Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine ( Cập nhật liên tục )

Chủ Nhật, 06 Tháng Ba 20222:58 CH(Xem: 5640)
Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine ( Cập nhật liên tục )

ĐỌC NHANH 7-3: Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine


ĐỌC NHANH 7-3: Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine - Ảnh 1.

Xe tăng mang ký hiệu Z của Nga ở khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS

* Nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine nói trên đài Fox News rằng Kiev sẽ không nhượng bộ vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong đàm phán với Nga, nhưng sẵn sàng thảo luận "mô hình phi NATO" cho tương lai của nước này tại một diễn đàn lớn hơn, với sự đảm bảo của các nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp.

Nga và Ukraine dự kiến sẽ bước vào vòng đàm phán thứ 3 vào ngày 7-3, giờ địa phương. Phái đoàn của Ukraine và Nga đã có hai vòng đàm phán kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước láng giềng vào ngày 24-2.

* Nga nói rằng bất cứ quốc gia láng giềng nào của Ukraine, bao gồm Romania - thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiếp nhận máy bay quân sự của Kiev có thể dẫn đến việc nước đó tham gia vào cuộc xung đột vũ trang.

"Chúng tôi biết chắc chắn rằng các máy bay chiến đấu của Ukraine đã bay đến Romania và các nước láng giềng khác. Việc mạng lưới sân bay của các quốc gia này được sử dụng để làm căn cứ cho hàng không quân sự Ukraine sử dụng vũ lực chống lại quân đội Nga có thể được coi là sự tham gia của các quốc gia này vào một cuộc xung đột vũ trang", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.

ĐỌC NHANH 7-3: Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine - Ảnh 2.

Một tòa nhà ở Kharkov, Ukraine, bị tấn công ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS

* Chính quyền Kharkov nói Nga đã hạ các đài phát thanh và truyền hình tại thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Theo đó, khu vực tòa nhà chứa thiết bị kỹ thuật của nhà đài đã bị phá hủy và mức độ thiệt hại của các tháp truyền hình đang được đánh giá. Vào ngày 1-3, Nga cũng tấn công tháp truyền hình ở thủ đô Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho phía Ukraine khiến hanh lang nhân đạo sơ tán dân thường ở thành phố Mariupol không thể thông suốt sau 2 ngày nhất trí ngừng bắn giữa 2 bên. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine ngăn dân thường rời khỏi thành phố này và lợi dụng sự ngừng bắn để củng cố lực lượng. Trong khi đó, phía chính quyền Mariupol nói Nga vi phạm ngừng bắn.

* Mạng xã hội TikTok thông báo sẽ ngừng dịch vụ phát trực tuyến và hạn chế clip đăng từ Nga do các biện pháp chống "tin giả" của Matxcơva. Nga đã áp luật phạt tù đến 15 năm với người tung "tin giả" về tình hình Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 6-3. Điện Elysée nói ông Macron đã bày tỏ lo ngại về khả năng Nga tấn công thành phố quan trọng của Ukraine là Odessa. Ông Putin cho biết Nga quyết tâm đạt được mục tiêu là "trung lập hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.

* Bộ tài chính Nga thông báo việc thanh toán trái phiếu chính phủ sẽ tùy thuộc vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo đó, Matxcơva cam kết sẽ thanh toán nợ đầy đủ và đúng hạn nhưng các khoản thanh toán có thể bị ảnh hưởng do trừng phạt. Theo Hãng tin Reuters, phương Tây hiện đã đóng băng phần lớn nguồn quỹ 640 tỉ USD của Nga.

ĐỌC NHANH 7-3: Nga cảnh báo các nước giúp nhận máy bay cho Ukraine - Ảnh 3.

Các em bé Ukraine ở khu lều dã chiến cho người tị nạn tại khu vực biên giới Romania ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS

* Điện Kremlin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nói chuyện với Thủ tướng Israel Naftali Bennett qua điện thoại để trao đổi về "những cuộc tiếp xúc gần đây với các lãnh đạo thế giới" của ông Bennett. Nhà lãnh đạo Israel đã có cuộc gặp trực tiếp ông Putin ngày 5-3 và sau đó bay đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Trước đó, ông Bennett cho biết Israel sẽ nỗ lực làm trung gian trong vấn đề Nga - Ukraine. Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cũng dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Latvia ngày 7-3.

* Ngày 6-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định. Ông Blinken đang có mặt tại châu Âu để phối hợp với các đồng minh phản ứng với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.

Giá dầu thế giới đã tăng kỷ lục sau các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh. Giá xăng tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ xăng nhiều nhất thế giới, tăng lên mức 4 USD/gallon cao nhất kể từ năm 2008.

Kế hoạch 6 điểm của Thủ tướng Anh Boris Johnson

Image caption: Thủ tướng Anh Boris Johnson

Thủ tướng Anh đã đề ra một kế hoạch gồm 6 điểm bao gồm việc củng cố năng lực quốc phòng của các quốc gia trong Nato.

Ông Boris Johnson cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực để khiến Nga thất bại trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Trang New York Times đăng tải ý kiến của ông Boris Johnson rằng "không phải là các sử gia tương lai mà chính người dân Ukraine sẽ phán xét chúng ta".

Bản kế hoạch 6 điểm của ông Boris Johnson bao gồm:

- Các nhà lãnh đạo thế giới nên "huy động một liên minh nhân đạo quốc tế" cho Ukraine

- Các nhà lãnh đạo thế giới nên hậu thuẫn Ukraine trong các nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ"

- Tăng cường gây áp lực lên nền kinh tế Nga

- Cộng đồng quốc tế nên chống lại việc Nga "dần bình thường hóa" hành động tại Ukraine

- Theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhưng chỉ với sự tham gia toàn diện của chính phủ hợp pháp của Ukraine

- Cần có "một chiến dịch nhanh chóng để củng cố an ninh và sức mạnh" của các quốc gia trong Nato

Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ truyền đi thông điệp này trong các cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Downing Street vào ngày thứ Hai 07/03.

Vào ngày thứ Ba 08/03, ông Boris Johnson cũng sẽ chủ trì một cuộc họp với các quốc gia Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cảnh báo ông Putin đừng nên "thử thách" Anh Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, ông Wallace nói: "Lịch sử vương vãi những kẻ độc tài đánh giá thấp phương Tây và Anh Quốc. Ông ta [Putin] rõ ràng đã đánh giá thấp cộng đồng quốc tế".

"Nếu chúng ta cùng đoàn kết và can trường thì tôi tin ông ta sẽ thất bại", ông Wallace nói thêm


Tại sao Ukraine không tấn công đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga?

Image caption: Đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga

Đoàn xe quân sự hùng hậu dài đến 64 km của Nga tiến về Kyiv những ngày gần đây không đạt bước tiến nào đáng kể.

Nhiều nguyên nhân được đem ra mổ xẻ, như lốp xe có vấn đề, lương thực không đảm bảo, cùng nhuệ khí của binh sĩ Nga suy yếu.

Bộ Quốc phòng Mỹ thì cho rằng Nga đang bố trí lại lực lượng và đang giải quyết những vấn đề hậu cần quan trọng.

Nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao không quân Ukraine không tấn công vào đoàn xe này, vốn có vẻ đang ở thế bị động.

Hiện Ukraine sở hữu những drone chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỹ hoàn toàn có sức công phá đoàn xe quân sự này.

Nhưng Tướng Sir Richard Barrons, cựu Tổng tư lệnh Lực lượng phối hợp tác chiến của Anh Quốc cho rằng Ukraine không đủ sức để tiêu diệt một đoàn xe quy mô như thế này từ Nga.

Tướng Barrons nói lực lượng phòng không Nga hoàn toàn có khả năng bắn hạ drone hay máy bay chiến đấu cho nên Ukraine sẽ chịu tổn thất lớn.

Theo một vài phân tích thì Ukraine có thể đang cạn kiệt drone và lực lượng không quân thì không đủ mạnh, chênh lệch lớn so với Nga, có thể bị lực lượng phòng không Nga dễ dàng áp đảo.

Ben Barry, chuyên gia từ International Institute for Strategic Studies (IISS) nhận định Ukraine có lẽ đang bảo trì lực lượng cho các cuộc phản công khi Nga tiến gần hơn đến thủ đô Kyiv.


Thủ tướng Israel bí mật đến Nga gặp ông Putin và công du Đức để làm gì?


Thủ tướng Israel bí mật đến Nga gặp ông Putin và công du Đức để làm gì? - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Bennett trong một lần gặp Tổng thống Putin - Ảnh: AFP

Một quan chức Israel xác nhận với báo Axios (Mỹ) rằng Thủ tướng Naftali Bennett đã bí mật bay đến Matxcơva vào ngày 5-3 để thảo luận khả năng ngừng bắn ở Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Bennett là một tín đồ Do Thái giáo thuần, nên việc ông âm thầm công du Nga trong ngày Shabbat (ngày nghỉ trong tuần của người theo đạo Do Thái) là điều hiếm thấy.

Theo Axios, cơ quan kiểm duyệt quân sự Israel đã ban lệnh cấm đưa tin về chuyến đi nhưng Điện Kremlin đã công bố bằng một thông cáo chính thức.

"Ngày 5-3, theo thỏa thuận hai bên, đã diễn ra chuyến công du ngắn đến Matxcơva của Thủ tướng nhà nước Israel Naftali Bennett" - Hãng tin RIA Novosti dẫn lại thông cáo.

Sau động thái đó, Văn phòng Thủ tướng Israel mới lên tiếng xác nhận chuyến đi của ông Bennett. Họ cho biết ông Bennett và ông Putin đồng ý gặp nhau trực tiếp trong cuộc điện đàm diễn ra hôm 2-3.

Báo Axios nhận xét: Đây là động thái bất thường của Thủ tướng Bennett. Những ngày gần đây ông luôn giữ liên lạc với ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Bennett thông báo cho ông Zelensky qua điện thoại sau cuộc gặp (với ông Putin) ngày 5-3.

Một quan chức cao cấp Israel cho biết cuộc hội đàm Bennett - Putin kéo dài 3 giờ, trong đó nhà lãnh đạo Israel yêu cầu ông Putin tạo hành lang nhân đạo để người Ukraine gốc Do Thái rời đất nước; họ cũng thảo luận hiệu ứng của cuộc chiến với cộng đồng người Do Thái ở Nga.

Ngoài ra, Thủ tướng Bennett còn đề cập đến đàm phán hạt nhân với Iran ở Vienna, nhấn mạnh quan điểm của Israel phản đối việc hồi sinh thỏa thuận năm 2015.

Cũng theo nguồn tin của Axios, Văn phòng Thủ tướng Israel đã thông báo trước cho Nhà Trắng về chuyến đi của ông Bennett. Cụ thể ngày 4-3, Thủ tướng Bennett liên lạc qua điện thoại với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cho biết sẽ gặp ông Putin trong hôm sau.

Nguồn tin nói ông Bennett chỉ thông báo cho ông Sullivan và ông này không tỏ ý phản đối, tuy nhiên phía chính quyền Tổng thống Biden vẫn có chút hồ nghi về tương tác giữa ông Bennett và ông Putin.

Phía Israel cũng cho biết đã thông báo cho Ukraine, Đức và Pháp trước cuộc gặp. Ngay trong ngày 5-3, Thủ tướng Bennett bay từ Matxcơva đi Berlin để cập nhật tình hình cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Kể từ khi quân Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine, ông Bennett đã nói chuyện hai lần với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin. Israel nói nỗ lực này được thực hiện theo yêu cầu của tổng thống Ukraine.

Cách đây vài ngày, ông Bennett công khai nói rằng Israel có một vị thế đặc biệt cho phép dễ dàng nói chuyện với cả hai phía.


Ukraine nói chặn Nga tiến công vào thành phố lớn thứ ba

Quân đội Ukraine nói đã chặn đà tiến công của lực lượng Nga vào Dnipropetrovsk, thành phố lớn thứ ba đất nước, và đang dồn lực bảo vệ Mariupol, Chernihiv.

Quân đội Ukraine vừa công bố báo cáo tác chiến tính đến 6h sáng (11h giờ Hà Nội), nói rằng lực lượng của họ đã "trải qua những trận chiến ác liệt để giữ vững một số khu vực". Chiến dịch phòng thủ khu vực Donetsk ở phía đông và Mariupol ở đông nam đất nước đang được tiến hành.

Theo báo cáo, cuộc tiến công của các lực lượng Nga vào thành phố lớn thứ ba Ukraine là Dnipropetrovsk, phía nam Kiev, đã bị chặn lại. Lực lượng Ukraine đang dồn lực bảo vệ thành phố Chernihiv, miền nam đất nước.

Báo cáo của Ukraine cũng nói rằng phía Nga chịu "tổn thất nặng nề về vũ khí, thiết bị và nhân lực" cùng 88 máy bay, trực thăng. Phía Nga chưa bình luận về thông tin này.

Cư dân địa phương giúp dọn dẹp đống đổ nát của một ngôi nhà đã bị phá hủy do giao tranh ở làng Markhalivka, phía nam Kiev, Ukraine hôm 5/3. Ảnh: Los Angeles Times.

Cư dân địa phương giúp dọn dẹp đống đổ nát của một ngôi nhà bị phá hủy do giao tranh ở làng Markhalivka, phía nam Kiev, Ukraine hôm 5/3. Ảnh: Los Angeles Times.

Trong khi đó, cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cáo buộc Nga tấn công tên lửa vào khu dân cư ở thành phố Ovruch, tỉnh Zhytomyr, cách Kiev khoảng 140 km về phía tây bắc, khiến khoảng 15 ngôi nhà bị phá hủy.

Một cuộc tấn công khác ở Korosten, thị trấn phía nam Ovruch, khiến một người thiệt mạng và hai người bị thương. 10 ngôi nhà được cho là đã bị phá hủy và một tòa nhà bị thiêu rụi. 5 đứa trẻ được giải cứu khỏi tầng hầm.

Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 5/3 cho biết theo các cuộc thảo luận với Ba Lan, Mỹ đang xác định "những khả năng mà chúng tôi có thể cung cấp để bù đắp cho Ba Lan nếu nước này quyết định chuyển máy bay cho Ukraine", song không nêu chi tiết những phương án bù đắp nào đang được xem xét.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine là "quyết định mang tính chủ quyền đối với bất kỳ quốc gia nào" và lưu ý có rất nhiều công việc hậu cần phải thực hiện, bao gồm cả cách máy bay được chuyển từ Ba Lan đến Ukraine.

Hai nghị sĩ tham gia cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 5/3 cho biết lãnh đạo Ukraine nói rằng Ba Lan đã báo hiệu chuẩn bị gửi tiêm kích MiG nhưng "đang chờ Mỹ đồng ý".

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan tại Căn cứ Không quân số 22 ở Malbork, phía bắc Ba Lan tháng 8/2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan tại Căn cứ Không quân số 22 ở Malbork, phía bắc Ba Lan tháng 8/2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Ba Lan đang vận hành 28 tiêm kích MiG-29, nhiều nhất trong khối NATO, gồm 23 chiến đấu cơ một chỗ ngồi và biến thể huấn luyện MiG-29UB hai chỗ ngồi. Đây là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982.

Tiêm kích MiG-29 có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km và tầm bay 1.430 km. Dòng MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cũng như nhiều loại bom và rocket.

Các máy bay MiG-29 Ba Lan đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để bảo đảm khả năng hoạt động đến năm 2025, trong khi vai trò tác chiến chủ lực hiện được giao cho phi đội 48 tiêm kích F-16 Block 52+ và tương lai là 32 chiếc F-35A.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev hôm 4/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev hôm 4/3. Ảnh: AFP.

Trong cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn một giờ với các nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Ukraine kêu gọi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Nga, bao gồm cả về năng lượng, và hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho các lực lượng Ukraine. Ông cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng thông điệp chung là Kiev cần được giúp đỡ nhiều hơn.

Nhà Trắng sau đó xác nhận Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với ông Zelensky trong khoảng 30 phút. Zelensky xác nhận về cuộc gọi, cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Biden về "các vấn đề hỗ trợ an ninh, tài chính cho Ukraine và tiếp tục các lệnh trừng phạt chống lại Nga".

Tổng thống Ukraine thông báo với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng lực lượng Nga đang kiểm soát hai nhà máy điện hạt nhân là Zaporizhzhya ở phía đông nam thành phố Enerhodar và Chernobyl ở miền bắc nước này.

Zaporizhzhya là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, bị lực lượng Nga kiểm soát từ ngày 4/3. Nhà máy Chernobyl hiện không hoạt động nhưng vẫn được Ukraine biên chế và bảo trì.

Tổng thống Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tiến về nhà máy điện hạt nhân thứ ba là Yuzhnoukrainsk ở tỉnh Mykolaiv, miền nam Ukraine. Theo Zelensky, đây là một trong số những thành phố mà Nga đang tìm cách bao vây.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine đã gây ra vụ hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya vào rạng sáng 4/3, nhưng ngọn lửa được dập tắt sau đó. Cơ quan quản lý năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết các hệ thống an toàn kỹ thuật không bị tổn hại và nồng độ bức xạ vẫn bình thường tại nhà máy Zaporizhzhya. Hai trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy đang hoạt động.

Nếu không tính Chernobyl, Ukraine có 4 nhà máy hạt nhân đang hoạt động với tổng cộng 15 lò phản ứng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 5/3 cho biết binh sĩ Nga đang áp sát nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine, song không nêu tên nhà máy.

Theo Energoatom, cơ quan giám sát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, Yuzhnoukrainsk là cơ sở hạt nhân lớn thứ hai nước này về công suất phát điện.

"Tổng thống Nga phải ngăn chặn thảm họa nhân đạo này bằng cách chấm dứt cuộc chiến và ngừng các cuộc tấn công", đại sứ Mỹ nói thêm. "Cộng đồng quốc tế phải nhất trí yêu cầu các lực lượng Nga dừng tấn công".

Vị trí các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine cùng số lò phản ứng (chấm tròn đỏ) tại mỗi nhà máy. Đồ họa: Business Insider.

Ukraine cho biết lập vùng cấm bay là một trong những yêu cầu quan trọng mà họ đưa ra với các đồng minh phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Những người ủng hộ ý tưởng tin rằng vùng cấm bay sẽ cắt đứt hoạt động đường không của Nga, ngăn đà tiến công của quân đội Nga về phía Kiev.

Tuy nhiên, quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện quan điểm rõ ràng và nhất quán sẽ không cân nhắc phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại những hệ quả nguy hiểm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đồng ý rằng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine "có thể kích động chiến tranh toàn diện ở châu Âu".

Trong phát biểu hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố bất kỳ nước nào áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine "sẽ bị coi là tham gia xung đột vũ trang" với Moskva.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 và chiến sự đã bước sang ngày thứ 11. Lực lượng Nga kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.

Chính phủ Ukraine được cho là đã đề nghị tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga, sau khi hai vòng đàm phán đầu tiên không đạt kết quả về một lệnh ngừng bắn. Quan chức Nga cho biết cuộc đàm phán tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 7/3
rfi.fr

Uraina : Dân Kherson biểu tình chống lực lượng chiếm đóng Nga

Trọng Thành

Tại Kherson, thành phố lớn miền nam, hôm qua, 05/03/2022, người dân biểu tình đông đảo chống lực lượng chiếm đóng Nga.  Thành phố Kherson, 290 nghìn dân, rơi vào tay quân Nga hôm 03/03, nhưng đông đảo người dân Kherson không chấp nhận. Tình hình cũng tương tự tại nhiều địa điểm khác ở Ukraina. 

Thông tín viên Stéphan Siohan tại Kiev cho biết: 

« Hàng trăm người tập hợp tại trung tâm thành phố Kherson, thủ phủ lớn đầu tiên của Ukraina rơi vào tay quân đội Nga. Những người biểu tình đối diện với binh sĩ Nga, hô vang khẩu hiệu : Kherson là của Ukraina ! Quân đội Nga hãy trở về nước ! Nhiều người biểu tình gọi lính Nga là quân phát xít.  

Những người biểu tình giương cao hàng chục lá quốc kỳ Ukraina hai màu, vàng và xanh da trời. Nhiều người quấn quốc kỳ Ukraina quanh người, trong lúc binh lính Nga nổ súng lên trời để giải tán đám đông. Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các nơi khác. Ở miền nam đất nước, thứ Bảy này, nhiều người dân tại Melitopol, sát bờ biển Azov, cũng bắt đầu phản đối quân chiếm đóng Nga.  

 Trên khắp cả nước, người ta ghi nhận nhiều trường hợp cư dân địa phương, thường là những người nói tiếng Nga, phản đối quân chiếm đóng. Tại các địa phương như vậy, Nga đang cố gắng thiết lập một bộ máy quản lý hành chính và quân sự. Tuy nhiên xét về trung hạn, Nga có nguy cơ gặp nhiều khó khăn lớn trong việc kiểm soát các thành phố, khi một bộ phận dân cư có thái độ thù địch ».  

Theo một số nhà quan sát, tổng thống Nga hứa hẹn « chiến dịch đặc biệt » tại Ukraina sẽ chỉ kéo dài ít ngày, và nhất là dân chúng Ukraina được báo trước sẽ đón chào quân đội Nga, như « những người giải phóng ». Sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng như trên có thể tác động đến tinh thần của binh sĩ Nga.  


Nga xâm lăng Ukraina : Đảo chánh Putin để ngăn bóng ma nguyên tử ?

Thụy My

Nguy cơ tận thế nguyên tử chưa bao giờ cao như thế, kể từ sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các tướng lãnh Nga cần hiểu họ có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh. Những tay chân phục tùng dưới trướng để tha hồ vơ vét, chứ không phải để ra trước tòa án La Haye. Phương Tây có thể âm thầm bảo đảm nếu họ lật đổ Putin, nước Nga sẽ có khởi đầu mới. Sa hoàng đỏ có thể lặng lẽ rút vào bóng tối.

Tất cả tuần báo Pháp ra số đặc biệt chuyên đề Ukraina

Tất cả các tuần báo uy tín kỳ này đều ra số đặc biệt dành gần như trọn số trang cho bài vở về sự kiện Nga xâm lược Ukraina. Trên mặt tiền các ki-ốt sách báo Paris nổi bật khuôn mặt trầm tư của tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky. Ông xuất hiện trên trang bìa L’Express trong màu áo trận, nón sắt rằn ri đội đầu, và dòng tựa « Ai sẽ chận được Putin ? ». Cũng trong chiếc áo khoác « treilli », tay đặt lên ngực, mắt nhìn thẳng âu lo nhưng cương quyết, chân dung vị tổng thống trẻ nổi bật trên trang nhất Le Point bên cạnh tít lớn « Volodymyr Zelensky, anh hùng của tự do ». Đáng chú ý là tuần báo phá lệ, xuất bản ngay từ thứ Hai thay vì giữa tuần.

L’Obs chọn ảnh bìa là một phụ nữ bật khóc trước tòa nhà đổ nát, trước « Sự rung chuyển của thế giới ». Trang nhất The Economist đơn giản là hai mảng màu xanh và vàng - màu cờ của Ukraina - với những giòng máu đỏ đang nhỏ xuống ở giữa, nhấn mạnh « Sự kinh hoàng phía trước ». Paris Match đăng ảnh một bé trai Ukraina trong cảnh đổ nát, chạy tựa « Ukraina, tử đạo và anh hùng ». Chỉ có Courrier International dành trang nhất cho Putin, nhưng tượng trưng bằng một khuôn mặt đỏ rực hình cây nấm, theo sau là một vầng lửa nguyên tử, với dòng tít lớn « Không thể tưởng tượng ».

Vladimir Putin, kẻ thù số 1 của hòa bình thế giới

L’Express ghi nhận chỉ trong một ngày cuối tuần, Liên Hiệp Châu Âu (EU) bỗng thay đổi hẳn, lần lượt phá vỡ những cấm kỵ xưa nay. Châu Âu gởi vũ khí cho Ukraina với danh nghĩa tập thể, kể cả chiến đấu cơ ; đóng băng tài sản của Vladimir Putin và Serguei Lavrov, loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, giới hạn hoạt động ngân hàng trung ương Nga. Đặc biệt Đức dám xếp xó dự án Nord Stream 2, viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraina, tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Trước đây những lúc EU biết đoàn kết chủ yếu để bảo vệ thị trường chung, lần này EU bắt đầu chuyển đổi cả về địa chính trị lẫn quân sự.

Theo L’Obs, khi điều các chiến xa đến Ukraina, Vladimir Putin không chỉ muốn xâm lăng một quốc gia có chủ quyền, mà còn là tấn công vào nền dân chủ phôi thai ở Kiev - với cuộc Cách mạng màu cam năm 2004 và Cách mạng Maidan 2014 - vì lo sợ sẽ lây lan sang Nga. Ông ta đã lộ mặt, công khai chứng tỏ với những người - ngây thơ hay đồng lõa - trong một thời gian quá dài từ chối công nhận sự thật : tổng thống Nga nay rõ ràng là kẻ thù số một của hòa bình thế giới.

Le Point trong bài « Những con chó ngoan của Putin » đả kích không chỉ một « Putin siêu quậy mặt bơm botox » đã đe dọa phương Tây bằng vũ khí nguyên tử. Đó còn là sai lầm chiến thuật khủng khiếp của Joe Biden, khi tuyên bố rằng lính Mỹ sẽ không hy sinh vì Ukraina trong bất cứ trường hợp nào. Đó là châu Âu nhu nhược, đã cố thương lượng cho đến giới hạn của sức chịu đựng. Bên cạnh đó là những người vận động hành lang ra sức bênh vực Putin, kể cả một số tên tuổi lớn.

Tờ báo đặt câu hỏi, vì sao kinh tế Nga đứng thứ 12 thế giới (sau Ý và Hàn Quốc), nhưng nếu tính theo GDP trên đầu người, thì đứng tận thứ 65 ? Tại sao ở đất nước rộng lớn nhất hành tinh, phong phú tài nguyên dầu khí, dự trữ ngoại hối khổng lồ, mà người dân lại nghèo đến vậy ? Bởi vì dưới sự trị vì của Vladimir Putin, được coi là một trong những người giàu nhất thế giới, nguồn lực đã bị ông ta và đồng bọn mafia thâu tóm. Những chú cún ngoan ngoãn của Putin cần nhớ rằng nghĩa vụ làm người là luôn phải đứng về phía các nạn nhân. Với một tội phạm chiến tranh như Putin ở ngay ngưỡng cửa, sẽ là thảm họa nếu châu Âu không nhanh chóng tự chủ về quốc phòng.

« Niet, thưa ông Putin »

Tương tự, trong bài « Thời kỳ man rợ đã quay lại », nhà bình luận Luc De Barochez lưu ý, từ khi hỏa tiễn Nga ập xuống các thành phố Ukraina, các nước dân chủ không còn có thể sống vô tư lự như trước. Vài ngày bom đạn rền vang đủ để hiểu rằng vận mệnh châu Âu liên đới với một Ukraina đang tử chiến. Trong thế giới của Putin, sức mạnh chính là bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó quân đội Pháp không thích ứng với chiến đấu cường độ cao, quân đội Đức bất lực. Từ sau chiến tranh lạnh, chi tiêu quốc phòng giảm 8% tại châu Âu, riêng Đức giảm đến 21%, còn Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ không ngừng tăng lên.

Cuộc tấn công vào Kiev năm 2022 nối dài sự kiện quân Hiệp ước Vacxava đè bẹp Mùa xuân Praha năm 1968, và Hồng quân dẹp tan cách mạng Hungary năm 1956. Với sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc, sự thụ động của Ấn Độ, Putin biến nước Nga kiêu hãnh thành kẻ bị cả thế giới xa lánh, thành Nhà nước côn đồ nguyên tử, thành mối đe dọa cho dân chủ tự do. Nhân danh Châu Âu dân chủ, Ukraina anh hùng đã trả giá bằng máu.

Cũng nhắc lại sự kiện đưa xe tăng sang bóp nghẹt Mùa xuân Praha, bài xã luận « Niet, thưa ông Putin » của L’Express nhắc nhở, Gorbatchev sau đó nhìn nhận Liên Xô đã tự bóp nghẹt chính mình. Tờ báo viết : « Niet, thưa ông Putin », châu Âu không suy tàn. Tháng 2/2021, ông ngoại trưởng Lavrov của ông đã lăng nhục người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu khi Josep Borrell thăm Matxcơva. Một năm sau, cũng ông Borrell ấy thông báo gởi 450 triệu euro vũ khí cho Ukraina.

« Niet, thưa ông Putin », Ukraina không phải là Nga. Phủ nhận lịch sử của một dân tộc, ông là nguyên nhân khiến họ càng củng cố bản sắc quốc gia, và nếu chiếm đóng Ukraina, ông sẽ sa vào vũng lầy. Từ Việt Nam đến Afghanistan, hiếm khi các nước lớn thắng cuộc trong chiến tranh bất đối xứng. « Niet, thưa ông Putin », ông không làm chúng tôi sợ hãi. Chỉ trong tháng Hai, ông đã đưa vũ khí nguyên tử ra hù dọa ba lần rồi. « Vâng, thưa ông Putin » sĩ quan KGB, sắp đến tuổi 70, ông là người thuộc về quá khứ. Ngày nay, ở Kiev hay Kharkov, người dân nói « niet » với ông bằng tiếng Nga, « ni » bằng tiếng Ukraina.

Volodymyr Zelensky, thời thế tạo anh hùng

Trong lá thư gởi độc giả, Le Point giải thích vì sao chọn tổng thống Ukraina làm chủ đề trung tâm. Nhà văn người Ukraina, Vassili Grossman đã mô tả một nhân vật trong truyện khi đến Stalingrad năm 1942, có cảm tưởng như « Lịch sử đã rời khỏi những trang sách để hòa lẫn vào đời sống thực ». Trong những ngày này, Lịch sử mang khuôn mặt Volodymyr Zelensky. Dù sắp tới như thế nào đi nữa, ông đã là một anh hùng, đại diện cho tinh thần kháng chiến của cả một dân tộc. Một chiến binh tranh đấu cho đất nước mình, nhưng còn cho dân chủ và tự do châu Âu.

L’Obs cũng coi Volodymyr Zelensky là « Anh hùng trong thảm kịch Ukraina ». Từ khi Nga xâm lược, sự can đảm đã có một khuôn mặt biểu tượng. Đó là một người đàn ông nhỏ nhắn có ánh mắt trong sáng, giọng nói khản đặc vì những đêm thức trắng, đã quyết định đương đầu với quân đội đứng thứ nhì thế giới. Mỗi một đêm Kiev chống chọi được với quân Nga là thêm một thành tích. Mặc chiếc áo thun đơn giản màu kaki, Zelensky có mặt khắp nơi, tả xung hữu đột không mệt mỏi.

Từ đầu cuộc xâm lăng, truyền thông Nga lan tràn tin giả là tổng thống Ukraina đã chạy trốn. Để trả lời, Volodymyr Zelensky hôm 25/02 đăng một video lên mạng xã hội, trong đó ông đứng tại con đường Bankova ở trung tâm Kiev cùng với ê-kíp của mình, nhấn mạnh tổng thống, thủ tướng đều có mặt cùng với quân dân bảo vệ đất nước. Video này có trên 15 triệu lượt xem. Trước đó, ông luôn bình tĩnh dù Nga dùng 200.000 quân bao vây, tránh tạo cớ cho địch gây hấn.

« Vova », tên gọi tắt của Volodymyr, sinh năm 1978 trong một gia đình Do Thái, cha là giáo sư tiến sĩ về kỹ thuật, mẹ là kỹ sư. Chương trình truyền hình của ông thành công vang dội, người tiền nhiệm Petro Porochenko từng là khán giả trung thành của người nghệ sĩ trẻ, ngay cả Vladimir Putin cũng có lần cười nghiêng ngả. Tháng 4/2019, Zelensky trở thành tổng thống gốc Do Thái đầu tiên trong lịch sử Ukraina với tỉ lệ lên đến 73%. Giờ đây cả thế giới hồi hộp theo dõi số phận của « Vova », tổng tư lệnh của một đất nước đang bị ngoại bang hùng mạnh xâu xé. Ông từ chối lời đề nghị trợ giúp ra đi của Mỹ, dù biết mình là mục tiêu số 1 trong « kill list » của Putin.

Vương triều khép kín của Sa hoàng đỏ

Ngược lại, Vladimir Putin được mô tả là một người tách biệt với thế giới, nghi ngờ tất cả mọi người - theo nhà báo Petra Prochazkova của nhật báo Denik N. ở Praha, chuyên gia uy tín về Liên Xô cũ. Courrier International trích dịch bài viết của ông với nhận định « Kremlin, một vương triều cô lập với triều thần là các tướng lãnh ».

Trong thập niên đầu cầm quyền, nhiều nhà báo, chính khách, doanh nhân, nghệ sĩ vẫn tiếp xúc được với Putin. Nhưng nay chỉ những quan chức chấp nhận xét nghiệm và cách ly 14 ngày mới có thể gặp ông. Từ hai năm qua, Vladimir Putin sống khép kín trong « lồng son » ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva. Tổng thống Nga chỉ có một số rất ít người thân tín, mà báo chí Matxcơva gọi là « Bộ Chính trị của điện Kremlin ». Thủ tướng và các bộ trưởng chỉ có vai trò rất khiêm tốn.

Rất khó đoán định về Putin vì ông ta tránh tất cả mọi kênh truyền thông hiện đại, không sử dụng máy tính, không bao giờ đụng đến mạng xã hội. Điều này góp phần tách rời ông chủ điện Kremlin khỏi thực tế đời sống. Putin không thể đi xe điện ngầm một mình ở Matxcơva, không biết mua vé máy bay hay trả tiền hóa đơn điện. Ông cũng không thổ lộ gì với các cố vấn thân cận. Người ta chỉ biết Putin là một người vô cùng ích kỷ, thích ra những quyết định bất ngờ. Chừng như các tướng lãnh đã khẳng định với Putin là có thể gây chiến, Đại Nga đối mặt được với các trừng phạt. Nhưng L’Express đặt vấn đề, phải chăng « Lạm phát là kẻ thù quan trọng nhất của Putin ? ».

Triết gia Bernard Henri-Lévy so sánh trên L’Obs, một bên là Vladimir Putin kiêu ngạo, tay chơi xấu tính, bạo chúa Néron sẵn sàng nổi lửa đốt thành La Mã. Đối diện với ông ta là Volodymyr Zelensky, hiên ngang trước thử thách không khác Churchill trong thời kỳ Luân Đôn bị Đức quốc xã oanh tạc. Một chỉ huy trưởng, một nguyên thủ xứng tầm, mà Putin cứ ngỡ sẽ dễ dàng xơi tái. Zelensky là hình ảnh khác của một châu Âu thông minh, hài hước, từ chối bị lãng quên. Hai bên đang giao chiến trong trận đấu một mất một còn, giữa văn minh và man rợ.

Putin đã thua cuộc chiến Ukraina

Trên L’Express, nhà sử học Yuval Noah Harari giải thích « Vì sao Putin đã thua trong cuộc chiến ở Ukraina ». Chưa đầy một tuần sau khi khởi chiến, chừng như ông ta bắt đầu một thất bại lịch sử. Giấc mơ của Vladimir Putin xây dựng đế quốc Nga, luôn dựa trên một sự dối trá rằng Ukraina không thực sự là một quốc gia, người Ukraina không phải là một dân tộc, rằng dân chúng Kiev, Kharkov, Lviv…khao khát được sống dưới sự lãnh đạo của Matxcơva. Thật đáng xấu hổ, vì Ukraina là một đất nước có trên 1.000 năm lịch sử, Kiev đã là một đại đô thị khi Matxcơva thậm chí chưa phải là một ngôi làng. Nhưng nhà độc tài Nga lặp lại lời nói dối này nhiều đến nỗi rốt cuộc chính ông ta cũng tin.

Khi vạch ra kế hoạch xâm lăng, Vladimir Putin biết rằng về quân sự Nga là người khổng lồ so với Ukraina, NATO sẽ không gởi quân cứu giúp, sự lệ thuộc vào khí đốt Nga khiến phương Tây không dám trừng phạt mạnh. Putin muốn tấn công mạnh mẽ, thần tốc, dựng lên một chính phủ tay sai và sau đó mặc kệ cho trừng phạt. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng : đánh chiếm một nước dễ hơn là cai trị lâu dài nước đó.

Mỗi một ngày trôi qua, lại càng thấy rõ là ông ta sẽ chuốc lấy thất bại. Người dân Ukraina chống cự quyết liệt, khiến toàn thế giới ngưỡng mộ. Mỗi một xe tăng Nga bị phá hủy, một lính Nga bị tiêu diệt càng làm củng cố quyết tâm chiến đấu, và mỗi một người Ukraina thiệt mạng càng làm thù ghét quân xâm lược. Đối với một dân tộc bị áp bức, hận thù chồng chất trong tâm khảm nuôi dưỡng sự kháng cự qua nhiều thế hệ. Không phải cái tên Mikhail Gorbatchev sẽ được viết lên giấy khai tử của đế quốc Nga, mà là tên Vladimir Putin. Khi Gorbatchev ra đi, người Nga và Ukraina coi nhau như anh em, nay Putin biến hai dân tộc thành kẻ thù.

Mỗi một ngày trôi qua, lại thêm những câu chuyện mới sẽ được kể lại, không chỉ trong những ngày u ám hiện tại mà trong nhiều thập niên, nhiều thế hệ tới. Chuyện về một tổng thống từ chối lời đề nghị di tản của Mỹ « Chúng tôi không cần taxi mà chỉ cần đạn dược », chuyện những người dân cố chận xe tăng Nga…Những câu chuyện Ukraina làm tăng thêm can đảm cho các chính phủ Âu Mỹ. Nếu dân Ukraina dám chận thiết giáp Nga bằng tay không, thì Đức cũng dám giao cho họ vũ khí chống tăng, Mỹ dám loại Nga khỏi hệ thống SWIFT…

Bóng ma nguyên tử hiện về từ địa ngục

L’Obs nói về « Bóng ma chiến tranh nguyên tử ». Điều cấm kỵ tối hậu sau Hiroshima và Nagasaki, lại như quỷ sứ hiện ra từ địa ngục. Có thể nào ông chủ điện Kremlin không chỉ đem kho vũ khí 6.000 đầu đạn hạt nhân ra dọa, mà còn dám sử dụng ?

Vladimir Putin từ lâu đã chuẩn bị cho việc xưng hùng xưng bá. Hơn mười năm qua, ông ta đổ số tiền lớn vào việc hiện đại hóa quân đội, theo bộ trưởng Quốc Phòng Nga thì đã hoàn thành được 90%. Hôm trình làng hỏa tiễn siêu thanh, Putin đắc chí « Bây giờ phương Tây phải lắng nghe tôi ». Nga còn duy trì dọc theo các biên giới với phương Tây hàng ngàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử chiến thuật, có nghĩa là nhằm sử dụng trên chiến địa.

Nguy cơ tận thế nguyên tử chưa bao giờ cao như thế, kể từ sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ngày nay, xung đột hạt nhân có thể nổ ra theo nhiều cách, chẳng hạn báo động nhầm, hay NATO bắn nhầm một phi cơ Nga như vụ lực lượng thân Nga ở Donbass bắn rơi một máy bay dân sự năm 2014. Khả năng khác là Putin muốn làm một cú dứt điểm, hay dằn mặt Thụy Điển, Phần Lan trước khi hai nước này vào được NATO, hoặc trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ vì đã cấm tàu Nga vào Hắc Hải.

Tấn công vào các cơ sở hạt nhân Ukraina, Putin gây hoảng loạn

L’Express nói thêm, để gây hoảng sợ, Kremlin không chỉ đe dọa mà còn nhắm vào các địa điểm nguyên tử dân sự của Ukraina. Không phải là tình cờ khi hôm 24/02 Nga tấn công khu vực Tchernobyl, khiến hàng ngàn người châu Âu vội vã chạy đến nhà thuốc mua i-ốt, cách duy nhất để hạn chế tác động phóng xạ.

Hôm thứ Năm 03/03, vài giờ sau khi nói chuyện với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Vladimir Putin cho quân Nga đánh vào Zaporijjia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, gây hỏa hoạn khiến suốt đêm mọi người như ngồi trên đống lửa. Hiện vẫn chưa thể biết được đây là chiến lược địa chính trị của Putin hay là… bệnh lý tâm thần.

Theo nhà nghiên cứu Benjamin Hautecouverture, Vladimir Putin không thể một mình « nhấn nút đỏ », mà phải có sự phối hợp với bộ trưởng Quốc Phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội. Có điều bộ trưởng Serguei Shoigu nổi tiếng diều hâu và thân cận với tổng thống. Một điểm đáng chú ý nữa là chủ trương về nguyên tử của Nga đã được chỉnh sửa năm 2020, trong số lý do để dùng đến vũ khí hạt nhân là « sự tồn vong của Nhà nước đứng trước nguy hiểm ». Nhưng hiện chẳng ai đe dọa Nhà nước Nga, trừ phi Putin coi « Nhà nước chính là ông ta ».

Một cuộc đảo chánh cung đình ?

Cựu vô địch cờ vua Garry Kasparov khi trả lời phỏng vấn Paris Match nhận định, Vladimir Putin không hề nghĩ châu Âu đoàn kết chống lại ông ta, và đánh giá thấp quyết tâm của quân dân Ukraina, cứ ngỡ Zelensky sẽ sợ hãi chạy trốn. Putin định chiếm Kiev chớp nhoáng, ông ta không chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ.

Nhà đối lập khuyến cáo, cần trục xuất Nga ra khỏi các tổ chức quốc tế, triệu hồi các đại sứ, giảm trao đổi ngoại giao, biến Vladimir Putin thành kẻ bị khắp thế giới tẩy chay. Và nhất là khiến chế độ của ông ta phải phá sản. Loại khỏi SWIFT, trừng phạt các ngân hàng hay những tập đoàn như Gazprom…Putin hiện có rất nhiều tiền, nhưng chiến tranh rất tốn kém, không thể kéo dài với nhịp độ này. Bên cạnh đó là tịch biên tài sản của các tài phiệt thân Putin ở nước ngoài, hủy visa những bạn bè ông ta đang sống ở ngoại quốc - chỉ cần chọn vài ba người làm gương.

The Ecomist cũng cho rằng nếu Vladimir Putin gây ra biển máu, phương Tây có thể cấm vận dầu khí, viện trợ cho Ukraina nhiều vũ khí tối tân hơn. Về phía Nga, các tướng lãnh cần hiểu họ có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh – bằng chứng có đầy dẫy trong vô số điện thoại di động. Những tay chân phục tùng dưới trướng Putin để tha hồ vơ vét chứ không phải để ra trước tòa án La Haye.

Phương Tây có thể âm thầm bảo đảm nếu họ lật đổ Putin, nước Nga sẽ có khởi đầu mới. Sa hoàng đỏ có thể lặng lẽ rút vào bóng tối. Một cuộc đảo chánh trong hoàng cung sẽ tránh được thảm trạng kinh tế sụp đổ, lính Nga tử trận ngày càng nhiều, những người anh em Ukraina bị thảm sát vì tham vọng của một cá nhân duy nhất. Trong cuộc chiến phi nghĩa do Putin gây ra, cả ông ta lẫn nước Nga đều không thể chiến thắng.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 07 Tháng Ba 20224:06 CH
Khách
Hãy hỏi ý kiến của toàn dân bằng cuộc trưng cầu dân ý : Nếu Việt Nam bị Trung cộng tấn công thì hảy trục xuất tất cả người gốc Hoa ở VN về Tàu.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn