Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 03 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Sáu, 03 Tháng Hai 202311:54 SA(Xem: 1762)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 03 -2-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
Tank_U 2
**************
voatiengviet.com

Vụ khí cầu do thám: Bắc Kinh ‘lấy làm tiếc’; ngoại trưởng Mỹ hoãn thăm Trung Quốc

Reuters

Vụ khí cầu do thám: Bắc Kinh ‘lấy làm tiếc’; ngoại trưởng Mỹ hủy thăm Trung Quốc

Hôm thứ Sáu 3/2, Trung Quốc bày tỏ rằng họ “lấy làm tiếc” về khí cầu mà họ gọi là "dân sự" đã đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ, một sự cố đã gây ra một làn sóng bất bình trong chính giới Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ hoãn chuyến thăm Trung Quốc sau khi khinh khí cầu do thám bị phát hiện bay bên trên Hoa Kỳ đại lục, một số hãng tin cho hay trong cùng ngày 3/2.

Ông Blinken không muốn vụ khinh khí cầu trở thành chủ đề bao trùm trong các cuộc gặp của ông với các quan chức Trung Quốc, ABC News đưa tin, dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên. Bloomberg News cũng loan tin là chuyến đi sẽ bị hoãn lại.

Trong một tuyên bố hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu này được dùng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác và họ lấy làm tiếc rằng khinh khí cầu đã đi lạc vào không phận Hoa Kỳ.

Bộ nói rằng họ sẽ tiếp tục liên lạc với Hoa Kỳ để "xử lý thích hợp" tình huống bất ngờ. Một người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc trước đó khẳng định "Trung Quốc không có ý định vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào".

Các quan chức Mỹ cho hay họ đã nêu vấn đề này với các đối tác Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. “Chúng tôi đã trao đổi với họ về việc chúng tôi xử lý vấn đề này với mức độ nghiêm trọng như thế nào”, một quan chức Mỹ cho biết.

(Reuters)


****************

Hoa Kỳ đồng ý cấp bom tầm xa cho Ukraina

Minh Anh

CHIẾN TRANH UKRAINA - HOA KỲ - VIỆN TRỢ

Đăng ngày:

Ảnh do Bộ Tư lệnh Giao thông Hoa Kỳ cung cấp: Các xe quân sự Bradley tại North Charleston, bang South Carolina, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2023.
Ảnh do Bộ Tư lệnh Giao thông Hoa Kỳ cung cấp: Các xe quân sự Bradley tại North Charleston, bang South Carolina, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2023. AP - Oz Suguitan

Sau nhiều tháng do dự, Hoa Kỳ đã đồng ý cấp bom tầm xa (longer-range bombs) cho Ukraina nhằm giúp nước này chiếm lại những vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng trong những tấn công đầu tiên năm 2022. Thông báo chính thức được công bố trong ngày hôm nay, 03/02/2023. 

AP dẫn lời các quan chức Mỹ xin ẩn danh, hôm qua, cho biết, một phần trong gói viện trợ quân sự 2,17 tỷ đô la mà Mỹ cung cấp cho Ukraina, sẽ là bom tầm xa: đó là loại bom có đường kính nhỏ được phóng đi từ mặt đất và có thể ba xa khoảng 150 km, còn được biết đến dưới tên gọi là GLSDB.  

Gói hỗ trợ này còn bao gồm các thiết bị để kết nối tất cả các hệ thống phòng không khác nhau do phương Tây cung cấp và có thể tích hợp với hệ thống phòng không của chính Ukraina, giúp nước này phòng thủ tốt hơn trước các đợt tấn công bằng tên lửa của Nga. 

Bom tầm xa là hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, sau xe tăng Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, mà Hoa Kỳ cuối cùng đã chấp nhận cung cấp cho Ukraina, sau nhiều lần từ chối vì e ngại Kiev sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang xung đột. 

Trước mối lo này từ Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov, hôm qua lên tiếng bảo đảm là sẽ không sử dụng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, đồng thời nói thêm rằng Kiev vẫn cần đến các loại tên lửa có tầm bắn đến 300 km để đánh đuổi quân Nga xâm lược. 

Cho đến nay, tên lửa tầm xa nhất do Mỹ cung cấp chỉ có tầm bắn 80 km. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng không nêu rõ sẽ mất bao lâu để đưa loại bom này đến chiến trường Ukraina. 

Về phần mình, Hội Đồng Châu Âu, hôm qua, cũng loan báo gói tài trợ quân sự thứ 7 cho Ukraina trị giá khoảng 500 triệu euro, cũng như 45 triệu euro để hỗ trợ các chương trình đào tạo binh sĩ Ukraina. 


*************
rfi.fr

Phương Tây cố giúp Ukraina vũ khí, Trung Quốc ủng hộ Nga nhưng chỉ nói suông

Thụy My

Quân Nga gia tăng áp lực lên Vuhledar ở Donetsk, vẫn với chiến thuật biển người. Các ủy viên châu Âu đến tận Kiev để họp với chính phủ Ukraina - lần đầu tiên tại một quốc gia đang chiến tranh. Pháp tăng tốc gởi đại pháo Caesar cho Kiev, trong khi xe tăng hiện đại Abrams của Mỹ khó mà có mặt trên chiến trường năm nay. Phía Nga chỉ có thể dựa vào hai ‘Nhà nước côn đồ’ là Iran và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc chỉ ủng hộ bằng miệng dù Kremlin khẩn cầu.

Ukraina : Chiến sự ác liệt tại Vuhledar với thủy quân lục chiến Nga

Liên quan đến Ukraina, Le Figaro có bài phóng sự về « Các cuộc giao tranh ác liệt xung quanh Vuhledar, nơi áp lực quân Nga tăng mạnh ». Tại vùng đất ở miền tây nam Donetsk, đôi bên ăn miếng trả miếng, giành giựt từng vị trí. Từ một tuần qua, quân Nga thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 liên tục tấn công thành phố mỏ Vuhledar nhỏ bé. Theo nhiều chuyên gia, Nga tìm cách đẩy lùi các đơn vị pháo của Ukraina đang thường xuyên đánh vào giao lộ đường sắt Volnovakha cách đó khoảng 15 kilomet, gây trở ngại lớn cho việc chuyển quân và thiết bị của Nga giữa Crimée và Donbass.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới 72 của Ukraina vẫn giữ được nhiều vị trí. Một sĩ quan nói với đặc phái viên Le Figaro : « Dù tại Bakhmut hay ở đây, chiến lược của Nga luôn luôn là phá hủy, phá hủy và phá hủy, cho đến khi chúng tôi không còn gì để bảo vệ nữa ». Những ngày gần đây, các trận đánh ác liệt đến nỗi bộ chỉ huy Ukraina hạn chế tối đa việc luân chuyển giữa hậu cứ và tiền phương.

Hồi tháng 11/2022, họ đã phải rút lui sau những tuần lễ bị dội bom ác liệt, nhưng trước đó đã tiêu diệt phần lớn quân của lữ đoàn 155, đa số là người vùng Viễn Đông. Hôm 06/11, lá thư của những người lính Nga sống sót gởi cho thống đốc Oleg Kozhemyako vong đăng trên nhiều kênh Telegram, cho biết có đến 300 thương vong, đã gây rúng động dư luận. Ba tháng sau, đơn vị thủy quân lục chiến này lại được bổ sung tân binh, quay lại với chiến lược cũ : xe bọc thép Nga đổ quân xuống, lớp lính đầu bị tiêu diệt lại đổ tiếp lớp khác…

Lần đầu tiên ủy viên châu Âu họp tại một nước đang chiến tranh

Trong bối cảnh đó, « Các ủy viên của Liên Hiệp Châu Âu đến Kiev » hôm nay để họp với các bộ trưởng Ukraina và ngày mai dự hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraina. Le Figaro cho biết vì lý do an ninh, danh sách các ủy viên tháp tùng bà Ursula von der Leyen không được thông báo.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) muốn gây ấn tượng khi đến tận Ukraina để hội đàm. Đây là lần thứ tư kể từ đầu cuộc chiến, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến Kiev, và lần đầu tiên các ủy viên châu Âu họp tại một đất nước đang chiến tranh. Bà cùng với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraina, nạn nhân cuộc xâm lăng của Nga lâu dài « cho đến chừng nào còn cần thiết ». Đồng thời cũng trấn an trước sự nôn nóng của Kiev muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, EU và các nước thành viên đã hỗ trợ Ukraina gần 60 tỉ đô la trên các mặt tài chánh, nhân đạo, quân sự…Đại diện ngoại giao EU, ông Josep Borrell loan báo sẽ huấn luyện 30.000 quân nhân Ukraina thay vì 15.000 như trước đây.

Chủ tịch Quốc Hội Ukraina : Không nên sợ hãi Nga

Trả lời phỏng vấn của Le Monde nhân chuyến thăm Paris, chủ tịch Quốc Hội Ukraina, Ruslan Stefanchuk bày tỏ sự tin tưởng là đất nước ông có thể trở nên thành viên EU vào năm 2024. Ông khẳng định sự cần thiết chi viện xe tăng, phi cơ cho Ukraina, và những tiến bộ mà Kiev đã đạt được trong nỗ lực hội nhập. Về những ý kiến lo sợ đối đầu trực tiếp với Nga, Stefanchuk nhấn mạnh chính Ukraina đang trên tuyến đầu, không chỉ để bảo vệ lãnh thổ nước mình, mà cả các giá trị phổ quát.

Theo chủ tịch Quốc Hội Ukraina, một cuộc chiến tranh khốc liệt, bất công nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến đang diễn ra, và điều tệ hại nhất chính là nỗi sợ. Quốc Hội Ukraina, dù trước đây có nhiều nhóm với chính kiến khác nhau, đã tạm gác bất đồng sang một bên, vẫn họp đều đặn tại trụ sở dù biết rằng một hỏa tiễn Nga có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Các dân biểu vẫn làm bổn phận của mình thay vì nhường bước cho nỗi sợ Nga, và cái chết.

Pháp tăng tốc gởi đại pháo Caesar cho Ukraina

Về phía bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu từ hôm thứ Ba đã thông báo gởi thêm 12 khẩu đại pháo Caesar cho Ukraina. Đây là con số đáng kể so với lượng dự trữ của Pháp, cộng với 18 khẩu đã chi viện kể từ đầu cuộc chiến. Những khẩu Caesar mới sẽ được nhà sản xuất Nexter giao thẳng cho Kiev.

Bố trí trên một xe tải, những khẩu đại bác 155 ly của Caesar có thể bắn xa đến 40 kilomet. Đan Mạch vào giữa tháng Giêng cũng đã hứa tặng 19 khẩu Caesar đã đặt mua. Theo Le Monde, công ty Nexter từ nay có thể hoàn thành 4 khẩu đại pháo mỗi tháng thay vì 18 đến 24 tháng hồi trước chiến tranh. Với giá 5 triệu euro/khẩu, đơn đặt hàng cho Ukraina lên đến 60 triệu euro. Bên cạnh đó, đạn 155 ly cũng được giao kèm với Caesar nhờ Úc cung cấp thuốc súng. Trả lời Le Figaro, bộ trưởng Lecornu cho biết dùng cách giao gối đầu các khẩu đại pháo để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của Kiev. Kỹ nghệ Pháp phải chuyển sang kinh tế thời chiến, để có thể tự chủ chiến lược về quốc phòng.

Cho dù cuộc chiến ngưng lại ngay ngày mai, Ukraina cũng như Pháp đều cần tự vệ và răn đe những kẻ xâm lăng tiềm tàng. Những khẩu Crotale đã chi viện cho Kiev sẽ được thay thế bằng loại Mica VL vào năm 2024, và hệ thống phòng không Samp-T cũng sẽ có thế hệ mới. Việc bảo vệ không gian, đáy biển, internet sẽ được chú trọng, riêng lục quân sẽ thay đổi sâu sắc về công nghệ, với những vũ khí mới như drone chẳng hạn. Hiện có bốn loại drone Pháp cần tăng cường : drone chiến thuật Patroller - sẽ được vũ trang, drone tiếp xúc - đã chứng tỏ hiệu quả ở Ukraina, drone tự hủy, và robot tác chiến mặt đất.

Xe tăng Abrams khó thể tham chiến trong năm nay

Cũng về vũ khí, Le Figaro giải thích « Vì sao Hoa Kỳ phải mất nhiều tháng nữa mới giao được các xe tăng Abrams cho Ukraina ». Wall Street Journal dẫn lời các viên chức cao cấp Mỹ ước tính những chiếc xe tăng hạng nặng thuộc loại tân tiến nhất thế giới này chỉ có thể hiện diện trên chiến trường kể từ cuối 2023, thậm chí đầu năm 2024. Quá lâu, trong lúc chiến trường luôn nóng bỏng.

Có ba khả năng : rút các xe tăng này từ kho dự trữ quốc gia, yêu cầu các đối tác chuyển giao, hay sản xuất thêm xe mới. Lầu Năm Góc đã bác ngay giải pháp đầu, vì M1A2 có công nghệ nhạy cảm, luật liên bang cấm xuất khẩu. Trong số đó có lớp giáp bằng uranium đã được làm nghèo và hệ thống tương tác đi kèm mà người Mỹ không muốn để rơi vào tay kẻ địch. Nếu dùng những xe hiện có phải thay vỏ giáp mới bằng lớp khác, như vậy không thể xong trước cuối 2023.

Thương lượng với các nước nhập xe tăng Abrams không có công nghệ nhạy cảm (gồm Ả Rập Xê Út, Úc, Ai Cập, Irak, Koweit, Maroc, và sắp tới là Ba Lan và Đài Loan) ? Chuyên gia vũ khí Marc Chassillan cho rằng rất phức tạp, vì phải đưa về Mỹ để điều chỉnh, và nhất là không dễ gì các nước này chịu giao, do tình hình biên giới của họ cũng căng thẳng.

Giải pháp thứ ba có vẻ khả thi nhất : sản xuất xe mới, hiện đại hóa xe cũ, chẳng hạn General Dynamics có một số xe tăng Abrams thế hệ đầu. Tuy nhiên, nhà máy này đang bận rộn với nhiều đơn đặt hàng. Và phải đưa những cỗ máy nặng 60 tấn này xuyên Đại Tây Dương rồi chuyển sang xe lửa. Đạn pháo đi kèm không thể dùng uranium mà là tungstène. Tiếp đến phải huấn luyện phía Ukraina… nói chung hết sức rắc rối. Chuyên gia Yann Boivin cho rằng loan báo của Mỹ chỉ có tác động chính trị, hơn nữa tổng thống Volodymyr Zelensky đã cho rằng nếu xe tăng Mỹ không đến nơi trước tháng Tám sẽ « quá trễ ».

Palantir, start-up Mỹ mang lại ưu thế công nghệ cho Ukraina

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đề cập đến Palantir, một tên tuổi lớn chuyên về dữ liệu. Công ty do tỉ phú Peter Thiel thành lập đã vượt mức thu nhập 1 tỉ đô la nhờ giúp Hoa Kỳ và Anh tổ chức về y tế trong đại dịch, và nay càng trở nên cần thiết trong cuộc chiến tranh ở Ukraina.

Tổng giám đốc Alex Karp cho biết ông không có quyền bình luận về chủ đề này, nhưng đề nghị nhà báo đọc một bài viết trên Washington Post, theo đó Palantir đã mang lại lợi thế công nghệ quyết định cho lực lượng Ukraina. Nhờ một bản đồ tương tác theo thời gian thực cho biết vị trí của quân Nga, quân đội Ukraina có thể gọi pháo tấn công một cách nhanh chóng và cụ thể. Bản đồ này được Palantir lập ra từ các dữ liệu của các vệ tinh thương mại, drone thám thính, cảm biến nhiệt và thông tin tình báo trên thực địa.

Được khai sinh tại Hoa Kỳ sau sự kiện ngày 11 tháng 9, ban đầu Palantir được tài trợ từ In-Q-Tel, quỹ đầu tư của CIA, nhưng nay quỹ này đã rút vốn. Khách hàng của start-up ban đầu chỉ toàn những cơ quan chính phủ như CIA, FBI, NSA, quân đội Mỹ…và từ 2016 có cả DGSI, cơ quan phản gián Pháp. Hiện nay doanh số của Palantir có đến một nửa từ lãnh vực tư nhân. Tuy nhiên, tổng giám đốc Alex Karp từ chối làm việc với Nga và Trung Quốc. Theo ông, trên thực tế thế giới đang trong tình trạng chiến tranh, đang hướng về một sự đối đầu giữa phương Tây và Trung Quốc. Mối đe dọa này còn quan trọng hơn cả biến đổi khí hậu, tuy các chế độ độc tài trên đây hiện đang tập trung vào việc kiểm soát dân chúng nước họ.

« Chiến lang » Trung Quốc gào thét ít hơn để tranh thủ phương Tây

Về Trung Quốc, Le Figaro nhận thấy quốc gia xuất khẩu đứng đầu thế giới không muốn trở thành kẻ chịu thiệt thòi từ cuộc chiến Ukraina. Theo Viện Kiel, các nước châu Âu và Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự và kinh tế khoảng 100 tỉ đô la cho Kiev kể từ đầu cuộc xâm lăng. Phía Nga chỉ có thể dựa vào hai « Nhà nước côn đồ » là Iran và Bắc Triều Tiên. Còn Trung Quốc, nước xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật cao số 1 và vũ khí đứng thứ 4 thế giới, lại án binh bất động trước lời khẩn cầu của Kremlin.

Nếu Bắc Kinh đứng về phía Matxcơva cùng một cách thức như phương Tây yểm trợ Kiev, lợi thế có thể nghiêng về phía Nga. Nhưng Trung Quốc không thể tự cho phép bị cô lập, vì đang lệ thuộc nặng nề vào thương mại quốc tế. Đặc biệt, Bắc Kinh từ lâu vẫn cố gắng quyến rũ châu Âu để làm yếu đi liên minh giữa châu lục này và Hoa Kỳ.  Paul Heer, cựu nhân viên CIA được Financial Times trích dẫn, cho rằng « Putin đã trở thành nguồn gây rắc rối cho Tập Cận Bình, nếu không phải là gánh nặng ». Trung Quốc đã phải vội vã di tản 6.000 công dân khi cuộc chiến nổ ra, và Tập Cận Bình yêu cầu Vladimir Putin không sử dụng vũ khí nguyên tử.

Để tỏ dấu hiệu hòa dịu với phương Tây, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một trong những tiếng nói hung hăng nhất trong số các « chiến lang » đã bị cách chức phát ngôn viên, chỉ còn giữ một vai trò hạng hai trong bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Và những « chiến binh sói » đã bớt gào thét hơn, trừ vấn đề Đài Loan.

Tuy vậy, châu Âu vẫn hoài nghi vì Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Putin và từ chối làm áp lực để chấm dứt chiến tranh. Một số nước kêu gọi Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng theo Le Figaro, việc này là bất khả. Để thuyết phục Bắc Kinh gây sức ép lên Matxcơva, chính quyền Biden phải hoàn toàn thay đổi chính sách với Trung Quốc. Washington sẽ phải nhẹ tay hơn với một quốc gia đang mưu toan giành lấy vai trò đại cường số một thế giới của mình, một bước đi mà nước Mỹ chưa thể sẵn sàng.


*************
rfi.fr

Tổng thống Brazil Lula cáo buộc cựu tổng thống thất cử có âm mưu đảo chính

Trọng Thành

BRAZIL

Đăng ngày:

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva họp với các bộ trưởng tại Điện Planalto ( Phủ tổng thống ) ở Brasilia, Brazil, ngày 06/01/2023.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva họp với các bộ trưởng tại Điện Planalto ( Phủ tổng thống ) ở Brasilia, Brazil, ngày 06/01/2023. REUTERS - ADRIANO MACHADO

Hôm qua, 02/02/2023, tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, khẳng định ông ‘‘chắc chắn’’ cựu tổng thống Jair Bolsonaro là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công của người biểu tình nhắm vào  trụ sở các cơ quan đầu não của chính quyền Brazil hôm 08/01/2023.

Hôm đó, hàng nghìn người ủng hộ tổng thống thất cử Jair Bolsonaro đã xâm nhập, phá phách Phủ tổng thống, Quốc Hội và Tòa Án Tối Cao Brazil.

Theo AFP, trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương RedeTV!, tổng thống Lula nhấn mạnh: ‘‘Giờ đây tôi hiểu chuyện này, tôi khẳng định một cách rõ ràng là chính công dân này (tức cựu tổng thống Bolsonaro) đã chuẩn bị cuộc đảo chính’’. Theo nguyên thủ Brazil, ‘‘họ đã muốn gây ra vụ hỗn loạn này vào đúng ngày 01/01, nhưng vào thời điểm đó họ không thể ra tay, vì có quá nhiều cảnh sát, và có quá nhiều người trên đường phố’’.

Tổng thống Lula cũng cảnh báo là cựu tổng thống thất cử Bolsonaro chắc chắn vẫn đang mưu toan hành động theo hướng này. Một thẩm phán Brazil đã quyết định đưa cựu tổng thống Bolsonaro vào danh sách đối tượng điều tra nhằm xác định ai đứng sau vụ bạo động nhắm vào các cơ quan đầu não của chính quyền. 

Tuyên bố của tổng thống Brazil được đưa ra cùng ngày với tuyên bố của nghị sĩ cánh hữu Marcos do Val cho biết đã tham gia vào một cuộc họp với cựu tổng thống Bolsonaro bàn cách ngăn cản ông Lula trở lại nắm quyền. Theo các luật sư của cựu tổng thống, ông Bolsonaro, đang ở Mỹ từ cuối tháng 12/2022, đã nộp đơn xin triển hạn visa 6 tháng. 

Ông Lula đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2022 với kết quả sít sao: 50,09%. Nhưng trả lời đài truyền hình hôm qua, tổng thống Brazil thừa nhận : ‘‘Chúng ta đã đánh bại Bolsonaro, nhưng chúng ta còn phải đánh bại cả tư tưởng của ông ta’’. 


***********

Ukraina: Mặt trận miền Đông căng thẳng vào lúc Nga sắp mở cuộc tấn công mới

Trọng Nghĩa

CHIẾN TRANH UKRAINA - TẤN CÔNG

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

Một khu vực bị phá hủy hoàn toàn ở Bakhmut, Ukraina, ngày 12/01/2023.
Một khu vực bị phá hủy hoàn toàn ở Bakhmut, Ukraina, ngày 12/01/2023. AP - LIBKOS

Tổng thống Ukraina hôm qua, 01/02/2023 đã thừa nhận tình hình ở mặt trận miền đông đã trở nên phức tạp với việc lực lượng Nga gia tăng  tấn công. Theo nhiều nhà quan sát, Matxcơva đang dồn lực lượng chuẩn bị một cuộc tấn công lớn khác vào khoảng 24/2.

Trong phát biểu video hàng ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng tình hình ở miền đông “đã trở nên khó khăn hơn” đối với Ukraina. Theo ông, quân Nga đang muốn gặt hái một số thắng lợi để mang ra "khoe" nhân kỷ niệm một năm chiến tranh Ukraina ngày 24 /02.

Lực lượng Nga gần đây đã giành được chiến thắng đầu tiên sau nhiều tháng khi chiếm được Soledar, một thị trấn ở miền đông Ukraina. Còn tại Bakhmout, nơi đã trở thành mục tiêu chính của Nga trong những tháng gần đây, quân đội Nga đã khoe những bước tiến ở phía bắc và phía nam thành phố.

Tấn công theo hai hướng

Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFMTV tối hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksiï Reznikov cho rằng Nga “đang chuẩn bị rất nghiêm túc cho cuộc tấn công” sắp tới và có thể thực hiện một cuộc tấn công theo hai trục, ở Donbass, miền đông và ở phía nam.

Theo hãng tin Pháp AFP, sau một loạt thất bại nhục nhã vào mùa thu vừa qua, Nga đã huy động hàng trăm nghìn quân dự bị. Liên kết với lực lượng lính đánh thuê Wagner, quân đội Nga cũng gia tăng các trận đánh, đặc biệt là đánh chiếm Bakhmout, một thành phố ở phía Đông đã bị họ dồn dập pháo kích từ mùa hè.

Một mặt trận khác là Kramatorsk. Vào hôm qua, quân Nga đã pháo kích vào tám tòa nhà ở trung tâm thành phố, khiến một trong số tòa nhà này bị sập hoàn toàn và ít nhất hai người thiệt mạng.

Xa hơn về phía nam, Nga cũng tiến hành một cuộc tấn công vào Vougledar.

Hơn 320.000 lính Nga ở Ukraina

Nhật báo Mỹ New York Times, trích dẫn tình báo Ukraina, ước tính rằng Nga hiện có hơn 320.000 quân trên lãnh thổ nước láng giềng, gần gấp đôi lực lượng ban đầu.

Các quan chức phương Tây và các nhà phân tích quân sự từng thẩm định Nga cũng có từ 150.000 đến 250.000 lính dự bị, được huấn luyện hoặc bố trí bên trong nước Nga để có thể được tung ra chiến trường bất cứ lúc nào.

Về phần tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phát biểu với báo giới hôm thứ Hai 30/01 tại Hàn Quốc, ông cho biết: “Chúng tôi thấy rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn, huy động nhiều binh sĩ hơn, hơn 200.000 người và thậm chí có thể nhiều hơn thế... Họ đang tích cực trang bị vũ khí mới với nhiều đạn dược hơn, tăng cường sản xuất của chính họ, nhưng cũng mua thêm vũ khí từ các quốc gia độc tài khác như Iran và Bắc Triều Tiên.”


***********

Tin tức thế giới 3-2: CIA dự báo tình hình ở Ukraine; Ông John Kerry bị điều tra


Tin tức thế giới 3-2: CIA dự báo tình hình ở Ukraine; Ông John Kerry bị điều tra - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine bắn súng cối trên tiền tuyến ở thành phố Bakhmut, khu vực Donetsk, Ukraine hôm 27-1 - Ảnh: REUTERS

6 tháng tới quan trọng với Ukraine

* Giám đốc CIA cho biết sáu tháng tới sẽ quan trọng đối với Ukraine. Ngày 2-2, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết cơ quan tình báo đánh giá rằng sáu tháng tới sẽ là "thời kỳ quan trọng" đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, theo Hãng tin Reuters.

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 2-2 thông tin các lực lượng Nga đã tấn công 78 đơn vị pháo binh Ukraine tại nhiều vị trí trong ngày qua, theo Hãng tin Tass.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga đang củng cố lực lượng cho một cuộc tấn công mới.

* Ukraine điều tra các quan chức quân sự cấp cao vì nghi ngờ tham nhũng, mạnh tay với "kẻ thù nội bộ". Ngày 2-2, các quan chức Ukraine cho biết chính quyền nước này đang điều tra các quan chức quân sự cấp cao trong hai vụ nghi ngờ tham nhũng riêng biệt. 

Đây là một phần trong chiến dịch trấn áp những hành vi sai trái trước thềm đàm phán với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), theo Hãng tin Reuters.

EU coi việc giải quyết tham nhũng là một trong các yêu cầu đối với Ukraine khi xin gia nhập khối gồm 27 thành viên này, một quá trình mất nhiều năm. 

Hai bên dự kiến gặp tại Kiev vào ngày 3-2, và đây cũng là chuyến đi mang tính biểu tượng của các nhà lãnh đạo EU nhằm nêu bật sự ủng hộ dành cho Ukraine nhân tròn một năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

"Chúng tôi đang tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù nội bộ" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu qua video vào cuối ngày 2-2, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với "tất cả những người tham gia làm sạch đất nước của chúng tôi".

* Mỹ tạm thời tiếp tục miễn thuế đối với hàng hóa y tế Trung Quốc. Ngày 2-2, đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết nước này sẽ tạm thời kéo dài biện pháp miễn thuế đối với một số sản phẩm y tế từ Trung Quốc, trong lúc họ lấy ý kiến của công chúng về việc liệu có nên tiếp tục miễn thuế như vậy hay không.

Việc miễn thuế áp dụng với 81 sản phẩm chăm sóc y tế và biện pháp này xuất phát từ cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Mỹ. USTR cho biết việc miễn thuế lúc đầu dự kiến hết hạn vào ngày 28-2-2023, nhưng giờ đây sẽ kéo dài đến giữa tháng 5, theo Hãng tin AFP.

* Trung Quốc xây trạm mặt đất ở Nam Cực để quan sát đại dương. Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 2-2, Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) sẽ xây dựng một trạm mặt đất ở Nam Cực để hỗ trợ mạng lưới vệ tinh quan sát đại dương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển chất lượng cao. 

CASIC sẽ xây dựng trạm mặt đất tại cơ sở nghiên cứu Trung Sơn, một trong hai trạm nghiên cứu lâu dài của Trung Quốc ở Nam Cực, sau khi thắng gói thầu 43,95 triệu nhân dân tệ (6,53 triệu USD).

Phóng vệ tinh hàng hải đầu tiên vào tháng 5-2002, đến nay Trung Quốc đã đưa tổng cộng 8 vệ tinh vào không gian để quan sát màu sắc, nhiệt độ, các thông số của đại dương cũng như nguồn tài nguyên và hệ sinh thái của các vùng ven biển. Điều này có ích cho công tác giám sát thiên tai trên biển, khai thác tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, mạng lưới các trạm mặt đất trên toàn cầu của Trung Quốc để hỗ trợ số lượng vệ tinh ngày càng tăng và tham vọng ngoài không gian của họ đã khiến một số quốc gia lo ngại rằng nó có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, theo Hãng tin Reuters.

Tin tức thế giới 3-2: CIA dự báo tình hình ở Ukraine; Ông John Kerry bị điều tra - Ảnh 4.

Ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khí hậu - Ảnh: AP

Phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ điều tra ông John Kerry

* Hạ viện Mỹ điều tra đặc phái viên khí hậu John Kerry. Ngày 2-2, Ủy ban Giám sát của Hạ viện đã mở cuộc điều tra về nhiệm kỳ của ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khí hậu, vì những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan các cuộc đàm phán môi trường của ông Kerry với Trung Quốc và các nhà hoạt động, theo báo The Washington Times. Cuộc điều tra do dân biểu Cộng hòa và là chủ tịch của ủy ban James Comer khởi xướng.

* Israel, Sudan công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Ngày 2-2, Bộ Ngoại giao Israel cho biết Israel và Sudan đã hoàn tất thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, dự kiến sẽ tổ chức lễ ký kết theo sau việc chuyển giao quyền lực từ quân đội sang chính quyền dân sự ở Khartoum, thủ đô của Sudan, theo Hãng tin Reuters.

Bộ Ngoại giao Sudan trước đó nói rằng thỏa thuận trên đã được thống nhất trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nhằm "tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước".

* Có tin FBI sẽ khám xét nhà của cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ngày 2-2, báo Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) dự kiến sẽ khám xét nhà của cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence ở bang Indiana để tìm thêm tài liệu mật trong những ngày tới. Bộ Tư pháp Mỹ đang đàm phán với đội ngũ pháp lý của ông Pence về việc lên lịch khám xét.

Thời gian qua chính trường Mỹ nóng lên vì vụ tìm thấy tài liệu mật liên quan cựu tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden. Hồi tháng 1, ông Greg Jacob, luật sư của ông Pence, tiết lộ các tài liệu được đánh dấu mật cũng được tìm thấy tại nhà của ông Pence ở Indiana và ông đã chuyển chúng cho FBI.

* Nhân viên Amazon ở Tây Ban Nha đình công vì vụ đóng nhà kho. Theo Hãng tin Reuters, nhân viên tại một trung tâm hậu cần của Công ty công nghệ Amazon (Mỹ) ở ngoại ô Barcelona, Tây Ban Nha đã biểu tình vào ngày 2-2 và đây là ngày thứ hai họ đình công vô thời hạn bởi vì Amazon lên kế hoạch đóng cửa nhà kho này của công ty và chuyển nhân viên đến các tỉnh thành khác.

Nghỉ ngơi

goc-anh-ngay-222023-1675359009868710304492

Trong bức ảnh này, người và tê giác yên tâm, thư thả dựa vào nhau chợp mắt. Khoảnh khắc vô cùng ấn tượng đã được anh Matjaz Krivic, nhiếp ảnh gia người Slovenia, ghi lại - Ảnh: TPOTY

***********
voatiengviet.com

Tại sao Mỹ muốn hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Philippines?

Reuters

Philippines trong tuần này cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines giữa những lo ngại gia tăng về ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị và các yêu sách rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tranh chấp.

Hoa kỳ và Philippines đã nhất trí những gì?

Philippines sẽ cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn địa điểm nữa theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014, cho phép huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không phải là một sự hiện diện vĩnh viễn.

Khi công bố thỏa thuận, nâng tổng số địa điểm EDCA lên chín, hai bên không chỉ định vị trí của các cơ sở mới, lưu ý rằng họ vẫn đang tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương.

Cựu chỉ huy quân sự của Manila cho biết năm ngoái Washington đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên hòn đảo chính phía bắc Luzon, phần gần nhất của Philippines với Đài Loan và trên Palawan, gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Chuyên gia Đông Nam Á Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết các địa điểm sẽ nằm trong “khu vực chiến lược” và có khả năng bao gồm các cơ sở hải quân và có lẽ là các cơ sở thủy quân lục chiến.

Ông nói: “Việc lựa chọn các địa điểm mới ở Luzon sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất” và liệt kê cơ sở mới của Hải quân Philippines tại Nhà máy đóng tàu Hanjin cũ ở Vịnh Subic và một cơ sở ở phía bắc Luzon, chẳng hạn như ở tỉnh Cagayan ven biển, như những khả năng khác.

Tại sao Philippines lại quan trọng đối với Hoa Kỳ?

Philippines là thuộc địa cũ của Hoa Kỳ và trở thành đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ vào năm 1951, năm năm sau khi giành độc lập. Trong Chiến tranh Lạnh, đây là nơi đặt một số căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ, những cơ sở quan trọng đối với các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc của Philippines đã buộc Washington phải từ bỏ những thỏa thuận đó vào những năm 1990, nhưng kể từ đó, hai đồng minh đã hợp tác chống khủng bố và đối phó với áp lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Philippines có tuyên bố chủ quyền.

Trong số năm đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan - Philippines gần Đài Loan nhất, vùng đất Luzon ở cực bắc của nước này chỉ cách đó 200 km.

Các chuyên gia cho biết Luzon rất được quân đội Mỹ quan tâm vì là một địa điểm tiềm năng cho các hệ thống rốc-két, phi đạn và pháo có thể được sử dụng để chống lại một cuộc xâm lược đổ bộ vào Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ gọi EDCA là ưu tiên của chính quyền Biden và là “một phần trong nỗ lực chiến lược của chúng tôi trên toàn khu vực.”

Môi trường chính trị để tiếp cận quân sự nhiều hơn đã được cải thiện dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sau một thời kỳ quan hệ rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, người tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines làm suy yếu sự ổn định khu vực và làm gia tăng căng thẳng.

“Đây là một hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/2.

Xung đột Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến Philippines thế nào?

Ông Poling nói rằng Manila sẽ khó giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột với Đài Loan do vị trí gần và các nghĩa vụ theo hiệp ước của Manila đối với Washington. Đây sẽ là điểm đến khả dĩ nhất cho những người tị nạn Đài Loan và khoảng 150.000 người Philippines sống trên đảo sẽ gặp nguy hiểm trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Ông Jose Manuel Romualdez, đại sứ của Manila tại Washington và là họ hàng của ông Marcos, cho biết vào năm ngoái, Manila sẽ chỉ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ của mình trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan “nếu điều đó quan trọng đối với chúng tôi, vì an ninh của chính chúng tôi.”

Phát biểu với Reuters trong tuần này, ông Romualdez nhấn mạnh đến các công nhân Philippines ở Đài Loan và cho biết Manila sẽ tôn trọng hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ.

Manila mong đợi được gì?

Ông Poling nói cung cấp ngân sách cho Manila để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đã bị lãng quên từ lâu của họ là chìa khóa. Washington gần đây đã công bố 100 triệu đô la tài trợ quân sự nước ngoài và 82 triệu đô la cho các địa điểm EDCA, nhưng số tiền này rất nhỏ so với những gì Washington gửi đến Trung Đông và Ukraine.

“Yêu cầu thứ hai của Philippines là tiếp tục cam kết rõ ràng để bảo vệ người dân Philippines ở Biển Đông,” ông Poling nói. “Họ có những ngôn từ đó, nhưng câu hỏi đặt ra cho cả hai bên là, họ có thực sự sử dụng nó không? Nếu có một cuộc tấn công của Trung Quốc vào một căn cứ của Philippines ở Biển Đông vào ngày mai, liệu người Mỹ có thực sự làm được gì không? Và điều đó không rõ ràng, đó là một lý do khác khiến EDCA rất quan trọng.”


************

Thấy gì từ quyết định mới của Mỹ ở Solomon?

Ngọc Mai

AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng việc tái thành lập cơ sở ngoại giao là sự làm mới cam kết của Mỹ đối với người dân Quần đảo Solomon và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Bình luận với Thanh Niên, tiến sĩ Bryce Wakefield (Giám đốc điều hành quốc gia của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Úc) cho rằng việc Mỹ mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon rõ ràng là một động thái nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sau khi Tổng thống Solomon Manasseh Sogavare ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào năm ngoái và sau quyết định của Kiribati và Solomon về việc chuyển sự công nhận từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 2019. Tuy nhiên, ông Wakefield cũng đề cập về mối lo ngại là Mỹ có thể chơi quá tay.

Thấy gì từ quyết định mới của Mỹ ở Solomon? - Ảnh 1.

Mỹ mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon ngày 2.2

AFP

"Trung Quốc từ lâu đã là một đối tác đầu tư trong khu vực, trong khi Mỹ thường coi Thái Bình Dương là một khu vực được quản lý bởi đồng minh Úc và đối tác thân thiết New Zealand. Quần đảo Thái Bình Dương có cơ quan quan trọng, và một số mức độ ảnh hưởng khi họ hợp tác, kiểu thể chế đa phương như Liên Hiệp Quốc. Điều đó nói lên rằng, sự chú ý mà Mỹ đang dành cho Thái Bình Dương có thể nhấn mạnh quan điểm họ chỉ quan tâm đến khu vực khi các vấn đề địa chiến lược đang diễn ra", ông nói. 

Chuyên gia này đánh giá các quốc đảo Thái Bình Dương có ý thức khá nhạy bén về chính trị quốc tế. Các đảo quốc khác trong khu vực, trong khi bị thu hút bởi đầu tư của Trung Quốc, đã thận trọng hơn nhiều về các thỏa thuận toàn diện bao gồm an ninh. Ví dụ, ở Fiji, chính phủ mới đang quay lưng lại với Trung Quốc và loại trừ các thỏa thuận an ninh.

Với việc các đảo quốc Thái Bình Dương từ chối các thỏa thuận an ninh của Trung Quốc, có thể lo ngại là sự chú ý của Mỹ với khu vực sẽ giảm dần, đặc biệt nếu ngoại giao Trung Quốc không còn đặt trọng tâm ở đây trong vài năm tới và có sự thay đổi chính phủ ở Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2024. Theo ông, điều này sẽ chỉ cũng cố cái mà nhiều người gọi là chủ nghĩa cơ hội trong ngoại giao của Mỹ. Và khi đó các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ chỉ đơn giản coi Mỹ là nhân tố để khai thác trong từng giai đoạn mà Washington để tâm đến khu vực chứ không phải là đối tác thực sự với các giá trị chung. 


************
bbc.com

Sĩ quan quân đội Nga thừa nhận: 'Quân đội của chúng tôi tra tấn người Ukraine'


  • Tác giả, Steve Rosenberg
  • Vai trò, BBC News chuyên về Nga

Konstantin Yefremov in Ukraine, March 2022

Nguồn hình ảnh, Konstantin Yefremov

Chụp lại hình ảnh,

Konstantin Yefremov ở Ukraine vào tháng 3 năm 2022

Các cáo buộc về các cuộc hỏi cung tàn bạo, trong đó những người đàn ông Ukraine bị bắn và đe dọa cưỡng hiếp, đã được đưa ra bởi một cựu sĩ quan quân đội Nga.

Konstantin Yefremov, sĩ quan cao cấp nhất từng nói chuyện thoải mái, nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng Nga hiện coi ông là kẻ phản bội và đào ngũ.

Tại một địa điểm ở miền nam Ukraine, ông cho biết "các cuộc hỏi cung, tra tấn, tiếp tục trong khoảng một tuần".

"Mỗi ngày, vào ban đêm, đôi khi hai lần một ngày."

Ông Yefremov đã nhiều lần cố gắng từ chức nhưng cuối cùng ông bị sa thải vì từ chối trở về Ukraine. Ông ấy hiện đã trốn khỏi Nga.

Sử dụng các bức ảnh và tài liệu quân sự do ông Yefremov cung cấp, BBC đã xác minh rằng ông đã ở Ukraine vào thời gian đầu của cuộc chiến - ở khu vực Zaporizhzhia, bao gồm cả thành phố Melitopol.

Bài báo này chứa các mô tả sát thực về tra tấn.

Khuôn mặt của Konstantin Yefremov thoáng hiện trên màn hình máy tính của tôi và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Ông là người sẽ kể câu chuyện dưới đây. Cho đến gần đây, ông là một sĩ quan quân đội Nga.

Được điều động tới Ukraine vào năm ngoái, vị cựu trung úy đã đồng ý kể cho tôi nghe về những tội ác mà ông nói rằng ông đã chứng kiến ở đó - bao gồm cả việc tra tấn và ngược đãi các tù nhân Ukraine. Ông sẽ nói về việc các đồng chí của mình cướp bóc các khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine, và mô tả các phiên thẩm vấn tàn bạo do một đại tá Nga dẫn đầu, trong đó những người đàn ông bị bắn và bị đe dọa cưỡng hiếp.

Vào ngày 10 tháng 2 năm 2022, ông Yefremov cho biết ông đã đến Crimea, bán đảo Ukraine bị Nga sáp nhập cách đây 9 năm. Ông là người đứng đầu đơn vị rà phá bom mìn thuộc Sư đoàn súng trường cơ giới hóa số 42 - và thường đóng quân ở Chechnya, Bắc Caucasus của Nga. Ông ấy và người của mình được cử tham gia "các cuộc tập trận quân sự", ông nói.

"Lúc đó không ai tin sẽ có chiến tranh. Ai cũng nghĩ đây chỉ là một cuộc tập trận. Tôi chắc rằng ngay cả các sĩ quan cấp cao cũng không biết."

'Tôi sợ phải bỏ cuộc'

Ông Yefremov nhớ lại đã nhìn thấy quân đội Nga dán các dấu hiệu nhận biết trên đồng phục của họ và sơn chữ "Z" lên các thiết bị và phương tiện quân sự. Trong vòng vài ngày, "Z" đã trở thành biểu tượng của cái mà Điện Kremlin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của họ.

Ông Yefremov tuyên bố ông không muốn làm gì cho chiến dịch này.

"Tôi quyết định nghỉ việc. Tôi đến gặp chỉ huy của mình và giải thích vị trí của mình. Ông ấy đưa tôi đến gặp một sĩ quan cấp cao, người đã gọi tôi là kẻ phản bội và hèn nhát.

"Tôi để lại súng, lên một chiếc taxi và đi. Tôi muốn trở về căn cứ của mình ở Chechnya và chính thức từ chức. Sau đó, các đồng đội của tôi đã gọi điện cho tôi để cảnh báo.

"Một đại tá đã hứa sẽ tống tôi vào tù 10 năm vì tội đào ngũ và ông ấy đã báo cảnh sát."

Nguồn hình ảnh, Konstantin Yefremov

Chụp lại hình ảnh,

Konstantin Yefremov cho BBC xem giấy tờ tùy thân quân nhân Nga của mình

Ông Yefremov nói rằng ông đã gọi cho một luật sư quân sự, người này khuyên ông nên quay lại.

"Bây giờ tôi nhận ra rằng tôi nên bỏ lơ lời khuyên đó và tiếp tục," ông nói. "Nhưng tôi sợ bị bỏ tù."

Ông quay trở lại tham gia cùng các đồng đội của mình.

Ông Yefremov khẳng định ông là người "phản chiến". Ông ấy đảm bảo với tôi rằng ông không tham gia vào việc Nga sáp nhập Crimea, hay chiến đấu ở miền đông Ukraine khi chiến tranh lần đầu tiên nổ ra ở Donbas cách đây 9 năm.

Năm 2014, Nga không chỉ bị cáo buộc dàn dựng một cuộc nổi dậy ly khai ở đó mà còn gửi quân đội của họ. Konstantin cũng nói với tôi rằng ông ấy không tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.

"Trong ba năm qua, tôi đã tham gia rà phá bom mìn ở Chechnya, nơi từng trải qua hai cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ công việc tôi làm ở đó đã mang lại lợi ích cho mọi người."

Cướp xe đạp và máy cắt cỏ

Ông Yefremov được giao phụ trách tạm thời một trung đội súng trường. Vào ngày 27 tháng 2, ba ngày sau cuộc xâm lược của Nga, ông nói rằng ông ấy và người của mình được lệnh di chuyển về phía bắc từ Crimea bị chiếm đóng. Họ hướng đến thành phố Melitopol.

10 ngày tiếp theo được dành cho một sân bay đã bị quân đội Nga chiếm giữ. Ông ấy mô tả cảnh cướp bóc mà ông ấy đã chứng kiến.

"Các binh lính và sĩ quan chộp lấy mọi thứ có thể. Họ leo lên khắp các máy bay và đi qua tất cả các tòa nhà. Một người lính lấy đi một chiếc máy cắt cỏ. Anh ta tự hào nói: 'Tôi sẽ mang cái này về nhà và cắt cỏ cạnh doanh trại của chúng ta'.

"Xô, rìu, xe đạp, họ nhét tất cả vào xe tải. Nhiều đồ đạc đến mức họ phải ngồi xổm xuống để có thể ngồi vừa trong xe."

Ông Yefremov gửi cho chúng tôi những bức ảnh mà ông ấy nói là đã chụp tại căn cứ không quân Melitopol. Chúng cho thấy những chiếc máy bay vận tải và một tòa nhà đang bốc cháy.

Những bức ảnh nằm trong số nhiều hình ảnh và tài liệu mà ông ấy đã chia sẻ - và chúng tôi đã xác minh - để xác nhận danh tính, cấp bậc và các hoạt động di chuyển của ông Yefremov ở Ukraine vào mùa xuân năm 2022.

Các công cụ lập bản đồ trực tuyến đã xác nhận những hình ảnh về căn cứ không quân Melitopol.

Trong một tháng rưỡi, ông cùng 8 người lính dưới quyền của mình canh giữ một đơn vị pháo binh Nga ở đó.

"Toàn bộ thời gian chúng tôi ngủ bên ngoài," ông nhớ lại. "Chúng tôi đói đến mức bắt đầu săn thỏ và gà lôi. Một lần, chúng tôi đi ngang qua một biệt thự. Có một binh lính Nga ở trong đó. 'Chúng tôi thuộc Lữ đoàn 100 và hiện chúng tôi sống ở đây', người lính nói.

"Có rất nhiều thức ăn. Các tủ lạnh thì chật cứng. Có đủ thức ăn để sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng những người lính sống ở đó đang bắt cá chép Nhật trong ao ở bên ngoài và ăn chúng."

'Tôi trông thấy cuộc thẩm vấn và tra tấn'

Nhóm của Konstantin Yefremov đã chuyển đến bảo vệ nơi mà ông mô tả là "trụ sở hậu cần" vào tháng Tư - tại thị trấn Bilmak, phía đông bắc Melitopol. Ở đó, ông nói rằng ông đã chứng kiến ​​các cuộc thẩm vấn và ngược đãi tù nhân Ukraine.

Ông nhớ lại ngày khi ba tù nhân được đưa vào.

"Một trong số họ thừa nhận là một tay bắn tỉa. Khi nghe điều này, thượng tá Nga trở nên mất kiểm soát. Ông ấy đánh anh ta, ông ấy kéo quần của người Ukraine xuống và hỏi anh ta đã kết hôn chưa.

"'Rồi', người tù nhân trả lời. 'Vậy thì ai đó mang cho tôi một cây lau nhà', viên đại tá nói. 'Chúng tôi sẽ biến anh thành một cô gái và gửi video cho vợ anh.'"

Một lần khác, ông Yefremov kể, viên thượng tá yêu cầu tù nhân kể tên tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong đơn vị của anh ta.

"Người Ukraine không hiểu câu hỏi. Anh ta trả lời rằng những người lính là bộ binh thuộc hải quân của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì câu trả lời đó, họ đã đánh gãy một số chiếc răng của anh ta."

Điện Kremlin muốn người Nga tin rằng, ở Ukraine, Nga đang chiến đấu chống phát xít, tân phát xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Câu chuyện sai sự thật này nhằm hạ nhục người Ukraine trong mắt công chúng và quân đội Nga.

Ông Yefremov nói rằng tù nhân Ukraine bị bịt mắt.

"Viên thượng tá dí súng lục vào trán người tù nhân và nói 'Tao sẽ đếm đến ba và sau đó bắn vào đầu mày'.

"Ông ta đếm và sau đó chỉ bắn sang bên cạnh đầu của anh ta, cả hai bên. Viên thượng tá bắt đầu hét vào mặt anh ấy. Tôi nói: 'Đồng chí thượng tá! Anh ta không thể nghe thấy ngài, ngài đã làm anh ta bị điếc rồi!'"

Nguồn hình ảnh, KONSTANTIN YEFREMOV

Chụp lại hình ảnh,

Một bức ảnh khác mà Konstantin Yefremov chia sẻ - cho thấy ông ấy đứng trước các ngôi nhà ở Bilmak - nơi ông ấy cho biết việc tra tấn tù nhân đã diễn ra. Cư dân địa phương đã xác nhận địa điểm này với BBC

Ông Yefremov mô tả cách viên thượng tá ra lệnh rằng người Ukraine không được cung cấp thức ăn như bình thường - chỉ có nước và bánh quy giòn. Nhưng ông ta nói: "Chúng tôi đã cố gắng cho họ trà nóng và thuốc lá."

Để các tù nhân không ngủ trên nền đất, ông Yefremov cũng nhớ lại người của ông ném cỏ khô cho họ như thế nào - "vào ban đêm, để không ai nhìn thấy chúng tôi".

Trong một cuộc thẩm vấn khác, ông Yefremov nói viên thượng tá đã bắn một tù nhân vào cánh tay - và vào chân phải dưới đầu gối, khiến vết thương trúng xương. Konstantin nói rằng người của ông đã băng bó cho tù nhân đó và đến gặp các chỉ huy Nga - "không phải gặp viên Đại tá, ông ta bị điên" - và nói rằng tù nhân cần được đưa đến bệnh viện, nếu không anh ta sẽ chết vì mất máu.

"Chúng tôi mặc cho anh ấy bộ đồng phục Nga và đưa anh ấy đến bệnh viện. Chúng tôi nói với anh ấy: 'Đừng nói rằng anh là tù binh chiến tranh Ukraine, bởi vì hoặc các bác sĩ sẽ từ chối điều trị cho anh, hoặc những người lính Nga bị thương sẽ nghe thấy và bắn anh và chúng tôi sẽ không thể ngăn bọn họ."

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận các trường hợp ngược đãi tù nhân trong cuộc chiến ở Ukraine. Họ đã phỏng vấn hơn 400 tù binh - cả người Ukraine và người Nga.

"Thật không may, chúng tôi đã phát hiện ra rằng có việc tra tấn và ngược đãi các tù nhân chiến tranh xảy ra ở cả hai bên," Matilda Bogner, người đứng đầu nhóm giám sát của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Ukraine, nói.

"Nếu chúng ta so sánh các hành vi vi phạm, thì việc tra tấn hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh Ukraine có xu hướng xảy ra ở hầu hết các giai đoạn giam giữ. Và phần lớn, điều kiện giam giữ còn tồi tệ hơn ở nhiều khu vực của Nga hoặc của Ukraine bị chiếm đóng.

Bà Bogner cho biết những hình thức tra tấn hoặc đối xử tồi tệ nhất đối với các tù nhân chiến tranh Ukraine thường xảy ra trong quá trình thẩm vấn. Họ có thể bị giật điện và một loạt các phương pháp tra tấn - bà nói - kể cả treo người lên và đánh đập họ.

"Khi họ đến những nơi bị giam giữ, thường có cái gọi là màn đánh đập chào đón. Họ cũng thường phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống," bà nói thêm.

Các tù nhân chiến tranh Nga cũng cho biết họ bị đánh đập và bị tra tấn điện giật.

“Bất kỳ hình thức tra tấn hay ngược đãi nào đều bị cấm theo luật pháp quốc tế," bà Bogner nói. "Không thể chấp nhận được việc cả hai bên làm điều này."

BBC không thể xác nhận một cách độc lập các cáo buộc tra tấn cụ thể của Konstantin Yefremov, nhưng chúng trùng khớp với các cáo buộc khác về việc ngược đãi tù nhân Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của BBC.

Bị tố cáo là kẻ phản bội và kẻ đào ngũ

Ông Yefremov cuối cùng quay trở lại đơn vị rà phá bom mìn của mình, nhưng không được lâu.

“Bảy người chúng tôi đã quyết định [rời bỏ quân ngũ],” ông nói với tôi.

Cuối tháng Năm, trở lại Chechnya, ông viết đơn từ chức. Một số sĩ quan cao cấp không hài lòng.

"Họ bắt đầu đe dọa tôi. Các sĩ quan chưa ở Ukraine một ngày nào đã nói với tôi rằng tôi là một kẻ hèn nhát và phản bội. Họ không cho phép tôi từ chức. Tôi bị sa thải."

Nguồn hình ảnh, KONSTANTIN YEFREMOV

Chụp lại hình ảnh,

Một trong những bức ảnh cuối cùng của Konstantin Yefremov trong bộ quân phục, Chechnya, tháng 6/2022

Ông Yefremov cho chúng tôi xem những lá thư từ quân đội.

Trong bức thư đầu tiên, ông ấy bị buộc tội "trốn tránh nhiệm vụ" và coi thường mệnh lệnh quay trở lại Ukraine. Nội dung thư mô tả là "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Bức thư thứ hai đề cập đến việc ông Yefremov "bị sa thải sớm khỏi nghĩa vụ quân sự... vì vi phạm hợp đồng".

“Sau 10 năm phục vụ, tôi bị tố cáo là kẻ phản bội, kẻ đào tẩu, chỉ vì tôi không muốn giết người,” ông nói. "Nhưng tôi rất vui vì giờ đây tôi là một người tự do, vì tôi sẽ không phải giết người hoặc bị giết."

Ông Yefremov đã xuất ngũ. Nhưng không thoát khỏi nguy cơ bị gửi trở lại cuộc chiến.

Vào tháng 9/2022, Tổng thống Putin tuyên bố điều mà ông gọi là "huy động một phần". Hàng trăm ngàn công dân Nga sẽ được đưa vào quân đội và gửi đến Ukraine.

Ông Yefremov nói rằng ông biết - bởi vì ông đã từng phục vụ trong quân đội ở Ukraine - ông sẽ không bị bỏ lại một mình. Ông ấy nghĩ ra một kế hoạch trốn thoát.

“Trong ngôi nhà nơi tôi đang sống, tôi đã làm một cái cửa sập trên trần gác mái… đề phòng cảnh sát và sĩ quan tuyển quân vào để trao giấy gọi nhập ngũ.

"Các sĩ quan tuyển quân lái xe đến nhà tôi và đợi tôi trong xe của họ. Vì vậy, tôi đã thuê một căn hộ và trốn ở đó.

"Tôi cũng trốn tránh hàng xóm vì tôi nghe nói có trường hợp hàng xóm báo cảnh sát về những thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và đang lẩn trốn. Tôi thấy tình huống này thật nhục nhã và không thể chấp nhận được."

Ông Yefremov đã liên lạc với nhóm nhân quyền Nga Gulagu.net, mà đã giúp ông rời khỏi Nga.

Ông Yefremov nghĩ gì về những người Nga đó - và có rất nhiều người - bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định xâm lược Ukraine của Vladimir Putin?

"Tôi không biết những gì đang diễn ra trong đầu họ," ông nói. "Làm sao họ có thể để mình bị lừa được? Khi họ đi chợ, họ biết có thể bị lừa. Họ không tin vợ, chồng của họ.

"Nhưng người đàn ông đó đã lừa dối họ 20 năm, ông ta chỉ cần nói một lời thôi là những người này sẵn sàng đi và giết người và chết. Tôi không thể hiểu nổi."

Khi chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện, ông Yefremov gửi lời xin lỗi tới người dân Ukraine.

"Tôi xin lỗi toàn thể dân tộc Ukraine vì đã đến đất nước của họ như một vị khách không mời với vũ khí trong tay.

"Cảm ơn Chúa là tôi không làm hại ai. Tôi không giết bất cứ ai. Cảm ơn Chúa tôi đã không bị giết.

"Tôi thậm chí không có quyền đạo đức để yêu cầu sự tha thứ từ người Ukraine. Tôi không thể tha thứ cho chính mình, vì vậy tôi không thể mong đợi họ tha thứ cho tôi."


************

Đức đồng ý gửi xe tăng Leopard 1 cho Ukraine

Lam Vũ

Báo Sueddeutsche Zeitung tại Đức ngày 3.2 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết việc giao xe tăng Leopard cho Ukraine có thể diễn ra bất cứ lúc nào sau khi các xe tăng này được sửa chữa xong.

Hai công ty chuyên sản xuất trang thiết bị quân sự Rheinmetall và Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft (FFG) muốn tân trang lại hàng chục xe tăng Leopards 1 và có thể cung cấp chúng cho Ukraine nếu Kyiv sẵn sàng mua chúng.

Đức đồng ý gửi xe tăng Leopard 1 cho Ukraine - Ảnh 1.

Xe tăng Leopard 1 của Đức

CHỤP MÀN HÌNH WIKIMEDIA

Tờ báo cũng cho hay một số quan chức Đức đã thảo luận với Bộ Ngoại giao Qatar về khả năng mua lại 15 xe tăng Gepard mà Doha đã mua để bảo vệ các sân vận động trong mùa World Cup 2022. Ngoài ra, Berlin cũng đang cố gắng mua thêm đạn dược từ Qatar.

"Xe tăng Gepard đã cho thấy rất rõ khả năng của chúng trong cuộc chiến ở Ukraine. Nếu chúng tôi có thể nhận được nhiều hơn từ các đối tác ở đây, điều đó chắc chắn sẽ giúp ích cho người Ukraine", tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius được tờ báo dẫn lời.

Thông tin trên xuất hiện sau khi giới chức Đức hôm 25.1 thông báo sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các nước đối tác tái xuất khẩu loại khí tài này sau nhiều tháng tranh luận. Sự chần chừ của Đức trong việc đưa các xe tăng chủ lực này đến chiến trường ở Ukraine đã trở thành vấn đề gây bất hòa giữa các thành viên NATO.

Đức vốn cảnh giác với những động thái có thể khiến Nga leo thang xung đột, dù Kyiv đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng trước lập trường của Berlin. Giới chức Ukraine cho rằng dòng xe tăng hạng nặng do Đức sản xuất sẽ mang đến cho lực lượng của họ hỏa lực và tính cơ động cần thiết để giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở miền đông và miền nam.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 2.2 cho biết “không có cây đũa thần” nào có thể giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, khi được hỏi về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu của Anh cho Kyiv, Reuters đưa tin. Ông Wallace không loại trừ khả năng đưa chiến đấu cơ đến Ukraine nhưng nói đây không phải là thứ Ukraine cần ngay bây giờ và có những vấn đề thực tế cần xem xét, chẳng hạn như sẽ mất nhiều tháng để huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng chúng.

Cũng trong hôm 2.2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đưa ra đánh giá rằng 6 tháng tới sẽ là giai đoạn "then chốt" đối với Ukraine, theo Reuters. Dự báo xuất hiện trong bối cảnh lực lượng Nga đã giành được một số thắng lợi trên thực địa trong những tuần gần đây. Ông Burns mới đây cũng đã đến Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn