• Tác giả, Kelly Ng
  • Vai trò, BBC News

EPA

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Ông Tần Cương hôm thứ Ba có cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là bộ trưởng ngoại giao

Ngoại trưởng Trung Quốc nói quan hệ Trung-Mỹ đã "đi chệch hướng nghiêm trọng", đồng thời cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột.

"Ngăn chặn và đàn áp sẽ không làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại. Việc đó sẽ không ngăn được sự trẻ hóa của Trung Quốc," ông Tần Cương nói.

Ông Tần, cựu đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, hôm thứ Ba đã có cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là bộ trưởng ngoại giao.

Câu chuyện về khinh khí cầu do thám đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai siêu cường, bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện quan hệ.

“Họ [Hoa Kỳ] coi Trung Quốc là đối thủ chính và là thách thức địa chính trị lớn nhất. Điều này giống như chiếc cúc đầu tiên trên vạt áo bị cài nhầm,” ông Tần nói.

Ông Ngoại trưởng khi đó đang trả lời câu hỏi liệu có thể có một mối quan hệ lành mạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay không, khi mà sự khác biệt giữa các nước ngày càng gia tăng.

Hoa Kỳ kêu gọi thiết lập "hàng rào bảo vệ", nhưng điều họ thực sự muốn, đó là Trung Quốc không đáp trả bằng lời nói hoặc hành động khi bị khiêu khích, ông Tần nói thêm.

Ông đề cập đến những bình luận của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng trước rằng Hoa Kỳ sẽ "cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc nhưng [không] muốn có xung đột".

Ông Tần nói: "Nếu Hoa Kỳ không hãm phanh mà tiếp tục lao vào con đường sai trái, thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn được tình trạng trật bánh và lật nhào, và nhất định sẽ xảy ra việc xung đột, đối đầu. Ai sẽ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả thê thảm đó?"

Ông cũng cho biết cuộc khủng hoảng ngoại giao do sự cố khinh khí cầu gây ra có thể đã được ngăn chặn nhưng Hoa Kỳ đã hành động dựa trên "giả định là có sự phạm tội".

Washington trước đó mô tả khinh khí cầu bị nghi là do thám "vi phạm rõ ràng tới chủ quyền của Hoa Kỳ". Bắc Kinh thừa nhận vật thể này thuộc về họ, nhưng nói rằng đó là một khí cầu dân sự bị thổi bay lệch hướng.

Quan hệ giữa hai nước xấu đi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018. Hai siêu cường tiếp tục xung đột về nhiều vấn đề, bao gồm Đài Loan, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và nguồn gốc Covid.

Bình luận của ông Tần được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ hôm thứ Hai.

Ông Tập nói rằng "các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện" đối với Trung Quốc và điều này mang lại "những thách thức nghiêm trọng" cho nước này.

Hôm thứ Ba, ông Tần nói một "bàn tay vô hình" đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng không nêu tên bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào. Ông nhắc lại rằng Trung Quốc đã không cung cấp vũ khí cho bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine và kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: "Tại sao Hoa Kỳ lại đòi Trung Quốc ngừng cung cấp vũ khí cho Nga trong khi họ thì lại bán vũ khí cho Đài Loan?"

Ông nói cuộc khủng hoảng Ukraine đã đạt đến một "thời điểm quan trọng".

"Một lệnh ngừng bắn sẽ chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình và bắt đầu cho một giải pháp chính trị, hoặc đổ thêm dầu vào lửa, mở rộng cuộc khủng hoảng và kéo nó xuống vực thẳm mất kiểm soát."

Ông Tần, 56 tuổi, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng vào tháng 12/2022 và là một trong những người trẻ nhất được bổ nhiệm vào vị trí này trong lịch sử Trung Quốc.

Ông thay thế Vương Nghị, người được thăng chức vào Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền vào tháng 10 năm ngoái.

Là phụ tá thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tần nổi tiếng là một nhà ngoại giao cứng rắn.