Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 25 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Tư, 25 Tháng Giêng 20232:20 CH(Xem: 1866)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 25 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
Hoaluc 4
************
voatiengviet.com

Triều Tiên phong tỏa Bình Nhưỡng vì ‘bệnh đường hô hấp’

Reuters

Nhà chức trách ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vừa ra lệnh phong tỏa 5 ngày do sự gia tăng các ca mắc bệnh đường hô hấp không xác định, Đại sứ quán Nga và hãng tin NK News có trụ sở tại Seoul đưa tin hôm 25/1, trích dẫn một thông báo của chính phủ, theo Reuters.

Thông báo được đại sứ quán Nga chia sẻ trên trang Facebook, nói rằng “một giai đoạn chống dịch đặc biệt đã được thiết lập” và kêu gọi các phái đoàn nước ngoài không nên cho nhân viên ra bên ngoài. Lệnh này cũng kêu gọi các cá nhân đo thân nhiệt 4 lần/ngày và báo cáo kết quả cho bệnh viện qua điện thoại.

Thông báo không đề cập đến COVID-19 mặc dù nói rằng có “sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh cúm tái phát vào mùa đông và các bệnh về đường hô hấp khác”.

Việc phong tỏa này được loan tin đầu tiên bởi hãng tin NK News của Hàn Quốc, chuyên theo dõi bí mật về Triều Tiên.

Hôm 24/1, trang web của hãng tin này đưa tin rằng cư dân Bình Nhưỡng dường như đang tích trữ hàng hóa để chờ đợi các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Không rõ liệu các khu vực khác của đất nước có áp dụng các lệnh phong tỏa mới hay không.

Triều Tiên thừa nhận đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào năm ngoái, nhưng đến tháng 8 đã tuyên bố chiến thắng bệnh dịch này.

Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận có bao nhiêu ca nhiễm COVID-19, rõ ràng là vì đất nước này thiếu phương tiện để xét nghiệm rộng rãi.

Thay vào đó, Bình Nhưỡng ghi nhận số lượng bệnh nhân bị sốt hàng ngày, một con số đã tăng lên khoảng 4,77 triệu, trong tổng số khoảng 25 triệu dân. Nhưng kể từ ngày 29/7, họ không còn ghi nhận những trường hợp như vậy nữa.

Truyền thông nhà nước tiếp tục đưa tin về các biện pháp chống đại dịch để đối phó với các bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả bệnh cúm, nhưng vẫn chưa đưa tin về lệnh phong tỏa.

Hôm 24/1, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết thành phố Kaesong, gần biên giới với Hàn Quốc, đã tăng cường các chiến dịch truyền thông công cộng “để tất cả người dân lao động tự giác tuân thủ các quy định chống dịch bệnh trong công việc và cuộc sống của họ”.


************
rfi.fr

Đức chấp thuận chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraina

Thanh Phương

Hôm nay, 25/01/2023, thủ tướng Olaf Scholz đã chấp thuận chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard cho Ukraina, loại vũ khí mà Kiev đang hối thúc các đồng minh cung cấp để chống trả quân Nga.

Trong một thông cáo, phát ngôn viên của thủ tướng Scholz cho biết trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng, chính phủ Berlin đã quyết định cấp cho Ukraina 14 xe tăng Leopard 2 lấy từ kho vũ khí của quân đội Đức, đồng thời chấp thuận cho những nước như Ba Lan và Phần Lan giao cho Kiev các xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. 

Theo phát ngôn viên này, mục tiêu là quy tụ nhanh nhất có thể được hai đại đội Leopard 2. Việc huấn luyện cho lính Ukraina sử dụng loại xe tăng hạng nặng này sẽ sớm bắt đầu tại Đức.

Tối qua, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hối thúc Đức nhanh chóng ra quyết định trên vấn đề này, vì theo ông, các nước đồng minh có đủ số xe tăng cần thiết cho quân đội Ukraina lúc này. Kiev cho biết họ đang rất cần hàng trăm xe tăng hiện đại và các vũ khí tối tân khác để chống trả một cuộc tấn công quy mô mà có thể quân Nga sẽ tiến hành vào mùa xuân tới.

Trên nguyên tắc, những nước đã mua xe tăng Leopard để trang bị cho quân đội đều phải có sự chấp thuận của Đức để xuất trở lại xe tăng này sang một nước khác. Với chủ trương thành lập một “liên minh các quốc gia yểm trợ Ukraina bằng xe tăng Leopard 2”, hôm qua, Ba Lan đã chính thức gởi đề nghị này cho Berlin. Một phát ngôn viên chính phủ Đức đã hứa sẽ trả lời về đề nghị này “với mức độ khẩn cấp cần thiết”.

Cũng hôm qua, trong cuộc họp báo chung với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, tân bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius cho biết ông đã khuyến khích các nước đối tác có xe tăng Leopard nên gấp rút huấn luyện lực lượng Ukraina sử dụng loại xe tăng hạng nặng này. 

Ngay lập tức, Nga đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố việc giao xe tăng Leopard cho Ukraina “sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp” cho quan hệ Nga-Đức.

Theo các nhà phân tích, cho tới nay thủ tướng Scholz vẫn do dự trong vấn đề giao xe tăng hạng nặng cho Ukraina vì ông sợ leo thang quân sự với Nga và không muốn nước Đức đóng vai trò hàng đầu trong phe của phương Tây đối đầu với Nga.


************

Mỹ tái ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Reuters

Chính quyền Biden hôm 24/1 nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với việc cả Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO khi có cơ hội sớm nhất, sau khi Helsinki cho biết cần phải tạm dừng các cuộc đàm phán ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ về đơn xin gia nhập liên minh quân sự của các nước Bắc Âu, theo Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nhiều lần được hỏi tại một cuộc họp báo rằng liệu Washington có ủng hộ việc Phần Lan có thể gia nhập mà không có Thụy Điển hay không, nhưng từ chối bình luận về điều mà ông gọi là “giả thuyết”.

“Đây luôn là một cuộc thảo luận về Phần Lan và Thụy Điển... (về việc) chuyển từ liên minh 28 nước sang liên minh 30 nước. Đó là điều chúng tôi muốn chứng kiến”, ông Price nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển không nên mong đợi sự ủng hộ của đất nước ông sau một cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm vào cuối tuần, bao gồm cả việc đốt một bản sao của kinh Koran
************
voatiengviet.com

New Zealand: Chris Hipkins tuyên thệ nhậm chức thủ tướng

Reuters

Ông Chris Hipkins, lãnh đạo Đảng Lao động, vừa tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng New Zealand trong một buổi lễ chính thức hôm 25/1, sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jacinda Ardern từ chức vào tuần trước, theo Reuters.

Đảng Lao động đã bầu cựu Bộ trưởng Cảnh sát và Ứng phó với COVID-19 Hipkins, 44 tuổi, làm lãnh đạo đảng và đất nước hôm 22/1. Bà Ardern, 42 tuổi, đã từ chức vào tuần trước, nói rằng bà “không còn đủ sức” để lãnh đạo đất nước.

Hàng trăm người đã tập trung tại khuôn viên Quốc hội khi bà Ardern rời nhiệm sở. Bà lần lượt ôm từng thành viên quốc hội của bà, trong đó nhiều người lộ rõ vẻ xúc động.

Sau đó, bà đến Tòa nhà Chính phủ, nơi bà đệ đơn từ chức lên đại diện của Vua Charles ở New Zealand, Toàn quyền Cindy Kiro.

Ông Hipkins và cấp phó của ông là Carmel Sepuloni - người đầu tiên là người gốc Đảo Thái Bình Dương nắm giữ chức vụ này - sau đó đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ dài vài phút.

Vài giờ sau, ông Hipkins gặp gỡ các nhà báo sau cuộc họp nội các đầu tiên của ông với tư cách là Thủ tướng.

Được biết đến với cái tên “Chippy”, ông Hipkins nổi tiếng với người dân New Zealand khi ông đảm nhận nhiệm vụ ứng phó với COVID-19, mặc dù ông thừa nhận một số sai lầm trong việc xử lý đại dịch và ông sẽ đối mặt với cuộc chiến cam go để duy trì quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10.


*************

52 tuổi, trợ lý thủ tướng Nhật Bản vẫn bị mẹ mắng vì đút tay vào túi quần

Đông A

Một trợ lý cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải xin lỗi vì đút tay vào túi quần trong chuyến công du chính thức tới Mỹ và thừa nhận ông đã bị mẹ mắng vì làm bà "xấu hổ”.

52 tuổi, trợ lý thủ tướng Nhật Bản vẫn bị mẹ mắng vì đút tay vào túi quần - ảnh 1

Ông Seiji Kihara (đút tay vào túi quần) đã phải xin lỗi vì hành động của mình

chụp màn hình global news

Theo The Guardian, Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Seiji Kihara (52 tuổi) đã phải xin lỗi vì đút tay vào túi quần trong chuyến công du đến Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Ông Kihara tiết lộ trên YouTube rằng mẹ ông đã đọc những bình luận rằng ông “khiến cha mẹ nhục nhã” vì đút tay vào túi quần khi Thủ tướng Kishida nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Blair House ở Washington.

Ông Kihara sau đó đã nhận được một cuộc điện thoại giận dữ từ mẹ của mình. Bà cảm thấy "xấu hổ" và đề nghị ông "khâu lại túi của mình".

Vụ việc xảy ra vào ngày 13.1 trong chuyến thăm 5 quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ của Thủ tướng Kishida.

Trong đoạn phim do báo Asahi Shimbun đăng lên Twitter, ông Kihara đút tay vào túi quần và nhìn Thủ tướng Kishida, người đang đứng cách ông vài mét. Sau khi nhận ra mình đang bị quay phim, Kihara chỉnh lại quần và khoanh tay trước mặt.

Đoạn clip khiến ông Kihara bị người dùng mạng chỉ trích dữ dội. Một người nói ông Kihara có cách cư xử tồi tệ, trong khi một người khác cho rằng ông có "thái độ hơn cả thủ tướng".

Để bào chữa cho mình, ông Kihara nói rằng ông là “kiểu người đút tay vào túi khi đi bộ” và ông chỉ đang tập trung vào các phát biểu của Thủ tướng Kishida để có thể thông báo chính xác cho truyền thông về kết quả hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Tôi đang nghĩ cách tốt nhất để truyền tải mối quan hệ thân thiện giữa Nhật Bản và Mỹ được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh”, ông Kihara cho biết khi xuất hiện trên một kênh thảo luận chính trị trên YouTube.

Ông Kihara không phải là chính trị gia đầu tiên bị chỉ trích vì hành động trên, vốn được xem là thô lỗ trong một số tình huống xã hội và nghề nghiệp ở Nhật Bản.

Tháng 3.2019, Thị trưởng Yuriko Koike của Tokyo đã vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội vì đút tay vào túi áo khoác sau khi chúc mừng Birhanu Legese, người chiến thắng cuộc đua nam trong cuộc thi marathon Tokyo.

“Nếu tay quá lạnh để bỏ ngoài túi thì hãy đeo găng tay”, một người chỉ trích.


***********

Chiến sự ngày 335: Ukraine thay hàng loạt quan chức, sắp nhận xe tăng phương Tây?

Đông A

Ukraine đã thực hiện một loạt thay đổi lớn với bộ máy quản lý trong lúc các nước phương Tây cân nhắc việc gửi xe tăng cho Kyiv.

Chiến sự ngày 335: Ukraine thay hàng loạt quan chức, sắp nhận xe tăng phương Tây? - ảnh 1

Quân nhân Ukraine bắn pháo tự hành 2S7 Pion về phía quân Nga ở Bakhmut, vùng Donetsk ngày 24.1

reuters

Ukraine sắp nhận nhiều xe tăng phương Tây

Theo một quan chức Ukraine, 12 quốc gia đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 100 xe tăng Leopard 2 nếu được chính phủ Đức đồng ý. Những thỏa thuận trên được đưa ra ở hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 20.1 tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức.

Các quốc gia như Ba Lan và Phần Lan đã công khai tuyên bố rằng họ sẵn sàng cung cấp một số xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Ba Lan ngày 24.1 đã gửi Đức yêu cầu cho phép xuất khẩu xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất sang Ukraine. Reuters dẫn lời một nguồn tin quốc phòng Đức cho biết Ba Lan đã gửi yêu cầu cho phép nước này cung cấp tới 14 xe tăng Leopard 2 A4 cho Ukraine.

Ba Lan cũng cho biết nước này mong nhanh chóng nhận được phản hồi sau khi chính thức đưa ra yêu cầu tới Berlin. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cho biết nước này sẽ yêu cầu EU thanh toán chi phí mua xe tăng mà nước này muốn gửi cho Ukraine, nói rằng đây là "phép thử thiện chí".

Reuters cũng dẫn lời hai quan chức Mỹ ngày 24.1 cho biết Washington dường như không còn phản đối việc gửi xe tăng M1 Abrams tới Ukraine và một thông báo có thể được đưa ra ngay trong tuần này. Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Belarus được đề nghị ký hiệp ước không xâm lược Ukraine

Hãng thông tấn nhà nước Belta đưa tin Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 24.1 cho biết ông đã được yêu cầu ký kết một hiệp ước không xâm lược với Ukraine.

Ông Lukashenko đã tiết lộ điều này trong một cuộc họp của chính phủ và các quan chức thực thi pháp luật. Trong cuộc gặp, Tổng thống Lukashenko cũng cáo buộc Ukraine cho phép phương Tây sử dụng lãnh thổ của mình để huấn luyện và trang bị vũ khí cho các chiến binh có thể làm mất ổn định tình hình ở Belarus.

"Họ đang yêu cầu chúng tôi không gây chiến với Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào, không chuyển quân của chúng tôi đến đó. Họ đang đề nghị chúng tôi ký kết một hiệp ước không xâm lược", ông Lukashenko nói.

Vẫn chưa rõ liệu chính Ukraine hay phương Tây đã đưa ra lời đề nghị trên. Kyiv vẫn chưa phản hồi trước thông tin này. Trong khi đó, Điện Kremlin từ chối bình luận về việc liệu ông Lukashenko có thảo luận về lời đề nghị trên với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.

Ukraine thay một loạt quan chức

Một loạt quan chức Ukraine đã nộp đơn xin thôi việc hoặc bị cách chức sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23.1 cho biết những thay đổi nhân sự đang được thực hiện cả cấp cao và cấp thấp.

Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko đã nộp đơn xin Tổng thống Volodymyr Zelensky cho miễn nhiệm. Văn phòng tổng thống cho biết họ đã chấp nhận đơn từ chức của ông Tymoshenko. Ông Tymoshenko không đưa ra lý do cho quyết định này.

Ông Tymoshenko, 33 tuổi, là phó chánh văn phòng tổng thống từ năm 2019. Ông giám sát các khu vực, chính sách khu vực và đã làm việc với Tổng thống Zelensky trong chiến dịch bầu cử.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Vyacheslav Shapovalov, người chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm và trang thiết bị cho quân đội, cũng đã từ chức. Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine bị cáo buộc đã chi quá nhiều tiền cho các nhà cung cấp thực phẩm cho binh sĩ. Tuy nhiên, nhà cung cấp cho biết họ đã mắc lỗi kỹ thuật và chưa nhận được khoản tiền nào. Bộ Quốc phòng và ông Shapovalov cũng phủ nhận cáo buộc trên. Một tuyên bố trên trang web của Bộ Quốc phòng cho biết việc ông Shapovalov từ chức là "một hành động xứng đáng" sẽ giúp duy trì niềm tin vào Bộ.

Theo văn phòng tổng công tố Ukraine, Phó tổng công tố Oleksiy Symonenko đã bị cách chức "theo nguyện vọng của ông ấy". Trước đó, ông Symonenko đã bị chỉ trích vì truyền thông đưa tin về kỳ nghỉ 10 ngày của ông cùng gia đình ở Marbella, Tây Ban Nha trong dịp Năm mới bất chấp cuộc xung đột với Nga. Ông Symonenko đã không bình luận về những cáo buộc đó.

Hai thứ trưởng Vyacheslav Negoda và Ivan Lukerya của Bộ Phát triển Cộng đồng và Lãnh thổ Ukraine cũng đã từ chức.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền 5 khu vực Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia, Kyiv, Sumy và Kherson cũng đã bị cách chức, theo The Guardian.


************

Tin tức thế giới 25-1: Đức và Mỹ chuyển xe tăng xịn cho Ukraine


Tin tức thế giới 25-1: Đức và Mỹ chuyển xe tăng xịn cho Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết tâm dọn dẹp tham nhũng - Ảnh: REUTERS

Ukraine thanh trừng tham nhũng thời chiến

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc sa thải hàng loạt quan chức cấp cao là điều cần thiết và cam kết sẽ có thêm các biện pháp chống tham nhũng khác. Ông cho biết cần phải dọn sạch các vấn đề nội bộ trước khi nó ảnh hưởng đến quốc gia.

"Điều đó là công bằng, nó cần thiết để bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta nối lại quan hệ với các tổ chức châu Âu. Chúng ta cần một quốc gia mạnh mẽ, và Ukraine sẽ chỉ như vậy", Hãng tin AFP dẫn lời ông Zelensky phát biểu vào tối 24-1 (giờ địa phương).

Cùng lúc, cố vấn của ông Zelensky, ông Mykhaylo Podolyak, cho biết tổng thống đang tập trung vào "các ưu tiên chính của nhà nước" khi sa thải các quan chức bao gồm thống đốc của các khu vực giao tranh ác liệt và các phó bộ trưởng. 

"Trong chiến tranh, mọi người nên hiểu trách nhiệm của mình", ông Podolyak viết trên Twitter.

Đợt cải tổ bắt đầu sau khi Thứ trưởng Bộ Phát triển cộng đồng và lãnh thổ Ukraine, Vasyl Lozynskiy, bị sa thải vào cuối tuần sau khi bị bắt vì nghi ngờ tham ô. 

Quan chức 36 tuổi này bị cáo buộc nhận hối lộ 400.000 USD để "bôi trơn" việc mua máy phát điện với giá cao ngất ngưởng khi Ukraine phải vật lộn với tình trạng thiếu điện sau các cuốc tấn công của Nga. Tiếp đó, hàng loạt quan chức của nước này mất ghế.

Đức, Mỹ sắp cung cấp xe tăng cho Ukraine. Ngày 24-1 (giờ địa phương), các nguồn tin từ Chính phủ Đúc tiết lộ chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đã quyết định chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.

Tin tức thế giới 25-1: Đức và Mỹ chuyển xe tăng xịn cho Ukraine - Ảnh 3.

Xe tăng Leopard được Đức chuyển giao cho Slovakia vào tháng 12-2022 - Ảnh: REUTERS

Der Spiegel là báo đưa tin đầu tiên rằng Berlin sẽ chuyển một đại đội xe tăng Leopard 2 A6, thường bao gồm 14 chiếc, cho Kiev. "Việc Đức hỗ trợ xe tăng Leopard cho Ukraine là một dấu hiệu đoàn kết mạnh mẽ" - trang này dẫn lời ông Christian Duerr, lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do (FDP) đồng cầm quyền tại quốc hội. 

Các tờ báo khác cũng cho biết quyết định sẽ được công bố trong ngày 25-1, đồng thời Đức cũng cho phép các nước như Ba Lan xuất xe tăng Leopard sang Ukraine.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố quyết định cung cấp xe tăng Abrams do Washington sản xuất cho Ukraine sớm nhất vào ngày 25-1 (giờ địa phương). 

Theo đó, Mỹ có thể chuyển giao đến 30 xe tăng trong vài tháng tới. Quyết định được đưa ra sau nhiều ngày tranh cãi về vấn đề này, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là lựa chọn tối ưu vì xe tăng Abrams khó đào tạo sử dụng, bảo trì và sử dụng nhiên liệu máy bay.

Nga nói vẫn còn nhiều vũ khí. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng các đối thủ sẽ thất vọng vì Nga có đủ loại vũ khí và rất nhiều. 

"Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc sản xuất những vũ khí thiết yếu nhất, đặc biệt là máy bay không người lái, loại máy bay có nhu cầu đặc biệt cao trong chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine)", Hãng tin Tass dẫn lời ông Medvedev khi ông thăm một nhà máy sản xuất ở thành phố Izhevsk ngày 24-1. 

Ông khẳng định những ai cho rằng Matxcơva sắp hết tên lửa sẽ phải thất vọng.

* Lại xả súng ở Mỹ. Cảnh sát thành phố Yakima, bang Washington của Mỹ, xác nhận đã bắt giữ một nghi can trong vụ xả súng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng vào ngày 24-1 (giờ địa phương).

Tin tức thế giới 25-1: Đức và Mỹ chuyển xe tăng xịn cho Ukraine - Ảnh 5.

Nghi can trong vụ xả súng ở thành phố Yakima, Mỹ, đã bị bắt giữ - Ảnh: CNN

Đài CNN dẫn lời Cảnh sát trưởng Matt Murray của Yakima cho hay họ bắt giữ nghi can sau khi nhận được thông tin từ người nhà của hắn. Theo thông tin ban đầu, nghi can là Jarid Haddock, 21 tuổi và là một công dân ở Yakima.

Trước đó, cảnh sát cho biết một nghi can là nam giới đã đi vào cửa hàng tiện lợi trên đại lộ Nob Hill và xả súng vào khoảng 3h30 sáng 24-1. Khi các cảnh sát đến hiện trường, họ thấy 3 nạn nhân đã thiệt mạng. Nghi can sau đó tiếp tục nổ súng cướp một chiếc xe ở phía bên kia đường.

Sập nhà chung cư ở Ấn Độ. Các quan chức xác nhận ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng chục người nghi mắc kẹt khi tòa nhà chung cư ở  ở thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, bị sập ngày 24-1. 

Cảnh sát nói rằng tòa nhà sập có thể do ảnh hưởng từ trận động đất 4,8 độ Richter diễn ra một ngày trước đó ở nước láng giềng Nepal. 

Tin tức thế giới 25-1: Đức và Mỹ chuyển xe tăng xịn cho Ukraine - Ảnh 6.

Tòa chung cư ở thành phố Lucknow, Ấn Độ, bị sập nghi do ảnh hưởng bởi động đất - Ảnh: AFP

Khoảng 30 - 35 người nghi kẹt bên dưới đống đổ nát. Truyền thông Ấn Độ chiếu đoạn phim cho thấy các khối gạch và bê tông chất đống lên nhau và các đội cảnh sát đang dọn dẹp đống đổ nát để tìm kiếm người bị nạn. Sáng ngày 25-1 (giờ Việt Nam), cảnh nói đã cứu được 12 người

Nga thiếu hụt thuốc tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết gần đây xuất hiện tình trạng thiếu hụt một số loại thuốc dù nước này đã đẩy mạnh sản xuất.

"Có sự thâm hụt nhất định đối với một số loại thuốc, bất chấp việc sản xuất các sản phẩm dược phẩm trong ba quý đầu năm ngoái tăng khoảng 22%", hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin. Ông cũng xác nhận giá các loại thuốc đã tăng lên.


************

Công nghiệp vũ khí Mỹ 'hốt bạc' ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine

Đông A

Nhờ xung đột kéo dài ở Ukraine, doanh số bán vũ khí quân sự của Mỹ ở châu Âu đang tăng vọt.

Công nghiệp vũ khí Mỹ 'hốt bạc' ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine - ảnh 1

Binh sĩ Anh trước hệ thống phóng loạt M270 MLRS

afp

Doanh thu khổng lồ

Kể từ cuối tháng 2, khi Nga đưa lực lượng vào Ukraine, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 230 tỉ USD, riêng Đức lên kế hoạch hiện đại hóa quân đội với 100 tỉ USD trong năm nay. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ hưởng lợi lớn nhất từ điều này.

Hơn một nửa chi tiêu quân sự của nhiều nước châu Âu trong thời gian gần đây đã được dồn cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Trong đó, Na Uy dành 83% cho các lô hàng mua từ Mỹ. Anh, Ý, và Hà Lan lần lượt chi 77%, 72% và 95% cho vũ khí do Mỹ sản xuất trong giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2021, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Tổng lượng vũ khí nhập khẩu của châu Âu đã tăng 19% trong giai đoạn 2017-2021 so với 5 năm trước đó. Và con số này vẫn chưa tính đến đợt mua vũ khí gần đây của châu Âu.

“Đây chắc chắn là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, Yahoo News dẫn lời ông Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết.

Xung đột Ukraine đã làm các quốc gia và “những người đã quen với hòa bình trong cả một thế hệ” run rẩy, ông Bond nói. Chuyên gia này chỉ ra rằng nhiều người châu Âu “về cơ bản tự thuyết phục mình rằng chiến tranh trên lục địa này là điều không thể xảy ra”.

“Nhưng giờ họ tỉnh dậy và thấy thực tế rằng không chỉ điều đó có thể xảy ra, mà còn đang xảy ra cách họ chỉ vài km", ông nói thêm.

Châu Âu tăng mạnh chi tiêu

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, chi tiêu quốc phòng ở nhiều nước trên khắp châu Âu đã giảm mạnh, nhưng điều này đang nhanh chóng thay đổi.

“Nhiều quốc gia châu Âu có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự đáng kể, trong đó bao gồm tăng cường mua vũ khí. Ở một số quốc gia, các đơn đặt hàng dự kiến sẽ được triển khai ​vào cuối thập niên này đang được đẩy nhanh”, ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí SIPRI, cho biết.

Theo ông William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy (Mỹ), kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, các nước châu Âu đã chi khoảng 33 tỉ USD “đề nghị” mua vũ khí, giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán vũ khí. Trong đó, khoảng 21 tỉ USD đã được đưa lên bàn đàm phán từ tháng 2.

Mặc dù một số đơn hàng vẫn chưa được ký hợp đồng, ông Hartung nói con số 21 tỉ USD vẫn thấp hơn thực tế vì chỉ tính giao dịch giữa chính phủ với chính phủ chứ không phải doanh số thương mại trực tiếp, vốn khó theo dõi hơn.

SIPRI cho biết ngay cả trước khi xung đột nổ ra, nhập khẩu vũ khí của châu Âu từ năm 2017 đến năm 2021 đã tăng 19%. “Các con số đang tăng với tốc độ nhanh chóng. Số lượng các hợp đồng vũ khí cho châu Âu đang được đàm phán kể từ tháng 2 đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, và chúng ta vẫn còn vài tháng nữa mới hết năm", ông Hartung nói.

Chiến sự ở Ukraine chứng tỏ ưu thế của công nghệ phương Tây trước vũ khí Nga?

Vì sao vũ khí Mỹ được chú ý?

Yahoo News cho rằng nhờ Tổng thống Nga Vladimir Putin, châu Âu hiện được coi là một điểm nóng cho ngành buôn bán vũ khí của Mỹ.

“Cuộc xung đột Ukraine chính là động lực thúc đẩy. Xu hướng này cũng đến từ việc châu Âu nhận ra rằng các kho dự trữ quốc phòng đã giảm khá nhiều trong 30 năm qua”, chuyên gia Bond nói.

Ông Bond nói thêm rằng lý do khiến nhiều quốc gia chuyển sang mua hàng từ các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ là do ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ quá lớn nên họ không cần phải chờ đợi các loại vũ khí tối tân được phát triển. Lý do khác là các quốc gia ở Đông Âu và Trung Âu “muốn kéo Mỹ về phía mình và chứng tỏ rằng họ gắn bó với liên minh xuyên Đại Tây Dương”, bao gồm cả NATO. "Hỗ trợ các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ là một cách để làm điều đó”, ông Bond nhận định.

Công nghiệp vũ khí Mỹ 'hốt bạc' ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine - ảnh 2

Các máy bay F-35 của Anh

bộ quốc phòng anh

Cho đến nay, loại vũ khí Mỹ đắt tiền phổ biến nhất ở châu Âu là máy bay chiến đấu F-35. Phần Lan đã đặt hàng 54 chiếc F-35 vào năm 2020 và Ba Lan cũng đặt 32 chiếc. Na Uy, Hà Lan và Anh đặt mua tổng cộng 71 chiếc F-35. Thậm chí cả Thụy Sĩ cũng đặt 30 máy bay chiến đấu F-35 trong tháng 9, với giá hơn 6 tỉ USD.

Ông Hartung cho biết đơn đặt hàng lớn này “gây ra rất nhiều căng thẳng” với các nhà sản xuất vũ khí châu Âu vì máy bay F-35 của Mỹ thường bán chạy hơn các máy bay chiến đấu do châu Âu sản xuất.

Chuyên gia Wezeman nói những người mua cho biết F-35 có nhiều tính năng hơn các mẫu chiến đấu cơ nội địa như Eurofighter Typhoon hay Saab JAS 39 Gripen.

“F-35 tàng hình tốt hơn, sử dụng nhiều thiết bị điện tử tiên tiến, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống mạng tiên tiến. Có thể bạn phải trả nhiều tiền hơn một chút, nhưng nhìn chung, bạn sẽ nhận được loại chiến đấu cơ được coi là tốt hơn so với sản phẩm thay thế của châu Âu”, ông Wezeman cho biết.

Dù vậy, Mỹ không dẫn đầu mọi lĩnh vực vũ khí ở châu Âu. Các quốc gia có xu hướng mua xe tăng từ Đức, pháo từ Pháp và tàu ngầm từ Đức, Pháp hoặc Anh. Song, vì có giá đắt đỏ, các máy bay F-35 thường chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc phòng của các nước.

Với giá niêm yết khoảng 79 triệu USD/chiếc, F-35 vượt trội hơn so với các máy bay chiến đấu khác, bao gồm cả máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp. “Người Pháp không quá vui vẻ với việc các nước châu Âu khác mua F-35 từ Mỹ, và đặc biệt không hài lòng khi Đức tuyên bố vào cuối tháng 7 rằng họ muốn đặt mua 35 chiếc F-35 trong một thương vụ trị giá 8,4 tỉ USD”, ông Bond chỉ ra.

Đất nước trung lập Thụy Sĩ cũng mua chiến đấu cơ F-35

Châu Âu sẽ tiếp tục chi mạnh cho quốc phòng

Các nhà phân tích ở châu Âu cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy Đức lần nữa xây dựng sức mạnh quân sự. Theo ông Bond, Tây Đức có một trong những đội quân hùng mạnh nhất của NATO trong Chiến tranh Lạnh. Nếu Liên Xô tấn công Tây Âu, "quân đội Đức sẽ đứng đầu chiến tuyến", ông Bond nói.

Tuy nhiên, trong hơn 30 năm qua, Đức không chi tiêu nhiều cho quân sự. Đất nước này còn không đáp ứng yêu cầu của NATO về việc dành 2% GDP cho quốc phòng. Đây là điều cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nước châu Âu khác luôn phàn nàn.

“Hầu hết chúng tôi đã cố gắng thuyết phục người Đức chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng trong một thời gian dài”, ông Bond cho biết, đồng thời nói thêm rằng năm nay chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ đạt mốc 2% GDP, thậm chí có thể vượt qua con số này.

Thậm chí, dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng “không còn được coi là mức trần nữa. Ở các quốc gia đang cảm thấy bị đe dọa, đây chỉ là mức sàn", theo ông Bond.

Ba Lan, vốn được coi là quốc gia vệ tinh của Liên Xô sau Thế chiến II, có thể sớm dành 3% -5% GDP cho quốc phòng. Theo Security Assistance Monitor, nước này đã chi 6 tỉ USD trong năm nay chỉ để mua vũ khí của Mỹ. Chuyên gia Bond nói rằng các quốc gia khác, từ Anh đến Lithuania, từ Phần Lan đến Hy Lạp, cũng đang tăng ngân sách vũ khí của họ.


*******
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 13 Tháng Tư 20187:31 CH
Thứ Sáu, 13 Tháng Tư 20186:53 CH
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Mỹ, Pháp và Anh đã cùng nhau khởi động cuộc tấn công quân sự ở Syria để trừng phạt Tổng thống Bashar Assad vì bị cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học chống lại thường dân và ngăn ông ta không tái phạm.
Thứ Ba, 10 Tháng Tư 201811:29 CH
Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và bà May “đã đồng ý không cho phép vũ khí hóa học được tiếp tục sử dụng”.