Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự một tuyên bố chung tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 12/7/2022

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự một tuyên bố chung tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 12/7/2022

Liên minh châu Âu (EU) có thể không nên để các quốc gia thành viên tiếp tục giữ quyền phủ quyết trong các quyết định về chính sách an ninh và đối ngoại của khối, nếu EU muốn duy trì vai trò dẫn dắt trong chính trị toàn cầu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, theo Reuters.

Cuộc chiến của Moscow ở Ukraine khiến sự thống nhất ở châu Âu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và gia tăng áp lực yêu cầu chấm dứt "sự ngăn cản ích kỷ" các quyết định của EU đến từ các quốc gia thành viên, ông Scholz cho biết trong một bài báo đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine hôm Chủ nhật.

Ông nói thêm: "Chúng tôi chỉ đơn giản là không còn có khả năng chịu được quyền phủ quyết của các quốc gia, ví dụ như trong chính sách đối ngoại, nếu chúng tôi muốn tiếp tục được lắng nghe trong một thế giới có nhiều cường quốc cạnh tranh với nhau".

Ông Scholz đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ Kyiv và các đồng minh phương Tây khác rằng Đức đã không giữ vị trí lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine, một cáo buộc mà ông Scholz đã phủ nhận.

Cuộc xâm lược, mà Moscow gọi là một "hoạt động quân sự đặc biệt", đã gây ra sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Đức sau nhiều thập kỷ kiềm chế quân sự.

Xung đột cũng đã thúc đẩy Berlin hướng tới một vai trò chính sách đối ngoại tích cực hơn trên toàn cầu, nhờ vai trò chủ tịch Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển trong năm nay.

Ông Scholz cho biết G7 và các nước khác có thể hợp tác để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu và đại dịch trên thế giới nếu Đức chịu trách nhiệm về châu Âu và thế giới.

Ông cho biết Đức sẽ đưa ra các đề xuất về chính sách di cư chung ở châu Âu, xây dựng nền quốc phòng châu Âu, chủ quyền công nghệ và khả năng phục hồi dân chủ trong những tháng tới.

Hồi tháng Sáu, cựu ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng nhấn mạnh trong một phát biểu rằng EU không thể bị "chi phối" bởi những nước thành viên vốn sử dụng quyền phủ quyết để làm "tê liệt" chính sách đối ngoại của khối, cũng theo Reuters.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas

Nguồn hình ảnh, Thierry Monasse/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cựu ngoại trưởng Đức Heiko Maas

Ông Heiko Maas cho rằng cần xóa bỏ quyền phủ quyết của các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).

Quan điểm nói trên được ông Maas đưa ra sau khi Hungary, một nước thành viên EU, gần đây đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết để ngăn EU ra các tuyên bố chung.

Việc bãi bỏ quyền phủ quyết trong hầu hết các lĩnh vực mà EU ra quyết định - bao gồm cả các vấn đề quân sự và an ninh - cũng là một trong những khuyến nghị của cuộc tham vấn toàn EU nhằm cải tổ khối từ hồi tháng Năm, theo The Irish Times.

Một cuộc họp quan trọng hồi tháng Năm đã thống nhất 325 đề xuất để đạt được 49 mục tiêu. Các mục tiêu này sẽ được chuyển đến các nhà lãnh đạo EU để xem xét. Nghị viện Châu Âu đã thông qua bản dự thảo của các đề xuất vào cũng vào thời điểm này.

Các kết luận của hội nghị ủng hộ hội nhập nhiều hơn, ra quyết định nhanh hơn và một EU chủ động và mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, triển vọng về những thay đổi hiệp ước và hợp tác quân sự chặt chẽ hơn - với khả năng cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Ireland - khó có thể được Chính phủ ở Dublin hoan nghênh.

Cùng với đề xuất tăng cường hợp tác quân sự của EU, hội nghị vào tháng Năm đã đề xuất các quyền hạn lớn hơn cho Nghị viện châu Âu, bao gồm quyền đề xuất luật (hiện chỉ có ủy ban châu Âu mới có quyền này).

Trong bài phân tích 'Bỏ phiếu thay vì phủ quyết: Để có nền dân chủ hội đồng' đăng trên Friendsofeurope hồi tháng 6/2022, ông Andrew Duff, cựu thành viên của Nghị viện Châu Âu và cựu chủ tịch Liên minh các Liên bang Châu Âu đã đề xuất những thay đổi nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của EU.

"Hội đồng đưa ra quyết định theo một trong bốn cách: bằng sự nhất trí chặt chẽ giữa tất cả 27 chính phủ quốc gia, thường cần sự tán thành theo các thủ tục đã ghi trong hiến pháp quốc gia; bằng sự đồng thuận, một hình thức nhất trí khá thoải mái, đôi khi được thực hiện nhờ phe thiểu số bỏ phiếu trắng trên tinh thần xây dựng; bởi một đa số phiếu bầu đơn giản của các thành viên; hoặc bằng đa số phiếu đủ điều kiện."