Emmanuel Macron and Scott Morrison

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Emmanuel Macron với Scott Morrison tại Điện Elysee ở Paris vào tháng 6

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nói dối ông về thỏa thuận tàu ngầm bị hủy bỏ.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ ông Morrison không trung thực hay không, tổng thống trả lời: "Tôi không nghĩ, tôi biết."

Ông Macron đã rất tức giận sau khi Úc hủy bỏ thỏa thuận trị giá 37 tỷ đôla để đóng 12 tàu ngầm, và thay vào đó, đàm phán một hiệp ước quốc phòng mới với Mỹ và Anh - gọi là Aukus.

Ông Morrison phủ nhận việc ông đã không thành thật.

Cuộc gặp của đôi bên tại hội nghị thượng đỉnh G20 là cuộc chạm mặt đầu tiên giữa họ kể từ khi tranh cãi bùng phát vào tháng 9.

Bên lề cuộc họp ở Rome, Tổng thống Macron đã được một nhà báo Úc hỏi liệu ông có thể tin tưởng ông Morrison một lần nữa hay không.

"Chúng tôi sẽ xem ông ấy có làm đúng như đã cam kết hay không", ông Macron trả lời.

"Tôi rất tôn trọng đất nước của các bạn. Tôi rất tôn trọng và dành nhiều tình hữu nghị đối với người dân của bạn. Tôi chỉ nói, khi chúng ta có sự tôn trọng, bạn phải thành thật và phải cư xử cho đúng và nhất quán với giá trị này."Presentational white space

Thỏa thuận tàu ngầm bị hủy bỏ đã gây ra rạn nứt sâu sắc giữa Pháp, Úc và Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, đã lên án quyết định này là "một nhát đâm sau lưng", và Paris đã tạm thời triệu hồi các đại sứ của mình tại Úc và Mỹ.

Sau bình luận của ông Macron, Scott Morrison nói với các phóng viên rằng ông không nói dối tổng thống Pháp và trước đó đã giải thích với ông Macron rằng các tàu ngầm thông thường sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu quốc phòng của Úc.

Ông nói thêm rằng việc xây dựng lại lòng tin và mối quan hệ giữa hai quốc gia đã bắt đầu.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với ông Macron kể từ khi hiệp ước Aukus được ký kết.

Các nhà lãnh đạo sẽ có nhiều thời gian hơn để hàn gắn quan hệ, vì cả ba hiện đang đến thành phố Glasgow của Scotland để tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26.

Hiệp ước Aukus sẽ cho phép Úc lần đầu tiên đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ do Mỹ cung cấp. Hiệp ước cũng sẽ bao gồm AI và các công nghệ khác, và là một trong những quan hệ đối tác quốc phòng lớn nhất của Úc trong nhiều thập kỷ.

Hiệp ước này đã kết thúc một thỏa thuận do Úc ký vào năm 2016 để Pháp đóng 12 tàu ngầm thông thường.

Đây được coi là một nỗ lực nhằm chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã lên án thỏa thuận này là "cực kỳ vô trách nhiệm".