Ba Lan ủng hộ Anh mạnh trong vụ Skripal

Thứ Năm, 15 Tháng Ba 20184:57 SA(Xem: 7143)
Ba Lan ủng hộ Anh mạnh trong vụ Skripal
bbc.com
Thủ tướng Mateusz Morawiecki Bản quyền hình ảnh Twitter
Image caption Thủ tướng Mateusz Morawiecki của Ba Lan lên mạng Twitter để ủng hộ bà Theresa May và Anh Quốc đối đầu lại Anh

Thủ tướng Mateusz Morawiecki là lãnh đạo châu Âu bày tỏ rõ ràng nhất sự ủng hộ với kế hoạch của Anh Quốc đối phó với Nga sau vụ đánh độc nhà Skripal.

Ngay sau khi thủ tướng Theresa May trình bày tại Quốc hội Anh hôm 14/03 một loạt biện pháp ngoại giao để bày tỏ thái độ với Moscow sau vụ Skripal, Ba Lan là nước nhanh chóng lên tiếng ủng hộ.

Anh sẽ 'trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga'

Nga phải 'giải thích' về vụ đánh độc Skripal

London có thêm vụ người Nga 'chết khó hiểu'

Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal

Thủ tướng Morawiecki ùng ngày đã nhắn trên Twitter rằng Ba Lan "đoàn kết với bà May" và rằng ông "hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Anh yêu cầu có phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Các báo châu Âu ghi nhận cả sự ủng hộ của lãnh đạo Pháp và Đức, rồi tới Hoa Kỳ, cho nước Anh, nhưng đặt câu hỏi những lời hứa đó sẽ thành hiện thực ra sao.

Nhưng có vẻ như ông Morawiecki là đi xa nhất.

Ông Sergei Skripal
Image caption Ông Sergei Skripal (đứng giữa) hồi trẻ khi còn trong quân đội Nga. Hôm đầu tháng 3/2018, ông bị đánh chất độc Novichok tại Salisbury, Anh Quốc, theo cảnh sát Anh

Theo báo Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza hôm 15/03, "lãnh đạo chính phủ Ba Lan như đáp trả lại lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova".

Bà Zakharova nói rằng "Theresa May không có bằng chứng gì về vụ người Nga đứng đằng sau vụ mưu sát ông cựu điệp viên Sergei Skripal".

Bà còn đi xa hơn khi nói, "Không nên đe dọa một cường quốc có vũ khí hạt nhân".

Trong hai lần phát biểu tuần này, bà Theresa May nói phía Nga đã dùng chất Novichok, một loại vũ khí hóa học chưa từng được sử dụng, để giết ông Sergei Skripal và con gái Yulia, tại Salisbury.

Ông Mateusz Morawiecki nói rõ ràng rằng:

"Thủ tướng Theresa May có một đồng minh vững chắc là Ba Lan. An ninh của Anh là điều trọng yếu cho Nato và EU."

Các báo Ba Lan cũng chú ý đến thái độ của Paris.

Dù phía Anh cho hay Tổng thống Emmanuel Macron đã "ủng hộ Anh", nhưng dư luận cho đến hôm 14/03 chỉ thấy phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveaux phát biểu dè dặt về vụ Skripal.

Cựu thủ tướng Pháp, Jean-Pierre Raffarin thì nói thẳng rằng bà May "đã đi quá xa" khi cáo buộc Nga dùng chất độc hóa học giết người.

Dù chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Anh, báo chí Anh chú ý câu nói đầu tiên của Tổng thống Donald Trump hôm đầu tuần, rằng Hoa Kỳ chỉ ủng hộ "nếu chúng ta công nhận các bằng chứng Anh nêu ra" về vụ Nga dùng chất hóa học.

Trang Guardian ở Anh cho rằng việc tìm kiếm ủng hộ quốc tế cho các biện pháp đối đầu với Nga sẽ là phép thử cho chính phủ Anh xem còn nước nào thực sự là đồng minh với London trong thời điểm Anh rời EU (Brexit).

Một loại biện pháp vì Nga 'bất chấp'

Hôm 14/03, phát biểu trong Quốc hội tại Westminster, London, Thủ tướng May công bố một loạt các biện pháp nhằm gửi một "thông điệp rõ ràng" tới Nga, gồm có:

  • Trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, cho họ một tuần để rời khỏi Anh
  • Tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa, hải quan và các chuyến bay tư nhân
  • Đóng băng những tài sản của nhà nước Nga khi có bằng chứng những tài sản này đe dọa cuộc sống hay tài sản của công dân Anh hay người sống ở Anh
  • Các bộ trưởng và thành viên Hoàng gia Anh sẽ tẩy chay giải bóng đá World Cup 2018 được tổ chức ở Nga năm nay
  • Ngưng tất cả các cuộc gặp song phương cao cấp với Nga, gồm cả hủy giấy mời sang Anh đã gửi cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov
  • Lên kế hoạch ra luật mới để tăng cường phòng thủ đối với "hoạt động thù địch cấp quốc gia"

Thủ tướng May nói trước các dân biểu Anh rằng Nga đã "không đưa ra lời giải thích" làm sao chất độc thần kinh lại được sử dụng ở Anh.

Russian Embassy Bản quyền hình ảnh Twitter
Image caption Twitter của Đại sứ quán Nga ở London có hình chụp chiếc nhiệt kế âm 23 độ C và câu "người Nga không sợ lạnh"

Bà mô tả phản ứng của Moscow là "mỉa mai, coi thường và bất chấp".

Dự kiến Nga sẽ trục xuất con số tương tự hoặc nhiều hơn nhà ngoại giao Anh khỏi nước họ để trả đũa.

Các báo châu Âu tin rằng vụ trả đũa có thể còn có thể giúp ông Vladimir Putin "lên điểm" trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông đã là ứng viên hàng đầu vào Chủ Nhật này.

Đại sứ quán Nga tại London còn đùa về vụ 23 nhân viên sẽ bị trục xuất.

Họ đăng trên Twitter hình chụp chiếc nhiệt kế âm 23 độ C và nói "người Nga không sợ lạnh".

Dư luận Anh đang chuẩn bị tinh thần cho các biện pháp trả đũa của Nga mà nhiều ý kiến nói sẽ có tác động mạnh đến kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn