Bộ trưởng Ngoại Giao Ba Lan Zbigniew Rau

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau

Bộ trưởng Ngoại Giao Ba Lan Zbigniew Rau ngày 22/8 đã lên án việc Nga tấn công vào các cơ sở di sản văn hóa và những nơi thờ tự tôn giáo của Ukraine.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, đại diện của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết: "Thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ba Lan về nhân quyền."

"Đây là quyền vừa mang tính toàn cầu vừa không thể chuyển nhượng. Không ai đáng bị phân biệt đối xử vì niềm tin của họ."

"Chúng tôi - những người Ba Lan đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề này. Chúng tôi nhớ về Thế chiến II và những gì đã xảy ra trên mảnh đất của chúng tôi. Chúng tôi muốn thế giới học hỏi từ những sai lầm của mình và để những thảm kịch như vậy không lặp lại."

Tôi tin rằng, nhờ những nỗ lực chung - cả trong nước và trên các diễn đàn quốc tế - chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình và sẽ không bao giờ phải nhìn thấy những hình ảnh tương tự như tu viện Sviatohirsk Lavra đang bốc cháy nữa."

'Nga nhắm vào các di sản văn hóa và cơ sở tôn giáo của Ukraine'

Nhà ngoại giao hàng đầu của Ba Lan nói rằng Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự có chủ đích nhằm vào các mục tiêu phi quân sự, bao gồm các di sản văn hóa và những nơi thờ tự tôn giáo của Ukraine.

"Kể từ ngày 24/2/2022, khi Nga thực hiện hành động gây hấn vô cớ và phi lý đối với Ukraine, những cảnh tượng bi thảm về sự tổn thương, nỗi đau và sự chịu đựng của hàng trăm nghìn người dân Ukraine đang diễn ra trước mắt chúng ta mỗi ngày," ông Zbigniew Rau cho hay trong một thông cáo gửi đến BBC News Tiếng Việt nhân ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng,

"Sự phá hủy tàn bạo những địa điểm liên quan đến bản sắc, kể cả tín ngưỡng, đang xảy ra đối với người dân Ukraine bất kể nguồn gốc hay tôn giáo của họ," ông nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về tu viện Sviatohirsk Lavra ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, đã bị cháy hồi đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan cho rằng đây là một trong nhiều minh chứng sâu sắc về những nỗ lực của Nga nhằm phá hủy các địa điểm tôn giáo của UKraine.

Theo ông Zbigniew Rau, những ghi chép đầu tiên về sự tồn tại của tu viện cổ Lavra có từ thế kỷ 17, nơi đây là một địa điểm cực kỳ quan trọng đối với Chính thống giáo ở Ukraine.

"Sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Lavra trở thành nơi ẩn náu của thường dân - khách hành hương và giáo sĩ, người già, người khuyết tật và trẻ em. Điều đó cũng không ngăn cản được đội quân Nga nã súng tàn bạo vào khu vực nhà thờ."

"Kết quả của cuộc tấn công là một số tòa nhà của tu viện đã bị phá hủy, ẩn thất bằng gỗ của All Saints - nhà thờ bằng gỗ lớn nhất ở Ukraine từ đầu thế kỷ 20 - đã bị thiêu rụi hoàn toàn," ông Zbigniew Rau cho hay trong thông cáo báo chí.

Trong khi đó, theo truyền thông quốc tế, khi tu viện này bốc cháy, cả Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/6 viết trên Telegram: "Pháo binh Nga tấn công tu viện Svyatohirsk Lavra ở vùng Donetsk. Tu viện đã bị phá hủy". Ông Zelensky cũng nói có ba tu sĩ đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ tuyên bố của ông Zelensky, tố ngược rằng quân đội Ukraine đã phóng hỏa tu viện trước khi rút lui.

Chụp lại hình ảnh,

Tu viện Svyatohirsk Lavra bốc cháy tháng 6/2022

Phản ứng của quốc tế

Ngày 22/8 hàng năm đã được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc chỉ định là Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng theo sáng kiến của Ba Lan.

Trong Thế chiến II, Phát-xít Đức giết trên 5 triệu công dân Ba Lan, gồm 3 triệu người Do Thái và đủ các sắc tộc khác.

Hàng vạn làng mạc, hàng chục thành phố Ba Lan bị san phẳng.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, các đối tác thực hiện sáng kiến này là các quốc gia ủng hộ tự do tôn giáo, trong đó Vương quốc Anh là một trong những quốc gia mà Ba Lan hợp tác chặt chẽ nhất.

Mỹ cũng từng hợp tác đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế thường niên về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng được khởi xướng vào năm 2019 - các cuộc họp toàn cầu của đại diện các chính phủ, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo của các tín ngưỡng khác nhau.

Khi mô tả những mối đe dọa và thách thức chính liên quan đến tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt, phía Ba Lan cho biết: "Chúng tôi mong đợi tuyên bố của đại diện cấp cao thay mặt cho Liên minh Châu Âu".

Trong ngày 22/8, trang Facebook chính thức của Liên Minh châu Âu tại Việt Nam dẫn lời ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, đặc biệt những người bảo vệ tự do tôn giáo và ngưỡng tin, bao gồm cả việc thông qua cơ chế ProtectDefenders.eu của Liên minh châu Âu."

Ba Lan 'giúp Ukraine nhiều và cụ thể nhất'

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Ba Lan đã luôn bày tỏ quan điểm mạnh mẽ phản đối Nga.

"Ukraine không phải là món cuối cùng trong thực đơn của Putin", Đại sứ Ba Lan tại Mỹ Marek Magierowski nới với CBS News tại Washington hôm 15/4.

Ba Lan cũng đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine, đón nhận họ ở mọi nơi. Phụ nữ, trẻ em đều nhận ngay trợ cấp sinh hoạt, nhà ở, số căn cước, quyền làm việc, dịch vụ y tế, quyền đi học như mọi công dân Ba Lan.

Việc đưa hàng triệu người Ukraine hội nhập nhanh chóng và êm đẹp vào xã hội gần 39 triệu dân của Ba Lan gây ngạc nhiên cho rất nhiều quốc gia Tây Âu.