Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 20 -10-2022 ( Cập nhật liên tục )

Thứ Năm, 20 Tháng Mười 20223:40 CH(Xem: 2371)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 20 -10-2022 ( Cập nhật liên tục )
ChiHuyU
**************
voatiengviet.com

Việt Nam khuyến cáo công dân tại Ukraine 'sẵn sàng' sơ tán

VOA Tiếng Việt

Hôm 20/10, Việt Nam cho biết hiện còn khoảng 500 người Việt Nam tại Ukraine và chưa ghi nhận có thương vong nào kể từ các diễn biến phức tạp gần đây, nhưng khuyến cáo rằng công dân tại đây hãy “sẵn sàng” sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm. Việt Nam đưa ra khuyến cáo này giữa lúc các nước như Mỹ và Trung Quốc khuyên công dân của họ rời khỏi Ukraine càng sớm càng tốt.

“Chúng tôi luôn theo dõi sát, quan tâm và giám sát tình hình tại Ukraine, chú trọng công tác bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở khu vực này”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Bà Hằng cho biết vào ngày 18/10/2022, Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao ra khuyến cáo, đề nghị công dân giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, sẵn sàng các phương án giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm.

“Bộ Ngoại giao đã khẩn trương chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình, cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, tiếp nhận thông tin và kịp thời hỗ trợ bà con; trao đổi, đề nghị với các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine” bà Hằng cho biết thêm.

Thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine hôm 18/10 viết: “Đối với người hiện chưa đến Ucraina: không đến Ucraina trừ trường hợp thực sự cần thiết”.

Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam đều không nêu rõ phương án tổ chức sơ tán cho công dân Việt Nam ở Ukraine.

Hôm 20/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tái cảnh cáo công dân nước này về tình leo thang căng thẳng do “cuộc xâm lược toàn diện” của Nga. Hoa Kỳ khuyến cáo công dân không đến Ukraine, còn những công dân đang ở Ukraine nên rời khỏi nước này nếu thấy an toàn bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ.

Hồi đầu tuần, hơn 200 công dân Trung Quốc đã đăng ký sơ tán khỏi Ukraine sau khi Bắc Kinh tái kêu gọi công dân rời khỏi nước này khi tình hình an ninh trở nên tồi tệ, theo trang South China Morning Post.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã ra “Thông báo về việc cung cấp các hướng dẫn di chuyển sơ tán và sắp xếp dịch vụ lãnh sự cho công dân Trung Quốc tại Ukraine” vào sáng 19/10, nhấn mạnh tình hình an ninh ở Ukraine vẫn phức tạp nghiêm trọng và bất ổn.

Khi được đại diện của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội đề nghị bình luận về những diễn biến gần đây tại Ukraine, bà Hằng cho biết: “Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gần đây xung quanh xung đột Nga – Ukraine”.

Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

“Chúng tôi cũng mong rằng tính mạng, tài sản của người dân ở đây, trong đó có công dân Việt Nam phải được đảm bảo,” bà Hằng nói.


**********
voatiengviet.com

Lực lượng Ukraine siết thòng lọng quanh Kherson; Kyiv ra lệnh tiết kiệm điện

Reuters

Hôm thứ Năm 20/10, quân đội Ukraine thắt chặt thòng lọng xung quanh lực lượng Nga đang chiếm đóng thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, cùng lúc, chính phủ ra lệnh hạn chế sử dụng điện trên toàn quốc vì các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các nhà máy điện.

Tại Kherson, thủ phủ cấp khu vực duy nhất mà lực lượng Nga chiếm được kể từ đầu cuộc xâm lược của họ cách đây 8 tháng, chính quyền do Nga bổ nhiệm đã bắt đầu sơ tán dân khỏi thành phố án ngữ tuyến đường bộ duy nhất đến bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm giữ hồi năm 2014, và cửa sông Dnipro.

Hôm 19/10, Kirill Stremousov, nhân vật số 2 trong chính quyền do Nga hậu thuẫn ở Kherson, viết trên Telegram rằng Ukraine đã tiến hành tấn công nhằm vào Novaya Kamianka và Berislav ở khu vực Kherson.

Trong khi Ukraine vẫn kín tiếng về các hoạt động của mình, quân đội nước này cho biết trong một bản tin cập nhật sáng sớm hôm 20/10 về khu vực Kherson rằng 43 lính Nga đã thiệt mạng và 6 xe tăng cùng các khí tài khác bị phá hủy.

Reuters không thể kiểm chứng các tin tức chiến trường.

Truyền hình nhà nước Nga phát sóng hình ảnh những người bỏ chạy bằng thuyền qua sông Dnipro, miêu tả rằng đó là nỗ lực sơ tán dân thường trước khi nơi này trở thành vùng chiến địa.

Khoảng 50.000 đến 60.000 người sẽ được đưa đi trong 6 ngày tới, Vladimir Saldo, người đứng đầu Kherson do Nga dựng lên, cho biết, đồng thời khẳng định rằng Nga có đủ nguồn lực để giữ thành phố và thậm chí phản công nếu cần.

Trong khi giành được đất trên chiến tuyến, Ukraine cũng thống kê những thiệt hại bởi các cuộc tấn công tầm xa của Nga vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.

Hôm 20/10, chính phủ ban hành các hạn chế về sử dụng điện trên toàn quốc lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược, sau một loạt các cuộc tấn công vào các nhà máy điện ngay trước khi mùa đông bắt đầu.

Các quan chức chính phủ và hãng điều hành lưới điện Ukrenergo cho biết nguồn cung cấp điện sẽ bị hạn chế từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối. Một phụ tá tổng thống nói rằng có thể xảy ra cắt điện nếu người dân không sử dụng điện ở mức thấp nhất.

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào hạ tầng cơ sở điện và nước của Ukraine trong những ngày gần đây.

Cũng trong thời gian này, quân đội Ukraine cho hay ở miền đông Ukraine giáp với Nga, các lực lượng của Moscow tập trung nỗ lực chính để tiến vào các thị trấn Bakhmut và Avdiivka.

Bakhmut là tâm điểm trong cuộc tiến công tốc độ chậm của Nga đi qua khu vực Donetsk. Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga tập trung bắn từ xe tăng và pháo binh vào ít nhất 10 thị trấn trong khu vực, bao gồm cả Bakhmut, Soledar và Bilohorivka.

(Reuters)


**********
bbc.com

Bà Liz Truss từ chức thủ tướng Anh sau mấy ngày hỗn loạn trên chính trường


Sam Francis & Brian Wheeler

BBC News

Liz Truss
Chụp lại hình ảnh,

Bà Liz Truss tuyên bố từ chức 'sau khi đã tư vấn Đức vua' trong bài phát biểu ngắn trước Phủ Thủ tướng đầu giờ chiều 20/10

Tin mới nhất vào lúc 13:30 giờ Anh: Thủ tướng Liz Truss 'từ chức sau 45 ngày tại vị'.

Bà Liz Truss tuyên bố từ chức 'sau khi đã tư vấn Đức vua' trong bài phát biểu ngắn trước Phủ Thủ tướng, số 10 Downing Street, đầu giờ chiều 20/10.

Bà nói bà đã thông báo cho vua Charles rằng bà không còn làm lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, và vì thế, không còn là thủ tướng.

"Tôi thừa nhận, vì tình thế này, tôi không thể nào thực hiện được sự ủy nhiệm khi được bầu chọn làm lãnh đạo đảng Bảo thủ..." bà nói.

Theo BBC News, bà Truss trở thành thủ tướng Anh cầm quyền ngắn nhất, có 45 ngày, và phá kỷ lục trước đó của George Canning ở thế kỷ 19.

Ông Canning tại chức được 119 ngày rồi tử vong, năm 1827.

Trước đó, BBC đã đưa tin:

Vị trí thủ tướng Anh của bà Liz Truss dường như đã "không thể giữ được", một nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ cho biết.

Bà Miriam Cates, thành viên điều hành của Ủy ban 1922, cho biết "vị thế của bà Truss có vẻ khó khăn nếu không muốn nói là không thể".

Hơn một chục nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai kêu gọi bà Truss từ chức sau một ngày hỗn loạn khác ở Quốc hội Anh ngày hôm qua.

Một số tờ báo Anh cho rằng bà Truss chỉ còn ngày hôm nay và ngày mai, thứ Sáu 21/10 "để cứu vãn tình thế" nếu không sẽ bị hạ bệ.

Sir Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922, chuyên về tổ chức và kỷ luật của khối nghị sĩ đảng Bảo thủ trong Hạ viện, gặp thủ tướng Truss.

Ủy ban 1922 đặt ra các quy tắc về cách đảng Bảo thủ bầu ra lãnh đạo của mình, và xác định liệu thủ tướng có được đảng tín nhiệm hay không.

Phát biểu với chương trình World at One của BBC Radio 4, bà Cates nói: "Tôi nghĩ có vẻ như vị trí của bà ấy hiện giờ là không trụ lại được.

"Hãy xem điều gì xảy ra hôm nay, nhưng theo quan điểm của tôi, có vẻ như niềm tin của các nghị sĩ đã không còn. Tôi không biết điều đó sẽ thực sự quay trở lại như thế nào."

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Anne-Marie Trevelyan cho biết nội các vẫn đặt niềm tin vào bà Truss.

Theo các quy tắc hiện hành, bà Truss không thể chính thức được thử thách trong 12 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng - mặc dù cơ quan điều hành Ủy ban 1922 có thể thay đổi điều này.

Bà Cates nói: "Tôi nghĩ rằng một cuộc tranh luận về vị trí lãnh đạo lúc này sẽ gây ra đổ vỡ và sẽ làm cho nó rất khó để đưa ra các quyết định mà chúng ta cần phải làm cho nền kinh tế."

Những nỗ lực của bà để tái khẳng định lại quyền lực của mình đã bị phá nát bởi việc từ chức của bộ trưởng nội vụ và những cảnh tượng hài hước sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện vào thứ Tư.

Phát biểu trên BBC Radio 4, ông Hoare cho biết "có một cảm giác bi quan ngày càng tăng trong tất cả các phe cánh của đảng bảo thủ."

"Thường thì chỉ một phe này hoặc phe khác, nhưng để xảy ra trong toàn đảng thì nên gióng hồi chuông cảnh báo", ông nói thêm.

Cũng có suy đoán rằng các nhân vật cấp cao trong đảng có thể đồng ý về việc thay thế bà Truss, điều này sẽ tránh được việc cần một cuộc tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ khác, hoặc một cuộc tổng tuyển cử.

Nhưng các phe phái khác nhau trong đảng đang phân chia xem ai sẽ đảm nhận công việc.

Cho đến nay 13 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai kêu gọi thủ tướng từ chức.

Ngày thứ Tư đen tối

Trong cuộc chất vấn trên chương trình Today, bà Trevelyan từ chối cho biết liệu Liz Truss có dẫn dắt đảng Bảo thủ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo hay không.

"Tôi muốn bà ấy tiếp tục thực hiện công việc thực sự quan trọng mà chúng tôi đang làm", bà nói.

Bà Truss tỏ ra quyết tâm chiến đấu - và đang cố gắng khẳng định lại quyền lực của mình sau một ngày hỗn loạn khác, mà bắt đầu khi bà đình cố vấn cao cấp Jason Stein, người đang bị điều tra vì làm rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.

Chiều thứ Tư, 19/10, bà Suella Braverman sau đó đã từ chức bộ trưởng nội vụ vì vụ rò rỉ dữ liệu và bất đồng về chính sách nhập cư.

Trong lá thư từ nhiệm được đăng công khai trên mạng xã hội, bà Braverman đã phát động một cuộc tấn công vào vai trò lãnh đạo của bà Truss, coi người "không chịu trách nhiệm về sai lầm thì không nên làm chính trị".

Thủ tướng Truss đã bổ nhiệm Grant Shapps, một trong những người chỉ trích bà trước đó gay gắt nhất làm người thay thế bà Braverman.

Việc bổ nhiệm "đầy tính tình thế' của Truss này, vì ông Shapps chính là người mà bà đã sa thải sáu tuần trước đó khỏi vị trí bộ trưởng giao thông, cho thấy bà đang cố gắng để nội các không có các khoảng trống.

Nhưng trong một buổi bỏ phiếu tối 19 ở Hạ viện Anh về kiến nghị khai thác khí đá (fracking), một số nghị sĩ đối lập tố cáo quan chức thân với bà Truss của đảng Bảo thủ đã "cưỡng ép" các nghị sĩ trong đảng này phải bỏ phiếu theo ý chính phủ.

Có cáo buộc được nêu ra là một số nghị sĩ Bảo thủ "bị kéo xềnh xệch vào phòng bỏ phiếu", điều trái với quy tắc "bỏ phiếu theo lương tâm" của Quốc hội Anh. Có các tiếng la óc, chửi bới ở hành lang Hạ viện.

Một số nghị sĩ kỳ cựu đã nói với báo chí "đây là cảnh hỗn loạn, xấu hổ cho nước Anh".

Ông Charles Walker, nghị sĩ của đảng Bảo thủ nói khi gần ứa nước mắt rằng "chính phủ này là một đống ô nhục, đáng hổ thẹn".


************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ drone Iran

Thùy Dương


Thứ Tư 19/10/2022, theo đề xuất của Pháp, Mỹ và Anh, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức họp kín, bàn về việc Nga sử dụng drone của Iran để tấn công Ukraina, trong bối cảnh quân đội Ukraina khẳng định là tính từ giữa tháng 09 tới nay họ đã bắn hạ được tổng cộng 233 drone do Iran chế tạo. Tổng thống Ukraina Zelensky cho biết các drone của Iran nhắm vào Kiev hôm qua giết hại 4 người, trong đó có một phụ nữ mang thai. 

Cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An kéo dài 2 giờ đồng hồ. Theo phương Tây, việc Nga sử dụng drone của Iran vi phạm nghị quyết 2.231 được phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Mặc dù Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng theo Ukaina và phương Tây, các quy định hạn chế Iran xuất khẩu tên lửa và các công nghệ tiên tiến như drone vẫn phải được duy trì đến tháng 10/2023.

Trên Twitter, sau cuộc họp, phó đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, James Kariuki, khẳng định « Iran không được xuất khẩu những vũ khí như vậy (…) Là thành viên Liên Hiệp Quốc, Iran có trách nhiệm không hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược » Ukraina.

Về phía Nga và Iran, sau cuộc họp kín, phát biểu trước báo giới, đại diện cả hai nước đều kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc. Đại sứ Iran bên cạnh Liên Hiệp Quốc khẳng định Teheran muốn xung đột Nga - Ukraina được giải quyết « hòa bình ». Trong khi đó, phó đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Dmitri Polianski gọi đó là những « cáo buộc vô căn cứ », « thuyết âm mưu » và cho rằng « không có bằng chứng nào » được đệ trình lên Hội Đồng Bảo An. Quan chức Nga khẳng định các loại drone mà quân Nga dùng để oanh kích Ukraina được chế tạo tại Nga chứ không có nguồn gốc từ Iran.

Phó đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc còn có những lời đe dọa nhắm vào ban thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thư ký Antonio Guterres, khẳng định nếu Liên Hiệp Quốc tiến hành một cuộc điều tra « hoàn toàn không chuyên nghiệp và mang tính chính trị » để xác định nguồn gốc drone được sử dụng để bắn phá Ukraina, Matxcơva sẽ buộc phải xem xét lại việc hợp tác với ban thư ký Liên Hiệp Quốc và điều đó « chẳng có lợi cho bất cứ ai ».


********
rfi.fr

Iran sẽ cung cấp tên lửa và bán thêm drone cho Nga

Trọng Nghĩa

Iran đã cam kết cung cấp cho Nga một số loại tên lửa địa đối địa và thêm nhiều drone. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 18/10/2022, hai quan chức cao cấp và hai nhà ngoại giao Iran đã xác nhận nguồn tin trên, từng được nhật báo Mỹ The Washington Post tiết lộ ngày 16/10.

Theo Reuters, Nga và Iran đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí kể trên ngày 6/10 nhân chuyến thăm Matxcơva của phó tổng thống thứ nhất Iran, ông Mohammad Mokhber, cùng với hai quan chức cấp cao của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng và một quan chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao Iran.

Một trong 2 nhà ngoại giao Iran cho biết nguyên văn như sau: “Nga đã yêu cầu thêm nhiều drone và tên lửa đạn đạo của Iran với độ chính xác được cải thiện, bao gồm tên lửa Fateh và Zolfaghar”.

Một quan chức phương Tây nắm rõ vấn đề đã xác nhận thông tin này, giải thích rằng Iran và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp tên lửa đạn đạo địa đối địa tầm ngắn, bao gồm cả loại Zolfaghar.

Cho dù bộ Quốc Phòng Nga vẫn phủ nhận thông tin, nhưng thực tế cho thấy là Iran đã chuyển giao cho Matxcơva loại drone Shahed, đang được Nga sử dụng trên chiến trường Ukraina.

Thậm chí, theo tiết lộ của nhật báo Mỹ The New York Times, Iran còn cử cán bộ đến vùng Crimée để huấn luyện quân đội Nga sử dụng các loại drone mà Matxcơva đặt mua. Các huấn luyện viên này thuộc lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran và được bố trí ở những nơi xa tiền tuyến.

NATO sẽ cung cấp cho Ukraina thiết bị gây nhiễu để chống drone

Trong bối cảnh Quân Đội Nga tăng cường sử dụng drone để đánh vào các cơ sở Ukraina, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO dự kiến ​​cung cấp hàng trăm thiết bị gây nhiễu tín hiệu cho Ukraina để giúp chống lại mối đe dọa từ các loại drone.

Phát biểu nhân một hội nghị ở Berlin, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các hệ thống này “sẽ giúp đối phó với mối đe dọa cụ thể từ máy bay không người lái, tất nhiên bao gồm cả các loại drone do Iran sản xuất…”

Theo ông Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân sự Ukraina, Iran đã cung cấp cho Nga lô hàng đầu tiên bao gồm 1.750 chiếc drone loại Shahed, và Matxcơva đã đặt mua thêm nhiều lô khác.

Theo bộ Ngoại Giao Ukraina, trong 10 ngày qua, hơn 100 chiếc drone “cảm tử ” do Iran chế tạo đã tấn công các nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải, các tòa nhà dân cư, cầu cống và các mục tiêu khác ở các khu đô thị Ukraina.

LHQ : Anh, Pháp và Mỹ sẽ đưa vấn đề drone Iran ra trước HĐBA

Theo Reuters, các nguồn tin ngoại giao cho biết Anh, Pháp và Mỹ có kế hoạch nêu lên các vụ chuyển giao vũ khí từ Iran sang Nga tại cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm nay, 19/10.

Đối với Ukraina, việc Iran cung cấp drone cho Nga đã vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về việc chuẩn y thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Teheran.

13 drone bị bắn rơi vùng Mikolaiv

Trên chiến trường, drone "cảm tử" do Iran chế tạo tiếp tục được Quân Đội Nga sử dụng. Trong một tin nhắn Telegram vào hôm nay, 19/10, ông Vitali Kim, thống đốc vùng Mykolaiv cho biết là trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, vùng Mykolaiv đã hai lần bị drone Shahed-136 của tấn công, và 13 chiếc đã bị bắn rơi.

Vào hôm qua, 18/10, bộ Tổng Tham Mưu Ukraina khoe rằng lực lượng của Kiev đã bắn hạ được 38 chiếcShahed-136 trong số 43 chiếc do quân đội Nga tung ra để tấn công trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Về phần mình, tổng thống Ukraina Zelensky khẳng định rằng việc Nga phải "cầu cứu" Iran là "sự công nhận của Điện Kremlin về sự phá sản quân sự và chính trị của họ".


**********

Israel đề nghị trợ giúp báo động không kích, nhưng Ukraine muốn có phi đạn đánh chặn

Reuters

Israel ngày 19/10 đề nghị giúp Ukraine phát triển báo động không kích cho thường dân. Hành động này là chỉ dấu cho thấy Israel giảm nhẹ chính sách can thiệp không quân sự vào cuộc chiến ở Ukraine sau khi Kyiv cầu cứu hỗ trợ chống lại các máy bay không người lái do Iran sản xuất mà Nga đang sử dụng.

Đại sứ Ukraine yêu cầu cấp cho Ukraine các hệ thống có thể bắn hạ máy bay không người lái, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Benny Gantz, nói Israel giữ vững lập trường không cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Mặc dù lên án cuộc xâm lược của Nga, Israel hạn chế hỗ trợ Ukraine chỉ trong khuôn khổ cứu trợ nhân đạo, với lý do mong muốn tiếp tục hợp tác với Moscow về vấn đề Syria và đảm bảo sự yên bình cho người Do Thái ở Nga.

Ngày 18/10, Ukraine tăng cường kêu gọi sự giúp đỡ của Israel sau khi báo cáo nhiều cuộc tấn công của Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 ‘kamikaze’ của Iran. Iran phủ nhận cung cấp máy bay không người lái cho Nga, trong khi Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận.

Reuters ngày 18/10 loan tin Iran cũng đã hứa cung cấp cho Nga các phi đạn đất đối đất.

Israel yêu cầu Ukraine “chia sẻ thông tin về nhu cầu báo động phòng không”, ông Gantz nói với các đại sứ EU, theo một tuyên bố của văn phòng ông.

Sau đó, Israel sẽ có thể “hỗ trợ phát triển một hệ thống báo động dân sự sớm có thể cứu được mạng sống.”

Văn phòng của ông Gantz cho biết ông sẽ nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vào ngày 20/10, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Đại sứ Ukraine Yevgen Kornichuk nói với Reuters rằng hệ thống được đề nghị “không còn thích hợp nữa” và xác nhận tính xác thực của một bức thư bị rò rỉ cho hãng thông tấn Walla của Israel trong đó đề nghị mua khẩn cấp các hệ thống như Iron Beam, Barak-8, Patriot, Iron Dome của Israel.

Israel cho biết Iron Beam còn nhiều năm nữa mới đi vào hoạt động. Patriot là một hệ thống do Hoa Kỳ sản xuất được triển khai ở Israel. Barak-8 do Israel và Ấn Độ hợp tác phát triển.

Song song với các phi đạn đánh chặn - được thực hiện chủ yếu để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran hoặc các đồng minh trong khu vực - Israel có một mạng lưới radar phát còi hú hoặc cảnh báo điện thoại di động để cảnh báo người dân ẩn nấp khi phi đạn được phóng đi.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Israel cho biết các công nghệ báo động sớm tương tự có thể được cung cấp cho Ukraine.

Ông Gantz nói với các đại sứ EU: “Israel có chính sách hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ nhân đạo và cung cấp các thiết bị phòng thủ cứu người,” nhưng sẽ không cung cấp các hệ thống vũ khí “do có nhiều cân nhắc về hoạt động”.

Tòa đại sứ Nga tại Israel từ chối bình luận
***********

Thổ Nhĩ Kỳ lập trung tâm chuyển khí đốt Nga cho châu Âu


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố nước này sẽ tạo ra trung tâm quốc tế để chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

"Chúng ta đã đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tạo ra trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua đó, nguồn khí đốt có thể được chuyển đến châu Âu. Do vậy, châu Âu sẽ đặt hàng nguồn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) hôm nay.

Ông Erdogan nói thêm các nước châu Âu đang giải quyết vấn đề làm thế nào để giữ ấm trong mùa đông tới và Thổ Nhĩ Kỳ không gặp phải điều này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng trung tâm khí đốt cần được thành lập càng sớm càng tốt và địa điểm thích hợp nhất là ở Đông Thrace, phần lãnh thổ nằm ở châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại ngày cuối hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nga hôm 30/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nga hôm 30/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Putin tuần trước nêu phương án dùng đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển lượng khí đốt vốn đi qua Nord Stream 1, khiến nước này thành "trung tâm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu". Đường ống Nord Stream 1 đã bị hư hỏng vào cuối tháng 9, Nga ước tính có thể mất hơn một năm để sửa.

Việc tạo ra trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Astana hôm 13/10. Ông Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ là "con đường đáng tin cậy nhất" để chuyển khí đốt cho châu Âu.

Tuyến dẫn khí duy nhất nối từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ là TurkStream, bắt đầu từ bờ biển Nga, đi qua Biển Đen và đến vùng Đông Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất 31,5 tỷ m3/năm. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream còn cung cấp năng lượng cho số ít quốc gia châu Âu như Serbia, Hungary, những nước được Nga coi là "thân thiện". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 12/10 nói rằng Moskva sẽ xem xét xây dựng tuyến bổ sung cho TurkStream.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột Ukraine, duy trì quan hệ tốt với Nga và Ukraine, đồng thời hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.

Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng như cùng Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc mang tính bước ngoặt giữa Moskva và Kiev hồi tháng 7. Ankara còn đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với hơn 200 người được trao trả.


*************

Tin thế giới 20-10: Ukraine hạn chế cấp điện cho dân


Tin thế giới 20-10: Ukraine hạn chế cấp điện cho dân; cựu thủ tướng Ý ủng hộ ông Putin - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa giúp người dân sơ tán khỏi tòa nhà ở thủ đô Kiev, được cho là bị máy bay không người lái của Nga tấn công ngày 17-10 - Ảnh: REUTERS

* Ukraine hạn chế cung cấp điện trên toàn quốc. Theo Hãng tin Reuters, Ukraine sẽ bắt đầu hạn chế nguồn cung cấp điện trên toàn quốc từ ngày 20-10, sau khi Nga tấn công thêm nhiều cơ sở năng lượng của Ukraine.

Theo Phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko, kế hoạch trên được áp dụng từ 7h đến 23h mỗi ngày, đồng thời cảnh báo người dân chuẩn bị cho tình trạng mất điện tạm thời. Đây là vấn đề mới đáng lo của Ukraine khi mùa đông sắp đến.

* Tổng thống Đức hủy chuyến thăm Kiev vì an ninh. Nhật báo Bild cho biết Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hủy chuyến thăm dự kiến ​​tới Kiev vào ngày 20-10 vì lý do an ninh.

Trích dẫn các nguồn tin Chính phủ Ukraine và Berlin, tờ báo trên cho biết Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các cơ quan an ninh của Đức đã khuyên ông Steinmeier không nên đi, nhưng chuyến thăm sẽ sớm được định ngày lại.

* Cựu thủ tướng Silvio Berlusconi lại gây sóng gió trên chính trường Ý. Vị cựu lãnh đạo vốn là tỉ phú lại gây tranh cãi khi tuyên bố "kết nối lại" với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có lỗi của chính quyền Kiev.

Ông Berlusconi đã phát ngôn như trên tại buổi nói chuyện với các nghị sĩ thuộc Đảng Forza Italia của ông và bị rò rỉ ra cho truyền thông. Những phát ngôn này được cho là sẽ gây khó cho việc thành lập liên minh cánh hữu.

* Canada áp trừng phạt Iran. Ngày 19-10, Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 cá nhân và 4 tổ chức của Iran. Những cá nhân và tổ chức này bị cho là một trong những bên tham gia hoặc thực hiện các "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" ở Iran.

Danh sách trừng phạt bao gồm ông Mohammad Karami thuộc đội Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, Hội đồng Giám hộ và Hội đồng Chuyên gia Iran.

Chứng khoán Phố Wall đóng cửa ở mức thấp hơn trong ngày 19-10, đánh dấu sự kết thúc nhiều phiên tăng liên tiếp. Dữ liệu ảm đạm và triển vọng kinh doanh đi xuống đã giội một gáo nước lạnh vào tâm lý của nhà đầu tư Mỹ.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 99,99 điểm, tương đương 0,33%, xuống 30.423,81. S&P 500 mất 24,82 điểm, tương đương 0,67%, xuống 3.695,16. Nasdaq Composite giảm 91,89 điểm, tương đương 0,85%, xuống 10.680,51.

Dữ liệu cho thấy lạm phát ở Anh chạm mức 10,1% trong tháng 9 đã đẩy chứng khoán châu Âu giảm điểm.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,53% và thước đo chứng khoán trên toàn cầu của MSCI giảm 0,89%.

Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của MSCI (không tính Nhật Bản) đóng cửa thấp hơn 1,65%, trong khi Nikkei của Nhật Bản tăng 0,37%.

Dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,30% lên 85,55 USD/thùng, trong khi dầu Brent đạt 92,41 USD/thùng, tăng 2,64% trong ngày.

Giá vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.628,61 USD/ounce.

* Iran bắt người nước ngoài tham gia biểu tình. Hãng tin Fars đưa tin cơ quan chức năng Iran đã bắt giữ 14 người nước ngoài vì tình trạng bất ổn đã làm rung chuyển đất nước trong những tuần gần đây.

Theo Fars, các cuộc điều tra cho thấy công dân Mỹ, Nga, Áo, Pháp, Anh và Afghanistan nằm trong số những người bị bắt giữ. Công dân Afghanistan chiếm đa số.

Fars không cho biết thời điểm bắt giữ được thực hiện.

Tin thế giới 20-10: Ukraine hạn chế cấp điện cho dân; cựu thủ tướng Ý ủng hộ ông Putin - Ảnh 4.

Thủ tướng Anh Liz Truss - Ảnh: REUTERS

* Thủ tướng Anh bổ nhiệm bộ trưởng nội vụ mới. Thủ tướng Anh Liz Truss bổ nhiệm ông Grant Shapps làm bộ trưởng nội vụ mới, sau khi bà Suella Braverman từ chức cùng ngày do "vi phạm quy định" khi dùng email cá nhân để gửi các tài liệu chính thức tới một đồng nghiệp trong Quốc hội.

Phát biểu sau khi nhậm chức, ông Shapps cho biết ông mong muốn mang lại sự đảm bảo an ninh mà người dân cần.

Hiện vị trí thủ tướng của bà Truss được cho là đang bị lung lay sau khi sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng hôm 14-10, chỉ 38 ngày sau khi ông đảm nhiệm vị trí này. 

Sau đó, bộ trưởng tài chính mới, ông Jeremy Hunt ngày 17-10 đã tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm và xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

* Anh điều tra gian lận liên quan COVID-19. Ngày 19-10, Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) đang điều tra một vài trường hợp gian lận liên quan đến COVID-19. Giám đốc SFFP Lisa Osofsky lưu ý rằng các cuộc điều tra mới ở giai đoạn đầu.

Theo bà Osofsky, không phải tất cả các trường hợp gian lận liên quan đến đại dịch đều đến được tai SFO.

Tin thế giới 20-10: Ukraine hạn chế cấp điện cho dân; cựu thủ tướng Ý ủng hộ ông Putin - Ảnh 6.

Một người di cư Venezuela bị trục xuất khỏi Mỹ - Ảnh: REUTERS

* Lãnh đạo Mỹ và Mexico điện đàm về vấn đề người di cư. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết đã thảo luận với người đồng cấp phía Mỹ, ông Joe Biden, về thỏa thuận mới liên quan đến vấn đề người di cư Venezuela.

Phát biểu họp báo sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ ngày 18-10 (theo giờ địa phương), ông López Obrador bày tỏ hoan nghênh Washington đã quyết định cấp thị thực tạm thời cho người di cư Venezuela và hướng tới áp dụng chính sách tương tự cho người di cư Trung Mỹ.

Ngoài ra, ông López Obrador cũng thông báo Tổng thống Biden đã xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ tại Mexico, dù chưa xác định thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra sự kiện.

* Đức chi hơn 6 tỉ USD để tăng cường trạm sạc xe điện. Ngày 19-10, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch chi 6,3 tỉ euro (6,1 tỉ USD) trong vòng 3 năm nhằm tăng cường triển khai các trạm sạc pin dành cho xe điện trong cả nước. Đây được xem là một phần trong nỗ lực quốc gia hướng tới mức phát thải ròng bằng 0.

Kế hoạch trên dự kiến sẽ tăng gấp 14 lần số lượng trạm sạc trên cả nước, từ mức khoảng 70.000 trạm hiện nay lên 1 triệu trạm vào năm 2030. Các trạm sạc chủ yếu tập trung tại các thành phố xa xôi, nơi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ.

Con chim bên bức tường biên giới

Goc anh ngay 19

Một con chim đứng gần bức tường biên giới chằng chịt thép gai giữa Mỹ và Mexico ở khu vực thuộc địa phận bang Arizona, Mỹ. Bức tường này chạy xuyên qua một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học lớn nhất của Mỹ - Ảnh: WORLDPRESS


*************

Tập cảnh báo ‘giông bão nguy hiểm’ đối với Trung Quốc


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân nước này cần đoàn kết nhằm chèo lái đất nước vượt qua “giông tố dữ dội trong tương lai”.

Tờ China Daily sáng nay (19/10) đã trích một số đoạn trong bài phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (NCCCP) lần thứ 20 của ông Tập Cận Bình, về chương trình hành động của Đảng nhằm đoàn kết người dân nước này trong công cuộc phát triển chủ nghĩa xã hội. 

“Trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trải qua nhiều nguy hiểm, khó khăn và thách thức để đạt được những đột phá và hàng loạt thành tựu mang tính biểu tượng. Thực tiễn đã chứng minh những chính sách cơ bản được Ủy ban Trung ương Đảng đề ra sau Đại hội NCCCP lần thứ 18 là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, từ đó phản ánh ý chí của người dân và đáp ứng được nhu cầu từ sự phát triển của thời đại”, ông Tập phát biểu. 

xi-jing-543
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX

“Suốt 5 năm qua, Đảng đã tập hợp và dẫn dắt người dân giải quyết vô số vấn đề đã tồn đọng từ lâu, từ đó lập nhiều thành tích có ý nghĩa quan trọng trong tương lai và đạt được những bước tiến ấn tượng đối với sự nghiệp của Đảng và đất nước. Trong đó bao gồm việc xóa đói giảm nghèo, chống lại nạn tham nhũng, bảo vệ môi trường…”, ông Tập nói thêm.

Theo China Daily, ông Tập trong bài phát biểu trên đã cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với “gió to, sóng lớn hay thậm chí là bão tố nguy hiểm” trong quá trình phát triển, song không nêu cụ thể các thách thức nào sẽ xuất hiện trong tương lai.

Ông Kim Xán Vinh, giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, những “bão tố” mà ông Tập đề cập có thể xuất phát từ tình hình quốc tế ngày càng bất ổn. Bởi khi thế giới xảy ra nhiều bất ổn, thì những nguy cơ sẽ xuất hiện và tạo ra thách thức với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

“Hệ thống trật tự toàn cầu mà Mỹ và các nước phương Tây duy trì trước đây không khiến thế giới ổn định hơn. Thay vào đó, nhiều mối nguy hiểm, xung đột và hỗn loạn sẽ xuất hiện trên toàn cầu. Đó là lý do mà Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất”, ông Kim nói.

“Ngoài ra, việc Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) chỉ vài ngày trước khi lễ khai mạc Đại hội NCCCP lần thứ 20 cho thấy Washington đã ‘quyết tâm hơn’ trong việc cạnh tranh với Bắc Kinh. Cụ thể, bản chiến lược an ninh đó viết rằng Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để định hình lại trật tự quốc tế”, ông Kim nói thêm.

Trong khi đó, một số chuyên gia chính trị giấu tên khác lại cho rằng những “bão tố” được ông Tập đề cập đến có thể chính là sự hiện đại hóa của Trung Quốc.

“Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc khác biệt với việc hiện đại hóa của phương Tây, và điều này sẽ mang lại nhiều thách thức đối với trật tự thế giới hiện tại. Các quốc gia phương Tây sẽ khó chấp nhận việc Trung Quốc thành công, bởi điều này không phục vụ cho những lợi ích của những nước này”, nhóm chuyên gia giấu tên nói.

Giáo sư Kim cho rằng, có khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường năng lực của đất nước “để đối mặt với những thách thức tiềm tàng”. “Trong 5 năm nữa, Đảng sẽ tiếp tục chèo lái đất nước vượt qua nhiều thách thức và đứng vững trước ‘gió to, sóng lớn hay bão tố’ tới từ các vấn đề trong và ngoài nước”, ông Kim nhấn mạnh.


***********

Ngắm nữ bộ trưởng trẻ nhất Thụy Điển


Romina Pourmokhtari, 26 tuổi, sinh ra trong một gia đình gốc Iran, đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường. Romina là người trẻ nhất từng nắm giữ vị trí này.

screen-shot-2022-10-19-at-125454-1-829
Ảnh: National News

Theo báo National News, Romina chào đời ở Stockholm và cho tới giờ là người đứng đầu lớp trẻ trong đảng Tự do. Trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng, bà không có nhiều tiếng nói về vấn đề môi trường.

Trong vài tuần gần đây, Romina đã bày tỏ sự ủng hộ với cuộc biểu tình ở Iran, vốn xuất phát từ cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi. Amini qua đời ngày 16/9 khi đang bị cảnh sát Iran giam giữ vì đeo mạng che mặt không đúng. 

thuy-dien-832
Ảnh: National News

Romina đã tái đăng tải những chỉ trích nhằm vào chính quyền Iran sau vụ hỏa hoạn cuối tuần trước ở nhà tù Evin và ảnh của con gái một người biểu tình đứng bên mộ mẹ - người thiệt mạng trong một cuộc biểu tình. 

Romina trở thành người trẻ nhất lãnh đạo một bộ của Thụy Điển. Bộ trưởng Thụy Điển trẻ nhất trước đó 27 tuổi. Thụy Điển là quê hương của nhà hoạt động khí hậu toàn cầu tuổi teen Greta Thunberg.

thuy-dien-833
Ảnh: National News

Bà là thành viên trong nội các của Thủ tướng mới đắc cử Ulf Kristersson, lãnh đạo Đảng Ôn hòa, người đứng đầu liên minh cánh hữu gồm Đảng Ôn hòa, Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và Đảng Tự do.

Khoảng 20% trong số 10 triệu dân của Thụy Điển là người sinh ra ở nước ngoài, nhiều người trong số họ là người tị nạn tới từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá bao gồm Syria, Iraq, Afghanistan và Somalia.

thuy-dien-834
Ảnh: National News

Chính phủ mới của Thụy Điển bao gồm 24 bộ trưởng - 13 nam và 11 nữ. Trong đó, 13 người thuộc Đảng Ôn hòa, 6 người theo Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và 5 người thuộc Đảng Tự do.

thuy-dien-835
Nội các mới của Thụy Điển. Ảnh: National News

**********
Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 21 Tháng Mười 20221:33 SA
Khách
Khi xu dung den vo khi nguyen tu la het thuoc chua. Gach da deu ra tro.Chinh vi hieu,biet tam quan trong cua thu vo khi nay ma nguyen thu cac quoc gia deu danh vo mom va ham he nhau lam vi ma thoi.Nguoi co the xu dung de danh pha,huy hoai no tren khong gian va ngay tai dan phong la My. Nhung chi can vai trai lot so,thi cung da tieu dieu mien cuc kho roi ! Nao ai dam bao dam khong lot so ???Ke song xot sau nhung vu no,nhin quanh ta,chi con lai vai ngoe, lai cung buu dau sut tran nhu ta thi...choi voi ai ??? Ai can du,cho xui dai bon dien no choang nhau,e rang bon ta thang thien truoc...Ca bon cam chich deu dang len con dien,co gang doi vai gao nuoc lanh cho no ha hoa,ai lai xui khon, xui dai de chet ca lu vay ???
Thứ Năm, 20 Tháng Mười 20222:48 CH
Khách
My va NATO nen cung cap cho Ukraine phao phan luc tam xa300km de Ukraine co the danh chiem lai nhung Thanh pho da bi Nga chiem,bat chap Nga Len tieng phan doi My va NATO ,the gioi khong the de Nga muon lam gi hay xam chiem nuoc khac ,coi thuong lien hiep quoc,the gioi nen chap nhan the Chien thu 3 ,My va NATO can phai danh Nga ngay dep bo Che do doc tai Putin ,de Dan Nga co the Hoa Minh voi the gioi voi mot Che do on Hoa hon.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn