Chủ tịch đầu tiên của TQ thăm chính thức Tây Tạng sau 30 năm

Chinese President Xi Jinping attends a welcoming ceremony for Greek President Prokopis Pavlopoulos outside the Great Hall of the People, in Beijing

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Tập Cận Bình trong một sự kiện tại Bắc Kinh hồi 2019

Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Tây Tạng vốn có nhiều rắc rối chính trị trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ 30 năm qua.

Ông Tập tới Tây Tạng từ hôm thứ Tư đến thứ Sáu, nhưng truyền thông nhà nước chỉ loan tin sau khi chuyến đi đã kết thúc.

Trung Quốc bị cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo và văn hóa ở vùng hẻo lánh có đa số dân theo Phật giáo này.

Chính phủ bác bỏ các cáo buộc, và nói Tây Tạng đã phát triển đáng kể dưới sự lãnh đạo của chính quyền trung ương.

Trong băng hình do hãng truyền thông quốc gia CCTV công bố, Chủ tịch Tập Cận Bình được nhìn thấy rời máy bay và chào đám đông mặc trang phục dân tộc truyền thống của người Tây Tạng, vẫy cờ Trung Quốc.

Ông tới khu vực nằm ở miền đông nam đất nước trước, rồi tới thủ phủ Lhasa bằng xe lửa.

Trong lúc ở Lhasa, ông Tập đã tới thăm Điện Potala, ngôi nhà truyền thống của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Người dân thành phố đã "báo rằng có các hoạt động bất thường, và hoạt động của họ bị kiểm soát" trước khi có chuyến thăm của ông Tập, nhóm hoạt động có tên Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng nói hôm thứ Năm.

Ông Tập tới thăm vùng này lần cuối là hồi 10 năm về trước, khi ông đang là phó chủ tịch.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng chính thức tới thăm Tây Tạng trước chuyến đi này là ông Giang Trạch Dân, hồi năm 1990.

Nhiều người Tây Tạng lưu vong cáo buộc Bắc Kinh đàn áp tôn giáo và làm xói mòn văn hóa của họ. Đã xảy ra một số cuộc biểu tình, trong đó có cả những vụ tự thiêu, khiến cho chủ đề Tây Tạng trở nên rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh.

Tây Tạng có một lịch sử nhiều xáo trộn, trong đó từng có những giai đoạn nơi này là một thực thể độc lập, và có những giai đoạn khác bị cai trị bởi các triều đại hùng cường của Trung Quốc và Mông Cổ.

Trung Quốc đã đưa hàng ngàn lính tới để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng này vào năm 1950. Một số phần trở thành Vùng Tự trị Tây Tạng và một số phần khác bị sáp nhập vào các tỉnh láng giếng của Trung Quốc.

Các nhóm vận động cáo buộc Trung Quốc đàn áp chính trị và tôn giáo và đang tiếp tục vi phạm nhân quyền.