Nga - Trung siết tay giữa sức ép phương Tây ( Nếu 3 nước cùng động thủ. Tầu sẽ diệt Nga rồi mới quay sang đánh Mỹ )

Thứ Năm, 16 Tháng Mười Hai 20216:10 SA(Xem: 2958)
Nga - Trung siết tay giữa sức ép phương Tây ( Nếu 3 nước cùng động thủ. Tầu sẽ diệt Nga rồi mới quay sang đánh Mỹ )

Gọi nhau là những người bạn cũ thân thiết, Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin cam kết ủng hộ lẫn nhau và tăng hợp tác trước sức ép lớn từ phương Tây.

Giữa lúc đối mặt làn sóng tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 từ Mỹ và nhiều nước khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được cam kết từ Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ tới dự sự kiện này.

Đáp lại, ông Tập đề xuất Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác để "bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích an ninh của cả hai nước", giữa lúc Moskva đối mặt nguy cơ trừng phạt từ phương Tây vì căng thẳng biên giới với Ukraine.

Putin vẫy tay chào ông Tập trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 15/12. Ảnh: Kremlin.ru.

Putin vẫy tay chào ông Tập trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 15/12. Ảnh: Kremlin.ru.

Cuộc họp trực tuyến dài 70 phút giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin ngày 15/12, cuộc trao đổi lần thứ 37 của hai lãnh đạo kể từ năm 2013, không chỉ cho thấy tình đoàn kết Nga - Trung trước áp lực phương Tây, mà còn thể hiện quan hệ đối tác cùng có lợi ngày càng chặt chẽ đang được xây dựng.

"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của hai bên và bảo vệ phẩm giá của mỗi quốc gia", Chủ tịch Trung Quốc khẳng định.

Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có chung đường biên giới đất liền hơn 4.000 km, vẫn tồn tại những xích mích liên quan tới vấn đề lịch sử. Nhưng về thương mại, an ninh và địa chính trị, hai nước ngày càng đứng cùng một chiến tuyến, tạo thành một khối đối phó với ảnh hưởng của Mỹ khi căng thẳng leo thang.

Hai quốc gia không thiết lập liên minh chính thức, nhưng ông Tập nói với ông Putin rằng "quan hệ hai nước thậm chí còn vượt xa một liên minh", Yuri V. Ushakov, trợ lý Điện Kremlin, nói với phóng viên ở Moskva sau cuộc họp trực tuyến giữa hai lãnh đạo.

Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận khả năng xây dựng một "cơ sở hạ tầng tài chính độc lập" để giảm phụ thuộc vào ngân hàng phương Tây và nguy cơ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và đồng minh. Họ cũng đề xuất ý tưởng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với Ấn Độ. Tuần trước, Tổng thống Putin đã tới New Delhi để gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

"Một mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa hai nước chúng ta, dựa trên các nền tảng như không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau", Putin nói với lãnh đạo Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng yếu tố quan trọng trong quan hệ Nga - Trung là mối quan hệ cá nhân gắn bó giữa ông Tập và Putin. Chủ tịch Trung Quốc từng gọi Tổng thống Nga là "bạn cũ", trong khi ông Putin coi ông Tập là "người bạn thân thiết" hay "bạn quý".

Với ông Tập, cuộc họp trực tuyến là cơ hội để cho thế giới thấy rằng Bắc Kinh vẫn có bạn bè trên trường quốc tế và không bị cô lập ngoại giao, qua đó cho thấy vị thế toàn cầu của Trung Quốc.

"Tôi hy vọng rằng vào tháng 2 năm sau, chúng ta sẽ gặp nhau trực tiếp ở Bắc Kinh", Tổng thống Putin nói với ông Tập, đề cập tới buổi khai mạc Olympic Bắc Kinh. "Chúng ta đã hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hợp tác thể thao quốc tế, trong đó có việc không chấp nhận bất kỳ nỗ lực chính trị hóa thể thao".

Đối với Putin, cuộc hội đàm diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì vấn đề Ukraine. Nga đang triển khai khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine, động thái bị Kiev và phương Tây cho là "hành động chuẩn bị tấn công quân sự". Điện Kremlin bác bỏ, khẳng định hoạt động điều quân trong lãnh thổ là quyền của Nga và chỉ phục vụ mục đích phòng thủ.

Karen Donfried, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ngày 15/12 tới Moskva để thảo luận về Ukraine. Ông Ushakov cho biết các quan chức Nga đã đưa ra đề xuất chi tiết về các yêu cầu của Nga, bao gồm phương Tây phải rút hỗ trợ quân sự cho Ukraine và ngừng mở rộng NATO sang phía đông.

Phía Trung Quốc không đề cập tới vấn đề Ukraine hay NATO trong bản thông cáo về cuộc họp, nhưng dường như ám chỉ tới những lo ngại an ninh của Nga.

"Trung Quốc và Nga nên hợp tác nhiều hơn để bảo vệ hiệu quả lợi ích an ninh của hai bên", truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập phát biểu tại cuộc trao đổi.

Mặt trận đoàn kết mà hai lãnh đạo thiết lập trong cuộc hội đàm dường như là nỗ lực để chống lại liên minh mà Biden cố gắng quy tụ thông qua hội nghị thượng đỉnh dân chủ hồi tuần trước.

"Dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền, một số thế lực quốc tế đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga", ông Tập nói. "Một quốc gia có dân chủ hay không và làm thế nào để công nhận một nền dân chủ, tất cả tùy thuộc vào đánh giá của chính người dân nước họ".

Cheng Xiaohe, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói quan hệ Nga và Trung Quốc mang tới cho lãnh đạo hai nước cơ hội thể hiện "sự ủng hộ lẫn nhau và mặt trận chung" khi đối đầu với Mỹ. Điều đó đặc biệt đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn và căng thẳng quốc tế gia tăng.

"Cả Trung Quốc và Nga đều đối mặt với áp lực từ Mỹ. Do đó, hai quốc gia cần ủng hộ nhau về mặt ngoại giao", ông nói.

Lính Ukraine tuần tra gần thành phố Avdiivka, phía đông Ukraine tháng này. Ảnh: NY Times.

Binh sĩ Ukraine tuần tra gần thành phố Avdiivka, phía đông Ukraine tháng này. Ảnh: NY Times.

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc thường xuyên trao đổi với nhau, dù chỉ qua hình thức trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều khác thường trong cuộc hội đàm ngày 15/12 là Trung Quốc gửi thông điệp trước.

"Hợp tác chiến lược chặt chẽ" giữa hai nước là điều quan trọng trong bối cảnh thế giới hỗn loạn hiện nay, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuần này.

Sau nhiều thập kỷ nghi kị và thậm chí nổ ra tranh chấp biên giới năm 1969, quan hệ hai nước không ngừng được cải thiện và thắt chặt. Khi Nga đối mặt với lệnh trừng phạt từ phương Tây vì sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Putin đã hướng tới Trung Quốc để thúc đẩy giao thương giữa hai nước bằng các hợp đồng xuất khẩu khí đốt và gỗ.

Cùng năm đó, đánh giá của dư luận Nga về Trung Quốc cũng được cải thiện nhanh chóng. 70% người Nga có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, tốt hơn nhiều so với Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine, theo khảo sát của Trung tâm Levada.

Quân đội hai nước cũng tăng cường các hoạt động diễn tập chung. Hồi tháng 10, tàu chiến Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Hai bên còn cam kết tăng hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

Trước cuộc hội đàm ngày 15/12, Dmitri Rogozin, người đứng đầu chương trình vũ trụ Nga, nói rằng ý tưởng về một trạm không gian chung giữa Nga và Trung Quốc sẽ dựa trên các nguyên tắc hợp tác bình đẳng, minh bạch và đồng thuận trong quá trình ra quyết định.

Tuy nhiên, mặt trận thống nhất giữa Nga và Trung Quốc không phải không có hạn chế. Bắc Kinh chưa từng công nhận Nga sáp nhập Crimea, trong khi Moskva không đứng về phía Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Hai nước cũng không bị ràng buộc trong một liên minh chính thức, mà muốn duy trì khả năng hành động độc lập, linh hoạt.

"Tôi không nghĩ rằng hai nước đang ở thời điểm mà Bắc Kinh sẽ ủng hộ bất kỳ hành động mạo hiểm nào của Nga ở Ukraine và Nga cũng không nhiệt tình hưởng ứng ý định thu hồi Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc nếu có", Sergey Radchenko, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói. "Tôi cho rằng họ sẽ giữ một mức độ trung lập khá lớn với nhau"
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn