Các nước EU đã đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng Tám đến tháng Ba

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các nước đã đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng 8/2022 đến tháng 03/2023.

Các nước thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) đã tổ chức họp vào thứ Ba 26/07, đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng tháng 8/2022 đến tháng 03/2023.

"Đây không phải là Nhiệm vụ bất khả thi!", quan chức CH Czech, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU viết trên Twitter.

Các kế hoạch dự thảo của hội nghị bộ trưởng EU mà BBC đọc được cho thấy thỏa thuận đạt được không mạnh như từng đề xuất, với việc sử dụng khí đốt sẽ được cắt giảm theo hình thức tự nguyện.

 “Trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh cung cấp năng lượng cho EU, các nước thành viên hôm nay đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa đông này,” EU cho biết.

"Mục đích của việc cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt có thể xảy ra từ Nga, nước đang liên tục sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí."

Thỏa thuận nêu rõ việc giảm nhu cầu khí đốt sẽ trở thành bắt buộc nếu "Cảnh báo của Liên minh" được công bố khi an ninh nguồn cung đạt đến mức khủng hoảng.

“EU đoàn kết và thống nhất,” Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Czech, cho biết.

"Quyết định hôm nay đã cho thấy rõ ràng các nước thành viên sẽ đứng vững trước bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chia rẽ EU bằng cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí".

Chụp lại hình ảnh,

Đường ống khí đốt đặt ở lòng biển Baltic, từ Nga chạy thẳng sang Đức, bỏ qua các nước Đông Âu từng gây chia rẽ tại EU.

Có chuẩn bị nhưng không còn nhiều thời gian

Từ khi Nga xâm lược Ukraine, Nga đã cắt nguồn cung cấp cho một số quốc gia nhỏ từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc cắt đứt khí đốt toàn châu Âu là một "kịch bản có thể xảy ra". 

"Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí", bà nói. "Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, châu Âu cần phải sẵn sàng." 

Như dự kiến, các nước thành viên EU đã bỏ phiếu về kế hoạch phân phối khí đốt tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26/7.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 cũng đã ngừng hoạt động để bảo trì từ ngày 11/7. 

Sang ngày 24/07, lượng khí Nga bán vào Đức đã phục hồi nhưng chỉ còn 20% mức bình thường, khiến Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói "không thể nào tin được vào lời của Putin".

Phía Nga đổ lỗi cho 'vấn đề kỹ thuật' là nguyên nhân dung tích khí đốt giảm trong đường ống Nord Stream 1, mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt cho Liên hiệp châu Âu.

Điều EU lo ngại là khí đốt từ Nga giảm nhanh trong khi các nguồn từ Hoa Kỳ, Bắc Phi, Trung Á và Trung Đông không mua về kịp hoặc giá cao hơn nhiều so với giá của Nga, khiến kinh tế và sinh hoạt các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng vào mùa đông năm nay.