Kim Jong-un và các tướng lĩnh của Bắc Hàn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Kim Jong-un và các tướng lĩnh của Bắc Hàn

Tin nói rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng cử tới 10 vạn quân “thiện chiến” sang giúp Nga đánh Ukraine đã được một số tờ báo bình dân Anh, Mỹ đăng tải.

Tuy thế, các nguồn này đều trích phát biểu của một nhà báo Nga, Igor Korotchenko trên talkshow truyền hình, chứ không hề có xác nhận chính thức nào từ CHDCND Triều Tiên, tính đến ngày 08/08.

Kể cả khi có tuyên bố nào đó tương tự từ chính quyền Kim Jong-un, nhiều khả năng đó chỉ là cách ghi điểm với Moscow về ngoại giao, theo các đánh giá quốc tế.

Điều mà Triều Tiên đã làm là công nhận hai cộng hòa tự xưng CH Nhân dân Donetsk, và CH Nhân dân Luhansk ở Donbas, lãnh thổ của Ukraine nhưng bị phe ly khai thân Nga chiếm khá nhiều.

Bình Nhưỡng cũng nói sẵn sàng gửi nhân lực sang giúp vùng này tái thiết – tuyên bố dựa trên giả định hai cộng hòa tự xưng sẽ giữ vững các lãnh thổ họ đã kiểm soát.

Trên thực tế, quân ly khai miền Đông Ukraine vẫn chưa chiếm hết Donbas và cùng quân Nga, họ đang chật vật mà chưa chiếm được một làng chỉ cách thành phố Donetsk hai cây số.

Vì thế, việc “tham chiến” của quân Triều Tiên có vẻ chỉ là lời bàn luận hơn là một kế hoạch cụ thể, chưa kể xã hội Nga có thể không chấp nhận.

Theo chuyên gia người Nga, Andrei Lankov nói với trang Asia Times 08/08/2022, thì “dư luận tại Nga coi người Triều Tiên là một thứ độc tài điên rồ, là biểu tượng của mọi thứ sai lầm xảy ra với một quốc gia”.

Ngoài ra, các ý kiến từ Hàn Quốc cho rằng đúng là Bắc Triều Tiên có tới 1,3 triệu quân tại ngũ, phần lớn họ là bộ binh, được huấn luyện để tác chiến trên bán đảo Triều Tiên và không có kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài.

Theo Asia Times, chỉ có hai lần Bình Nhưỡng cử quân ra nước ngoài: lần đầu là một phi đội nhỏ của không quân sang Bắc Việt Nam, và lần hai là đặc công sang Zimbabwe giúp huấn luyện.

Việc triển khai cả 100 nghìn quân ở xứ sở xa lạ, thiếu hiểu biết ngôn ngữ, thông tin liên lạc, sẽ không hề dễ.

Ông Lankov thì tin rằng chuyện khả thi hơn là Bắc Triều Tiên cho hai cộng hòa tự xưng ở Donbas thuê nhân công giá rẻ.

Họ sẽ phải tránh sự dính líu trực tiếp với Nga, vì như thế là vi phạm các nghị quyết của LHQ. Nhưng để hai cộng hòa tự xưng kia thuê người thì không sao, theo ông Lankov, hiện sống và giảng dạy ở Hàn Quốc.

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, Alexander Matsegora từng ca ngợi công nhân Bắc Triều Tiên “tay nghề cao, chăm chỉ, sẵn sàn làm việc trong mọi hoàn cảnh khó khăn”.

Các báo quốc tế cũng nói lời của ông Igor Krotchenko phản ánh một sự thực là Nga thiếu quân ở Ukraine.

Giới quan sát còn chỉ ra rằng vấn đề của Nga không chỉ là thiếu quân mà thiếu các tuyến tải lương và tiếp liệu, chuyển súng đạn tới chiến trường hiệu quả.

Giả sử có thêm 100 nghìn quân ngoại quốc, đến từ Bắc Triều Tiên hay Trung Đông, vấn đề hậu cần sẽ không dễ giải quyết. Bản thân chế độ Kim Jong-un đang gặp các khó khăn về lương thực và vũ khí, do phải chịu cấm vận lâu năm.

Quân Nga ‘tình nguyện ở cả hai chiến tuyến’?

Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng tại Moscow

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng tại Moscow

Trang Kommersant đầu tuần đưa tin hơn 20 vùng của Liên bang Nga đang lập các đơn vị “quân tình nguyện” để bù vào chỗ thiếu binh lực ở chiến trường Ukraine.

Vì Kremlin không dám tổng động viên mà vẫn chỉ mở các điểm tuyển quân cho quân nhân hợp đồng với mục tiêu có thêm 40 tiểu đoàn từ 85 vùng miền của liên bang.

Nếu thành công, con số lính bổ sung cho chiến trường Ukraine có thể lên tới 35 nghìn.

Cùng lúc trang Moscow Times ra ở Nga cho hay Ukraine hiện có lính Nga chính thông tình nguyện tham gia Lữ đoàn Tự do để đánh lại quân đội Putin.

Bài hôm 08/08/2022 nói điều tra của tờ báo cho thấy ít nhất là 100 người Nga đang có mặt, cùng người Belarus, Gruzia trong Lữ đoàn Tự do Quốc tế mà Ukraine tuyên bố thành lập hồi tháng 3, sau khi Nga xâm lăng Ukraine.

Số lính Nga này, như một quân nhân 26 tuổi, xưng tên là Arni cho biết, đã “quay súng” đi về phía Ukraine vì không muốn “thành kẻ chiếm đóng, giết người khi chết trận”.

Nhưng cũng có cả các tù binh chiến tranh Nga và người Nga từ đất Nga trốn sang Ukraine để làm “lính lê dương”, theo bài báo.

Tuy vậy, có ý kiến nói cả vụ này chỉ là một cú PR mang tính tuyên truyền cho Ukraine.