• Tác giả, Stephen McDonell
  • Vai trò, BBC, Bắc Kinh
 Ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội XX

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

 Ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội XX

Cảnh quay cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, được đưa ra khỏi bục sân khấu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh trong ngày bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản đang thu hút sự chú ý toàn cầu khi mọi người cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra.

Có rất nhiều câu hỏi và chưa có câu trả lời cho đến nay từ chính phủ Trung Quốc. 

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, ông Hồ đã được đưa ra sau khi cảm thấy không khỏe. 

Nhưng ông Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, tỏ ra miễn cưỡng di chuyển. Nếu đúng như vậy thì tại sao?

Ông đã nói gì với người thay thế ông, Tập Cận Bình, khiến nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc gật đầu? Và ông đã nói gì với Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi ông Hồ vỗ vào vai ông Lý trước khi được đưa ra?

Hai lý do có khả năng nhất cho sự ra đi của ông là đó là: một nhà lãnh đạo đại diện cho một thời trước đây bị loại bỏ, ​​hoặc đơn giản hơn là ông Hồ Cẩm Đào có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

p0d8t71p
Chụp lại video,

Cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã được đưa ra khỏi phiên bế mạc của Đại hội

Vụ việc diễn ra vào cuối đại hội kéo dài một tuần của Đảng Cộng sản, nơi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. 

Vào ngày đầu tiên của đại hội, ông Hồ chỉ có thể bước vào với sự hỗ trợ của một người đi theo. Vào ngày đó, ông trông khá yếu ớt. 

Tuy nhiên, nếu hôm bế mạc ông phải ra về sớm vì sức khỏe kém, tại sao điều này lại xảy ra đột ngột như vậy? Tại sao trước máy quay? Đó có phải là trường hợp khẩn cấp không?

Một bản phim dài hơn vào thứ Bảy cho thấy Tập Cận Bình quay sang ông Hồ, và xung quanh có Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh, tỏ ra lo lắng. 

Ông Lật Chiến Thư thậm chí có lúc còn di chuyển để giúp đỡ ông Hồ, nhưng bị họ Vương kéo lại, như thể nói: "Đừng nhúng tay vào chuyện này."

Sau khi ông Hồ Cẩm Đào đứng lên, ông ta cũng đã nhầm lẫn khi với tay trúng cuốn sổ của ông Tập. Ở giai đoạn này, ông Hồ tỏ ra bối rối. Nhà lãnh đạo Trung Quốc gạt tay ông Hồ ra và lấy lại sổ. 

Các cuộc họp Đảng Cộng sản thường là những sự kiện có kịch bản cao, dẫn đến suy đoán rằng thời điểm ra đi của Hồ Cẩm Đào có thể không phải là một sự tình cờ.

Ông Hồ đã tham dự phiên họp kín trước đó vào ngày cuối cùng của Đại hội, sau đó máy quay được cho phép vào quay phần bế mạc. Chỉ sau khi máy quay được thiết lập, nhân viên mới đến gần ông Hồ và nói ông nên đi.

Nhưng thường Đảng Cộng sản không công khai chuyện cãi cọ với bên ngoài. Nếu đây là một màn trình diễn có chủ ý, nó sẽ đánh dấu một sự khác biệt so với hành vi thông thường.

Điều càng gây ầm ĩ là vì Hồ Cẩm Đào đại diện cho một mô hình rất khác cho Trung Quốc với mô hình của Tập Cận Bình.

Ông điều hành một ban lãnh đạo tập thể hơn nhiều và phải cân bằng các phe phái khác nhau. 

Hồ Cẩm Đào lãnh đạo từ năm 2003 đến 2013 - được coi là khoảng thời gian mở cửa với thế giới bên ngoài và gia tăng khả năng chấp nhận những ý tưởng mới.

Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là một đỉnh cao cho sự cởi mở quốc tế.  

Tuy rằng một số người gọi thời Hồ Cẩm Đào là "lãng phí", nhưng tăng trưởng kinh tế luôn ở mức hai con số và Bắc Kinh quan tâm đến danh tiếng ở những nơi khác. 

Tập Cận Bình đã đưa đất nước đi theo một hướng rất khác, với ông là "cốt lõi" và không thể bị thách thức.

Chính phủ hiện tại đã khuyến khích sự bùng nổ tình cảm dân tộc chủ nghĩa, tỏ ra ít quan tâm đến những gì người khác nghĩ. Thay vào đó, thông điệp là thời của Trung Quốc đã đến và bạn sẽ tự chuốc lấy nguy hiểm nếu thách thức lại.

Thông điệp dành cho người Trung Quốc có thể được nhìn thấy trong các bổ sung trong điều lệ Đảng, đề cập đến những thành tựu đạt được thông qua "đấu tranh". Điều này mang âm hưởng của thời Mao Trạch Đông tại vị.

Với tư cách là Tổng Bí thư, ngay từ đầu, ông Tập đã hạ gục mọi đối thủ thông qua một chiến dịch chống tham nhũng. 

Giờ đây, ông đã sử dụng Đại hội năm nay để xóa bỏ bất kỳ tàn dư cuối cùng nào của những người cho rằng cần có những con đường khác nhau về kinh tế, xã hội và chính trị.

Một trong những điều cuối cùng mà ông Hồ Cẩm Đào nhìn thấy tại Đại hội lần này là Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 205 người.

Trung ương Đảng khóa XX này không có Lý Khắc Cường hay Uông Dương, cả hai đều được coi là những người cởi mở kinh tế, cả hai đều liên quan đến các ý tưởng của phe cũ. 

Sắp có Thường vụ Bộ Chính trị mới, gồm những người trung thành với ông Tập, đảm bảo rất khác với giai đoạn cải cách và mở cửa trong thời đại của Hồ Cẩm Đào.