Liên Âu thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương

Thứ Ba, 20 Tháng Tư 20212:00 SA(Xem: 5240)
Liên Âu thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương
rfi.fr

Liên Âu thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trọng Thành

Qua video hội nghị, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell (màn hình trên) chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 19/04/2021.

Qua video hội nghị, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell (màn hình trên) chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 19/04/2021. AP - Francois Walschaerts

Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một chiến lược chung về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị ngày càng gia tăng tại khu vực, đặc biệt với thế đối đầu Mỹ - Trung.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trải dài từ bờ đông châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương, chính thức trở thành địa bàn trọng yếu, mà Liên Hiệp Châu Âu muốn khẳng định vai trò của một tác nhân chủ chốt.

Theo AFP, thông cáo chung được công bố sau cuộc họp của ngoại trưởng 27 thành viên Liên Âu nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi cho kinh tế « một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, các điều kiện cạnh tranh công bằng và một môi trường mở và công bằng đối với thương mại và đầu tư ». Các nước Liên Âu muốn bảo đảm là tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các tuyến giao thông hàng hải phải là các tuyến đường « tự do và mở, nơi luật pháp quốc tế triệt để được tôn trọng ».

Tên gọi chính thức của chiến lược mới của Liên Âu là « Chiến lược hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ».

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên Âu không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, quốc gia mà Bruxelles đã xác định là cùng lúc vừa là « đối tác thương mại, thế lực cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống ». Tuy nhiên, chiến lược của Liên Âu cũng khẳng định rõ: « xu thế hiện nay là cạnh tranh địa - chính trị ngày càng dữ dội, làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như các các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh ».

Thông cáo chung đặc biệt ghi nhận tình trạng nhân quyền tồi tệ đi cùng với các căng thẳng địa chính trị ngày càng đe dọa « ổn định và an ninh của khu vực, và rộng hơn, với hệ quả là tác động trực tiếp đến các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu ». Liên Âu khẳng định chiến lược dài hạn với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải dựa trên việc bảo vệ « dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Tăng cường các quan hệ đối tác với khu vực là giải pháp hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, châu Âu muốn phát triển quan hệ với « các đối tác cùng chia sẻ các giá trị chung », trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Liên Âu ủng hộ « vai trò trung tâm của khối ASEAN » trong « kiến trúc khu vực », cũng như tầm quan trọng của cơ chế đối thoại Á – Âu (ASEM), có sự tham gia của Trung Quốc. 

Tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phối hợp với các đối tác khu vực để bảo đảm một tiến trình chấn hưng kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hướng đến sự phát triển bền vững, công bằng là các trọng tâm khác trong chiến lược nói trên.  

Từ nay đến 09/2021, Ủy Ban Châu Âu và lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu có trách nhiệm thảo ra một lộ trình hành động đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn