Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 18 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Tư, 18 Tháng Giêng 20231:59 CH(Xem: 1737)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 18 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
Hoaluc 4
*************
voatiengviet.com

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rice ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine

VOA

Khi Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng các vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng Bradley, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói với VOA ban tiếng Ukraine rằng Washington nên cung cấp mọi hỗ trợ quân sự mà Kyiv cần để đẩy lùi quân Nga.

Bà Rice tin rằng đàm phán vào lúc này có thể sẽ không mang lại kết quả hoặc chỉ có lợi cho Nga. Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/1, bà còn nói rằng không nên để việc một số quốc gia lo ngại sẽ khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin ngăn cản họ hỗ trợ cho người Ukraine sẵn sàng chiến đấu cho đất nước của họ và cho hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế.

Trong một bài viết thể hiện quan điểm cá nhân được đăng tải trên tờ The Washington Post hồi đầu tháng này của bà Rice và ông Robert M. Gates, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, hai cựu giới chức này lập luận rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cần tăng cường đáng kể viện trợ quân sự, nhất là xe thiết giáp, để giúp Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga.

Bà Rice hiện là Giám đốc Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, một viện nghiên cứu chính sách công. Bà từng là cố vấn an ninh quốc gia (2001–2005) và ngoại trưởng (2005–2009) trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush.

Cuộc phỏng vấn này đã được biên tập cho ngắn gọn và rõ ràng.

VOA: Bà kêu gọi Washington cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn. Một số người ở Hoa Kỳ, trong đó có nhiều đảng viên Cộng hòa, cho rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraine quá nhiều rồi. Xin bà cho ý kiến về điều này?

Condoleezza Rice: Tôi muốn nói rằng chúng ta đang hỗ trợ Ukraine rất nhiều, và chúng ta đã phân bổ ngân khoản thông qua Quốc hội để hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đó là một lời kêu gọi cấp thiết hơn là chúng ta cần cung cấp cho Ukraine những công cụ cần thiết để họ tiếp tục đẩy lùi quân xâm lược Nga.

Trên thực tế, chúng ta có thể đã dự đoán từ nhiều tháng trước rằng Ukraine sẽ cần hệ thống phòng không bởi vì điều duy nhất còn lại của [Tổng thống Nga] Vladimir Putin là sử dụng các chiến thuật khủng bố và tấn công tên lửa vào các trung tâm dân sự của Ukraine. Chúng ta có thể đã dự đoán điều đó.

Vì vậy, hãy đi trước đón đầu và cung cấp những gì mà Ukraine cần. Hoa Kỳ phải nhớ rằng mỗi lần chúng ta chờ đợi, vào năm 1914, 1941 và 2001, và rốt cuộc chúng ta luôn phải nhảy vào. Vào thời điểm hiện tại, không ai yêu cầu chúng ta đưa quân đến. Người Ukraine sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng để bảo vệ một hệ thống quốc tế trong đó không thể chấp nhận việc nước lớn tiêu diệt nước láng giềng nhỏ hơn bằng sức mạnh quân sự; đó là mục tiêu chiến thắng của cuộc chiến này. Mỹ rất muốn gửi một bài học cho người Nga rằng điều đó sẽ không được phép xảy ra.

VOA: Một trong những lập luận chính chống lại quan điểm đó là nó có thể kích động ông Putin leo thang, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân.

TS. Rice: Tôi không biết người ta có thể khiêu khích Putin đến mức nào nữa. Ông ấy đã cố tiêu diệt nước láng giềng mình. Ông ấy sử dụng các chiến thuật khủng bố. Họ đang vi phạm các tội ác chiến tranh. Khi tôi nghe mọi người nói rằng bạn làm như vậy có thể khiêu khích ông Putin, tôi nghĩ, còn điều gì khiêu khích hơn nữa? Khi nói về hạt nhân, nó không phải là không có khả năng xảy ra, nhưng tôi nghĩ rằng ông Putin thực sự quan tâm, cũng thật lạ, về vị thế quốc tế của mình. Làm điều đó sẽ khiến Nga trở thành một Triều Tiên lớn, một quốc gia bị thế giới ruồng bỏ trong tương lai. Không chỉ chúng tôi cảnh báo ông Putin mà cả người Ấn Độ và người Trung Quốc cũng cảnh báo rằng lựa chọn hạt nhân thậm chí không nên được xem xét. Chúng ta không thể ngăn cản chính mình và người Ukraine bằng cách nghĩ về một sự răn đe nào đó mà tôi nghĩ là khó xảy ra.

VOA: Không phải ở cấp độ chính thức của Hoa Kỳ, nhưng ở một mức độ nhất định, có một sự thúc đẩy Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga vào thời điểm này. Dường như bà nghĩ khác?

TS. Rice: Đúng vậy, đàm phán và ngoại giao dựa trên tình hình thực địa, chứ không phải ngược lại. Chúng ta cần đảm bảo rằng khi có đàm phán, và cuối cùng sẽ có, Ukraine phải ở vị thế mạnh nhất có thể. Điều đó không phải là lúc này. Chúng ta đang thấy rằng người Nga đang đẩy mạnh tấn công [khu vực] Donetsk một lần nữa. Ông Vladimir Putin tuyên bố Donetsk và Luhansk là lãnh thổ của Nga. Ông không thể đàm phán bằng việc cắt bỏ lãnh thổ Nga. Yêu cầu đàm phán bây giờ có thể sẽ không có kết quả mà thậm chí còn để phía Nga có lợi so với việc nếu chúng ta để cho người Ukraine đẩy lùi quân Nga hơn nữa.

Tôi sẽ chính là người cuối cùng cảnh báo khi nào nên bắt đầu đàm phán. Tôi nghĩ chúng ta phải nói rằng đối với người dân Ukraine – những người đã phải gánh chịu tội ác chiến tranh, lãnh thổ bị tàn phá và chứng kiến công dân Ukraine bị người Nga bắt đi – việc bảo họ đàm phán giờ đây đối với tôi dường như không phải là điều mà chúng ta có thể bảo vệ được giá trị Mỹ.

Ngay bây giờ, công việc của chúng ta là hỗ trợ Ukraine giúp chúng ta khẳng định rằng điều mà người Nga làm đơn giản là sẽ không thành công trong thế giới của năm 2023. Nếu bạn nhìn vào viễn cảnh đó, chúng trông giống như bức ảnh của năm 1939. Chúng tôi đã làm điều này một lần, và nó không thành công lắm. Vì vậy, chúng ta hãy đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần để chiến đấu cho cuộc chiến của chúng ta.

VOA: Cá nhân bà đã gặp trực tiếp và biết ông Putin. Theo bà, bây giờ ông ấy có phải là một nhân vật lý trí không? Ông ta có thể tham gia vào một cuộc đối thoại hợp lý không, hay ông ta vượt quá điểm đó?

TS. Rice: Ông ấy có lý trí theo cách ông ấy hiểu những gì ông ấy đang cố gắng làm. Chúng tôi đã thấy các ưu tiên của Nga đang thay đổi. Lúc đầu, họ tiến vào Kyiv để lật đổ chính phủ Ukraine, sau đó họ quay trở lại phía đông và phía nam để cắt đứt Ukraine tại Odesa. Khi điều đó là không thể, họ lại quay lại.

Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy có lý trí. Nhưng có lý trí không có nghĩa là bạn không có những tham vọng mang tính ý thức hệ, mang tính cảm xúc. Tôi nghĩ rằng đây là về việc tái thiết đế chế Nga, và không thể có một Ukraine độc lập để tái thiết đế chế Nga. Có điều gì đó xúc động sâu sắc về điều này đối với ông Putin. Điều đó không có nghĩa là [nó] phi lý.

Nhưng điều đó có nghĩa là đó là một điều gì đó vô cùng xúc động và có lẽ ngay bây giờ không thể thương lượng theo cách suy nghĩ của ông ấy. Ta phải giúp đỡ Ukraine, để ông ấy thấy rằng dù ông ấy có muốn đạt được điều đó đến mức nào đi chăng nữa, điều đó sẽ không xảy ra. Sau đó, chúng ta sẽ xem liệu tính hợp lý có chiếm ưu thế hay không.

VOA: Từng là ngoại trưởng vào năm 2008, trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest khi Gruzia và Ukraine bị từ chối Kế hoạch hành động để làm thành viên NATO. Nhìn lại, bà có nghĩ rằng đó là một sai lầm?

TS. Rice: Chúng tôi trong chính quyền Bush đã tranh luận để Ukraine và Gruzia được tham gia Kế hoạch hành động thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest. Nhưng NATO là một tổ chức đồng thuận, và sự đồng thuận không có ở đó. Vì vậy, chúng tôi đã làm điều tốt nhất tiếp theo, đó là việc bày tỏ rằng Ukraine và Gruzia sẽ là thành viên của NATO vào một ngày nào đó.

Tôi không muốn để lại một khoảng trống trong chính trị quốc tế. Khi bạn nghĩ về điều đó, về mặt địa lý, chúng tôi đã bảo vệ Ba Lan và Romania và những quốc gia khác ở ngoại vi Ukraine, bởi vì họ có bảo đảm theo Điều 5. Bằng cách thậm chí không cho Ukraine một con đường trở thành thành viên NATO, có lẽ điều đó đã để lại một khoảng trống.

Bây giờ tôi nghĩ, với sự dũng cảm của người Ukraine, một điều mà ông Vladimir Putin đã làm là khiến Ukraine tiến đến gần NATO hơn, không phải với tư cách là một thành viên mà với tư cách là người thụ hưởng mọi thứ mà NATO có thể cung cấp ngoại trừ binh sĩ.

Có người nói rằng ông Vladimir Putin đã thành công trong việc chấm dứt chủ nghĩa hòa bình của Đức và nền trung lập của Thụy Điển trong vòng một năm. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy NATO với Thụy Điển và Phần Lan là thành viên. Vào thời điểm năm 2008, tôi không bao giờ dám mơ về điều này. Kết quả này là cái giá đắt mà người dân Ukraine phải trả và tôi không muốn giảm thiểu tổn thất đó. Khi chúng tôi thành công trong việc giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga, bất kể điều đó có nghĩa là gì, bất kể giải pháp cuối cùng là gì, chúng tôi sẽ thay đổi bộ mặt châu Âu theo hướng tốt đẹp hơn. Vì điều đó, chúng tôi phải cảm ơn người dân Ukraine.

VOA: Còn bây giờ thì sao? Bà vẫn sẽ tranh luận để NATO chấp nhận Ukraine ngay cả trước khi chiến sự kết thúc?

TS. Rice: Tôi nghĩ rằng rất khó để làm điều đó bởi vì nó đi kèm với một sự đảm bảo mà tôi không muốn thử, thẳng thắn mà nói, và nó sẽ mang lại cho ông Putin một kiểu chiến thắng về mặt tâm lý. Tôi nghĩ việc chúng ta đang ở đâu – như Bob Gates và tôi đã lập luận -- hoàn toàn cam kết bảo vệ Ukraine thông qua những gì chúng ta có thể cung cấp để người Ukraine có thể tự vệ – đó là nơi chúng ta cần đến.

Rồi sẽ đến lúc – tôi nghĩ rằng Tổng thống [Ukraine] [Volodymyr] Zelenskyy đã nói điều này – khi chúng ta phải suy nghĩ về cách đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai và những loại đảm bảo an ninh nào cần phải có. Nhưng tôi nghĩ đó là lúc khác. Chúng ta hãy làm mọi thứ có thể ngay bây giờ để đẩy lùi cuộc xâm lược và làm điều đó với tinh thần cấp bách để khi chúng ta bước vào giai đoạn tái thiết sau chiến tranh, Ukraine sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn.

VOA: Dường như có một sự đồng thuận hữu hảo giữa chính quyền Ukraine và Hoa Kỳ về việc sẽ giành chiến thắng ở Ukraine như thế nào – khôi phục chủ quyền của Ukraine đối với toàn bộ lãnh thổ của nước này trong các ranh giới được quốc tế công nhận – và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Thất bại của Nga sẽ như thế nào?

TS. Rice: Tôi không muốn nói về việc Nga bại trận. Tôi hy vọng rằng, từ quan điểm của Nga, có thể hiểu rằng họ đã không đạt được mục tiêu của mình. Vì họ chưa đạt được điều đó, thì đó là một thất bại. Bạn biết đấy, mọi người đang nói về việc Kyiv sụp đổ trong năm ngày, người Nga mặc quân phục đi duyệt binh ở Kiev. Rất nhiều điều đạt được khi nói đến những mục tiêu ban đầu của Nga. Bây giờ mục tiêu của Nga là bám trụ lãnh thổ mà họ đã sáp nhập bất hợp pháp. Đó là mục tiêu tiếp theo mà chúng ta cần phải có với việc đẩy lùi người Nga khỏi những tham vọng đã định. Sau đó, chúng ta sẽ xem họ còn đi đâu nữa.

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tập trung vào nhiệm vụ hiện tại, đó là đảm bảo rằng họ không thể chiếm giữ lãnh thổ bị sáp nhập một cách bất hợp pháp. Có một trận chiến đang diễn ra ở [khu vực] Donetsk vào lúc này; đó sẽ là mặt trận ở miền nam. Nhân tiện, họ cũng không thành công ở phía nam, điều mà họ đã định làm, bạn biết đấy – Kherson đã bị tấn công, nhưng nó được giải phóng. Trong một cuộc chiến, ghi nhớ các mục tiêu dài hạn là điều tốt, nhưng việc giành được các mục tiêu ngắn hạn quan trọng hơn khi bạn tiến về phía trước.

VOA: Chính quyền Hoa Kỳ và cộng đồng chuyên gia có nên chuẩn bị cho khả năng Nga bị rạn nứt để không lặp lại tình trạng năm 1991?

TS. Rice: Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta nên lập kế hoạch cho mọi tình huống bất ngờ, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng sẽ đến lúc một nước Nga khác có thể xuất hiện. Đã có dấu hiệu của điều này. Rất nhiều người đã rời nước Nga khi điều này bắt đầu – những doanh nhân trẻ, những người muốn trở thành một phần của cuộc cách mạng dựa trên tri thức. Này chị Tatiana, tôi có dạy một số người Nga này trong các lớp học của tôi ở trường Stanford. Sẽ có một nước Nga khác vào một ngày nào đó, và hy vọng, nó sẽ diễn ra trong hòa bình.

VOA: Quay trở lại năm 2008, bà có tin rằng phản ứng trước hành động gây hấn của ông Putin ở Gruzia lẽ ra phải mạnh mẽ hơn nhiều và sau đó là một lần nữa vào năm 2014 ở Ukraine? Bà có quy lỗi cho chính quyền Bush và chính quyền Obama sau đó đã không phản ứng đủ mạnh và do đó tạo điều kiện cho ông Putin mở cuộc xâm lược toàn diện không?

TS. Rice: Tôi không biết chúng ta có thể làm gì hơn nữa về Gruzia. Thành thật mà nói, tôi tin rằng chúng tôi đã ngăn chặn tham vọng chiếm Tbilisi của Nga. Họ rõ ràng muốn lật đổ [cựu Tổng thống Gruzia Mikheil] Saakashvili.

Hãy để tôi tận dụng cơ hội này thay mặt cho ông Misha Saakashvili để kêu gọi Gruzia hãy cảm thông. Ông Misha Saakashvili, người đang bị ốm và đang bị bắt giữ. Ông ấy là người mà tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu được vai trò lịch sử của ông ấy và hoàn cảnh nhân đạo ở đó. Nhưng chúng tôi đã ngăn họ khỏi Tbilisi. Gruzia vẫn là một quốc gia độc lập. Đúng vậy, Nga đã có thể chiếm được các vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia, nhưng thật không may, lực lượng gìn giữ hòa bình đã có mặt ở đó, đó là một sai lầm đã mắc phải sớm hơn nhiều. Tôi muốn thấy các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn sau Gruzia. Tất nhiên, chúng tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, và có những vấn đề kinh tế khác.

Crimea, có lẽ đã có thể có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Một điều mà tôi sẽ nói về Crimea là người Ukraine và chúng tôi - Châu Âu và Hoa Kỳ - đã sử dụng khoảng thời gian từ khi Crimea bị sáp nhập đến bây giờ để xây dựng một lực lượng phòng thủ Ukraine rất ấn tượng. Quân đội Ukraine chiến đấu như quân đội hiện đại; họ chiến đấu bằng nguỵ trang và cơ động, đó là một phần lý do tại sao người Nga gặp khó khăn như vậy. Họ chiến đấu như một lực lượng thế kỷ 20, 19.

Tôi nghĩ Ukraine đã mạnh hơn sau khi Crimea bị sáp nhập. Tôi nghĩ rằng Ukraine đã bắt đầu hàn gắn một số xung đột nội bộ của mình, và rõ ràng, ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc Ukraine đã nổi lên, ngay cả với những người ở phía đông. Mặc dù tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn, nhưng thời gian đó đã không bị mất đi.

VOA: Bà có bất ngờ trước phản ứng của người Ukraine không, và bà có điều gì muốn nói trực tiếp với người dân Ukraine không?

TS. Rice: Mọi người đều ngạc nhiên trước khả năng của Ukraine, có thể không phải bởi phản ứng. Tôi đã đến Kyiv nhiều lần và tôi cũng đã đến các vùng khác của Ukraine. Tôi hiểu bản sắc của người Ukraine mạnh mẽ đến mức nào. Tôi biết họ yêu ngôn ngữ của họ đến mức nào, ngôn ngữ này rất khác với tiếng Nga. Tôi nói với mọi người rằng tôi nói tiếng Nga rất tốt. Tôi có thể mắc lỗi trong tiếng Ukraina vì chúng không cùng ngôn ngữ. Vâng, tôi biết tất cả những điều đó. Nhưng bạn phải kinh ngạc trước sự thống nhất của đất nước, sự sẵn sàng hy sinh và kỹ năng của các lực lượng Ukraine. Tôi muốn nói với người dân Ukraine: Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ các nguyên tắc và giá trị mà chúng ta đã tán thành trong suốt những năm qua – quyền tự do cá nhân, quyền tự do và quyền quyết định tương lai của một quốc gia. Nước Mỹ, tôi tin, đang sát cánh với các bạn. Tôi tin rằng người Mỹ đang sát cánh với các bạn.

Tôi rất biết ơn vì người Ukraine đã phản ứng theo cách của họ. Nó rất khó khăn, và nó chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn. Nhưng tôi hy vọng rằng người dân Ukraine cũng tin tưởng, giống như tôi, rằng chúng tôi sẽ sát cánh với các bạn khi kẻ xâm lược bị đẩy lùi và đã đến lúc tái thiết.


************

Belgrade tố cáo Wagner tuyển dụng người Serbia để chiến đấu ở Ukraina

Phan Minh

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 16/01/2023 đã cáo buộc nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga sau khi tổ chức bán quân sự này đăng trên các phương tiện truyền thông địa phương thông báo tuyển mộ người Serbia sang chiến đấu ở Ukraina.

Từ Belgrade, thông tín viên Laurent Rouy cho biết cụ thể :

“Tại sao Wagner làm vậy ở Serbia ?” Tổng thống Aleksandar Vucic băn khoăn về thông báo tuyển dụng của nhóm bán quân sự này. Các thông báo tuyển dụng bất thường này đã được kênh Russia Today thân Nga loan báo, kênh được phát sóng ở Serbia kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, một luật Serbia được thông qua vào năm 2014, cấm tham gia vào một cuộc xung đột ở nước ngoài. Luật này được ban hành để ngăn không cho người Serbia sang chiến đấu ở Donbass.

Nếu ông Vucic đang làm mọi cách để thể hiện thái độ trung lập xa cách với Nga, thì một số bộ trưởng bày tỏ lập trường thân Nga, trong khi một số khác thì bày tỏ sự gắn bó với Bruxelles. Trong lúc hỗn loạn, phe cực hữu Serbia thường xuyên thể hiện thái độ quý mến Putin và một trong những đại diện của phe này thậm chí từng đến thăm trụ sở của Wagner vào cuối tháng 11. Tương tự như vậy, một bức tranh vẽ trên tường ca ngợi Wagner đã xuất hiện cách đây vài ngày ở thủ đô Belgrade.

Mặc dù vậy, nhà tài phiệt người Nga Evgueny Prigozine, người đứng đầu Wagner khẳng định không hề có, dù ở mức độ nhỏ nhất, hoạt động tại Serbia. Do đó, mối quan tâm thực sự của người Serbia đối với Wagner vẫn còn là một ẩn số và ngược lại.


************
rfi.fr

Challenger, Leopard, Bradley: Uy lực xe tăng mà Ukraina sắp tiếp nhận ra sao?

Trọng Nghĩa

Từ Pháp, Đức Mỹ cho đến Anh Quốc, Ba Lan hay Phần Lan, trong những tuần lễ đầu tiên của năm 2023, vào lúc cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga sắp bước qua năm thứ hai, một loạt nước đồng minh của Kiev, mở đầu là Pháp, đã thông báo quyết định viện trợ chiến xa và xe thiết giáp cho Ukraina, đáp ứng yêu cầu ngày càng khẩn thiết của Kiev.

Theo giới phân tích quân sự, các loại vũ khí hiện đại sắp tiếp nhận sẽ cho phép Quân Đội Ukraina nâng cao năng lực hỗ trợ các đơn vị bộ binh và thiết giáp hạng nhẹ của mình cũng như tăng cường khả năng phá hủy xe tăng, thường được lưc lượng Nga dùng làm chủ lực.

Ghi nhận đầu tiên là xe tăng mà phương Tây hứa cung cấp cho Ukraina rất đa dạng, từ các loại hạng năng (gọi là chiến xa) như Challenger 2 của Anh, và có thể là Leopard 2 của Đức, cho đến các phương tiện hạng nhẹ (thường gọi là xe thiết giáp), như Bradley của Mỹ hay Marder của Đức. Riêng loại AMX 10 RC của Pháp nằm giữa hai loại trên.

Dẫu sao thì các loại vũ khí trên được cho là có uy lực vượt trội so với những gì mà Quân Đội Ukraina hiện có. Theo hãng tin Pháp AFP, cho đến nay, Kiev mới chỉ nhận được từ các đồng minh của mình gần 300 xe tăng hạng nặng do Liên Xô thiết kế, hoặc các loại thiết vận xa, xe trinh sát bọc thép hạng nhẹ được Pháp, Đức, Mỹ hay Úc viện trợ.

Challenger 2 của Anh Quốc

Trong một bài phân tích ngày 15/01, kênh truyền thông Pháp Franceinfo đã tìm hiểu thêm về uy lực của các loại chiến xa và xe thiết giáp mới được cam kết cho Ukraina, trước hết là loại chiến xa Challenger 2 do Anh Quốc chế tạo mà Kiev chắc chắn sẽ nhận được.

Theo truyền thông Anh Quốc, Challenger 2, được chế tạo vào cuối thập niên 1990, dù không phải là loại chiến xa tối tân nhất hiện nay, nhưng sẽ là loại xe tăng hiện đại nhất mà Ukraina có được.

Chuyên gia địa chính trị Peer de Jong, cựu đại tá Thủy Quân Lục Chiến, hiện là phó chủ tịch viện đào tạo Themiis, nhận xét: Đó là những cỗ máy chiến tranh đáng gờm, có hỏa lực hùng hậu, có thể dùng để chọc thủng các phòng tuyến của đối phương, băng qua các chiến hào.”

Truyền thông Anh cũng nhấn mạnh trên hỏa lực mạnh mẽ của loại chiến xa Challenger 2, được trang bị một khẩu đại bác 120 mm và khẩu đại liên 7,62 mm. Theo đại tá Hamish de Bretton Gordon, được truyền thông Anh dẫn lời, việc đưa loại xe tăng này của phương Tây vào sử dụng có thể "làm nghiêng tương quan lực lượng" trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraina.

Vấn đề mà giới chuyên gia quân sự đặt ra là số lượng chiến xa mà Ukraina có được. Luân Đôn xác nhận sẽ gởi qua Ukraina 14 chiếc Challenger 2, một số lượng còn rất ít.

Theo cựu đại tá De Jong, với một số lượng chiến xa ít ỏi, lực lượng Ukraina “chỉ có thể phòng thủ, mà không thể thực hiện các hoạt động tấn công đánh vào quân Nga”. Mặt khác, để sử dụng tốt loại vũ khí này, Kiev cần đến các phương tiện hậu cần cực kỳ quan trọng.

Đối với ông De Jong, Ukraina phải cần đến hàng tram chiến xa như loại Challenger, chứ nếu chỉ có vài chục chiếc thì không tài nào làm thay đổi được cán cân quyền lực.

Leopard 2 do Đức thiết kế

Ngoài 14 chiếc Challenger 2 đã được Luân Đôn hứa giúp, rất có thể Ukraina sẽ nhận được loại chiến xa Leopard 2 do Đức chế tạo, nhưng được Ba Lan cung cấp. Theo hãng tin Pháp AFP, ba hôm trước thông báo của Anh, nhân chuyến thăm Ukraina, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 11/01 cho biết nước ông sẵn sàng gởi qua Ukraina 14 chiếc  xe tăng Leopard 2 “trong khuôn khổ một liên minh [quốc tế] đang được xây dựng”.

Leopard 2 là chiến xa hạng nặng do Đức thiết kế và nổi tiếng là một trong những loại xe tăng tốt nhất trên thế giới hiện nay. Trên tuần báo Pháp L’Express, ông Marc Chassillan, chuyên gia tư vấn về xe bọc thép, nhấn mạnh là loại Leopard 2 “đã được thiết kế để vượt trội các loại chiến xa T72 và T80, những chiếc xe tăng chủ lực của Liên Xô”. Theo chuyên gia Chassillan, chiến xa Leopard có khả năng nhìn rõ hơn, bắn xa hơn và di chuyển nhanh hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đèn xanh của Berlin là điều cần thiết để đưa xe tăng do Đức sản xuất vào chiến trường, kể cả khi quyền sở hữu thuộc về các quốc gia khác. Đức chưa bật đèn xanh nhưng theo AFP và L'Express, các thông báo mới sẽ đưa ra vào ngày 20/1, nhân hội nghị các đồng minh của Ukraina tại Ramstein (Đức).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/01 đã xác nhận rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina sẽ tăng lên trong thời gian tới, và Liên Minh xem việc “cung cấp cho Ukraina vũ khí cần thiết để giành chiến thắng” là điều quan trọng.

AMX-10 RC của Pháp

Về phần nước Pháp, ngày 04/01, tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky rằng Pháp sẽ chuyển giao "xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX-10 RC" cho Ukraina.

Tướng Jean-Paul Paloméros, cựu tham mưu trưởng Không Quân Pháp ghi nhận rằng xe tăng Pháp chỉ nặng khoảng 20 tấn, không phải là thế hệ mới, nhưng đã chứng tỏ được hiệu năng tác chiến trên chiến trường. Loại xe tăng hạng nhẹ này có “hỏa lực tấn công đáng kể nhờ được trang bị đại bác 105 mm.

Theo Edouard Jolly, chuyên gia nghiên cứu lý thuyết về xung đột vũ trang và triết lý chiến tranh tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Quân Sự Pháp, những chiếc xe tăng hạng nhẹ này được sử dụng trong các hoạt động trinh sát nguy hiểm, khi cần phải đi kiểm tra địa hình để chuẩn bị cho những chiến dịch tấn công hoặc phản công.

Dĩ nhiên là loại chiến xa hạng nhẹ này không bằng chiến xa Leclerc, biểu tượng của Lục Quân Pháp hiện nay.

Cho đến lúc này, Paris vẫn chưa nêu rõ số lượng xe tăng sẽ được chuyển giao cho Quân Đội Ukraina.

Bradley của Mỹ: Sát thủ chống tăng

Trong số các loại vũ khí mới mà Ukraina sắp được nhận, giới quan sát rất chú ý đến 50 chiếc xe thiết giáp loại M2 Bradley mà Hoa Kỳ sẽ cung cấp.

Đây là loại phương tiện được chính thức gọi là xe chiến đấu bộ binh (IFV) được thiết kế để đưa quân ra chiến trường và hỗ trợ hỏa lực trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Vì vậy, M2 Bradley có uy lực hơn nhiều so với các loại thiết vận xa chở quân hạng nhẹ như M113 và VAB mà NATO đã viện trợ cho Ukraina trong thời gian gần đây.

Là loại xe thiết giáp chủ yếu của Lục Quân Mỹ hiện nay, có khả năng vận chuyển đến 7 người lính và hỗ trợ cho bộ binh, đặc điểm của M2 Bradley là được trang bị tên lửa chống tăng. Ngoài súng đại liên M242 Bushmaster 25 mm có khả năng xuyên thủng vỏ thép, M2 Bradley còn mang theo hệ thống phóng tên lửa chống tăng (7 tên lửa), dùng loại tên lửa chống tăng dẫn đường 71 TOW.

Khả năng kép của M2 Bradley sẽ cho phép Quân Đội Ukraina tăng cường đáng kể khả năng của bộ binh, cho dù là chống lại bộ binh Nga hay chống lại các phương tiện bọc thép của Nga
*************
rfi.fr

Bộ trưởng Nội Vụ Ukraina thiệt mạng do tai nạn trực thăng

Phan Minh

Hôm nay 18/01/2023 tại Brovary gần khu vực Kiev đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có bộ trưởng Nội Vụ Ukraina.

Lãnh đạo cảnh sát quốc Ukraina cho biết, trong thông cáo báo chí được AFP trích dẫn, trong số những người thiệt mạng, ngoài bộ trưởng Denys Monastyrsky, còn có thứ trưởng thứ nhất của Yevgeny Yenine, quốc vụ khanh Yuriy Lubkovych cùng với 6 nạn nhân khác.

Theo đoạn video được đăng trên mạng xã hội, một đám cháy lớn đã bùng phát ở một tòa nhà dân cư gần nơi chiếc trực thăng bị rơi. Ngoài ra cũng có thể thấy phần còn lại của chiếc trực thăng bị lẫn trong các mảnh vỡ, gần một chiếc ô tô bị phá hủy. Lực lượng cứu hỏa và cảnh sát đã có mặt tại hiện trường. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về nguyên nhân của vụ tai nạn.

Về phần mình, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã gửi lời chia buồn tới Ukraina sau khi Liên Âu mất "một người bạn lớn"
*************
voatiengviet.com

Lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ và Ukraine họp tại Ba Lan


Tướng Mỹ Mark Milley và người đồng cấp phía Ukraine họp tại một căn cứ quân sự ở Ba Lan hôm 17/1 trong cuộc họp trực diện đầu tiên, một tín hiệu cho thấy sự phối hợp ngày càng cao giữa hai nước Mỹ và Ba Lan ủng hộ quốc phòng của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga kéo dài 11 tháng nay.

Tướng Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Tướng Valerii Zaluzhnyi của Ukraine thảo luận trong hai giờ đồng hồ tại một địa điểm không được tiết lộ gần biên giới Ba Lan-Ukraine.

Cuộc họp diễn ra trong lúc Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục gửi hàng tỷ đô la hoặc võ khí sang Ukraine để chống lại các cuộc không kích của Nga dù các cuộc chiến đấu trên bộ ở miền đông Ukraine đang bế tắc, chưa bên nào chiếm được quyền kiểm soát hoàn toàn.

Trong khi Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường không gửi quân sang sát cánh với lực lượng Ukraine, nhưng Mỹ đã ngày càng trở nên can dự hơn một cách chiến lược vào cuộc chiến.

Một phát ngôn nhân cho Tướng Milley, ông Dave Butler, cho biết cuộc họp tạo điều kiện để ông Milley truyền đạt những quan tâm và thông tin của ông Zaluzhnyi tới các lãnh đạo quân sự khác tại cuộc họp NATO trong tuần này.

Tướng Milley và những người đồng cấp trong liên minh NATO sẽ họp tại Brussels vào thứ Tư, thứ Năm. Sau đó, Nhóm Liên lạc Ukraine sẽ họp tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Nhóm này bao gồm khoảng 50 quan chức quốc phòng hàng đầu trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người đang điều phối các đóng góp quân sự cho Ukraine.


************

Cố vấn tổng thống Ukraine từ chức sau phát biểu sai quan điểm về Dnipro


Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych xin từ chức sau khi nói tên lửa do Ukraine bắn hạ rơi xuống thành phố Dnipro làm chết 41 người.

Cố vấn tổng thống Ukraine từ chức sau phát biểu sai quan điểm về Dnipro - Ảnh 1.

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych - Ảnh: MARCA/Twitter

Nga và Ukraine đang đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ tên lửa làm sập một chung cư ở Dnipro, thành phố lớn thứ tư của Ukraine.

Cố vấn tổng thống Ukraine từ chức

Cuối tuần trước, Nga không kích nhiều địa điểm khắp Ukraine. Phía Ukraine khẳng định một vụ không kích ngày 15-1 đã trúng tòa nhà chung cư ở thành phố Dnipro, làm chết ít nhất 14 người. 

Số người chết trong vụ này đã lên con số 41, theo cập nhật của Hãng tin Reuters chiều 17-1 (giờ Việt Nam).

Cho đến nay, Nga và Ukraine đều tuyên bố trái ngược về việc này.

Trả lời vấn đề trên ngày 16-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quân đội Nga không nhắm mục tiêu vào các tòa nhà dân cư. Ông khẳng định tòa nhà ở Dnipro bị trúng tên lửa do hệ thống phòng không Ukraine.

Ngược lại, không quân Ukraine nhấn mạnh tòa nhà ở Dnipro trúng loại tên lửa diệt hạm Kh-22 của Nga, và thực tế Ukraine "không có biện pháp nào" ngăn chặn và bắn rơi loại tên lửa này.

Sự thừa nhận nêu trên gián tiếp khẳng định Ukraine không chịu trách nhiệm về thảm họa Dnipro. Tuy nhiên, Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych lại nói… sai quan điểm.

Ông Arestovych khẳng định Ukraine đã bắn hạ tên lửa Nga, và phải xin lỗi do vướng chỉ trích vì câu nói này. Theo Arestovych, đó chỉ là một phỏng đoán của ông về tên lửa Nga.

Ngày 17-1, ông Arstovych tuyên bố từ chức trên Facebook vì bình luận nêu trên: "Tôi xin thành thật xin lỗi nạn nhân và thân nhân của họ, cư dân của Dnipro và tất cả những người đã chịu tổn thương sâu sắc từ sai lầm của tôi trong việc nêu lý do tên lửa Nga tấn công tòa nhà dân cư".
**********

Thủ tướng Đức có sự bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới ‘đầy bất ngờ’

Văn Khoa

Thủ tướng Olaf Scholz hôm nay 17.1 đã chọn ông Boris Pistorius ít được biết đến làm bộ trưởng quốc phòng mới của Đức, sau khi bà Christine Lambrecht quyết định rời khỏi vị trí này vào thời điểm quan trọng, theo AFP.

Ông Pistorius (62 tuổi), thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz và trưởng cơ quan nội vụ của bang Lower Saxony, là một lựa chọn bất ngờ cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức, theo AFP. Nhiều chính trị gia nổi tiếng hơn đã từng được cho là đang tranh cử cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức, chẳng hạn như bà Eva Hoegl, ủy viên quốc hội về các lực lượng vũ trang, và Bộ trưởng Việc làm Hubertus Heil.

Thủ tướng Đức có sự bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới ‘đầy bất ngờ’ - ảnh 1
Ông Boris Pistorius trong một cuộc họp báo ở Đức vào năm 2015

ReuterS

Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz khẳng định ông Pistorius là người phù hợp cho vị trí bộ trưởng quốc phòng vào thời điểm Đức đang tìm cách cải tổ và hồi sinh lực lượng vũ trang của mình để đối phó chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. “[Ông] Pistorius là một chính trị gia giàu kinh nghiệm… đã tham gia vào chính sách an ninh trong nhiều năm, và với năng lực, sự quyết đoán và trái tim rộng lớn của mình, ông ấy chính xác là người phù hợp để lãnh đạo Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức) vượt qua thời kỳ có nhiều thay đổi này”, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.

Trước đó, Hãng DW ngày 16.1 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht chính thức nộp đơn từ chức, sau khi truyền thông nước này loan tin bà đã có ý định từ chức vì thông điệp năm mới gây nhiều chỉ trích. Trong thông điệp đó, được đăng trên mạng xã hội, bà Lambrecht đề cập cuộc chiến tại Ukraine giữa tiếng pháo giao thừa. Xung đột tại Ukraine đã dẫn đến “rất nhiều trải nghiệm đặc biệt” và cơ hội “có nhiều cuộc gặp với những người vĩ đại và thú vị”, AFP dẫn lời bà Lambrecht nói trong đoạn phim đăng trên tài khoản Instagram cá nhân.

Thủ tướng Đức có sự bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới ‘đầy bất ngờ’ - ảnh 2

Việc bà Lambrecht từ chức diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Đức, khi Berlin đang chịu áp lực phải gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine.

Các đồng minh của Đức hôm nay đã tăng áp lực lên Thủ tướng Scholz nhằm cho phép họ gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất sang Ukraine, trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng vào ngày 20.1, theo Reuters.


*********

Tin tức thế giới 18-1: Anh, Hà Lan chuyển vũ khí cho Ukraine; Pfizer bán thuốc rẻ cho nước nghèo


Tin tức thế giới 18-1: Anh, Hà Lan chuyển vũ khí cho Ukraine; Pfizer bán thuốc rẻ cho nước nghèo - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius - Ảnh: AFP

* Đức có tân bộ trưởng quốc phòng. Ngày 17-1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố chọn ông Boris Pistorius là người chịu trách nhiệm dẫn dắt các lực lượng vũ trang của nước này giữa thời điểm của những thay đổi quan trọng. 

Ông Pistorius, 62 tuổi, được bổ nhiệm thay cho bà Christine Lambrecht từ chức ngày 16-1 sau khi chính quyền Berlin gặp áp lực trong việc gửi xe tăng tới hỗ trợ Ukraine. Ông Pistorius sẽ chính thức làm việc kể từ ngày 19-1.

Ông Scholz gọi ông Pistorius là "một chính trị gia cực kỳ kinh nghiệm", là người "đã tham gia vào chính sách an ninh trong nhiều năm và với năng lực, sự quyết đoán và trái tim quảng đại của mình, chính xác là người phù hợp để lãnh đạo các lực lượng vũ trang vượt qua thời đại thay đổi này".

Ngay sau khi nhậm chức, ông Pistorius sẽ tiếp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Berlin ngày 19-1 với ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự là Ukraine. Sau đó, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, cơ quan điều phối các nguồn cung cấp vũ khí cho Kiev, sẽ họp tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 20-1.

Trước đó, Đức đã nhiều lần bị chỉ trích vì không thống nhất được loại vũ khí nào sẽ gửi tới Ukraine, và hiện đang chịu áp lực từ Kiev trong việc cung cấp xe tăng chiến đấu.

Anh quyết tâm chuyển xe tăng cho Ukraine

Anh nói cung cấp xe tăng cho Ukraine vì "mệnh lệnh đạo đức". Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington (Mỹ), Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng London quyết định gửi xe tăng tới Ukraine vì "chúng tôi nhận ra rằng họ cần năng lực để kháng cự mạnh mẽ ở phía đông và phía nam". 

Đây là những khu vực trọng tâm của cuộc xung đột kéo dài 11 tháng qua. Trong khi đó, ông Blinken úp mở Mỹ sẽ đưa ra tuyên bố hỗ trợ thêm cho Kiev trong những ngày tới.

Tin tức thế giới 18-1: Anh, Hà Lan chuyển vũ khí cho Ukraine; Pfizer bán thuốc rẻ cho nước nghèo - Ảnh 3.

Một xe tăng của Ukraine di chuyển tại Bakhmut, trung tâm chiến sự ở miền đông nước này, ngày 17-1 - Ảnh: AFP

Ngoài ra, ông Cleverly cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để phá vỡ sự bế tắc trên chiến trường. Việc Anh tuyên bố chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine làm gia tăng áp lực lên Đức trong việc cung cấp xe tăng Leopard 2.

* Pfizer tăng cường bán thuốc giá không lợi nhuận cho các nước nghèo. Trong tuyên bố ngày 17-1, hãng dược Mỹ hứa sẽ mở rộng số thuốc, vắc xin bán với giá gốc cho 45 quốc gia có thu nhập thấp, từ 25 lên 500 loại thuốc có bản quyền.

Các nước đang phát triển chịu 70% gánh nặng bệnh tật của thế giới nhưng chỉ nhận được 15% chi tiêu y tế toàn cầu, dẫn đến những hậu quả tàn khốc.

Ukraine nhận tên lửa Patriot của Hà Lan

Hà Lan tính tham gia cung cấp tên lửa Patriot cho Kiev. Ngày 17-1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông sẽ tham gia cùng Mỹ, Đức cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. 

Hà Lan không sở hữu hệ thống Patriot và trong phỏng vấn với Đài CNN sau đó, ông Rutte giải thích nước này có thể cung cấp các bộ phận hoặc đào tạo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết Amsterdam đang tham vấn với Mỹ, Đức về việc cung cấp năng lực Patriot cho Kiev. Đầu tháng này, Berlin đã tuyên bố sẽ chuyển hệ thống tên lửa này sang Ukraine.

Tin tức thế giới 18-1: Anh, Hà Lan chuyển vũ khí cho Ukraine; Pfizer bán thuốc rẻ cho nước nghèo - Ảnh 4.

Nữ tu Lucile Randon là một trong những người sống thọ nhất thế giới - Ảnh: AFP

* Người già nhất thế giới qua đời. Nữ tu người Pháp Lucile Randon, sinh năm 1904, qua đời trong giấc ngủ ngày 17-1 tại Toulon (Pháp) ở tuổi 118. 

Bà sống qua các cuộc chiến tranh thế giới và gần đây từng mắc COVID-19 nhưng đã vượt qua. Bà Randon trở thành người sống thọ nhất thế giới sau khi cụ bà người Nhật Bản Kane Tanaka, 119 tuổi, mất vào năm ngoái.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chạm đáy trong năm 2023. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2,7%, giảm so với 3,2% của năm ngoái, trước khi hồi phục vào năm 2024. 

Phát biển ngày 17-1 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023 đang diễn ra ở thành phố Davos (Thụy Sĩ), bà Georgieva cho rằng 3 thách thức lớn đối với kinh tế thế giới là xung đột Nga - Ukraine, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lãi suất cao ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. 

Bà kêu gọi thế giới cần điều chỉnh để đảm bảo nguồn cung "một cách thông minh".

Đức khẳng định không suy thoái. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ vượt qua khủng hoảng giá năng lượng tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine. 

"Điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta sẽ không rơi vào suy thoái năm 2023", Hãng tin AFP dẫn lời ông Scholz. 

Trong dự báo gần đây vào tháng 10-2022, chính quyền Berlin ước tính kinh tế nước này sẽ tăng trưởng -0,4% trong năm nay
**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn