NATO bác 'lằn ranh đỏ' của Nga

Thứ Năm, 27 Tháng Giêng 20222:26 SA(Xem: 2493)
NATO bác 'lằn ranh đỏ' của Nga

NATO từ chối yêu cầu của Moskva là ngừng mở rộng liên minh sang các quốc gia từng thuộc Liên Xô, thay vào đó yêu cầu Nga rút quân.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 26/1 nói NATO sẽ không thỏa hiệp với Nga về khả năng kết nạp Ukraine, Gruzia và các nước khác từng thuộc Liên Xô do điều này mâu thuẫn với nguyên tắc cốt lõi của liên minh.

Stoltenberg cho biết tất cả 30 thành viên NATO đồng ý với phản hồi của liên minh trước yêu cầu của Nga. Đại sứ Mỹ tại Nga chuyển thông điệp của NATO và Washington tới Moskva cùng ngày. Mỹ yêu cầu Nga giữ kín nội dung phản hồi của nước này.

Nga hồi tháng 12/2021 gửi đề xuất an ninh 8 điểm với các "lằn ranh đỏ" cho Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO không kết nạp thêm bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia, đồng thời không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 18/1. Ảnh: AP.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 18/1. Ảnh: AP.

Tổng thư ký NATO công bố ba vấn đề cơ bản trong phản hồi của liên minh, đầu tiên là thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa NATO và Moskva. Stoltenberg đổ lỗi cho Nga cắt đứt quan hệ này.

Tiếp theo, NATO "sẵn sàng tham gia đối thoại và lắng nghe các mối quan ngại của Nga", đồng thời tôn trọng quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh của mỗi quốc gia. Stoltenberg kêu gọi Nga "nên kiềm chế hành động gây hấn nhằm vào các đồng minh NATO" và "rút khỏi lãnh thổ của Ukraine, Gruzia và Moldova".

Nga năm 2014 sáp nhập Crimea và đóng quân tại bán đảo sau chính biến Maidan tại Kiev. Nga công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai của Gruzia sau cuộc chiến năm 2008, đồng thời điều lính gìn giữ hòa bình tới vùng Transnistria mà Moldova tuyên bố chủ quyền từ năm 1991.

Vấn đề cuối cùng được Stoltenberg đề cập là các thỏa thuận giảm thiểu rủi ro và minh bạch về các cuộc diễn tập, cũng như các đề xuất kiểm soát vũ khí mà ông cho rằng từng rất hiệu quả. Tuy nhiên, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo (ABM), hiệp ước Bầu trời Mở và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sau khi tuyên bố rằng Nga vi phạm. Nga bác bỏ điều này.

"Giải pháp chính trị vẫn khả thi, song tất nhiên Nga phải tham gia một cách thiện chí", Stoltenberg nói và cáo buộc Nga gây hấn với Ukraine từ năm 2014.

"NATO là một liên minh phòng thủ và chúng tôi không tìm kiếm đối đầu, song không thể và sẽ không thỏa hiệp trên các nguyên tắc, trong đó có quyền tham gia của mọi quốc gia. Quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào quốc gia nộp đơn và các thành viên NATO", Stoltenberg cho biết.

Nga bài binh bố trận quanh Ukraine. Bấm để xem chi tiết.

Nga bài binh bố trận quanh Ukraine. Bấm để xem chi tiết.

Khi được hỏi về các động thái miễn cưỡng của một số thành viên NATO trong những tuần qua, Stoltenberg khẳng định "mọi đồng minh đều lên cùng một con tàu".

Trước đó, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic khẳng định sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi lực lượng NATO nếu nổ ra chiến sự ở Ukraine. Đức được cho là từ chối cho phép Anh sử dụng không phận để chuyển vũ khí tới Ukraine.

Stoltenberg nhấn mạnh NATO "có sẵn các kết hoạch mà liên minh có thể kích hoạt trong thời gian rất ngắn" nếu Nga tiến đánh Ukraine, với đơn vị tiên phong gồm 5.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phản ứng NATO do Pháp dẫn đầu đang trong tình trạng báo động cao. Lầu Năm Góc trước đó cho biết 8.500 lính Mỹ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, song chưa ra quyết định triển khai.

Nga chưa bình luận về phát biểu của Tổng thư ký NATO.

Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Quân đội Ukraine tuần trước nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, lưu ý nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga.

Nguyễn Tiến (Theo RT)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn