Pháp, Đức từ bỏ kế hoạch thượng đỉnh với Nga sau khi EU phản đối

Thứ Sáu, 25 Tháng Sáu 20212:00 CH(Xem: 2669)
Pháp, Đức từ bỏ kế hoạch thượng đỉnh với Nga sau khi EU phản đối
voatiengviet.com

Pháp, Đức từ bỏ kế hoạch thượng đỉnh với Nga sau khi EU phản đối

VOA

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 25/6 từ chối đề xuất của Pháp-Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga sau khi Ba Lan và các nước Baltic cho rằng họ đã gửi đi thông điệp sai khi quan hệ Đông-Tây đang xấu đi, theo Reuters.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Nga Putin tại Geneva vào ngày 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên với ông Putin kể từ tháng 1/2014 sẽ là “một cuộc đối thoại để bảo vệ lợi ích của chúng ta”. Ông cho rằng EU phải chủ động trong đường lối ngoại giao với Nga.

Ý, một nhà xuất khẩu lớn sang Nga với các khoản đầu tư vào năng lượng của Nga, cũng ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin. Thủ tướng Mario Draghi nói “Nga là một quốc gia quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị... Chúng ta phải có một cuộc đối thoại tích cực”, ông Draghi nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh Brussels.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vào đêm khuya giữa 27 nhà lãnh đạo EU đã không đi đến một thỏa thuận, theo lời Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Pháp và Đức mong muốn có thể hợp tác với Nga về chống biến đổi khí hậu và tìm cách ổn định quan hệ. Bà Merkel nói ngay cả khi không có hội nghị thượng đỉnh, “các hình thức cũng sẽ được khám phá... theo đó các cuộc đối thoại có thể được bắt đầu”.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết ông ủng hộ đề xuất hội nghị thượng đỉnh, nhưng nhiều nhà lãnh đạo khác phản đối và các nước láng giềng trực tiếp của Nga là lên tiếng nhiều nhất.

Thủ tướng Pháp Macron nói ông đã đi đến kết luận rằng sự thống nhất của EU là quan trọng hơn và hội nghị thượng đỉnh không phải là ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với các phóng viên rằng ông Putin phải dừng các chính sách “gây hấn” với các nước láng giềng, và rằng không thể có hội nghị thượng đỉnh trong khi Moscow nắm giữ Crimea, sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, và đứng về phía phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng ý tưởng tổ chức thượng đỉnh giống như “cố gắng giao lưu với con gấu để giữ một bình mật ong an toàn”, và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói rằng Nga có thể coi hội nghị thượng đỉnh như một phần thưởng khi ngoại giao không thể chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn