Benjamin Netanyahu and Naftali Bennett in the Knesset (13 June)

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Naftali Bennett (phải) đã kết thúc thời gian dài nắm quyền của ông Benjamin Netanyahu

Ông Benjamin Netanyahu đã phải chấm dứt 12 năm cầm quyền của mình tại Israel sau khi quốc hội nước này bỏ phiếu chuẩn thuận tân chính phủ liên minh.

Gương mặt theo chủ nghĩa dân tộc hữu khuynh Naftali Bennett đã tuyên thệ để trở thành thủ tướng, dẫn đầu một "chính phủ của sự thay đổi".

Ông Bennett sẽ dẫn dắt một liên minh chưa từng có, gồm tập hợp nhiều đảng phái, với chiến thắng đa số cực kỳ sít sao, 60 phiếu thuận và 59 phiếu chống.

Ông sẽ làm thủ tướng cho tới tháng 9/2023 như một phần trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Sau đó, ông sẽ trao quyền cho ông Yair Lapid, lãnh đạo của đảng trung hữu Yesh Atid, để dẫn dắt trong hai năm tiếp theo.

Ông Netanyahu - lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở Israel, người nắm vai trò áp đảo trong nền chính trị nước này suốt nhiều năm - sẽ tiếp tục đứng đầu đảng Likud hữu khuynh và trở thành lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội.

Trong cuộc tranh luận tại Quốc hội, ông Netanyahu cứng cỏi hứa hẹn: "Chúng tôi sẽ trở lại."

Sau khi Quốc hội biểu quyết, ông Netanyahu đã đi tới và bắt tay ông Bennett.

Tuy nhiên, đại diện của người Palestine tỏ ra dửng dưng với chính phủ mới của Israel.

"Đây là quan hệ nội bộ của Israel. Quan điểm của chúng tôi luôn rất rõ ràng, điều chúng tôi muốn là một nhà nước Palestine với những đường biên giới và có Jerusalem là thủ đô," phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas nói.

"Đây là một thực thể chiếm đóng, thực dân. Chúng tôi cần phải kháng cự bằng vũ lực để giành lại quyền của mình," phát ngôn viên của Hamas, nhóm Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát Dải Gaza, nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gửi lời chúc mừng tới ông Bennett và nói mong muốn hợp tác.

Thay đổi chính phủ

Ông Netanyahu đã nắm quyền năm nhiệm kỳ, đầu tiên là từ 1996 đến 1999, rồi sau đó tiếp tục từ 2009 tới 2021.

Ông đã tổ chức một kỳ bầu cử vào 4/2019 nhưng không giành được sự ủng hộ đủ mức để thành lập một chính phủ liên minh mới.

Sau đó, đã có hai kỳ bầu cử nữa được tổ chức nhưng vẫn không bên nào giành được thắng lợi rõ rệt.

Sau kỳ bầu cử thứ ba, ông thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia cùng lãnh đạo phe đối lập khi đó là Benny Gantz, nhưng thỏa thuận đã sụp đổ và Israel lại tiến hành bầu cử trong tháng 3.

Đảng Likud nổi lên như đảng phái chính trị lớn nhất nhưng sau khi ông Netanyahu vẫn không thể thành lập được chính phủ, nhiệm vụ này đã được chuyển sang cho ông Lapid, lãnh đạo của đảng phái về nhì trong kỳ bầu cử.

Anti-Netanyahu demonstrators outside parliament in Jerusalem for the vote (13 June)

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Người biểu tình phản đối ông Netanyahu tụ tập bên ngoài Quốc hội để chờ đợi kết quả biểu quyết

Sự phản đối ông Netanyahu trở lại nắm quyền đã tăng lên, không chỉ trong số các đảng tả khuynh và trung dung mà cả trong các đảng hữu khuynh vốn có ý thức hệ gần với đảngLikud, trong đó có cả Yamina.

Yamina giành vị trí thứ năm, chỉ thắng bảy ghế trong Quốc hội, nhưng sự ủng hộ của đảng này là vô cùng quan trọng.

Sau nhiều tuần đàm phán, ông Lapid đã đưa Yamina vào thành một phần trong tập hợp các đảng phái có chung một mục tiêu duy nhất, đó là đẩy ông Netanyahu ra khỏi vị trí quyền lực.

Thỏa thuận liên quan tới tám phe phái với 61 ghế cần có để tạo thành lực lượng đa số trong Quốc hội đã được ký kết vào hôm 2/6, chỉ nửa giờ đồng hồ trước khi tới hạn chót. Trên thực tế, thỏa thuận này đã khép lại vị thế chính trị của ông Netanyahu.

Nét đặc biệt của tân chính phủ

Về mặt hình thức, chính phủ của ông Bennett sẽ không hề giống với bất kỳ chính phủ nào từng tồn tại trong lịch sử 73 năm của Israel.

Liên minh này gồm các đảng phái theo đuổi những ý thức hệ khác biệt. Có lẽ đáng kể nhất là trong liên minh gồm cả đảng Ả-rập độc lập đầu tiên, đảng Raam.

Liên minh cũng được trông đợi là sẽ có số lượng các nữ bộ trưởng ở mức cao kỷ lục, chín người.

Việc đưa Raam và các đảng phái tả khuynh gồm người Israel không có nguồn gốc Ả-rập vào chung trong liên minh có thể sẽ tạo nên những vấn đề, chẳng hạn như trong chính sách của Israel đối với người Palestine, bởi Yamina và một đảng phái hữu huynh khác là New Hope lại là những ủng hộ viên đáng tin cậy của khu định cư Do Thái tại Tây Ngạn bị chiếm đóng.

Cũng có thể sẽ phát sinh những khó khăn về các chính sách xã hội. Ví dụ như có một số đảng muốn cổ súy cho quyền của người đồng tính, như công nhận hôn nhân đồng giới, trong lúc Raam, một đảng phái Hồi giáo, lại phản đối điều này.

Thêm nữa, một số đảng muốn nới lỏng những hạn chế tôn giáo ở mức nhiều hơn so với Yamina.

Ông Bennett đã ra chỉ dấu rằng chính phủ của ông sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà các đảng có thể đạt thỏa thuận, chẳng hạn như các vấn đề kinh tế hoặc đại dịch virus corona, và sẽ tránh những vấn đề có thể gây căng thẳng.

"Không ai sẽ phải từ bỏ lý tưởng của mình," ông nói trong thời gian gần đây. "Nhưng tất cả sẽ cùng phải hoãn lại việc hiện thực hóa một số ước mơ của mình. Chúng tôi sẽ tập trung vào những gì có thể đạt được thay vì tranh cãi với nhau về những gì không thể đạt được."