Mục tiêu tuyên bố của Nga là đánh chiếm và kiểm soát khu vực phía đông của Ukraine là Donbas

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Mục tiêu tuyên bố của Nga là đánh chiếm và kiểm soát khu vực phía đông của Ukraine là Donbas

Cuộc chiến mà Nga đang gây ra tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 59 vào hôm thứ Bảy 23/4.

Tại Á châu, một điểm đáng chú ý là thái độ phê phán Hoa Kỳ được nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải mấy ngày qua.

Hãng tin lớn nhất của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, ngày 22/4 có bài nói: "Ngay cả khi không bắn một phát súng nào hoặc triển khai bất kỳ binh sĩ nào ở Ukraine, Mỹ vẫn được coi là bên tham chiến trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine."

"Bằng cách vũ khí hóa sức mạnh tối cao tài chính toàn cầu của mình, chủ nghĩa khủng bố tài chính của Washington đang làm leo thang cuộc đối đầu vốn đã gay gắt và gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới."

Hoa Kỳ 'chịu trách nhiệm'

"Phương Tây đang đưa ra từng miếng cà rốt, lôi kéo Ấn Độ tiến gần hơn đến các mục tiêu địa chính trị của mình. Khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc, phương Tây sẽ lại chuyển trọng tâm sang Trung Quốc. Ấn Độ cần phải thực tế trong chính sách ngoại giao của mình. Việc lợi dụng phương Tây là tốt, nhưng sẽ chẳng ích gì nếu Ấn Độ trở thành người bị lợi dụng."

Đài truyền hình quốc gia CCTV, ngày 18/4, phỏng vấn một chuyên gia đến từ Ethiopia nhận định, cuộc khủng hoảng Ukraine đã nói lên "chính sách bá quyền lâu đời" của Mỹ.

Ông Yonas Adaye, theo đài này, nói rằng việc Mỹ và các nước khác lạm dụng các lệnh trừng phạt đã dẫn đến tác động lan tỏa của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân châu Phi và phát triển kinh tế châu Phi.

Cũng CCTV, ngày 15/4, nói: "Theo các nhà phân tích ở nhiều nước, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine nằm ở NATO và đặc biệt là Hoa Kỳ, những quốc gia được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Các nhóm lợi ích phương Tây do Mỹ dẫn đầu chịu trách nhiệm chính cho cuộc xung đột kéo dài."

Bài này mạnh mẽ: "Thao túng chính trị, độc ác như "ảo thuật đen". Điều mà Washington mong đợi nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kéo dài. Mỹ liên tiếp giội nước lạnh vào cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, không ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Không những mang lại thảm hoạ cho hai bên Nga và Ukraine, mà còn khiến mong muốn thực hiện tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu trước đó bị hẫng, nước Mỹ lại "ngư ông đắc lợi"."

"Điều này cho thấy mong muốn của Washington kéo dài chiến tranh để đảm bảo Nga bị thiệt hại đủ nhiều. Họ muốn đảm bảo quân đội Ukraine có vũ khí để cầm chân Nga để không thể đàm phán hòa bình."

Chiến tranh ở Ukraine gây lo lắng cho kinh tế toàn cầu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chiến tranh ở Ukraine gây lo lắng cho kinh tế toàn cầu

Bài này có đoạn: "Mỹ vẫn đang sử dụng cuộc xung đột Nga-Ukraine để chia thế giới thành các phe và tiếp tục gây sức ép buộc các nước trung lập phải "đứng về một phía". "Chủ nghĩa đa phương giả tạo" như vậy đôi khi có thể lừa dối, nhưng ngày càng nhiều quốc gia đã nhìn thấu và từ chối khuấy động rắc rối trên toàn cầu hoặc chiếm đoạt "thành quả" địa chính trị."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mỹ cần 'phản tỉnh'

Ngày 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố hoàn toàn là "tin giả" khi nói Nga đề nghị Trung Quốc cung cấp trang thiết bị quân sự.

Ông Uông Văn Bân nói: "Mỹ nên chấm dứt phát tán thông tin sai sự thật để bôi nhọ Trung Quốc, Mỹ cần phải nhìn thẳng và phản tỉnh về trách nhiệm của mình trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine."

Trong diễn tiến khác, ngày 21/4, tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã khai mạc Hội nghị Thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu đề dẫn mang tên "Chung tay chào đón thách thức, hợp tác mở ra tương lai" qua đường truyền video.

Tờ China Daily dẫn lời Erik Solheim, cựu Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường LHQ, nói rằng ông Tập "đã cảnh báo đúng về tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Ông này nói với báo Trung Quốc: "Bài phát biểu của ông Tập sẽ giúp tìm ra con đường hướng tới hòa bình ở Ukraine. Ngay cả khi phương Tây và hầu hết các quốc gia đang phát triển có quan điểm khác nhau, điểm chung cần được tìm thấy trong lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, khôi phục chủ quyền của Ukraine và tôn trọng an ninh chính đáng của Nga."

'Không ai thắng ở Donbas'

China Daily ngày 22/4 nói 'sẽ không có ai thắng ở Donbas'.

Bài này phân tích: "Trong trận chiến Donbas, mục tiêu của quân đội Nga là bao vây và tiêu diệt chủ lực phía đông của quân đội Ukraine, loại bỏ lực lượng của Ukraine, đồng thời tạo cơ sở cho Nga xây dựng một hàng rào an ninh, nhằm giành được nhiều lợi thế hơn. Mục tiêu của Ukraine là chịu được đòn tấn công chớp nhoáng của quân đội Nga, kéo nước này vào vũng lầy chiến tranh, cuối cùng đánh bại Nga và chiếm lại lãnh thổ Donbas đã bị chiếm đóng, thậm chí buộc Nga phải trả lại Luhansk, Donetsk và Crimea cho Ukraine.

"Vì bản chất của cuộc xung đột Nga-Ukraine là cuộc chơi giữa Mỹ và Nga, nên sự can thiệp của Mỹ và NATO cũng sẽ có tác động quan trọng. Trận chiến ở Donbas chắc chắn sẽ rất tàn khốc, với cả Nga và Ukraine đều phải trả giá đắt về thương vong. Đó sẽ là một cuộc chiến tốn kém không có người chiến thắng."