Belarus đóng biên giới và chỉ cho người có thẻ định cư ở nước ngoài xuất cảnh

Thứ Năm, 03 Tháng Sáu 20215:11 SA(Xem: 2792)
Belarus đóng biên giới và chỉ cho người có thẻ định cư ở nước ngoài xuất cảnh
bbc.com

Belarus siết chặt biên giới và cấm công dân xuất cảnh

A woman in a face mask produces her passport at Minsk National Airport amid the COVID-19 pandemic

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sân bay Minsk: theo BBC News đa số công dân Belarus sẽ không xuất cảnh được

Chính quyền Belarus không cho công dân xuất cảnh, kể cả người có thị thực nước ngoài cấp, trong khi ông Lukashenko ngày càng nghiêng về phía Putin.

Theo thông báo hôm 01/06/2021 của Cục Biên phòng Belarus, mọi công dân nước này phải xin phép mới được xuất cảnh, kể cả khi họ có thị thực, giấy phép làm việc ở nước khác.

Phe đối lập Belarus ngay lập tức lên án lệnh cấm mới, siết chặt hơn việc kiểm soát dòng người xuất cảnh so với một lệnh hạn chế ra khỏi nước này được ban bố cuối 2020.

Viết trên mạng xã hội Telegram, Cục Biên phòng CH Belarus xác nhận họ phải xem xét "rất nhiều đơn xin xuất cảnh" nhưng chỉ những ai "có thẻ định cư ở nước ngoài" mới có quyền rời đi.

Cho tới nay, đa số người Belarus, quốc gia 9,5 triệu dân, khi sang các nước láng giềng EU chỉ có visa lao động, du học sáu tháng một, theo các báo châu Âu hôm 02/06/2021.

Nước láng giềng Lithuania, thành viên EU, cho công dân Belarus nhận visa sáu tháng nếu họ bỏ nước ra đi.

Lithuania và Ba Lan, quốc gia thành viên EU và là láng giềng của Belarus, cũng là địa bàn hoạt động của một số nhân vật đối lập Belarus.

Gần đây đã xảy ra vụ an ninh Belarus bắt nhà hoạt động trẻ tuổi Roman Protasevich và bạn gái anh, công dân Nga Sofia Sapega khỏi máy bay của Ryanair trên đường từ Hy Lạp tới Lithuania.

Vụ việc khiến châu Âu ngưng các chuyến bay tới Belarus hoặc qua bầu trời Belarus, kể cả các chuyến tới Nga, gây ra hiện tượng huỷ chuyến ồ ạt giữa hai nước này và các thành phố châu Âu.

Hôm 02/06, Cục An toàn Hàng không châu Âu (European Union Aviation Safety Agency) chính thức thông báo các chuyến bay của tất cả quốc gia thành viên EU "cần tránh không phận của Belarus".

Cùng ngày, hãng Lufthansa của Đức nói họ sẽ nối lại các chuyến bay tới St Petersburg từ tuần này, sau gián đoạn vì Belarus. Tuy nhiên, trang EuroNews không rõ những chuyến bay này của hàng không Đức có đi qua không phận Belarus hay không.

Hãng hàng không Belavia của Belarus đã tuyên bố ngưng bay tới nhiều điểm ở châu Âu và trên thế giới.

Nhận viện trợ từ ông Putin

Cuối tuần qua, Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko gặp mặt người tương nhiệm Nga Vladimir Putin ở Sochi, miền Nam nước Nga.

Tại cuộc gặp, ông Lukashenko lần đầu tiên ngỏ ý muốn dùng không phận Crimea hiện do Nga kiểm soát sau khi sáp nhập bằng vũ lực năm 2014, để các chuyến bay Belarus có thể bay ra bên ngoài.

Theo đài Đức Deutsche Welle, điều đáng chú ý là ông Lukashenko cho đến nay không thừa nhận việc Nga chiếm Crimea, bán đảo thuộc Ukraine theo các thỏa thuận sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Hiện chưa thấy ông Putin trả lời đề nghị "cho mượn không phận" của ông Lukashenko.

Sau khi không phận Belarus bị EU, Anh và Ukraine tẩy chay, giới quan sát cho hay chỉ thấy có máy bay của Trung Quốc và Nga bay ra vào Belarus.

Tuy nhiên, các bình luận ở châu Âu đều cho rằng với nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, và bị cô lập về chính trị, ngoại giao, ông Lukashenko sẽ ngày càng "ngả vào vòng tay nước Nga".

Mới đây nhất, Nga cho triển khai tuyến hỏa xa nối Moscow với Minsk, giá vé "rẻ kỳ cục: 30 đôla cho tuyến đường 7 giờ liền", theo trang Moscow Times.

Kremlin cũng phải phê chuẩn thêm một khoản 500 triệu USD tiền cho vay, để ông Lukashenko trả lương công chức, an ninh, quân đội.

Tại Nga, cũng liên quan đến phe đối lập, biên phòng Nga lôi nhà hoạt động Andrey Pivovarov khỏi chuyến bay đã ra đường băng của hãng hàng không Ba Lan tại St Petersburg đi Ba Lan.

Ông Pivovarov từng phục trách tổ chức đối lập Open Russia.

Sau khi bắt ông tại sân bay Pulkovo, chính quyền Nga đã khởi tố ông Pivovarov theo điều 284.1 Bộ luật Hình sự vì "liên hệ với các tổ chức phi pháp".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn