Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Sáu, 24 Tháng Hai 20235:07 SA(Xem: 1532)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
HoaLuc 1
*************

Mỹ tài trợ thêm 2 tỉ đô la cho Ukraina, ban hành loạt trừng phạt mới với Nga

Thu Hằng

CHIẾN TRANH UKRAINA - HOA KỲ

Đăng ngày:

Ngày 25/01/2023, từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các khoản chi viện thêm cho Kiev trong cuộc chiến chống Nga xâm lược.
Ngày 25/01/2023, từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các khoản chi viện thêm cho Kiev trong cuộc chiến chống Nga xâm lược. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN

Tròn một năm Nga tấn công Ukraina, sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh đối với Kiev vẫn không lay chuyển. Ngày 23/02/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự thêm 2 tỉ đô la cho Ukraina, đồng thời tăng cường trừng phạt Nga.

Thông báo viện trợ quân sự cho Ukraina được cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nêu trên đài truyền hình CNN. Ông không cho biết chi tiết về đợt viện trợ mới nhưng nhấn mạnh là Washington luôn tự hỏi làm thế nào để « cung cấp cho Ukraina những công cụ cần thiết để giành chiến thắng ».

Theo AFP, trong chuyến công du Kiev, tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ cung cấp « nhiều pháo hơn, nhiều đạn hơn, nhiều pháo Himars hơn », bổ sung cho những lời hứa giao thêm xe thiết giáp và xe tăng trước đó.

Đối với nước Nga xâm lược Ukraina từ một năm nay, « Hoa Kỳ sẽ triển khai nhiều biện pháp trừng phạt quan trọng nhắm vào những lĩnh vực trọng điểm mang lại thu nhập cho (tổng thống) Putin ». Tại buổi họp báo ngày 23/02, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong số các ngành nghề bị nhắm đến có lĩnh vực ngân hàng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga và « nhiều thực thể ở các nước thứ ba » đã giúp Matxcơva lách các biện pháp trừng phạt được ban hành từ một năm qua.

Theo bà Karine Jean-Pierre, các nhà lãnh đạo nhóm G7 « sẽ đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ Ukraina như thế nào ». Tuy nhiên, bà không cho biết liệu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có được các nước thành viên G7 áp dụng tương tự hay không.

Ngày 24/02, những xe tăng Leopard đầu tiên được Ba Lan hứa viện trợ đã được giao cho Ukraina. Theo Reutes, đích thân thủ tướng Mateusz Morawiecki đến Kiev, dự sự kiện mang tính biểu tượng, đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraina
***********
rfi.fr

Đúng một năm Nga xâm lược, Zelensky tuyên bố Ukraina sẽ cố giành chiến thắng năm nay

Thanh Phương

CHIẾN TRANH UKRAINA

Đăng ngày:

Ảnh minh họa: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo với thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Kiev, Ukraina, ngày 21/02/2023.
Ảnh minh họa: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo với thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Kiev, Ukraina, ngày 21/02/2023. AFP - GENYA SAVILOV

Hôm nay, 24/02/2023, là đúng một năm ngày tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Phát biểu với quốc dân, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraina sẽ cố hết sức để giành chiến thắng trong năm nay.

Trong bài phát biểu dài gần 15 phút, được phát trên các mạng xã hội, tổng thống Zelensky nói: “Ukraina đã làm thế giới bất ngờ. Ukraina đã gợi cảm hứng cho thế giới. Ukraina đã đoàn kết thế giới”. Ông nói thêm là người dân Ukraina “sẽ không bao giờ ngơi nghỉ khi nào mà những tên sát nhân Nga không bị trừng trị”.

Một năm sau khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược, người dân Ukraina tin tưởng vào chiến thắng, theo tường trình của đặc phái viên Emmanuelle Chaab từ Kiev:

"Vào đầu năm nay, đúng là người dân Ukraina lo ngại về một chiến dịch tấn công mới của quân Nga trên bộ, cuộc tấn công mùa Xuân, và dĩ nhiên viễn cảnh một cuộc tấn công từ nước Belarus láng giềng vẫn còn trong tâm trí mọi người.

Hiện giờ các cuộc giao tranh trên bộ chủ yếu tập trung ở miền đông và nhưng bây giờ không còn yếu tố bất ngờ nữa. Trong tuần này, tuần đánh dấu một năm quân Nga tiến gần đến thủ đô Ukraina, nhiều người vẫn chờ đợi là sẽ xảy ra một cuộc đảo chính, nhất là vì Kiev vẫn luôn bị không kích bằng tên lửa, bằng drone tự sát, mà đa số bị hệ thống phòng không của Ukraina bắn chặn.

Tuy vậy, khi nói chuyện với những người dân Ukraina sau một năm đầy thử thách, tôi thấy ai cũng tin tưởng vào chiến thắng của Ukraina dù có phải mất nhiều thời gian đến đâu. Hiện giờ người ta nói nhiều đến Bakhmut. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraina đã thống kê là từ tháng 2/0222, chỉ riêng thành phố này đã bị tấn công 380 lần. Nên nhớ rằng tại vùng này chiến tuyến dài đến hơn 1.000 km. 

Hôm qua, Kherson lại bị oanh kích. Dù đã được giải phóng từ tháng 11 năm 2022, thành phố này vẫn tiếp tục sống dưới đạn pháo của Nga."

Về phía Nga, cựu tổng thống Dmitri Medvedev hôm nay cũng khẳng định là Nga "sẽ giành chiến thắng ở Ukraina và sẵn sàng tiến đến sát biên giới Ba Lan".

Trong khi đó, lãnh đạo các nước phương Tây vẫn ủng hộ Kiev. Khối NATO hôm nay ra thông cáo bày tỏ “quyết tâm trợ giúp Ukraina chống lại Nga” và cho rằng Matxcơva “đã thất bại trong nỗ lực phá vỡ ý chí kiên cường của nhân dân Ukraina”. Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp sẽ luôn sát cánh với Ukraina và cầu chúc cho Ukraina giành được chiến thắng và đạt đến hòa bình. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì tin tưởng là tổng thống Putin “sẽ không đạt được các mục tiêu đế quốc chủ nghĩa” của ông ở Ukraina.


**************

Cựu Thủ tướng Anh Johnson muốn làm Tổng thư ký NATO


Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ông coi mình là ứng cử viên cho chức Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Khi nào tôi sẽ lãnh đạo NATO? Đó là ý tưởng tuyệt vời. Tôi đang coi mình là ứng cử viên cho chức vụ này”, RIA Novosti dẫn lời ông Johnson cho biết khi trả lời câu hỏi về thời điểm ông sẽ lãnh đạo liên minh.

Ông Johnson cũng bày tỏ hy vọng thời gian tới ông sẽ có thể có được vị trí đáng mơ ước, và có thể nhận được “Giải thưởng Nobel hay giải thưởng nào đó”.

Cựu Thủ tướng Anh đảm bảo ở bất kỳ vị trí nào ông sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

johnson-119
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP

Hôm 12/2, NATO xác nhận Tổng thư ký Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 và không có ý định tiếp tục ứng cử.

Người phát ngôn NATO, bà Oana Lungescu nêu rõ Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã 3 lần gia hạn nhiệm kỳ và có tổng cộng 9 năm đảm nhiệm cương vị này.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, NATO sẽ một lần nữa kéo dài nhiệm kỳ của ông Stoltenberg, trong bối cảnh liên minh quân sự này tìm cách duy trì sự ổn định khi cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn.

Theo nguồn tin trên, các thành viên NATO sẽ kéo dài nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đến tháng 4/2024.

Ngoài ra, 30 quốc gia thành viên NATO đã có một thỏa thuận không chính thức về việc ông Stoltenberg sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí này sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/9 và quyết định chính thức sẽ được đưa ra trong tương lai gần.


***********

Tin tức thế giới 24-2: Đức lo Ukraine tấn công vào Nga; Nhiều người nhiễm cúm H5N1 ở Campuchia


Tin tức thế giới 24-2: Đức lo Ukraine tấn công vào Nga; Nhiều người nhiễm cúm H5N1 ở Campuchia - Ảnh 1.

Một cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP

Trong video phát ngày 24-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình quân sự tại một số địa điểm thuộc miền nam Ukraine đang khá nguy hiểm. Trong khi đó, tình trạng ở miền đông Ukraine đang rất khó khăn.

Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Hôm 23-2, với 141 phiếu thuận và 7 phiếu chống, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt thù địch và yêu cầu Matxcơva rút quân khỏi Ukraine. Có 32 phiếu trắng.

Động thái của Liên Hiệp Quốc diễn ra trong thời điểm đánh dấu một năm ngày Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Đây là nghị quyết không có tính chất ràng buộc, và không ảnh hưởng gì tới nghĩa vụ của Nga trên thực địa. Tuy nhiên báo chí phương Tây cho rằng kết quả biểu quyết trên tiếp tục gây sức ép công luận lên Nga cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine về mặt ngoại giao.

* Trung Quốc thảo luận việc gửi máy bay không người lái (drone) cho Nga? Theo báo Der Spiegel của Đức ngày 23-2, công ty sản xuất drone Trung Quốc Xian Bingo Intelligent Aviation Technology cho biết chuẩn bị sản xuất 100 mẫu máy bay ZT-180, có khả năng mang đầu đạn nặng 35-50kg.

Der Spiegel còn cho rằng Bingo đã có kế hoạch giúp xây dựng khu sản xuất drone tại Nga, có khả năng chế tạo 100 chiếc drone mỗi tháng. Hãng tin Reuters nói rằng chưa thể liên lạc với Bingo để xác nhận điều này.

Đây là thông tin nhạy cảm khi Trung Quốc thời gian gần đây bị Mỹ nghi sắp chuyển vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine. Loại drone của Trung Quốc được cho giống với loại Shaheed-136 của Iran. 

Trước đó các nước phương Tây đã chỉ trích Iran vì cho rằng Tehran chuyển nhiều Shaheed-136 cho Nga để phục vụ các cuộc không kích của lực lượng Nga ở Ukraine.

Khi được hỏi về thông tin chưa được kiểm chứng về khả năng Trung Quốc có thể "giúp đỡ" Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với Đài ZDF: "Tôi đã nói với các đại diện Trung Quốc rằng điều này không thể được chấp nhận".

* Thủ tướng Đức bắn tín hiệu không có chiến đấu cơ cho Ukraine. Cũng trong cuộc phỏng vấn với Đài ZDF, Thủ tướng Scholz đã có phát biểu liên quan tới việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine.

Theo ông Scholz, phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng sẽ không hề "khôn ngoan" nếu Ukraine sử dụng vũ khí Kiev nhận được để tấn công lãnh thổ Nga.

Trả lời ZDF, ông khẳng định việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine hiện nay là điều "không có ý nghĩa gì cả".

Đầu tháng 2 vừa qua, Đức đã đồng ý gửi xe tăng cho Ukraine và cũng cho phép các nước khác làm điều tương tự. 

Tuy nhiên khi Ukraine đang yêu cầu phương Tây gửi chiến đấu cơ, Đức cho biết không có bất kỳ chiếc F-16 nào để đề cập trong bối cảnh này.

Tin tức thế giới 24-2: Đức lo Ukraine tấn công vào Nga; Nhiều người nhiễm cúm H5N1 ở Campuchia - Ảnh 2.

Quân đội Ukraine phóng rocket vào các mục tiêu Nga tại Bakhmut, vùng Donetsk, miền đông Ukraine - Ảnh: AP

* Hai cơ quan EU cấm nhân viên cài TikTok trên điện thoại làm việc. Hôm 23-2, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, hai cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã ban hành quy định yêu cầu nhân viên không cài đặt TikTok trên điện thoại dùng cho công việc của họ.

Quy định mới này phản ánh mối lo ngại lâu nay của châu Âu với an ninh dữ liệu liên quan tới TikTok. TikTok thuộc sở hữu của Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc).

Một số ý kiến ở phương Tây nghi rằng ByteDance có mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc, đồng thời đặt nghi vấn về khả năng Chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu của người dùng TikTok.

Ủy ban châu Âu, nhánh hành pháp của EU, cho biết nhân viên của cơ quan này phải xóa TikTok sớm nhất có thể, và đặt thời hạn là ngày 15-3.

Reuters cho biết Nghị viện châu Âu, nhánh còn lại của EU, tới nay chưa đưa ra quyết định tương tự.

Trong động thái liên quan, hôm 23-2, Canada cho biết sẽ mở cuộc điều tra vào TikTok về lo ngại việc thu thập và tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng.

* Lãnh đạo Triều Tiên gửi thông điệp, tin rằng Syria sẽ hồi phục sau thảm họa động đất. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, hôm 23-2, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. 

Ông Kim mong muốn Syria sẽ nhanh chóng hồi phục sau những khó khăn và mất mát từ trận động đất vừa qua dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Tổng thống Al-Assad.

Trận động đất 7,8 độ tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria xảy ra vào ngày 6-2, làm chết hơn 47.000 người. Tại Syria, có hơn 5.800 người chết vì trận động đất này. Các nỗ lực cứu trợ ở Syria cũng gặp khó khăn do cuộc chiến nhiều bên tại nước này.

Trung Quốc nói gửi vũ khí tới Ukraine và Nga không mang tới hòa bình

Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Đới Bình, hôm 23-2 khẳng định việc gửi vũ khí tới chiến trường Nga - Ukraine không mang tới hòa bình. "Thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm tăng căng thẳng", ông nói.

Phát biểu này đáng chú ý khi Mỹ và một số nước gần đây bày tỏ lo ngại trước khả năng Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để sử dụng tại Ukraine. Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên vượt qua "lằn ranh đỏ" này.

Đáp trả việc bị "cảnh báo", Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng quan hệ Nga - Trung không nên bị can thiệp, và nhấn mạnh quan điểm tìm kiếm hòa bình của Bắc Kinh.

Trong khi đó, phương Tây đã gửi số vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine kể từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt".

* Ukraine muốn gặp Trung Quốc, lắng nghe đề xuất hòa bình. Hôm 23-2, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông chưa nghe về đề xuất hòa bình cho Ukraine từ phía Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine muốn gặp gỡ Trung Quốc để lắng nghe đề xuất này trước khi đánh giá.

Ngày 24-2 là thời điểm đánh dấu cột mốc tròn một năm từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. 

Cuộc giao tranh chưa có dấu hiệu dừng lại, và vai trò của Trung Quốc đang được đề cập ngày một nhiều hơn.

Tin tức thế giới 24-2: Đức lo Ukraine tấn công vào Nga; Nhiều người nhiễm cúm H5N1 ở Campuchia - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Kiev ngày 23-2 - Ảnh: REUTERS

Một mặt, Mỹ nói Trung Quốc khả năng sẽ gửi vũ khí cho Nga sử dụng tại Ukraine. Mặt khác, phương Tây mong muốn Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng để tác động lên Nga hoặc làm trung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình. 

Giữa tuần qua, Bắc Kinh đã cam kết về việc công bố "giải pháp chính trị" cho cuộc xung đột Ukraine.

"Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng họ có sáng kiến như vậy. Nhưng tôi chưa nhìn thấy tài liệu trên. Tôi cho rằng thực tế tích cực nhìn chung tới nay là Trung Quốc đã bắt đầu nói về Ukraine và gửi đi một số tín hiệu", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky phát biểu tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Kiev.

* Campuchia ghi nhận cúm gia cầm H5N1 lan rộng. Hôm 23-2, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath xác nhận đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế nước này phát hiện thêm 12 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Trong số này có 4 trường hợp đã bắt đầu biểu hiện triệu chứng.

Trước đó một ngày, thông báo một bé gái 11 tuổi đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại làng Roleang, xã Romlech, huyện Sithor Kandal, thuộc tỉnh trên. Đây cũng là ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 đầu tiên được ghi nhận ở Campuchia.

Bà Youk Sambath cho biết đội ứng phó khẩn cấp Bộ Y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân để phân tích tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Phnom Penh. 

Kết quả sẽ được công bố vào ngày 24-2. Đội ứng phó khẩn cấp sẽ tiếp tục rà soát những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tại các trường học trong ngày.


**********

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rời khỏi Ukraine


Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) trong phiên họp đặc biệt về Ukraine hôm 23/2 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức rời khỏi Ukraine nhân sự kiện 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt.

TASS đưa tin, có 141 quốc gia bỏ phiếu thuận, 7 nước bỏ phiếu chống (Nga, Belarus, Triều Tiên, Mali, Nicaragua, Syria và Eritrea) và 32 nước bỏ phiếu trắng.

Theo nghị quyết, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-153
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Tài liệu của LHQ lưu ý, Đại hội đồng LHQ đại diện cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận. Nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ngoài ra, văn bản kêu gọi Moscow ngừng các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ chống lại các cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự, bao gồm các tòa nhà dân cư, trường học và bệnh viện.

Theo ghi nhận, đây là nghị quyết chống Nga thứ 6 được Đại hội đồng LHQ thông qua kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sựu đặc biệt.

Trước đó, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói rằng, các điều kiện đặt ra trong các sáng kiến ​​hòa bình do Kiev đưa ra rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Hiện Nga chưa đưa ra bình luận về nghị quyết do Đại hội đồng LHQ công bố.


************

Nga tố Ukraine âm mưu thôn tính vùng ly khai Transnistria, Moldova bác bỏ

Lam Vũ

Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 23.2 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công khiến người khác nghĩ là do lực lượng Nga ở Transnistria thực hiện, để lấy cớ tiến hành xâm chiếm khu vực ly khai này. Nga đã duy trì lực lượng ở đây từ những năm 1990.

TASS, một hãng tin khác của Nga, cùng ngày dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói phương Tây đã chỉ thị cho chính phủ Moldova ở Chisinau ngừng mọi tương tác với chính quyền Transnistria được Moscow hậu thuẫn.

Nga tố Ukraine âm mưu thôn tính vùng ly khai Transnistria, Moldova bác bỏ - Ảnh 1.

Đường phố ở thành phố Tiraspol thuộc Transnistria

REUTERS

Phản ứng trước những thông tin trên, chính phủ Moldova đưa ra tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram, cho biết giới chức nước này "không thừa nhận" cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga.

"Chúng tôi kêu gọi công chúng bình tĩnh và tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thức và đáng tin cậy của Cộng hòa Moldova... Các cơ quan của chúng tôi hợp tác với các đối tác nước ngoài và trong trường hợp có mối đe dọa đối với đất nước, công chúng sẽ được thông báo kịp thời", Reuters dẫn tuyên bố ngày 23.2.

Transnistria là dải đất hẹp có đa số cư dân nói tiếng Nga, nằm dọc theo biên giới giữa Ukraine và Moldova. Vào năm 1990, khu vực này đã tuyên bố tách khỏi Moldova khi đó vẫn đang thuộc Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, phe ly khai thân Nga ở Transnistria đã gây chiến với lực lượng chính phủ Moldova.

Transnistria từng trở thành tâm điểm chú ý sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, với những cảnh báo rằng chiến sự có thể lan đến khu vực này. Căng thẳng giữa Nga và Moldova đã gia tăng trong những tháng gần đây khi các tên lửa của Nga nhằm vào Ukraine đã bay qua không phận Moldova. Giới chức ở Chisinau cũng cáo buộc Điện Kremlin kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ thân phương Tây ở Moldova.

Tổng thống Moldova Maia Sandu, người muốn đưa đất nước gia nhập Liên minh châu Âu (EU), tuần trước đã cáo buộc Moscow lên kế hoạch đảo chính nhằm lật đổ lãnh đạo của Moldova. Moscow bác bỏ tất cả những cáo buộc này.

Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu nói với Reuters hôm 22.2 rằng nước cộng hòa nhỏ bé đã sẵn sàng ứng phó trước "hàng loạt mối đe dọa" từ Nga. "Các cơ quan của chúng tôi đã lên kế hoạch ứng phó với toàn bộ các mối đe dọa... Tất nhiên chúng tôi không có quá nhiều phương tiện, nhưng đồng thời chúng tôi cũng không đơn độc trong việc này", ông nói.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn