Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga

Thứ Sáu, 01 Tháng Mười 20215:21 SA(Xem: 3094)
Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga
rfi.fr

Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga

Thanh Hà

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021. via REUTERS - SPUTNIK

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Vladimir Putin, trên đường từ Sotchi về lại Ankara hôm 30/09/2021, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết về khả năng hợp tác với Matxcơva chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm. Quan hệ với Mỹ có nguy cơ thêm căng thẳng.

Hãng tin AFP lấy lại thông tin từ thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, theo đó tổng thống Erdogan khẳng định lại là Ankara sẽ mua thêm tên lửa của Nga, S-400 và « không có chuyện lùi bước » trên hồ sơ này. Ngoài ra, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ nêu lên khả năng Nga và Thổ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Theo phân tích của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ có chiều hướng căng thẳng thêm nữa. 

« Hiện tại, đây mới chỉ là những lời tuyên bố. Tuy nhiên, thông điệp ngoại giao khá rõ ràng : Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, sẽ không ngần ngại đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga, được coi như một ‘giải pháp thay thế’ các đối tác phương Tây.

Theo tổng thống Erdogan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến tới việc cùng nhau chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu, đóng tàu và thậm chí là cả tàu ngầm. Những tham vọng đó cho thấy mức độ xấu đi trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

 Trong những ngày qua, Recep Tayyip Erdogan chẳng những đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ ý định mua tên lửa S-400 của Nga mà còn hàm ý cho biết có thể mua thêm đợt thứ nhì. Hơn nữa, lần đầu tiên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công khai bày tỏ nghi ngờ về khả năng Washington tiếp tục hỗ trợ hậu cần cho các chiến đấu cơ F-16, loại máy bay mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trang bị từ những năm 1980.

 Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Ankara mua tên lửa S-400 của Nga. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình chế tạo chiến đấu cơ F-35 để thay thế cho phi đội F-16 đang được Không quân nước này sử dụng ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn