn 6 tháng giao tranh.

Vẫn tại miền đông, trong vòng 24 giờ qua, Ukraina đã đẩy lùi khoảng 100 cuộc tấn công của Nga tại 5 khu vực ở tỉnh Donetsk : Lyman, Bakhmut, Avdiïvka, Marïnka và Chakhtarsk. Theo thông tin sáng 11/03 của bộ tham mưu Ukraina, nhiều căn cứ hậu cần và các hệ thống phòng không của Nga cũng bị quân Ukraina oanh kích.

Vào lúc tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu khẳng định « cùng nhau hỗ trợ vững chắc cho Ukraina đến chừng nào cần thiết ». Sau khi gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 10/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hai bên đã đề cập đến việc triển khai các biện pháp trừng phạt Nga, cũng như các phương tiện để chặn « lách » trừng phạt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell khi trả lời trang EURACTIV ngày 10/03, Liên Hiệp Châu Âu gần như đã khai thác mọi biện pháp trừng phạt đối với Nga và hiện giờ tập trung cho hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraina.


************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Lực lượng đánh thuê Nga Wagner mở chiến dịch tuyển mộ lớn

Phan Minh

Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin, hôm qua 10/03/2023, tuyên bố rằng Wagner đang chuẩn bị mở 58 trung tâm tuyển mộ binh lính tại 42 thành phố ở Nga. Dường như đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tại Ukraina.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :

Phải chăng để khắc phục tổn thất lớn về nhân mạng do chiến sự dữ dội nhằm chiếm thành phố Bakhmut gây ra ? Dường như là vậy. Trong những tuần gần đây, Yevgeny Prigozhin đã phàn nàn rằng ông không còn có thể tuyển mộ tù nhân, đổi lại việc giảm án cho họ. Thực sự là vậy, và đó là lý do ông đã quyết định hướng tới công chúng đề cao « nam tính ».

Trong số 58 trung tâm tuyển mộ với 8 trung tâm ở riêng Matxcơva, hầu hết được mở tại các nhà thi đấu thể thao và câu lạc bộ võ thuật. Bằng chứng cho thấy nhà tài phiệt thân cận với Vladimir Putin đang tìm cách tăng cường lực lượng của mình.

Một số người coi đó là một tình tiết mới về sự bất đồng giữa ông Prigozhin và các lãnh đạo quân đội chính quy, nhưng không có gì là chắc chắn. Mục đích của Bộ Tổng tham mưu cũng giống như Wagner là giành chiến thắng trên chiến trường.

Và nếu đúng là Matxcơva chịu tổn thất đáng kể như số liệu do Ukraina và phương Tây đưa ra, thì chính quyền Nga dường như đã tìm ra cách tuyển mộ thêm binh lính mà không công bố đợt động viên cục bộ mới, hoặc thậm chí là tổng động viên, với lý do có thể gây tác động tiêu cực đến người dân trong nước.


***********
voatiengviet.com

Ukraine nói trận chiến Bakhmut đang nghiền nát các đơn vị tinh nhuệ của Nga

Reuters

Ukraine quyết định tiếp tục chiến đấu tại thành phố đổ nát Bakhmut vì trận chiến này đang kìm hãm các đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga và làm suy yếu quân Nga trước một cuộc phản công mùa xuân đã được lên kế hoạch của Ukraine, một phụ tá của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết.

Loan báo của ông Mykhailo Podolyak là dấu hiệu mới nhất về sự thay đổi của Kyiv trong tuần này để tiếp tục bảo vệ thành phố nhỏ phía đông, nơi diễn ra trận chiến đẫm máu nhất, trong lúc Moscow cố gắng giành được chiến thắng lớn đầu tiên sau hơn nửa năm.

“Nga đã thay đổi chiến thuật”, ông Podolyak nói trong một cuộc phỏng vấn được báo La Stampa của Ý đăng tải. “Nga đã tập trung về Bakhmut với một phần lớn quân nhân được đào tạo, số còn lại của quân đội chuyên nghiệp, cũng như các công ty tư nhân.”

“Do đó, chúng tôi có hai mục tiêu: giảm càng nhiều nhân lực có khả năng của họ càng tốt, và giữ chặt họ trong một vài trận đánh mệt mỏi quan trọng để phá vỡ cuộc tấn công của họ và tập trung nguồn lực của chúng tôi ở nơi khác, cho cuộc phản công mùa xuân. Vì vậy, hôm nay Bakhmut hoàn toàn hiệu quả, thậm chí còn vượt xa các nhiệm vụ trọng tâm nơi đây.”

Nga đã biến Bakhmut thành mục tiêu chính của một cuộc tấn công mùa đông với sự tham gia của hàng trăm nghìn quân trừ bị và lính đánh thuê.

Nga đã chiếm được phần phía đông của thành phố và vùng ngoại ô ở phía bắc và phía nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể khép lại vòng vây xung quanh quân phòng thủ Ukraine.

Kyiv vào đầu tháng 3 dường như đã lên kế hoạch rút quân về phía tây, nhưng tuần này tuyên bố rằng các tướng lĩnh của họ đã quyết định tăng viện cho Bakhmut và tiếp tục chiến đấu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công, “các binh sĩ của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn kẻ thù thực hiện kế hoạch của chúng.”

Những bước tiến của Nga dường như bị chậm lại trong bối cảnh có nhiều lời phàn nàn công khai từ ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng dân quân tư nhân Wagner dẫn đầu cuộc tấn công của Nga, rằng bộ chỉ huy quân sự đã không cung cấp đủ đạn dược cho đội quân đánh thuê của ông ấy.

Ông Prigozhin ngày 10/3 đã công khai cảm ơn chính phủ vì đã tăng sản lượng một cách “anh hùng” - nhưng trong cùng một thông điệp ghi âm cũng cho biết ông “lo lắng về tình trạng thiếu đạn dược và đạn pháo không chỉ cho Wagner ... mà còn cho tất cả các đơn vị của quân đội Nga.”

Moscow nói rằng việc chiếm được Bakhmut sẽ tạo ra một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và là một bước tiến tới việc chiếm giữ toàn bộ khu vực công nghiệp Donbas của Ukraine, một mục tiêu chính.

Chiến tranh chiến hào, được cả hai bên mô tả là máy xay thịt, đã gây ra thiệt hại rất lớn. Nhưng quyết định ở lại và chiến đấu của Kyiv cho thấy họ tin rằng tổn thất của Nga vượt xa tổn thất của họ.

Moscow thiếu phi đạn?

Sau khi giành được thắng lợi trong suốt nửa cuối năm 2022, các lực lượng Ukraine chủ yếu ở thế phòng thủ kể từ giữa tháng 11, trong khi Nga tấn công với quân đội được huy động trong lần động viên đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai.

Nhưng ngoại trừ xung quanh Bakhmut, cuộc tấn công mùa đông của Nga phần lớn đã thất bại. Trong khi đó, Kyiv đang chờ đợi sự gia tăng viện trợ quân sự của phương Tây dự kiến trong những tháng tới cho một cuộc tấn công khi mặt đất lầy lội khô đi vào cuối mùa xuân.

Kyiv và phương Tây cũng nhận thấy những dấu hiệu mệt mỏi trong đợt tấn công phi đạn hàng loạt mới nhất của Nga vào các mục tiêu Ukraine.

Nga đã bắn các phi đạn trị giá hàng trăm triệu đô la vào Ukraine hôm 9/3, bao gồm sáu phi đạn Kinzhal siêu thanh chưa từng có, được quảng cáo là siêu vũ khí mà NATO khó tiêu diệt. Nga được cho là chỉ sở hữu vài chục Kinzhal.

Cuộc tấn công đã giết chết dân thường, trong đó có một gia đình bị chôn vùi dưới đống đổ nát khi đang ngủ trong nhà gần Lviv, cách chiến trường 700 km. Nhưng cuộc tấn công này dường như chẳng đạt được chiến tích gì, với các hệ thống điện bị hư hỏng hầu hết được khôi phục nhanh chóng.

Thiệt hại nặng nề nhất dường như là ở thành phố Kharkiv ở phía đông, nơi thống đốc khu vực cho biết khoảng 450.000 người vẫn không có điện vào tối 9/3.

Cuộc tấn công tương tự cuối cùng của Nga là cách đó ba tuần, đây là thời gian tạm lắng dài nhất kể từ khi các cuộc tấn công như vậy bắt đầu vào tháng Mười năm ngoái. Trước đây, Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công như vậy gần như mỗi tuần, thách thức khả năng sửa chữa cơ sở hạ tầng của Ukraine trước cuộc tấn công tiếp theo.

Bộ Quốc phòng Anh ngày 9/3 nói lý do khiến thời gian tạm lắng lâu hơn có lẽ là do Moscow đã hết phi đạn.

“Khoảng thời gian giữa các đợt tấn công có lẽ đang tăng lên vì Nga hiện cần dự trữ một lượng lớn phi đạn mới được sản xuất trực tiếp từ ngành công nghiệp trước khi có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công đủ lớn để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine một cách đáng tin cậy”, Bộ nói.

Sự kháng cự của Ukraine cũng có thể có tác động rộng lớn hơn đối với nền kinh tế Nga.

Các nhà kinh doanh khí đốt cho biết các tàu chở khí hóa lỏng (LPG) của Nga không thể đi ra Biển Đen vì được coi là không an toàn để qua cầu Crimea, một con đường nối qua cửa biển Azov bị hư hại nặng vào tháng 10 năm ngoái bởi một vụ nổ mà Nga đổ lỗi cho Ukraine.


************
voatiengviet.com

Nga cảnh báo các đồng minh khu vực chớ liên kết với Mỹ

Reuters

Nga ngày 10/3 đã cảnh báo các đồng minh trên khắp Liên bang Xô viết cũ về những nguy hại khi liên kết với Hoa Kỳ sau điều mà Moscow nói là một âm mưu đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Georgia tương tự như cuộc cách mạng “Maidan” của Ukraine năm 2014.

Nga, đang vướng trong cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, đã chứng kiến quyền lực của mình bị thách thức bởi một số nước láng giềng và đồng minh truyền thống kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Tại Tbilisi, hàng nghìn người Georgia đã xuống đường trong 3 đêm liên tiếp để phản đối điều mà họ gọi là luật “đặc vụ nước ngoài” lấy cảm hứng từ Nga có nguy cơ phá hỏng nỗ lực của nước này trong việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu.

“Rất giống với Maidan của Kyiv”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên truyền hình nhà nước, đề cập đến cuộc cách mạng Maidan năm 2014 đã lật đổ một tổng thống thân Nga ở Ukraine.

“Đối với tôi, dường như tất cả các quốc gia xung quanh Liên bang Nga nên đưa ra kết luận của riêng mình về mức độ nguy hiểm khi đi theo con đường dính líu tới vùng trách nhiệm của Hoa Kỳ, khu vực có lợi ích của Hoa Kỳ.”

Phát biểu từ nhà ngoại giao hàng đầu của ông Putin cho thấy mức độ lo lắng ở Moscow về sự suy yếu quyền lực của mình ở khắp mọi nơi từ Armenia và Azerbaijan ở Nam Causasus đến Kazakhstan và Tajikistan ở Trung Á.

Ông Putin coi cuộc chiến ở Ukraine là một trận chiến sống còn với phương Tây về tương lai của cả Nga và các vệ tinh của đế quốc cũ và Liên Xô cũ mà từ năm 1991 đã được Hoa Kỳ, NATO, EU và Trung Quốc ve vãn.

Washington, Brussels và NATO nói rằng họ đang xây dựng quan hệ một cách hợp pháp với các quốc gia đã trở nên độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ và rằng nhiều nước lo sợ nước láng giềng hùng mạnh hơn nhiều của họ là Nga.

Trận chiến hậu Xô Viết

Trong nhiều thế kỷ, Nga đóng vai trò định đoạt các vấn đề trên khắp các vùng đất rộng lớn mà trong gần ba thế kỷ đã tạo nên đế chế Nga và sau đó là Liên Xô.

Nhưng cuộc chiến ở Ukraine, mà ông Putin coi là thời điểm bước ngoặt khi Moscow cố đẩy lùi nỗ lực khống chế từ phương Tây, đã trói buộc quân đội Nga.

Những người phản đối ông Putin nói rằng cuộc chiến cuối cùng có thể mở ra một giai đoạn mới của sự sụp đổ của Liên Xô, giai đoạn này có thể gieo rắc hỗn loạn khắp nước Nga và cho phép các đối thủ hướng các vệ tinh cũ của Moscow về phía phương Tây hoặc Trung Quốc.

Ông Lavrov nói rằng Washington và phương Tây rộng lớn hơn muốn trừng phạt Nga vì nước này bị coi là “một bên chơi quá độc lập” thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ.

Ông Lavrov, ngoại trưởng của Putin từ năm 2004, nói rằng các sự kiện ở Georgia được dàn dựng từ bên ngoài và được thúc đẩy bởi nỗ lực của phương Tây nhằm tước bỏ các đồng minh truyền thống của Nga.

Ông nói rằng luật Georgia về các đặc vụ nước ngoài, mà quốc hội đã bãi bỏ vào ngày 9/3, đã được sử dụng như một cái cớ “để bắt đầu những gì về cơ bản là một nỗ lực nhằm buộc thay đổi quyền lực.”

Ông không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho những khẳng định của mình. Các chính trị gia đối lập và người biểu tình ở Georgia bác tố cáo cho rằng họ là những con rối bị giật dây.

Họ nói rằng họ chỉ đơn giản là không đồng ý với luật được đề xuất và muốn có một tương lai phương Tây mà Nga, nước đã tiến hành cuộc chiến chống Georgia năm 2008, không mang lại được cho họ.


*********
voatiengviet.com

Mỹ: Tình báo cho thấy Nga khuấy động bất ổn ở Moldova

AP

Các quan chức tình báo Mỹ xác định rằng những người có quan hệ với tình báo Nga đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình với hy vọng lật đổ chính phủ Moldova, theo Toà Bạch Ốc.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby nói thông tin tình báo cho thấy những người có vai trò, một số có liên hệ với tình báo Nga, đang tìm cách dàn dựng và sử dụng các cuộc biểu tình ở Moldova làm cơ sở để kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ thân phương Tây mới của Moldova.

Ông Kirby cho biết thông tin tình báo cho thấy một nhóm người Nga khác sẽ cung cấp huấn luyện và giúp tổ chức các cuộc biểu tình ở Moldova, quốc gia đã được cấp tư cách ứng cử viên Liên hiệp châu Âu vào tháng 6 năm ngoái, cùng ngày với Ukraine, nước láng giềng đang bị chiến tranh tàn phá.

Công khai hoạt động ác ý của Moscow ở Moldova chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế và công khai các phát hiện tình báo trong quá trình diễn ra cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine. Chính quyền cho biết họ muốn làm nổi bật các kế hoạch cung cấp thông tin sai lệch và các hoạt động khác của Nga để các đồng minh hiểu rõ về ý định của Moscow và Nga phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện một chiến dịch.

“Trong lúc Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi tin rằng Nga đang theo đuổi các phương pháp để làm suy yếu chính phủ Moldova có lẽ với mục tiêu cuối cùng là nhìn thấy một chính quyền thân thiện với Nga hơn ở thủ đô,” ông Kirby nói.

Ông Kirby cũng chỉ ra những nỗ lực gần đây của Nga mà ông nói là nhằm gieo rắc thông tin sai lệch về sự ổn định chung của Moldova. Ông đặc biệt chỉ ra tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước rằng Ukraine đang lên kế hoạch xâm chiếm Transnistria, khu vực ly khai của Moldova do Moscow hậu thuẫn. Ông gọi hành động đó là “vô căn cứ, sai trái” và cho rằng những tuyên bố như vậy “tạo ra báo động vô căn cứ”.

Toà Bạch Ốc đã công bố thông tin tình báo ngay trước khi ông Biden chuẩn bị gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Trong những tuần gần đây, một số cuộc biểu tình chống chính phủ đã được tổ chức tại thủ đô Chisinau, bởi một nhóm tự xưng là Phong trào Nhân dân và được hỗ trợ bởi các thành viên của Đảng Shor thân Nga của Moldova, đảng nắm giữ sáu ghế trong tổng số 101 ghế của cơ quan lập pháp đất nước. Một cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch bởi nhóm này vào ngày 12/3.

Lãnh đạo của Đảng Shor, Ilan Shor, là một nhà tài phiệt người Moldova hiện đang sống lưu vong ở Israel. Ông Shor có tên trong danh sách chế tài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì làm việc cho lợi ích của Nga. Anh cũng đã thêm Shor vào danh sách trừng phạt vào tháng 12 năm ngoái.

Hôm 9/3, cơ quan chống tham nhũng quốc gia của Moldova cho biết các quan chức đã tiến hành khám xét ô tô của “những người chuyển phát nhanh” cho Đảng Shor và thu giữ hơn 160.000 đô la trong một vụ án bị cáo buộc tài trợ cho đảng bất hợp pháp bởi một nhóm tội phạm có tổ chức.

Cơ quan này cho biết số tiền được nhét vào phong bì và túi bằng ít nhất hai loại tiền tệ khác nhau, được dành để “trả tiền vận chuyển và trả thù lao cho những người đến tham gia các cuộc biểu tình do đảng tổ chức”. Ba người đã bị giam giữ.

Đảng Shor cũng đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ vào mùa thu năm ngoái, làm rung chuyển Moldova khi nước này phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Cũng trong khoảng thời gian đó, chính phủ Moldova đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp của nước này tuyên bố Đảng Shor là bất hợp pháp, trong khi các công tố viên chống tham nhũng cáo buộc rằng các cuộc biểu tình được tài trợ một phần bằng tiền của Nga.

Trong khi đó, Transnistria, có quan hệ chặt chẽ với Moscow và có quân đội Nga trú đóng, hôm 9/3 tuyên bố đã ngăn chặn một âm mưu ám sát tổng thống được cho là do cơ quan an ninh quốc gia Ukraine tổ chức. Các quan chức cáo buộc rằng cơ quan an ninh SBU của Ukraine đã ra lệnh thực hiện vụ ám sát, nhưng không cung cấp bằng chứng. SBU đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng nó “chỉ nên được coi là một hành động khiêu khích do Điện Kremlin dàn dựng”.

Nằm giữa Ukraine và Romania, Moldova thường là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa Moscow và phương Tây. Từng là một phần của Liên Xô, Moldova tuyên bố độc lập vào năm 1991. Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu với dân số khoảng 2,6 triệu người, nước này có quan hệ lịch sử với Nga nhưng lại muốn gia nhập Liên hiệp châu Âu gồm 27 quốc gia.

Thế giằng co chỉ tăng cường kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

Tổng thống Moldova Maria Sandu đã gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng trước trong lúc ông Biden thăm Ba Lan để kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.

Hoa Kỳ đã hỗ trợ khẩn cấp 265 triệu đô la cho Moldova kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine để giúp nước này đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng và nhân đạo do chiến tranh gây ra. Chính quyền Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt thêm 300 triệu đô la cho Moldova.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ không thấy mối đe dọa quân sự ngay lập tức đối với Moldova, nhưng Toà Bạch Ốc đang công khai phát hiện này với hy vọng ngăn chặn Nga trước khi nước này tiến hành kế hoạch, ông Kirby nói.


********

Chiến sự ngày 380: Ukraine dùng 'bom thông minh', cố tiêu hao lực lượng tinh nhuệ Nga?

Khánh An

Chiến sự ngày 380: Ukraine dùng 'bom thông minh', tiêu hao lực lượng tinh nhuệ Nga? - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine đưa xe tăng T-64 từ Chasiv Yar đến Bakhmut

AFP

Tờ The Guardian hôm 10.3 dẫn lời một trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội nước này tiếp tục nỗ lực bảo vệ Bakhmut nhằm giữ chân và gây tiêu hao những đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga, trước khi Ukraine tổ chức cuộc phản công vào mùa xuân.

Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine nói Ukraine "có 2 mục tiêu: giảm khả năng nhân lực của Nga càng nhiều càng tốt và đặt họ vào một số trận chiến đáng sợ, ngăn cản sự tấn công và tập trung nguồn lực ở nơi khác".

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ) nhận định các đơn vị lính đánh thuê Wagner đang áp dụng cái gọi là "sự gián đoạn chiến thuật" ở Bakhmut. Theo ISW, phía Wagner đang chờ lực lượng tiếp viện đến từ quân đội chính quy của Nga trước khi nhường lại mặt trận cho quân Nga.

TASS dẫn nguồn tin quân sự cho biết Kyiv đang tăng cường sự hiện diện gần thành phố Bakhmut, cụ thể ở hướng tây bắc và tây nam.

Cùng ngày, Ukraine cập nhật tình hình sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã triển khai "đợt tấn công trả đũa quy mô lớn" nhằm vào cơ sở hạ tầng Ukraine sau khi vùng Bryansk của Nga, giáp Ukraine, trúng đòn tấn công khủng bố vào tuần trước.

Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine cho biết quân Nga đã phóng tổng cộng 95 quả tên lửa trong đợt tấn công vào rạng sáng 9.3 (giờ địa phương).

Các hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ 34 tên lửa, 4 máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Tuy nhiên, quân đội của chính quyền Kyiv không thể ngăn chặn tên lửa bội siêu thanh Kinzhal, với tổng cộng 6 quả tên lửa được khai hỏa.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đợt tấn công mới nhất có sự tham gia của các dòng vũ khí tầm xa, bao gồm hệ thống tên lửa bội siêu thanh Kinzhal (tầm bắn hơn 2.000 km).

Sau khi Nga tấn công trả đũa, Không quân Ukraine cũng triển khai các đợt bắn phá 13 căn cứ tạm thời của lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraine và một khu phức hợp tên lửa phòng không.

Ukraine trang bị JDAM?

Trong một diễn biến khác, hãng Sputnik dẫn lại thông tin từ truyền thông Ukraine cho rằng lực lượng của Kyiv dường như đã trang bị "đạn tấn công trực tiếp hỗn hợp" (JDAM), còn gọi là bom thông minh, gần thành phố Bakhmut.

Ukraine chưa bình luận về thông tin trên. Hồi tháng 12.2022, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine thiết bị điện tử tiên tiến giúp chuyển đổi vũ khí không dẫn đường thành "bom thông minh" có thể nhắm tấn công các vị trí quân sự của Nga với độ chính xác cao.

Bộ dụng cụ tích hợp thiết bị định vị toàn cầu để đạt được độ chính xác và có thể được gắn vào nhiều loại vũ khí, tạo ra thứ mà Lầu Năm Góc gọi là JDAM.

Quân đội Mỹ đã sử dụng công nghệ này trên những quả bom nặng tới 900 kg, thường gắn nó vào các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.

Thủ tướng Phần Lan đến Kyiv

Báo Kyiv Independent đưa tin Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã gặp Tổng thống Zelensky tại Kyiv trong ngày 10.3. Hai nhà lãnh đạo đã thăm các thương binh tại một bệnh viện ở thủ đô Ukraine và dự tang lễ một binh sĩ tử trận hôm 7.3.

Tổng thống Zelensky cảm ơn Phần Lan đã viện trợ trong lĩnh vực năng lượng của Ukraine sau đợt tấn công tên lửa ồ ạt của Nga.

Thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc gặp cho biết cuộc gặp chủ yếu tập trung vào vấn đề phòng vệ và an ninh.

Bà Marin lưu ý rằng Phần Lan vừa cung cấp gói viện trợ quốc phòng thứ 14 cho Ukraine, bao gồm vũ khí hạng nặng, và cam kết tiếp tục hỗ trợ.

Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo còn thảo luận tầm quan trọng của việc ngăn chặn Nga né các lệnh cấm vận bằng cách giao dịch với các bên thứ 3, nhất là về những sản phẩm quan trọng với quân đội Nga.

Thủ tướng Phần Lan bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào quá trình hồi phục hậu chiến của Ukraine, cũng như nỗ lực tái thiết và hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực.

Nga cảnh báo NATO

Ngày 10.3, TASS dẫn lời ông Dmitry Polyansky, Phó thường trực Đại diện phái bộ Nga tại Liên Hiệp Quốc, cảnh báo việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuyển giao tiêm kích cho Kyiv đồng nghĩa với việc khối quân sự can dự trực tiếp vào chiến sự Ukraine.

"Có nhiều dấu hiệu cho thấy phương Tây không sẵn sàng chấp nhận thực tế, và họ muốn leo thang tình hình với việc gửi thêm những dòng vũ khí mới", ông Polyansky.

"Giờ đây, họ quyết định giao xe tăng, vốn dĩ cũng sẽ chẳng thay đổi được tình thế trên chiến trường. Kế đến, một số người đề cập đến tiêm kích. Tôi chưa rõ liệu điều này có thật hay không, nhưng máy bay chiến đấu sẽ mang đến nhiều hàm ý, và có thể cho thấy NATO can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, thông qua hoạt động bảo trì và các sân bay được sử dụng, vì hiện Ukraine không có nhiều sân bay phù hợp cho các dòng máy bay này", nhà ngoại giao Nga bổ sung.

"Vậy thử tưởng tượng những máy bay đó xuất phát từ Ba Lan, tiến vào không phận Ukraine và quay lại Ba Lan để bảo trì. Liệu trong trường hợp Ba Lan có can dự không? Tôi nghĩ là có. Đó là sự can dự trực tiếp", ông nhấn mạnh.

Nhận định của Giáo hoàng

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RSI (Thụy Sĩ), Giáo hoàng Francis nhận định rằng cuộc chiến ở Ukraine bị thúc đẩy bởi lợi ích của một số "đế chế", chứ không chỉ riêng Nga.

Giáo hoàng bày tỏ sẵn lòng trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin để tìm lối thoát cho sự bế tắc và mang đến hòa bình cho người dân Ukraine.

Cô gái Ukraine miệt mài học lái ô tô, mong ngày đưa mẹ sang Ba Lan

Vào năm ngoái, Giáo hoàng Francis dù lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine nhưng cũng cho rằng chiến sự nổ ra có thể là do Nga bị khiêu khích.

Theo giáo hoàng, nguyên nhân đằng sau cuộc chiến này vẫn chưa thể được giải thích rõ ràng. "Chúng ta không thấy được cả vở kịch diễn ra đằng sau cuộc chiến này", giáo hoàng nói và cho rằng cuộc chiến "bằng cách nào đó đã bị khiêu khích hoặc không được ngăn chặn".

Theo Giáo hoàng Francis, để giải quyết cuộc xung đột cần phải hiểu bản chất vấn đề, và cho rằng ngành công nghiệp vũ khí là một trong những yếu tố tạo động cơ cho cuộc chiến.

Cũng trong ngày 10.3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, bất chấp làn sóng thù địch ở Ukraine, vẫn còn có những tiếng nói ở nước này muốn hướng đến xây dựng quan hệ trong tương lai với Nga.


**********

Tin tức thế giới 11-3: EU hết cách trừng phạt Nga, bất đồng với Mỹ về Trung Quốc


Tin tức thế giới 11-3: EU hết cách trừng phạt Nga, bất đồng với Mỹ về Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trao đổi với phóng viên tại Nhà Trắng ngày 10-3 - Ảnh: REUTERS

Hôm 10-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng. 

Trọng tâm của cuộc gặp là giải quyết mâu thuẫn về thương mại giữa hai bên và phương án phản ứng trước "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Gần như cạn kiệt biện pháp trừng phạt Nga

Trả lời trang EURATIV, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định EU tập trung vào hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Theo ông Borrell, hiện nay châu Âu gần như không còn nhiều phương án trừng phạt Nga.

"Xét từ góc độ các lệnh trừng phạt, hiện nay không còn nhiều điều để làm nữa, nhưng chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự", ông Borrell nói.

Trong một năm từ lúc Nga đưa quân tới Ukraine, EU đã thông qua 10 vòng trừng phạt nhắm vào Nga. Các động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Nga, với mục đích gây khó khăn cho Matxcơva trong việc huy động tài chính cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Khi được hỏi về các bước đi tiềm năng tiếp theo, ông Borrell cũng thừa nhận sau một năm, "chúng ta đang tiến tới nấc thang cuối cùng" trong quá trình gây áp lực kinh tế.

* Mỹ và EU tìm tiếng nói chung về thương mại. Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen thảo luận về hợp tác trong vấn đề kinh tế.

Mỹ và EU đang căng thẳng khi Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Mỹ có thể gây bất lợi cho các công ty năng lượng và xe hơi của EU khi Washington trợ cấp các công ty "sản xuất tại Mỹ" (made in America).

Phía EU cho biết đang thúc đẩy kế hoạch khuyến khích sản xuất của riêng mình, đơn cử là Kế hoạch công nghiệp thỏa thuận xanh. 

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ông Biden và bà von der Leyen đang muốn đảm bảo hai chương trình của Mỹ và EU có thể bổ sung cho nhau.

* Mỹ, EU giải quyết khác biệt về Trung Quốc. Theo AFP, một trong những vấn đề quan trọng khác của Mỹ và EU là cách tiếp cận với Trung Quốc, quốc gia có chính sách thương mại và đối ngoại vốn bị cho đang ngày càng quyết đoán.

Trước cuộc gặp giữa ông Biden và bà von der Leyen, Nhà Trắng cho biết "những thách thức do Trung Quốc đặt ra" là trọng tâm của cuộc trao đổi này.

Washington được biết đang thúc giục châu Âu có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, không chỉ về ngoại giao mà còn về kinh tế. Tuy nhiên, EU vẫn tránh việc bất hòa với Trung Quốc.

Bà Elvire Fabry, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Institut Jacques Delors (trụ sở ở Paris, Pháp), cho rằng đây là dịp để bà von der Leyen nêu lập trường của EU: hợp tác với Mỹ nhưng không trong tư thế của người đi sau, đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc.

Trung Quốc nói hoạt động ở Biển Đông gần đây là hợp lý và bình thường

Đáp lại một số cáo buộc từ phía Philippines gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông là đúng đắn và bình thường.

Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc có hành vi và thái độ "bắt nạt" Philippines ở Biển Đông.

Hôm 10-3, Hãng tin AFP cho biết tàu Trung Quốc xua đuổi máy bay Philippines ở khu vực gần quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Philippines và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Theo tường thuật của AFP, chiếc máy bay Philippines đã chở theo phóng viên bay qua khu vực Trường Sa. Phía Trung Quốc đã phát tín hiệu yêu cầu máy bay này "lập tức rời khỏi".

Tin tức thế giới 11-3: EU hết cách trừng phạt Nga, bất đồng với Mỹ về Trung Quốc - Ảnh 3.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa trong ảnh chụp mới nhất ngày 9-3 - Ảnh: REUTERS

* Bỉ cấm nhân viên cài TikTok trên thiết bị công. Hôm 10-3, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố các quan chức liên bang nước này không được sử dụng TikTok trên điện thoại.

"Chúng ta không nên ngây thơ: TikTok là một doanh nghiệp Trung Quốc hiện có nghĩa vụ hợp tác với tình báo Trung Quốc", ông De Croo nói.

Đây là quốc gia mới nhất ban hành biện pháp chống lại TikTok. Một số chính phủ ở châu Âu trước đó cũng đã kiểm soát việc sử dụng TikTok trên các thiết bị công, với lý do lo ngại về an ninh dữ liệu.

* Mỹ cáo buộc Nga gây bất ổn ở Moldova. Hôm 10-3, Mỹ khẳng định sẽ giúp đỡ Moldova chống lại "nỗ lực gây bất ổn" của Nga. Washington cho biết sẽ chia sẻ thông tin và cung cấp hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này.

Theo Reuters, phía Mỹ đồng ý với Tổng thống Moldova Maia Sandu rằng hiện nay Nga không phải mối đe dọa quân sự. 

Tuy nhiên Washington chia sẻ mối lo ngại của bà Sandu về việc "Nga đang cố gắng gây bất ổn" cho tình hình Moldova nhằm "dựng lên một chính quyền thân Nga hơn", ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nói.

"Trong lúc Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi tin rằng Nga đang theo đuổi các phương án nhằm làm suy yếu chính quyền Moldova, nhiều khả năng với mục tiêu sau cùng là nhìn thấy một chính quyền thân thiện với Nga hơn", ông Kirby cáo buộc.

Hồi tháng trước, Nga tuyên bố vẫn mở cửa cho hợp tác với Moldova. Matxcơva cũng đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ tìm cách gây bất ổn cho Moldova.

* Cựu thủ tướng Anh đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc tiếp cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội. 

Ông Blair hiện là chủ tịch Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) và đang có chuyến thăm Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. 

Ông đánh giá cao những đóng góp của ông Blair trong nhiệm kỳ thủ tướng Vương quốc Anh (1997 - 2007) đối với quan hệ giữa hai nước. 

Chia sẻ các ý kiến của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, ông Blair bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam và chứng kiến những thay đổi ấn tượng về kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Cựu thủ tướng Anh nhận định Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng, thu hút, và là đối tác quan trọng của Anh tại khu vực. Cá nhân ông Blair sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp để quan hệ Việt Nam - Anh phát triển hơn nữa trên mọi lĩnh vực.

Tin tức thế giới 11-3: EU hết cách trừng phạt Nga, bất đồng với Mỹ về Trung Quốc - Ảnh 5.

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại cuộc gặp ngày 10-3 - Ảnh: Thế giới & Việt Nam


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn