Ống dẫn khí đốt Nga gặp trở ngại lớn vì những căng thẳng về Ukraine

Thứ Tư, 22 Tháng Mười Hai 20213:44 CH(Xem: 2200)
Ống dẫn khí đốt Nga gặp trở ngại lớn vì những căng thẳng về Ukraine
voatiengviet.com

Ống dẫn khí đốt Nga gặp trở ngại lớn vì những căng thẳng về Ukraine

AP

Ống dẫn khí đốt Nga đang được xây dựng. Tuy nhiên ống dẫn Nord Stream 2 gặp trở ngại lớn trước khi khí đốt đến được Đức, với những nhà lãnh đạo mới có giọng điệu nghi ngờ hơn về dự án và những căng thẳng đang tăng cao về việc binh sĩ Nga được tăng cường tại biên giới Ukraine.

Ống dẫn bị Ukraine, Ba Lan và Mỹ chống trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Đức và Liên hiệp châu Âu để chạy xuyên qua những nước khác và bắt đầu mang khí đốt trực tiếp đến châu Âu. Lục địa này đang gặp khó khăn vì khan hiếm khí đốt khiến cho giá cả tăng mạnh, gây nên lạm phát và làm tăng thêm những lo ngại về những gì sẽ đến nếu mức cung cấp khí đốt trở nên thấp một cách nghiêm trọng.

Mỹ đã nhấn mạnh đến việc nhắm vào Nord Stream 2 như là một phương cách để chống lại bất cứ động thái quân sự mới nào của Nga chống lại Ukraine và dự án đã vấp phải những chướng ngại về pháp lý cũng như hệ thống hành chánh.

Vào lúc các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ tham khảo ý kiến về cách thức đối phó với những áp lực của Nga đối với Ukraine, những sự bác bỏ chính trị kiên trì — đặc biệt từ các nước thành viên của EU như Ba Lan—thêm vào những thách thức khác cho một trong những dự án quan trọng của Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ đường ống, và lãnh đạo mới của nước này, ông Olaf Scholz, cũng đã làm như vậy trong tư cách là bộ trưởng tài chánh của bà Merkel. Tuy nhiên chính phủ mới của ông có một giọng điệu cách xa hơn sau khi đảng Xanh gia nhập chính phủ liên hiệp. Lập trường trong chiến dịch tranh cử của Đảng Xanh là ống dẫn nhiên liệu hóa thạch không giúp trong việc chống trái đất ấm dần và phá hoại những lợi ích chiến lược của EU.

Phó Thủ tướng Đức mới, ông Robert Habeck, và Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã nói là dự án không đáp ứng những qui định chống độc quyền của EU.

“Nord Stream 2 là một sai lầm về địa chính trị,” ông Habeck vừa mới nói với báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung. “Vấn đề được mở ra là liệu đường ống sẽ có thể bắt đầu hoạt động hay không,” ông nói thêm là “những tiến triển” thêm nữa có nghĩa là “không có gì là không thương thuyết được.”

Các giới chức không nói là những chế tài nào hay những công cụ nào có thể được dùng thêm vào những chế tài của Mỹ chống lại các tàu bè liên hệ đến dự án.

Là Thủ tướng, ông Scholz dè dặt trong những bình luận của ông, và không rõ ràng là liệu ông muốn đi xa như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã nói là “rất không có thể” là khí đốt sẽ tuôn chảy nếu Nga “tái hung hăng” đối với Ukraine.

Được hỏi dồn là liệu bất cứ sự xâm lược nào sẽ làm ngưng đường ống hay không, phó phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Buechner nói Nord Stream 2 là “một công việc kinh doanh tư phần lớn đã hoàn tất” và việc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền “không có khía cạnh chính trị.” Ông nhấn mạnh là sự xâm lược quân sự sẽ phải “trả giá cao và những chế tài” nhưng không nói những việc này là gì.

Ông Scholz “không bao giờ nói rõ hoàn toàn,” ông Stefan Meister, một chuyên gia về chính sách năng lượng của Nga tại Hội đồng Đối ngoại Đức nói. “Do đó tôi không chắc chắn là dưới những điều kiện nào ông sẽ thực sự đồng ý ngưng đường ống.”

Tuy nhiên ông Meister nói có “một giọng điệu mới, một ngôn từ mới từ chính phủ mới của Đức.”

Đường ống sẽ tăng gấp đôi khối lượng khí đốt bơm trực tiếp vào Đức từ công ty khí đốt khổng lồ Gazprom do Nga kiểm soát, tương tự như đường ống dưới Biển Baltic và tránh những đường nối có sẵn qua Ba Lan và Ukraine.

Các chỉ trích đường ống nói rằng đường ống gia tăng ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu khiến cho các nước thành viên chống đối lẫn nhau và tước đoạt tài chánh của Ukraine.

Hiện nay tiến trình chấp thuận đường ống đang chựng lại. Các cơ quan thẩm quyền Đức nói họ chỉ có thể chấp thuận một công ty được thành lập tại đây, do đó công ty Nord Stream 2 có trụ sở tại Thụy Sĩ do một chi nhánh của Gazprom làm chủ, đang thành lập một chi nhánh tại Đức. Một quyết định sẽ không được đưa ra vào nửa đầu của năm 2022. Sau đó ủy ban điều hành của Liên hiệp châu Âu phải duyệt lại dự án.

Ngay cả khi đường ống được các cơ quan ban hành qui định thông qua, nó cũng sẽ không được chấp thuận nếu Ba Lan chống đối. Các thành viên EU có thể kiện ra Tòa án Công lý châu Âu nếu không đồng ý với các cơ quan có thẩm quyền, ông Alan Riley, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương và luật sư chuyên về các vấn đề chống độc quyền và năng lượng, nói.

Những qui định về chống độc quyền của EU có thể tạo ra những vụ kiện kéo dài nhiều năm, ngay cả khi có một phán quyết tạm thời ngưng các hoạt động của đường ống cho đến khi vụ kiện được quyết định.

Ngay cả khi không bao giờ bắt đầu, Nord Stream 2 vẫn đáng giá đối với những mục tiêu địa chính trị của Nga vì sẽ gieo rắc chia rẽ trong các nước thành viên EU và giữa EU, và Mỹ, ông Meister thuộc Hội đồng Đối ngoại Đức, nhận định.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn