• Reality Check
  • BBC News

Vladimir Putin

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Putin tại lễ duyệt binh ở Moscow vào hôm qua 09/05

Tổng thống Putin đã có bài phát biểu trong lễ duyệt binh tại Moscow nhân dịp kỷ niệm chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Đức Quốc xã năm 1945, đồng thời đưa ra một số tuyên bố về Ukraine và Nato.

BBC đã kiểm chứng một số phát biểu của Putin.

"Kyiv tuyên bố có thể sở hữu vũ khí hạt nhân"

Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Ukraine có kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân như một cách biện minh cho cuộc xâm lược của Nga, mặc dù không có bằng chứng về việc này.

Khi còn thuộc Liên Xô, Ukraine từng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng đã từ bỏ vào những năm 1990 để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.

Năm ngoái, Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, từng nói rằng nếu Ukraine không thể gia nhập Nato, nước này có thể phải xem xét lại tình trạng phi hạt nhân hóa của mình.

"Hoặc chúng tôi là một phần của một liên minh như Nato... hoặc chúng tôi có lựa chọn duy nhất - tự trang bị vũ khí quân sự, và có thể suy nghĩ lại về tình trạng hạt nhân."

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine không bày tỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và một tài liệu chiến lược quân sự được công bố năm ngoái cũng không đề cập đến vấn đề này.

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Một máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân được tháo dỡ ở Ukraine

Một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Bulletin of Atomic Scientists hồi tháng 3 nêu rằng ngay cả khi Ukraine muốn sở hữu vũ khí hạt nhân thì nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về hậu cần và công nghệ trong việc tạo ra vật liệu hạt nhân cấp vũ khí và có đủ phương tiện để lắp đặt vũ khí hạt nhân.

Điều đó cũng có nghĩa là Ukraine vi phạm các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này tham gia vào năm 1994. Hiệp ước này ngăn cấm các quốc gia không có vũ khí hạt nhân sở hữu những vũ khí này.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ không thấy dấu hiệu nào ở Ukraine "chuyển đổi vật liệu hạt nhân, nhằm mục đích cho các hoạt động hòa bình, cho các mục đích khác."

"Mọi dấu hiệu cho thấy rằng cuộc xung đột với phe tân phát xít, phe Banderites ở Ukraine được Mỹ và những đàn em của họ hậu thuẫn, sẽ không thể tránh được."

Chụp lại video,

Putin nói binh sĩ đang chiến đấu cho Đất mẹ Nga tại Ukraine

Tổng thống Putin thường xuyên tuyên bố sự hiện diện của phe tân phát xít ở Ukraine nhằm biện minh cho cuộc xâm lược của Nga.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine gần đây nhất vào năm 2019, tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng cử viên cực hữu chỉ là 2% - thấp hơn nhiều so với nhiều nước Châu Âu khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người Do Thái và có người thân chết trong nạn diệt chủng Holocaust.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 mà ông Zelensky giành chiến thắng, ứng cử viên cực hữu chính chỉ giành được 1,6% số phiếu bầu.

Nhưng có những nhóm cực hữu ở Ukraine - được biết đến nhiều nhất là tiểu đoàn Azov - gồm những thành phần bày tỏ sự ủng hộ đối với tư tưởng phát xít.

Azov được thành lập để chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, lực lượng chiếm giữ các khu vực ở miền đông Ukraine vào năm 2014, sau đó được kết hợp như một đơn vị trong quân đội Ukraine.

Thuật ngữ "Banderites" dùng để chỉ những người ủng hộ Stepan Bandera, người lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc trong Chiến tranh Thế giới lần 2, từng bày tỏ quan điểm bài Do Thái và đã có thời gian hợp tác với Đức Quốc xã.

Stepan Bandera vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Ukraine, môt số người ca ngợi ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc yêu nước, những người khác lên án ông vì sự hậu thuẫn với phát xít.

"Nato đã phát động một đợt tăng cường quân sự trên các vùng lãnh thổ tiếp giáp với chúng ta... Chúng ta đã thấy các cơ sở hạ tầng quân sự đang được triển khai như thế nào, hàng trăm cố vấn nước ngoài bắt đầu hoạt động như thế nào. Việc chuyển giao vũ khí tối tân từ các nước Nato đã được triển khai thường xuyên."

Tổng thống Putin dường như đang đưa ra gợi ý rằng, Nato không chỉ đang mở rộng ảnh hưởng của mình ở các nước Baltic, thành viên của Nato - mà còn ở bên trong Ukraine, quốc gia không thuộc Nato.

Đúng là các đồng minh Nato đã hỗ trợ Ukraine về trang thiết bị và huấn luyện kể từ năm 2014, đồng thời họ đã triển khai thêm lực lượng tới một số quốc gia thành viên của Nato ở Đông Âu.

Nato đã tăng cường hỗ trợ Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và người huấn luyện quân sự từ các quốc gia thành viên Nato đã hiện diện tại nước này.

Mỹ có khoảng 150 huấn luyện viên quân sự ở Ukraine (họ đã rút lui vào tháng 2 khi mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Nga ngày càng gia tăng), Anh có một con số tương tự tại một thời điểm, các quốc gia khác có những sứ mệnh huấn luyện nhỏ hơn.

Mỹ và Anh đã cung cấp một số lượng có hạn vũ khí chống tăng cho Ukraine trước khi chiến tranh bắt đầu, nhưng rõ ràng là đã có nhiều đợt viện trợ quân sự hơn từ nước ngoài dành cho Ukraine nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Nga.

Nato nói rằng các đợt triển khai binh sĩ của họ ở Đông Âu sau năm 2014 - bốn nhóm tác chiến ở các nước Baltic và Ba Lan - chỉ lên tới 5.000 quân. "Trước khi Nga sáp nhập Crimea trái phép thì không có lực lượng binh sĩ đồng minh nào ở khu vực phía đông của liên minh [Nato]" - Nato cho biết.

Nato cũng nói rằng các hoạt động quân sự tiếp theo của liên minh quân sự này ở Đông Âu là nhằm đáp trả việc Nga huy động binh sĩ gần biên giới với Ukraine, vốn đã diễn ra trong nhiều tuần trước khi cuộc xâm lược nổ ra vào cuối tháng Hai.

Khi đó, lực lượng binh sĩ Nga tập trung ước tính từ 100.000 đến 190.000 quân.