Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 18 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Bảy, 18 Tháng Hai 20235:12 SA(Xem: 1574)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 18 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
UtangThuong
*************
voatiengviet.com

Ukraine tố Nga chuyển sang dùng phi đạn nhử mồi và khí cầu tình báo

AP

Nga đã thay đổi chiến thuật tấn công trên không để đánh lừa hệ thống phòng không của Ukraine, bằng cách sử dụng phi đạn nhử mồi không có đầu đạn nổ và triển khai khinh khí cầu, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết hôm 16/2.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP: “Người Nga chắc chắn đang thay đổi chiến thuật” khi cuộc chiến sắp tròn một năm.

Ông Podolyak cho biết mục tiêu của các phi đạn nhử mồi là làm quá tải các hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách đưa ra quá nhiều mục tiêu.

“Họ muốn làm quá tải hệ thống phòng không của chúng tôi để có thêm cơ hội tấn công các cơ sở hạ tầng”, ông Podolyak nói, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng phòng không của Ukraine đang thích nghi với thách thức này.

Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Podolyak cũng nhắc lại lời kêu gọi của Ukraine về các phi đạn tầm xa cho phép nước này tấn công các điểm tập trung quân của Nga ở xa phía sau chiến tuyến, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng tôi không có đủ đạn pháo”.

Ông lập luận rằng việc tăng tốc cung cấp vũ khí từ các đối tác phương Tây sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh và nói rằng một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ có lợi cho Nga, đặc biệt là vì dân số của nước này gấp ba lần dân số Ukraine.

Ông nói: “Một cuộc chiến kéo dài là cái chết từ từ của Ukraine. “Nga có đủ thời gian. Tại sao? Họ sẽ sống trong nghèo đói. Họ luôn sống như vậy. Họ không cần tiện nghi. Họ có thể sống trong trại. Họ có thể sống cô lập.”

Nhưng gần một năm sau cuộc xâm lược của Nga, cái giá phải trả về con người, kinh tế và ngoại giao đang tỏ ra rất lớn đối với Moscow. Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết những khó khăn quân sự của nước này bao gồm tình trạng thiếu phi đạn ngày càng tăng. Nga đã bắn hàng loạt phi đạn và máy bay không người lái sát thủ vào Ukraine kể từ tháng 10 năm ngoái, trong một nỗ lực bền vững và có mục tiêu nhằm loại bỏ nguồn cung cấp điện và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác trong mùa đông.

Ông Podolyak cho biết Nga đang phải đối mặt với tình trạng “cạn kiệt phi đạn” và sự thiếu hụt đó buộc nước này phải thay đổi chiến thuật. Ông nói Nga đang sử dụng lẫn lộn các phi đạn cũ hơn từ thời Liên Xô với “các phi đạn mới có giá trị nhất định”.

Moscow không thừa nhận có vấn đề với nguồn cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh hồi cuối tháng 11 cho biết Nga dường như đang loại bỏ đầu đạn hạt nhân khỏi các phi đạn hành trình cũ rồi bắn các phi đạn này vào Ukraine. “Nga gần như chắc chắn hy vọng những phi đạn như vậy sẽ hoạt động như mồi nhử và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine,” Bộ Quốc phòng Anh nói.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã dần dần tăng cường khả năng phòng không của nước này để đối phó với các cuộc oanh tạc mở rộng của Nga vào lưới điện và các mục tiêu khác. Các hệ thống tinh vi do phương Tây cung cấp đã giúp loại bỏ ưu thế trên không của lực lượng không quân Nga vốn lớn hơn nhiều và làm giảm các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của nước này.

Chiến thuật thay đổi của Nga - được một số người coi là bằng chứng cho thấy Moscow đang điều chỉnh chiến lược chiến tranh tàn bạo của mình thành một thứ gì đó nhiều sắc thái hơn - dường như đã mang lại hiệu quả vào ngày 16/2 khi các lực lượng Nga bắn 36 phi đạn kéo dài hai giờ trong đêm. Các khẩu đội phòng không Ukraine đã bắn hạ 16 phi đạn trong số đó - tỷ lệ thành công thấp hơn so với một số đợt tấn công trước đó của Nga.

Một nét mới khác trong chiến lược của Nga là việc sử dụng cái mà ông Podolyak gọi là “khinh khí cầu đặc biệt”. Ông không đi vào chi tiết về mục đích tình nghi của chúng. Nhưng chúng có thể nhằm mục đích gây nhầm lẫn hoặc cung cấp thông tin tình báo về hệ thống phòng không Ukraine.

Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết các khinh khí cầu của Nga mang theo thiết bị phản xạ để đánh lạc hướng lực lượng phòng không, đồng thời chỉ ra rằng Moscow “đang bắt đầu sử dụng các phương pháp khác”.

Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Yurii Ihnat nói: “Kẻ thù muốn các hệ thống phòng không của chúng ta tiêu tốn đạn dược cho những khinh khí cầu này, sản xuất với chi phí khá nhỏ”.

Chính quyền quân sự của Kyiv cho biết sáu khinh khí cầu như vậy đã được phát hiện bay trên bầu trời thủ đô vào ngày 15/2. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ hầu hết.

Việc Nga sử dụng khinh khí cầu ở Ukraine diễn ra sau khi chính quyền Biden bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc, nói rằng khinh khí cầu này được trang bị để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo.

Các quan chức Ukraine nói loạt phi đạn hành trình và phi đạn khác mới nhất của Nga đã đánh trúng các mục tiêu ở phía bắc, tây, nam, đông và trung tâm của đất nước.

Thống đốc khu vực cho biết một trong những cuộc không kích đã giết chết một cụ bà 79 tuổi và làm bị thương ít nhất 7 người khác ở thành phố miền đông Pavlohrad.

Nhìn chung, các cuộc tấn công và pháo kích của Nga trong 24 giờ trước đó đã giết chết ít nhất 7 người, văn phòng tổng thống Ukraine nói hôm 16/2.


************
rfi.fr

Hội nghị an ninh Munich : Một mặt trận đoàn kết giúp Ukraina đương đầu với Nga

Thanh Hà

Trong ngày thứ nhì Hội nghị an ninh Munich, hôm nay 18/02/2023, lãnh đạo NATO kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “cung cấp cho Ukraina những gì cần thiết đề giành lấy chiến thắng trong cuộc xung đột” bởi vì Matxcơva không có “kế hoạch cho hòa bình”. Phương Tây thể hiện đoàn kết hơn bao giờ hết với Kiev. Pháp tuyên bố Nga phải “thất bại” khi xâm chiếm Ukraina.

Phát biểu sáng nay 18/02,  tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, Jens Stoltenberg, xem việc cung cấp cho Kiev tất cả những gì cần thiết là một nghĩa vụ của khối để giúp Ukraina “giành lấy chiến thắng và tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” của châu Âu. Theo ông, từ khi điều quân xâm lược Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin không hề thay đổi tham vọng và không có một “kế hoạch nào cho hòa bình”.

Trước đó, qua cầu truyền hình, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, yêu cầu được giúp đỡ do phương Tây “không có sự chọn lựa nào khác ngoài chiến thắng của Ukraina”. Đáp lời ông Zelensky, Pháp - Đức khẳng định “tăng cường viện trợ cho Kiev, kể cả viện trợ quân sự”.

Berlin trước đây từng thận trọng trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina, nhưng tại hội nghị an ninh Munich lần này, thủ tướng Đức Olaf Scholz khuyến khích các quốc gia có công cụ chiến đầu này “cung cấp” cho quân đội Ukraina.

Về phía nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn đối với Nga, lên án điện Kremlin đưa quân “xâm lược” Ukraina. Tổng thống Pháp nhấn mạnh Matxcơva phải “thất bại” trong mục tiêu đó, chiến tranh Ukraina “và những hậu quả tai hại hiện nay hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nước Nga”. Hơn nữa, Paris coi Nga là một “cường quốc gây bất cân bằng và bất ổn cho thế giới”.

Ông Macron tới nay vẫn bị chỉ trích do chủ trương đối thoại với Matxcơva. Trước và sau khi điện Kremlin điều quân xâm chiếm Ukraina, tổng thống Pháp đã có “cả trăm cuộc điện đàm hay đối thoại trực tiếp” với đồng cấp Nga. Nhưng từ ngày 11/09/2022, điện Elysée không còn trực tiếp liên lạc với điện Kremlin.

Tự chủ về công nghệ quốc phòng

Song song với việc lên án Nga gây bất ổn cho thế giới, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Liên Âu về tự chủ tự cường trong quốc phòng. Trả lời đài RFI, tướng Jean Paul Paloméros, nguyên tổng tham mưu trưởng Không Quân Pháp và từng là chỉ huy trong hàng ngũ của NATO, xem đây là một điểm hết sức đáng chú ý trong diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Munich lần này :

“Tất cả những gì đang diễn ra tại Ukraina cho thấy chúng ta tuyệt đối phải làm chủ không phận, phải tự chủ về mặt chủ quyền. Thêm vào đó, vụ khinh khí cầu Trung Quốc làm nhiễu thêm toàn cảnh hiện nay. Tôi ghi nhận là trong bài phát biểu, tổng thống Macron đã nhấn mạnh nhiều đến nền công nghiệp quốc phòng châu Âu. Đó là điều dễ hiểu nhìn từ góc độ của một nhà lãnh đạo. Một phần lớn trong phát biểu của ông đã tập trung vào chủ đề này. Tổng thống Macron là người duy nhất nhìn vấn đề dưới góc độ đó khi ông nói chúng ta phải làm chủ nền công nghiệp, phải có những sáng kiến.

Ông cũng đã đề cập đến lộ trình được thảo ra tại hội nghị Versailles (hồi tháng 3/2022). Đại để là tổng thống Pháp cho rằng, đương nhiên trang thiết bị quân sự của chúng ta phải phù hợp, phải đồng bộ với các phương tiện của các nước đồng minh, nhưng Châu Âu phải có một hệ thống sản xuất của riêng mình. Đây phần nào là thông điệp nhắn gửi đến thủ tướng Đức Olaf Scholz vào lúc Berlin đang mua vào chiến đấu cơ F-35 và tên lửa Patriot của Mỹ”.
***********
rfi.fr

Miền Đông Ukraina chuẩn bị đối phó với một chiến dịch tấn công lớn của Nga

Thanh Hà

Sáng ngày 18/02/2023, thành phố Khmerlnytskyi ở miền Tây Ukraina ghi nhận hai vụ nổ. Kiev ban bố tình trạng báo động phòng không trên toàn quốc. Còn tại miền Đông, chính quyền vùng Lugansk báo động các đợt tấn công của Nga càng lúc “càng dồn dập” dọc theo đường giới tuyến. Dân cư trong vùng chuẩn bị tinh thần đối phó với một đợt tấn công lớn trước thềm kỷ niệm đúng 1 năm Nga xâm lược.

Thông tín viên của RFI Anastasia Becchio và Boris Vichith từ Kherson tường trình :

 “Quân Nga muốn chứng minh là họ còn nhiều đạn dược. Cố vấn của tổng thống Ukraina, ông Mykhailo Podolyak, đánh giá như trên. Một phụ nữ 21 tuổi ở Kherson, Anastasia Gordevska, thuộc tiểu đội 124, cũng đồng quan điểm :  ‘Tôi nghĩ họ đang chuẩn bị một chuyện gì đó và đấy sẽ là một vụ lớn. Chúng tôi thấy là phía Nga rất chú trọng đến những cột mốc kỷ niệm và họ thường bị ám ảnh vì những cột mốc về thời gian đó. Nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị để đối phó. Tới nay, phía Ukraina luôn thoát khỏi những thế hiểm nghèo. Mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi’.

Về phần Roman Thchukhalov, thuộc một đơn vị quân báo, anh lo sợ là phía Nga sẽ đánh lớn bởi họ cần khoe khoang thành tích trên trận địa. Anh nói : ‘Quân Nga không có gì để hãnh diện về những thành tích trong năm vừa qua. Họ bị đánh đuổi khỏi Kiev và vùng phụ cận, họ để mất Tchernihiv, mất Kharkiv. Giờ đây, quân Nga đang chiếm đóng Kherson, nhưng lại không làm chủ tình hình ở thành phố Kherson. Nhìn lại một năm qua, chiến dịch do Nga tiến hành là một thất bại’.

Nga tiếp tục nhắm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraina. Điều đó không cấm cản Kiev thông báo đã tái lập hệ thống cung cấp điện, tránh để tình trạng bị mất điện quá nghiêm trọng”.

Washignton : nhóm Wagner đã mất 9.000 chiến binh

Họp báo hôm 17/02/2023, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, John Kirby, đánh giá là 9.000 trong số 30.000 chiến binh phục vụ trong lực lượng lính đánh thuê Wagner đã thiệt mạng trên chiến trường Ukraina từ một năm qua. Một nửa trong số đó chết trong thời gian gần đây, từ giữa tháng 12/2022 đến nay.
***********
rfi.fr

Mỹ hoàn tất chương trình huấn luyện tiểu đoàn lính Ukraina đầu tiên

Trọng Thành

Hơn 600 binh sĩ Ukraina đã kết thúc chương trình huấn luyện của Mỹ, được tổ chức tại một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm qua, 17/02/2023.

Theo AFP, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, cho biết ‘‘trong tuần này, một tiểu đoàn Ukraina đầu tiên đã hoàn tất chương trình đào tạo sử dụng vũ khí với xe thiết giáp bộ binh M2 Bradley’’. M2 Bradley trang bị nhiều súng 25 ly, và một dàn phóng hỏa tiễn chống tăng. Chương trình huấn luyện kéo dài 5 tuần lễ. Ngoài đào tạo sử dụng súng, 635 binh sĩ Ukraina cũng được huấn luyện ‘‘các kỹ thuật sơ cứu y tế cơ bản của’’, theo tướng Pat Ryder. Đơn vị quân đội Ukraina vừa được tập huấn dự kiến sẽ tham gia các chiến dịch chống lại cuộc tấn công quy mô lớn sắp tới của Nga.

Hợp đồng một tỉ đô la đạn pháo 155 ly

Quân đội Mỹ hôm qua thông báo đã ký hợp đồng với hai doanh nghiệp quốc phòng General Dynamics Ordnance & Tactical Systems và American Ordnance, để sản xuất khoảng 12.000 đến hơn 20.000 đạn pháo 155 ly/tháng cho Ukraina. Hợp đồng có tổng trị giá hơn 993 triệu đô la.

Quân đội Ukraina hiện sử dụng từ 4.000 đến 7.000 viên đạn pháo/ngày, nhiều hơn số đạn mà các nhà doanh nghiệp vũ khí phương Tây có thể chế tạo. Hồi tháng 11/2022, một giới chức Mỹ khẳng định quân đội Nga tại Ukraina sử dụng đến 20.000 đạn pháo/ngày. Theo AFP, số lượng đạn hai bên sử dụng thời gian có giảm, do mùa đông, và cả Nga và Ukraina đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược.

Liên Âu bàn mua đạn dược cho Ukraina

Hôm qua, một số nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, các thành viên khối 27 nước cũng đang xem xét các phương tiện cho phép Liên Âu mua chung đạn dược viện trợ Ukraina. Đây sẽ là một chủ đề chính trong cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu thứ Hai 20/02, tại Bruxelles.

Theo thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, Liên Âu có thể sử dụng 4 tỉ euro trong Quỹ châu Âu tạo điều kiện cho Hòa bình (FEP - Facilité européenne pour la paix) để mua khoảng 1 triệu đạn pháo 155 ly cho Kiev. Mới đây, Liên Âu đã áp dụng cơ chế mua chung trong việc mua vac-xin phòng dịch Covid-19.


**************

Chiến sự tối 17.2: Mỹ tuyên bố ủng hộ Ukraine tấn công Crimea, Nga lên tiếng

Văn Khoa

Bộ Quốc phòng Anh hôm nay 17.2 ước tính kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022 đến nay, quân đội Nga và các nhóm lính đánh thuê tư nhân có thể đã mất từ 175.000-200.000 người ở Ukraine, theo trang The Kyiv Independent. Bộ Quốc phòng Anh còn cho rằng phần lớn tổn thất nhân lực của phía Nga là do pháo binh gây ra.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 17.2 khẳng định Nga đã mất 141.260 quân tại Ukraine kể từ ngày 24.2.2022, theo The Kyiv Independent. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 358 có gì nóng?

Nga khó đạt mục tiêu giành được Bakhmut trước ngày 24.2?

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ) ngày 16.2 cho rằng Nga khó có thể đạt mục tiêu giành được thành phố Bakhmut trong tỉnh Donetsk thuộc miền đông Ukraine trước ngày 24.2, theo trang The Kyiv Independent.

Trước đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov được cho là đã nói rằng Moscow có kế hoạch giành Bakhmut để đánh dấu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một năm.

Theo ISW, việc giành được Bakhmut trước ngày 24.2 sẽ "đòi hỏi tốc độ tiến công của Nga cao hơn đáng kể so với trước", nhưng các lực lượng Nga "dường như không tăng tốc độ tiến công".

Chiến sự tối 17.2: Mỹ tuyên bố ủng hộ Ukraine tấn công Crimea, Nga lên tiếng - Ảnh 1.

Một quân nhân Ukraine bắn súng cối về phía vị trí của lực lượng Nga ở Bakhmut vào ngày 16.2

AFP

Hôm 16.2, các lực lượng Nga đã tiến hành cuộc tấn công nhắm vào một khu dân cư ở Bakhmut bằng pháo và hệ thống rốc két phóng loạt, khiến 5 người thiệt mạng và 9 người bị thương, theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 16.2 cho hay 6.000 thường dân vẫn đang sống ở Bakhmut và bà đã kêu gọi họ sơ tán càng sớm càng tốt.

Lính Ukraine nói Nga 'nướng quân' ở Bakhmut; Wagner nói cần thêm vài tuần

Trước đó, phát ngôn viên Andriy Yusov của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 15.2 cho rằng chiến lược của Nga tấn công Bakhmut và thành phố Vuhledar, cũng thuộc tỉnh Donetsk, nhằm trì hoãn cuộc phản công của Ukraine, theo The Kyiv Independent.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với đánh giá trên của ISW cũng như tuyên bố mới từ phía Ukraine.

Nga lên tiếng sau tuyên bố mới của Mỹ về Crimea

Reuters hôm nay 17.2 dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh Mỹ cho rằng Crimea nên được phi quân sự hóa ở mức tối thiểu và Washington ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào các mục tiêu quân sự trên bán đảo này.

Crimea, bao gồm cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ của Hạm đội biển Đen thuộc Nga, được các nhà ngoại giao phương Tây và Nga xem là điểm nóng lớn nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay.

Hội nghị an ninh Munich sẽ bàn gì về xung đột Ukraine?

Khi được hỏi về những nguy cơ leo thang trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bà Nuland nói rằng Nga có một loạt các cơ sở quân sự quan trọng cho cuộc xung đột. "Đó là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó", bà Nuland phát biểu tại Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington D.C.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay nói rằng phát ngôn trên của bà Nuland cho thấy Mỹ tham gia cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo Reuters.

Mỹ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ các nước Baltic

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 16.2 cho biết nước này sẵn sàng bảo vệ 3 quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva (Lithuania) nếu được yêu cầu, và sẽ duy trì hiện diện quân sự tại khu vực.

"Chúng tôi cam kết với Điều 5, quý vị có thể chắc chắn như vậy", ông Austin nói, đề cập đến điều khoản trong Hiến chương NATO yêu cầu các thành viên của liên minh phải bảo vệ lẫn nhau nếu một trong số họ bị tấn công, theo Reuters.

Mỹ huấn luyện Ukraine tiết kiệm đạn dược

Phát biểu tại Tallinn, thủ đô Estonia, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này, ông Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự "liên tục, luân phiên" tại khu vực Baltic.


**********

Chiến sự căng thẳng, Ukraine chờ cơ hội phản công

Đông A

Dồn dập diễn biến ở miền đông

Theo Reuters, Tỉnh trưởng Serhiy Haidai của Luhansk ngày 17.2 nói Nga đã gia tăng đáng kể các hoạt động, bao gồm cả pháo kích, dọc theo chiến tuyến tại đây và khiến tình hình trở nên rất khó khăn. Ông Haidai cũng cho biết Nga đang nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Ukraine với các cuộc giao tranh gần thành phố Kreminna của Luhansk.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 358, Ukraine nói Nga 'nướng quân' ở Bakhmut; lính Wagner giảm sức mạnh

Trong bối cảnh kỷ niệm 1 năm bắt đầu chiến dịch quân sự 24.2 đang đến gần, Nga đã tăng cường tấn công khắp miền đông và miền nam Ukraine trong những ngày gần đây. Hiện Nga vẫn chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát thành phố Bakhmut của tỉnh Donetsk. Tuy nhiên, mưa tên lửa vẫn thường xuyên được dội xuống khắp Ukraine, với đợt tấn công mới nhất ngày 16.2 đã đánh trúng nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ukraine.

Chiến sự căng thẳng, Ukraine chờ cơ hội phản công - Ảnh 1.

Các quân nhân Ukraine đứng trước xe cơ động bọc thép Bushmaster gần Bakhmut vùng Donetsk ngày 16.2

Reuters

Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, trong một cuộc phỏng vấn với AP ngày 16.2 nói rằng Nga đã đổi chiến thuật. Theo ông Podolyak, Nga đã sử dụng tên lửa không có đầu đạn nổ và bóng bay để áp đảo các hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách tạo ra quá nhiều mục tiêu. Từ đó, Nga có thêm cơ hội đánh trúng các cơ sở hạ tầng. Cố vấn Podolyak cho rằng tình trạng cạn kiệt tên lửa đã buộc Nga phải làm điều này. Nga chưa lên tiếng trước các thông tin trên.

Tờ The Guardian đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 16.2 cho biết Nga đang tiếp tục triển khai một số lượng lớn binh sĩ ở Ukraine. Tuy nhiên, những binh sĩ này được huấn luyện và trang bị kém, dẫn đến Nga phải gánh chịu nhiều thương vong. Ông Austin cũng dự đoán tình trạng này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Lính Ukraine nói Nga 'nướng quân' ở Bakhmut; Wagner nói cần thêm vài tuần

Bộ Quốc phòng Anh ngày 17.2 nhận định quân đội Nga và các nhóm đánh thuê có thể đã thương vong 175.000 - 200.000 người kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu, trong đó có khoảng 40.000 - 60.000 binh sĩ thiệt mạng. Anh cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thương vong của Nga tăng đáng kể sau lệnh động viên một phần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các con số trên còn cho thấy tỷ lệ người thiệt mạng khá cao, gần như chắc chắn là do cung cấp y tế yếu kém.

Ukraine tạm dừng phản công

Trước tình hình ở chiến tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối 16.2 thông báo ưu tiên của ông là ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và sẵn sàng cho cuộc phản công cuối cùng của Ukraine. Theo Reuters, các quan chức Mỹ đã khuyên Ukraine tạm dừng các cuộc phản công cho đến khi Mỹ chuyển thêm vũ khí và đào tạo xong cho các binh sĩ.

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với Đài BBC, ông Zelensky cũng khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ vùng lãnh thổ nào nếu ký kết thỏa thuận hòa bình với Nga. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley trong phỏng vấn với tờ Financial Times nhận định cả Nga và Ukraine đều không có khả năng đạt được các mục tiêu quân sự và ông tin rằng xung đột sẽ kết thúc trên bàn đàm phán.

Mỹ, Anh huấn luyện lính Ukraine chiến đấu "kiểu phương Tây" để dùng đạn dược hiệu quả

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã tăng cao trong ngày 17.2 sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ ủng hộ Ukraine tấn công các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo Crimea. Bà Nuland cũng nói rằng Crimea phải được phi quân sự hóa như một phần trong giải pháp cho cuộc xung đột.

Các phát biểu trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tuyên bố của bà Nuland cho thấy Mỹ có liên quan đến cuộc xung đột. Hãng tin TASS cũng dẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga Dmitry Novikov cho biết phát biểu của bà Nuland mang tính khiêu khích và sẽ khiến các bên ngày càng rời xa việc giải quyết mâu thuẫn.

Hội nghị an ninh Munich sẽ bàn gì về xung đột Ukraine?

Chiến sự Ukraine phủ bóng Hội nghị An ninh Munich

Theo Reuters, các chính trị gia, sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đang tập trung tại Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich. Sự kiện kéo dài từ ngày 17 - 19.2, có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức cấp cao Ukraine. Năm nay, Nga không được mời tham dự sự kiện.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm cách giải quyết hàng loạt hệ lụy của xung đột tại Ukraine, đồng thời thảo luận về tác động toàn cầu sâu rộng của chiến sự, từ nguồn cung năng lượng đến giá lương thực. Hội nghị cũng sẽ nói về tương lai của NATO, tình hình ở Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.


**********

Tin tức thế giới 18-2: Quân đội Mỹ và Trung Quốc cắt liên lạc



Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby. Ông cho biết các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể liên lạc với nhau bất chấp những căng thẳng về sự cố khinh khí cầu - Ảnh: REUTERS

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby. Ông cho biết các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể liên lạc với nhau bất chấp những căng thẳng về sự cố khinh khí cầu - Ảnh: REUTERS

Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc sau vụ khinh khí cầu

Ngày 17-2, Nhà Trắng cho biết liên lạc ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn mở sau vụ bắn hạ khinh khí cầu mới đây. Song, phía Mỹ cũng lưu ý liên lạc giữa quân đội của cả hai nước vẫn đóng.

Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby, đây không phải là "thời điểm thích hợp" để Ngoại trưởng Antony Blinken công du Trung Quốc sau khi ông hoãn chuyến đi ngày từ ngày 5 đến 6-2 vì vụ khinh khí cầu. 

Song Tổng thống Joe Biden muốn nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi "thích hợp", ông Kirby cho biết.

Ngoài ra, ông Kirby cho hay các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể liên lạc với nhau bất chấp những căng thẳng về sự cố khinh khí cầu.

* Mỹ kết thúc thu hồi khinh khí cầu bị bắn của Trung Quốc. Quân đội Mỹ tuyên bố kết thúc thành công các nỗ lực thu hồi mảnh vỡ khinh khí cầu ngoài khơi Nam Carolina trong ngày 16-2.

"Các mảnh vỡ cuối cùng đang được chuyển đến Phòng thí nghiệm của Cục Điều tra Liên bang (FBI) ở Virginia để khai thác thông tin phản gián, như đã làm với các mảnh vỡ trên và dưới mặt nước được thu hồi trước đó", Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Mỹ cho biết.

* Phó Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp Macron nhất trí "liên kết chặt chẽ" về Trung Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về những thách thức do Trung Quốc đặt ra và đồng ý duy trì liên kết chặt chẽ trong cuộc gặp ở Munich, nơi tổ chức một hội nghị an ninh.

Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo "đã thảo luận về những thách thức do Trung quốc đặt ra, bao gồm tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên các quy tắc và đồng ý duy trì liên kết chặt chẽ".

* Hơn 45.000 người chết trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Ngày 17-2, tức 11 ngày sau trận động đất kinh hoàng vừa qua, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt hơn 45.000.

Theo Hãng tin Reuters, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 39.672. Con số này dự kiến sẽ tăng lên do khoảng 264.000 căn hộ đã bị mất trong trận động đất và nhiều người vẫn mất tích.

Ở nước láng giềng Syria, chính quyền đã báo cáo hơn 5.800 người chết. Con số này vẫn không đổi trong nhiều ngày.

Khung cảnh tại nhà thờ Abdulhamid Han ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Khung cảnh tại nhà thờ Abdulhamid Han ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

* Máy bay trực thăng Mỹ không kích Syria. Ngày 17-2, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị giết và bốn binh sĩ Mỹ bị thương trong một cuộc tấn công bằng trực thăng của Mỹ vào phía đông bắc Syria.

Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, "một vụ nổ tại mục tiêu đã khiến 4 quân nhân Mỹ và một con chó nghiệp vụ bị thương" trong ngày 16-2, đồng thời cho biết thêm rằng "thủ lĩnh cấp cao của IS, Hamza al-Homsi, đã bị tiêu diệt".

Trong diễn biến khác, truyền thông Syria đưa tin ít nhất 53 thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở tỉnh Homs, ở miền trung của quốc gia này. Báo chí Syria cho rằng IS là bên chịu trách nhiệm vụ tấn công.

* FBI điều tra việc bị tấn công mạng máy tính. Ngày 17-2, FBI thông báo đang điều tra một vụ tấn công mạng máy tính của họ.

Đài CNN trước đó trích dẫn nguồn thạo tin, cho hay FBI tin rằng vụ các máy tính tại văn phòng ở New York được sử dụng để điều tra nạn bóc lột tình dục trẻ em là nơi bị nhắm đến.

Hiện chưa rõ vụ việc xảy ra khi nào. Một nguồn tin nói với CNN rằng nguồn gốc của vụ tấn công vẫn đang được điều tra.

* Phái đoàn Mỹ tại hội nghị Munich nhấn mạnh sự ủng hộ cho Ukraine. Theo Reuters, ngày 17-2, gần 50 nhà lập pháp từ cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ đã tham dự khai mạc hội nghị an ninh hàng năm hàng đầu của Châu Âu, để khẳng định sự ủng hộ đối với viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Các quan chức Mỹ cho biết, bốn phái đoàn của các nghị sĩ ở cả hai đảng, thuộc cả Thượng viện và Hạ viện, đã hợp thành một trong những phái đoàn lớn nhất của các nghị sĩ Mỹ từng tham dự Hội nghị An ninh Munich, kể từ khi thành lập vào năm 1963.

Hàng trăm chính trị gia, sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Munich một tuần trước lễ kỷ niệm một năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

* Cuba thông báo cắt điện luân phiên để đại tu nhà máy điện. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Cuba cho biết họ sẽ tiếp tục cúp điện luân phiên cho đến tháng 5-2023 để đại tu các nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Các nhà máy này hàng chục năm tuổi và sẽ phải chịu áp lực lớn khi mùa hè đến.

Bộ trưởng Vicente de la O Levy thông báo các đợt cúp điện sẽ kéo dài trung bình ba giờ. Công việc sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy sẽ tiếp tục trong suốt cả năm để tăng dự trữ năng lượng cho tháng 6, 7 và 8.

Dịch chuyển 6m vì động đất

Đài DW của Đức dẫn phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho thấy mặt đất ở khu vực bị ảnh bởi trận động đất hôm 6-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dịch chuyển tới 6m. Trong ảnh, một tòa nhà ở thành phố Adiyaman bị "dịch chuyển" và đè lên những ôtô đang đỗ cạnh nó - Ảnh: Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ

Đài DW của Đức dẫn phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho thấy mặt đất ở khu vực bị ảnh bởi trận động đất hôm 6-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dịch chuyển tới 6m. Trong ảnh, một tòa nhà ở thành phố Adiyaman bị "dịch chuyển" và đè lên những ôtô đang đỗ cạnh nó - Ảnh: Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn