Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một cuộc biểu tình tại Yangon hôm 23/4, phản đối đảo chính quân sự

Các nhà hoạt động dân chủ tại Myanmar chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận giữa lãnh đạo quân sự nước này đạt được với các lãnh đạo ASEAN trong việc cam kết chấm dứt cuộc khủng hoảng hậu đảo chính quân sự đầy bạo lực ở nước này.

Hôm Chủ Nhật, trên đường phố ở các thành phố lớn của Myanmar đã diễn ra những cuộc biểu tình ôn hòa.

Trước đó, trong hôm thứ Bảy, Thống tướng Aung Hlaing đã nhất trí với các lãnh đạo ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia về việc chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại Myanma.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên không nêu thời biểu hành động cụ thể.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Indonesia là nỗ lực lớn đầu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.

Cũng trong hôm 24/4, khi cuộc họp thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra, tại Việt Nam, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp với đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Myanmar, bà Schraner Burgener.

Truyền thông Việt Nam nói rằng tại cuộc họp, ông Ngoại trưởng nói Việt Nam - thành viên ASEAN duy nhất hiện là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - tuyên bố nước này "chia sẻ những lo ngại sâu sắc" về tình hình Myanmar và "luôn theo dõi sát các diễn biến" cũng như "tích cực tham gia với ASEAN tìm giải pháp phù hợp nhất cho Myanmar".

Thỏa thuận năm điểm

Tuy nhiên, những gì các nước trong khối ASEAN cũng như quốc tế đã và đang nói chưa đủ để thuyết phục giới hoạt động tại Myanmar.

"Cho dù là ASEAN hay Liên Hiệp Quốc thì họ cũng sẽ chỉ phát biểu từ bên ngoài, rằng đừng đánh nhau, hãy đàm phán và giải quyết vấn đề. Nhưng điều đó không phản ánh được tình hình xảy ra trên thực tế tại Myanmar," Khin Sandar từ một nhóm biểu tình có tên là Ủy ban Phối hợp Tổng Bãi công, được Reuters dẫn lời, nói.

Tại kỳ họp thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo quân sự Myanmar đã đạt thỏa thuận với các nước khác trong khối với nội dung gồm năm điểm, gồm chấm dứt bạo lực, tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, đặc phái viên của ASEAN sẽ làm trung gian đối thoại, chấp nhận viện trợ và sẽ để phái viên của ASEAN tới Myanmar.

Tuy nhiên, thỏa thuận năm điểm không đề cập tới vấn đề tù nhân chính trị, dẫu trong cuộc họp thượng đỉnh đã có lời kêu gọi thả người.

Một nhóm vận động có tên là Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị (AAPP) ở Myanmar nói các lực lượng có vũ trang ở nước này đã giết chết 748 người và bắt giữ hơn 3.300 người kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự, 1/2, tới nay.

Chụp lại video,

Các nhà báo Myanmar dù bị bắt, đánh và bỏ tù nhưng vẫn tác nghiệp ở môi trường đấy rủi ro.

Cuộc chính biến đã lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, vốn thắng cử hồi cuối năm 2020, nhưng phe quân sự nói đã xảy ra gian lận trong kỳ bầu cử đó.

"Chúng tôi nhận thấy bất kể kết quả gì được đưa ra từ kỳ họp ASEAN đều sẽ không phản ánh những gì mà nhân dân cần có," Wai Aung, một người tổ chức biểu tình tại Yangon, nói với Reuters. "Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình và bãi công cho tới khi chính quyền quân nhân sụp đổ hoàn toàn."

Bình luận về những diễn biến mới nhất liên quan tới Myanmar, Phil Robertson, phó giám đốc vùng châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói rằng điều rất đáng tiếc là chỉ có lãnh đạo quân sự Myanmar hiện diện tại cuộc họp ASEAN.

"Không chỉ là chuyện đại diện của nhân dân Myanmar không được mời tới Jakarta dự họp, mà họ còn bị gạt ra bên ngoài thỏa thuận mà nay ASEAN đang tự vỗ về mình về kết quả đã đạt," ông nói trong một thông cáo.

"Việc không có thời biểu hành động rõ ràng, và điểm yếu kém hiển nhiên của ASEAN trong việc thực thi các quyết định, các kế hoạch mà họ đưa ra, là những quan ngại thực sự mà không ai có thể bỏ qua."

Nhìn vào câu chuyện Myanmar, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản nhận xét rằng tờ báo quốc doanh ở Myanmar, Global New Light of Myanmar, đã đưa tin về việc Thống tướng Aung Hlaing dự họp ASEAN ở trang nhất nhưng không nêu rõ các lãnh đạo nào của ASEAN đã đồng ý với thỏa thuận trên, và cũng không bình luận gì.

Tuy nhiên, báo này nói người đang đứng đầu giới quân sự cầm quyền junta đã đụng tới vấn đề "những thay đổi chính trị tại Myanmar" trong bài phát biểu tại kỳ họp thượng đỉnh.

Tại kỳ họp vừa kết thúc, lãnh đạo các nước Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Campuchia và Brunei đã có mặt, bên cạnh lãnh đạo quân sự Myanmar và ngoại trưởng các nước Lào, Thái Lan và Philippines.