Vac-xin và khí hậu, hai trọng tâm thượng đỉnh G7 “trực diện” đầu tiên thời Covid-19

Thứ Sáu, 11 Tháng Sáu 20216:38 SA(Xem: 4840)
Vac-xin và khí hậu, hai trọng tâm thượng đỉnh G7 “trực diện” đầu tiên thời Covid-19
rfi.fr

Vac-xin và khí hậu, hai trọng tâm thượng đỉnh G7 “trực diện” đầu tiên thời Covid-19

Trọng Nghĩa

​​​​​​Sau nhiều tháng chỉ tiếp xúc qua điện thoại hay truyền hình, lần đầu tiên kể từ khi có đại dịch Covid-19, hôm nay 11/06/2021, lãnh đạo các cường quốc thuộc nhóm G7 họp trực tiếp tại Anh Quốc với hai trọng tâm chia sẻ vac-xin cho toàn thế giới và đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển nhất (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật) kéo dài đến Chủ Nhật 13/06. Đây là hội nghị G7 đầu tiên đối với tổng thống Mỹ Joe Biden - rất gắn bó với chủ nghĩa đa phương sau những co cụm thời Donald Trump - cũng như đối với thủ tướng Ý Mario Draghi và đồng nhiệm Nhật Yoshihide Suga. Tuy nhiên, đây là thượng đỉnh G7 cuối cùng của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong cuộc họp mặt đối mặt đầu tiên sau gần hai năm chỉ gặp nhau một cách gián tiếp vì dịch Covid-19, trọng tâm thảo luận đầu tiên là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và chia sẻ công bằng hơn vac-xin chống Covid-19 của các nước giàu, những quốc gia đã giành lượng vac-xin tối đa, bất kể thiệt hại đối với những người nghèo nhất.

Chia sẻ vac-xin

Đối mặt với sự gia tăng các lời kêu gọi đoàn kết, tương trợ, các lãnh đạo dường như sẽ đồng ý cung cấp “ít nhất một tỷ liều” vac-xin và tăng năng lực sản xuất, với mục tiêu “chấm dứt đại dịch vào năm 2022”, theo phủ thủ tướng Anh, nước chủ nhà của hội nghị.

Hoa Kỳ đã hứa cung cấp 500 triệu liều và Anh Quốc 100 triệu, chủ yếu thông qua chương trình Covax của Liên Hiệp Quốc. Điều này đối với các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa đủ. Theo họ, G7 phải chấp thuận đình chỉ các bằng sáng chế về vac-xin để cho phép sản xuất hàng loạt. Washington và Paris tán thành ý kiến này trong lúc Đức kiên quyết phản đối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các công ty dược phẩm đóng góp 10% liều thuốc đã bán và muốn G7 tán thành mục tiêu 60% người châu Phi được tiêm chủng vào cuối tháng 03/2022.

Về phần mình, trong một động thái được cho là nhắm vào các hạn chế của Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua đã kêu gọi “mọi tác nhân (trong quy trình làm vác-xin) tháo gỡ các hạn chế trên việc xuất khẩu vac-xin (chống Covid) cũng như các thành tố dùng để chế tạo vac-xin”.

Theo hãng tin Bloomberg, G7 cũng sẽ kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế giới mở một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus corona.

Chống biến đổi khí hậu

Cuộc chiến chống lại hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển là một trọng tâm khác của hội nghị thượng đỉnh, với mục tiêu trung hòa carbon, trước hội nghị khí hậu lớn của Liên Hiệp Quốc (COP26) dự kiến vào tháng 11/2021 tại Scotland.

Thủ tướng Anh Boris Johnson có tham vọng thiết lập một “Kế hoạch Marshall” để giúp các nước đang phát triển trong lãnh vực loại trừ carbon trong nền kinh tế của họ, theo kiểu các khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ để tái thiết châu Âu sau Thế Chiến II.

Là nước đăng cai thượng đỉnh G7 lần này, Anh Quốc đã chọn khu nghỉ mát ven biển Carbis Bay, phía bắc Cornvall, miền tây nam nước Anh, làm nơi họp của các lãnh đạo. Giới báo chí rất đông đảo thì được bố trí tại cảng nhỏ Falmouth, ở phía nam. Thị trấn đã có một dáng vẻ hoàn toàn mới kể từ khi hội nghị được quyết định tổ chức ở đây.

Từ Cornwall, đặc phái viên RFI Clea Widehurst cho biết tình hình:

“Thứ đầu tiên người ta nhìn thấy khi đến cảng Falmouth là một du thuyền khổng lồ. Tony, một cư dân, nêu bật: “Thật không bình thường chút nào khi cảng này phải tiếp nhận một chiếc tàu lớn như thế! Và đó lại là nơi ở của gần 1.000 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho G7. Quả là họ đã được hưởng một kỳ nghỉ sang trọng!”

Cuộc sống của người dân ở ngôi làng nhỏ trên bờ biển phía nam nước Anh đã bị đảo lộn với sự xuất hiện của G7, như Kate, một chủ nhà hàng nổi tại cảng Falmouth, đã chia sẻ: Chúng tôi đã phải trải qua một tình trạng hỗn loạn, sau đó mới trở lại bình yên, với cảm giác là ‘một điều gì đó đang được ngấm ngầm chuẩn bị. Camera được lắp đặt mọi nơi và bây giờ chúng tôi nhìn thấy cảnh sát trên những chiếc mô tô nước jetski! Họ trông thật oai phong, tất cả đều mặc đồ đen, trên những chiếc jetski toàn màu đen, lướt ào ào qua cảng. Thật là náo nhiệt!

Theo lời bà Kate, cư dân khá tự hào khi thấy địa phương được chọn để tổ chức một sự kiện như vậy. Ngay cả khi họ phải chấp nhận một số sóng gió. Cô giải thích: Có những người biểu tình đã đến đây, nhưng mọi thứ diễn ra khá kín đáo, với nhiều nét hài hước, thậm chí đôi khi rất đẹp! Từ nhà hàng nổi của chúng tôi, quý vị có thể nhìn thấy những lá cờ của phong trào Extinction Rebellion trên cột buồm của những chiếc thuyền và cảnh tượng rất đẹp. Nhưng trên hết, họ đánh động mọi người, và đó mới là điều quan trọng.

Đối với thị trấn ven biển này, mực nước biển dâng cao, tình trạng bờ biển bị xói mòn, môi trường suy thoái là tâm điểm của mối quan tâm, và cư dân của vùng hy vọng G7 sẽ giữ lời hứa trong lĩnh vực này”.

TT Mỹ Joe Biden và thủ tướng Anh Boris Johnson gặp nhau lần đầu tiên

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên hôm nay, 11/05/2021, tổng thống Biden và thủ tướng Johnson nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh lịch sử giữa hai nước, gạt bỏ những khác biệt liên quan đến căng thẳng hậu Brexit ở Bắc Ireland. Như một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng đối với mối quan hệ với đồng minh Anh, tổng thống Biden cùng phu nhân bắt đầu chuyến công du châu Âu bằng cuộc gặp gỡ kéo dài một tiếng rưỡi với thủ tướng Boris Johnson, cũng cùng đi với phu nhân, tại vịnh Carbis, một khu nghỉ mát ven biển ở phía tây nam nước Anh. Cuộc gặp diễn ra hôm trước thượng đỉnh khối G7.

Hai ông Joe Biden và Boris Johnson đã đồng ý về một bản « Hiến chương Đại Tây Dương » mới, được mô phỏng theo bản được thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ký cách đây 80 năm, nhằm tái khẳng định các giá trị dân chủ chung, đồng thời tính đến những thách thức mới trong hiện tại, như tấn công mạng hay khủng hoảng khí hậu. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn