Căng thẳng đông Ukraina : Putin vạch « lằn ranh đỏ » với Joe Biden

Thứ Sáu, 09 Tháng Tư 20212:00 CH(Xem: 3063)
Căng thẳng đông Ukraina : Putin vạch « lằn ranh đỏ » với Joe Biden
rfi.fr

Căng thẳng đông Ukraina : Putin vạch « lằn ranh đỏ » với Joe Biden - Tạp chí tiêu điểm

Minh Anh

Tiếng súng bắn tỉa, những đợt pháo oanh kích, từng đoàn xe quân sự, chiến sự tại vùng Donbass, phía đông Ukraina từ đầu năm 2021 đến nay lại bùng lên dữ dội, căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva một lần nữa gia tăng gay gắt. Phải chăng điện Kremlin đang tìm cách thiết lập một cuộc đọ sức đầu tiên với chính quyền Mỹ Joe Biden ?

Ukraina « thoát Nga » với giá nào ?

Tại Ukraina, cái giá phải trả cho việc « thoát Nga » là quá đắt. Đất nước như bị xẻ làm hai khi bị mất đến ba vùng lãnh thổ to lớn : Hai vùng phía đông là Donetsk và Louhansk, những vùng sản xuất than và công nghiệp nặng quan trọng do phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát. Còn bán đảo Crimée thì bị Matxcơva sáp nhập vào Nga năm 2014, khiến Ukraina mất quyền kiểm soát vùng Biển Đen.

Bất chấp khoảng 30 lệnh hưu chiến, nhưng các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ với phe ly khai ở đông Ukraina kéo dài từ bảy năm qua làm gần 14.000 người chết từ cả hai phía, 1,4 triệu người phải di tản và 3,5 triệu người rơi vào cảnh sống nhờ cứu trợ nhân đạo.

Lệnh ngừng bắn ký kết ngày 22/07/2020, được cho là một lệnh hưu chiến dài hơi nhất, một lần nữa lại bị phá vỡ. Từ hơn một tháng nay, chiến sự bùng lên dữ dội tại vùng phía đông. Nga và Ukraina đổ lỗi cho nhau đã vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo Kiev, nếu tính từ đầu năm 2021, tổng cộng đã có 21 binh sĩ thiệt mạng và 57 người bị thương.

Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, trả lời phỏng vấn báo Libération tố cáo Matxcơva triển khai quân quy mô lớn khi huy động đến 28 lữ đoàn, nhiều loại vũ khí hạng nặng và bố trí quân theo ba hướng : sườn đông-bắc, mạn phía đông nơi chiến sự đang diễn ra và bán đảo Crimée. Với ngoại trưởng Ukraina, đây chính là một kế hoạch hành động toàn diện của Nga.

Khủng hoảng kinh tế Ukraina : Thời cơ thuận lợi cho Nga ?

Vì sao căng thẳng lại bùng lên vào lúc này ? Ông Cyrille Brêt, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) tại Paris, đồng giám đốc trang mạng địa chính trị EurAsia Prospective, trên đài RFI giải thích :

« Đầu tiên, đó là do chúng ta có những ngày nghỉ cuối tuần của lễ Phục Sinh. Đây không phải là lịch nghỉ lễ của vùng này. Công luận sẽ bị chuyển hướng chú ý. Nước Nga thường xuyên tận dụng khoảng trống này, thời điểm lệch ngày nghỉ lễ giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo, để thực hiện các chiến dịch, hoặc qua ủy nhiệm, hoặc tự tiến hành. Trường hợp này quả thật đã nhiều lần xảy ra trong các mùa lễ Noel và lễ Phục Sinh.

Thứ hai, đây cũng là thời điểm Ukraina gặp nhiều khó khăn kinh tế, nhưng đang có một sự năng động rất lớn trên phương diện ngoại giao. Các mối quan hệ đang được tái lập với Washington. Chính quyền Biden có xu hướng thiên về một đường lối cứng hơn trong hồ sơ Ukraina so với chính phủ tiền nhiệm Donald Trump.

Nhưng đây cũng là lúc nền kinh tế Ukraina đang bị suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Cũng nên nhớ rằng Ukraina bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế này với những khó khăn rất lớn về ngân sách. Có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế này thật sự là không đúng lúc. Điều cốt lõi lần này, Zelensky, vị tổng thống trẻ tuổi của Ukraina, một cựu diễn viên hài nay phải khoác áo tổng tư lệnh, ít nhiều gì cũng phải đi theo đường lối cứng rắn đối với Matxcơva. »

Chủ nghĩa dân tộc : Công cụ chính trị của cả hai phía

Cũng trên đài RFI, nhà nghiên cứu Anastasiya Shapochkina, giảng viên tại Sciences Po, chủ tịch câu lạc bộ địa chính trị « Eastern circles », có cái nhìn khác về chiến dịch quân sự này của ông Putin. Theo bà, nếu muốn hiểu một chính sách đối ngoại của Nga, người ta chỉ cần nhìn vào tình hình chính trị trong nước.

Điểm tín nhiệm của tổng thống Nga thời gian gần đây tụt giảm mạnh, do những tác động của đại dịch Covid-19 lên đời sống kinh tế - xã hội người dân Nga. Để chuyển hướng công luận, nước Nga cần phải phô trương sức mạnh quân sự. Chiến thuật này đã được ông Putin áp dụng thành công cho đến tận ngày nay.

« Người ta thấy cùng một kiểu chiến thuật này, vốn dĩ vận hành rất tốt ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin, khi ông ấy chưa được biết đến như là một người cứng rắn. Ông ấy đã tạo dựng được tiếng tăm cho mình trong nhiệm kỳ thứ hai lúc ấy trên cương vị là một thủ tướng, khi cho tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Tchetchenia.

Cách làm này lại được sử dụng vào năm 2008, trong cuộc chiến tại Gruzia, nhằm vực dậy điểm tín nhiệm sau cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 2014, chiến thuật này một lần nữa được vận hành tốt. Quyết định cho sáp nhập bán đảo Crimee vào Nga của ông đã được rất nhiều thành viên nội các và người dân Nga đánh giá cao. Cuộc xung đột Ukraina lúc ban đầu cũng chưa mang lại nhiều mệt mỏi như lúc này. »

Ngược lại, một số nhà phân tích Nga cho rằng xung đột bùng phát là « hệ quả trực tiếp từ tình hình chính trị nội bộ Ukraina ». Tờ Expert, một tạp chí chuyên phân tích thời sự quốc tế của Nga, được tuần báo Pháp Courrier International trích dẫn, cho rằng tổng thống Volodymyr Zelensky đã tìm cách thêu dệt một bầu không khí chống Nga nhằm đánh bóng lại hình ảnh của mình đang bị xuống thấp trong công luận Ukraina.

Ông tiến hành một loạt các biện pháp mạnh chống lại truyền thông đối lập bị cho là thân Nga, trừng phạt nhà tỷ phú đối lập Viktor Medvedchuk, vốn dĩ có liên hệ mật thiết với điện Kremlin, hay cấm tiếng Nga trong trường học…

Đặc biệt, trang mạng World Socialist Web Site, thuộc phong trào Đệ Tứ Cộng Sản, mang tư tưởng bài chủ nghĩa đế quốc phương Tây, dẫn nhiều chi tiết chứng minh rằng Ukraina theo đuôi Mỹ và phương Tây có hành động « hung hăng, khiêu khích » đối với Nga. Theo đó, Kiev hồi đầu tháng 3/2021 đã thông qua một chiến lược nhằm « thu hồi bán đảo Crimée ».

Đến ngày 25/03/2021, tổng thống Zelensky còn thông qua một chiến lược quân sự mới nhấn mạnh đến tính cấp thiết chuẩn bị huy động toàn dân trong một cuộc chiến chống Nga ngay trên lãnh thổ Ukraina. Chiến lược này nhìn nhận Ukraina chỉ có thể chiến thắng với sự hỗ trợ của NATO và không dưới 19 lần nhắc đến việc dự kiến gia nhập khối liên minh quân sự này.

Bối cảnh địa chính trị

Theo một số nhà quan sát tại Pháp, chiến sự bùng lên còn vì một yếu tố địa chính trị bên ngoài. Thứ nhất, thỏa thuận ngừng bắn ký kết ngày 22/7/2020 nhanh chóng rơi vào bế tắc chính trị ngay từ tháng Tám. Nước Nga trông đợi Ukraina đưa ra các nhượng bộ để thực thi kế hoạch Nga trong nhóm công tác ba bên tham gia ký kết thỏa thuận Minks (Nga, Ukraina và phe ly khai ở đông Ukraina).

Tổng thống Ukraina vốn dĩ có một lập trường hòa giải ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn trước việc Matxcơva ngăn chận mọi tiến triển trong các cơ chế giải quyết xung đột. Thế nên, theo quan điểm của chuyên gia Anastasiya Shapochkina, những chuyển động quân sự và dọa dẫm leo thang được dùng như là một công cụ đàm phán ngoại giao với phương Tây.

« Các đối tác như Pháp, Đức rồi sau này là Mỹ đã thúc giục Nga hoàn tất các nghĩa vụ được ràng buộc trong thỏa thuận Minks. Đó là những thỏa thuận được ký kết trong các năm 2014, 2015 để giải quyết xung đột. Thỏa thuận này không có lợi cả cho Nga lẫn Ukraina, thậm chí rất bất lợi cho Ukraina, nhưng vì Kiev dưới áp lực nên phải chấp thuận. Nước Nga tuy cũng bị áp lực nhưng không muốn hoàn thành. Dưới áp lực ngày càng lớn, để có được một thế mạnh trong đàm phán ngoại giao, cách tốt nhất để có được một lợi thế đó là có được một thắng lợi trên thực địa, do vậy cần phải phô trương sức mạnh. »

Điểm thứ hai cho thấy có sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Nga chính là việc nước Mỹ có tổng thống mới. Ông Joe Biden chủ trương một đường lối cứng rắn với Nga trong hồ sơ Ukraina. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho đài ABC, chủ nhân Nhà Trắng không ngần ngại gọi tổng thống Nga là « kẻ giết người ». Liệu đây có là một « bài trắc nghiệm » mà tổng thống Vladimir Putin dành cho tân chủ nhân Nhà Trắng hay không, chuyên gia về Nga, ông Cyrille Brêt nhận định :

« Trắc nghiệm, Hăm dọa, thăm dò giới hạn, tìm đúng liều lượng giữa áp lực tối đa và hạ nhiệt có tính toán, nước Nga đã làm điều này từ rất rất lâu với Mỹ, Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và nhất là với Ukraina, quốc gia có một vị thế đặc biệt đối với Liên bang Nga.

Đây đúng là một cuộc trắc nghiệm mà chính quyền Biden nhất định phải thành công khi thể hiện rõ chính sách cứng rắn nhất có thể, cũng như là khi chứng tỏ khả năng huy động địa bàn tại Ukraina và phần còn lại ở châu Âu ».

Lằn ranh đỏ

Về điểm này, bà Anastasiya Shapochkina, trong chương trình Giải Mã của RFI nhấn mạnh, đây không chỉ là một « trắc nghiệm » mà là một « lằn ranh đỏ » Matxcơva vạch ra với Washington. Nước Mỹ hậu thuẫn Ukraina ngay từ đầu cuộc khủng hoảng năm 2014 nhưng sự ủng hộ đó chỉ dừng lại ở mức bán vũ khí – một nguồn hậu thuẫn quan trọng cho Ukraina.

Việc Kiev ngày càng tỏ ra mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình gia nhập NATO là một hành động « khiêu khích » đối với Matxcơva. Đây chính là thông điệp mà ông Putin muốn gởi đến tổng thống Mỹ Joe Biden. Anastasiya Shapochkina phân tích tiếp :

« Nhìn từ điện Kremlin, Ukraina không là một tác nhân độc lập. Những thách thức lớn tập trung xung quanh quốc gia nhỏ này mới quan trọng hơn. Do vậy, ông V. Putin muốn bắn đi một thông điệp cho Joe Biden, sự xích lại gần này, sự hậu thuẫn này sẽ chỉ giới hạn ở những tuyên bố, nếu đi xa hơn như mở một tiến trình cho Ukraina gia nhập khối NATO, đây là một lằn ranh đỏ không nên vượt qua. Nếu vượt qua biên giới phát ngôn để đi đến một sự hậu thuẫn quân sự, điều này có thể gây ra những tổn thất cho Ukraina, theo như phát biểu cứng rắn của điện Kremlin, nghĩa là có thể đi đến phá hủy đất nước Ukraina. »

Trước tình hình căng thẳng hiện nay và đòi hỏi của Ukraina thúc đẩy nhanh tiến trình gia nhập, NATO sẽ có phản ứng ra sao ? Đối đầu quân sự giữa Nga và NATO liệu có thể xảy ra ? Về điểm này, nhà địa chính trị học trường Sciences Po, Anastasiya Shapochkina, tin rằng khó thể diễn ra.

« Ukraina không phải là thành viên NATO, do vậy, tổ chức quân sự này không nhất thiết có nghĩa vụ phải đáp trả. Thông thường, nhìn từ góc độ quân sự, đó chẳng qua chỉ là một sự phô trương sức mạnh. Hy vọng rằng đây không phải là một mối đe dọa thật sự. Nếu như Nga có ý định xâm chiếm Ukraina, đây có lẽ sẽ là lần xâm lược thứ hai. Nhưng ở đây, người ta thấy có một kiểu "diễu võ giương oai" được loan truyền ầm ĩ, được chính quân Nga quay phim và được thông báo rất rõ".

Ý tưởng ở đây là để gởi đi các thông điệp chứ không nhằm mục đích gây ra đối đầu quân sự. Ở cấp độ này, Ukraina, vốn không là thành viên của NATO, không mấy tin rằng khối quân sự này sẽ dấn thân vào một cuộc xung đột quân sự với Nga chỉ vì Ukraina.

Tôi nhắc lại là Ukraina không thuộc khối NATO và có lẽ cũng sẽ không là thành viên NATO tới đây, bởi vì còn có một sự phản đối mạnh mẽ từ Pháp, Đức. Điều này đã được thấy rõ từ năm 2008, lập trường của thủ tướng Đức từ đó đến giờ là "bất di bất dịch" ».

Nguồn nước cho Crimée : Bảng đo lường điểm tín nhiệm Putin

Cuối cùng, nhà nghiên cứu về Nga, ông Cyrille Brêt, lưu ý thêm rằng ẩn sau những căng thẳng này còn là một cuộc chiến giành nguồn nước cho Crimée, bài toán « trắc nghiệm » cho tính chính đáng của Vladimir Putin tại bán đảo địa chiến lược này.

« Bán đảo Crimée là một ‘‘thiên đường’’ chiến lược quan trọng, bởi vì nơi này cho phép kiểm soát toàn bộ khu vực Hắc Hải. Việc không có nguồn nước là một cơn ác mộng cho nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt. Tự thân bán đảo Crimée đã không có đủ nguồn nước. Khu vực này cũng không thể tự chủ về năng lượng. Crimée không thể tự tồn tại mà không lệ thuộc vào đất liền Ukraina hay như Nga, bởi vì nước này đã sáp nhập bán đảo vào Nga hồi tháng 3/2014.

Ngày nay, nước Nga phải chứng tỏ với người dân Ukraina và với cả nước Ukraina là Nga có khả năng nuôi sống vùng này. Cần phải "truyền sức" bằng đường bộ như xây cầu băng qua eo biển Kertch, nối liền Nga với bán đảo Crimée ; "tiếp sức" cả về tài chính và ngân sách thông qua các dự án đầu tư của chính phủ liên bang Nga ; và đương nhiên là phải cung cấp cả nguồn nước, bởi vì đây chính là điều kiện để mà vùng bán đảo này, vốn không bị ảnh hưởng dịch bệnh, có thể trở nên thịnh vượng, do một trong số các hoạt động chính của bán đảo là nông nghiệp.

Đây thật sự là một bài trắc nghiệm về tính chính đáng của Nga tại Crimée. Việc để mất công luận, mất lòng tin của khu vực có lẽ sẽ làm một thảm họa cho Matxcơva, hiện đang phải đối mặt với nhiều đòn trừng phạt do việc sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. »

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn