Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 27 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Hai, 28 Tháng Mười Một 20226:10 SA(Xem: 2604)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 27 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )
Donbacc_destroy
**************
voatiengviet.com

Các nhà lập pháp chủ chốt của Mỹ quyết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine

VOANews

Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ vừa được trao quyền chuẩn bị đảm nhận vai trò lãnh đạo Hạ viện vào tháng 1/2023 hứa hôm 27/11 rằng Quốc hội sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng chống lại Nga nhưng cho biết sẽ có sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với viện trợ trước khi gửi viện trợ đến lực lượng của Kyiv.

Dân biểu Michael McCaul của bang Texas và Mike Turner của bang Ohio, có khả năng là các quan chức chủ chốt giám sát các gói viện trợ mới cho Ukraine, nói với chương trình “This Week” của đài ABC rằng sẽ tiếp tục có sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với Ukraine khi đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện, mặc dù có một số phe đối lập từ cả hai bên đã xuất hiện.

Ông Turner, có khả năng là chủ tịch mới của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết: “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ có được thứ họ cần. Chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ của lưỡng đảng”.

Ông McCaul, người có khả năng đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết: “Nếu chúng tôi cung cấp cho họ những gì họ cần, họ sẽ thắng”.

Nhưng ông McCaul cho biết sẽ có sự khác biệt trong việc xem xét viện trợ cho Ukraine khi đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện từ tay đảng Dân chủ sắp mãn nhiệm.

Ông nói: “Thực tế là chúng tôi sẽ cung cấp thêm sự giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không viết một tấm séc trắng.”


*************
rfi.fr

Himars thành biểu tượng cuộc chiến tranh Ukraina, vũ khí Mỹ lên ngôi

Thụy My

Putin xâm lăng Ukraina khiến NATO hồi sinh, vai trò của Hoa Kỳ ngày càng bao trùm. Khí hóa lỏng của Mỹ thay cho khí đốt Nga, bắp Mỹ bù đắp vào số ngũ cốc bị Nga chặn, những loại vũ khí Mỹ đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường Ukraina được săn lùng. Washington qua NATO đã đánh động các đồng minh về mối nguy từ Trung Quốc. Khoảng 500 nhà báo Nga đã chạy ra nước ngoài cũng góp sức chống lại các luận điệu của Kremlin.

Trang bìa L'Obs kỳ này dành cho người dẫn chương trình truyền hình Cyril Hanouna có nhiều ảnh hưởng mà tuần báo cho là nguy hiểm. Le Point tố cáo những trùm băng đảng mới, giàu có, bạo lực cùng các đường dây buôn ma túy. Courrier International nói về một thế hệ đấu tranh cho môi trường với các biện pháp gây chú ý. Trên trang nhất L'Express là tổng thống Mỹ Biden đang tươi cười, xung quanh nào là trực thăng, hỏa tiễn...chạy tựa « Hoa Kỳ, người thắng lớn trong cuộc chiến ».

NATO hồi sinh, Hoa Kỳ tăng ảnh hưởng

Tuần báo kể ra « Khí đốt, vũ khí, ngũ cốc, NATO...Từ địa chiến lược cho đến năng lượng hay kỹ nghệ, nước Mỹ của ông Joe Biden được lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh Ukraina ». Theo L'Express, năm nay Biden giành được hai chiến thắng. Không chỉ làn sóng đỏ Cộng Hòa không tràn ngập được trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, mà sự ủng hộ bền bỉ đối với Kiev khiến Hoa Kỳ thu được nhiều lợi ích mà không một anh GI nào phải đặt chân lên đất Ukraina.

Trước hết, cuộc xâm lăng đã làm NATO lấy lại sức sống. Lần đầu tiên kể từ 2005, số lính Mỹ trú đóng tại châu Âu được tăng lên 100.000, cho các đồng minh thấy có thể trông cậy vào Washington. Thông qua NATO, từ 24/02 Hoa Kỳ và châu Âu phối hợp được việc chuyển giao thiết bị quân sự cho Kiev. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Lầu Năm Góc đã cung cấp 2,5 tỉ đô la vũ khí cho Ukraina trong số 15,2 tỉ được hứa. Nhà nghiên cứu Camille Grand giải thích, Washington chi quân sự bằng gấp hai đến ba lần so với tất cả các nước đồng minh cộng lại, thế nên đóng góp nhiều như vậy, chưa kể tình báo và tin học...

Cuộc chiến Ukraina làm gia tăng ảnh hưởng Mỹ trong NATO, vốn đã báo trước cuộc tấn công của Nga nhưng nhiều nước không chịu tin. Washington thông qua NATO cũng đã đánh động các đồng minh về nguy cơ từ Trung Quốc. Trong tương lai, thậm chí có thể mở rộng liên minh sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Khí đốt tăng giá, ngũ cốc bán chạy : « Món quà » của Putin cho Mỹ

Về năng lượng, châu Âu nay lệ thuộc vào khí hóa lỏng (GNL) của Mỹ. Trong khi Putin làm áp lực với robinet khí đốt, Hoa Kỳ cam đoan cung cấp thêm 15 tỉ mét khối khí hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay. Các nhà cung cấp Mỹ có cơ hội sản xuất với giá rẻ và bán theo giá thị trường, một món quà từ trên trời rơi xuống. Chuyên gia năng lượng Denis Florin cho biết tiềm năng của nước Mỹ rất lớn, nhờ có sự đồng thuận về khai thác khí đá phiến, có mạng ống dẫn trải rộng ở nhiều nước và đầu tư quy mô vào các bến cảng.

Về ngũ cốc, chiến tranh Ukraina làm đảo lộn mọi thăng bằng, và châu Âu là một trong các nạn nhân. Trong thập niên qua, châu Âu mua bắp từ nhà cung cấp lớn nhất là Ukraina, nhưng nay sản lượng sút giảm và bị Nga cản trở không xuất khẩu được, các nhà nông miền trung tây nước Mỹ có thể thế chỗ.

Ngoài Hoa Kỳ, một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Algérie, Hàn Quốc cũng được lợi từ cuộc chiến tranh Ukraina, đặc biệt là Erdogan bỗng trở thành người trung gian không thể thiếu. Giá nguyên vật liệu tăng phi mã giúp các tập đoàn thương mại lớn có được lợi nhuận lịch sử. Các ông hoàng Ả Rập thì tha hồ làm mưa làm gió khi châu Âu loay hoay tìm nguồn dầu khí.

Himars, Javelin thành biểu tượng trong chiến tranh Ukraina

Đặc biệt kỹ nghệ quốc phòng Mỹ giờ đây làm không hết việc. Nếu tiêm kích Spitfire nổi bật trong Đệ nhị Thế chiến, B52 là biểu tượng cho cuộc chiến tranh Việt Nam, thì tại Ukraina không phải các phi cơ làm cho quân Nga phải rút chạy. Mà đó là Himars, các hỏa tiễn định hướng bằng GPS có thể tấn công mục tiêu cách xa đến vài chục cây số với độ chính xác vài centimet. Và Javelin, loại hỏa tiễn vác vai có tầm hoạt động 2.500 mét, có khả năng xuyên thủng bất kỳ loại xe bọc thép nào, gây khủng hoảng cho quân Nga trên chiển trường Ukraina. Cả hai đều được sản xuất bởi tập đoàn Lockheed Martin, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Một thành công chiến lược vang dội cho cỗ máy chiến tranh Mỹ.

Cùng với Lockheed Martin là Raytheon Technologies, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics, Hoa Kỳ giành trọn năm vị trí hàng đầu thế giới về vũ khí ; với doanh số gần 183 tỉ đô la, chiếm 40 % thị trường xuất khẩu. Kho vũ khí cạn dần vì viện trợ cho Ukraina, kỹ nghệ vũ khí phải ra sức sản xuất, chưa kể vô số nước đang phải lo khẩn cấp mua sắm.

Đứng đầu là Đức, muốn mua 35 chiến đấu cơ F-35, Hải quân Anh bỏ ra 300 triệu đô la mua hỏa tiễn Tomahawk, Hà Lan chi 1 tỉ đô la cho hệ thống phòng không Patriot, Estonia đặt hàng 6 giàn Himars và hỏa tiễn có tầm bắn 300 kilomet, Bulgari chi tổng cộng 1,3 tỉ đô la mua chiến đấu cơ F-16. Mới đây thứ trưởng quốc phòng Kathleen Heeks phải họp với các tập đoàn vũ khí yêu cầu tăng tốc sản xuất, để đề phòng trường hợp phải can thiệp khi Trung Quốc xâm lăng Đài Loan.

Thản nhiên trước sự uy hiếp của hỏa tiễn Nga

Về tình hình Ukraina, đặc phái viên Le Point thuật lại « Ukraina : Tại vùng Bakhmut, chạy trốn hay là chết khi quân Nga tiến vào ». Le Point nói về « Cuộc săn lùng những kẻ nằm vùng sau khi Kherson được giải phóng ». Đó thường là những người lớn tuổi còn nuối tiếc Liên Xô và bị truyền hình Nga nhồi sọ. L'Express thuật lại « Tám tháng khủng hoảng và kháng chiến ở Kherson », The Economist nhận thấy dù đang chiến tranh « Ở Ukraina, sống như bình thường cũng là một cách kháng chiến ». Nhà hàng, tiệm buôn và ngay cả vũ trường tiếp tục hoạt động.

Mọi người đều biết mùa đông này sẽ khó khăn : cúp điện luân phiên, nhiệt độ có thể xuống đến -20°C, lạm phát tăng vọt, thất nghiệp 20-30 %. Đường phố rộn tiếng máy phát điện tư nhân. Tiệm ăn trữ sẵn đèn cầy, khi cúp điện thì thay đổi thực đơn, dọn những món xà-lách hay sandwich. Những siêu thị và trạm xăng ở Kiev vẫn mở cửa phục vụ khi Nga đánh vào thủ đô dù nguy hiểm và không mấy lời lãi, nay có thêm nhiều khách hàng trung thành. Ở các tiệm ăn, nhiều thực khách vẫn bình thản khi hồi còi báo động oanh kích nổi lên. Nếu trước đây, quán cà phê và nhà hàng là nơi để thư giãn, nay trở thành hoài niệm của một cuộc sống hạnh phúc trước chiến tranh.

Truyền thông Nga hải ngoại : Ngòi bút là kiếm sắc

Đối với người Nga, trong bài « Cây bút và thanh gươm », The Economist cho biết các « nhà báo hải ngoại » thách thức vương quốc dối trá của Vladimir Putin như thế nào. Theo trang web điều tra Proekt Media, đã có ít nhất 500 nhà báo Nga rời khỏi đất nước kể từ đầu cuộc xâm lăng. Sống rải rác ở khắp châu Âu, từ Riga (Latvia), Tbilissi (Gruzia), Vilnius (Litva) cho đến Berlin, Amsterdam, hầu hết các phóng viên này chưa đến 40 tuổi, có lượng độc giả cao.

Trang Meduza đã đưa tin về vụ thảm sát thường dân Ukraina ở Bucha và số lượng tù hình sự đông đảo tham gia lực lượng lính đánh thuê Wagner. Trang mạng Mediazona do hai cựu thành viên Pussy Riot thành lập, cố gắng thống kê số nạn nhân Nga dựa vào các nguồn mở, như số lượng kết hôn cao một cách bất thường. Được biết những người bị bắt quân dịch được phép đăng ký kết hôn trong cùng ngày, vì chẳng biết khi nào mới quay về được. Mediazona ước lượng số bị bắt lính lên đến nửa triệu chứ không phải 300.000 như Kremlin thông báo. Một điều tra mới đây của báo mạng Insider phối hợp với Bellingcat tố cáo khoảng mấy chục kỹ sư và lập trình viên hướng dẫn cho hỏa tiễn Nga đánh vào các thành phố Ukraina.

Một số cơ quan truyền thông vẫn còn ở Nga, không bị dán nhãn « cơ quan nước ngoài » bị siết chặt. TV Rain, kênh truyền hình độc lập nổi tiếng nhất bị tắt suốt 8 ngày sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, nay dời sang Latvia và thông qua YouTube đưa tin cho 20 triệu khán giả/tháng. Đài Tiếng vọng Matxcơva có 5 triệu thính giả cũng phải im lặng, nay đóng ở Berlin, phát đi các thông tin và những buổi talk-show trực tiếp thông qua một ứng dụng smartphone mà Kremlin vẫn chưa chặn được. Hơn một chục báo mạng khác đi theo hướng báo chí điều tra. Trước chiến tranh, Nga đứng thứ 40 trong số các nước có nhiều người sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để né kiểm duyệt, nay đứng đầu thế giới.

Putin « sống ở thế kỷ 21, chiến tranh như thế kỷ 20, tư tưởng thế kỷ 19 »

Trên L'Express, nhà văn từng đoạt giải văn chương Goncourt danh giá của Pháp năm 2006, ông Jonathan Littell kêu gọi không nên sợ hãi trước lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của Putin.Đã chứng kiến tất cả các cuộc chiến của Vladimir Putin, từ Chechnya, Gruzia cho đến Syria, Ukraina với tư cách nhà hoạt động nhân đạo và nhà văn, ngay từ đầu cuộc xâm lăng ông đã nhấn mạnh cần tỏ ra không khoan nhượng trước Matxcơva.

Nhà văn mô tả « Putin là một người sống ở thế kỷ 21 nhưng lại tiến hành một cuộc chiến tranh theo kiểu thế kỷ 20, để đạt được những mục tiêu của thế kỷ 19 ». Ông giải thích, Putin tung ra một cuộc chiến tổng lực với xe tăng, pháo binh, hủy diệt hàng loạt thành phố…Trong khi những cuộc xung đột gần đây ở Irak, Afghanistan hoàn toàn khác biệt, với kỹ thuật gọn nhẹ hơn như vũ khí có độ chính xác cao, các lực lượng cơ động. Mục tiêu của Putin thì thuộc loại dân tộc chủ nghĩa đơn thuần trong thế kỷ 19, chối bỏ sự hiện diện của dân tộc Ukraina, coi họ chỉ là một nhánh của dân tộc Nga.

Các nhà lãnh đạo phương Tây nhất là Đức và Pháp mỗi lần Putin ra tay đều cố giảm nhẹ vấn đề. Chechnya bị cho là chuyện nội bộ, cuộc tấn công Gruzia năm 2008 thì chóng vánh và ít người chết, các « nước cộng hòa » ly khai là việc đã rồi. Năm 2014 khi Nga dấn lên sáp nhập Crimée và chiếm đóng Donbass, phản ứng tương đối yếu ớt vì Đức không muốn ảnh hưởng đến kinh tế. Matxcơva còn dùng tiền bạc để dẫn dụ, như trường hợp cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroider và đồng nhiệm Pháp François Fillon.

Chế độ Putin sẽ dần sụp đổ ?

Trong bối cảnh hiện nay, Jonathan Littell hoàn toàn không cho rằng Nga dùng đến vũ khí nguyên tử. Ông tin là người Mỹ đã thông báo riêng về hậu quả, và Putin có lẽ đã hiểu. Bắc Kinh cũng đã công khai phản đối. Điều tệ hại nhất Putin đã và đang làm, là tấn công vào cơ sở hạ tầng để Ukraina phải chìm trong bóng tối và lạnh giá. Theo nhà văn, đừng quên rằng phương Tây mạnh hơn Nga nhiều, không nên quỵ lụy trước Matxcơva. Putin đã phá hoại đủ kiểu : cho nổ các đường ống ở biển Baltic, cho drone dọ thám các cơ sở chiến lược của Na Uy…Cần tạo mọi điều kiện để chế độ Putin phải sụp đổ, như duy trì áp lực quân sự, trừng phạt kinh tế, cung cấp vũ khí để Ukraina có thể giành chiến thắng.

Trả lời L’Express, giáo sư Daniel Treisman nhận thấy trị vì suốt 22 năm qua, Putin và chế độ của ông ta đã bị lão hóa, xơ cứng. Dần dà, những người xung quanh chỉ « tâu » lên những gì Putin muốn nghe. Hai tuần trước chiến tranh, tướng Leonid Ivachov đứng đầu một tập thể cựu chiến binh quan trọng, tuy là « diều hâu » nhưng vẫn khẳng định xâm lăng Ukraina là sai lầm. Quân đội Nga ý thức rõ hơn về những khiếm khuyết của mình, còn phe FSB thì lo giành trước những căn nhà vừa ý ở Kiev, tưởng rằng chỉ trong ba ngày là chiếm được thủ đô Ukraina.

Giáo sư nêu ra nhiều khả năng cho tương lai Putin, và theo ông « Một sự sụp đổ chế độ có thể xảy ra, thay vì đảo chánh ». Ông lý giải, Putin đã làm mọi cách để tránh rủi ro này. Các cơ quan FSB (tình báo), GRU (tình báo quân đội), FSO (bảo vệ yếu nhân) và Vệ binh Quốc gia giám sát lẫn nhau, và FSB cài nhân viên trong tất cả các đơn vị quân đội. Trong hệ thống cạnh tranh này, mỗi bên đều báo cáo những dấu hiệu đáng ngờ cho Vladimir Putin. Trong trường hợp Putin phải rời quyền lực, quá trình sụp đổ sẽ từ từ diễn ra với một loạt khủng hoảng, thay vì một cuộc đảo chánh.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc đổ bộ chiếm Đài Loan ?

Nhìn sang châu Á, Le Point đặt vấn đề « Trung Quốc có thể thất bại trước Đài Loan hay không ? ». Trước tấm gương kháng chiến của Ukraina, mọi điều đều có thể nếu Bắc Kinh xâm lăng hòn đảo, và một thất bại sẽ khiến chế độ cộng sản phải trả giá đắt. Đa số chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc tiến đánh Đài Loan khó thể xảy ra trong thời điểm hiện nay, Bắc Kinh luôn chờ đợi lúc thuận lợi nhất mới ra tay. Nhưng sự kiện Nga bất ngờ xua quân sang Ukraina khiến các nhà quan sát phải thận trọng.

Hãy hình dung ra kịch bản. Sau khi bắn đợt đầu hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình từ Hoa lục, cùng với tấn công tin học ồ ạt, hạm đội xâm lược gồm mấy trăm tàu chiến và tàu dân sự hướng về Đài Loan. Dù thiệt hại khá nhiều khi vượt qua eo biển, khoảng mấy chục ngàn lính Trung Quốc đổ bộ được trên hơn một chục bờ biển phía tây đảo chính của Đài Loan, trong khi biệt kích được thả dù xuống phía sau. Chính ở đây khó khăn bắt đầu : mặt đất sình lầy, đầy mìn bẫy, quân phòng thủ chống cự dữ dội. Đổ bộ vào lãnh thổ đối phương chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Cũng vì vậy mà Mỹ hồi năm 1944 rốt cuộc đã từ bỏ kế hoạch đổ bộ lên...Đài Loan (chiến dịch Causeway), lúc đó đang bị Nhật Bản chiếm đóng.

Bên thủ thường thuận lợi hơn bên công, và Ukraina là cú sốc khiến quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của người Đài Loan tăng cao, ý tưởng kéo dài thời gian quân dịch nay được ủng hộ. Và nước Mỹ bước vào sân chơi. Tuy Đài Bắc không có được cam kết chính thức từ Washington, nhưng nếu Mỹ từ chối bảo vệ hòn đảo, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Hoa Kỳ đứng trước nguy cơ Trung Quốc khóa lối vào Tây Thái Bình Dương, tự tin lao vào cuộc cạnh tranh ngôi vị hàng đầu thế giới. Và làm thế nào các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, châu Âu...có thể tin tưởng được Mỹ ? Năm 2021, lần đầu tiên thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ một chiến dịch bảo vệ Đài Loan.

Hoa Kỳ sẽ huy động hải quân đóng ở Nhật Bản, trong khi các lực lượng ở Guam và Hawai nhanh chóng đến chiến địa. Tàu ngầm, chiến hạm, oanh tạc cơ và drone sẽ lao đến đánh chìm các tàu Trung Quốc ; thủy quân lục chiến Mỹ sẽ « nhảy cóc » từ đảo này sang đảo khác để tiêu hủy các cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh dựng lên trên các đảo nhỏ đang tranh chấp.

Lối thoát : Rút lui sau khi « cho Đài Bắc một bài học »

Ngược với Mỹ, Trung Quốc từ lâu không biết đến chiến tranh, cuộc xung đột ngắn ngủi với Việt Nam năm 1979 chẳng lấy gì làm vẻ vang cho Giải phóng quân Hoa lục. Dù được huấn luyện đầy đủ, quân đội của một nước độc tài vẫn không để các sĩ quan tác chiến có quyền quyết định, và hiệu quả vũ khí Trung Quốc cũng rất đáng ngờ. Tất nhiên khi bị thất thế, Bắc Kinh sẽ trả đũa. Có thể là kích hoạt các virus đã cài vào các hệ thống ở Mỹ trước đó, thậm chí phá hủy các vệ tinh cần cho tình báo và viễn thông. Để làm dư luận Mỹ hoảng sợ, Bắc Kinh cũng nghĩ đến việc dùng vũ khí nguyên tử, chẳng hạn thả xuống đảo Guam hoặc Hawai.

Trong giả thiết này, không quân và hải quân Hoa Kỳ sẽ tấn công ồ ạt vào các căn cứ và lực lượng Trung Quốc ở miền duyên hải, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Dân Trung Quốc liệu có sẵn sàng với một cuộc chiến trực diện như vậy hay không ? Chấp nhận thất bại hay bị tiêu diệt ? Lối thoát duy nhất cho chế độ Bắc Kinh là rút quân với lý do đã « dạy một bài học » cho ý định độc lập của Đài Loan.

David vẫn chưa thắng được Goliah. Đài Loan không có được một quân đội thiện chiến sau 8 năm chiến đấu như Ukraina. Còn Trung Quốc, từ nhiều năm qua đã chuẩn bị cho kịch bản xâm lược quy mô, cũng rút ra các bài học từ cuộc phiêu lưu của Putin, về vũ khí, chiến lược, cách tổ chức. Rất có thể Bắc Kinh tìm cách khuất phục Đài Loan mà không dùng đến vũ lực, như phá hoại chính trị, phong tỏa kinh tế.

Giáo sư Treisman cho rằng cần khẩn cấp răn đe để Bắc Kinh không sử dụng biện pháp cực đoan, vì kịch bản trên đây có thể làm kinh tế thế giới thiệt hại 2.500 tỉ đô la một năm. Về phía châu Âu sẽ không sẵn sàng « chết cho Đài Loan », và nếu tham gia về quân sự cũng không đóng góp được mấy, thậm chí còn làm vướng chân Mỹ. Chủ yếu là lo giữ sân nhà, và đóng góp vào việc duy trì tự do hàng hải ở Đông Nam Á chẳng hạn. Ngược lại, châu Âu có thể giúp răn đe bằng cách hạn chế sự lệ thuộc vào Trung Quốc, báo trước cho Bắc Kinh là các trừng phạt sẽ gây khốn đốn cho mô hình tăng trưởng mà chế độ đang dựa vào để làm nên quyền lực.


**********
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Tchetchenia đào tạo tân binh Nga

Thu Hằng

Hàng trăm, hàng nghìn quân nhân bị huy động và tân binh tình nguyện Nga được đào tạo tại Học viện Quân sự Grozny do chính lãnh đạo Cộng Hòa Tchetchenia (thuộc Nga) thành lập. Sau 15 ngày huấn luyện, họ được điều thẳng ra chiến trường Ukraina và được hứa trả lương 200.000 rúp/tháng (khoảng 3.000 euro), cao gấp 4 lần so với mức trung bình.

Lần đầu tiên, đài truyền hình Pháp TF1/LCI, kênh truyền thông phương Tây, được phép đưa tin về chương trình huấn luyện trong doanh trại. Nga có nhiều cơ sở huấn luyện trên khắp nước nhưng Học viện Quân sự Grozny (nằm dưới chân núi Kavkaz) là trung tâm lớn nhất, được trang bị hiện đại nhất. Những vùng không có cơ sở huấn luyện có thể gửi tân binh đến đào tạo tại đây.

Theo phóng sự ngày 26/11/2022, huấn luyện viên quân sự Tchetchenia, nổi tiếng là thiện chiến, hướng dẫn tân binh sử dụng vũ khí (súng trường, súng phóng tên lửa, lựu đạn), kỉ luật quân đội, luyện tập thể lực. Ngoài ra, còn có một khóa đào tạo lính bắn tỉa, chiến thuật chiến đấu đô thị.

Ngoài huấn luyện rất nhiều tân binh bị động viên Nga, ông Pavel Kozlov, một huấn luyện viên, cho đài TF1/LCI biết : « Cũng có nhiều công dân trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự đến chỗ chúng tôi. Họ biết là nhờ huấn luyện tốt, họ có nhiều cơ may sống sót hơn trong chiến tranh ». Một tân binh đến từ Siberi vừa hoàn thành bài tập cho biết « sẽ ra mặt trận ba tháng mùa đông » và khẳng định « không sợ » vì « có đồng đội tốt đến từ khắp nước Nga », dù « lần đầu cầm súng » và « không có kinh nghiệm chiến đấu ».

Nga thiếu huấn luyện viên quân sự ?

Việc tân binh Nga được đào tạo tại Cộng Hòa Tchetchenia « cho thấy hai thực tế », theo nhà phân tích địa chính trị Ulrick Bounat, khi trả lời đài LCI ngày 26/11 : « Trước hết, chế độ được Kadyrov thành lập ở Tchetchenia là một chế độ siêu vũ trang với vài trăm nghìn quân nhân. Tiếp theo là, một phần các huấn luyện viên quân sự trong quân đội Nga đang ở mặt trận, bị chết hoặc đã bị huy động. Do đó, có thể Nga thiếu huấn luyện viên quân sự ».

Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Tchetchenia, nổi tiếng hiếu chiến và ủng hộ tổng thống Putin, được đích thân ông chủ điện Kremlin phong hàm thượng tướng hồi tháng 10. Tại sao nhà lãnh đạo, cũng như chế độ Tchetchenia, luôn kiểm soát chặt chẽ mọi hình ảnh đưa ra khỏi đất nước, lại cho phép nhóm phóng viên TF1/LCI làm phóng sự ? Theo nhà phân tích địa chính trị Ulrick Bounat, « Kadyrov tìm cách có thêm quyền lực và áp đặt đường lối ngoại giao. Kadyrov muốn thể hiện và chứng minh là người lính hàng đầu của Putin ».


************
rfi.fr

Thỏa thuận ''lịch sử'' giữa chính quyền và đối lập Venezuela, Mỹ nới lỏng cấm vận

Minh Anh

Ngày 26/11/2022, tại Mêhicô, chính quyền Venezuela và phe đối lập đã ký « một thỏa thuận bán phần thứ hai về mặt bảo trợ xã hội ». Đây là một bước tiến mới trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại Venezuela, khiến hơn 7 triệu người phải bỏ ra nước ngoài.

Theo AFP, Colombia và Hoa Kỳ, hai trong số các nước theo dõi tiến trình đàm phán (cùng với Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Mêhicô) đã vận động để chính phủ và đối lập Venezuela ngồi lại vào bàn đàm phán sau 15 tháng đình chỉ.

Ngoại trưởng Mêhicô, nước tổ chức cuộc họp, hoan nghênh thỏa thuận là « một hy vọng cho toàn châu Mỹ Latinh » và là « chiến thắng của chính trị ». Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ đánh giá đây là « một bước đi đúng hướng quan trọng » và « hoan nghênh (hai bên) nối lại đàm phán ».

Thông tín viên RFI Gwendolina Duval tường trình từ Mêhicô :

« Thỏa thuận giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập đã chính thức nối lại phần nào các cuộc đàm phán. Rất nhiều khúc mắc về tương lai đất nước vẫn bị bỏ ngỏ, nhưng đối với ông Dag Nylander, nhà ngoại giao Na Uy phụ trách tiến hành đàm phán, đây là một bước mang tính lịch sử.

Ông phát biểu : « Chúng tôi không những ghi nhận việc nối lại đàm phán, mà còn hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận bán phần, sẽ thúc đẩy những tiến bộ quan trọng cho việc bảo trợ xã hội người dân Venezuela ».

Thỏa thuận dự kiến giải ngân 3.000 triệu đô la. Ông Jorge Rodriguez, đại diện cho chính quyền Venezuela, cho biết khoản tiền Nhà nước này sẽ dành cho các lĩnh vực năng lượng, giáo dục và sức khỏe. Trong khi phe đối lập yêu cầu bầu cử tự do, ông Rodriguez khẳng định chính phủ của tổng thống Maduro sẽ duy trì đối thoại cởi mở trong những tháng tới.

Ông nói : « Người ta không thể thương lượng hoặc thúc đẩy dân chủ khi bị súng chĩa vào đầu. Venezuela đang phải bị 763 khẩu súng như vậy dưới hình thức trừng phạt. Tất cả những biện pháp này phải được dỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận với phe đối lập Venezuela ».

Từ ba năm nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Venezuela đã được tăng cường vì quốc gia này thiếu tôn trọng nhân quyền ».

Mỹ nới lỏng cấm vận nhưng có điều kiện 

Ngay khi có thông báo việc việc chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập đạt được một « một phần thỏa thuận », Hoa Kỳ hôm qua, 26/11/2022, đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Theo đó, tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ được phép nối lại các hoạt động khai thác dầu khí ở Venezuela với một số điều kiện. 

Thông tín viên Loubna Anaki tại New York giải thích : 

« Đối với Washington, đây là một cử chỉ thiện chí dành cho chính phủ Nicolas Maduro, "một bước đi quan trọng đúng hướng". Sau thỏa thuận ký kết được giữa chính phủ Caracas và phe đối lập, Washington đã cho phép tập đoàn dầu khí Chevron nối lại một phần các hoạt động khai thác dầu ở Venezuela, qua hợp tác với công ty quốc gia Venezuela. 

Tập đoàn lớn California bày tỏ hoan nghênh tin mới này. Do các lệnh trừng phạt áp đặt trong nhiều năm qua, hãng Chevron chỉ có thể thực hiện các hoạt động bảo trì cơ sở vật chất của mình. 

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ nêu rõ, việc mở lại các hoạt động bao hàm một số điều kiện nhất định. Công ty Venezuela sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc bán dầu do Chevron thực hiện. Nguồn thu sẽ được dùng để trả nợ cho công ty Mỹ. 

Washington còn cảnh báo rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt này vẫn chỉ là một phần và phần còn lại sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của chính phủ Nicolas Maduro và tiến trình đàm phán với phe đối lập. »


*************

NATO bật đèn xanh cho Đức chuyển hệ thống Patriot tới Ukraine


NATO bật đèn xanh cho Đức chuyển hệ thống Patriot tới Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Patriot - Ảnh chụp màn hình Army Technology

Đức đã đề nghị cung cấp cho Ba Lan các hệ thống Patriot sau khi một tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này hồi tuần trước khiến hai người thiệt mạng. Berlin và Warsaw là hai đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak sau đó từ chối và đề nghị thay vì chuyển tới Ba Lan, Đức nên đưa các hệ thống Patriot tới Ukraine.

Trong một cuộc họp báo ngày 25-11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiếp tục thúc giục Đức đưa Patriot đến Ukraine "để bảo vệ cả Ukraine và Ba Lan một cách hiệu quả nhất dưới góc độ quân sự".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht bác bỏ yêu cầu này từ ngày 24-11, với lý do bất kỳ việc sử dụng nào bên ngoài lãnh thổ NATO sẽ cần phải thảo luận trước với NATO và các đồng minh. Người phát ngôn Chính phủ Đức xác nhận Berlin đang tham khảo các ý kiến đồng minh trong một cuộc họp báo ngày 25-11.

Phản ứng trước sự chần chừ và động thái "đá bóng trách nhiệm" của Berlin, Tổng thư ký NATO Stoltenberg lên tiếng trong cùng ngày 25-11.

"Quyết định cụ thể liên quan việc gửi hệ thống gì tùy thuộc vào quốc gia đó", ông Stoltenberg trả lời báo giới, ám chỉ việc NATO không có trách nhiệm quyết định các nước thành viên gửi gì cho Ukraine.

"Đôi khi có những thỏa thuận về người dùng cuối và những thứ khác cần tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh khác. Song cuối cùng thì quyết định phải do chính phủ các quốc gia đưa ra", ông Stoltenberg nói thêm.

Hệ thống phòng không Patriot là sản phẩm của tập đoàn Raytheon có trụ sở tại Mỹ, là hệ thống phòng thủ phổ biến trong quân đội các nước phương Tây.

Trả lời câu hỏi liệu NATO có nguy cơ trở thành một bên trong cuộc xung đột hay không khi gửi Patriot tới Ukraine, ông Stoltenberg cho biết trước đây các đồng minh đã chuyển vũ khí tiên tiến tới Kiev, song không có binh sĩ NATO nào đi kèm nên sẽ không có vấn đề gì.

Ukraine đã liên tục thúc giục phương Tây gửi thêm vũ khí đến nước này để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu. Chính quyền Kiev cáo buộc Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự, trái với tuyên bố của Matxcơva là chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự bằng vũ khí chính xác cao.


**********

Nga bàng hoàng trước tin Ngoại trưởng Belarus đột ngột qua đời


Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự bàng hoàng và gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makey.

Theo RT, trong ngày 26/11 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makey.

"Sự ra đi của ông ấy là một cú sốc lớn, Ngoại trưởng Lavrov còn có lịch gặp mặt với ông Makey vào thứ Hai. Lời chia buồn chính thức từ Moscow sẽ sớm được gửi tới chính phủ Belarus", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.

lavrokv-belarus4265-206
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makey và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AP

Theo thông tin từ hãng thông tấn Belta của Belarus, Ngoại trưởng Makey đã đột ngột qua đời ở tuổi 64, nguyên nhân cái chết không được công bố cụ thể. Sự kiện cuối cùng ông Makey tham dự là cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng Cộng đồng Các quốc gia Độc lập và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 23/11.

Ông Vladimir Makey bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao từ năm 1993, trở thành cố vấn của Tổng thống Alexander Lukashenkov vào năm 2000. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò Chánh văn phòng Tổng thống Belarus từ năm 2008-2012, trở thành Ngoại trưởng vào năm 2012.


**********

Chiến sự vẫn tiếp diễn

Ngày 26.11, Thị trưởng Borys Filatov của thành phố Dnipro bên bờ sông Dnieper ở miền trung Ukraine cho hay khu vực này đã trúng đòn tấn công của quân Nga. Dù cơ sở hạ tầng chưa bị hư hại, tình trạng cúp điện đã diễn ra ở một số nơi, theo Kyiv Independent.

Cùng ngày, TASS dẫn nguồn tin cho biết quân Ukraine đã khai hỏa tổng cộng 12 quả siêu lưu pháo do các nước NATO viện trợ vào thành phố Svatove thuộc Luhansk. Chưa rõ thông tin thương vong tại đây.

Chiến sự Ukraine ngày 276: 1/3 số lựu pháo phương Tây bị loại khỏi chiến trường - ảnh 2

Hình ảnh cho thấy một nơi trúng pháo của Nga ở Dnipro hôm 26.11

reuters

Cũng trong ngày 26.11, Sputnik News dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay 9 tù binh Nga đã quay về nước, trong khi phía Ukraine tiếp nhận 12 tù binh. Đây là kết quả đến từ nỗ lực đàm phán mới nhất giữa hai nước liên quan đến tù binh.

Nga sốc trước tin ngoại trưởng Belarus qua đời

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow bị sốc trước thông tin Ngoại trưởng Vladimir Makei của đồng minh Belarus bất ngờ qua đời ở tuổi 64 vào ngày 26.11. Lẽ ra ông Makei sẽ tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi ông Lavrov đến Minsk ngày 28.11.

Là nhà ngoại giao kỳ cựu của Belarus, ông Makei công tác ở Bộ Ngoại giao từ năm 1993 sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Áo ở Vienna. Ông từng đại diện cho Belarus tại Hội đồng châu Âu và là trợ lý của Tổng thống Aleksandr Lukashenko trước khi trở thành ngoại trưởng vào năm 2012.

Thông điệp của Tam giác Lublin

Cũng trong ngày 26.11, các thủ tướng Lithuania, Ba Lan và Ukraine (3 thành viên của diễn đàn Tam giác Lublin), lần lượt là bà Ingrida Šimonytė, ông Mateusz Morawiecki và ông Denys Shmyhal, đã hội đàm ở Kyiv và một lần nữa cam kết cùng hợp tác đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Chiến sự Ukraine ngày 276: 1/3 số lựu pháo phương Tây bị loại khỏi chiến trường - ảnh 3

(trái sang phải) Thủ tướng Ingrida Šimonytė (Lithuania), Thủ tướng Denys Shmyhal (Ukraine) và Thủ tướng Mateusz Morawiecki (Ba Lan)

Twitter thủ tướng Lithuania

Các thành viên của diễn đàn Tam giác Lublin đưa ra tuyên bố chung với nội dung phản đối chiến sự ở Ukraine và lên án những hành động tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập các vùng ở Ukraine vào Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chủ trì hội nghị thượng đỉnh về an ninh thực phẩm và vấn đề xuất khẩu nông sản với các thủ tướng Bỉ, Ba Lan, Lithuania và tổng thống Hungary, theo Reuters.

Ông Zelensky cho biết Kyiv đã gây quỹ được khoảng 150 triệu USD với sự góp sức từ hơn 20 nước và Liên minh châu Âu nhằm tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc cho những nước nghèo ở châu Phi, bao gồm Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Somalia và Yemen.

“Chúng tôi có kế hoạch gửi ít nhất 60 tàu chở nông sản xuất phát từ các cảng biển của Ukraine để đến những nước đối mặt nguy cơ cao nhất xảy ra nạn đói và hạn hán”, tổng thống Ukraine phát biểu tại hội nghị.


*************

Hình ảnh bên trong 'chung cư lợn' 26 tầng ở Hồ Bắc, Trung Quốc


Với quy mô giống như một chung cư 26 tầng, trang trại lợn ở Hồ Bắc, Trung Quốc có sức chứa tối đa lên tới 650.000 con lợn

Theo Guardian, kể từ tháng 10, trang trại chăn nuôi lợn 26 tầng tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là trang trại chăn nuôi lợn theo mô hình đơn lập lớn nhất thế giới, với công suất giết mổ 1,2 triệu con lợn mỗi năm, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ NDT (khoảng 558 triệu USD).

cn-pig-5-1201
Bên ngoài "chung cư lợn" 26 tầng ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Sina
cn-pig-2-1202
Hệ thống chuồng chăn nuôi bên trong chung cư. Ảnh: Sina

Khi vận hành hết công suất, diện tích chăn nuôi của "chung cư" này lên tới 80 ha, có thể chứa một lúc 650.000 con lợn. Đây là trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao, với hệ thống kiểm soát khí đốt, nhiệt độ và 30.000 máng ăn tự động được điều khiển từ xa.

Để giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường xung quanh, chất thải chăn nuôi sẽ được tái chế và dùng làm khí đốt sinh học để phát điện và đun nóng nước trong trang trại. Những nhân viên làm việc tại đây cũng trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt mỗi khi đổi ca, nhằm đảm bảo tính vệ sinh của thành phẩm cuối cùng.

cn-pig-4-1203
Chuồng lợn với máng cho ăn tự động. Ảnh: Sina
cn-pig-7-1204
Ảnh: Xinhua
cn-pig-8-1205
Thang máy tải trọng 10 tấn trong trang trại. Ảnh: Xinhua

Kể từ năm 2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cho phép xây dựng các cơ sở chăn nuôi cao tầng trên cả nước. Đây là động thái được các nhà đầu tư đón nhận nhiệt liệt, bởi mô hình chăn nuôi cao tầng mang lại năng suất cao và thân thiện với môi trường.

"So với phương pháp chăn nuôi kiểu cũ, các trang trại lợn cao tầng có mức độ tự động hóa và an toàn sinh học lớn hơn. Quan trọng nhất là chúng giúp tiết kiệm tài nguyên đất", một Giáo sư tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nhận xét.

cn-pig-3-1206
Phòng điều khiển trung tâm của trang trại lợn. Ảnh: Sina
cn-pig-9-1207
Nhân viên của trang trại kiểm tra thiết bị sản xuất. Ảnh: Sina

**********

Tin thế giới 27-11: Triều Tiên tin có vũ khí hạt nhân hàng đầu, thăng chức hàng chục sĩ quan

TUOI TRE ONLINE

Tin thế giới 27-11: Triều Tiên tin có vũ khí hạt nhân hàng đầu, thăng chức hàng chục sĩ quan - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng với con gái thị sát tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - Ảnh: KCNA

* Triều Tiên muốn trở thành cường quốc hạt nhân số một. Ngày 27-11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết mục tiêu cuối cùng của đất nước ông là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Ông Kim Jong Un cũng thăng chức hàng chục sĩ quan quân đội tham gia vào vụ phóng tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên gần đây.

Xây dựng lực lượng hạt nhân là để bảo vệ nhân phẩm và chủ quyền của nhà nước và người dân, và "mục tiêu cuối cùng là sở hữu lực lượng chiến lược mạnh nhất thế giới, lực lượng tuyệt đối chưa từng có trong thế kỷ", ông Kim nói.

Ông Kim gọi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới" và nói rằng nó thể hiện quyết tâm và khả năng của Triều Tiên trong việc xây dựng quân đội mạnh nhất thế giới.

Các nhà khoa học Triều Tiên đã tạo ra một "bước tiến nhảy vọt tuyệt vời trong việc phát triển công nghệ đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo", ông Kim cho biết thêm.

* Ukraine khởi động kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chủ trì hội nghị thượng đỉnh tại Kiev cùng các nước đồng minh ngày 27-11, nhằm khởi động kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc trị giá 150 triệu USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi nạn đói và hạn hán.

Ông Zelensky nói sáng kiến ​​"Ngũ cốc từ Ukraine" đã chứng minh an ninh lương thực toàn cầu "không chỉ là những lời nói suông" đối với Kiev.

Kiev đã huy động được 150 triệu USD từ hơn 20 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) để xuất khẩu ngũ cốc sang các nước bao gồm Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Somalia và Yemen.

Hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự trực tiếp của thủ tướng Bỉ, Ba Lan và Lithuania và tổng thống Hungary. Tổng thống Đức và Pháp và người đứng đầu Ủy ban châu Âu đã có bài phát biểu qua video.

* Trung Quốc viện trợ 100 triệu USD cho Cuba. Phó thủ tướng Cuba Alejandro Gil cho biết khoản viện trợ nhằm giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ do đại dịch COVID-19.

Khoản đóng góp được công bố sau khi Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.

Ngày 25-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermudez tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba sau Venezuela.

Tin thế giới 27-11: Triều Tiên tin có vũ khí hạt nhân hàng đầu, thăng chức hàng chục sĩ quan - Ảnh 3.

Ông Trump và rapper Kanye West trong cuộc gặp năm 2016. Năm nay, cả hai đều tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024 - Ảnh: AFP

* Nhà Trắng lên án ông Trump vì ăn tối với rapper Kanye West. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận đã ăn tối với Kanye West (còn gọi là Ye) vào tối 22-11 tại resort Mar-a-Lago của gia đình Trump ở bang Florida.

"Sự cố chấp, thù ghét và bài Do Thái hoàn toàn không có chỗ đứng ở Mỹ - kể cả ở Mar-a-Lago. Phủ nhận diệt chủng là đáng ghê tởm và nguy hiểm, và nó phải bị lên án mạnh mẽ", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Andrew Bates nói với Đài CNN.

Nam rapper người Mỹ đã bị nhiều thương hiệu lớn như Adidas và Gap quay lưng vì những phát ngôn bài Do Thái. Ye cũng đưa theo bạn bè đến buổi ăn tối, trong số đó có Nick Fuentes, một người thẳng thắn bài Do Thái và phân biệt chủng tộc.

Ông Trump đã phủ nhận việc bản thân quen biết Nick Fuentes trên mạng xã hội Truth Social của ông. Trong khi đó, trang tin Axios trích nguồn tin riêng cho biết ông Trump "có vẻ rất thân thiết với Fuentes mặc dù không biết về lý lịch của người này".

* Thủ phạm vụ xả súng ở Brazil ghim chữ thập ngoặc trên ngực áo. Hung thủ 16 tuổi trang bị súng lục bán tự động và súng lục ổ quay đã giết chết 3 người và làm bị thương 13 người tại hai trường học ở Brazil ngày 25-11 đã ghim hình chữ thập ngoặc vào áo khoác ngoài và lên kế hoạch cho các vụ tấn công trong hai năm.

Cảnh sát cho biết súng của hung thủ được đăng ký dưới tên người cha là một sĩ quan quân cảnh. Thủ phạm vụ xả súng mặc áo chống đạn, dùng xe hơi của gia đình để đi đến nổ súng ở hai trường và che biển số bằng một miếng vải.

* Công ty ở bang Mississippi (Mỹ) sa thải 2.700 công nhân khi họ đang ngủ. Theo báo Guardian, 2.700 công nhân Công ty đồ nội thất UFI tại bang Mississippi nhận được tin nhắn thông báo bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay trước nửa đêm ngày 21-11, chỉ 3 ngày trước lễ Tạ ơn.

Nhân viên cũng không được giải thích lý do tại sao họ bị chấm dứt hợp đồng đột ngột như vậy. Nhiều nhân viên bày tỏ đã sốc và thất vọng trước việc bị sa thải đột ngột.

"Thật không công bằng cho những người lao động làm việc chăm chỉ nghiêm túc. Thật không công bằng đối với những bà mẹ vừa sinh con. Thật không công bằng cho bệnh nhân ung thư khi đang trong quá trình hóa trị phải tìm cách chi trả cho các đợt điều trị", một nhân viên bày tỏ phẫn nộ.

* Người Đức hạn chế mua sắm trong bối cảnh lạm phát. Theo một thăm dò mới đây, người tiêu dùng Đức thừa nhận đã phải cắt giảm chi tiêu khi đối mặt với lạm phát, với 52% số người được hỏi cho biết chỉ còn mua những thứ thiết yếu.

Cuộc khảo sát với sự tham gia của 10.000 người tiêu dùng do nhóm nghiên cứu thị trường NielsenIQ thực hiện trước mùa mua sắm Giáng sinh năm nay cho thấy 44% người Đức đã từ bỏ thú vui mua sắm xa xỉ.

Hơn 31% cho biết ngừng đi ăn uống ở bên ngoài và chuyển sang tự nấu ăn, trong khi khoảng 30% cho biết họ ít đi mua sắm hơn. Chỉ 10% cho biết việc tăng giá không ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của họ.

Hãy chăm sóc da

Goc anh ngay 26

Khoảng 2.500 người đã tham gia chụp ảnh nude tập thể trong dự án nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ Spencer Tunick nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư da. Ảnh chụp tại bãi biển Bondi tại TP Sydney, Úc ngày 26-11 - Ảnh: REUTERS


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn