Chiến đấu cơ J-11 của hải quân Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Quân đội Mỹ nói chiến đấu cơ J-11 của hải quân Trung Quốc bay chỉ cách ba mét so phần cánh, và sáu mét so với phần mũi của chiếc RC-135 thuộc hải quân Hoa Kỳ vào ngày 21/12

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, chiếc máy bay quân sự của Mỹ có liên quan đến vụ 'áp sát' với chiến đấu cơ của Trung Quốc tại vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông hồi tuần trước đã vi phạm luật quốc tế và khiến an toàn của phi công Trung Quốc gặp rủi ro.

Trước đó, hôm thứ Năm 29/12, quân đội Mỹ nói chiếc máy bay chiến đấu J-11 của hải quân Trung Quốc đã bay chỉ cách ba mét so phần cánh, và sáu mét so với phần mũi của chiếc RC-135 của hải quân Hoa Kỳ vào ngày 21/12, và buộc phía Mỹ phải thực hiện các động tác di chuyển để tránh một vụ va chạm.

Thế nhưng trong một tuyên bố cuối ngày thứ Bảy 31/12, ông Điền Quân Lý, người phát ngôn Quân khu Miền nam của Trung Quốc nói rằng Mỹ đã dẫn dắt sai công chúng về vụ việc xảy ra gần quần đảo Paracel mà phía Việt Nam gọi là Hoàng Sa trên Biển Đông.

Ông Điền nói máy bay Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế, xem thường những lời cảnh báo liên tục từ phía Trung Quốc và tiến hành áp sát nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn của chiến đấu cơ Trung Quốc.

"Phía Mỹ đã cố tình dẫn dắt sai ý kiến dư luận... nhằm nỗ lực gây rối cho độc giả quốc tế," ông Điền tuyên bố.

"Chúng tôi nghiêm túc yêu cầu phía Mỹ kiềm chế các hành động lực lượng không quân và hải quân tiền tuyến, tuân thủ nghiêm khắc luật và các thỏa thuận quốc tế, và ngăn chặn các vụ tai nạn trên biển và trên không."

Trước đó, phía Mỹ đã gọi vụ áp sát là xu thế mới đây cho thấy hành vi ngày càng nguy hiểm của các chiến đấu cơ Trung Quốc.

Trong tuyên bố hôm 29/12, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ nói, "Chúng tôi kỳ vọng tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sử dụng không phận quốc tế an toàn và tuân theo luật pháp quốc tế."

Mỹ khẳng định, "Chiến đấu cơ RC-135 đang thực hiện hoạt động thường kỳ hợp pháp trên Biển Đông và trong vùng không phận quốc tế", theo tuyên bố.

Mỹ khi đó đã đưa vấn đề này lên chính phủ Trung Quốc, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ.

Biển Đông là một trong những khu vực có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới - với một số quốc gia tuyên bố quyền sở hữu các đảo nhỏ và rạn san hô và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt đối với khu vực tranh chấp này và đã nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự để hỗ trợ những tuyên bố đó.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam phản đối việc Trung Quốc ra yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông.