Một người đàn ông địa phương đi xe máy ngang qua một chiếc xe tăng bị phá hủy ở vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 09 tháng 11 năm 2022

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Chụp lại hình ảnh,

Một người đàn ông địa phương đi xe máy ngang qua một chiếc xe tăng bị phá hủy ở vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 09 tháng 11 năm 2022

Khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine bước qua ngày thứ 260 kể từ hôm 24/2, đang có gợi ý đàm phán từ Moscow, trong khi Washington cũng bày tỏ ủng hộ dè dặt.

Ngày 9/11, Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, nói Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Ukraine “dựa trên thực tế hiện tại”. 

Nhưng cũng ngày 9/11, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine, Oleh Nikolenko, Nga đang cố gắng câu giờ. 

“Các quan chức Nga bắt đầu đề cập đến các cuộc đàm phán mỗi khi quân đội của họ bị đánh bại trên chiến trường… Chúng tôi đã trải qua điều này trong năm 2014-2015,” ông nói.

Hôm 9/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng chính Ukraine là phía cuối cùng sẽ quyết định.

Nhà Trắng cam kết không đàm phán bất cứ điều gì về tương lai của Ukraine mà không có đại diện của Kyiv.  

Nhưng một quan chức cao cấp, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cũng nói rằng dấu hiệu Kyiv sẵn sàng tái đàm phán với Moscow mang lại "một cánh cửa" cho các cuộc đàm phán. 

Trong những ngày gần đây, Ukraine đã ra dấu hiệu sẵn sàng tổ chức một số cuộc thảo luận với Moscow, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky từ bỏ yêu cầu rằng người đối lập của ông, Vladimir Putin, phải bị phế truất quyền lực trước khi các cuộc đàm phán có thể khởi động lại.

Tướng Milley nói thêm rằng để bất kỳ cuộc đàm phán nào thành công, cả Nga và Ukraine sẽ phải đạt được sự "công nhận lẫn nhau" rằng một chiến thắng thời chiến "không thể đạt được thông qua các phương tiện quân sự, và do đó bạn cần phải chuyển sang các phương tiện khác".

Vị tướng hàng đầu - người giữ vai trò cố vấn quân sự cao cấp nhất của Tổng thống Joe Biden - cho biết quy mô thương vong có thể thuyết phục cả Moscow và Kyiv về sự cần thiết phải đàm phán trong những tháng mùa đông tới, khi giao tranh có thể chậm lại do điều kiện băng giá.

Chính quyền Joe Biden đang phải tìm sự cân bằng giữa các sức ép khác nhau từ Ukraine và Hoa Kỳ.

Một mặt, Tổng thống Biden tìm cách trấn an Ukraine rằng sự ủng hộ của Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Mặt khác, Biden cũng phải giải thích làm thế nào cuộc chiến có thể kết thúc.

Hôm 9/11 trang tin NBC đưa tin một số quan chức Mỹ và phương Tây hy vọng giao tranh chậm lại trong mùa đông này có thể là cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. 

Dẫn lời nguồn giấu tên, NBC nói trong chuyến thăm của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Kyiv vào tuần trước, ông Sullivan đã không cố gắng gây áp lực buộc Ukraine tham gia đàm phán nhưng đã bày tỏ rằng Ukraine sẽ duy trì sự ủng hộ của phương Tây tốt hơn nếu nước này tỏ ra cởi mở với các giải pháp ngoại giao.