Tổng thống Biden dự G7 ở Anh trước khi công du EU và tới Geneva gặp Putin

Thứ Tư, 09 Tháng Sáu 20215:55 SA(Xem: 2124)
Tổng thống Biden dự G7 ở Anh trước khi công du EU và tới Geneva gặp Putin
bbc.com

Tổng thống Biden dự G7 ở Anh trước khi tới Geneva gặp Putin -


Queen and Joe Biden

Nguồn hình ảnh, Getty Images/Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Elizabeth sẽ mở tiệc chiêu đãi tổng thống Joe Biden và phu nhân vào ngày 13/06 ở Lâu đài Windsor, phía Tây London

Chuyến công du nước ngoài 8 ngày của tổng thống Joe Biden, mở đầu bằng hội nghị G7 ở Anh có nghị trình rộng lớn, từ vấn đề Anh-EU, đại dịch Covid, chống biến đổi khí hậu cho tới chiến lược ngăn chặn Trung Quốc và đối phó với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại St Ives bên vịnh Carbis, Cornwall, vùng Tây Nam của Anh chưa khai mạc nhưng báo chí đã nói đây là một thành công của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ít ra là với hai mục tiêu: thuế toàn cầu đánh vào các đại gia công nghệ, và chủ đề chống biến đổi khí hậu.

Tất cả đều nhờ sự ủng hộ của Hoa Kỳ thời Biden.

Các vấn đề của Anh và EU đều cần Mỹ vào cuộc

Trước ngày hội nghị chính thức thì cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khối G7, gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản vào đầu tuần đã đồng ý đánh thuế các tập đoàn công nghệ cao ít nhất 15%.

Theo Bloomberg, đây là vấn đề Anh muốn làm từ lâu nhưng phải đợi chính quyền Joe Biden ủng hộ thì bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak mới ra tuyên bố (xem thêm).

Cùng lúc, Anh đã gần như đạt được đồng thuận với cả Hoa Kỳ và EU (khách mời cao cấp tại G7 ở Cornwall) về các chỉ tiêu chống biến đổi khí hậu trước Hội nghị COP26 với Liên hiệp quốc ở Glasgow tháng 11 năm nay.

Tuy thế, còn phải chờ xem dư luận và giới vận động có được thuyết phục bởi cam kết bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu mà các lãnh đạo G7 nêu ra lần này hay không.

Một nghệ sĩ ở Anh, Joe Rush đã dựng bức tường 'rác điện tử' với đầu của các lãnh đạo G7 để thách thức họ làm nhiều hơn nữa cho môi trường.

Chụp lại hình ảnh,

Bức tường Rác điện tử với đầu của các vị Boris Johnson, Yoshihide Suga, Emmanuel Macron, Mario Draghi, Justin Trudeau, Angela Merkel và Joe Biden được dựng ở Cornwall để nhắc họ về cam kết bảo vệ môi trường

Kế hoạch "thoát dần khỏi đại dịch Covid" của Anh với thời điểm chủ chốt 21/06 dự tính nới lỏng gần như toàn bộ các hạn chế vì Covid, thì đang gặp khó khăn vì biến thể Delta lây lan mạnh.

Dù vậy, dịch bệnh tại Anh và châu Âu đã giảm tới mức có thể tổ chức lại hội nghị G7 gặp trực tiếp, có giãn cách, nhưng không còn là hội nghị trực tuyến qua đường video.

Thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Pháp bị hủy vì Covid.

Một điểm nữa quan trọng cho Anh là việc thực thi thỏa thuận Brexit với đảo Ireland.

Là người gốc Ireland, ông Biden luôn muốn châu Âu và Anh không làm thay đổi quy chế đạt được giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và CH Ireland (thuộc EU).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen sẽ có mặt ở hội nghị Cornwall như khách mời để cùng bàn về vấn đề Ireland sau Brexit.

Và quan trọng hơn cả cho Anh Quốc, ông Joe Biden sẽ lần đầu thăm Anh ở cương vị tổng thống Mỹ trước khi đi châu Âu gặp các đối tác và bước vào cuộc họp với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Dự kiến thứ Tư 09/06, ông Biden bay tới Anh và sẽ hội kiến Thủ tướng Boris Johnson ngày thứ Năm, trước khi G7 khai mạc.

Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill sẽ có lịch dự tiệc vào ngày 13/06 ở Lâu đài Windsor do Nữ hoàng Elizabeth II chủ trì.

Ông sẽ là tổng thống thứ 13 của Hoa Kỳ được vị nữ vương Anh mở yến tiệc chiêu đãi, theo các báo Anh 09/06.

Dù ông Biden chưa từng gặp ông Boris Johnson tính tới tuần này, ông đã từng được Nữ hoàng Anh tiếp vào năm 1982 khi ông là thượng nghị sĩ bang Delaware.

Ngăn chặn sức mạnh Trung Quốc

Nhìn từ góc độ của Mỹ, chuyến thăm của ông Biden, ngoài hai nghị trình đã nói ở trên: chống dịch Covid và biến đổi khí hậu (trùng hợp mục tiêu với Anh), còn là dịp để Hoà Kỳ "phối hợp với các đồng minh, Anh và châu Âu "lên chương trình ngăn chặn sức mạnh Trung Quốc", theo Bloomberg.

Về kinh tế và công nghệ, trước khi ông Biden sang châu Âu, Thượng viện Hoa Kỳ với kết quả bỏ phiếu 68-30 để đề xuất luật trị giá 250 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

Quốc hội Hoa Kỳ đang tiến dần tới việc thông qua luật mang tên U.S. Innovation and Competition Act of 2021 (USICA).

Về quân sự, Anh Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Hoa Kỳ và hành động đầu tiên là cử hàng không mẫu hạm mới Elizabeth sang Biển Đông.

Con tàu này mang theo lực lượng hỗn hợp Anh-Mỹ với phi đội 'Wake Island Avengers' của Không quân Hoa Kỳ trên khoang.

Với khách mời tới dự G7 gồm cả lãnh đạo một số nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, nghị trình "ngăn chặn Trung Quốc" mà Hoa Kỳ đề xướng chắc chắn sẽ được bàn tại Cornwall.

Làm gì với nước Nga?

Trong các ngày 14 và 15/06, ông Biden có mặt ở châu Âu để họp với lãnh đạo khối Nato, EU với cam kết "Hoa Kỳ trở lại".

Ngày 16/06/2021 hai tổng thống Biden và Putin sẽ có cuộc họp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ.

Các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây, như Ronald Reagan, George Bush (cha) và Mikhail Gorbachev từng chọn các địa điểm "trung lập" ở châu Âu như Iceland, Malta để gặp mặt.

Mỗi hội nghị thượng đỉnh như vậy đều đem lại các thay đổi lớn cho thế giới và lần này, ông Biden và ông Putin cùng phải đối mặt với một loạt xung khắc mang tính hệ thống.

Đó là những gì đang xảy ra ở Belarus, Ukraine, vùng Baltic và Bắc Cực.

Trước thượng đỉnh Geneva giữa Nga và Hoa Kỳ, phát biểu của lãnh đạo tình báo Anh, Richard Moore trên trang Sunday Times, rằng "Nga nay chỉ còn là một nền kinh tế yếu kém" đã khiến Điện Kremlin phải ra thông cáo báo chí phản bác.

Tuy bị đụng chạm, tổng thống Putin đã giữ thái độ hòa hoãn, vừa nhắc khéo rằng ông Moore "còn quá trẻ" (sinh năm 1963) nên chưa hiểu hết chiều sâu quan hệ Anh-Nga "vốn đang tốt".

Điểm này cho thấy dù gián tiếp là nói với Anh, ông Putin sẽ không tỏ ra quá cứng rắn khi gặp lãnh đạo Mỹ và chắc chắn là không muốn một cuộc chiến với Mỹ.

Theo phân tích của thinktank Geopolitical Futures, Nga vẫn còn là cường quốc quân sự nhưng về kinh tế thì đúng là không chỉ xuống dốc mà còn luôn gặp rủi ro vì biến động thị trường dầu khí.

Thu nhập một chiều, với 30% tiền đến từ bán dầu khí, nước Nga thời Putin không cải cách được nền kinh tế và sẽ chỉ tiếp tục thể hiện sức mạnh cầm chừng ở khu vực láng giềng chứ không còn đủ lực để triển khai ra thế giới, thinktank này đăng trên trang mạng của họ hôm 08/06/2021.

Hoa Kỳ hoàn toàn biết điều đó và sẵn sàng ngăn chặn các cuộc phiêu lưu ra bên ngoài của Nga, và sẽ đề cao quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, nhưng cũng không muốn làm quá mạnh để đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc.

Trước cuộc gặp Geneva, chính quyền Biden làm một lúc ba động tác:

  • Ủng hộ Ukraine bằng lời mời tổng thống Volodymyr Zelenskiy sang thăm tháng sau;
  • lệnh trừng phạt Belarus sau vụ Alexander Lukashenko "cưỡng bức máy bay Ryanair"
  • Bỏ trừng phạt các công ty xây đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga vào Đức.

Công trình dẫn khí đốt "tai tiếng" này liên tục bị các đồng minh của Mỹ ở châu Âu như Ba Lan, các nước Baltic và cả Ukraine phản đối.

Thế nhưng, theo Reuters việc Hoa Kỳ vẫn tạm "bỏ qua" vụ Nord Stream 2 không chỉ khiến Ukraine ngạc nhiên mà còn là cách Biden muốn Đức và châu Âu ủng hộ các mục tiêu khác của Mỹ.

Với Nga, điều chắc chắn là quyết định của Mỹ tránh không trừng phạt Nord Stream 2 sẽ phần nào làm nhẹ đi không khí cuộc gặp với ông Putin.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn