Các phi hành gia trên ISS buộc phải vào trú ẩn trong tàu vũ trụ Dragon và Soyuz do các mảnh vỡ

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các phi hành gia trên ISS buộc phải vào trú ẩn trong tàu vũ trụ Dragon và Soyuz do các mảnh vỡ

Mỹ lên án Nga vì đã thực hiện vụ thử tên lửa "nguy hiểm và vô trách nhiệm", gây nguy hiểm đến các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Vụ phóng thử đã làm nổ tung một vệ tinh của Nga, tạo ra các mảnh vỡ khiến các phi hành gia trên ISS phải trú ẩn trong khoang tàu vũ trụ.

Hiện có 7 thành viên trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) gồm 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga.

"Vào đầu ngày hôm nay, Nga đã tiến hành một vụ phóng tên lửa chống vệ tinh bay thẳng trực diện, có khả năng phá hủy, nhằm vào một trong những vệ tinh của chính họ," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo.

"Vụ phóng thử đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trong quỹ đạo có thể được truy vết và hàng trăm ngàn các mảnh vỡ nhỏ hơn trong quỹ đạo, hiện đe dọa đến lợi ích của tất cả các quốc gia."

Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết ông xem vụ việc là không thể chấp nhận được.

"Với lịch sử dài lâu trong lĩnh vực các chuyến bay vào không gian có người lái thì không thể hiểu được là Nga lại có thể gây nguy hiểm không chỉ cho các phi hành gia Mỹ và đối tác quốc quốc tế trên ISS, mà còn đối với chính các phi hành gia của mình", Bill Nelson nói trong một thông cáo.

Cơ quan Không gian Nga Roscosmos đã hạ thấp tính chất của vụ việc.

"Quỹ đạo của vật thể, vốn đã khiến phi hành đoàn của chúng tôi ngày hôm nay phải di chuyển vào tàu vũ trụ theo quy trình chuẩn, đã di chuyển ra xa quỹ đạo của ISS. Trạm ISS nằm trong vùng xanh," Roscosmos đăng tải trong một dòng tweet.

Vật liệu khó được kiểm soát đã di chuyển mà không gặp vấn đề gì, thế nhưng nguồn gốc của nó hiện đang là vấn đề gây chú ý.

Dường như vật liệu này có nguồn gốc từ một vệ tinh của Nga bị vỡ, có tên là Kosmos-1408. Đây là một vệ tinh do thám được phóng lên vào năm 1982, nặng hơn 1 tấn và đã dừng hoạt động nhiều năm trước đó.

LeoLabs, một công ty truy vết mảnh vỡ không gian nói rằng cơ sở radar ở New Zealand đã thu thập được nhiều vật thể có thể thuộc về tàu vũ trụ đã không ngừng hoạt động từ lâu này.

Ông Ned Price cũng mô tả hành động của phía Nga là "nguy hiểm và vô trách nhiệm" và nói rằng điều này đã cho thấy những tuyên bố "chống vũ khí hóa không gian là thiếu trung thực và đạo đức giả".

"Mỹ sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để phản hồi trước hành động vô trách nhiệm của họ," ông nói.

Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng vụ phóng này cho thấy "sự coi thường hoàn toàn đối với an ninh, an toàn và sự bền vững của không gian".

"Các mảnh vỡ từ vụ phóng thử sẽ vẫn nằm trong quỹ đạo, và khiến các vệ tinh và các chuyến bay vào không gian có người lái gặp rủi ro trong những năm tới," ông cho biết thêm.

Phân tích của Jonathan Amos, Phóng viên Khoa học của BBC

"Thật khó khăn khi không xem các vụ thử tên lửa chống vệ tinh này là một dạng hành xử điên rồ.

Không thể kiểm soát các bãi mảnh vỡ từ các vụ va chạm với vận tốc cao. Hàng ngàn mảnh vỡ được tạo nên.

Một số sẽ được đẩy xuống trái đất và không gây hại, thế nhưng nhiều mảnh vỡ lại hướng lên độ cao hơn và sẽ gây hại đến các sứ mệnh hoạt động trong nhiều năm tới - bao gồm cả các sứ mệnh của chính quốc gia tiến hành vụ phóng thử.

Các phi hành gia vũ trụ của Nga trên trạm không gian đã suy nghĩ gì khi phải trú ẩn trong khoang tàu Soyuz hồi đầu ngày 15/11 bởi vì các mảnh vỡ đầy rủi ro từ vụ phóng thử này có thể va chạm với ngôi nhà quỹ đạo của họ?

Rác không gian đang là một vấn đề ngày càng trở nên xấu đi. 64 năm hoạt động trên đầu của chúng ta đồng nghĩa với khoảng 1 triệu vật thể đang di chuyển xung quanh một cách không được kiểm soát với kích cỡ từ 1 cm đến 10 cm.

Một vụ va chạm từ bất kỳ một trong những vật thể này có thể khiến sứ mệnh kết thúc đối với các vệ tinh viễn thông hay thời tiết quan trọng. Các quốc gia cần phải dọn dẹp môi trường không gian vũ trụ chứ không phải khiến nó trở nên ô nhiễm hơn nữa."

Thử nghiệm

Một số nước có khả năng phóng vệ tinh, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiếm khi xảy ra thử nghiệm các loại tên lửa như vậy, và nếu nó xảy ra, luôn bị lên án rộng rãi vì gây ô nhiễm môi trường không gian cho tất cả các bên.

Khi Trung Quốc phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết đã hết hạn sử dụng hồi năm 2007, vụ này đã tạo nên khoảng 2.000 mảnh vỡ có thể được truy vết. Vật liệu này đã tạo nên một rủi ro hiện hữu đối với các sứ mệnh hoạt động không gian.

Brian Weeden, một chuyên gia về lĩnh vực nhận thức tình trạng không gian, trước đó nói rằng nếu quả thực Nga tiến hành một vụ phóng thử đe dọa đến ISS, thì vụ phóng đã "vượt mức vô trách nhiệm".

Trạm không gian gồm các vệ tinh nhân tạo mà các cơ quan phụ trách đảm bảo không để bị va chạm với các phần cứng thiết bị đang hoạt động hay ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, các phi hành gia đang phải thực thi các biện pháp cẩn trọng khi các mảnh vỡ từ các vệ tinh và tên lửa cũ xuất hiện ở cự ly gần một cách không dễ chịu.