Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 09 -12-2022 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Sáu, 09 Tháng Mười Hai 20222:32 CH(Xem: 5640)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 09 -12-2022 ( Cập nhật nhiều lần )
Nga_Gau

**************
voatiengviet.com

Ukraine nhận thêm viện trợ Mỹ giữa lúc quan hệ Nga-Iran khiến phương Tây quan ngại

Reuters

Hoa Kỳ ngày 9/12 công bố viện trợ quân sự mới cho Ukraine và thề quyết sẽ cắt đứt quan hệ của Nga với Iran, mà một đặc sứ Anh cho biết có liên quan đến việc Moscow tìm kiếm hàng trăm phi đạn đạn đạo từ Iran và đổi lại Iran được đề nghị hỗ trợ quân sự chưa từng có.

Tehran và Moscow bác cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công các mục tiêu ở Ukraine, nơi các quan chức đã cảnh báo hôm 9/12 về tình trạng thiếu điện kéo dài trong mùa đông sau các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Hai quan chức cấp cao của Iran và hai nhà ngoại giao Iran nói với Reuters vào tháng 10 rằng Iran đã hứa cung cấp cho Nga phi đạn đất đối đất cũng như nhiều máy bay không người lái hơn.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên rằng Washington rất lo ngại về “mối quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng sâu rộng” giữa Iran và Nga, và sẽ tìm cách phá vỡ mối quan hệ đó, bao gồm cả vấn đề máy bay không người lái.

Ông cho biết Washington đang gửi gói viện trợ trị giá 275 triệu đô la cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không và đánh bại máy bay không người lái.

Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Barbara Woodward tố cáo Iran đã gửi hàng trăm máy bay không người lái mà Nga dùng ở Ukraine.

Bà nói với các phóng viên: “Nga hiện đang cố gắng thu được nhiều vũ khí hơn, bao gồm hàng trăm phi đạn đạn đạo.” “Đổi lại, Nga sẽ cung cấp cho Iran mức hỗ trợ quân sự và kỹ thuật chưa từng có”.

Các phái bộ của Iran và Nga tại Liên hiệp quốc đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói Moscow có thể sẽ đạt được một thỏa thuận về Ukraine vào một ngày nào đó nhưng việc Nga gần như mất hoàn toàn tin tưởng vào phương Tây sẽ khiến một thỏa thuận cuối cùng khó đạt được hơn nhiều, nhưng ông không nêu chi tiết.

Nga đã đàn áp những người bất đồng chính kiến kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng Hai năm nay, và một tòa án ở Moscow hôm 9/12 đã kết án chính trị gia đối lập Ilya Yashin 8 năm rưỡi tù giam với tội danh truyền bá “thông tin sai lệch” về quân đội.

Ông Yashin đã thảo luận trong một video trên YouTube bằng chứng do các nhà báo phương Tây phát hiện về tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine. Moscow phủ nhận phạm tội ác chiến tranh. Trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, ông Yashin kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục phản đối chiến tranh.

Thống đốc khu vực Donetsk, Pavlo Kyrylenko, cho biết hôm 9/12 rằng giao tranh ác liệt gần đây diễn ra gần các thị trấn phía đông Bakhmut và Avdiivka, đồng thời cho biết thêm rằng 5 thường dân đã thiệt mạng và 2 người bị thương ở các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Donetsk.

Ông nói: “Toàn bộ chiến tuyến đang bị pháo kích.”

Trong một bài phát biểu vào buổi tối, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói tình hình ở mặt trận Donbas vẫn rất khó khăn, nhưng các lực lượng của Kyiv đang đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và gây ra tổn thất đáng kể.

Không thể kiểm chứng các báo cáo chiến trường.

Vấn đề lòng tin

Ông Putin trước đó đã lặp lại cáo buộc rằng phương Tây đang “khai thác” Ukraine và sử dụng người dân của họ như “bia đỡ đạn” trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cho rằng mong muốn duy trì sự thống trị toàn cầu của phương Tây đang gia tăng rủi ro.

“Họ cố tình nhân rộng sự hỗn loạn và làm trầm trọng thêm tình hình quốc tế”, ông Putin nói trong một thông điệp video tới hội nghị thượng đỉnh của các bộ trưởng quốc phòng từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và một nhóm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Sau đó, ông đặc biệt chỉ trích Pháp và Đức, hai nước vào năm 2014 và 2015 đã làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn giữa Kyiv và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Ông Putin nói Đức và Pháp đã phản bội Moscow bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Câu hỏi về lòng tin đặt ra. Và niềm tin tất nhiên gần như bằng không... Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, chúng ta phải đi đến các thỏa thuận. Tôi đã nói nhiều lần rằng chúng ta sẵn sàng cho những thỏa thuận này”, ông Putin nói.

Ông Putin, phát biểu tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, cũng cho biết Nga - nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - có thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ và sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt mức giá trần “ngu ngốc” của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga.

Nhóm Bảy cường quốc, Liên hiệp châu Âu và Úc tuần trước đã đồng ý mức trần 60 đô la/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.


**********
rfi.fr

Drone Ukraina vào sâu đất Nga trả đũa, khả năng oanh tạc của Matxcơva thu hẹp

Thụy My

Với ba cuộc tấn công liên tiếp vào các địa điểm nằm sâu hơn 500 kilomet trong lãnh thổ Nga - là nơi xuất phát những oanh tạc cơ lâu nay phá hoại cơ sở hạ tầng của Ukraina - Kiev chứng tỏ không thể tiếp tục để Matxcơva tự do tung hoành. Đây là hành động tự vệ chính đáng, theo NATO, và còn là đòn tâm lý. Động thái trả đũa chừng mực này cho thấy các cơ sở quân sự ở Nga nay không còn an toàn nữa.

Trang nhất Libération hôm nay được dành cho « Trí thông minh nhân tạo : Nói chuyện với một robot ». ChatGPT, robot có thể trò chuyện bằng nhiều thứ tiếng được trình làng từ một tuần qua đã thu hút hơn một triệu ngựời. Les Echos quan tâm đến « Thuế, gánh nặng của doanh nghiệp Pháp », La Croix cho biết « Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được đặt trong tầm ngắm ».

Về thời sự quốc tế, Le Monde nhận định « Covid : Trung Quốc đành phải thay đổi chính sách », còn Le Figaro nhìn sang Trung Đông, chạy tựa « Iran : Chế độ của các giáo sĩ bất lực trước phong trào nổi dậy ». Ở các trang trong, việc Ukraina tấn công vào nội địa Nga ; còn Trung Quốc phải giảm nhẹ phong tỏa, thực chất là từ bỏ zero Covid do loạt biểu tình vừa qua, được các báo rất chú ý.

Tấn công cơ sở quân sự trên đất Nga : Tự vệ chính đáng và là đòn tâm lý

La Croix và Le Monde cho biết việc Ukraina dùng drone oanh kích hai căn cứ không quân và một sân bay quân sự Nga ở cách biên giới khoảng 500 kilomet đã gây ngạc nhiên cho giới quân sự. Hai oanh tạc cơ hạng nặng của Nga đã bị hư hại, ba quân nhân thiệt mạng. Cho dù Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina phản đòn sâu vào nội địa Nga.

Để so sánh, thủ đô Matxcơva nằm cách biên giới Ukraina chưa đầy 500 kilomet, hoàn toàn trong tầm tấn công. Một chiến thắng mang tính biểu tượng, chứng tỏ khả năng trả đũa chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng của Ukraina. Cựu tướng Úc Mick Ryan nhận xét : « Đây là một đòn tâm lý. Dân Nga cứ ngỡ rằng hoàn toàn không bị tác động từ chiến tranh ».

Căn cứ Diagilyevo ở vùng Riazan ở cách điểm kiểm soát gần nhất của quân đội Ukraina khoảng 500 kilomet, và căn cứ Engels ở vùng Saratov cách Kharkiv trên 600 kilomet, cả hai bị oanh kích cùng ngày thứ Hai 05/12. Còn sân bay Khalino bị nhắm đến hôm sau, cách biên giới Ukraina 100 kilomet.

Theo các nguồn phương Tây và Nga, Ukraina tấn công bằng Tupolev Tu-141 Strizh, drone trinh sát do Liên Xô sản xuất trong thập niên 70 có thể bay nhanh và thấp khiến khó phát hiện. Sau khi độc lập, Ukraina còn giữ lại nhiều chiếc Tu-141 có tầm hoạt động 1.000 kilomet, một số có thể đã được lắp đặt thêm hệ thống định vị GPS và chất nổ để biến thành drone tự sát. Một giả thiết khác là tập đoàn Ukroboronprom chế tạo thành công drone bay xa 1.000 kilomet và mang được 75 ký chất nổ.

Các căn cứ Nga từ nay không còn an toàn

Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Noel của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhấn mạnh, đây là « sự trả đũa chừng mực », cho thấy tính sáng tạo của Kiev. « Ukraina đã quyết định không còn khoanh tay đứng nhìn, chứng tỏ quyết tâm đối phó ». Và họ chỉ tấn công nơi xuất phát chiến dịch phá hoại, chứ không đánh vào mục tiêu dân sự hay cơ sở hạ tầng Nga. Tiến sĩ Rob Lee của King's College (Anh) nhận định : « Nếu các radar và đơn vị phòng không Nga không thể ngăn cản một chiếc Tu-141 bay xa mấy trăm cây số, đánh vào căn cứ chính của các oanh tạc cơ chiến lược trong thời chiến, không có gì sáng sủa cho khả năng ngăn chận một cuộc tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn hành trình ». 

Được biết căn cứ Engels là nơi xuất phát các oanh tạc cơ Nga để phá hoại hệ thống năng lượng Ukraina, căn cứ Diagilyevo có các phi cơ tiếp liệu, oanh tạc cơ, trung tâm huấn luyện phi công. Còn sân bay Khalino từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng được dành cho các chiến đấu cơ. Sau ba vụ tấn công trên, ít nhất sáu oanh tạc cơ đã phải dời sang nơi khác.

Tại trụ sở NATO, việc Ukraina đánh vào các mục tiêu quân sự ở Nga được coi là hành động tự vệ hợp pháp, vào lúc Matxcơva tìm cách kìm lại cuộc chiến trong mùa đông để chuẩn bị đợt tấn công mới vào mùa xuân. Lo ngại leo thang chiến sự, phương Tây hạn chế cung cấp hỏa tiễn tầm xa, chiến đấu cơ hiện đại, hỏa tiễn Patriot. Phía Mỹ cho biết tuy không khuyến khích nhưng cũng không ngăn chận Ukraina. Theo tạp chí Vortex, Matxcơva nay đành phải co cụm lại ở một số địa điểm, và các cơ sở quân sự Nga nay không còn an toàn, dù có cả một mạng lưới phòng không xung quanh Ukraina.

Zelensky, nhân vật năm 2022 : Chọn lựa « chưa bao giờ rõ ràng đến thế » của Time

Về việc tổng thống Volodymyr Zelensky và « tinh thần Ukraina » được tạp chí Time chọn là nhân vật trong năm, Libération trích dẫn lý do được tuần báo uy tín của Mỹ đưa ra. « Vì đã chứng tỏ rằng lòng can đảm cũng có thể lan tỏa như sự sợ hãi, đã thúc đẩy những con người và các quốc gia đoàn kết lại để bảo vệ tự do, đã nhắc nhở cho thế giới sự mong manh của dân chủ và hòa bình ».

Đôi mắt xanh nhìn thẳng về phía trước, khuôn mặt râu ria, chiếc áo màu kaki đã trở thành nổi tiếng, bao quanh ông Zelensky là những khuôn mặt tranh đấu, những lá cờ xanh vàng, hoa hướng dương...chiếm trang bìa tờ Time xuất bản hôm qua. Tổng biên tập Edward Felsenthal nhấn mạnh : « Volodymyr Zelensky đã gây phấn khích cho cả thế giới bằng cách mà chúng ta chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua ». Đối với Time, sự chọn lựa nhân vật cho năm nay « chưa bao giờ rõ ràng như thế ».

Ông Felsenthal nói thêm : « Trong những tuần lễ tiếp theo các cuộc oanh tạc của Nga hôm 24/02, quyết định của ông Zelensky không di tản khỏi Kiev mà ở lại và tập hợp được sự ủng hộ, là rất quan trọng. Từ thông điệp đầu tiên dài 40 giây trên Instagram hôm 25/02 - cho thấy văn phòng tổng thống và xã hội dân sự không suy suyển và vẫn trụ lại - cho đến những bài diễn văn trực tuyến hàng ngày trước các định chế như Quốc Hội nhiều nước, Ngân hàng Thế giới, Grammy Awards, tổng thống Ukraina có mặt khắp nơi ».

Sau đợt phản kháng, Trung Quốc bỏ zero Covid

Tại châu Á, Les Echos nhận thấy « Trung Quốc bắt đầu một sự thay đổi dứt khoát và đầy rủi ro trong việc quản lý Covid », Le Monde cũng ghi nhận « Bắc Kinh từ bỏ những biện pháp dịch tễ quá cứng rắn », « Trung Quốc nới lỏng gọng kềm zero Covid » (Le Figaro). Tuy không chính thức tuyên bố chấm dứt chính sách khắt khe này, nhưng Trung Quốc giờ đây đành sống chung với con virus.

Chẳng hạn việc giảm xét nghiệm PCR gắn liền với mã QR y tế, « vũ khí » chính của Trung Quốc từ nhiều tháng qua. Cho đến nay, người dân phải đi xét nghiệm nhiều lần trong tuần để có thể đến những nơi công cộng. Tại các nhà ga, sân bay, hành khách khi đến nơi phải chịu thử PCR cho dù lúc đi đã xét nghiệm rồi. Nay thì có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Một biện pháp quan trọng khác áp dụng suốt ba năm qua, nay cũng được từ bỏ là không còn buộc cách ly tập trung. Những ai không có triệu chứng hay chỉ có những dấu hiệu nhẹ, có thể tự cách ly tại nhà.

Dan Macklin, nhà phân tích ở Thượng Hải nhận thấy Bắc Kinh muốn tỏ ra chủ động thay đổi chính sách chứ không phải do làn sóng biểu tình. Thế nên dù số lây nhiễm lên cao, nhà cầm quyền vẫn có những phát biểu trấn an. Vấn đề còn lại là liệu chính quyền địa phương có thi hành trên thực tế hay không, vì sự nghiệp của quan chức liên quan đến công trạng chống Covid. Ngoài ra, cơ quan tư vấn Wigram Capital Advisors dự báo một làn sóng lây nhiễm sẽ tràn ngập trong mùa đông này. Nếu Bắc Kinh không kiểm soát nổi, trên 1 triệu người có nguy cơ tử vong do tỉ lệ chích ngừa nơi người lớn tuổi ít và vac-xin made in China kém hiệu quả. Financial Times dự báo đến giữa tháng Ba mỗi ngày có khoảng 20.000 người chết, nhu cầu hồi sức tăng gấp 10, đặc biệt là đợt về quê ồ ạt trong dịp Tết.

Công an truy bức các thanh niên biểu tình

Người biểu tình đã chiến thắng, nhưng không phải là không trả giá. Thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải kể lại việc « bóp nghẹt làn sóng phẫn nộ chống zero Covid ». Theo lời chứng của các thanh niên tham gia biểu tình, họ bị còng tay bắt vào đồn công an, bị buộc cởi hết quần áo, bị lăng nhục, bắt đứng dựa vào tường nhiều tiếng đồng hồ, hát quốc ca, chép đi chép lại điều lệ đảng…thậm chí bị tra tấn.

Một thanh niên nói rằng không sợ hậu quả, chỉ e ngại sự thô bạo của các công an viên kể cả với nữ, chẳng hạn một công an mặc thường phục liên tục nhục mạ, ném chai lọ, tàn thuốc vào mặt họ. Sau đó là thẩm vấn riêng từng người, buộc khai mật mã điện thoại, thông báo cho công an địa phương và nhà trường, gọi thân nhân đến bảo lãnh… Có những người biểu tình bị « bắt nguội » tại nhà hay nơi làm việc do công an định vị điện thoại. Nhưng những người được hỏi chuyện đều cho biết không hề hối hận đã tham gia.

Iran : Chế độ thần quyền đàn áp để tồn tại

Tại một quốc gia độc tài khác là Iran, Le Figaro nhận thấy « Nhà cầm quyền cứng rắn, phong trào phản kháng vẫn không bị yếu đi ». Trên 400 người đã thiệt mạng, 15.000 người bị bắt và ít nhất 11 bản án treo cổ đã được tuyên : sau gần ba tháng biểu tình, nhà cầm quyền vẫn bám vào chủ trương đàn áp tàn bạo để có thể sống sót. Về phía người biểu tình vẫn không từ bỏ cuộc đấu tranh đòi tự do, thay đổi chế độ. Bất tuân dân sự, đình công toàn quốc, biểu tình đông đảo…Rất nhiều phụ nữ thách thức bằng cách để đầu trần không choàng khăn xuống đường, dù theo luật năm 1983 có thể bị đánh 72 gậy.

Trong ngắn hạn, chưa có gì thay đổi. Nhà nghiên cứu Ali Alfoneh của Viện các Nhà nước Vùng Vịnh đặt tại Washington khẳng định : « Chế độ không dập tắt nổi sự phẫn nộ của đường phố, nhưng người biểu tình cũng không lật đổ được vì không có ban lãnh đạo, không được tổ chức và không có nguồn tài trợ ». Ngay cả tình báo Israel, kẻ thù không đội trời chung của bộ máy thần quyền Shia Iran, cũng cho rằng « chế độ này không bị nguy hiểm trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những năm sắp tới ».

Bị Bắc Kinh chèn ép, châu Âu kiện lên WTO

Về quan hệ châu Âu-Trung Quốc, Les Echos cho biết căng thẳng đang lên cao giữa Bruxelles và Bắc Kinh về thương mại. Do không tìm được thỏa thuận, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề sở hữu trí tuệ và việc chèn ép Litva. Theo ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis, EU đã hết sức kiên nhẫn, dành nhiều thời gian để mong giải quyết thông qua tiến trình tham vấn nhưng vô vọng. EU nay không có chọn lựa nào khác là phải yêu cầu lập hai nhóm đặc biệt của WTO để xử lý hai hồ sơ.

Trước hết là về việc Bắc Kinh cưỡng ép các công ty châu Âu phải từ bỏ quyền bảo vệ bằng sáng chế của mình. Chẳng hạn những doanh nghiệp nào kiện ra các tòa án châu Âu vì bất đồng trước một bằng sáng chế Trung Quốc có thể bị phạt đến 130.000 euro một ngày.  Hồ sơ thứ hai liên quan đến việc Trung Quốc ngăn chận hàng xuất khẩu của Litva, thành viên EU. Do năm ngoái cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện thương mại, Bắc Kinh đã nổi trận lôi đình, cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Litva. Bên cạnh đó còn bất ngờ lấy cớ vệ sinh dịch tễ để cấm nhập rượu, thịt bò, sữa, trái cây từ Litva đưa sang. Hậu quả là xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc sụt mất 80 %. Vụ này còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Liên Hiệp Châu Âu, gây thiệt hại cho các công ty Thụy Điển và Đức.

Tuy nhiên châu Âu sẽ phải kiên nhẫn thêm rất nhiều, vì Trung Quốc có thể chống lại việc lập các nhóm đặc biệt. Thời gian xem xét kéo dài có khi đến một năm rưỡi, và nếu bị bất lợi, Bắc Kinh kháng cáo thì cơ quan phúc thẩm của WTO không hoạt động được vì Hoa Kỳ ngăn cản việc thay thế các thẩm phán. Một giải pháp khác là dùng các công cụ chống cưỡng bức mà Ủy Ban Châu Âu đang chuẩn bị. Cuộc leo thang chỉ mới bắt đầu.


***********
rfi.fr

Ukraina cáo buộc Nga đặt tên lửa trong nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

Trọng Thành

Công ty Ukraina phụ trách nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia hôm 08/12/2022, báo động Nga đặt nhiều dàn tên lửa tấn công tại khu vực nhà máy điện hạt nhân, nằm ở bờ đông sông Dniepr. Thông tin được đưa ra vào lúc chiến sự diễn ra dữ dội tại nhiều khu vực hai bên bờ sông Dniepr, miền nam Ukraina.  

Hãng tin Mỹ AP dẫn thông báo của công ty điện hạt nhân Ukraina Energoatom cho biết các lực lượng chiếm đóng Nga đã bố trí nhiều dàn phóng tên lửa Grad đa nòng gần một trong sáu lò phản ứng hạt nhân. Thông báo của Energoatom nhận định: các dàn tên lửa được đặt tại một ‘‘cấu trúc phòng vệ’’ mới mà phía Nga đã bí mật xây dựng, và việc này ‘‘vi phạm tất cả các quy định về an toàn bức xạ và hạt nhân’’.  

Thông báo làm dấy lên lo ngại nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu có thể được sử dụng làm căn cứ để tấn công các lực lượng Ukraina. Các bệ phóng tên lửa đa nòng Grad, thiết kế từ thời Liên Xô, có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 40 km (25 dặm). Theo Energoatom, các dàn tên lửa Grad này có thể giúp quân Nga tấn công vào các đơn vị Ukraina ở bờ Tây sông Dniepr.  

Theo AP, tuyên bố nói trên của Energoatom hiện chưa được kiểm chứng độc lập. Cuối tháng 11, các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA đã lưu ý hai kịch bản. Thứ nhất là lò phản ứng hạt nhân trực tiếp bị oanh kích, và kịch bản đáng sợ thứ hai, có xác suất cao hơn nhiều, là các khu vực chứa nhiên liệu hạt nhân, đã qua sử dụng hoặc chưa, bị tấn công, khiến các chất phóng xạ thoát ra ngoài.  

Putin tuyên bố tiếp tục tấn công hạ tầng năng lượng dân sự của Ukraina 

Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Quân Đội sẽ tiếp tục tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraina. Lý do mà tổng thống Nga đưa ra là để trả đũa cho việc Kiev tấn công một số vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraina, hiện Nga kiểm soát, như bán đảo Crimée.  

Một mặt thừa nhận tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, mặt khác ông Putin đã phản bác các chỉ trích của phương Tây, theo đó, các cuộc oanh kích của Nga trong những tuần qua đã khiến hàng triệu người dân Ukraina phải sống không điện, không nước, không năng lượng sưởi ấm trong lúc mủa đông lạnh giá. Phát biểu của tổng thống Nga được đưa ra trong một buổi lễ trao tặng huy chương cho quân nhân tại điện Kremlin.


************
voatiengviet.com

‘Cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại’, Messi hay Ronaldo?

Reuters

Ngày 8/12 có thể là một ngày nghỉ ngơi tại World Cup nhưng không gì ngăn được cuộc tranh luận bóng đá không hồi kết – ai là cầu thủ giỏi hơn, Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo?

Không có trận đấu nào diễn ra ở thủ đô của Qatar trong ngày thứ hai liên tiếp, người hâm mộ đổ xô đến Souk Waqif để mua sắm và ngắm cảnh, và cuộc tranh luận kéo dài hàng thập niên về việc ai là cầu thủ giỏi nhất mọi thời đại vẫn rôm rả trong các quán cà phê và nhà hàng.

Argentina sẽ đấu với Hà Lan trong trận tứ kết vào ngày 9/12 và Bồ Đào Nha sẽ gặp Ma-rốc vào ngày 10/12. Cổ động viên của Argentina có mặt đông đảo trên những con phố và những quảng trường chật hẹp của khu mua sắm Souk Waqif, nhiều cổ động viên trung lập cũng nêu ý kiến.

"Tôi nghĩ hay nhất là Ronaldo - Lối chơi toàn diện của Ronaldo thật tuyệt vời. Tôi nghĩ anh ấy đa năng hơn Messi. Messi có chân trái xuất sắc, nhưng Ronaldo là cầu thủ đá bóng giỏi hơn và là vận động viên giỏi hơn," cổ động viên đội Anh David Barley nói với Reuters.

Robbie Lyle, cổ động viên đội Anh và đồng thời là người dẫn chương trình của Arsenal Fan TV, bất đồng quan điểm.

“Bây giờ phải là Messi – Tôi đã xem tất cả các trận đấu ở đây và Messi, trong trận đấu cuối cùng (gặp Úc), anh ấy nổi trội từ đầu đến cuối,” ông nói với Reuters.

Đối thủ

Messi, 35 tuổi, và Ronaldo, 37 tuổi, thống trị cuộc tranh luận phân cực nhất của bóng đá trong suốt 10 năm qua, đặc biệt khi họ là đối thủ của nhau tại Barcelona và Real Madrid.

Cả hai đều đang thi đấu lần thứ năm tại World Cup nhưng chưa giành được chiếc cúp nào. Đó là giải thưởng lớn duy nhất mà họ chưa đạt được trong sự nghiệp rực rỡ của mình và đây có thể là cơ hội cuối cùng để họ đạt được danh hiệu đó.

Việc Ronaldo ngồi ghế dự bị trong trận Bồ Đào Nha hủy diệt Thụy Sĩ 6-1 đã khiến một số người hâm mộ cuồng nhiệt của anh xem lại tình hình hiện tại.

"Hôm nay thì có lẽ là Messi, nhưng nhìn chung tôi thích Ronaldo hơn - Tôi là fan của đội Bồ Đào Nha, Sporting là đội tôi thích, vì vậy tôi thích Ronaldo," cổ động viên người Mỹ Melo Barrows nói.

Trong khu chợ nhộn nhịp, Badr Saleh Debel đến từ Ả-rập Xê-út nói không nghi ngờ gì nữa Messi là cầu thủ vĩ đại nhất.

“Messi, Messi, tuyệt đối là Messi,” ông nói. "Không phải là trái bóng, bàn thắng, lịch sử. Anh ấy là cầu thủ giỏi, anh ấy cũng ghi bàn, anh ấy kiến tạo bàn thắng – thật là một cầu thủ cừ khôi, anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại."

Theo Melo Barrow, với việc hai người giỏi nhất đang ở giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp, chỉ có một cách chắc chắn để quyết định di sản của ai sẽ là vĩ đại nhất.

“Trận chung kết Bồ Đào Nha-Argentina sẽ là kịch bản hay nhất,” ông nói.


**********
rfi.fr

Ả Rập Xê Út và Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện

Thu Hằng

Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã nâng cấp quan hệ song phương. Ngày 08/12/2022, quốc vương Salman và chủ tịch Tập Cận Bình ký thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Nguyên thủ Trung Quốc hoan nghênh « một kỷ nguyên mới » trong quan hệ với chính quyền Riyad và các nước Vùng Vịnh.

Trong một bài xã luận đăng trên truyền thông Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình đánh giá chuyến công du của ông mang tính « tiên phong » để « mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập vùng Vịnh và Ả Rập Xê Út ». Ông khẳng định hai bên « sẽ tiếp tục đề cao nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ » của nhau. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman, bị Mỹ chỉ trích đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, cũng phản đối « mọi can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc nhân danh bảo vệ nhân quyền » khi trả lời đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Trong ngày làm việc thứ hai của ông Tập Cận Bình, các doanh nghiệp Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã ký 34 hợp đồng. Dù tổng trị giá không được công bố chính thức nhưng giới chuyên gia thẩm định vào khoảng 30 tỉ đô la. Trước đó, bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út khẳng định Riyad luôn là đối tác năng lượng « đáng tin cậy » của Bắc Kinh. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về các chuỗi cung ứng năng lượng thông qua việc lập một trung tâm cấp vùng tại Ả Rập Xê Út cho các nhà máy Trung Quốc.

Theo Reuters, tập đoàn công nghệ Hoa Vi, chuyên về đám mây điện toán và xây dựng đô thị công nghệ cao, đã ký biên bản ghi nhớ tham gia xây dựng mạng 5G tại phần lớn các nước vùng Vịnh, cho dù Hoa Kỳ quan ngại.

Ngày 09/12, chủ tịch Trung Quốc lần lượt tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh. Cuộc họp thứ nhất với 6 nước Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh và cuộc họp thứ hai với lãnh đạo các nước Ả Rập trong vùng. Dù lịch trình không được công bố nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ thảo luận về thỏa thuận tự do thương mại với khu vực, bị đình trệ từ gần 20 năm nay.

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV trích phát biểu của ông Tập Cận Bình : « Trung Quốc nóng lòng làm việc với Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập để biến hai thượng đỉnh này thành những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Ả Rập Xê Út và quan hệ giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh ».


**********

Báo Anh hé lộ gói trừng phạt EU áp lên Moscow, Ukraine bắt giữ ‘điệp viên’ Nga


Truyền thông Anh hôm 8/12 dẫn một số tài liệu mật cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện gói trừng phạt thứ 9 áp lên tổ hợp công nghiệp và quốc phòng Nga.

Nội dung những tài liệu được báo The Guardian đăng tải cho thấy, gói thứ 9 sẽ đưa 169 thực thể giúp tăng cường công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh Nga vào danh sách bị trừng phạt.

eu-parrrl-107
Nghị viện châu Âu nhóm họp về các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: AP

“Những công ty trên sẽ đối mặt với nhiều lệnh hạn chế mua bán các mặt hàng lưỡng dụng, tức những sản phẩm dân sự có thể được chuyển đổi để phục vụ cho mục đích quân sự. Bốn hãng truyền thông gồm NTV, Rossiya 1, Pervyi Kanal và REN TV cũng bị cấm phát sóng trên lãnh thổ các quốc gia thành viên EU”, theo những tài liệu được The Guardian thu thập. 

Ngoài ra, có thêm 8 cá nhân mang quốc tịch Nga sẽ bị EU áp lệnh trừng phạt. 

Các quan chức EU chưa bình luận về nội dung những tài liệu được The Guardian công bố.

Ukraine bắt cặp vợ chồng nghi làm ‘điệp viên’ cho Nga

Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) hôm 8/12 cho biết đã bắt giữ một cặp vợ chồng ở thành phố Odessa với cáo buộc hoạt động tình báo cho Nga.

“Chúng tôi không thể tiết lộ danh tính cặp vợ chồng này. Chỉ biết rằng, họ đã thu thập tin tình báo cho Nga về việc triển khai quân sự và hướng di chuyển của các đơn vị phòng không Ukraine. Các đối tượng trên cũng âm mưu tuyển thêm người vào hệ thống hoạt động (tình báo) ở miền nam Ukraine”, hãng tin DW dẫn thông cáo của SBU viết. 

Theo SBU, các nhân viên an ninh trong quá trình khám xét nơi ở của cặp vợ chồng trên đã phát hiện nhiều trang thiết bị như điện thoại di động và máy tính chứa bằng chứng về việc “qua lại thư từ với phía Nga”. 

Tờ The Guardian cho hay, thông tin về cặp vợ chồng trên được tình báo Ukraine công bố chỉ vài giờ sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ hai công dân cư trú ở thành phố Sevastopol với lý do “hoạt động gián điệp cho Kiev”.

Nga thừa nhận nguy cơ bán đảo Crưm bị tấn công

Nga đêm 8/12 đã cảnh báo về những nguy cơ đe dọa an ninh khu vực bán đảo Crưm cùng thành phố Sevastopol. 

“Đúng là có những nguy cơ đang hiện hữu, chúng ta không hề nghi ngờ về điều đó bởi phía Ukraine tiếp tục các kế hoạch tấn công nhằm vào bán đảo Crưm. Mặt khác, những thông tin được chúng tôi nhận được gần đây đã chỉ ra rằng các biện pháp đối phó hiệu quả đang được thực hiện”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới.

Theo hãng tin TASS, phát biểu trên của ông Peskov được đưa ra sau khi có thông tin các tàu chiến Nga bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) nghi của Ukraine ở ngoài khơi cảng Sevastopol
********

Nga thừa nhận nguy cơ Ukraine tấn công Crimea

Minh Phương

Nga thừa nhận nguy cơ Ukraine tấn công Crimea - 1

Cầu Crimea bốc cháy sau vụ nổ xe tải và các toa tàu chở dầu sáng 8/10 (Ảnh: AFP).

"Chắc chắn có những nguy cơ bởi vì Ukraine tiếp tục theo đuổi chính sách tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, mặt khác, thông tin mà chúng tôi có cho thấy các biện pháp đối phó hiệu quả đang được thực hiện", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/12 cho biết.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Thống đốc Mikhail Razvozhaev của thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea cho biết Hải quân Nga đã ngăn chặn một vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào khu vực cảng ở đây sáng cùng ngày.

"Sáng nay, một tàu thuộc Hạm đội Biển Đen đã bắn hạ một UAV hoạt động trên biển", ông Razvozhaev cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên Crimea bị tập kích bằng UAV. Hồi tháng 10, hơn 10 UAV được cho là của Ukraine tìm cách tấn công các tàu chiến Hạm đội Biển Đen của Nga neo tại quân cảng Sevastopol. Giới chức Nga sau đó nói rằng, các UAV xuất kích từ bờ biển của Ukraine trên Biển Đen, gần thành phố cảng Odessa, và lợi dụng hành lang di chuyển của các tàu vận chuyển ngũ cốc. Hồi tháng 7, một UAV được cho là của Ukraine, cũng tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Kể từ đó, Moscow đã biến Crimea thành "pháo đài" với các lớp phòng thủ nghiêm ngặt.

Ukraine đến nay tiếp tục không công nhận và tuyên bố sẽ giành lại Crimea bằng mọi giá. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cảnh báo, kế hoạch này của Ukraine tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi có thể khiến xung đột leo thang. Moscow cho biết sẽ bảo vệ lãnh thổ và các vùng sáp nhập bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả kho vũ khí hạt nhân.


**************

‘Cỗ máy xay thịt’ ở Donbass chạy hết tốc lực, quân Nga và Ukraina đồng loạt gục ngã, thương vong nặng nề


Chiến tranh Ukraina-Nga vẫn đang tiếp diễn. Hiện tại, khu vực Donbass đã trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraina. 

Sau nhiều tháng giao tranh, cả hai bên đều chịu thương vong nặng nề. Các chuyên gia quân sự mô tả tình hình là “cỗ máy xay thịt tàn khốc nhất kể từ khi chiến tranh Nga- Ukraina nổ ra”. 

Theo phân tích, có 3 nguyên nhân khiến quân đội Nga tiếp tục tấn công Donbass.

Petro Chernik, sĩ quan dự bị của Lực lượng vũ trang Ukraina, đồng thời là chuyên gia quân sự cho rằng, với việc Nga và Ukraina đang bổ sung một lượng lớn binh lính vào Bakhmut, thì “cỗ máy xay thịt” ở Donbass đã bắt đầu hoạt động hết tốc lực và trở thành chiến trường tàn khốc nhất kể từ khi nổ ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.

Andri Ilyenko, một sĩ quan tiền tuyến của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraina cho biết, quân đội Nga tấn công các vị trí gần như cứ sau một hoặc hai giờ, và nhiều thi thể binh sĩ chất đống giữa các vị trí của hai bên. 

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình, Petro Chernik đã nêu ra 3 lý do khiến quân đội Nga tiếp tục tấn công Bakhmut bất chấp thương vong nặng nề.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do mục đích chính trị, bởi Nga vẫn chưa chiếm đóng hoàn toàn khu vực này kể từ khi công nhận việc sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Nếu không thể chiếm đóng hoàn toàn, thì mục đích chiến lược quân sự của nó sẽ không được coi là đạt được.

Lý do thứ hai là quân đội Nga đã phải chịu những thất bại nặng nề trong nhiều trận chiến và đang rất cần một chiến thắng để vực dậy tinh thần. Petro Chernik nói rằng quân đội Nga đã tấn công Bakhmut trong gần sáu tháng nhưng không đạt được tiến bộ nào, nếu có thể chinh phục được Bakhmut, đó sẽ là biểu tượng chiến thắng không chỉ của quân đội Nga mà còn có lợi cho đất nước.

Cả hai đều là biểu tượng của chiến thắng, không chỉ có thể cải thiện tinh thần mà còn đạt được bước đột phá thực chất ở cấp độ chiến lược.

Thứ ba, nếu có thể chiếm được Bakhmut, gánh nặng hậu cần đối với quân đội Nga có thể được giảm bớt ở một mức độ nhất định. 

Hiện tại, cuộc chiến khốc liệt ở khu vực Donbass chủ yếu là các trận đấu pháo, quân đội Nga có một trung tâm vận chuyển hậu cần ở Debarsev, cách Bakhmut chưa đầy 40km và hệ thống phóng rocket đa nòng của quân đội Ukraina có độ chính xác lên tới 84km có thể khiến căn cứ hỗ trợ hậu cần Nga sẽ đối mặt với nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Vì vậy, chiếm được Bakhmut không chỉ đẩy mạnh tuyến phòng thủ của Nga mà còn tránh được căn cứ hỗ trợ hậu cần bị phá hủy.

Vào tháng 4 năm nay, CNN đã đưa tin ông Putin coi vùng Donbass là “trái tim của nước Nga” và là khu vực không thể thiếu để khôi phục Đế quốc Nga vĩ đại. Vì vậy, Nga sẽ tiếp tục gửi quân đến khu vực này bất kể giá nào.


*********

Tin tức thế giới 9-12: Mỹ hạ cấp quan hệ với Myanmar; Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine


Tin tức thế giới 9-12: Mỹ hạ cấp quan hệ với Myanmar; Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh tuần tra ở quảng trường Nhân dân nhân lễ hội Thadingyut ở thành phố Yangon vào ngày 9-10 - Ảnh: AFP

* Mỹ chuẩn bị hạ cấp quan hệ ngoại giao với Myanmar. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời tờ Nikkei Asia (qua mail) rằng Washington quyết định không đề cử người kế nhiệm sau khi Đại sứ đương nhiệm Thomas Vajda về nước vào cuối tháng này.

"Phó trưởng phái đoàn Deborah Lynn sẽ đảm nhận nhiệm vụ đại biện tại Đại sứ quán Mỹ ở Rangoon sau khi Đại sứ Vajda rời đi", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Theo Nikkei Asia, với động thái này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho thấy họ không công nhận chính quyền quân sự hiện tại của Myanmar.

* Mỹ tuyên bố Trung Quốc tìm kiếm quan hệ ổn định. Ngày 8-12, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết Trung Quốc dường như quan tâm đến việc ổn định quan hệ với Mỹ trong ngắn hạn.

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh của Viện Aspen ở Washington, ông Campbell nhận định những thách thức của Trung Quốc, như tăng trưởng kinh tế suy giảm hay dịch COVID-19, đang khiến Bắc Kinh muốn tránh mối quan hệ thù địch công khai với Washington.

"Tất cả những điều đó cho tôi thấy rằng điều cuối cùng mà Trung Quốc cần lúc này là tránh một mối quan hệ thù địch công khai với Mỹ. Họ muốn tình hình ổn định và có thể dự đoán được, và chúng tôi cũng mong muốn điều đó", ông Campbell nói.

Tin tức thế giới 9-12: Mỹ hạ cấp quan hệ với Myanmar; Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis khóc khi nói về Ukraine trong buổi cầu nguyện mừng lễ ở Piazza di Spagna, Rome, Ý, ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS

* Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine trong buổi cầu nguyện. Theo Hãng tin Reuters, Giáo hoàng Francis đã suy sụp và khóc khi đề cập đến sự đau khổ của người Ukraine trong lễ kính Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội ở Piazza di Spagna, thủ đô Rome, hôm 8-12.

Giáo hoàng bắt đầu nghẹn giọng khi nhắc đến người dân Ukraine và ông phải dừng lại, không thể nói được trong khoảng 30 giây trong khi đầu ông run lên. Giọng ông đã khàn đi khi tiếp tục cầu nguyện sau đó.

* Quốc hội Mỹ thông qua dự luật bảo vệ hôn nhân đồng giới. Ngày 8-12, Hạ viện thông qua dự luật công nhận của liên bang đối với hôn nhân đồng giới.

Dự luật trên được thông qua với tỉ lệ 258-169, với tất cả các đảng viên Đảng Dân chủ của Hạ viện và 39 đảng viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký ban hành chính thức luật này.

Dự luật Tôn trọng hôn nhân sẽ cho phép chính phủ liên bang và các tiểu bang công nhận hôn nhân đồng giới và giữa các chủng tộc, miễn là những cuộc hôn nhân này hợp pháp theo luật tiểu bang. Dự luật có nhượng bộ các nhóm tôn giáo và các tổ chức không ủng hộ những cuộc hôn nhân như vậy.

Tin tức thế giới 9-12: Mỹ hạ cấp quan hệ với Myanmar; Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine - Ảnh 4.

Mẹ của Harry Dunn, bà Charlotte Charles, cùng với chồng là Bruce và Radd Seiger, cố vấn và phát ngôn viên của gia đình, trả lời phóng viên sau khi bà Anne Sacoolas, vợ của một nhà ngoại giao Mỹ, bị tuyên án ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS

* Vợ của nhà ngoại giao Mỹ bị kết án tù treo vì tai nạn xe hơi chết người ở Anh. Bà Anne Sacoolas, vợ của một nhà ngoại giao Mỹ, đã bị Tòa án London tuyên án 8 tháng tù treo vào ngày 8-12 vì gây ra vụ tai nạn chết người ở Anh vào năm 2019.

Harry Dunn, 19 tuổi, qua đời vào tháng 8-2019 sau khi chiếc mô tô của cậu va chạm với ô tô do bà Sacoolas điều khiển gần Croughton, một căn cứ không quân ở quận Northamptonshire của Anh, nơi được quân đội Mỹ sử dụng.

Bà Sacoolas đã nhận tội vào tháng 10 vừa qua. Bà không tham dự trực tiếp buổi tuyên án ngày 8-12, nhưng xuất hiện qua liên kết video từ Mỹ.

* Nghị sĩ Cộng hòa lãnh đạo ủy ban chuyên trách Trung Quốc mới của Hạ viện. Dân biểu Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, ông Mike Gallagher, đã được chỉ định làm lãnh đạo một ủy ban chọn lọc, được thành lập tại Hạ viện để tập trung vào cạnh tranh kinh tế và an ninh với Trung Quốc.

Ông Gallagher, một cựu sĩ quan phản gián thủy quân lục chiến, từng phục vụ trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện và là người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.

Tin tức thế giới 9-12: Mỹ hạ cấp quan hệ với Myanmar; Giáo hoàng khóc khi nhắc đến Ukraine - Ảnh 6.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: REUTERS

* Tổng thống Pháp tuyên bố phát bao cao su miễn phí cho những người trẻ tuổi. Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết những người trẻ tuổi ở Pháp sẽ có thể nhận bao cao su miễn phí từ năm tới. Đây là một phần trong nỗ lực giảm sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) của Pháp.

"Tại các hiệu thuốc, bao cao su sẽ được cung cấp miễn phí cho những người từ 18 - 25 tuổi từ ngày 1-1", ông Macron nói. Các cơ quan y tế ước tính tỉ lệ mắc STD tăng khoảng 30% vào năm 2020 và 2021 tại Pháp. Tin tức này hẳn là một tín hiệu vui cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

* Cựu tổng thống Peru bị buộc tội nổi loạn. Cựu tổng thống Peru Pedro Castillo đối mặt với phiên tòa đầu tiên vào ngày 8-12 sau khi ông bị bắt vì tội nổi loạn. Tin tức này là diễn biến mới nhất trong tình hình chính trị rối loạn ở Peru.

Ông Castillo nhanh chóng bị mất quyền lực vào ngày 7-12. Các nhà lập pháp bỏ phiếu áp đảo để phế truất nhà lãnh đạo này, sau một loạt nỗ lực thất bại của ông nhằm lãnh đạo đất nước bằng sắc lệnh và giải tán Quốc hội để tránh bỏ phiếu luận tội lần thứ ba.

Ông Castillo, một cựu giáo viên và nhà hoạt động công đoàn, từng giành được chiến thắng sít sao vào năm 2021 nhờ sự ủng hộ của các cử tri bản địa và nông thôn nghèo. Phía công tố cho biết ông bị bắt vào ngày 7-12 với cáo buộc hình sự về "nổi loạn và âm mưu". Ông cũng phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng.

Giáng sinh dưới nước

Các thợ lặn biểu diễn dưới nước theo chủ đề Giáng sinh tại thủy cung Aqua Planet 63 ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-12 - Ảnh: AFP

Các thợ lặn biểu diễn dưới nước theo chủ đề Giáng sinh tại thủy cung Aqua Planet 63 ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-12 - Ảnh: AFP


***********

Một cuộc chiến tranh mới cho người Nga – các bà mẹ và vợ như ngồi trên đống lửa

Văn Sơn

Theo CNN đưa tin, kể từ Thế chiến thứ II thì cuộc tổng động viên cho chiến tranh đầu tiên của quân Nga, xem ra đã đang đi đến hồi kết. Hiện tại việc huy động hàng nghìn quân nhân ra chiến trường, đang thực sự tạo ra những căm phẫn và phản đối kịch liệt từ phía tiền tuyến đến hậu phương.

Mới đây Chính phủ Nga tuyên bố rằng, hiện tại quân nhân duy trì ở Ukraine là ít nhất 50.000 người, kèm theo là một danh sách với nhiều vấn đề bất cập. Điển hình như, thiếu lãnh đạo cấp trung, chiến thuật tác chiến yếu kém, gây thương vong lớn. Quân nhân mới không được đào tạo đầy đủ, các khoản tài chính đã cam kết chưa được thực hiện.

Theo các blogger quân sự Nga, và chính các binh lính hay người thân của họ cho biết: quân phục không đủ, thực phẩm nghèo nàn, thiều vật tư y tế, v.v.. Hậu cần đang đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, còn nảy sinh những bất cập trong kỷ luật quân đội và xử lý vi phạm kỷ luật. Nhiều gia đình Nga đang than phiền về việc, chồng hoặc con trai của họ đang bị giam giữ trong các tầng hầm, ngay trên lãnh thổ Ukraine, vì bị buộc tội đào ngũ. 

Theo kênh Astra Telegram tiết lộ: khoảng 300 lính Nga đang bị bỏ tù trong các boongke tại Zaitsevo – Luhansk, vì kháng lệnh quay trở lại tiền tuyến.

Một người phụ cho hay, chồng cô đã kể rằng: “Những người lính mới liên tục được áp giải đến một tầng hầm dưới Nhà Văn Hoá ở Zaitsevo. Và mỗi ngày, họ chỉ được ăn một bữa. Cứ 5, 6 người chia nhau một xuất cơm, hơn nữa liên tục bị chỉ huy hăm doạ”.

Astra Telegram cho hay, họ có danh sách của 42 người đang bị giam giữ tại đây, báo cáo này cũng xác nhận sự tồn tại của cơ sở giam giữ. Rằng đó là một công trình có 7 tầng hầm được xây dựng ở Luhansk và Donetsk.

Một phụ nữ Nga cho biết: “Chồng tôi và 80 người khác đang ở đó – dưới hầm; họ bị lột trần, và tịch thu điện thoại. Nhưng may mắn thay, một người trong số họ đã giấu được điện thoại”. Những người lính này đã bị bắt giam, khi không tuân lệnh quay trở lại chiến tuyến mà họ vừa tháo chạy khỏi đó.

Khi các bà mẹ & vợ lên tiếng

Khi những binh lính chia sẻ với người thân về những khó khăn nơi chiến trận, ngay lập tức những bà mẹ và những người vợ đã lên tiếng thông qua các phương tiện truyền thông và phản ánh một cách trực tiếp lên chính quyền địa phương. 

Stepanenko cho biết “những vấn đề phổ biến là thông tin không rõ ràng từ phía Bộ Quốc phòng về nơi người thân của họ đang đóng quân, rồi các khoản thanh toán bị chậm và thiếu thốn vật tư”.

Tuần trước, TV Rain – một hãng truyền thông Nga hiện đang hoạt động lưu vong, đã đăng tải một đoạn video về thân nhân của các binh lính tập trung tại một căn cứ quân sự ở thành phố Boguchar thuộc vùng Voronezh; nhiều người trong số này rất bất bình vì họ đã không nhận được tin tức từ chồng hoặc con trai từ đầu Tháng Mười.

Trong một video khác được đăng trên mạng xã hội vk.com hôm thứ Hai, một nhóm phụ nữ ở Voronezh cho biết chồng và con trai của họ đang ở tiền tuyến mà không có chỉ huy, không có nước, quần áo cũng như các loại vũ khí cần thiết.

Cô Lyudmila Agarkova ngậm ngùi, con trai của cô đã nói rằng rất ít người trong tiểu đoàn của nó còn sống sót. “Những người còn sống phải bò và trườn qua rất nhiều xác chết”.

Nhóm người phụ nữ này lý luận rằng con trai hoặc chồng của họ đã không được huấn luyện kỹ càng, chỉ được đưa đến trường tập bắn có một lần, và chưa có kinh nghiệm thực chiến” rồi yêu cầu thống đốc Voronezh phải có trách nhiệm. 

Họ thực sự thất vọng vì không được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng, một người nói thêm “Chúng tôi ở rất gần uỷ ban quân sự địa phương, thế mà không một viên chức nào đến hỏi thăm, họ hoàn toàn không thèm đoái hoài đến chúng tôi”.

Một quân nhân Nga nói chuyện với những lính dự bị tại một điểm tập trung ở thị trấn Volzhsky ở vùng Volgograd, Nga, 28/9.

Một đoạn video trên YouTube cho thấy có đến hàng chục phụ nữ đã đến từ vùng Sverdlovsk, một số đi cùng con nhỏ, đang kêu gọi sự giúp đỡ cho các tân binh thuộc lữ đoàn 55, hiện đang ẩn náu gần Svatove ở Luhansk. Những người thân này nói rằng chồng và con của họ đã bị đe dọa kiện ra

tòa án quân sự; song cũng rất thẳng thắn là không muốn chồng của họ ra tiền tuyến.

Một người cho biết con trai đã gọi điện, kể rằng họ “bị bỏ rơi và không có bất kỳ mệnh lệnh nào, không có đạn dược, đói và lạnh, tất cả đều bị ốm.”

Một phụ nữ khác có chồng 41 tuổi được điều động chia sẻ: “Họ đến đó mà không được tập huấn quân sự, không được trả lương, không được giao cho bất kỳ đơn vị quân đội nào. Tôi không biết hỏi ai để tìm được chồng mình.”

Thỉnh thoảng, chính quyền địa phương cũng hồi đáp. Uỷ ban quân đội của vùng Vladimir, Yuri Gusarov, đã trả lời “Các đơn vị quân đội của chúng tôi có vũ khí, áo giáp, quần áo, nước, thức ăn nóng. Việc chuyển hàng viện trợ từ vùng Vladimir diễn ra thường xuyên, liên lạc với các chỉ huy được duy trì tốt”.

Nhà báo Anastasia Kashevarova, hiện sở hữu kênh Telegram có hơn 200.000 người theo dõi, cho biết cô đã nhận được hàng trăm tin nhắn từ người thân của các binh lính: “Các nhóm quân đội bị bỏ rơi mà không có thông tin liên lạc, không có vũ khí cần thiết, không có thuốc men, đương nhiên là không có pháo binh. Không biết ai ở bên phải, ai ở bên trái, ai ở phía sau. Chỉ huy các cấp không giải quyết vấn đề nào hết, và họ còn bị đe dọa kiện ra tòa án, hiện họ đã bị đưa trở lại tiền tuyến với 4 băng đạn và một khẩu phóng lựu cũ”.

CNN đã liên hệ với một số người thân của binh lính thuộc lữ đoàn 55 và xác nhận rằng những thân nhân này đã gặp uỷ ban quân đội địa phương. Nhưng một ngày sau, một trong số họ đã nhắn tin lại: “Xin lỗi, chúng tôi không được phép tiếp tục trả lời phỏng vấn”.

Một tình nguyện viên đang ngồi trên nóc một xe bọc thép của Nga bị phá hủy ở thị trấn Izium, vùng Kharkiv, Ukraine, 27/9/2022.

Một quản trị viên của kênh Telegram dành cho các gia đình quân nhân nói với CNN rằng người thân của họ không dám lên tiếng vì sợ chồng và con mình bị đàn áp ở chiến trường. Ở các địa phương “một số chính quyền đã gọi họ là ‘lính đào ngũ’ mà không tìm hiểu lý do tại sao họ được gửi đến Ukraine mà không được đào tạo, trang bị hoặc không được giao nhiệm vụ gì ở tiền tuyến.”

Lên tiếng sẽ phải trả giá. Một người dân vùng Arkhangelsk, Olga Kuznetsova đã bị kết tội làm mất uy tín của Lực lượng Vũ trang Nga sau khi thu thập chữ ký phản đối cuộc huy động. Kết quả là cô bị phạt 15.000 rúp ($250).

Tập huấn kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’ 

Huấn luyện quân sự cho tân binh tại Rostov, Nga, ngày 21/10/2022.

Ở nhiều khu vực, binh lính Nga thừa nhận là không có cấp chỉ huy, nếu có thì rất thiếu năng lực. 

Các blogger quân sự Nga – một số có hàng trăm nghìn người theo dõi – đã công khai chỉ trích các sĩ quan chỉ huy.

Vladen hỏi Tatarskiy, tài khoản có hơn nửa triệu người theo dõi: “Liệu có những chỉ huy nào có khả năng thay thế những người đã bị buộc phải từ chức không nhỉ? Có ai biết người nào không? Tôi thì không rồi!. Một thằng đần thay cho một thằng ngốc; cái này hỏng, cái kia cũng hỏng, thằng thứ ba còn tệ hơn”.

Các binh sĩ của Lữ đoàn 155 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã “đánh điện” cho chỉ huy khu vực và gay gắt lên tiếng rằng họ đã bị ném vào một “trận chiến với chiến thuật điên rồ khó hiểu” ở khu vực Donetsk.

Một phần nội dung của bức điện như sau “Kết quả của cuộc tấn công mà đã được lên kế hoạch ‘cẩn thận’ bởi các ‘chỉ huy vĩ đại’ của chúng ta, chúng ta đã mất khoảng 300 người, chết và bị thương, và một số người bị mất tích trong bốn ngày qua”. Và bức điện này đã được một blogger quân sự Nga chia sẻ và hiện đang được lưu hành rộng rãi trên mạng. 

Một blogger quân sự nổi tiếng khác tiết lộ đơn vị 155 và một đơn vị khác “có số binh lính thiệt mạng, ở vùng Donetsk, nhiều gấp đôi so với hai cuộc tranh Chechnya gộp lại”.

Đứng trước những phản ứng dữ dội từ xã hội trong nước, Bộ Quốc phòng Nga đã không còn cách nào, đành phải lên tiếng rằng tổn thất “không vượt quá 1% lực lượng chiến đấu và 7% số người bị thương, trong đó một phần đã quay trở lại làm nhiệm vụ”.

Trái lại, thực tế thì những thất bại tương tự như ở vùng Pavlivka là hết sức phổ biến. 

Kateryna Stepanenko, một thành viên của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, luôn theo sát tình hình của quân đội Nga đã cho biết: “Có rất nhiều bất bình về chuyện nhiều tân binh chưa được đào tạo bị đẩy ra tiền tuyến, khu Svatove-Kreminna [ở Luhansk] – hiện là một điểm chiến lược tối quan trọng của quân Nga”.

Các quan chức phương Tây cho biết hệ thống quân đội Nga đang phải vật lộn để thu nạp hàng chục nghìn tân binh, và phần lớn có rất ít kinh nghiệm.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết “Nga có lẽ đang gặp khó khăn trong việc tổ chức tập huấn quân sự cho đợt tổng động viên hiện tại và đợt nhập ngũ mùa thu hàng năm. Lính mới hầu như chỉ được đào tạo một cách rất hạn chế hoặc không được đào tạo. Các sĩ quan và chuyên gia giàu kinh nghiệm đã được triển khai để chiến đấu ở Ukraine và một số có thể đã thiệt mạng trong cuộc chiến”.

Tình báo Ukraine đã khẳng định rằng quân đội Nga đang đẩy nhanh việc đào tạo các tân binh nhưng Stepanenko nói rằng “mặc dù những học viên này có thể quen hơn với các nhiệm vụ quân sự, nhưng thật khó để nói hiệu quả thực sự sẽ ra sao.”

Các quan chức Ukraine thừa nhận rằng việc huy động quân đội của Nga đã đưa thêm binh lính vào trận chiến, khiến quân đội Ukraine có những điều hướng khác nhau. Nhưng họ cũng nói thêm rằng những tân binh đang bị ném vào trận chiến mà hầu như không được chuẩn bị gì.

Serhii Hayday, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực của Ukraine tại Luhansk, cho biết tuần trước nhiều đợt tân binh Nga đã đến nhập ngũ.

“Họ ngã xuống, và loạt tiếp theo lại tiến lên. Mỗi cuộc tấn công mới đều đi kèm với việc người Nga đang giẫm đạp lên xác chết của đồng đội”.

Khi mùa đông đến, nhu cầu về chỗ ở và đồ tiếp tế cho quân đội ở xa căn cứ sẽ trở nên cấp thiết hơn.

Natalia Ivanova đã đăng trên trang VKcontact (một trang web địa phương) rằng đơn vị của chồng cô đã phải chờ đợi nhiều giờ bên ngoài dưới trời lạnh và cuối cùng lệnh triển khai bị huỷ bỏ; giờ mọi người đều ốm và sốt”.  

Theo Stepanenko thì có nhiều tân binh bất bình, mặc dù đã được huy động song vẫn chưa chịu ra tiến tuyến là vì họ chưa được trả lương, hai ví dụ điển hình là vùng Chuvashia và Ulyansk.

Đầu tháng Mười Một, một video tiết lộ hàng chục người đàn ông ở Chuvashia, một nước cộng hòa ở miền trung nước Nga, phẫn nộ vì họ đã không nhận được 195.000 rúp như đã cam kết trong sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký.

Các kênh Telegram không chính thức cho biết toàn bộ đơn vị sau đó đã bị quản thúc tại gia.

Trên khắp nước Nga, người thân của các tân binh cũng đang đòi bồi thường các khoản chưa thanh toán, chẳng hạn như việc mua đồng phục khi chưa được cấp, CNN đã tìm thấy nhiều bài đăng như vậy trên các trang mạng xã hội địa phương. 

Hàng chục người đàn ông được huy động ở vùng Kazan đã rất không hài lòng vì điều kiện tồi tệ của các sân tập huấn quân sự, thiếu nước, thức ăn và củi để sưởi ấm. Trong một video, người ta nghe thấy một tân binh yêu cầu lắp đặt máy giặt; sau đó anh ta bóng gió rằng họ ‘sẽ rất vui khi ở trong đống bẩn thỉu từ sáng đến tối’.

Quả như một cuộc chiến mới đối với người Nga, nhưng nó lại xảy ra ở hậu phương. 

Mặt khác, còn quá sớm để đưa ra đánh giá đầy đủ về tác động của việc Nga huy động hơn 300.000 quân nhân. Con số này gấp đôi số lượng binh lính tham gia vào thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine và sẽ giúp lấp đầy các đơn vị bộ đội đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau 9 tháng xung đột.

Tuy nhiên, nhìn nhận các yếu tố như hậu cần, khả năng lãnh đạo quân sự, thì với số lượng quân đội như được huy động lần này chưa hẳn đã là một điềm lành cho quân đội Nga. 

Stepanenko cho rằng việc nhiều quân nhân Nga thiệt mạng và những bất cập trong thanh toán các khoản tài chính sẽ tạo ra một làn sóng căm phẫn ngay trong nội bộ những người ủng hộ cuộc chiến, cũng như những tân binh được huy động.

Hiện tại, thực tế là việc tổng động viên của Nga chưa đưa hoạt động quân sự đặc biệt của Putin đến gần hơn các mục tiêu đã đề ra.

Quả vậy, tại các khu vực được Nga sáp nhập một cách phô trương từ tháng Chín vừa rồi, thì giờ đây quốc kỳ Ukraine đang được kéo lên trở lại.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn