Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 18 -10-2022 ( Cập nhật liên tục )

Thứ Ba, 18 Tháng Mười 20224:25 CH(Xem: 2165)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 18 -10-2022 ( Cập nhật liên tục )


ChientranhU 4****************
voatiengviet.com

Mỹ sẽ khiến Iran khó bán võ khí cho Nga

Reuters

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có các bước “thiết thực, mạnh mẽ” để gây khó khăn hơn cho Iran trong việc bán máy bay không người lái và phi đạn cho Nga, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel tuyên bố hôm 18/10 và nói thêm rằng Washington đã có một số công cụ để buộc cả Moscow và Tehran phải chịu trách nhiệm.

Ông Patel, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, nói các biện pháp đó có thể bao gồm các chế tài và kiểm soát xuất khẩu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước thiết thực, mạnh mẽ để khiến việc bán vũ khí này trở nên khó khăn hơn, bao gồm các chế tài, các hành động kiểm soát xuất khẩu đối với bất kỳ thực thể nào liên quan”.

“Việc Nga làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh với Iran là điều mà toàn thế giới - đặc biệt là các nước trong khu vực - nên coi là một mối đe dọa sâu sắc.”

Ukraine cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc tấn công mấy tuần gần đây. Iran phủ nhận việc cung cấp và hôm 18/10 Điện Kremlin cũng phủ nhận việc sử dụng chúng.

Reuters ngày 18/10 loan tin Iran hứa với Nga rằng họ sẽ cung cấp phi đạn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái hơn.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá rằng máy bay không người lái của Iran đã được sử dụng hôm 17/10 trong một cuộc tấn công vào giờ cao điểm tại thủ đô Kyiv của Ukraine, một quan chức Mỹ nói. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karinne Jean-Pierre cũng cáo buộc Tehran nói dối khi nói rằng máy bay không người lái của Iran không được Nga sử dụng ở Ukraine.

Vào tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài đối với một công ty Iran mà họ cáo buộc điều phối các chuyến bay quân sự để vận chuyển máy bay không người lái của Iran đến Nga cùng với ba công ty khác mà họ cho là có liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái của Iran.


*************
voatiengviet.com

Reuters: Mỹ có thể bán dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp trong tuần này

Reuters

Chính quyền Biden có kế hoạch bán dầu từ nguồn Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược nhằm giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới, ba nguồn tin nắm vấn đề này cho Reuters biết hôm 18/10.

Một trong những nguồn tin nói rằng tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần này như một phần phản ứng về cuộc chiến của Nga đánh vào Ukraine.

Việc bán dầu này sẽ đưa ra thị trường 14 triệu thùng còn lại sau công bố trước đó của ông Biden, và là đợt lớn nhất từ trước đến nay, giải phóng từ nguồn dự trữ 180 triệu thùng bắt đầu vào tháng 5.

Chính quyền của ông Biden cũng đã nói chuyện với các công ty dầu mỏ về việc bán thêm 26 triệu thùng từ đợt bán theo sự chuẩn thuận của Quốc hội trong năm tài chính 2023, bắt đầu từ ngày 1/10, một nguồn tin thứ tư cho biết.

Bộ Năng lượng Mỹ cũng sẽ công bố thêm thông tin chi tiết về việc mua lại dầu sau đó, phản ánh mong muốn của Nhà Trắng trong việc chống lại giá năng lượng tăng trong khi hỗ trợ các hãng khoan dầu trong nước.

Giá xăng bán lẻ tăng đã góp phần đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, gây rủi ro cho ông Biden và các đảng viên Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11, theo đó họ đang tìm cách giữ quyền kiểm soát Quốc hội.

Vào tuần trước, ông Biden cho biết rằng giá xăng quá cao và ông sẽ có thêm nhiều điều để nói về việc giảm chi phí trong tuần này.

Ông David Turk, Thứ trưởng năng lượng Hoa Kỳ, cũng cho biết tuần trước rằng chính quyền Biden có thể khai thác nguồn Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) trong những tuần và tháng tới nếu cần thiết để ổn định giá dầu.

Các nguồn tin cho biết, chính quyền đã nói chuyện với các công ty năng lượng về việc mua lại dầu đến năm 2025 để bổ sung nguồn SPR, sau khi ông Biden vào tháng 3 tuyên bố bán ra số lượng lớn nhất từ trước đến nay, 180 triệu thùng, từ tháng 5 đến tháng 10
***********

Nga nói 13 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay chiến đấu gần Ukraine

Reuters

Ít nhất 13 người trong đó có 3 trẻ em đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi Su-34 lao xuống sân của một chung cư 9 tầng và phát nổ ở miền nam nước Nga, bên kia bờ biển Azov giáp với Ukraine, theo Reuters.

Máy bay phản lực siêu thanh, mà Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang trong một chuyến bay huấn luyện, đã được nhìn thấy trên video bay ngang qua đường chân trời hôm 17/10 với một động cơ bốc cháy trước khi xảy ra một vụ nổ và một quả cầu lửa nhấn chìm tòa nhà ở thành phố Yeysk.

Tổ bay nhảy dù chỉ một khoảnh khắc ngắn trước khi vụ tai nạn xảy ra và có hình ảnh cho thấy một người nằm trên phố, vẫn gắn với đống dây dù.

Bộ tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết 19 người đã bị thương. Bộ cho biết có ít nhất 10 thi thể đã được đưa ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà, trong khi 360 người đã được sơ tán.

Bộ trưởng Bộ Khẩn cấp Alexander Kurenkov cho biết trong một tuyên bố: “Nhờ các hành động chuyên nghiệp, có năng lực và nhanh chóng của các đơn vị cứu hỏa và cứu hộ, 68 người đã được cứu trong chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn ở Yeysk”.

Thông tấn xã Nga TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng cho biết: “Theo các phi công đã nhảy dù, nguyên nhân của vụ tai nạn là do một trong các động cơ đã phát hỏa trong quá trình cất cánh”.


***********

Mỹ có thể trả tiền cho hệ thống phát Internet ở Ukraine của Elon Musk


Lầu Năm Góc được cho là đang xem xét thanh toán phí mạng lưới vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk ở Ukraine.

Politico hôm 17/10 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng nước này có thể trích nguồn tiền từ sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine để thanh toán phí mạng lưới vệ tinh Starlink ở nước này.

Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này không nói trước về các thông báo hỗ trợ an ninh trong tương lai.

Financial Times trong khi đó trích nguồn tin từ ba quan chức cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc tài trợ cho hệ thống Starlink ở Ukraine.

Tỷ phú Elon Musk dự một sự kiện ở New York, Mỹ hôm 2/5. Ảnh: AFP.

Tỷ phú Elon Musk dự một sự kiện ở New York, Mỹ hôm 2/5. Ảnh: AFP.

Tỷ phú Musk kể từ tháng 3 kích hoạt dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink và gửi khoảng 25.000 thiết bị tới Ukraine, hỗ trợ quân đội nước này duy trì liên lạc trên chiến trường, khi mạng điện thoại di động và mạng Internet của Ukraine bị đánh sập trong xung đột.

Tập đoàn SpaceX của Musk hôm 14/10 nói với chính phủ Mỹ rằng họ không thể tiếp tục tài trợ và duy trì các thiết bị Starlink phát Internet cho Ukraine. SpaceX tuyên bố chi phí của hoạt động viện trợ này đến nay là 80 triệu USD, dự kiến tốn hơn 120 triệu USD đến hết năm nay và gần 400 triệu USD cho 12 tháng tới. Tuy nhiên, Musk sau đó lại đổi ý, nói sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ.

Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov tuần trước nói rằng các dịch vụ do Starlink cung cấp đã góp phần khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng và thông tin liên lạc ở các khu vực quan trọng
***********
bbc.com

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch thống nhất Đài Loan


Yvette Tan

BBC News

Blinken

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Blinken phát biểu tại Đại học Stanford ở California hôm thứ Ba

Trung Quốc đang theo đuổi việc thống nhất với Đài Loan "theo một tiến trình thời gian nhanh hơn nhiều" so với dự kiến trước đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Bắc Kinh đã quyết định hiện trạng này không còn được chấp nhận nữa, ông nói.

Trong bài phát biểu hôm Chủ nhật khai mạc Đại hội đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ chối loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan.

Trung Quốc coi hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ của mình, nhưng Đài Loan lại tự coi tách biệt với đại lục.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công - bất chấp chính sách chính thức của Mỹ không rõ ràng về vấn đề này.

Phát biểu trong một sự kiện tại Đại học Stanford hôm thứ Ba với cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, ông Blinken nói rằng nếu Bắc Kinh không thể đạt được thống nhất bằng biện pháp hòa bình, họ sẽ sử dụng cưỡng bức và có thể là cả vũ lực.

“Đó là điều đang phá vỡ sâu sắc hiện trạng và tạo ra những căng thẳng to lớn," ông nói.

Ông Blinken nói thêm rằng Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết của mình với Đài Loan và ủng hộ khả năng tự vệ của hòn đảo này.

Washington luôn áp dụng ngoại giao "đi trên dây" đối với vấn đề Đài Loan và Trung Quốc.

Chính sách chính thức của Hoa Kỳ là không cam kết hành động quân sự đối với Đài Loan - nhưng Tổng thống Mỹ Biden dường như đã đi ngược lại lập trường này khi liên tục nhấn mạnh rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan.

Bình luận của Bộ trưởng Blinken được đưa ra khi Trung Quốc đang tổ chức đại hội đảng hai lần trong một thập kỷ, trong đó Chủ tịch Tập được cho là sẽ được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba trong lịch sử.

Trong bài phát biểu khai mạc hôm Chủ nhật, ông Tập nhấn mạnh rằng "việc thống nhất hoàn toàn đất nước chúng ta phải và sẽ được hiện thực hóa".

“Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực," ông nói.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ở mức cao trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để đáp lại chuyến thăm của bà Pelosi, điều mà Đài Loan lên án là "có tính khiêu khích cao".

Trung Quốc - Đài Loan: Vài nét cơ bản

Tại sao Trung Quốc và Đài Loan có quan hệ xấu? Trung Quốc coi hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ của mình và khẳng định cần phải thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Nhưng Đài Loan tự coi mình tách biệt với đại lục

Đài Loan được điều hành như thế nào? Hòn đảo có hiến pháp riêng, các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ, và khoảng 300.000 quân đang hoạt động trong các lực lượng vũ trang

Những quốc gia nào công nhận Đài Loan? Chỉ một số quốc gia công nhận Đài Loan. Thay vào đó, hầu hết đều công nhận chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh. Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng có luật yêu cầu nước này cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ


***********
bbc.com

Cảnh báo của tình báo Đức về Nga 'bị các chính khách bỏ ngoài tai nhiều năm rồi'


Đức

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Đức biểu tình phản đối cuộc chiến của Putin ở Ukraine, nhưng trong giới tài phiệt và quân sự đã từng có ý kiến "thông cảm" với Putin

Người đứng đầu Cục Tình báo Liên bang Đức (BND), Bruno Kahl nói tại Quốc hội nước này rằng cơ quan của ông đã “cảnh báo liên tục về nguy cơ Nga xâm lăng Ukraine”.

Thế nhưng, các lời cảnh báo bị chính phủ Đức “bỏ qua trong nhiều năm” và cho rằng đó chỉ là thông tin “gây hoang mang”, ông Bruno Kahl nói tại một cuộc điều trần ở Bundestag (Nghị viện Liên bang) hôm 17/10/2022.

Theo ông Kahl, Tổng thống Vladimir Putin không chỉ nhắm vào Ukraine mà đã “tuyên chiến với toàn bộ phương Tây”.

Đánh giá của ông là sang năm 2023, cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ còn tiếp tục, vì “không bên nào chịu nhượng bộ lãnh thổ”, theo trang Deutsche Welle (DW) tường thuật từ Berlin.

Cách hành xử của Putin là dùng bạo lực, như ông ta đã làm ở Chechnya, Georgia (Gruzia), Syria, Crimea và vùng Donbass - cho đến khi nào đạt mục tiêu chính trị, Bruno Kahl nói với các nghị sĩ Đức.

“Trong hàng chục năm qua, những lời cảnh báo từ ngành tình báo đã bị chính giới bỏ ngoài tai. Họ coi thường và thậm chí còn hạ thấp những đe dọa có thực...” ông Bruno Kahl nói về thái độ “cầu hòa” của các chính trị gia Đức.

Theo ông, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy Đức “cần có các cơ quan an ninh”, và một đe dọa khác đang đến từ “nước Trung Quốc độc đoán”.

Cũng tại cuộc điều trần ở Bundestag, bà Martina Rosenberg, giám đốc Cục Phản gián Đức, cho rằng bên cạnh hoạt động tình báo của Nga thì Trung Quốc đã tung ra những chiến dịch tăng cao nhắm vào Quân đội Đức (Bundeswehr).

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, bà Marie Agnes Strack-Zimmerman thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine "đã khiến chúng tôi, người Đức bừng tỉnh".

Nước Đức mỗi người một ý?

Năm nay, lần đầu tiên buổi tường trình của các lãnh đạo tình báo và phản gián Đức được thực hiện công khai, khác với thông lệ là họ chỉ họp kín, theo DW.

Truyền thông quốc tế và Đức ghi nhận sự khác biệt trong cách nhìn nước Nga thời Putin của các cơ quan tình báo, của quân đội, các đảng phái và giới công nghiệp Đức.

Ngay trong quân đội Đức, từng có tướng lĩnh cao cấp nói Putin "chỉ muốn được tôn trọng chứ không hề muốn xâm lăng Ukraine".

Hồi đầu năm nay, đô đốc Kay-Achim Schönbach phải từ chức tư lệnh Hải quân Đức vì phát biểu rằng "nói Putin tấn công Ukraine là sai, Putin chỉ muốn được tôn trọng".

Ngay cả sau khi cuộc xâm lăng của Nga đã xảy ra, và hàng triệu dân Đức lên tiếng bảo vệ Ukraine, chính phủ nước này vẫn bị phê phán là "ngần ngại" trong việc chuyển vũ khí cho Ukraine.

Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, bà Marie Agnes Strack-Zimmerman thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine "đã khiến chúng tôi, người Đức bừng tỉnh".

Bà cam kết sẽ thúc đẩy chính phủ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.


************
rfi.fr

Anh : Thủ tướng Liz Truss thừa nhận sai lầm nhưng không từ chức

Thu Hằng

Bà Liz Truss có nguy cơ đối mặt với một nhiệm kỳ thủ tướng cực kỳ ngắn?. Kế hoạch kinh tế được công bố hôm 23/09/2022 gồm nhiều biện pháp làm thị trường tài chính Anh chao đảo, đã bị tân bộ trưởng Tài Chính Jeremy Hunt loại bỏ gần hết hôm 17/10. Chính bà là người bổ nhiệm ông Jeremy Hunt vì « ý thức rằng chính phủ phải thay đổi hướng hành động ». Bà thừa nhận sai lầm do « muốn hành động nhanh » để đối phó với giá năng lượng tăng và thuế cao.

Thông tín viên RFI Emeline Vin tường trình từ Luân Đôn :

Bà Liz Truss đã trả lời phỏng vấn đài truyền hình BBC tối thứ Hai 17/10. Trả lời phỏng vấn ứng khẩu, bà thừa nhận sai lầm, công nhận là đã đi quá nhanh và quá xa và bà xin lỗi. Điều hiếm thấy, lần này, bà không đổ lỗi cho chiến tranh của Putin hay cho phe đối lập. Bà thủ tướng hứa : « Tôi quyết tâm theo đuổi tầm nhìn chính trị của mình ». Tuy nhiên, tầm nhìn đó đã bị tân bộ trưởng Tài Chình Jeremy Hunt triệt tiêu ngày hôm qua.

Đây là lần đầu tiên bà Liz Truss lên tiếng kể từ buổi họp báo thất bại hôm thứ Sáu (14/10) thông báo bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm bộ trưởng Tài Chính. Đó là cách để tiếp tục xuất hiện trên chính trường, khẳng định uy tín của bà. Bà cam đoan vẫn tại vị, không phải chỉ đến Giáng Sinh, mà đến kỳ bầu cử lập pháp tới, diễn ra trong một năm rưỡi nữa. Thế nhưng, trong nội bộ đảng Bảo Thủ, một số dân biểu lại đang ngầm vận động để lật đổ bà, chỉ sáu tuần sau khi bà được bầu.

Báo chí Anh sáng thứ Ba này không thấy thuyết phục. « Bị hạ nhục », theo tờ Mirroir, còn tờ Sun viết « Nữ thủ tướng ma » liên tưởng đến lễ Halloween. Ngay cả tờ Telegraph, nổi tiếng ủng hộ bà, cũng so sánh bà như « thây ma » và cho rằng từ giờ bộ trưởng Tài Chính mới là người lèo lái chính phủ.


************
rfi.fr

Liên Âu chuẩn bị đối sách cứng rắn hơn với Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Trong cuộc họp mở ra tại Luxembourg vào hôm nay, 17/10/2022, để chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong hai ngày 20 và 21/10 tới, ngoại trưởng 27 nước Liên Âu có kế hoạch thảo luận một tài liệu đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Nội dung tài liệu, mà nhật báo Anh Financial Times đọc được, phản ánh một đường lối cứng rắn hẳn so với trước.

Theo nhật báo Anh, ý nghĩa quan trọng của tài liệu do cơ quan đối ngoại của khối chuẩn bị cho các quốc gia thành viên và được các lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu thảo luận hôm nay, là việc thừa nhận rằng chính sách hiện tại của EU xem Trung Quốc là “đối tác-đối thủ cạnh tranh-đối thủ hệ thống” đã lỗi thời. 

Tài liệu ghi nhận rằng đối với Liên Âu, quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Matxcơva, đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, là “một diễn biến đáng lo ngại… không thể bị xem nhẹ”, đồng thời cho rằng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Matxcơva đã “đưa Trung Quốc vào thế đối đầu với các nền dân chủ phương Tây một cách trực tiếp hơn”. 

Theo Financial Times, tài liệu dài năm trang chỉ bao gồm duy nhất một đoạn về các lĩnh vực có thể hợp tác, nhưng một cách hạn chế với Trung Quốc - bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường và y tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại, theo đó Bắc Kinh vốn được coi là “một đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế ”. 

Một cách cụ thể hơn, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu được khuyến khích có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện. EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Tài liệu khuyến nghị gia tăng hơn mối quan hệ giữa EU với các cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương khác. 

Văn bản này cũng nhấn mạnh quan hệ EU-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ khi chính sách hiện thời đối với Bắc Kinh được thông qua vào năm 2019, thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung. 

Một quan chức cấp cao của EU được Financial Times trích dẫn nhấn mạnh thêm rằng Liên Hiệp Châu Âu phải “thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi”, và như vậy cần phải “chuyển sang logic của cạnh tranh toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị.” 

Các cuộc thảo luận trong nội bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc được mở ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” đáng ngại nhất của Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Bắc Kinh ''đang gia tăng năng lực định hình lại trật tự quốc tế”. 

Vào hôm qua, 16/10, trong bài phát biểu trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hô hào chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” và “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” của các nước khác.
***********
rfi.fr

Mỹ đe dọa trừng phạt quốc gia, doanh nghiệp hợp tác với chương trình drone Iran

Trọng Thành

Sau các vụ tấn công tại Ukraina bằng drone, bị tình nghi do Iran sản xuất, hôm qua, 17/10/2022, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt các nước, các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền Teheran trong chương trình chế tạo drone.

Theo AFP, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ, Vedant Patel, trong buổi họp báo hàng ngày, nhấn mạnh là ‘‘liên minh Iran - Nga đang được củng cố cần phải coi là một hiểm họa nghiêm trọng với đối với toàn thế giới’’, và Hoa Kỳ ‘‘sẽ không lưỡng lự khi sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người chịu trách nhiệm chính’’. Trừng phạt không chỉ nhắm vào giới chức Iran mà ‘‘tất cả những ai có các hoạt động phối hợp với Iran trong việc phát triển drone, hoặc tên lửa đạn đạo, hoặc tham gia vào việc vận chuyển các vũ khí của Iran sang Nga’’.  

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cho biết thêm là việc Matxcơva phải sử dụng đến các vũ khí của Iran cho thấy quân đội Nga đang chịu một ‘‘áp lực ghê gớm’’, sau nhiều thất bại tại Ukraina, buộc Matxcơva phải tìm mua cả các nguồn vũ khí với chất lượng ‘‘ít đáng tin cậy’’ như của Iran. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedan Patel thông báo, nhiều drone Iran bán cho Nga bị trục trặc, theo tin tức tình báo.  

Đài France 24 dẫn lại thông tin của Washington Post, công bố hôm Chủ nhật 16/10, theo đó Iran có thể chuẩn bị cung cấp nhiều tên lửa tầm ngắn cho Nga, như Fateh-110 và Zolfaghar, có thể tấn công các mục tiêu tương ứng là 300 km và 700 km.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong một buổi trao đổi với báo giới tại Đại học Stanford, California, hôm qua, cũng ghi nhận việc quân đội Nga gia tăng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự, nhà máy điện, bệnh viện… là ‘‘một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Nga’’
**********

Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp thái tử Saudi Arabia tháng sau



Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp thái tử Saudi Arabia tháng sau - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thái tử Mohammed bin Salman khi đến Saudi Arabia để vận động tăng sản lượng dầu mỏ vào tháng 7-2022 - Ảnh: REUTERS

Trả lời trên Đài CNN ngày 16-10, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng của Mỹ, ông Jake Sullivan, nói rằng ông Biden "không có kế hoạch" gặp Thái tử Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng sau. Quan hệ giữa Washington và Riyadh đang trở nên khó chịu sau động thái cắt giảm sản lượng dầu của nhóm OPEC +.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể ngừng bán vũ khí cho quốc gia vùng Vịnh này để phản ứng việc cắt giảm hay không, ông Sullivan nói rằng Nhà Trắng có nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc xem xét lại việc cung cấp hỗ trợ an ninh cho Saudi Arabia.

"Tổng thống sẽ không hành động vội vàng. Ông ấy sẽ hành động một cách có phương pháp, chiến lược và ông ấy sẽ dành thời gian để tham khảo ý kiến ​​của các thành viên của cả hai đảng, và cũng để Quốc hội trở lại để ông ấy có thể ngồi với họ trực tiếp và làm việc về các lựa chọn", ông Sullivan nói thêm.

Tuần trước, Nhà Trắng nói rằng ông Biden đã bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ của Washington với Saudi Arabia, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Một số nghị sĩ Mỹ khi đó đã kêu gọi Mỹ hạn chế bán vũ khí cho Riyadh.

Phát biểu đưa ra sau khi liên minh OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, bất chấp sự vận động của Mỹ nhằm nâng sản lượng để đối phó với việc giá cả tăng cao.

Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) Haitham al-Ghais ngày 16-10 tiếp tục thanh minh việc cắt giảm, cho biết OPEC+, gồm OPEC và các đối tác, đã đưa ra các quyết định hoàn toàn mang tính kỹ thuật và việc cắt giảm sản lượng dầu là một biện pháp "đón đầu" nhằm ổn định thị trường.

Dù vậy, ông Ghais cho biết nhóm có thể điều chỉnh quyết định tùy theo tình hình thị trường.
***********

Tin thế giới 18-10: Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine; Thuốc duỗi tóc sẽ gây ung thư?


Tin thế giới 18-10: Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine; Thuốc duỗi tóc sẽ gây ung thư? - Ảnh 1.

Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine - Ảnh: GETTY IMAGES

* Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine. Theo tạp chí Financial Times, Liên minh châu Âu đang cân nhắc việc trả tiền cho dịch vụ Internet cho Ukraine từ vệ tinh Starlink của tỉ phú công nghệ Elon Musk. Ngoài ra, theo Politico, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang cân nhắc làm điều tương tự.

Trước đó, ông Musk viết trên Twitter: "Mặc dù Starlink vẫn thua lỗ và các công ty khác đang thu được hàng tỉ USD, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tài trợ cho Chính phủ Ukraine miễn phí".

Starlink gồm 3.000 vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Dịch vụ Internet vệ tinh này đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống thông tin liên lạc của Ukraine. Theo thông báo gần đây của tỉ phú Musk, SpaceX đã tặng khoảng 25.000 thiết bị đầu cuối Internet vệ tinh Starlink cho Ukraine.

SpaceX cho biết chi phí của hoạt động viện trợ này đến nay đã lên tới 80 triệu USD, dự kiến tốn hơn 120 triệu USD cho tới cuối năm nay, và sẽ tốn gần 400 triệu USD trong 12 tháng tới.

Trước đó có thông tin SpaceX đã yêu cầu Lầu Năm Góc thanh toán cho các khoản tài trợ nói trên của Starlink.

* Thuốc duỗi tóc gây ung thư tử cung. Một nghiên cứu lớn công bố ngày 17-10 trên tạp chí khoa học của Viện Ung thư quốc gia Mỹ cho thấy các sản phẩm thuốc duỗi tóc có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư tử cung ở những người sử dụng thường xuyên.

Tin thế giới 18-10: Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine; Thuốc duỗi tóc sẽ gây ung thư? - Ảnh 2.

Các sản phẩm thuốc duỗi tóc có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư tử cung ở những người sử dụng thường xuyên - Ảnh: REDONLINE.CO.UK

Bà Alexandra White thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia Mỹ về an toàn sức khỏe môi trường (NIEHS), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi ước tính chỉ có 1,64% phụ nữ không bao giờ sử dụng các sản phẩm duỗi tóc bị ung thư tử cung ở tuổi 70, nhưng với những người sử dụng thường xuyên, nguy cơ đó lên đến 4,05%".

Ung thư tử cung là một loại ung thư hiếm.

Những phát hiện này là bằng chứng dịch tễ học đầu tiên về sự liên quan giữa việc sử dụng các sản phẩm duỗi tóc và ung thư tử cung.

* Mỹ, EU lên án việc Iran cung cấp thiết bị bay không người lái để Nga tấn công Ukraine. Mỹ đồng ý với đánh giá của Anh và Pháp rằng việc Iran cung cấp các thiết bị bay không người lái cho Nga có thể vi phạm nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2015.

Iran phủ nhận trong khi Điện Kremlin không bình luận gì.

Đáp lại, ngày 17-10, Nhà Trắng cho biết Iran nói dối khi phủ nhận các thiết bị không người lái của nước này không được Nga sử dụng trong việc tấn công Ukraine.

* Nga xác nhận tấn công nhiều mục tiêu ở Ukraine. Ngày 17-10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine bằng vũ khí có độ chính xác cao. 

"Vào ban ngày, quân Nga tiếp tục tấn công bằng vũ khí tầm xa và trên biển có độ chính xác cao vào các cơ sở chỉ huy quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị bắn trúng", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

* Ukraine nói bắn hạ 85% số máy bay không người lái của Nga. Theo Hãng tin Reuters, trong video vào cuối mỗi ngày ngày 17-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Nga đã triển khai một đợt tấn công mới bằng thiết bị bay không người lái ở Ukraine. Ông cho biết một số máy bay không người lái đã bị bắn hạ.

Tin thế giới 18-10: Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine; Thuốc duỗi tóc sẽ gây ung thư? - Ảnh 3.

Một máy bay không người lái mà Ukraine nói là máy bay không người lái (UAV) Shahed-136 của Iran, tham gia đợt tấn công Ukraine của Nga trên bầu trời Kiev ngày 17-10 - Ảnh: REUTERS

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của không quân Ukraine - ông Yuriy Ihnat cho biết Ukraine đã bắn hạ 37 máy bay không người lái của Nga kể từ tối 16-10, tức khoảng 85-86% số máy bay loại này tham gia tấn công.

"Đó là thành tích khá tốt của lực lượng phòng không và con số đó sẽ còn tăng nữa trong tương lai", ông nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả máy bay không người lái bay vào Ukraine từ hướng nam.

* Nga và Ukraine trao đổi nữ tù nhân. Ngày 17-10, quan chức của Nga và Ukraine đều xác nhận hai bên đã tiến hành một trong những đợt trao đổi tù nhân lớn nhất với 218 phụ nữ được trao đổi, trong đó có 108 phụ nữ Ukraine.

Tin thế giới 18-10: Mỹ, EU cân nhắc trả tiền Internet cho Ukraine; Thuốc duỗi tóc sẽ gây ung thư? - Ảnh 4.

Cuộc đoàn tụ với gia đình của một nữ tù nhân Ukraine khi cô về đến Zaporizhzhia, Ukraine ngày 17-10 - Ảnh: REUTERS

Ông Andriy Yermak, chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trên Telegram: "Đây là lần đầu tiên trao đổi hoàn toàn nữ tù nhân". Bộ Nội vụ Ukraine cho biết một số bị bắt từ năm 2019 ở khu vực miền đông đất nước.

Phía Nga xác nhận Ukraine thả tự do cho 80 thủy thủ dân sự và 30 quân nhân.

* Bầu cử giữa kỳ 2022 tại Mỹ vào chặng nước rút. Kịch bản được giới phân tích nhắc tới nhiều nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới là Đảng Dân chủ tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện, còn Đảng Cộng hòa sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Với tỉ lệ Dân chủ 220 ghế - Cộng hòa 212 ghế hiện nay, Đảng Cộng hòa cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được 6 ghế nữa để đủ 218 ghế và kiểm soát lại Hạ viện. Theo giới quan sát, đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm, hạ nghị sĩ nhiệm kỳ 2 năm, thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, cứ mỗi 2 năm, vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện.

Hươu cao cổ uống nước

Goc anh ngay 17

Ở góc chụp thấp này, trông con hươu thật ngộ nghĩnh vì dường như nó hơi khó "xử lý" với chiều cao "lều khều" và cái cổ dài rất đặc trưng. Góc ảnh được tay máy Zenny Zhao ghi lại ở khu Zimanga Private Game Reserve tại Nam Phi. (Ảnh: Atlantic)


************
voatiengviet.com

Bạch Cung: Mỹ sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm về ‘tội ác chiến tranh’

Reuters

Mỹ sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm về “tội ác chiến tranh,” Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 17/10, vài giờ sau khi Nga tấn công các thành phố của Ukraine bằng máy bay không người lái trong giờ cao điểm buổi sáng, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng trong một tòa chung cư ở Kyiv.

Hãng tin Interfax-Ukraine cho hay những người sử dụng Telegram báo cáo có các vụ nổ ở thị trấn Fastiv bên ngoài Kyiv cũng như tại cảng Odesa.

Lính Ukraine nã pháo tìm cách bắn hạ các máy bay không người lái của Nga sau khi các vụ nổ làm rúng động thủ đô Kyiv sáng 17/10.

Phát ngôn nhân Karine Jean-Pierre của Tổng thống Mỹ nói Tòa Bạch Ốc cực lực lên án các cuộc tấn công phi đạn của Nga hôm nay và rằng hành động này “tiếp tục chứng tỏ sự tàn bạo của ông Putin.”

Nhắc đến gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu đô la mới được công bố cho Ukraine vào thứ Sáu tuần trước, bà Jean-Pierre nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine chừng nào họ vẫn còn cần.”

Ngũ Giác Đài đang xem xét việc chi trả cho mạng vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk vốn giúp khôi phục thông tin liên lạc ở Ukraine, tờ Politico ngày 17/10 đưa tin, dẫn lời hai quan chức Mỹ tham gia vào các cuộc thảo luận.

Nguồn tài trợ khả dĩ nhất sẽ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, được thiết kế để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, vẫn theo Politico.

Động thái này diễn ra sau khi ông Musk ngày 14/10 tuyên bố SpaceX không thể tài trợ vô thời hạn cho Starlink ở Ukraine. Tuy nhiên, cuối tuần qua, ông Musk “đảo chiều” khi nói rằng SpaceX sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ tại Ukraine.

Starlink đã giúp dân thường và quân đội Ukraine duy trì Internet trong chiến tranh. Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov tuần trước nói các dịch vụ của Starlink đã giúp khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng và thông tin liên lạc ở các khu vực quan trọng.

Trong ngày 17/10, Nga và Ukraine đã thực hiện một trong những vụ hoán đổi tù nhân lớn nhất của cuộc chiến cho đến nay, trao đổi tổng cộng 218 người bị giam giữ, trong đó có 108 phụ nữ Ukraine, các quan chức hai bên cho biết.

Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, nói có 12 thường dân trong số những phụ nữ được trả tự do.

Ông cho biết thêm rằng 37 phụ nữ trong số này đã bị bắt sau khi lực lượng Nga đánh chiếm nhà máy thép Azovstal khổng lồ ở thành phố cảng Mariupol vào tháng 5.

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết một số phụ nữ đã phải ngồi tù từ năm 2019 sau khi bị chính quyền thân Moscow ở các khu vực phía đông bắt giữ.


**********

Máy bay huấn luyện quân sự Nga rớt xuống nhà dân, ít nhất 3 người chết

Reuters

Một máy bay chiến đấu của Nga rớt xuống một tòa nhà dân cư ở thành phố Yeysk, miền nam nước Nga, hôm 17/10, nhấn chìm các căn hộ trong một quả cầu lửa khổng lồ, ít nhất ba người thiệt mạng.

Yeysk được ngăn cách với lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền nam Ukraine bởi một đoạn hẹp của Biển Azov.

Vụ việc xảy ra gần 8 tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Video do kênh tin tức quân sự Zvezda đăng tải cho thấy các vụ nổ trên máy bay ném bom tầm trung siêu thanh Sukhoi Su-34 khi nó lao về phía các căn hộ. Các cơ quan Nga cho biết các phi công đã phóng ra ngoài.

Bà Anna Minkova, phó thống đốc khu vực Krasnodar, viết trên Telegram rằng ngoài số người chết còn có 10 người khác được cấp cứu vì ngạt khói.

Riêng hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời các quan chức cấp cứu cho biết ít nhất 21 người bị thương.

Đoạn phim từ hiện trường cho thấy phần lớn tòa nhà bốc cháy sau vụ máy bay rơi. Chính quyền địa phương sau đó cho biết ngọn lửa đã được dập tắt.

Hãng tin quốc doanh RIA nói vụ tai nạn xảy ra trong một chuyến bay huấn luyện từ một sân bay quân sự. RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng cho biết các phi công đã báo cáo rằng một động cơ đã bốc cháy khi cất cánh và nhiên liệu của máy bay sau đó đã bốc cháy khi nó lao vào tòa nhà.

Ủy ban Điều tra nhà nước của Nga, nơi chuyên xử lý các tội phạm nghiêm trọng, cho biết họ đã mở một vụ án hình sự và cử các điều tra viên đến hiện trường.

Điện Kremlin nói Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo và đã ra lệnh cung cấp mọi sự trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân.

Thống đốc khu vực, Veniamin Kondratyev, cho biết ngọn lửa bùng phát tại một tòa nhà 9 tầng.


*********

Lụt lớn ở Nigeria, hơn 600 người chết

Lam Vũ

AFP cho hay ít nhất 603 người đã thiệt mạng trong trận lụt nghiêm trọng nhất một thập niên tại Nigeria, theo thống kê của Bộ Nhân đạo nước này ngày 16.10. Thiên tai cũng phá hủy hoàn toàn hơn 82.000 ngôi nhà và gần 110.000 ha đất trồng trọt, đồng thời buộc hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Dù mùa mưa tại Nigeria thường bắt đầu vào giữa tháng 6, lượng mưa đã đặc biệt lớn kể từ tháng 8, theo cơ quan khẩn cấp quốc gia. Ngoài ra, lượng nước xả ra từ đập Lagdo ở nước láng giềng Cameroon cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt. Công ty điện lực Eneo của Cameroon tháng trước cho biết họ sẽ xả nước để giữ an toàn cho đập Lagdo vào tháng 9 và tháng 10 sau khi hồ chứa đạt 91% dung tích, theo Reuters.

Lụt lớn ở Nigeria, hơn 600 người chết - ảnh 1

Xe cộ giữa biển nước tại một cây xăng ở Nigeria ngày 13.10

Reuters

Trận lụt đã ảnh hưởng đến 27 trong tổng số 36 bang của Nigeria. Theo một quan chức Hội Chữ thập đỏ tại bang Kogi, tình hình tại một số khu vực ở Nigeria nghiêm trọng hơn trận lụt lớn gần đây nhất, xảy ra vào năm 2012. 363 người chết và hơn 2,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong trận lụt năm đó.

Các nhà sản xuất gạo đã cảnh báo rằng trận lụt có thể tác động đến giá cả ở đất nước có dân số khoảng 200 triệu người, trong bối cảnh Nigeria đã cấm nhập khẩu gạo để kích thích sản xuất trong nước. Tháng trước, Chương trình Lương thực thế giới và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc cho biết Nigeria nằm trong số 6 quốc gia đối mặt với nguy cơ thiếu đói ở mức cao.


**********

EU tìm bằng chứng Iran cấp UAV cho Nga, Ukraine công bố thiệt hại vụ tập kích


Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp ở Luxembourg, để thảo luận về các cuộc tập kích bằng UAV của Nga nhằm vào Ukraine.

“EU sẽ tập trung vào việc tìm kiếm bằng chứng về sự dính líu của chính quyền Iran tới cuộc xung đột Nga-Ukraine”, hãng tin The Guardian dẫn lời lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc EU được tổ chức hôm nay (17/10).

josep-111111-1615
Ông Josep Borrell. Ảnh: EPA 

Theo ý kiến từ giới lãnh đạo ngoại giao châu Âu, họ cảm thấy bản thân khó bị thuyết phục trước những tuyên bố từ phía Iran về việc nước này không cung cấp máy bay không người lái (UAV) quân sự cho Nga.

“Những gì chúng ta đang được chứng kiến hiện nay đó là các UAV được Iran sản xuất đang tấn công vào thủ đô Kiev của Ukraine”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nói rằng Tehran có thể sẽ phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa từ EU nếu những cáo buộc về việc Iran cấp UAV cho Nga được chứng minh. “Đến lúc đó, sẽ không chỉ có một vài cá nhân Iran hứng chịu các lệnh trừng phạt”, ông Asselborn nói.

Bộ Ngoại giao Iran sau đó tiếp tục ra thông cáo bác bỏ việc nước này có dính líu tới cuộc xung đột ở Ukraine.

“Những tin tức được công khai về việc Iran cung cấp cho Nga các UAV mang theo động cơ chính trị và lan truyền trong nhiều kênh truyền thông có nguồn gốc phương Tây. Chúng tôi không cung cấp vũ khí cho bất kỳ phe nào ở những quốc gia đang xảy ra chiến sự”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói với hãng tin Reuters.

Ukraine công bố thiệt hại của các vụ tập kích

Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Kyrylo Tymoshenko hôm nay nói rằng các vụ tập kích bằng UAV được Nga thực hiện nhằm vào thủ đô Kiev của nước này sáng nay (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 3 công dân thiệt mạng.

“Một chiếc UAV của Nga đã tấn công vào một chung cư nằm ở thủ đô Kiev, khiến 3 dân thường thiệt mạng. Theo báo cáo sơ bộ từ các lực lượng cứu hộ có mặt ở hiện trường, 19 người dân sinh sống tại đó đã được đưa đi sơ tán”, The Guardian dẫn lời ông Tymoshenko nói.

Video: Chiếc UAV lao vào tòa chung cư ở Kiev, Ukraine. Nguồn: Twitter

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal trong một thông cáo sau đó nói rằng, các vụ tập kích bằng UAV của Nga đã gây thiệt hại cho nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng tại ba tỉnh và khiến hàng trăm thị trấn và làng mạc rơi vào cảnh mất điện.

“Theo những báo cáo sơ bộ mà tôi nhận được, nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng tại Kiev, tỉnh Dnipropetrovsk và tỉnh Sumy đã chịu thiệt hại nặng nề do các vụ tấn công. Tất cả các cơ quan chức năng Ukraine đang bắt tay vào việc sửa chữa và phục hồi lại lưới điện”, ông Shmygal cho hay. 

Theo Guardian, thủ đô Kiev vào sáng nay (giờ Ukraine) đã bị rung chuyển bởi 3 tiếng nổ lớn. Tất cả vụ nổ đều diễn ra ở gần các ga tàu điện ngầm. “Các vụ nổ trên được ghi nhận ở quận trung tâm Shevchenkiv của Kiev. Cảnh báo không kích vẫn có hiệu lực, mọi người hãy ở nơi trú ẩn”, Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko khi đó nói
************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn