Lá cờ Đài Loan

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Lá cờ Đài Loan

Đài Loan sẽ thành lập quỹ 200 triệu đôla Mỹ (5,51 tỷ Đài tệ) để đầu tư vào nền kinh tế Lithuania, đại diện tại Vilnius, Eric Huang, cho biết hôm thứ Tư (5 tháng 1).

Trung Quốc đang nhắm vào nền dân chủ Baltic bằng các biện pháp trừng phạt sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện bằng tên của mình, trong khi trước đây, các văn phòng khác ở châu Âu chỉ sử dụng tên "Đài Bắc".

Mới hôm 4/1, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda bày tỏ sự hối tiếc trước quyết định của chính phủ Lithuania cho phép đặt tên "Đài Loan", mô tả mối quan hệ ngày càng xấu đi với Bắc Kinh là hậu quả của một "sai lầm".

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Lithuania Ziniu Radijas, ông Nauseda hôm thứ Ba (4/1) nói rằng "tên của văn phòng đã trở thành yếu tố quan trọng hiện ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc".

"Không phải việc mở văn phòng ở Đài Loan - mà chính cái tên là một sai lầm - là một điều mà tôi không được hỏi ý kiến," ông nói.

Phát biểu trước nhận xét của tổng thống, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết quốc gia Baltic sẽ giữ nguyên quyết định cho phép Đài Loan sử dụng tên của mình cho văn phòng đại diện.

Bà nhấn mạnh các giá trị dân chủ và nhân quyền mà cả hai nước đều chia sẻ.

Kể từ khi Đài Loan thành lập Văn phòng đại diện tại Lithuania, Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ với quốc gia Baltic bằng cách chặn xuất khẩu của nước này và triệu hồi đại sứ vào tháng 12.

Ông Huang nói trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng Quỹ Phát triển Quốc gia của Đài Loan sẽ cung cấp tiền cho quỹ đầu tư chiến lược với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương.

Thông báo về kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Harry Ho-jen Tseng nói với Lithuania: "Đã đến lúc chúng tôi giúp đỡ các bạn".

Trung Quốc đã phủ nhận việc ngăn chặn thương mại từ Lithuania - điều này sẽ vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu - nhưng Liên minh châu Âu cho biết họ đã xác minh các báo cáo về việc hàng hóa bị giữ lại tại hải quan Trung Quốc.

Bắc Kinh có lịch sử áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại không chính thức đối với các quốc gia mà họ có tranh chấp. Hiện tại, Trung Quốc cũng tẩy chay khoảng một chục mặt hàng của Úc, bao gồm thịt bò, rượu vang và lúa mạch.

Văn phòng mới của Đài Loan tại Lithuania không tương đương với các mối quan hệ ngoại giao chính thức nhưng có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng phát triển.

Đây là tiền đồn ngoại giao mới đầu tiên của hòn đảo ở châu Âu trong 18 năm. Đài Loan có ít đồng minh có quan hệ chính thức, do áp lực của Trung Quốc.

Lithuania bảo vệ quyền có quan hệ với Đài Loan, nhưng nói rằng họ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc".

Chính sách Một Trung Quốc là sự thừa nhận ngoại giao về quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có một chính phủ Trung Quốc.