• Vitaly Shevchenko
  • BBC Monitoring

Shakhtar Donetsk FC owner Rinat Akhmetov carried by the players

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông chủ Shakhtar Donetsk FC, Rinat Akhmetov ăn mừng cùng các cầu thủ

Trong hàng thập kỷ, các doanh nhân siêu giàu của Ukraine đã nắm giữ quyền lực kinh tế và chính trị to lớn trong nước. Tuy nhiên, kể từ cuộc xâm lược của Nga, các nhà tài phiệt khét tiếng nhất Ukraine đã mất hàng tỷ USD doanh thu.

Có phải triều đại của các tài phiệt Ukraine cuối cùng đã đi tới hồi kết?

Đối với nhiều người, người đàn ông giàu nhất Ukraine - Rinat Akhmetov, 56 tuổi - là hình mẫu của một nhà tài phiệt.

Là con trai của một thợ mỏ trở thành tỷ phú tự thân, ông nổi tiếng khắp Ukraine như 'Vua của Donbas'.

Cùng với việc sở hữu các khu công nghiệp thép và than rộng lớn ở phía đông, bao gồm nhà máy thép Azovstal hiện đang nằm trong đống đổ nát, ông cũng sở hữu Shakhtar Donetsk FC, một trong những đội bóng tốt nhất của Ukraine, và một trong những kênh truyền hình chính của đất nước.

Nhưng ngoài sự giàu có phi thường của họ, các nhà tài phiệt Ukraine còn nổi tiếng về việc nắm giữ quyền lực chính trị. Năm 2017, viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London nói rằng các nhà tài phiệt gây ra "mối nguy hiểm lớn nhất đối với Ukraine".

Thông qua một mạng lưới rộng lớn các đồng minh và nghị sỹ trung thành, các nhà tài phiệt Ukraine đã nhiều lần gây ảnh hưởng đến việc thông qua các luật đem lại lợi ích cho đế chế kinh doanh của riêng họ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi họ là "nhóm người nghĩ rằng họ quan trọng hơn các nhà lập pháp, quan chức chính phủ hay thẩm phán".Nhưng giống như rất nhiều thường dân khác, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014, công việc kinh doanh của họ đã bị phá hủy bởi tên lửa và tài sản của họ bị mất vào tay sự chiếm đóng của Nga.

Xung đột ở phía đông

Nhiều người cảm thấy rằng với tư cách là người giàu nhất Ukraine, ông Akhmetov lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa ngay từ đầu để dập tắt chủ nghĩa ly khai do Nga thúc đẩy ở quê nhà.

Khi ảnh hưởng của Nga, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự, lan rộng ở Donbas, ông đã yêu cầu các nhà máy của mình hú còi báo động để phản đối. Ông cũng đưa ra những tuyên bố chỉ trích phe ly khai.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một quân nhân Nga tuần tra gần nhà máy thép Azovstal của Akhmetov ở Mariupol

Nhưng ngoài việc tài trợ và ủng hộ cuộc kháng chiến, ông bị chỉ trích là hành động quá ít.

Đặc biệt khi so sánh với một nhà tài phiệt khác của Ukraine, tỷ phú Ihor Kolomoisky.

Tháng 3/2014, ông này được bổ nhiệm làm thống đốc vùng Dnipropetrovsk, đông nam Ukraine.

Khi cuộc xung đột leo thang, ông Kolomoisky đã bơm hàng triệu USD cho các tiểu đoàn tình nguyện của Ukraine. Ông treo thưởng cho ai bắt được lính do Nga hậu thuẫn và cung cấp nhiên liệu cho quân đội Ukraine.

Nhưng trong năm 2019, ông thấy mình bất hòa với người tiền nhiệm của Tổng thống Zelensky, Petro Poroshenko.

Quốc hội khi đó đã thông qua một đạo luật dẫn đến việc ông Kolomoisky mất quyền kiểm soát một công ty dầu khí. Phản ứng của ông? Xuất hiện tại trụ sở của công ty dầu mỏ với những người đàn ông được cáo buộ có mang theo các khẩu súng máy.

Nhưng khi chiến tranh nổ ra ở phía đông, và với việc mất thêm nhiều nhà máy, hầm mỏ và đất canh tác màu mỡ, sự sụp đổ của các nhà tài phiệt Ukraine đang diễn ra.

Cuộc chiến của Zelensky với giới siêu giàu

Cú giáng tiếp theo xảy ra vào cuối năm 2021, khi Ukraine thông qua điều được gọi là "dự luật phi tài phiệt chính trị".

Luật mới của Tổng thống Zelensky định nghĩa một nhà tài phiệt là người đáp ứng ba trong số bốn điều kiện sau: nắm giữ ảnh hưởng đối với giới truyền thông hoặc chính trị, sở hữu độc quyền và kiếm được hàng triệu USD mỗi năm.

Tất cả những người đủ tiêu chuẩn đều phải bị kiểm tra thêm và bị cấm tài trợ cho các đảng phái chính trị.

Để tránh bị đưa vào danh sách của Zelensky, Rinat Akhmetov ngay lập tức bán tất cả các công ty truyền thông của mình.

Nhưng sau đó là sự leo thang xung đột kịch tính của Nga - cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Một Ukraine dân chủ hơn?

Chiến tranh chỉ làm tăng thêm việc mất thu nhập của những người siêu giàu ở Ukraine.

Nhưng sự sụp đổ của họ có củng cố nền dân chủ của Ukraine?

"Chắc chắn rồi," Sevgil Musayeva, tổng biên tập trang tin tức nổi tiếng Ukrainska Pravda, nói.

Serhiy Leshchenko, trước đây là một trong những nhà báo điều tra nổi tiếng nhất của Ukraine và hiện là cố vấn cho chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho rằng: "Luật phi tài phiệt chính trị là một trong những nguyên nhân chính đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của họ.

"Nhưng khi chiến tranh leo thang, nó khiến cuộc sống của các nhà tài phiệt thậm chí còn khó khăn hơn," ông Leshchenko nói với BBC. "Họ đã buộc phải tập trung vào sự sống còn hơn là chính trị trong nước."

Bà Musayeva nói: "Cuộc chiến này là khởi đầu cho sự kết thúc của giới tài phiệt ở Ukraine.

Tuy nhiên, bà cảnh báo, việc ngăn chặn sự xuất hiện của các nhà tài phiệt mới phụ thuộc vào các tổ chức xã hội dân sự và chống tham nhũng của Ukraine. Và tất nhiên, sự sống còn của nền dân chủ ở Ukraine phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến với Nga.

Phóng viên Claire Jude Press