Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 13 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )

Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một 20224:12 SA(Xem: 6324)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 13 -11-2022 ( Cập nhật nhiều lần )


MeConU

*************

Rút khỏi Kherson, Nga nhường thế trận cho pháo HIMARS


Vào một đêm tháng 6, tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên, làm rung chuyển ngoại ô thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Ukraine. Một quả cầu lửa bùng lên rực sáng bầu trời sau tiếng nổ, nhưng lực lượng Nga đang kiểm soát Kherson giải thích rằng đây chỉ là một kho nông nghiệp bị cháy và kích nổ phân bón bên trong.

Mykhaylo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, lại đưa ra lời giải thích khác. Ông cho hay đây là lần đầu tiên quân đội Ukraine sử dụng pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp để tập kích kho vũ khí Nga ở Kherson. Trước khi sở hữu HIMARS, quân đội Ukraine không có bất cứ loại vũ khí nào có thể vươn tới mục tiêu này.

Tổ hợp HIMARS Ukraine triển khai ở tỉnh miền nam Zaporizhzhia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Tổ hợp HIMARS Ukraine triển khai ở tỉnh miền nam Zaporizhzhia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Những tháng sau đó, HIMARS xuất hiện thường xuyên hơn ở Kherson, tận dụng tầm bắn khoảng 80 km để tập kích cầu cống, kho đạn và sở chỉ huy lực lượng Nga, gần như cắt đứt tuyến tiếp tế cho quân đội Nga đồn trú tại thành phố.

Với khả năng phóng quả đạn chứa hơn 90 kg thuốc nổ đánh chính xác mục tiêu từ khoảng cách xa, HIMARS đã giúp quân đội Ukraine phá vỡ thế bế tắc ở Kherson. Ưu thế về pháo binh của Nga biến mất, khi họ phải chuyển các kho đạn ra khỏi Kherson, trong khi các cây cầu huyết mạch tiếp viện cho thành phố đều bị tập kích.

Đến ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tổng chỉ huy chiến dịch tại Ukraine Sergey Surovikin thừa nhận không thể tiếp tục giữ Kherson và quyết định rút quân để "bảo tồn sinh mạng" của binh sĩ.

Quân đội Nga hôm 12/11 cho hay toàn bộ hơn 30.000 quân nhân và khoảng 5.000 khí tài cùng các vật tư khác đã được rút khỏi thành phố Kherson. Các đơn vị quân đội Ukraine sau đó tiến vào trung tâm Kherson mà không vấp phải hoạt động kháng cự nào.

Giành được Kherson, Ukraine cũng đối mặt với những thách thức mới, đó là phòng tuyến được bố trí chặt chẽ của Nga ở bờ đông sông Dnieper. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Ukraine không nhất thiết phải hao tổn binh lực để vượt sông, khi họ có thể tiếp tục phát huy ưu thế của HIMARS.

Khi rút khỏi Kherson, Nga từ bỏ một vùng đệm chiến lược trước đó có thể ngăn cách loạt kho hậu cần ở tuyến sau, cũng như phòng tuyến ở bờ đông sông Dnieper, với hỏa lực từ pháo HIMARS.

Theo bình luận viên Nick Mordowanec của NewsWeek, khi bố trí trận địa ở thành phố Kherson, pháo HIMARS hoàn toàn có thể đe dọa hành lang trên bộ nối biên giới phía tây Nga với bán đảo Crimea, cũng như hàng loạt kho hậu cần và đạn dược của Nga trong khu vực.

"Khu vực thành phố Kherson ở phía tây sông Dnieper có tầm quan trọng chiến lược về mặt quân sự, cho phép chúng tôi triển khai hỏa lực nhằm vào các tuyến đường tiếp vận của Nga từ bán đảo Crimea", Serhiy Kuzan, cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận xét.

Lợi thế của pháo HIMARS từ Kherson sẽ càng được phát huy khi Lầu Năm Góc gần đây thông báo viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó bổ sung đạn cho tổ hợp pháo phản lực này.

Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện CATO ở Mỹ, cho rằng khi tuyến tiếp tế quan trọng từ Crimea bị đe dọa, Nga sẽ không thể xây dựng hành lang trên bộ an toàn nối bán đảo này với biên giới phía tây, đồng thời giúp Ukraine có thêm lý do thuyết phục các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí.

Cục diện chiến trường sau khi Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến trường sau khi Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson. Đồ họa: WP.

Theo Pat Ryder, cựu tướng không quân Mỹ, sau khi rút khỏi thành phố Kherson, mục tiêu của Nga là củng cố lực lượng ở bờ đông sông Dnieper, bảo vệ phần còn lại của tỉnh Kherson mà họ đang kiểm soát, hoặc đóng vai trò "chặn hậu" nếu phải rút lực lượng khỏi tỉnh này.

"Dù kế hoạch của Nga là gì, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến quân đội Ukraine gia tăng áp lực lên phòng tuyến đối phương. Ưu tiên của Mỹ là đảm bảo Ukraine có những thứ cần thiết để đạt thành công trên chiến trường", Ryder nói.

Chuyên gia Cohen cũng cho rằng quân đội Ukraine sau khi giành lại Kherson sẽ không thay đổi chiến lược sử dụng HIMARS, loại khí tài đã giúp họ cắt lực lượng Nga ở tiền tuyến với hệ thống hậu cần ở phía sau.

"Tôi cho rằng kế hoạch của Ukraine là giành lại càng nhiều lãnh thổ cũng như đạt được càng nhiều thành công trên chiến trường càng tốt trước khi mùa đông đến", Cohen nói.

Vũ Anh (Theo Newsweek)


***********

Chiến tranh Ukraina: Nga rút khỏi Kherson, lập tuyến phòng thủ bảo vệ Crimée ?

Minh Anh


Người dân ở Odessa ăn mừng vì quân đội Ukraina lấy lại được thành phố Kherson từ quân Nga, ngày 12/11/2022.
Người dân ở Odessa ăn mừng vì quân đội Ukraina lấy lại được thành phố Kherson từ quân Nga, ngày 12/11/2022. AP - Nina Lyashonok

Sau khi thông báo rút quân khỏi Kherson, điện Kremlin lên tiếng cảnh báo Nga không từ bỏ vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập. Và bất chấp việc Nga rút quân, Kherson vẫn nằm trong tầm bắn của quân đội Nga và các lực lượng Ukraina cũng sẽ không thể băng qua sông Dniepr.

Trên đài RFI ngày 13/11, tướng Dominique Trinquand, chuyên gia quân sự, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc phân tích : Mục tiêu rút quân của Nga lần này là nhằm bảo vệ bán đảo Crimée trước khả năng xảy ra một cuộc phản công thứ ba từ Kiev. Kể từ giờ, quân Nga trong thế thủ. Ông giải thích : 

« Trong chiến lược của tướng Nga, vấn đề chủ yếu ở đây là bảo vệ bán đảo Crimée, do vậy, ông ấy đã cho lập nhiều tuyến phòng thủ dọc theo sông Dniepr và sẽ tiếp tục cho lập nhiều tuyến phòng thủ ở phía bắc bán đảo Crimée. Hơn nữa, những tuyến phòng thủ đã có trước đây cũng sẽ được tăng cường. Theo tôi, đó cũng là lẽ hiển nhiên, bởi vì ít có cơ may quân Ukraina có khả năng vượt sông Dniepr, con sông mà quân Nga đã băng qua khi thoái lui, còn Ukraina sẽ băng sông trong thế tấn công. 

Ngược lại, có cả một khu vực nằm giữa sông Dniepr và vùng Donbass, ví dụ như khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia mà tại đây người ta chẳng hề nhắc đến chiến sự. Chính từ khu vực đó cho phép quân Ukraina, nếu họ có khả năng mở một cuộc tấn công thứ ba, đi thẳng từ Bắc xuống Nam trực chỉ bán đảo Crimée. Tuy nhiên, đây là điều tôi chưa biết được vì còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng. »


*********
rfi.fr

Ukraina, từ chiến thắng Kherson đến giấc mơ hòa bình

Thụy My

Kherson, thành phố lớn nhất mà Ukraina vừa tái chiếm, có thể là bước ngoặt cho cuộc chiến. Mới sáu tuần lễ trước Putin hùng hồn tuyên bố Kherson thuộc về Nga vĩnh viễn, nay quân Nga phải tháo chạy lần nữa, sau trận Kiev và Kharkiv. Dù chông gai còn nhiều, nhưng có thể bắt đầu mơ đến một Ukraina dân chủ, ổn định và thịnh vượng thời hậu chiến.

Kherson, chiến thắng lớn nhất của Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng

Tái chiếm Kherson (280.000 dân) là chiến thắng lớn nhất của Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng, sau cuộc phản công thần tốc để giành lại Izium (45.000 dân) hồi tháng Chín. Bộ trưởng quốc phòng Nga loan báo đã « tái phối trí » 30.000 quân cùng với 5.000 xe quân sự, thiết bị ở hữu ngạn sông Dniepr, « không để lại một ai phía sau ». Nhưng các hình ảnh trên mạng xã hội ngược lại cho thấy một cuộc rút lui hỗn loạn, quân Nga qua sông bằng cầu phao tạm bợ, bỏ lại quân phục và vũ khí. Trong một video, một lính Nga khẳng định đơn vị đã được lệnh mặc thường phục và tự tìm phương tiện để rút chạy. 

Libération và Le Figaro số cuối tuần đều đánh giá đây là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến. L'Express giải thích « Kherson : Vì sao việc Nga rút quân là chiến thắng lớn của Ukraina ». Dân chúng Kherson « mãi mãi là công dân của chúng tôi », cùng với Zaporijia, Luhansk và Donetsk - Vladimir Putin đã hứa hẹn như vậy trong buổi lễ sáp nhập 30/09. Chưa đầy sáu tháng sau, quân Nga lại phải tháo chạy lần nữa, sau khi rút khỏi Kiev cuối tháng Ba và Kharkiv giữa tháng Chín.

Tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái đoàn Pháp ở Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: « Đó là chiến thắng quan trọng của Ukraina. Cuộc tấn công có phương pháp để cắt đứt lực lượng Nga ở hữu ngạn khỏi các đường tiếp liệu phía sau, đã đặt quân Nga vào tình thế khốn đốn. Hoặc chiến đấu đến cùng tuy biết rằng trước sau gì cũng bị đánh bật, hoặc rút sang tả ngạn ». Cuộc rút quân - một sự nhục nhã cho Putin – rất vất vả vì Kiev sau khi phá hủy những chiếc cầu bắc ngang sông Dniepr đã oanh kích những cầu phao của Nga, và chừng như đã có một thỏa thuận ngầm vì Ukraina không truy sát gắt gao quân Nga qua sông.

Mặt trận sẽ tạm lắng một thời gian

Theo Courrier International, suốt cả ngày 11/11, tất cả báo chí và truyền hình Ukraina đều chăm chú theo dõi diễn tiến ở Kherson và vùng ngoại vi, cho đến khi chắc chắn rằng quân đội Ukraina sẽ giải phóng thành phố. Tiếp theo sẽ là gì ? L’Express nhận thấy dòng sông Dniepr là rào chắn thiên nhiên khiến lực lượng Ukraina sẽ không nhanh chóng vượt qua, hơn nữa Matxcơva đã bố phòng bên tả ngạn nhiều khẩu pháo. Mặt trận sẽ yên tĩnh chừng vài tháng. Quân Nga có thể hoàn hồn, phải bảo vệ ít lãnh thổ hơn, có thêm lính động viên tăng viện.

Tướng Úc Mick Ryan cho rằng ông Serguei Sourovikine sẽ bố trí lại những đơn vị tác chiến và yểm trợ, cũng như lực lượng dự bị ở miền nam và miền đông. Chuyên gia Mathieu Boulègue của Chatham House nhận định, Nga tin rằng mùa đông bất lợi cho những cuộc phản công lớn, họ muốn kéo dài cuộc xung đột để việc chiếm đóng trở thành chuyện đã rồi trước mùa xuân.

Về phía Ukraina không muốn ngưng chiến đấu. Những bất ngờ chiến thuật có thể diễn ra, vì Nga chưa củng cố được tất cả chiến tuyến, nhất là ở Zaporijia. Quân Nga có thể bị đẩy lui, và một sự đột phá có thể dẫn đến hiệu quả domino, cho dù khó có khả năng này. Matxcơva không loại trừ kịch bản trên : những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy những chiến hào mới đào trên tuyến đường nối với bán đảo Crimée. Theo Mathieu Boulègue, sự kiện Nga rút khỏi Kherson chỉ là một giai đoạn, trong một cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.

Niềm vui chiến thắng và những thách thức sắp tới

Courrier International trích dịch tường thuật của truyền thông các nước. Trong số « những cảnh tuyệt vời » mà The Guardian nhận thấy trên quảng trường Svoboda của Kherson, là cảnh hai người đàn ông vui mừng tung một nữ quân nhân lên cao, cảnh dân chúng thành phố được giải phóng quấn lá cờ xanh vàng quanh người. Những giọt nước mắt và nụ cười của « đám đông cư dân hân hoan » đến đón mừng đoàn quân của nước mình trong tiếng còi xe và những bài hát vinh danh người lính chiến. Người dân xúc động ôm lấy những chiến binh, tặng hoa, hô vang « Vinh quang cho Ukraina ! Vinh quang cho những người hùng ! »

Những hình ảnh lễ hội này tương phản với cảnh tháo chạy của Nga. Washington Post coi đây là « thất bại chính trị và quân sự lớn nhất của Vladimir Putin trong cuộc chiến tàn bạo tám tháng rưỡi qua của ông ta ». New York Times lưu ý « Khi phải loan báo những tin xấu, khó thể tìm thấy Putin ».  hôm thứ Tư ông ta để cho tướng Serguei Sourovikine « là khuôn mặt của thất bại ». Tờ Times nhấn mạnh, « Putin ngày càng khó giữ khoảng cách với những trận thua, đang dần xói mòn hình ảnh một nhà lãnh đạo bất khả chiến bại », tuy chiếc ghế của ông ta vẫn chưa bị đe dọa.

Một chuyên gia trên Washington Post cho rằng tổng thống Nga luôn nghĩ là Ukraina sẽ phải đầu hàng khi mất đi sự ủng hộ của phương Tây từ nay cho đến sang năm. Suddeutsche Zeitung cũng cho là việc Nga rút khỏi Kherson không dẫn đến kết thúc chiến tranh, hơn nữa Kiev không muốn đàm phán. CNN cho biết Nga vẫn còn kiểm soát 60 % Kherson và kênh dẫn nước vào Crimée. El País nói thêm, đập Nova Kakhovka ở đông bắc Kherson đã bị hư hại, ngoài nguy cơ lụt lội, nếu đập này vỡ thì nhà máy điện nguyên tử Zaporijia sẽ không đủ nước làm nguội các lò phản ứng.

Khó có khả năng Putin dùng vũ khí nguyên tử

Về Vladimir Putin, Le Point nhận thấy những nét tương đồng giữa tổng thống Nga và Oussama Ben Laden, thủ lãnh Al Qaida. Cả hai đều coi cuộc chiến của mình là « Thiện » chống lại « Ác », tố cáo bị « Đại Sa-tăng » (Mỹ) hay « phát-xít » (Ukraina) tấn công. Thế nhưng chính chế độ của Putin đã xâm lăng nước láng giềng, phạm những tội ác ghê tởm với thường dân, triển khai lính đánh thuê đi bảo vệ những tên độc tài khát máu như Assad, bỏ tù đối lập, bóp nghẹt báo chí, tham nhũng…Sự đoàn kết của phương Tây nhằm trợ giúp Ukraina liệu có tiếp tục ? Đó là vấn đề trong những tháng sắp tới, « nếu muốn tránh khả năng Sa-tăng thứ thiệt chiến thắng ».

Giáo sư Dan Reiter giải thích trên L’Express « Vì sao không nên lo sợ trước một Putin tuyệt vọng (với mối đe dọa nguyên tử) ? ». Có nhiều lý do, riêng với hạt nhân thì từ năm 1945 đã nhiều lần các cường quốc nghĩ đến việc sử dụng bom nguyên tử trước đối thủ không có loại vũ khí này, nhưng rốt cuộc từ bỏ ý định. Chẳng hạn Hoa Kỳ ở Việt Nam và Afghanistan, Pháp trong cuộc chiến Algérie, Trung Quốc trong cuộc xâm lăng Việt Nam thập niên 70 và 80, Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 80.

Cũng trên L’Express, cựu đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Boris Bondarev cho rằng « Putin quá yêu cuộc sống sang trọng của ông ta để có thể dùng đến vũ khí hạt nhân », có thể dẫn đến một cuộc chiến làm chính ông phải bỏ mạng. Và một khi Putin còn tại vị thì không thể đàm phán với bất kỳ ai khác.

Khodorkovsky : Chưa phải là lúc để Kiev đàm phán

Nhưng liệu có nên ngồi vào bàn thương thảo lúc này ? Tỉ phú Nga lưu vong Mikhail Khodorkovsky giải thích trên The Economist « Bây giờ không phải là thời điểm để gây áp lực về hòa đàm ». Không ít nhân vật nổi tiếng đã sốt ruột thúc giục, để không phải mất thêm nhiều sinh mạng và tiền bạc. Tuy nhiên đây đã là cuộc chiến thứ tư của Vladimir Putin, sau Chechnya, Gruzia và Syria. Putin và những người thân cận cả đời chỉ biết đến luật giang hồ của mafia, đặt quyền lực lên trên tất cả. Nếu đối thủ lùi bước và đề nghị thương lượng, ông ta sẽ tập trung sức chiếm toàn bộ hoặc ít nhất hai phần ba lãnh thổ Ukraina, áp đặt tối hậu thư cho NATO, bắt bí Moldova và các nước Baltic.

Tuy nhiên hiện thời Putin đang cần tạm ngưng khoảng một năm để lấp đầy kho vũ khí đã bị vơi hẳn. Mọi cuộc đàm phán đều gây tổn hại cho tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraina, có vẻ như « đâm sau lưng chiến sĩ ». Hơn nữa, làm sao chắc chắn rằng sau một năm sẽ không có cuộc tấn công khác ? Theo nhà đối lập, chiến tranh chỉ kết thúc khi nào chế độ Kremlin thay đổi.

Ukraina và giấc mơ hòa bình

Dù vậy The Economist vẫn lạc quan nghĩ đến tương lai, đặt ra vấn đề « Làm thế nào một đất nước ổn định và thịnh vượng có thể nổi lên sau chấn thương từ cuộc xâm lăng của Nga ». Tờ báo hình dung ra một Ukraina toàn thắng vào năm 2030, đó là một quốc gia dân chủ chuẩn bị gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Công cuộc tái thiết gần như hoàn tất, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, đủ sạch và đa dạng để tách rời các tài phiệt tham nhũng, có nền an ninh vững chắc. Chẳng phải là Matxcơva không muốn xâm lăng lần nữa, nhưng nghĩ rằng sẽ không thành công.

Hiện nay đội quân Nga rệu rã đã rút khỏi Kherson, chiến tranh còn tiếp diễn. Nhưng việc Ukraina và các nhà tài trợ bắt đầu nghĩ đến thời hậu chiến và bảo đảm răn đe những kẻ xâm lược tiềm năng tương lai là điều logic, vì những tháng tới sẽ quyết định thập niên này kết thúc như thế nào. Người Ukraina ngã xuống để đất nước họ có quyền được quyết định tương lai của mình. Nếu áp đặt hòa bình cho Ukraina, nền hòa bình này ít có cơ hội bền vững. Chối từ chiến thắng của Ukraina, Nga tạo ra một quốc gia thất bại ở biên giới phương Tây, Vladimir Putin hay những người kế nhiệm sẽ đe dọa an ninh của toàn NATO.

Phương Tây đang trợ giúp vũ khí, tiền bạc một cách chừng mực, gia tăng quân viện mỗi lần Kiev gặp khó khăn nhưng không muốn giúp máy bay và đạn pháo tầm xa, sợ rằng Ukraina sẽ đi xa hơn. The Economist cho rằng Ukraina cần được coi là đối tác hơn là một nước xin viện trợ. Cần có một kế hoạch ổn định với các đồng minh, để dù tổng thống Mỹ sắp tới là ai, Kiev vẫn được hỗ trợ đều đặn. Kế hoạch này phải bao gồm cả tái thiết để khôi phục lại cuộc sống người dân, hơn nữa nếu kinh tế suy sụp thì dân chủ cũng thất bại.

Các nhà tài trợ họp ở Berlin trong tháng Mười ước tính việc tái thiết trong hai năm đầu có thể tốn đến 100 tỉ đô la, và giai đoạn kế tiếp - một kế hoạch Marshall cho Ukraina - có thể còn tốn kém nhiều hơn. Khoảng vài chục chính phủ và các tổ chức tín dụng đa phương sẽ tham gia xây dựng nền tảng để thu hút thêm vốn của các nhà đầu tư tư nhân. Song song đó Kiev phải củng cố mục tiêu chống tham nhũng đã đặt ra trong thời chiến. Ukraina cũng cần kiểm soát được lối vào Hắc Hải.

Phương Tây viện trợ cho Kiev : Không phải làm từ thiện mà là tự vệ

Khi tiếng súng ngưng, Nga sẽ nhanh chóng tái vũ trang, và chính phủ Kiev cần có được bảo đảm an ninh của phương Tây, chắc chắn hơn là thỏa thuận đã không răn đe nổi Putin năm 2014. Trở nên thành viên của NATO sẽ là một tiêu chí bằng vàng, nhưng Mỹ và nhiều đồng minh không muốn xung đột trực tiếp với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể ngăn trở.

Một phương án khác mô phỏng quan hệ giữa Mỹ và Israel : một hiệp ước an ninh mang tính ràng buộc giữa Kiev và các đồng minh, với những cam kết về pháp lý và chính trị. Một số nước bảo đảm ủng hộ về quân sự, tài chánh và về tình báo nếu Nga tấn công, số khác cam đoan sẽ trừng phạt. Kế hoạch này cũng dự trù chuyển giao vũ khí và đầu tư vào quốc phòng Ukraina trong nhiều thập niên.

Cũng không nên ảo tưởng : kỹ nghệ vũ khí phương Tây giảm sút sau khi Liên Xô sụp đổ, hiện đang vất vả trong việc cung cấp thiết bị, đạn dược cho Ukraina, cũng khó thể vượt qua Nga một khi nước này lại khởi động sản xuất sau khi chiến tranh kết thúc. Công việc tăng cường sản xuất vũ khí cần được tiến hành ngay lập tức. Một nỗi lo khác là sức ép cử tri, các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Roma, Praha, và Mỹ còn có mối ưu tư khác là Trung Quốc.

Phương Tây nên hiểu rằng chi ra nhiều tỉ đô la ở Ukraina không phải là hành động từ thiện, mà là tự vệ. Trong những thập niên vừa qua, cứ vài năm là Matxcơva lại khởi động những cuộc chiến bên ngoài biên giới. Sự ủng hộ rụt rè đối với Ukraina không làm Putin dịu đi. Nếu ông ta khống chế được Kiev, các thành viên NATO sẽ là những mục tiêu kế tiếp. Giấc mơ chiến thắng của Ukraina bảo đảm được một nền hòa bình bền vững không chỉ cho 43 triệu dân Ukraina, mà cả cho đông đảo người dân trên toàn châu Âu.

Tập Cận Bình sửa đổi « Giấc mộng Trung Hoa »

Nhìn sang châu Á, The Economist đề cập đến một giấc mơ khác : « giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình. Đối với những nhà độc tài khác, kiểm soát lời nói và hành động của thần dân là đã đủ. Nhưng hoàng đế đỏ còn muốn định hướng cả những giấc mơ của nhân dân ông ta.

Chỉ vài ngày sau khi lên làm tổng bí thư, ông Tập đã chứng tỏ tham vọng lớn lao khi hứa hẹn « Trung Hoa mộng », tái lập sự vĩ đại của Trung Quốc. Đó là việc xây dựng một xã hội thịnh vượng, mạnh mẽ và hài hòa (có nghĩa là trật tự), quân đội đẳng cấp thế giới, môi trường sạch hơn, đóng vai trò trung tâm của toàn cầu. Nhưng đối với giới kinh doanh, các quan chức chủ trương cải cách và trí thức, không khí đã trở nên ảm đạm sau đại hội đảng thứ 20. Tầm nhìn tương lai của Tập Cận Bình đã hướng sang những mục tiêu tập thể một cách đáng ngại, ít khoan dung cho những mơ ước cá nhân.

Trong bốn thập niên qua, mở cửa kinh tế đã khiến hàng trăm triệu người có thể mơ tưởng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong đó có những nông dân rời làng quê để trở thành lao động nhập cư hay lập công ty tư nhân, từ tiệm buôn nhỏ đến tập đoàn công nghệ cả tỉ đô la. Có những gia đình muốn các căn hộ chưa xây xong để gia tăng cơ hội cưới vợ cho con trai, những phụ huynh chi tiền học thêm cho con cái học kém hay muốn đi du học. Thanh niên xem phim ngoại quốc, chơi gam trực tuyến Mỹ, hoặc tìm về tôn giáo như một niềm an ủi.

Đối với Tập Cận Bình, những chọn lựa này đe dọa sự độc quyền của đảng về con tim và khối óc. Từ 2015, ông ta kiểm soát ngặt nghèo các tôn giáo, cấm dạy thêm kể cả học trên mạng từ giáo viên người nước ngoài, giới hạn chơi game vài giờ một tuần, giảm số phim ngoại quốc được chiếu, cổ vũ giới trẻ hy sinh cho lợi ích chung. Tuần báo cho rằng việc thay đổi khế ước xã hội mang lại nhiều rủi ro cho mọi nhà lãnh đạo, trong khi tính chính danh của đảng lâu nay dựa vào sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Bạo lực trong đấu tranh môi trường, tỉ phú công nghệ : Hồ sơ các tuần báo

Liên quan đến chính trị nước Pháp, tuần báo thiên tả L'Obs dành trang bìa cho dân biểu François Ruffin của nhóm Nước Pháp Bất Khuất, người chủ trương xây dựng thực lực cho cánh tả thay vì những hoạt động bề nổi ồn ào. L'Express đăng hình vẽ nàng Mona Lisa của bức tranh La Joconde đang phải che mặt trước một mảng sơn đỏ, và dòng tít lớn « Khi phong trào sinh thái phá hoại ». Tương tự, Le Point đặt câu hỏi « Bạo lực sẽ còn đi đến đâu ? », đăng ảnh một chiếc xe tải bốc cháy trên cánh đồng, cùng loạt bài điều tra về những phong trào đấu tranh không theo phương cách dân chủ.

Từ nhiều tuần qua, xuất hiện một thế hệ đấu tranh « vì khí hậu » mới : dùng keo dán chặt tay vào đường nhựa để cản trở giao thông, đổ bê-tông vào những lỗ trong sân gôn, tràn vào phi đạo…Cao điểm là vụ tấn công vào lực lượng an ninh hôm 29/10 bằng những quả bi sắt và moọc-chê làm 61 hiến binh và 30 người biểu tình bị thương, khiến bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin dùng chữ « khủng bố sinh thái ».

Về thời sự quốc tế, trang nhất Courrier International tuần này có hình vẽ bốn nhà tỉ phú dẫn đầu là Elon Musk, tất cả trong bộ trang phục siêu nhân nhưng chữ S trước ngực được thêm một vạch đứng, trở thành ký hiệu đồng đô la, với dòng tít lớn « Những tỉ phú đầy quyền năng ». Làm giàu từ thung lũng Silicon, nhưng ảnh hưởng từ những « ông chủ mới của thế giới » vươn xa ngoài nước Mỹ. Mark Zuckerberg muốn xây dựng métavers (thế giới ảo), Zeff Bezos thống trị thương mại điện tử, Bill Gates với « tư bản từ thiện » ngày càng bị chỉ trích…Nhưng nhất là Elon Musk, một cá nhân đã bỏ ra 44 tỉ đô la mua mạng xã hội có 240 triệu người thường xuyên tham gia, sở hữu trên 3.000 vệ tinh bay quanh quỹ đạo, nhiều hơn bất kỳ Nhà nước nào. Trang bìa The Economist là bóng dáng hai đứa trẻ đang chơi trò bập bênh trên những thanh sắt vốn là « con nhím » chống xe tăng Nga, chạy tựa « Hãy hình dung ra hòa bình cho Ukraina ».


************

Ukraine ban lệnh giới nghiêm ở thành phố Kherson


"Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho cuộc sống của mọi người. Do đó chúng tôi buộc phải áp lệnh giới nghiêm bắt đầu vào hôm nay, từ 17h đến 8h sáng hôm sau", Yaroslav Yanushevich, lãnh đạo cơ quan quân sự tỉnh Kherson, ngày 12/11 thông báo. Chưa rõ ngày kết thúc lệnh giới nghiêm.

Ông Yanushevich cho biết hoạt động ra vào thành phố Kherson sẽ bị hạn chế để rà phá bom mìn. Ông cũng thông báo các quan chức địa phương của Ukraine, cảnh sát và nhân viên cơ quan đối phó các tình trạng khẩn cấp đã tới thành phố Kherson để thực hiện nhiệm vụ.

Binh sĩ Ukraine chụp ảnh cùng dân thành phố Kherson ngày 12/11. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine chụp ảnh cùng dân thành phố Kherson ngày 12/11. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Ukraine cùng ngày cho biết khoảng 200 sĩ quan đang làm việc tại thành phố Kherson, thiết lập rào chắn xung quanh đô thị này. "Mối đe dọa chính lúc này là mìn được cái trên diện rộng", cơ quan này thông báo. "10 nhóm kỹ thuật viên rà phá bom mìn đang xử lý các vật liệu nổ".

Cảnh sát cũng kêu gọi cư dân thành phố Kherson "tuân theo các quy tắc được thiết lập, di chuyển cẩn trọng quanh thành phố", đồng thời yêu cầu họ không chạm vào các vật thể khả nghi và báo cho nhân viên thực thi pháp luật nếu thấy những thứ như vậy. Những người đã rời thành phố Kherson được khuyến cáo không vội quay lại tới khi các biện pháp ổn định hoàn tất.

Quân đội Ukraine ngày 11/11 tiến vào trung tâm thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh Kherson ở bờ tây sông Dnieper mà gần như không gặp trở ngại nào. Bộ Quốc phòng Nga trước đó thông báo rút toàn bộ hơn 30.000 quân nhân và khoảng 5.000 đơn vị khí tài khỏi thành phố Kherson và khu vực lân cận, chiếm khoảng 40% diện tích tỉnh miền nam Ukraine.

Một số chuyên gia phương Tây nhận định dù Nga rút quân khỏi thành phố Kherson có thể coi là chiến thắng của Ukraine, song điều này đặt ra thách thức đối với Kiev khi cục diện chiến trường thay đổi.

Họ đánh giá quân đội Nga sẽ dễ thở hơn trong khâu tiếp tế hậu cần, trong khi lực lượng Ukraine đối mặt những kịch bản tác chiến phức tạp hơn.

Quân đội Nga cũng được nhận định "đưa ra quyết định đúng đắn" khi rút quân khỏi thành phố Kherson và bờ tây sông Dnieper. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây cho rằng Nga "hoàn toàn có khả năng phát động chiến dịch phản công nếu tập hợp đủ lực lượng" và "còn quá sớm để tuyên bố họ thua cuộc".

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 8 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 8 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)


**********

Tin thế giới 13-11: Video 2 máy bay va nhau trên không; Nga bị tố phá hạ tầng khi rút lui


Tin thế giới 13-11: Video 2 máy bay va nhau trên không; Nga bị tố phá hạ tầng khi rút lui - Ảnh 1.

Hiện trường vụ hai máy bay va chạm trên không ở bang Texas, Mỹ - Ảnh: WFAA

* Hai máy bay va chạm tại triển lãm tưởng niệm Thế chiến II. Máy bay ném bom Boeing B-17 và máy bay chiến đấu Bell P-63 Kingcobra đã va chạm và rơi tại triển lãm Wings Over Dallas ở bang Texas, Mỹ, vào khoảng sáng sớm ngày 13-11 (giờ Việt Nam).

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) chưa rõ có bao nhiêu người trên hai chiếc máy bay. Video clip trên mạng xã hội cho thấy hai máy bay va chạm và lao xuống đất rồi cùng bốc cháy.

Cả FAA và Ban An toàn giao thông vận tải quốc gia (NTSB) đều đã tiến hành các cuộc điều tra để xác định nguyên nhân vụ việc

* Tổng thống Ukraine nói Nga phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng ở thành phố Kherson. Ông Zelensky cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng ở thành phố Kherson trước khi tháo chạy, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền địa phương đang bắt đầu ổn định thành phố.

Ông Zelensky nói thêm, các lực lượng ủng hộ Matxcơva đang tiến hành một cuộc chiến gay go hơn ở những nơi khác và các trận chiến ở khu vực phía đông Donetsk là địa ngục.

"Trước khi chạy trốn khỏi Kherson, những kẻ chiếm đóng đã phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng: thông tin liên lạc, nước, nhiệt, điện", ông Zelensky nói trong một video.

Tổng thống Ukraine cũng nói quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát hơn 60 khu vực ở vùng Kherson.

* Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ngày 12-11, Điện Kremlin thông báo hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện với nhau nhưng không cho biết cuộc điện đàm diễn ra khi nào.

Theo Hãng tin Reuters, Nga đã tăng cường nỗ lực xây dựng quan hệ với Iran và các quốc gia không thuộc phương Tây khác kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24-2.

Điện Kremlin nói hai nhà lãnh đạo bàn về việc tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực vận tải và hậu cần.

Phương Tây đang cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái của Iran tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Iran chỉ thừa nhận gửi cho Nga một lượng nhỏ máy bay không người lái trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Tháng trước, hai quan chức cấp cao của Iran và hai nhà ngoại giao Iran nói với Hãng tin Reuters rằng Iran đã hứa cung cấp cho Nga tên lửa đất đối đất.

Tin thế giới 13-11: Video 2 máy bay va nhau trên không; Nga bị tố phá hạ tầng khi rút lui - Ảnh 4.

Hình ảnh tường rào biên giới với những lớp dây thép gai ở làng Nomiki thuộc Ba Lan, giáp Belarus - Ảnh: REUTERS

Ukraine xây tường dọc biên giới với Belarus. Ukraine và Belarus có chung đường biên giới dài 1.000km. Ngày 11-11, phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Kyrylo Tymoshenko cho biết nước này đã bắt đầu xây dựng một bức tường dọc khu vực biên giới với Belarus.

Theo ông Tymoshenko, công trình bao gồm một tường bê tông, một hào và một hàng rào thép gai đang được triển khai xây dựng tại các vùng Volyn, Rivne và Zhytomyr ở miền Bắc. Đến nay, các hàng rào đã được dựng lên ở 3km biên giới ở vùng Volyn.

Ông Tymoshenko cho biết thêm rằng nước này cũng sẽ dựng tường rào ở các khu vực biên giới với Nga, song không cho biết thêm thông tin chi tiết.

* Hai công dân Pháp bị giam ở Iran. Ngày 12-11, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết hai công dân Pháp đang bị giam giữ ở Iran, nâng tổng số công dân của nước này bị giam giữ ở Iran lên bảy người.

Ngày 11-11, tờ Le Figaro đưa tin hai công dân này đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ về cái chết của cô gái Mahsa Amini, 22 tuổi.

Ngày 6-10, Pháp chỉ trích Iran bắt công dân làm con tin sau khi Iran phát sóng video, trong đó có cặp vợ chồng người Pháp thú nhận làm gián điệp.

Mối quan hệ giữa Pháp và Iran đã xấu đi trong những tháng gần đây khi những nỗ lực nhằm khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân mà Pháp là một trong các bên đã bị đình trệ.

Tiếng khóc trẻ thơ

tiếng khóc trẻ thơ

Người mẹ Somalia bế đứa con bị suy dinh dưỡng nặng của mình trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện. Somalia, Kenya và Ethiopia đang trong thời kỳ hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm. Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã đặt câu hỏi tại sao hàng tỉ đô la cam kết giải quyết khủng hoảng khí hậu lại không được sử dụng để chống nạn đói ở Somalia - Ảnh: AFP

* Bộ trưởng Tài chính Anh muốn tăng thuế để cứu nền kinh tế. Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho hay chính phủ sẽ phải ra một số quyết định rất khó khăn trong giai đoạn tới, đồng thời cảnh báo rằng tất cả các cơ quan chính phủ phải đối mặt với việc hạn chế chi tiêu bao gồm phúc lợi, y tế và quốc phòng.

Ông Hunt khẳng định nước Anh hiện nay cần tăng thuế, giảm chi tiêu công, nhằm xây dựng tính ổn định về mặt chính trị cũng như tăng cường niềm tin của giới đầu tư.

Ông Hunt cho biết người tiền nhiệm Kwarteng và cựu thủ tướng Liz Truss đã sai lầm khi cố gắng cắt giảm thuế cho những người có thu nhập cao nhất.

* Xe buýt lao xuống kênh ở Ai Cập làm 20 người thiệt mạng. Ít nhất 20 người thiệt mạng và 8 người bị thương trong vụ tai nạn ở tỉnh Dakahlia, phía bắc Ai Cập, ngày 12-11.

Theo Hãng tin Reuters, chiếc xe buýt đang chở khoảng 35 người đã chệch khỏi đường cao tốc và rơi xuống kênh Mansuriya ở thị trấn Aga thuộc tỉnh Daqahlia, miền bắc Ai Cập.

Các công tố viên cho biết cảnh sát đã bắt giữ tài xế. Sau khi kiểm tra thấy tài xế có phản ứng với ma túy và tình nghi sử dụng điện thoại di động vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Tai nạn giao thông thường xảy ra ở Ai Cập, nơi đường sá thường được bảo dưỡng kém và người dân thường không tuân thủ luật giao thông. Theo số liệu chính thức, vào năm 2021 có khoảng 7.000 người đã thiệt mạng trên đường ở Ai Cập.


************

Điểm mặt khí tài trong gói viện trợ hàng trăm triệu USD dành cho Ukraine


Một số quan chức Mỹ đêm 10/11 (giờ Washington) cho biết, nước này sẽ viện trợ lô khí tài trị giá 400 triệu USD cho Ukraine trong thời gian tới.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, gói viện trợ này sẽ bao gồm một lượng lớn đạn dược, như tên lửa dùng cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS); hệ thống tên lửa đất đối không Hawk và hệ thống phòng không Avenger.

“Gói viện trợ có những bổ sung quan trọng về khả năng phòng không. Việc tăng cường phòng không rất thiết yếu đối với Ukraine, khi Nga tiếp tục sử dụng chiến thuật triển khai máy bay không người lái (UAV) để tấn công cơ sở hạ tầng thuộc quyền kiểm soát của Kiev”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói tối 10/11 (giờ Mỹ).

Hệ thống phòng không đất đối không Hawk 

MIM-23 Hawk (Diều hâu) là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và đưa vào trang bị trong quân đội nước này từ năm 1960. Một tổ hợp phòng không cơ bản của MIM-23 thường bao gồm 4 đài radar, 6 bệ phóng (tổng cộng 18 quả) và một số thành phần hỗ trợ khác như xe kéo vận tải, xe phụ trách nạp tên lửa cho bệ phóng, trạm trung tâm điều phối thông tin...

hawk-1-970
Bệ phóng tên lửa của MIM-23 Hawk. Ảnh: U.S. National Archives

MIM-23 Hawk sử dụng loại tên lửa MIM-23A dài 5,08m; đường kính thân 0,37m; sải cánh 1,19m; trọng lượng 58kg, trong đó đầu đạn nổ mảnh nặng 54kg. Tên lửa có tầm bắn từ 2-25km, tầm tác chiến độ cao tối thiểu và tối đa lần lượt ở các mức 60m và 11.000m. Ở một số phiên bản nâng cấp sau này được các chuyên gia quân sự của Tập đoàn Raytheon ra mắt, ‘Diều hâu’ được trang bị tên lửa MIM-23B có tầm bắn lên tới 35km.

hawk-2-973
Bảng thông số kỹ thuật của hai loại tên lửa MIM-23A và MIM-23B

Hệ thống phòng không cơ động cao Avenger

AN/TWQ-1 Avenger (Kẻ báo thù) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn được hãng Boeing thiết kế trong thập niên 1980 để bảo vệ các đơn vị mặt đất khỏi tên lửa hành trình, UAV, máy bay cường kích ở tầm thấp và trực thăng của đối phương.

hawk-3-974
AN/TWQ-1 Avenger. Ảnh: Military Today 

Avenger có khung gầm là xe chiến đấu đa dụng HMMWV với tổng trọng lượng 4,3 tấn, nhẹ hơn nhiều so với những hệ thống tương tự khác trên thế giới; dài 4,95m; rộng 2,49m; cao 2,64m. Kíp chiến đấu 2 người.

hawk-4-975
Ảnh: Military Today 

Khung gầm của Avenger sử dụng động cơ diesel công suất 135 mã lực, nên xe có thể di chuyển với vận tốc 100 km/h ở địa hình bằng phẳng, với tầm hoạt động tối đa lên tới 480km.

Avenger được trang bị 8 tên lửa phòng không tầm ngắn FIM-92 Stinger có tầm bắn từ 4-8km, và có thể hạ mục tiêu bay của đối phương ở độ cao tối đa lên tới 3,8km. Mỗi tên lửa Stinger chỉ nặng khoảng 10,1kg, trong đó phần đầu nổ phá mạnh nặng 3kg, nên việc thay đạn cho toàn bộ hệ thống này diễn ra khá nhanh chóng từ 2-3 phút.


***********
bbc.com

Để mất Kherson sẽ đem lại 'hậu quả nghiêm trọng' cho quân Nga


Ăn mừng sau khi Nga rút lui khỏi Kherson, ở trung tâm Kyiv, Ukraine ngày 11 tháng 11 năm 2022

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ăn mừng sau khi Nga rút lui khỏi Kherson, ở trung tâm Kyiv, Ukraine ngày 11 tháng 11 năm 2022

Paul Adams, phóng viên ngoại giao

Khi Kherson trở lại hoàn toàn trong tay Ukraine, điều mà giờ đây dường như chỉ còn là vấn đề thời gian, đó sẽ là một thời điểm cực kỳ quan trọng trong một cuộc chiến đã diễn ra được chín tháng. 

Để mất Kherson giống như việc Nga rút lui một cách nhục nhã khỏi thủ đô Kyiv hồi đầu năm, và tạo ra một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong ba tháng đối với người Ukraine. 

Nga đã mất một vùng lãnh thổ khổng lồ ở phía đông, soái hạm của hạm đội Biển Đen đã bị đánh chìm và một cây cầu quan trọng từ Nga đến Crimea vẫn chưa hoạt động trở lại.

Giờ đây, Nga đã buộc phải từ bỏ tỉnh lỵ duy nhất mà họ đã chiếm được kể từ cuộc xâm lược hoàn toàn vào tháng Hai.

Đây là đỉnh điểm của một chuỗi các động thái quân sự kiên nhẫn, được dàn dựng cẩn thận, bắt đầu vào tháng 7 khi Ukraine, sử dụng hệ thống tên lửa Himars mới mua của Mỹ, tấn công các cây cầu quan trọng nối các lực lượng Nga trong và xung quanh Kherson với đường tiếp tế của họ ở phía đông và phía nam.

Sau khi cô lập các lực lượng Nga, và thuyết phục được Moscow rằng Kherson sắp bị tấn công, Kyiv sau đó mở cuộc tấn công chớp nhoáng từ xa về phía đông bắc, xung quanh Kharkiv, khiến Moscow hoàn toàn bất ngờ.

Nhưng Kherson luôn là giải thưởng lớn.

Vào đầu tháng 10, một vụ nổ đã đóng cầu Kerch, cầu nối Nga với Crimea bị chiếm đóng. 

Điều này khiến Moscow bối rối. Vụ này cũng tạo ra một thất bại lớn khác đối với các lực lượng Nga ở Kherson khi nó cắt đứt một đường tiếp tế quan trọng.

Lặng lẽ, và chủ yếu là vào ban đêm, cuộc rút quân của Nga bắt đầu. 

Sông Dnipro là một tuyến phòng thủ tự nhiên khổng lồ, hiện nay hầu như không có điểm vượt sông nào.

Khi mùa đông đang đến gần, việc quân đội Nga sử dụng nó như một lá chắn để chống lại những bước tiến xa hơn của Ukraine là rất hợp lý về mặt quân sự. 

Cầu Antonivskiy đã bị sập. 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các đường hào mới chuẩn bị dọc theo bờ phía đông của con sông, cũng như các vị trí mới được củng cố tại các điểm giao nhau quan trọng vào Crimea. 

Nhưng các quan chức ở Kyiv tiếp tục tỏ ra thận trọng. 

Tình báo Ukraine cho rằng hàng nghìn binh sĩ Nga có thể vẫn ở Kherson và vẫn có thể chiến đấu. 

Ngoài ra còn có nỗi sợ hãi về mìn và bẫy. 

Trận chiến giành Kherson sắp kết thúc. 

Khi họ thu mình lại ở vị trí mới bên kia sông, người Nga hẳn đang tự hỏi động thái tiếp theo của Ukraine sẽ là gì.


***********
bbc.com

Putin khó tránh trách nhiệm khi quân Nga thất bại ở Ukraine


Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Steve Rosenberg, nhà báo BBC, Moscow

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, những người dẫn chương trình truyền hình tại Nga đã tự tin dự đoán rằng trong vài ngày tới quân đội Nga sẽ hành quân qua Kyiv. 

Đó là gần chín tháng trước. 

Tuần này, những người dẫn đau khổ khi họ thông báo "quyết định khó khăn" của quân đội trong việc rút lực lượng Nga khỏi Kherson. 

Chỉ 6 tuần trước, Tổng thống Putin từng tuyên bố sáp nhập vùng Kherson cùng với 3 vùng lãnh thổ khác của Ukraine, khẳng định rằng vùng này sẽ mãi mãi là một phần của Nga. 

Người dẫn Vladimir Solovyov nói: "Thật là đau đớn khi quân đội quay lưng khỏi Kyiv và Chernihiv. Nhưng đó là quy luật chiến tranh ... chúng ta đang chiến đấu với Nato." 

Đó chính xác là cách Điện Kremlin cố gắng tuyên truyền: bằng cách đổ lỗi cho phương Tây.

Thông điệp từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga là ở Ukraine, Nga đang đối đầu sức mạnh tổng hợp của Mỹ, Anh, EU và NATO.

Nói cách khác, thất bại trên chiến trường không phải do lỗi của Điện Kremlin mà là do sự tiếp tay của những kẻ thù bên ngoài.

Đầu tuần này, chính các tướng lĩnh đã đưa ra thông báo rằng các lực lượng Nga sẽ được rút khỏi một phần khu vực Kherson.

Truyền hình Nga chiếu cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ra lệnh sau khi tham vấn với Tướng Surovikin.

"Bộ trưởng Quốc phòng đã đưa ra quyết định, tôi không có gì để nói về điều này", phát ngôn viên của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, nói với các nhà báo hôm thứ Sáu.

Nhưng chính Tổng thống Putin là người ra lệnh xâm lược Ukraine.

Cái mà ông ấy gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt' là ý tưởng của Putin.

Có một mối nguy hiểm ở đây đối với Vladimir Putin, trước cả cuộc rút lui khỏi Kherson.

Các sự kiện xảy ra trong 9 tháng qua có nguy cơ thay đổi cách nhìn nhận tổng thống ở quê nhà: không phải dân chúng Nga, nhưng - quan trọng - là tầng lớp thượng lưu Nga, những người xung quanh ông.

Trong nhiều năm, họ đã coi ông Putin như một nhà chiến lược bậc thầy, một người chiến thắng. Họ đã coi ông ta như là trụ cột của hệ thống mà họ là một phần.

Tuy nhiên, "chiến thắng" đã bị thiếu hụt kể từ ngày 24 tháng 2.

Cuộc xâm lược của Vladimir Putin đã không diễn ra theo kế hoạch.

Điện Kremlin từng miêu tả Vladimir Putin là "người tạo ra ổn định" ở Nga. 

Điều đó đang khó thuyết phục lúc này.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn