Mỹ nói không liên quan bạo loạn ở Kazakhstan

Thứ Tư, 05 Tháng Giêng 20225:56 CH(Xem: 1850)
Mỹ nói không liên quan bạo loạn ở Kazakhstan

Phát ngôn viên Nhà Trắng phủ nhận liên quan các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn ở Kazakhstan, khẳng định Mỹ không xúi giục bất ổn tại đây.

"Nhà Trắng đang theo dõi các cuộc biểu tình tại Kazakhstan. Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi bình tĩnh để người biểu tình thể hiện bản thân một cách hòa bình và giới chức kiềm chế hành động", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 5/1.

"Có một số tuyên bố điên rồ ở Nga rằng Mỹ đứng sau điều này, do đó hãy để tôi nhân dịp này khẳng định rằng điều đó hoàn toàn sai sự thật. Rõ ràng đây là một phần chiến thuật phát tán thông tin sai lệch của Nga", Psaki nói, song không nêu rõ ai ở Nga cáo buộc Mỹ liên quan tới bất ổn ở Kazakhstan.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tại cuộc họp báo ngày 5/1. Ảnh: Reuters.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tại cuộc họp báo ngày 5/1. Ảnh: Reuters.

Nga chưa bình luận về tuyên bố của Psaki. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình ở Kazakhstan và kêu gọi một giải pháp hòa bình. Điện Kremlin cảnh báo nguy cơ nước ngoài can thiệp vào đụng độ ở Kazakhstan và khẳng định nước này có thể tự giải quyết các vấn đề nội bộ.Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 5/1 yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu hỗ trợ ổn định tình hình. Tokayev cho biết "những kẻ khủng bố do nước ngoài đào tạo" đã tràn vào các cơ sở chiến lược, chính phủ Kazakhstan phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Các cuộc biểu tình phản đối giá khí hóa lỏng (LPG) tăng cao nổ ra ngày 2/1 và leo thang thành bạo động khi người biểu tình đốt xe cảnh sát, xông vào các tòa nhà chính phủ, phóng hỏa dinh tổng thống và chiếm sân bay ở thành phố Almaty. Lực lượng chức năng Kazakhstan sau đó giành lại được quyền kiểm soát sân bay Almaty.

Tòa nhà chính phủ bị đốt phá tại thành phố Almaty của Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Tòa nhà chính phủ bị đốt phá tại thành phố Almaty của Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết 8 cảnh sát và lính vệ binh quốc gia thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, trong khi hai binh sĩ chết trong "chiến dịch chống khủng bố" ở sân bay Almaty. Tổng thống Tokayev tuyên bố sẽ đáp trả mạnh tay, cáo buộc "những kẻ chủ mưu với động cơ tài chính và những phần tử trộm cướp có tổ chức" gây ra bạo loạn.

Chính phủ Kazakhstan từ năm 2019 bắt đầu giảm trợ cấp LPG và chấm dứt mọi khoản trợ giá từ đầu năm nay. Ngay lập tức, giá LPG ở nhiều nơi đã tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) mỗi lít. Nhiều người Kazakhstan dùng LPG để chạy xe. Theo số liệu của chính phủ, 70-90% xe hơi ở Mangystau chạy bằng loại nhiên liệu này.

Nội các của Thủ tướng Askar Mamin đồng loạt từ chức sau khi biểu tình bùng phát. Tổng thống Tokayev chấp thuận đơn từ chức, đồng thời yêu cầu họ cùng thống đốc các tỉnh tái áp đặt biện pháp kiểm soát giá LPG, xăng, dầu diesel và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn