Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 10 -8-2022

Thứ Tư, 10 Tháng Tám 20223:43 CH(Xem: 2679)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 10 -8-2022
LoPhanUngNhietHach
**************
voatiengviet.com

Chín chiến đấu cơ Nga bị hư hại trong vụ nổ ở Crimea

AP

Không quân Ukraine hôm 10/8 cho biết 9 chiến đấu cơ của Nga đã bị phá hủy trong các vụ nổ lớn tại một căn cứ không quân ở Crimea trong lúc có suy đoán vụ nổ đó là do Ukraine tấn công – hành động thể hiện sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến.

Nga phủ nhận họ có máy bay bị hư hại trong vụ nổ hôm 9/8 – và phủ nhận đã xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào.

Các quan chức Ukraine không công khai nhận đã thực hiện các vụ nổ này, đồng thời chế nhạo lời giải thích của phía Nga rằng đạn dược tại căn cứ không quân Saki đã bốc cháy và nổ tung. Các nhà phân tích cũng cho rằng lời giải thích đó không hợp lý và quân Ukraine có thể đã sử dụng tên lửa chống hạm để tấn công căn cứ này.

Crimea có ý nghĩa chiến lược và biểu tượng to lớn đối với cả Ukraine và Nga. Ukraine phải công nhận Crimea thuộc Nga là một trong những yêu sách quan trọng của Điện Kremlin để chấm dứt chiến sự, nhưng Ukraine đã thề sẽ đẩy người Nga khỏi bán đảo và tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng khác.

Vài giờ sau vụ nổ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy một lần nữa hứa sẽ làm điều đó.

“Cuộc chiến tranh Nga chống lại Ukraine và toàn bộ châu Âu tự do này bắt đầu ở Crimea và phải kết thúc ở Crimea – với việc nó được giải phóng,” ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

Các vụ nổ này, vốn khiến một người thiệt mạng và 14 người khác bị thương, đã khiến du khách bỏ chạy trong hoảng loạn khi những cột khói bốc lên cao bên bờ biển gần đó. Các đoạn băng video cho thấy cửa sổ vỡ và lỗ hổng trên tường gạch của một số tòa nhà.

Lãnh đạo vùng Crimea hiện do Nga kiểm soát, ông Sergei Aksyonov, cho biết khoảng 250 cư dân đã được chuyển đến chỗ trú tạm thời sau khi khu căn hộ bị hư hại.

Nhưng giới chức Nga hôm 10/8 đã tìm cách giảm nhẹ sự nghiêm trọng của vụ nổ và nói rằng tất cả các khách sạn và bãi biển trên bán đảo, địa điểm du lịch nổi tiếng đối với nhiều người Nga, đều không bị ảnh hưởng,

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã một mực cho rằng Crimea là của Nga và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào lấy lại nó sẽ đối mặt sự trả đũa nặng nề từ phía Nga. Việc Moscow phải cố nuốt cuộc tấn công này cho thấy sự yếu kém của Putin, phân tích gia quân sự Ukraine, ông Oleh Zhdanov, cho biết.

“Ông ấy được mong đợi sẽ bảo vệ Crimea như là lãnh thổ nước Nga,” Zhdanov nói. “Bây giờ ông ấy sợ phải thừa nhận chính quân Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công.”

Các chiến đấu cơ Nga đã sử dụng căn cứ Saki để tấn công các khu vực ở phía nam Ukraine và mạng xã hội xôn xao với suy đoán rằng Kyiv đã bắn tên lửa vào căn cứ.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych hôm 9/8 nói rằng các vụ nổ hoặc là do bị trúng vũ khí tầm xa do Ukraine sản xuất hoặc là kết quả của du kích quân hoạt động ở Crimea.

Căn cứ trên bán đảo ở Biển Đen này nằm cách vị trí gần nhất của Ukraine ít nhất 200 km – tức nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa do Mỹ cung cấp để sử dụng trong các hệ thống phóng tên lửa HIMARS.

Nhưng phân tích gia Zhdanov cho rằng quân Ukraine có thể đã tấn công căn cứ không quân Nga bằng tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine có tầm bắn khoảng 200 km và có thể đã được điều chỉnh để sử dụng cho các mục tiêu mặt đất.

Quân đội Ukraine cũng có thể đã sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon do phương Tây cung cấp có tầm bắn khoảng 300 km, ông nói thêm.

“Kyiv chính thức đã im lặng về điều đó, nhưng đằng sau hậu trường quân đội thừa nhận đó là cuộc tấn công của Ukraine,” Zhdanov nói.


**************

Trung Quốc lên án Mỹ là ‘kẻ xúi giục’ trong cuộc chiến ở Ukraine

Reuters

Trung Quốc, nước mà Nga tranh thủ như một đồng minh kể từ khi bị phương Tây làm mặt lạnh vì cuộc xâm lược Ukraine, đã gọi Mỹ là ‘kẻ xúi giục đầu sỏ’ trong cuộc khủng hoảng.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS được đăng hôm 10/8, Đại sứ Trung Quốc tại Moscow, ông Trương Hán Huy, cáo buộc Washington dồn Nga vào chân tường khi mở rộng khối quân sự NATO liên tục và hỗ trợ các lực lượng muốn Ukraine ngả về phía Liên minh châu Âu thay vì Moscow.

“Là kẻ khởi xướng và xúi giục đầu sỏ của cuộc khủng hoảng Ukraine, Washington một mặt áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện chưa từng có đối với Nga, mặt khác vẫn tiếp tục cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine,” ông Trương được dẫn lời nói.

“Mục tiêu cuối cùng của họ là làm kiệt sức và đè bẹp Nga bằng một cuộc chiến kéo dài và thúc đẩy các lệnh trừng phạt”.

Lời lẽ của Đại sứ Trương bám theo một trong những lời biện minh của chính nước Nga về cuộc xâm lược Ukraine, vốn đã khiến cho hàng ngàn người chết và toàn bộ các thành phố bị tàn phá, cũng như khiến hơn một phần tư dân số phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh hồi tháng 2 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình khi xe tăng Nga đang dồn về biên giới Ukraine. Hai nhà lãnh đạo khi đó đã nhất trí về cái mà cả hai ca ngợi là quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ vượt trội so với liên minh thời Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Trương cho biết quan hệ Trung-Nga đã bước vào ‘giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, với đặc điểm là mức độ tin cậy lẫn nhau cao nhất, mức độ tương tác cao nhất và tầm quan trọng chiến lược lớn nhất’.

Ông sỉ vả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi tuần trước đến Đài Loan và nói rằng Hoa Kỳ đang tìm cách áp dụng chiến thuật tương tự ở Ukraine và Đài Loan để ‘hồi sinh tâm lý Chiến tranh Lạnh, kiềm chế Trung Quốc và Nga, đồng thời kích động sự cạnh tranh và đối đầu nước lớn’.

“Không can thiệp vào các vấn đề nội bộ là nguyên tắc cơ bản nhất để duy trì hòa bình và ổn định trong thế giới của chúng ta,” ông Trương nói, và vận dụng nguyên tắc này để chỉ trích chính sách Đài Loan của Washington nhưng lại không lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.


*********

Ngày thứ 168 chiến sự: Ukraine tố Nga pháo kích dân thường gần nhà máy hạt nhân

Ukraine cáo buộc Nga dùng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm cứ điểm để pháo kích vào thị trấn lân cận, khiến 13 người thiệt mạng.

Thị trấn Marhanets thuộc tỉnh miền trung Dnipropetrovsk, giáp tỉnh Zaporizhzhia, hôm 10/8 cho biết các cuộc pháo kích của Nga khiến 13 người thiệt mạng, 11 người bị thương, trong đó 5 người nguy kịch. Marganets nằm đối diện nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia qua sông Dnieper. Đây là nơi Nga đã cáo buộc quân đội Ukraine dùng làm cứ điểm để pháo kích nhà máy Zaporizhzhia.

"Đó là một đêm kinh hoàng", tỉnh trưởng Dnipropetrovsk Valentin Reznichenko đăng trên Telegram, kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn khi nghe thấy tiếng còi báo động, thêm rằng lực lượng Nga đã bắn 80 quả rocket vào khu vực.

Nhà máy Zaporizhzhia đang là tâm điểm chú ý khi Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau tập kích cơ sở này, có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Nhà điều hành Ukraine cáo buộc lực lượng Nga chuẩn bị kết nối cơ sở với lưới điện bán đảo Crimea.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh mọi hành động tấn công vào một nhà máy hạt nhân là "tự sát" và bày tỏ hy vọng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có thể tiếp cận cơ sở.

Thiệt hại sau cuộc không kích ở ngoại ô Zaporizhzhia

Hàng chục ngôi nhà bị hư hại sau cuộc tập kích rocket ở khu định cư Kushuhum, ngoại ô Zaporizhzhia, sáng sớm 10/8. Video: Reuters.

Tỉnh trưởng Donetsk Pavlo Kyrylenko cùng ngày cũng cáo buộc Nga pháo kích thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và ba người bị thương.

"Phía Nga đã tập kích thành phố bằng hệ thống pháo phản lực phóng loạt, trúng một khu dân cư. Theo thông tin ban đầu, 12 tòa nhà dân cư đã bị hư hại và 4 tòa bốc cháy", ông Kyrylenko đăng trên Telegram.

Nga chưa phản hồi về thông tin, song nhiều lần khẳng định chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự, không nhằm vào mục tiêu dân sự.

Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công ở Bakhmut, Ukraine, hôm 6/8. Ảnh: AFP.

Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công ở Bakhmut, Ukraine, hôm 6/8. Ảnh: AFP.

Quân đội Ukraine hôm 10/8 thông báo đã đánh sập một cây cầu gần nhà máy thủy điện Kakhovka ở tỉnh miền nam Kherson, khu vực do Nga kiểm soát. Phía Ukraine gọi đây là cuộc tấn công "chính xác và hiệu quả", khiến cây cầu này không thể sử dụng.

Trước đó vài ngày, cây cầu Antonivskiy ở Kherson, được coi là cây cầu chiến lược đối với khâu hậu cần quân sự của Nga, cũng bị lực lượng Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích liên tục.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch hôm 10/8 tuyên bố sẽ cử các huấn luyện viên quân sự tới Anh để giúp đào tạo binh sĩ Ukraine. Đan Mạch còn đề nghị đào tạo các sĩ quan Ukraine ngay tại Đan Mạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov cho biết các giảng viên quân sự được nước này cử đi sẽ hướng dẫn các khóa huấn luyện cơ bản, trong đó có tác chiến đô thị.

Thông báo của Đan Mạch được đưa ra trước thềm hội nghị ở Copenhagen hôm 11/8, trong đó các Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Đan Mạch và Ukraine dự kiến thảo luận về sự hỗ trợ lâu dài cho Kiev, bao gồm đào tạo quân sự, rà phá bom mìn và cung cấp vũ khí.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo tình báo rằng Nga đang xây dựng Quân đoàn lục quân số 3 để bổ sung lực lượng cho mặt trận phía nam và phía đông Ukraine. Giới chức Anh nhận định thành phần của Quân đoàn 3 gồm nhiều tiểu đoàn quân tình nguyện được tuyển mộ khắp nước Nga.

Anh cũng cho rằng các chỉ huy Nga gặp nhiều thách thức trong phân bổ lực lượng cho chiến trường. Họ phải đối mặt giữa lựa chọn tăng cường lực lượng cho mũi tiến công ở vùng Donbass, hay chuyển quân tới củng cố phòng tuyến ở miền nam để đối phó đòn phản công của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận hơn 5.400 trường hợp thiệt mạng và gần 7.500 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 10,3 triệu lượt người rời Ukraine và gần 4,3 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong hơn 5 tháng xung đột. Cơ quan này ghi nhận hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post.


*************

Nga lập quân đoàn mới, Ukraine tuyên bố khiến Moscow mất 42.800 lính



Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga "gần như chắc chắn" đã thiết lập một đơn vị chủ lực mới, gọi là Quân đoàn số 3 (3 AC), đóng tại Mulino, vùng Nizhny Novgorod, phía đông Moscow để hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong báo cáo tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, các chỉ huy quân đội Nga có thể đang phải ưu tiên xử lý các thách thức từ việc vừa củng cố các hoạt động tấn công vùng Donbass, miền đông Ukraine, vừa tăng cường phòng thủ trước các cuộc phản kích dự kiến của lực lượng Kiev ở phía nam nước láng giềng.

linh-nga-o-mariupol-917
Các lực lượng Nga ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters

"Nga có thể đang theo đuổi kế hoạch cung cấp lượng lớn nhân lực cho 3 AC từ các tiểu đoàn 'tình nguyện viên' mới được thành lập, đang được nuôi dưỡng trên khắp đất nước hoặc tập hợp những người mới chiêu mộ được ở cùng khu vực", trích đánh giá của các chuyên gia tình báo quân sự Anh.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga hiện đã mở rộng tuyển quân đến người 50 tuổi và có trình độ chỉ cần trung học. Một quân đoàn của Nga thường bao gồm 15.000 - 20.000 lính nhưng nước này hiện được tin có thể gặp khó khăn trong việc tập hợp đủ số quân đó cho 3 AC. Do đó, tình báo Anh cho rằng, 3 AC "khó có khả năng đóng vai trò quyết định" trong chiến sự ở Ukraine.

Ukraine tuyên bố khiến Moscow mất 42.800 lính 

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine vừa đưa ra số liệu về những tổn thất họ gây ra cho các lực lượng Nga. Theo nhà chức trách Ukraine, trong 24 giờ qua, họ đã phá hủy 9 máy bay và trực thăng của đối phương. Quân đội Ukraine tuyên bố đã hạ tổng cộng "khoảng 42.800 binh sĩ của đối phương" kể từ khi chiến sự bùng phát hôm 24/2.

Quân đội Ukraine cho biết thêm, các lực lượng Nga "hứng chịu tổn thất nặng nề nhất ở hướng Donetsk".

Moscow chưa lên tiếng phản hồi trước các thông tin trên. 

Mỹ duyệt viện trợ 89 triệu USD cho Ukraine rà phá bom mìn

Theo thông báo chính thức ngày 9/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ trị giá 89 triệu USD để giúp Ukraine trang bị và đào tạo 100 đội rà phá bom mìn trong một năm. Đến nay, đây là khoản tài trợ lớn nhất cho chương trình rà phá bom mìn của Washington ở quốc gia Đông Âu.

Một quan chức Mỹ cho hay, chương trình sẽ được thực hiện thông qua các nhà thầu và tổ chức phi chính phủ, không chỉ tài trợ cho việc đào tạo, mà còn cung cấp các thiết bị dò tìm bom mìn và di dời đất đá chuyên dụng nếu cần.

Andriy Yermak, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ nói trên đã giúp giải quyết một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước.

"Theo ước tính của chúng tôi, 160.000km2 đất của Ukraine cần phải được loại bỏ bom mìn, tương đương với tổng diện tích của các bang Virginia, Maryland và Connecticut thuộc Mỹ. Khoản viện trợ này sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của Ukraine", ông Yermak viết trên kênh Telegram.

Tuấn Anh


**************
rfi.fr

Bị châu Âu trừng phạt, Nga ngưng chuyển dầu cho Hungary, CH Séc và Slovakia

Thùy Dương

Thứ Ba 09/08/2022, đúng ngày thỏa thuận trong Liên Âu về giảm tiêu thụ khí đốt bắt đầu có hiệu lực để đề phòng nguy cơ Nga cắt nguồn cung ứng cho châu Âu thì Matxcơva thông báo đóng van đường ống dẫn dầu trung chuyển qua Ukraina đến ba nước Đông - Trung Âu là Hungary, CH Séc và Slovakia.

Theo công ty Nga Transneft, việc ngừng cung cấp dầu là do lệnh trừng phạt của Tây phương, Nga không thể thanh toán phí trung chuyển cho đối tác UkrTransnafta. Do vậy, đối tác này « đã ngưng cung cấp dịch vụ chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraina từ ngày 04/08 ».

Tuyến đường ống Droujba từ Nga chạy qua Ukraina mỗi ngày chuyển lượng dầu tương đương khoảng 250.000 thùng đến Hungary, CH Séc và Slovakia, những nước không có lối ra biển.

Vẫn theo Transneft, việc cung ứng dầu cho Ba Lan và Đức qua Belarus thì vẫn hoạt động bình thường.

Nhìn từ Hungary, chìa khóa để giải quyết vấn đề có thể đang nằm trong tay doanh nghiệp dầu lửa Hungary MOL, vốn có quan hệ tốt đẹp từ nhiều năm nay với các đối tác Nga.

Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère giải thích :

« Cho đến lúc này, chưa có gì đáng lo ngại. Hungary vốn dĩ lệ thuộc đến 65% vào dầu lửa của Nga, nhưng ngay cả khi không có nguồn cung ứng này thì các tài xế vẫn có thể mua đầy bình xăng. Nhưng việc Nga đóng van đường ống vận chuyển vàng đen không đúng lúc chút nào, bởi vì hiện tại, nhà máy lọc dầu chính của Hungary, (đặt tại Szazalombatta, cách thủ đô Budapest 30 km), đang được bảo trì bán phần nên cung cấp ít xăng hơn thường lệ.

Tuy nhiên, công ty Hungary MOL, doanh nghiệp mua dầu chính của Nga, tuyên bố có trữ lượng đủ dùng cho vài tuần. Và công ty đang nỗ lực tìm giải pháp để phục hồi việc cung ứng dầu. Việc chuyển dầu hiện giờ bị đình chỉ vì (theo phía Nga) ngân hàng Gazprom không thanh toán được phí trung chuyển cho phía Ukraina. Việc thanh toán được cho là đã bị từ chối do các biện pháp trừng phạt của châu Âu.

Trong một thông cáo, MOL, tập đoàn dầu mỏ lớn của Hungary, cho biết đã bắt đầu, xin trích, « các cuộc đàm phán để đứng ra thanh toán phí định kỳ ». Nói một cách khác, công ty của Hungary đề nghị đóng vai trò trung gian và thanh toán phí trung chuyển cho nhà khai thác đường ống dẫn dầu của Ukraina, rồi sau đó dàn xếp với phía Nga. Xin nhắc lại là công ty MOL đã mua dầu của Nga từ nhiều thập niên qua và có quan hệ rất tốt đẹp với các đối tác ».


***********
rfi.fr

Mỹ viện trợ quân sự thêm 1 tỷ đô la cho Ukraina

Trọng Nghĩa

Chính quyền Mỹ ngày hôm qua, 07/08/2022 loan báo quyết định viện trợ quân sự thêm 1 tỷ đô la cho Ukraina. Theo Lầu Năm Góc, đây là gói viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn nhất xuất ra từ ​​kho vũ khí của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến tranh do Nga khởi động đến nay.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, lô vũ khí và thiết bị lần này bao gồm các loại đạn dược cho các hệ thống pháo phản lực HIMARS, đại bác 155 ly, súng cối 120 ly… cùng với 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, 20 khẩu súng cối 120 ly, hàng trăm súng chống tăng AT-4, 50 xe bọc thép cứu thương M-113 và các loại trang bị khác.

Đợt viện trợ mới này đã nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraina lên đến gần 10 tỷ đô la (9,8 tỷ) kể từ khi tổng thống Biden nhậm chức năm ngoái, trong đó có hơn 9 tỷ được quyết định kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào cuối tháng Hai.

Theo ông Colin Kahl, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ phụ trách chính sách, khoản viện trợ quan trọng này cần thiết để giúp Ukraina đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở phía đông và cũng để xử lý tình hình ở phía nam và các nơi khác.

Ngân Hàng Thế Giới tháo khoán 4,5 tỷ đô la cho Ukraina

Ngoài viện trợ quân sự, Hoa Kỳ cũng quan tâm giúp đỡ Ukraina về mặt kinh tế, xã hội. Ngân Hàng Thế Giới vào hôm qua đã công bố viện trợ bổ sung 4,5 tỷ đô la cho Ukraina, với nguồn vốn do Hoa Kỳ cung cấp. Mục tiêu khoản viện trợ to lớn này là giúp Kiev đáp ứng những “nhu cầu cấp bách do chiến tranh gây ra”.

Khoản viện trợ bổ sung sẽ đặc biệt tạo điều kiện cho các cấp chính quyền trung ương và địa phương Ukraina trang trải các chi phí xã hội, lương hưu hoặc y tế, theo quy định của Ngân Hàng Thế Giới.


*************

Tổng thống Ukraine tuyên bố quyết giành Crimea sau cảnh báo 'ngày tận thế' từ Nga

Văn Khoa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 9.8 tuyên bố cuộc xung đột quân sự với Nga phải kết thúc với sự "giải phóng" bán đảo Crimea, không lâu sau khi Moscow cảnh báo Kyiv sẽ đối mặt “ngày tận thế” nếu mạo hiểm tấn công Crimea.

“Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và chống lại toàn bộ châu Âu tự do bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea - với sự giải phóng của nó. Giờ không thể nói khi nào điều này sẽ diễn ra. Nhưng chúng tôi không ngừng bổ sung những thành phần cần thiết vào công thức giải phóng Crimea”, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu được đăng trên trang web Tổng thống Ukraine.

Tổng thống Ukraine tuyên bố quyết giành Crimea sau cảnh báo 'ngày tận thế' từ Nga - ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tối 9.8

CHụp màn hình president.gov.ua

Tổng thống Zelensky cho biết thêm: “Chúng tôi đã ra mắt Nền tảng Crimea - một nền tảng ngoại giao quan trọng cho công cuộc giải phóng Crimea. Nền tảng Crimea cũng sẽ hoạt động trong năm nay”. Ông Zelensky còn nói rằng “thế giới bắt đầu nhận ra họ đã phạm sai lầm vào năm 2014 khi quyết định không đáp trả toàn lực trước những bước đi đầu tiên của Nga”.

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với tuyên bố trên của Tổng thống Zelensky.

Trước đó, phát ngôn viên Vadim Skibitskiy của Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 16.7 tiết lộ Kyiv xem bán đảo Crimea là một trung tâm quân sự chính của Nga và vì vậy trở thành mục tiêu hợp pháp cho vũ khí tầm xa do Mỹ chế tạo, theo Đài RT.


************

Thổ Nhĩ Kỳ không kích ở Syria, nhiều người thiệt mạng

Trần Hoàng

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/8 đã không kích bằng máy bay không người lái, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng tại thành phố do lực lượng người Kurd kiểm soát ở miền Đông Bắc Syria.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (có trụ sở tại Anh) nói rằng cuộc tấn công đã bắn trúng gần một bệnh viện tại thành phố Qamishli, nơi trên thực tế được xem là thủ phủ của chính quyền người Kurd - đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở miền Đông Bắc Syria, AFP đưa tin ngày 9/8.

Cả 4 nạn nhân, đều có liên hệ với chính quyền người Kurd, đã thiệt mạng khi đang đào chiến hào gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đề phòng một cuộc tấn công từ Ankara. Từ tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm vũ trang người Kurd ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một số cuộc tấn công ở Syria, phần lớn nhắm vào các binh lính người Kurd mà Ankara cáo buộc có liên kết với các nhóm nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tập kích bằng drone vào thành phố Qamishli hồi cuối tuần, giết chết 4 người.

tho nhi ky khong kich syria anh 1

Máy bay không người lái TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: AFP.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo thống kê ít nhất 13 thành viên đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 19/7 - thời điểm nước này họp thượng đỉnh với Iran và Nga, có nghị trình thảo luận về các hoạt động quân sự ở Syria.

Hôm 5/8, Điện Kremlin kêu gọi Ankara không phát động chiến dịch quân sự khiến Syria bất ổn.

Xung đột tại Syria đã bắt đầu từ năm 2011, và quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều mâu thuẫn ở quốc gia Trung Đông này. Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Ankara hậu thuẫn các lực lượng đối lập
*************

Chiến sự ngày 167: Ukraine thọc sâu vào khu vực do Nga kiểm soát

Thụy Miên

Quân đội Ukraine cho hay đã triển khai cái mà họ gọi là đòn tấn công sâu nhất kể từ khi chiến sự nổ ra vào khu vực Nga kiểm soát.

Chiến sự ngày 167: Ukraine thọc sâu vào khu vực do Nga kiểm soát - ảnh 1

Cột khói bốc lên từ hướng căn cứ Saki

reuters

Ukraine trả đòn ở Kherson

Ông Serhii Khlan, cố vấn chính quyền Kherson, thông báo trên truyền hình Ukraine về vụ tấn công nhằm vào Henichesk ở Kherson, gần Crimea, và cách tiền tuyến gần nhất khoảng 200 km.

Ông Khlan dự đoán mục tiêu của đợt tấn công nằm trên đường ray xe lửa giữa Henichesk và Melitopol. Đây cũng là tuyến đường sắt nối liền Crimea và Melitopol.Còn Thị trưởng Ivan Fedorov của Melitopol (hiện do Nga kiểm soát) cho hay Ukraine đã tấn công dồn dập vào các mục tiêu của Nga ở Melitopol.

Trong khi đó, căn cứ không quân Saki của Nga nằm sâu bên trong bán đảo Crimea, mà Nga sáp nhập từ năm 2014, chứng kiến các vụ nổ.

Hai nhân chứng nói với Reuters rằng đã nghe ít nhất 12 vụ nổ liên tiếp trong vòng 1 phút vào khoảng 15 giờ 30 (giờ địa phương). Ba trong số tiếng nổ đặc biệt lớn, và xuất hiện những tia lửa cũng như khói. Khoảng 30 phút sau, một vụ nổ kế tiếp đã xảy ra và cũng là vụ nổ lớn nhất trong số này. Còi báo động đã vang lên.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga nhanh chóng lên tiếng phủ nhận căn cứ không quân của nước này ở Crimea bị tấn công. Theo TASS, một số đạn dược lắp cho máy bay đã bị nổ trong kho chứa vũ khí.

Ông Sergei Aksyonov, Tỉnh trưởng Crimea, cho biết một người đã thiệt mạng trong vụ nổ và 5 người khác bị thương.

Xem thêm: Nga bác tin căn cứ không quân Crimea trúng đòn tấn công

Cùng ngày, lực lượng Nga tiếp tục gia tăng áp lực đối với thành phố Bakhmut của Donetsk và triển khai hoạt động tấn công ở thành phố miền đông Avdiivka, trong khi tìm cách phân tán các đơn vị Ukraine bằng hỏa lực từ pháo binh, theo Đài CNN dẫn thông tin từ quân đội Ukraine.

Theo nhận định của Bộ Quốc phòng Anh, hướng tiến quân của Nga về phía Bakhmut ở miền đông Ukraine cũng là trục tấn công thành công nhất trong khoảng thời gian 1 tháng qua.

Trong bản cập nhật tình hình mới nhất hôm 9.8, Bộ Quốc phòng Anh nói quân Nga tiến được khoảng 10km về hướng Bakhmut trong thời gian này. Các hướng tiến quân khác chỉ đạt được khoảng 3km trong vòng 30 ngày. Báo cáo cho rằng tốc độ này “gần như chắc chắn là thấp hơn đáng kể so với kế hoạch”.

Cũng theo báo cáo, “dù tiếp tục pháo kích dày đặc ở khu vực này, Nga vẫn chưa tạo được đội hình bộ binh có đủ số lượng và năng lực tác chiến để đạt tiến bộ đáng kể hơn”.

Chiến sự ngày 167: Ukraine thọc sâu vào khu vực do Nga kiểm soát - ảnh 2

Nga phóng vệ tinh cho Iran

reuters

Nghi ngờ xung quanh vụ phóng vệ tinh

Giới quan sát phương Tây đang hoài nghi về việc Nga phóng tên lửa cho Iran từ Kazakhstan. Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo đã định, làm dấy lên nghi ngờ cho rằng Moscow có thể sử dụng vệ tinh này để tăng năng lực trinh sát và do thám các mục tiêu quân sự trên đất Ukraine.

Trước áp lực bị cấm vận và cô lập từ Mỹ và các đồng minh, Nga đang tìm kiếm khách hàng mới ở Trung Đông, châu Á và châu Phi cho chương trình không gian của nước này.

Tuần trước, tờ The Washington Post dẫn nguồn tin không nêu tên từ giới tình báo quân sự phương Tây cho rằng Nga “có kế hoạch sử dụng vệ tinh trong vài tháng hoặc lâu hơn” để hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trước khi chuyển giao quyền kiểm soát cho khách hàng Iran.

Trong khi đó, cơ quan không gian Iran nhấn mạnh nước cộng hòa Hồi giáo sẽ kiểm soát vệ tinh “ngay từ ngày đầu tiên”.

Nga cắt dầu khí cho 3 nước

Ngày 9.8, công ty Transneft của Nga cho biết đã cắt nguồn cung cấp dầu khí cho Hungary, Slovakia và CH Czech vì không nhận được tiền do bị cấm vận.

“Vào ngày 4.8, hoạt động bơm dầu khí thông qua đường ống Druzhba trên lãnh thổ Ukraine đã bị ngưng trệ”, AFP dẫn thông báo từ Transneft.

Chiến sự ngày 167: Ukraine thọc sâu vào khu vực do Nga kiểm soát - ảnh 3

Tên lửa chống radar tốc độ cao (HARM) AGM-88

không quân Mỹ

Công ty Nga cho biết phía Ukraine đã ngừng vận chuyển dầu vì không nhận được tiền từ dịch vụ trung chuyển này.

Trong khi đó, việc bơm dầu cho Ba Lan và Đức thông qua ngõ Belarus vẫn tiếp tục như thường lệ.

Trong lúc đó, hôm 8.8 Mỹ chính thức công bố gói viện trợ mới lên đến 5,5 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có 1 tỉ USD là viện trợ quân sự và phần còn lại là viện trợ tài chính.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), khoản viện trợ 4,5 tỉ USD sẽ được cấp cho chính quyền Ukraine làm ngân sách chi tiêu cho các khoản như tiền lương hưu, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Xem thêm: Mỹ có gói viện trợ vũ khí lớn nhất đến nay cho Ukraine

Cùng ngày, Lầu Năm Góc lần đầu tiên thừa nhận chuyển giao tên lửa chống radar cho Ukraine. Đài CNN dẫn thông tin riêng từ một quan chức quốc phòng cho hay Ukraine tiếp nhận Tên lửa chống radar tốc độ cao (HARM) AGM-88 từ Mỹ.

Theo Không quân Mỹ (USAF), HARM do nhà thầu Raytheon sản xuất, có tầm bắn vượt 48 km, có nghĩa đây là một trong những dòng vũ khí tầm xa được Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Xem thêm: Lầu Năm Góc lần đầu tiên thừa nhận chuyển giao tên lửa chống radar cho Ukraine

Trong một diễn biến khác, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã bắt giữ hai nghi phạm bị cáo buộc tham gia âm mưu của tình báo Nga nhằm ám sát bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội của chính quyền Kyiv.

“Sát thủ” được cho sẽ nhận từ 100.000 đến 150.000 USD cho mỗi mục tiêu bị hạ, theo Reuters dẫn thông tin từ SBU.


***********

Tin thế giới 10-8: Virus mạnh hơn corona xuất hiện ở Trung Quốc; Nổ kho đạn ở Crimea



Tin thế giới 10-8: Virus mạnh hơn corona xuất hiện ở Trung Quốc; Nổ kho đạn ở Crimea - Ảnh 1.

Động vật hoang dã bày bán tại một khu chợ ở Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình SCMP

* Hàng chục người Trung Quốc bị nhiễm virus mới có nguồn gốc từ động vật, mạnh hơn cả virus corona. Một loại virus mới thuộc họ Henipavirus có nguồn gốc từ động vật (còn có tên là Langya henipavirus, LayV) có thể lây nhiễm sang người đã được tìm thấy ở tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hà Nam của Trung Quốc.

Cho đến nay virus này đã lây nhiễm cho 35 người ở hai tỉnh trên, theo một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Mầm bệnh được tìm thấy trong mẫu dịch ngoáy họng của các bệnh nhân có triệu chứng sốt, có tiền sử tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Henipavirus có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người, với tỉ lệ tử vong theo trường hợp từ 40-75%. Con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong của virus corona và hiện chưa có thuốc điều trị hay chủng ngừa.


* Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn vì vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Matxcơva cáo buộc phía Ukraine đã tấn công vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này và gây quan ngại về an toàn. Zaporizhzhia của Ukraine nhưng bị Nga kiểm soát trong thời gian đầu sau "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Theo Hãng thông tấn Tass, phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu mở cuộc họp vào ngày 11-8 và đề nghị tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi ra phát biểu.

Tin thế giới 10-8: Virus mạnh hơn corona xuất hiện ở Trung Quốc; Nổ kho đạn ở Crimea - Ảnh 2.

Sét đánh xuyên qua các đám khói bốc lên từ vụ cháy kho dầu ở tỉnh Matanzas ngày 9-8 - Ảnh: REUTERS

* Thương vong trong vụ cháy kho dầu vì sét đánh ở Cuba tiếp tục tăng. Báo Granma của Cuba cho biết tính đến ngày 9-8, Bệnh viện Faustino Perez của tỉnh Matanzas đã tiếp nhận 67 người bị thương, trong đó có 15 người trong tình trạng nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

17 người, chủ yếu là lính cứu hỏa, vẫn được liệt kê là mất tích, khoảng 800 người đã được sơ tán khỏi khu vực, theo các quan chức khu vực. 

Tờ Granma dẫn lời một quan chức cấp cao của Tập đoàn xăng dầu Cubapetroleo giải thích vụ cháy là do lỗi hệ thống liên quan đến cột thu lôi. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Thủ tướng Manuel Marrero vẫn đang giám sát các nỗ lực cứu hộ.

Nga mở rộng hành lang nhân đạo tại các cảng trên biển Đen. Ngày 9-8, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng quốc gia Liên bang Nga Mikhail Mizintsev thông báo lực lượng vũ trang Nga đã mở rộng hành lang nhân đạo từ 139 lên 307 hải lý để tàu thuyền qua lại an toàn từ các cảng trên biển Đen của Ukraine, đồng thời duy trì hoạt động này suốt ngày đêm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ông Mizintsev cho biết lực lượng vũ trang Nga đã tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của 2 hành lang nhân đạo trên biển, là những tuyến đường an toàn cho tàu thuyền di chuyển ở biển Đen (suốt ngày đêm) để ra khỏi các cảng Kherson, Nikolaev, Chernomorsk, Ochakov, Odessa và Yuzhny theo hướng Tây Nam từ lãnh hải Ukraine với chiều dài 307 hải lý và chiều rộng là 3 hải lý.

* Tổng thống Mỹ ký văn kiện kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký các văn kiện cuối cùng phê chuẩn việc mở rộng NATO với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển. 

Ông Biden gọi đây là thời khắc quan trọng, có ý nghĩa không chỉ đối với an ninh của các nước NATO bao gồm Mỹ mà còn của cả thế giới. Hồi tuần trước, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn việc kết nạp với 95 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

Vụ nổ tại căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo Crimea khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy - Nguồn: Twitter The Kiev Independent

Vụ nổ tại căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo Crimea khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy - Nguồn: Twitter The Kiev Independent

* Nga bác bỏ căn cứ ở Crimea bị tấn công. Ngày 9-8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các vụ nổ lớn tại một căn cứ quân sự quan trọng trên bán đảo Crimea là do nổ kho đạn chứ không phải do hỏa lực của Ukraine. Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cũng phủ nhận Kiev đứng sau vụ việc.

Ít nhất 1 người thiệt mạng, 5 người khác bị thương sau loạt vụ nổ ở sân bay Saki làm rung chuyển khu vực xung quanh. Các video nghiệp dư được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những cột khói và lửa bốc lên cao kèm theo tiếng nổ lớn khiến nhiều người hoảng loạn.

* Mỹ sẽ cung cấp 89 triệu USD để Ukraine rà phá bom mìn. Số tiền này sẽ hỗ trợ 100 đội rà phá bom mìn cũng như đào tạo và tuyển dụng thêm người thực hiện công việc nguy hiểm này. Ước tính có khoảng 16 triệu ha đất ở Ukraine đang đầy rẫy bom mìn sau cuộc tấn công của Nga.

Một quan chức Mỹ cáo buộc Nga đã giấu những quả mìn trong các cơ sở thực phẩm, thùng xe, máy giặt, cửa ra vào, giường bệnh... sau khi rút đi. Khoảng 160.000 quả bom mìn đã được rà phá kể từ cuối tháng 3.

* Mỹ đổi cách tiêm để tiết kiệm vắc xin đậu mùa khỉ. Trước tình trạng số vắc xin đậu mùa khỉ đang dần cạn kiệt, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm vắc xin đậu mùa khỉ trong da thay vì tiêm dưới da.

Với cách tiêm này, một liều tiêm dưới da có thể được dùng để tiêm cho ít nhất 5 người khác mà phản ứng miễn dịch vẫn tương tự nhau.


************

Nhiều vụ nổ lớn tại căn cứ không quân Nga, Mỹ hỗ trợ Ukraine rà phá bom mìn


Ít nhất 1 người thiệt mạng và nhiều người đã bị thương sau một loạt vụ nổ xảy ra quanh căn cứ không quân của Nga tại Crưm. Trong khi đó, Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine trong các nỗ lực rà phá bom mìn.

Theo CNN, trong tối 9/8, đã có một loạt vụ nổ lớn diễn ra ở khu vực quanh căn cứ không quân Saki của Nga tại bán đảo Crưm, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, không có thiệt hại về khí tài quân sự.

"Đây là một vấn đề cục bộ, chỉ những cư dân của những ngôi nhà nằm rất gần sân bay quân sự mới cần phải di tản. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thắt chặt để đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng và dân cư", ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crưm thông báo.

crime-ab-24
Khói bốc lên tại các khu vực xung quanh căn cứ không quân Saki tại Crưm. Ảnh: Reuters

Cũng liên quan tới vụ nổ tại căn cứ không quân Saki, cơ quan Y tế Crưm cho biết, ban đầu chỉ phát hiện 5 trường hợp bị thương và 1 trường hợp tử vong. Nhưng hiện tại, số người bị thương đã tăng lên con số 9, trong đó bao gồm 2 trẻ em.

Bộ Quốc phòng Nga cũng lên tiếng về sự việc, khẳng định một số bom, đạn dành cho chiến đấu cơ đã phát nổ ở sân bay Saki, gần khu định cư Novofyodorovka trên bán đảo Crưm. Hiện tại, nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra, nhưng dường như đây không phải là một cuộc tập kích.

Về phía Ukraine, Bộ Quốc phòng nước này cho biết, không thể xác định nguyên nhân các vụ nổ, nhưng nhắc nhở Nga tuân thủ các quy tắc an toàn về phòng cháy chữa cháy xung quanh các cơ sở quân sự tương tự.

Mỹ hỗ trợ Ukraine 89 triệu USD để rà phá bom mìn

Theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố khoản viện trợ trị giá 89 triệu USD nhằm giúp Ukraine đối phó với "một trong những thách thức bom mìn lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

26435746109-1f3a5c5f4d-b-25
Một binh lính Ukraine đang tiến hành tháo gỡ bom mìn. Ảnh: Reuters

Số tiền 89 triệu USD sẽ không được chuyển trực tiếp cho chính phủ Ukraine, mà chuyển cho các tổ chức phi chính phủ và các nhà thầu chuyên phụ trách rà phá bom mìn.

Ngoài ra, Mỹ sẽ đào tạo và cung cấp trang thiết bị cho các đội rà phá bom mìn. Hiện tại, hơn 160.000km2 tại lãnh thổ Ukraine đang bị ảnh hưởng bởi bom mìn và vật liệu nổ, đây là khu vực có diện tích bằng với 3 bang Virginia, Maryland và Connecticut cộng lại.

Ukraine di tản 3.000 người tại vùng Donetsk

Theo Guardian, chính quyền Ukraine đã thực hiện việc sơ tán bắt buộc với ít nhất 3.000 dân khỏi khu vực Donetsk, khi các cuộc giao tranh ở đây ngày càng leo thang.

"Trong gần 1 tuần qua, hơn 3.000 công dân đã được sơ tán, trong đó có 600 trẻ em và 1.400 phụ nữ. Các cuộc sơ tán bắt buộc vẫn tiếp tục", đại diện văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Nguyên nhân chính khiến Kiev thực hiện lệnh sơ tán bắt buộc là do chính phủ khó có thể cung cấp đủ nguồn năng lượng sưởi ấm cho dân cư trong khu vực vào những tháng mùa đông sắp tới, khi xung đột vẫn diễn ra căng thẳng.

Nga mất chỉ huy cấp cao thuộc Cơ quan An ninh nước ngoài

Theo New York Post, trung tá Nikolay Gorban, một chỉ huy trong lực lượng đặc biệt của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Ukraine.

Rất nhiều phương tiện truyền thông Ukraine đã chia sẻ ảnh chụp cáo phó của trung tá Nikolay Gorba lên mạng. Hiện hoàn cảnh liên quan đến cái chết của trung tá Nga vẫn chưa được tiết lộ. Tính đến hiện tại, ông Gorban được cho là sĩ quan đặc nhiệm cao cấp nhất của FSB thiệt mạng trong chiến dịch đặc biệt.


***********

Vì sao Nga không vô hiệu hóa hoàn toàn GPS ở Ukraine?


Nga thường xuyên gây nhiễu tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng không vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.

Hệ thống GPS do Không quân Mỹ phát triển từ những năm 1970 để phục vụ các mục đích quân sự và sau đó được mở rộng cho cả mục đích dân sự từ thập niên 1980, vận hành nhờ một mạng lưới vệ tinh nhân tạo bao quanh Trái đất. Các tín hiệu định vị của hệ thống này đã trở thành nền tảng cho nhiều khía cạnh của các cuộc xung đột hiện đại, từ điều hướng máy bay do thám không người lái đến nhắm bắn tên lửa và kích hoạt sóng vô tuyến di động.

nga-gps-958
Hệ thống định vị GPS do Mỹ phát triển và vận hành. Ảnh minh họa: Space

Truyền thông Nga từng nhắc đến tầm quan trọng của GPS như một công cụ quân sự hồi tháng 11 năm ngoái, khi Moscow bắt đầu tập trung binh lính dọc biên giới với Ukraine. Sau khi Nga chứng minh nước này có thể phá hủy một vệ tinh trong không gian, một nhà bình luận trên truyền hình, người được biết đến như phát ngôn viên không chính thức của Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố Moscow có khả năng "bịt mắt NATO" bằng cách bắn hạ tất cả các vệ tinh GPS.

Mặc dù vậy, sự can thiệp của Nga vào GPS ở Ukraine gần như không quá mạnh mẽ như nhiều nhà quan sát tiên lượng. Dựa vào tình hình thực tế và các nguồn tin công khai, các chuyên gia nhận định điều đó có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như dưới đây:

Khả năng tác chiến điện tử của Nga không tốt như kỳ vọng

Các lực lượng Nga lâu nay vẫn nổi tiếng là đáng gờm trong tác chiến điện tử (EW) và họ đã cố gắng củng cố điều này. Có thời điểm, hãng thông tấn quốc gia Sputnik đưa tin, quân đội Nga có thể dùng khả năng EW để “khiến các tàu sân bay trở nên vô dụng”.

Theo trang Defense News, quan điểm phổ biến lâu nay là, Nga đã phát triển và duy trì khả năng EW để đối phó với công nghệ vượt trội của các lực lượng phương Tây. Chiến tranh điện tử có thể là một cách không tốn kém để lấy lại thế cân bằng trong cuộc chơi.

Một số báo cáo cho thấy, các lực lượng Nga thường xuyên gây nhiễu tín hiệu GPS ở miền bắc Na Uy từ các địa điểm rất xa bên kia biên giới. Và trong một số trường hợp, hoạt động gây nhiễu chính xác đến mức các tín hiệu trong dải tần gần đó từ hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga không bị ảnh hưởng.

Nga còn chứng minh có khả năng giả mạo GPS trên các khu vực rộng lớn. Những người dùng ở trung tâm thủ đô Moscow đôi khi phát hiện thiết bị của họ báo sai sự thật rằng họ đang ở sân bay. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều khu vực duyên hải, Biển Đen và các địa điểm khác.

nga-pha-gps-956

Tuy nhiên, do các lực lượng Nga có màn thể hiện không mấy ấn tượng như kỳ vọng trong cuộc xung đột ở Ukraine nên một số người tin, khả năng gây nhiễu GPS của họ cũng kém hơn tưởng tượng. Một minh chứng cho điều này là tổn thất quân Nga phải hứng chịu tại thành phố Kherson, miền nam Ukraine, nơi các lực lượng Kiev đang phản kích bằng cách sử dụng hệ thống phóng tên lửa đa nòng do Mỹ cung cấp, dựa vào GPS để nhắm bắn mục tiêu.

Quân Nga cũng cần và sử dụng GPS 

Những người ủng hộ quan điểm này chỉ ra rằng, các máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi được phát hiện có gắn bộ phận thu GPS trên bảng điều khiển của chúng. 

Tín hiệu từ hệ thống GLONASS của Nga và hệ thống định vị điện tử Chayka trên mặt đất đều có sẵn để sử dụng ở Ukraine. Song, có vẻ không phải mọi lực lượng Moscow tham gia chiến dịch quân sự ở nước láng giềng đều được trang bị đủ thiết bị thu tương thích với các hệ thống định vị nói trên. Là hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu đầu tiên trên thế giới nên các thiết bị thu GPS vừa phong phú vừa rẻ tiền, mang tới một giải pháp tạm thời cho các đơn vị Nga.

Ngoài ra, tín hiệu GPS hỗ trợ nhiều loại cơ sở hạ tầng như viễn thông, internet, lưới điện và các hệ thống điều khiển máy móc. Các lực lượng Nga có thể muốn bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine vì những lợi ích và việc sử dụng của chính họ. Đối với Moscow, các cuộc tấn công sâu rộng vào hệ thống tín hiệu GPS có thể gây ra những vấn đề về cơ sở hạ tầng nghiêm trọng hơn bất kỳ lợi ích chiến thuật tạm thời nào thu được.

Các máy làm nhiễu GPS công suất cao, liên tục rất dễ bị tấn công

Bất kỳ đường truyền tần số vô tuyến mạnh và liên tục nào cũng có thể dễ dàng bị phát hiện vị trí và trở thành mục tiêu tập kích. Nhiều quân đội có tên lửa được thiết kế đặc biệt, chuyên để tìm diệt các thiết bị gây nhiễu này. 

Ngay cả khi không có các vũ khí như vậy, công nghệ tìm hướng có thể định vị chính xác nơi đặt một máy phát sóng để nhắm bắn bằng pháo binh hoặc không kích. Các chỉ huy quân đội Nga có thể đang hạn chế sức mạnh của các thiết bị gây nhiễu GPS nhằm tránh thu hút hỏa lực của đối phương.

Ukraine ít bị ảnh hưởng hơn 

Mặc dù Ukraine ngày càng tiếp nhận và sử dụng nhiều khí tài dùng GPS do phương Tây phát triển hơn, nhưng nước này cũng đang nắm trong tay lượng vũ khí khổng lồ từ thời Liên Xô. Những vũ khí như vậy không dựa vào GPS và nhiều khả năng không chịu ảnh hưởng của các dạng chiến tranh điện tử.

Ngoài ra, các lực lượng Kiev dường như ít phụ thuộc hơn vào những hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc tinh vi đang được quân đội của các nước lớn hơn sử dụng. Do đó, việc gây nhiễu GPS, vốn có thể cản trở các hoạt động bình thường của Mỹ và NATO, nhiều khả năng ít gây ảnh hưởng hơn ở Ukraine.

Nga muốn tránh để lộ công nghệ "át chủ bài" trước Mỹ và NATO

Dù chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, kẻ thù khiến Moscow thực sự quan ngại là Mỹ và NATO. Theo tạp chí The Economist, một cuộc tấn công toàn diện vào GPS có thể được hiểu là một cuộc tấn công vào Mỹ và do đó có nguy cơ lôi kéo NATO tham gia trực tiếp vào xung đột, nguy cơ các bên hiện đều muốn tránh.

Hơn nữa, việc triển khai các vũ khí tác chiến điện tử tinh vi và mạnh nhất của Nga ở Ukraine sẽ cho phép các đối thủ nghiên cứu công nghệ và chiến thuật. Điều này sẽ dẫn đến việc phát triển các biện pháp đối phó và làm cho vũ khí kém hiệu quả hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai. Vì vậy, Nga có thể chưa tung ra các công cụ và thủ thuật tốt nhất để gây nhiễu GPS tại quốc gia Đông Âu, nhằm bảo vệ chúng như "át chủ bài" chống các lực lượng lớn hơn và các mục tiêu quan trọng hơn sau này.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn